Trang trí tượng uyên ương
MANDARIN DUCK FIGURINES
Tác giả bài viết: Tiến sĩ NGÔ THỊ LAN
(Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)
Trong nghệ thuật trang trí trên mái ngói kiến trúc Việt Nam từ thế kỷ 10 đến đầu thế kỷ 15 xuất hiện loại hình trang trí độc đáo đó là tượng uyên ương. Tượng uyên ương thuộc loại tượng tròn (còn gọi là tượng vịt). Mô típ trang trí này đã tạo nên dấu ấn riêng biệt trong nghệ thuật trang trí kiến trúc Việt Nam.
Vậy tượng uyên ương được trang trí như thế nào trên kiến trúc? Sự tiến triển và đặc trưng của tượng uyên ương qua các thời kỳ lịch sử được thể hiện thế nào? Tượng uyên ương có ý nghĩa gì trong trang trí trên mái kiến trúc đương thời?
Dựa trên các dữ liệu khảo cổ học, bài viết sẽ giới thiệu đôi nét về loại hình trang trí này.
* * *
The mandarin duck figurines were a unique decorative architectural element that appeared and existed from the 10th century to the 15th century. In this article, the author focuses on introducing the evolution and characteristics of the mandarin duck figurines through historical periods, as well as its symbolic meaning in contemporary architectural decoration.
According to archaeological findings, the mandarin duck figurines were discovered in about 20 architectural relics dating from the 10th to early 15th centuries in Northern Vietnam. This type of decoration appeared on the roofs of architectural monuments of royal palaces, temples, stupas, or altars. The figurines were related to the royal or religious architectures, or to those of rich and powerful people.
In terms of symbolism, it can be seen that the mandarin duck is similar to the holy Hamsa bird (also called goose or swan) originating from India. This bird was related to the life of the Buddha, to the Buddha’s enlightenment event under the Bodhi tree, when the Buddha bathed in the Niranjana River and was the reincarnation of Buddha. Mandarin ducks are also birds that symbolize love, loyalty, and peaceful life. The popular appearance of the mandarin duck and Bodhileaf shape on important positions of the architectures of the 11th – early 15th century reflected the role of Buddhism in the political, cultural, and social life of the Great Viet state.
x
x x
1. Sự xuất hiện của tượng uyên ương
Theo các phát hiện khảo cổ học, tượng uyên ương đã phát hiện trên 20 di tích kiến trúc có niên đại từ thế kỷ 10 đến đầu thế kỷ 15 ở Bắc Việt Nam. Các di tích này phân bố ở các tỉnh: Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hòa Bình, Ninh Bình… Loại hình trang trí này trang trí trên mái các di tích kiến trúc cung điện, phủ đệ, chùa, tháp, đàn tế… đều liên quan đến các công trình kiến trúc của nhà nước, các công trình tôn giáo hoặc của tầng lớp người giàu có, quyền thế. Tượng uyên tương chưa thấy trang trí trên mái ngói bình dân. Điều đó cho thấy sự trang hoàng lộng lẫy của bộ mái kiến trúc thời kỳ này.
Các bằng chứng khảo cổ học cho thấy tượng uyên ương được trang trí trên các loại ngói: ngói ống, ngói bò nóc và ngói mũi sen. Tượng uyên ương phổ biến trang trí trên ngói bò nóc là trang trí ở chính giữa phần lưng viên ngói và được lợp ở bờ nóc, bờ dải của bộ mái. Đôi khi tượng uyên ương không đứng đơn lẻ mà trang trí kết hợp với các bộ phận trang trí khác như hình lá đề hoặc đầu ngói ống. Hình thức trang trí kết hợp này thường xuất hiện trong thời Trần. Trường hợp tượng uyên ương trang trí ở phần lưng phía đầu viên ngói ống, phần đầu ngói trang trí hoa sen như đã thấy ở Hoàng thành Thăng Long (địa điểm 18 Hoàng Diệu và 11 Lê Hồng Phong). Một kiểu trang trí khác là kết hợp giữa hình lá đề và tượng uyên ương trang trí trên ngói mũi sen ở di tích thời Trần như Tam Đường (Thái Bình).
Trên mái kiến trúc, tùy vào từng vị trí thích hợp mà tượng uyên ương trang trí được gắn thêm các bộ phận trên mái khác nhau: gắn trên ngói bò nóc lợp ở bờ nóc hay bờ dải, gắn trên ngói mũi sen hoặc ngói ống lợp diềm mái. Như vậy, có thể thấy tượng uyên ương được lợp ở mọi vị trí trên mái kiến trúc như diềm mái, nóc mái hay bờ dải mái tạo cho công trình kiến trúc thêm đẹp và trang trọng.
Tượng uyên ương có dáng chung là đầu ngẩng cao, mỏ dẹt hướng lên trên, thân tròn lẳn, đuôi uốn cong lên phía trên. Toàn bộ thân tượng được gắn thêm trên lưng ngói. Tượng uyên ương qua mỗi thời kỳ có những biến đổi và thể hiện những đặc trưng khác nhau.
2. Tượng uyên ương qua các thời kỳ lịch sử
2.1. Tượng uyên ương thế kỷ 10
Tượng uyên ương thế kỷ 10 được biết đến đầu tiên là ở di tích cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Đây có thể coi là di tích mở đầu cho việc phát hiện loại hình trang trí này trên mái kiến trúc ở Bắc Việt Nam. Cuộc khai quật địa điểm 18 Hoàng Diệu ở kinh đô Thăng Long (Hà Nội) đã cung cấp thêm tượng uyên ương có niên đại thuộc giai đoạn này.
Tượng uyên ương thế kỷ 10 có đặc điểm chung là thân tượng có dáng thon lẳn, ngắn, dài hoặc béo mập, uốn cong song song với hướng đuôi. Cổ cao, mỏ dẹt, mắt tròn. Hai cánh khép sát thân. thể hiện hai đến ba lớp lông vũ bằng các đường vạch ngang. Chân không thể hiện rõ. Đuôi ngắn, vuốt nhọn uốn cong lên phía trên từ một đến hai lớp. Lớp lông thể hiện bằng các vạch dọc theo thân đuôi. Giữa di tích Hoa Lư và Thăng Long cũng có sự khác nhau. Quan sát cho thấy lớp lông vũ tượng uyên ương ở di tích Hoa Lư thường thể hiện là những lớp vạch thô và thưa. Trong khi đó, loại tượng này ở Thăng Long thể hiện mềm mại và không thể hiện rõ cánh và chân. Toàn bộ thân tượng để trơn. Tượng uyên ương thế kỷ 10 thể hiện ở hai tư thế: hướng thẳng về phía trước, thu cổ lại hoặc ngoảnh cổ về phía sau, vươn ức. Tư thế ngoảnh cổ về phía sau chỉ thấy trang trí trên kiến trúc Hoa Lư.
Tượng uyên ương thế kỷ 10 có kích thước khá lớn: dài 34-36cm, cao 16- 20cm. Tượng được làm bằng chất liệu đất nung mịn, độ nung cao, màu đỏ, đỏ hồng hoặc đỏ sắc vàng. Tượng trang trí trên ngói bò nóc mà chưa thấy ở các loại ngói khác.
Nhìn tổng thể các chi tiết cấu trúc và đường nét tượng uyên ương thế kỷ 10 đều thể hiện to mập, khỏe mạnh. Các chi tiết đơn giản. Chất liệu đất nung để mộc và không tráng men.
2.2. Tượng uyên ương thế kỷ 11-12
Mô típ trang trí này có mặt ở hầu khắp các di tích thời Lý như chùa Phật Tích, chùa Dạm (Bắc Ninh), tháp Tường Long (Hải Phòng), chùa tháp Long Đọi (Hà Nam), tháp Ngô Xá (Nam Định), kinh đô Thăng Long (Hà Nội).
Tượng uyên ương thời Lý tiếp tục từ thời Đinh, Tiền Lê. Nghiên cứu tổng quan tượng uyên ương ở các di tích thời Lý cho thấy tượng có đặc điểm chung là đầu hướng thẳng về phía trước. Toàn bộ tượng được chạm khắc tỉ mỉ, chi tiết. Các chi tiết của tượng được thể hiện rõ. Tượng uyên ương có nhiều dáng và tư thế khác nhau nhưng nhìn chung có các loại như sau:
Loại 1. Tượng là một khối liền nhau, lưng thể hiện hai lớp nổi cao. Cánh và chân không thể hiện rõ. Lớp lông vũ là những dải chấm hất nhỏ li ti và những băng khắc vạch rất mịn. Loại tượng này hiếm, hiện chỉ thấy trang trí trên mái ngói ở Thăng Long (địa điểm 18 Hoàng Diệu).
Loại 2. Tượng là một khối liền nhau, lưng thể hiện một lớp nổi cao. Cánh không xòe rộng mà cụp lại tạo phần lưng nhô cao thành một khối nổi tròn. Lớp lông hình tam giác nhỏ và những đường khắc vạch ngang mịn. Toàn bộ thân tượng thể hiện lớp lông vũ là hình mép vỏ sò mịn. Loại tượng này thường trang trí trên các di tích kiến trúc có niên đại sớm như chùa Phật Tích (Bắc Ninh) xây dựng năm 1057-1065 và tháp Tường Long (Hải Phòng) năm 1057.
Loại 3. Tượng là một khối liền nhau, lưng thể hiện một khối nổi cao. Thân tượng được làm liền một khối nhưng phần cánh được làm rời sau đó ghép nối với thân. Các chi tiết của tượng thể hiện rõ. Đầu vươn thẳng ngang, các chi tiết mào, mỏ, mang tai và bờm thể hiện rõ. Mồm mở to ngậm ngọc. Cổ dài, uốn cong gấp khúc, vươn ức to mập. Phần cổ tạo hai đường chỉ nổi hai bên, giữa là một băng vạch ngang hoặc để trơn, hai bên thể hiện bằng các nét chấm hất rất chi tiết và dày. Thân tượng có dáng thon lẳn dài hoặc thuôn mập. Lưng phía gần cổ hơi nổi cao thành một khối. Toàn bộ thân tượng phủ kín bằng lông vũ với những dải ấn lõm như hình mép vỏ sò, dải chấm hất mịn tròn, hình tam giác nhỏ hoặc lỗ chấm tròn thưa. Cánh uốn cong từ 3 đến 5 lớp cánh bằng các đường khắc dọc hoặc dấu hỏi. Cánh xòe hơi chếch hướng thẳng lên phía trên hoặc xòe rộng ngang sang hai bên. Đuôi 2 lớp uốn cong, vuốt nhọn ở phần đầu. Chân mập chụm lại, thể hiện rõ móng và khép lại ở tư thế đứng. Phía khuỷu chân thường có dải mây dài uốn cong bay theo chiều thân tượng. Tượng uyên ương loại này phổ biến ở các di tích kiến trúc niên đại thời Lý.
Tượng uyên ương thời Lý được làm bằng chất liệu mịn, độ nung cao. Bên cạnh loại chất liệu để mộc, xương gốm màu đỏ, màu đỏ sắc vàng hoặc màu vàng nhạt, không tráng men là loại chất liệu tráng men màu xanh, xương gốm màu trắng.
Tượng có kích thước trung bình 22 x 14 x 10 (cm), 17 x 6 x 6 (cm), cá biệt có loại kích thước nhỏ 10 x 6 x 5(cm). Tượng được chạm khắc tỉ mỉ, chi tiết bằng kỹ thuật khắc tay trực tiếp và in khuôn. Tuy nhiên, kỹ thuật khắc tay trực tiếp phổ biến hơn thể hiện được các chi tiết tỉ mỉ, những nét chạm khắc nông sâu khác nhau.
2.3. Tượng uyên ương thế kỷ 13 – đầu thế kỷ 15
Tượng uyên ương giai đoạn này trang trí trên mái các di tích kiến trúc có niên đại thời Trần như lăng mộ Tam Đường (Thái Bình), di tích Tức Mặc (Nam Định), kinh đô Thăng Long, chùa Báo Ân (Hà Nội), chùa Thông (Hòa Bình), di tích thời Trần – Hồ như đàn tế Nam Giao (Thanh Hóa).
Tiếp nối nghệ thuật trang trí tượng uyên ương trên mái kiến trúc thời Lý, nghệ thuật trang trí tượng uyên ương trên mái kiến trúc thời Trần vẫn tiếp tục trang trí trên ngói bò nóc, ngói mũi sen nhưng biến đổi phong phú hơn và có thêm loại mới. Tiếp nối truyền thống tượng thời Lý nhưng các chi tiết giản lược hơn nhiều. Nhiều chi tiết và cấu trúc của tượng uyên ương thời Lý không còn nữa như mỏ dẹt, mồm không ngậm ngọc, mào trên mất hẳn, mỏ dài, mang tai và bờm không thể hiện rõ. Cổ ngắn khá thẳng mà không uốn cong như tượng uyên ương thời Lý. Thân tượng tròn mập hoặc thon dài. Lớp lông thể hiện là những đường khắc vạch chìm, những dải chấm hất hình tam giác thưa và thô. Đôi khi thân tượng chỉ được thể hiện là những nét khắc vạch thưa hoặc để trơn. Cánh xòe rộng hoặc hơi cụp lại. Cánh giản lược đi chỉ còn một hoặc hai lớp cánh. Phần lưng tượng khá phẳng, không nổi cao như tượng thời Lý. Đuôi ngắn có từ 1 hoặc 2 lớp với những khắc vạch chìm dọc thân đuôi. Tượng đôi khi chỉ được thu nhỏ như tượng lợp trên ngói bò nóc ở Thăng Long (Hà Nội). Sự giản lược còn cho thấy ở yếu tố kỹ thuật. Bên cạnh kỹ thuật khắc tay trực tiếp, tượng uyên ương thời Trần còn được làm bằng khuôn.
Tượng uyên ương vẫn tiếp nối truyền thống từ thời Đinh – Tiền Lê, thời Lý là thân tượng được làm bằng khối đặc nhưng tượng uyên ương thời Trần, Hồ biến đổi phong phú hơn. Tượng vẫn là khối tượng đặc nhưng thân tượng được làm bằng kỹ thuật ghép từ hai phần nửa thân lại với nhau. Loại tượng này đã thấy ở Thăng Long (địa điểm 18 Hoàng Diệu) và di tích Nam Giao (Thanh Hóa). Thời Trần xuất hiện thêm loại tượng uyên ương được làm bằng khối rỗng ở Thăng Long. Tượng có thân rỗng ở giữa, dáng tượng tròn, mập, ngắn. Cánh ngắn, chân không thể hiện, đuôi một lớp. Lông vũ thể hiện bằng những dải chấm hất hình tam giác thô và những đường khắc vạch chìm.
Tượng uyên ương có kích thước trung bình 14 x 12 x 5 (cm), 16 x 14 x 8 (cm), 10 x 7 x 8 (cm). Tượng vẫn được làm bằng chất liệu đất nung, màu đỏ nhưng chất liệu không được mịn như thời Lý và hiếm thấy loại chất liệu được tráng men.
Nhìn chung, cùng với các loại hình trang trí khác, tượng uyên ương thời Trần, Hồ giản lược đi rất nhiều, thêm kiểu loại mới và phong phú hơn để phù hợp với mái kiến trúc thời kỳ này.
3. Nhận thức chung
3.1. Trang trí tượng uyên ương thể hiện tính truyền thống và đặc trưng thời đại
Xuyên suốt từ thế kỷ 10 đến đầu thế kỷ 15, tượng uyên ương về cơ bản đều có cách thức chung là tượng đều được trang trí dọc theo viên ngói. Tuy nhiên tính đặc trưng thời đại cũng nổi lên rất rõ. Thế kỷ 10, tượng thể hiện sự khỏe khoắn với tư thế vươn mình về phía trước, ngoảnh mặt về phía sau và mang tính cách điệu cao. Thế kỷ 11-12, tượng vẫn tư thế khỏe khoắn nhưng giàu tính hiện thực. Các chi tiết của tượng thể hiện rõ nét, sống động. Bên cạnh việc bảo lưu truyền thống thể hiện là một khối tượng cách điệu từ thế kỷ 10, tượng uyên ương thời Lý còn biến đổi ở những tư thế khác nhau là dang cánh như đang bay hoặc cánh chụm lại. Thế kỷ 13 – đầu thế kỷ 15, tượng có xu hướng đơn giản và phóng khoáng. Bên cạnh khối tượng đặc liền khối như thời kỳ trước, xuất hiện thêm tượng khối rỗng và thân tượng đặc ghép nối từ hai nửa lại với nhau. Nghệ thuật chạm khắc tượng giản lược từ hoa văn đến kỹ thuật chế tác. Từ thế kỷ 15, tượng uyên ương hầu như biến mất nhường chỗ cho tượng nghê trang trí trên mái.
3.2. Tượng uyên ương phản ánh những nét chung và đặc điểm riêng giữa các di tích cùng thời
Tượng uyên ương trang trí trên kiến trúc ở kinh đô Thăng Long có nhiều điểm chung với trang trí ở các di tích kiến trúc cùng thời khác nhưng cũng có những đặc trưng riêng biệt mà chỉ thấy trang trí trên kiến trúc ở kinh đô Thăng Long. Loại tượng uyên ương làm bằng khối đặc liền khối hoặc tượng khối rỗng; tượng được làm bằng chất liệu xương gốm màu trắng tráng men xanh chỉ thấy ở kinh đô Thăng Long mà không có ở nơi khác. Nét chung cho thấy tính thống nhất chung trong trang trí qua mỗi thời kỳ. Nét riêng cho thấy những nét đặc sắc của trang trí kiến trúc kinh đô ở Thăng Long so với các di tích khác.
3.3. Tượng uyên ương phản ánh tinh thần Phật giáo trong xã hội thịnh trị đương thời
Cùng với lá đề và hoa sen, tượng uyên ương là loại hình trang trí phổ biến trên kiến trúc kinh đô và kiến trúc Phật giáo như chùa, tháp, đàn tế… thế kỷ 11 – đầu thế kỷ 15 ở Bắc Việt Nam. Vậy tượng uyên ương xuất hiện trên bộ mái kiến trúc thời kỳ này mang ý nghĩa gì?
Uyên ương hay vịt là tên gọi của các nhà nghiên cứu Việt Nam khi đề cập đến con vật có hình dáng giống con chim trang trí trên kiến trúc thế kỷ 10 đến đầu thế kỷ 15 ở Bắc Việt Nam. Loài chim này gần gũi với chim thần Hamsa (còn gọi là ngỗng hay thiên nga) có nguồn gốc từ Ấn Độ liên quan đến Phật giáo. Loài chim này cũng liên quan đến cuộc đời của Đức Phật, đến sự kiện đại giác của Đức Phật dưới gốc cây bồ đề, khi Đức Phật đã tắm trong dòng sông Ni Liên Thiền (Niranjana) và là hóa thân của Đức Phật (Jean Philippe Vogel 1962: 31, Thích Minh Châu 1991: 7). Uyên ương còn là loài chim biểu tượng cho tình yêu, lòng chung thủy và cuộc sống thanh bình. Sự xuất hiện phổ biến của chim uyên ương và hình lá đề trên các vị trí quan trọng của bộ mái kiến trúc thế kỷ 11- đầu thế kỷ 15 đã làm tăng thêm vẻ đẹp của kiến trúc, phản ánh tính chất của một đất nước mà Phật giáo đang thịnh hành và trở thành tôn giáo chính trong một thời đại thịnh trị.
3.4. Tượng uyên ương cùng với trang trí hình lá đề là những mô típ trang trí độc đáo trên mái các công trình kiến trúc thế kỷ 10 – đầu thế kỷ 15 ở Bắc Việt Nam
Trước thế kỷ 10, trang trí bộ mái chủ yếu là gắn vào đầu ngói ống và trang trí liền thân trên đầu ngói âm. Sự xuất hiện của tượng uyên ương trang trí trên lưng ngói lợp mái kiến trúc là một đóng góp mới, góp phần tạo nên một truyền thống trang trí kiến trúc mới trong các di tích kiến trúc ở Bắc Việt Nam và trở thành đặc trưng nghệ thuật thế kỷ 10 – đầu thế kỷ 15 cùng với các trang trí khác như hình lá đề. Sự xuất hiện của tượng uyên ương trong thế kỷ 10 và phát triển mạnh vào các thế kỷ sau có thể coi là sự phản ánh tinh thần sáng tạo, độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc.
TÀI LIỆU DẪN
1. Thích Minh Châu 1991. Chuyện Tiền thân Đức Phật, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.Hồ Chí Minh.
2. Jean Philippe Vogel 1962. The Goose in Indian Literature and Art. pp. vi + 74; 12 plates. Memoirs of the Kern Institute, No. 2. E. J. Brill, Leiden.
Ghi chú: Hình ảnh minh họa bài viết – Kính mời Quý độc giả xem ở tệp PDF.
Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Thông báo khoa học 2020
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Trang trí tượng uyên ương (Tác giả: TS. Ngô Thị Lan) |