TRI THỨC BẢN ĐỊA của các TỘC NGƯỜI THIỂU SỐ – nhìn từ NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN (Trường hợp vùng ĐÔNG NAM BỘ) – Phần 2
MINORITY ETHNIC GROUPS’ INDIGENOUS KNOWLEDGE
IN SUSTAINABLE DEVELOPMENT: A CASE STUDY
FROM THE SOUTHEAST REGION
NGÔ VĂN LỆ
(Giáo sư, Tiến sĩ, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM)
4. Đánh giá tri thức bản địa trong đời sống của các tộc người
Chúng ta nói nhiều đến tri thức bản địa của các tộc người thiểu số. Đây là một thực tế có tính lịch sử. Bởi phần lớn các tộc người thiểu số, do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà số lượng dân cư ít, lại sinh sống chủ yếu ở vùng cao, vùng sâu. Trong bối cảnh chung, những cộng đồng tộc người thiểu số thường sống xa trung tâm văn minh, ít có điều kiện tiếp xúc với những tiến bộ của khoa học, nên còn bảo lưu nhiều tri thức truyền thống, mang đậm nét dấu ấn địa phương (tri thức bản địa). Ngoài ra, các tộc người đa số, tuy có điều kiện sớm tiếp xúc với những tiến bộ từ các cộng đồng cư dân khác do giao lưu mà có và cũng có thể do năng lực sáng tạo của chính cộng đồng đó, nhưng vẫn có tri thức bản tồn tại.
Chúng tôi cho rằng do nhu cầu phát triển, các cộng đồng dân cư trong những điều kiện cụ thể của mình cũng tích lũy được những tri thức mang tính địa phương, dân gian khá đậm nét. Chẳng hạn, khi nghiên cứu về văn hóa của người Việt Tây Nam Bộ, chúng tôi thấy, bên cạnh những nét chung là sự kế thừa của văn hóa truyền thống, nhưng lại có nhiều nét riêng mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt Tây Nam Bộ – yếu tố sông nước khá đậm nét. Ở đồng bằng sông Cửu Long, hàng ngàn cây số sông rạch tạo thành hệ thống chằng chịt, nhưng lại bám chặt vào mọi nẻo đường. Tại đây lại có chín tỉnh giáp biển, mở cửa thênh thang ra biển cả, nên đường sông, đường biển là mạch máu giao thông giữa các vùng. Trong đời sống hàng ngày, người dân gắn liền với sông nước, nên sông nước có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa và sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam Bộ. Tất cả mọi hoạt động của con người từ sản xuất nông nghiệp (mùa nước nổi), nuôi trồng thủy sản, đến di chuyển, những sinh hoạt vui chơi, lễ hội đều tùy thuộc vào con nước lên xuống. Làng xã (ấp) bám theo các kênh rạch và nhà cửa hướng ra bờ sông, bờ rạch. Bao quanh những làng xã là kênh rạch nên sông rạch đã cung cấp cho người nông dân nguồn lợi thủy sản vô cùng phong phú. Người nông dân có thể khai thác các nguồn lợi đó một cách dễ dàng, đáp ứng những nhu cầu thường nhật. Trong các món ăn ở Tây Nam Bộ có rất nhiều nguyên liệu liên quan đến sông nước như mắm cá đồng, khô cá… Chiếc cầu khỉ nối các bờ kênh rạch như là nét rất điển hình của văn hóa vùng sông nước… Ở vùng sông nước như vậy, phương tiện di chuyển thuận lợi và có hiệu quả nhất là chiếc xuồng. Nhà nào cũng có chiếc xuồng; đi chợ, thăm bạn bè, đám cưới, đám tang, rước bà mụ, rước thầy thuốc đều dùng ghe, xuồng,… Điều đó chứng tỏ rằng, tộc người đa số mặc dù tiếp xúc với nhiều luồng văn hóa khác nhau, nhưng họ vẫn phải xây dựng cho mình hệ tri thức bản địa để thích ứng với môi trường tự nhiên.
Như vậy có thể khẳng định, tri thức bản địa mang tính địa phương và gắn liền với một cộng đồng cư dân cụ thể. Và như vậy cũng có nghĩa là không có tri thức bản địa chung cho mọi cộng đồng dân cư, cho dù họ cùng sinh sống trong một không gian văn hóa nhất định. Trong đời sống hàng ngày, mỗi hiện tượng xã hội, mỗi hành vi trong hoạt động sản xuất sẽ được trải nghiệm theo những kinh nghiệm riêng của mình, dẫn đến cùng một hiện tượng kinh tế, xã hội, tự nhiên nhưng được nhìn nhận từ hai nền văn hóa khác nhau. Tri thức bản địa còn bị chi phối bởi môi trường tự nhiên nơi các cộng đồng dân cư sinh sống. Vì vậy, có thể khẳng định sự đa dạng của tri thức bản địa dẫn đến sự đa dạng của văn hóa (như trong trường hợp các tộc người S’tiêng, Mạ, M’nông phân loại đất, phân loại và khai thác nguồn nước,…).
Như là một thành tố văn hóa của tộc người, tri thức bản địa góp phần làm phong phú văn hóa của chính tộc người đó. Nhưng văn hóa của một tộc người lại luôn có những biến đổi, một phần, do nhu cầu của đời sống, những phong tục kinh nghiệm cũ không còn phù hợp, đòi hỏi phải thay đổi, phần khác, do quá trình giao lưu tiếp xúc giữa các tộc người mà dẫn đến những thay đổi đó. Để đánh giá đúng vai trò của tri thức bản địa, chúng tôi sẽ có những nhận định rõ hơn về những đóng góp của tri thức bản địa trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người. Tất cả mọi xã hội dù ở trình độ phát triển kinh tế – xã hội cao hay thấp, đều có chung một nhiệm vụ là đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của con người về ăn, ở, mặc, phương tiện đi lại, các nhu cầu về văn hóa tinh thần. Nhưng cách thức để đáp ứng các nhu cầu đó lại không giống nhau. Tuy nhiên, có những vấn đề có tính chất chung của nhân loại là để thỏa mãn các nhu cầu đó con người phải biết tổ chức sản xuất. Những tộc người, mà ở đó đã diễn ra phân công lao động xã hội, tính chuyên môn hóa trong sản xuất là rất rõ ràng. Mỗi cộng đồng tùy thuộc vào những điều kiện cụ thể của mình, mà tham gia hoạt động sản xuất trong một lĩnh vực cụ thể. Sự phân công lao động như vậy dẫn đến tính chuyên môn hóa cao, nhưng lại dẫn đến sự phụ thuộc trong sản xuất. Ở Đông Nam Á, do chưa xảy ra phân công lao động xã hội, nên trong một địa bàn cư dân thường thể hiện sự đa nguyên trong hoạt động kinh tế. Nhiều tộc người ở Việt Nam chưa xảy ra sự phân công lao động xã hội, nên không có sự tách bạch một cách rõ ràng giữa các nhóm dân cư trong hoạt động kinh tế. Ở trên một địa bàn dân cư, nền kinh tế tự cung, tự cấp thể hiện rất rõ trong hoạt động kinh tế, đặc biệt tại khu vực cư trú của các tộc người thiểu số. Tại mỗi làng/bản của các tộc người thiểu số, tính đa nguyên trong hoạt động kinh tế là rất rõ. Mỗi làng/bản là một tổ hợp kinh tế bao gồm sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia cầm, trâu, bò… Trong quá trình sản xuất, để đảm bảo cho cuộc sống cộng đồng, mỗi làng/bản tích lũy cho mình những kinh nghiệm (tri thức bản địa) cùng với những yếu tố tín ngưỡng tôn giáo khác góp phần làm nên tính văn hóa của cộng đồng.
Các tộc người thiểu số ở Đông Nam Bộ, như trên chúng tôi đã trình bày, là cư dân nương rẫy, chưa xảy ra phân công lao động xã hội, nên những kinh nghiệm bản địa mà họ tích lũy được, ngoài việc góp phần làm nên tính đa dạng văn hóa, còn góp phần phát triển kinh tế. Ở một địa bàn, rừng núi nhiều, nên trong đời sống hàng ngày, rừng không chỉ là không gian sinh tồn, mà còn là nơi cung cấp nguồn lương thực phẩm quan trọng. Bởi vì, rừng ở Đông Nam Bộ có hệ thực vật và động vật rất đa dạng. Trong bối cảnh hoạt động kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào rừng, thì những tri thức bản địa, mà các cộng đồng cư dân địa phương tích lũy được, đã góp phần phát triển kinh tế. Chẳng hạn, việc phân loại và khai thác những sản phẩm của rừng là những kinh nghiệm để các thế hệ kế tiếp vẫn tiếp tục sống và gắn bó với rừng. Rừng phần lớn là mọc tự nhiên, nên rất đa dạng về chủng loại và quy mô khác nhau. Phân loại rừng để có cách ứng xử riêng đối với từng loại rừng. Rừng già là rừng có nhiều cây to, lâu năm, thường là rừng đầu nguồn, là nơi trú ngụ của các vị thần linh bảo vệ cộng đồng, nên cấm khai thác. Từng cộng đồng, tùy theo truyền thống văn hóa của mình mà có những kiêng cữ riêng. Chính vì lợi ích cộng đồng nên họ đều có ý thức bảo vệ rừng. Ai vi phạm thì căn cứ vào luật tục để xử. Cộng đồng phụ thuộc vào rừng, nên không thể khai thác quá mức tự phục hồi của rừng. Một khi rừng bị khai thác quá đáng sẽ gây nên những thảm họa khôn lường.
Ngày nay, khoa học đã chỉ ra việc khai thác rừng không có quy hoạch sẽ dẫn đến tàn phá rừng, mà hậu quả là xảy ra những đợt lũ quét, lũ ống ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người. Các tộc người S’tiêng, Mạ và M’nông có cách phân loại rừng giống nhau, tức chia thành rừng già, rừng non, rừng ma, rừng đầu nguồn. Trong khi đó, người Chơro ở Bà RịaVũng Tàu lại phân rừng thành bốn loại (bao gồm rừng trảng, rừng già vừa, rừng tre nứa, rừng chồi). Như vậy có thể thấy, các tộc người thiểu số rất có ý thức trong việc bảo vệ rừng. Họ gắn bó với đất rừng, là cư dân “ăn rừng”, nhưng họ không triệt phá rừng khi khai thác. Họ chỉ khai thác những loại rừng nhất định và có những quy định cụ thể để không tận diệt rừng. Đặc biệt, các tộc người thiểu số ở Đông Nam Bộ khi bảo vệ môi trường sống của mình, thường gắn rừng với yếu tố “thiêng” để bảo vệ. Gắn việc khai thác và bảo vệ rừng với yếu tố “thiêng” có ở hầu hết các tộc người thiểu số, khi rừng là nguồn cung cấp thức ăn, vật liệu xây dựng, cây thuốc chữa bệnh… và rừng cũng là lá chắn che chở cho đời sống cộng đồng. Khi con người có niềm “tin” và “sợ” thần linh thì đây là cách bảo vệ rừng tốt nhất.
Người dân luôn gắn bó với cộng đồng, có thể hy sinh cho cộng đồng (hiến sinh cho thần linh), và rất sợ bị cộng đồng ruồng bỏ. Như vậy, những tri thức bản địa có liên quan đến việc bảo vệ và khai thác rừng giúp chúng ta thấy được vai trò của tri thức bản địa trong việc phát triển kinh tế, ổn định xã hội ở các tộc người.
Còn trong khai thác các loại rau để phục vụ đời sống thường nhật cũng thể hiện ý thức bảo vệ nguồn sống của cả cộng đồng. Như đã trình bày, trong xã hội của các tộc người thiểu số bản địa ở Đông Nam Bộ cho đến đầu thế kỷ XX, chưa có sự phân hóa sâu sắc, nên đất rừng là sở hữu của cả cộng đồng. Vì vậy, mọi thành viên trong cộng đồng tự do khai thác, nhưng không được tận diệt như chặt cây để hái trái hoặc đào cây trong rừng về trồng ở nhà.
Khi hái rau chỉ hái lá non, chỉ được bẻ măng vừa lên, còn những măng đã lên cao có đốt thì không được bẻ. Hoặc khi đào những loại củ (như củ mài), dùng thuổng có lưỡi dài, đào một bên dọc theo gốc xuống đến hết củ, sau đó giật gốc nghiêng của lỗ đào để lấy củ lên. Như là một nguyên tắc, khi lấy củ lên, người đào sẽ cắt phần gốc dây (chỗ gần với củ) cắm xuống ngay chỗ vừa đào, lấp đất lại để cây tiếp tục phát triển cho sản phẩm của vụ sau. Việc làm này là điều bắt buộc và trở thành ý thức của cộng đồng khi khai thác sản phẩm tự nhiên.
Khi đi săn thú, người dân cũng chỉ săn trong phạm vi rừng thuộc sở hữu cộng đồng, họ chỉ săn những loài thú nhỏ. Khai thác các nguồn lợi trong rừng, trong bối cảnh của nền kinh tế “tước đoạt”; như là một nguyên tắc, người dân chỉ khai thác những gì mà cộng đồng cho phép. Khai thác rừng để phục vụ đời sống của gia đình và cả cộng đồng, nhưng không “tận diệt”, đó là bài học cho cuộc sống hôm nay, khi đất rừng ngày một thu hẹp và cây rừng cũng ngày một cạn kiệt.
Việc khai thác các nguồn lợi của rừng để phục vụ đời sống diễn ra trong suốt quá trình dài, khi nền kinh tế “tước đoạt” vẫn là phương thức hoạt động chủ yếu của các tộc người chưa tiến tới định canh, định cư. Những quy tắc có tính bắt buộc ở các cộng đồng được thể hiện trong luật tục là khai thác nhưng không mang tính triệt phá, khai thác để phục vụ đời sống nhưng chỉ được ở mức độ sao cho thế hệ sau vẫn có nguồn tài nguyên đó để khai thác.
Tư duy phát triển bền vững chỉ xuất hiện ở thế kỷ XX, nhưng những quy định trong việc khai thác nguồn lợi của rừng ở các tộc người thiểu số đã được thực hiện từ rất lâu. Rõ ràng, những kiến thức mà cư dân các tộc người thiểu số tích lũy trong quá trình sản xuất, khai thác nguồn lợi của rừng đã góp phần phát triển kinh tế, ổn định để phát triển.
Nước là một nhu cầu rất cần thiết cho con người. Ở các tộc người thiểu số ở Đông Nam Bộ, do canh tác chủ yếu vào mùa mưa, theo hình thức quảng canh, nên không có hệ thống tưới tiêu. Khai thác nước để phục vụ sản xuất chỉ thấy ở các tộc người trồng lúa nước, đòi hỏi phải có hệ thống thủy lợi. Vì vậy, nước chủ yếu phục vụ cho đời sống hàng ngày. Để có thể ổn định và phát triển, việc tìm kiếm những địa bàn phù hợp là rất cần thiết. Vì vậy, đối với người M’nông cũng như đối với các tộc người khác, khi chọn địa điểm lập làng phải gần sông, suối; đây cũng là yếu tố ưu tiên hàng đầu. Lập làng gần sông, suối, trước hết, để việc cung cấp nước cho sinh hoạt được thuận lợi dễ dàng, đây là điều quan trọng nhất, giúp cho cộng đồng có thể trụ lại lâu dài. Mặt khác, sông, suối cũng là nơi cung cấp nguồn thức ăn cho cộng đồng.
Các tộc người thiểu số trong địa bàn nghiên cứu chủ yếu sử dụng nguồn nước cho mục đích sinh hoạt, mà không hướng tới việc sử dụng nguồn nước đó cho sản xuất. Do sử dụng nguồn nước cho sinh hoạt, nên tác động của nước đến đời sống cộng đồng là dễ nhận thấy. Vì vậy, ở hầu hết các tộc người, trong luật tục đều có những quy định về nước và nguồn nước. Trong các xã hội truyền thống, khi mà chưa có luật pháp thì luật tục giữ vai trò quan trọng trong điều tiết các mối quan hệ trong cộng đồng. Điều dễ nhận thấy là cho dù có luật tục, nhưng bao giờ cũng phải gắn với yếu tố thiêng. Con người trong cộng đồng từ nhỏ đã tắm mình trong không gian văn hóa, những luật tục của cộng đồng cũng được truyền dẫn trong môi trường văn hóa đó. Vì vậy, việc gắn liền yếu tố thiêng với trừng phạt là cách hiệu quả nhất để duy trì sự ổn định của cộng đồng. Rõ ràng trong bối cảnh của các tộc người còn dừng lại ở những thang bậc thấp của sự phát triển, thì việc gắn yếu tố thiêng trong mọi lĩnh vực của đời sống dường như là một phương thức tối ưu. Tri thức bản địa trong quản lý cộng đồng về khai thác và bảo quản nguồn nước là tránh không để xảy ra ô nhiễm. Người dân có ý thức khi có con vật chết, sẽ không vất bừa bãi, mà chôn để tránh ô nhiễm. Như vậy có thể thấy, tuy sự hiểu biết của cộng đồng về vệ sinh môi trường còn rất hạn chế, nhưng người dân vẫn có ý thức chôn cất súc vật. Đây là thói quen rất đáng trân trọng trong bối cảnh hiện nay, khi mà môi trường bị ô nhiễm đang là một trong bốn vấn đề nan giải của xã hội hiện đại2. Khi có người sử dụng phương thức săn bắt, nhất là săn bắt cá, bằng các loại độc dược, gây ô nhiễm nguồn nước, thì rất cần cảnh báo để tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra. Những tri thức đó, rõ ràng được tích lũy trong thực tế, nhưng cũng rất hiệu quả trong bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho cả cộng đồng. Ngày nay, khi khoa học đã đạt tới đỉnh cao, tác động gây bệnh qua nguồn nước là rất lớn, không chỉ ảnh hưởng tới một cộng đồng cư dân nhỏ lẻ, mà nhiều khi vượt ra khỏi không gian một quốc gia. Các sông suối thường có nguồn thủy sản dồi dào, có thể góp phần vào việc cải thiện bữa ăn. Việc dựa vào những kinh nghiệm tích lũy để lựa chọn những địa điểm gần sông suối, đáp ứng các nhu cầu về nước sinh hoạt, về di chuyển, về khai thác nguồn thủy sản cho cộng đồng, để lập làng, sẽ giúp cho tính ổn định của cộng đồng trong sản xuất, trong các khía cạnh đời sống khác.
__________
2 Bốn vấn đề có tính toàn cầu là: a) xung đột tộc người tôn giáo; b) vấn đề gia tăng dân số; c) vấn đề đói nghèo; d) vấn đề môi trường.
Để ổn định và phát triển, trong điều kiện cụ thể của mình, các tộc người thiểu số bản địa ở Đông Nam Bộ có những kinh nghiệm trong chăm sóc sức khỏe. Người dân biết khai thác các nguồn dược liệu để chữa bệnh. Trong rừng có các loại cây có thể khai thác làm thuốc chữa bệnh. Mỗi tộc người có những kinh nghiệm riêng để khai thác nguồn dược liệu phục vụ cộng đồng. Trong bối cảnh chung, khi y học hiện đại chưa có điều kiện để đáp ứng nhu cầu của nhân dân, thì việc khai thác nguồn dược liệu quý đó để chữa bệnh là điều cần thiết.
Không chăm sóc sức khỏe tốt có thể dẫn đến bệnh tật, nhất là những bệnh dịch, làm tổn hại sức khỏe cũng như của cải. Vì vậy, khi có bệnh dịch người ta phải cầu khấn thần linh, đi tìm những nguyên nhân gây ra bệnh dịch. Trong nhiều trường hợp họ phải di chuyển chỗ ở.
Đây là vấn đề khó khăn khi trên một địa bàn có nhiều cộng đồng dân cư cùng sinh sống. Do đó, những tri thức bản địa tích lũy được trong chữa bệnh góp phần tích cực vào việc ổn định đời sống cộng đồng.
Để ổn định cộng đồng và phát triển kinh tế – xã hội, những kinh nghiệm tích lũy được đã được thể hiện trong bộ luật mang đậm dấu ấn địa phương, gắn liền với cộng đồng- đó là luật tục. Luật tục có ở hầu hết các tộc người, kể cả các tộc người đa số (như hương ước của các làng người Việt). Đây là bộ luật bất thành văn, đề cập đến tất cả các khía cạnh của đời sống cộng đồng.
Luật tục là tập hợp những tri thức của cộng đồng thành những quy định có tính chất bắt buộc đối với mọi thành viên trong cộng đồng tộc người. Luật tục mang đậm yếu tố địa phương, gắn liền với một cộng đồng cụ thể. Như vậy, thực chất luật tục là tri thức bản địa của một cộng đồng. Những quy định trong luật tục có tính bắt buộc đối với mọi thành viên trong cộng đồng. Thành viên của một cộng đồng không chỉ có trách nhiệm thực hiện theo luật tục, mà còn có nghĩa vụ giúp những thành viên khác thực hiện. Luật tục của các tộc người mang đậm yếu tố văn hóa tộc người. Mỗi tộc người có luật tục của mình, không có luật tục chung cho mọi cộng đồng sinh sống ở những điều kiện tự nhiên cụ thể khác nhau; từ thực tế hoạt động sản xuất, tổ chức đời sống xã hội và các mối quan hệ khác đã hình thành tri thức bản địa. Trải qua thực tiễn của đời sống sản xuất và hoạt động xã hội, những tri thức địa phương đó dần trở thành luật tục để các thành viên trong cộng đồng thực hiện. Luật tục với tư cách là một công cụ để quản lý và điều hòa các mối quan hệ xã hội ở một giai đoạn lịch sử nhất định, nên nó phản ánh thực tại xã hội. Luật pháp phản ánh xã hội thông qua ý chí và nguyện vọng của giai cấp thống trị, nên nó mang tính áp đặt ý chí và nguyện vọng đó lên toàn xã hội. Còn luật tục là sản phẩm của thực tiễn xã hội, tương thích với từng cộng đồng nhỏ có giới hạn (là sản phẩm của cộng đồng). Luật tục của các tộc người thiểu số là một biểu hiện hài hòa giữa quản lý và tự quản, giữa áp đặt và tự nguyện, nó thể hiện tính đồng thuận của cộng đồng về các phương diện sinh hoạt kinh tế, xã hội và văn hóa. Mặt khác, trong thực thi luật tục luôn có sự gắn kết giữa giáo dục và trừng phạt. Đây có thể xem là một kinh nghiệm quý báu trong kho tàng tri thức bản địa trong quản lý cộng đồng.
Ở hầu hết các tộc người, luật tục thuộc phạm trù văn hóa, nó liên quan trực tiếp với đời sống tâm linh, đến các vị thần linh. Vì vậy, khi ai đó trong cộng đồng vi phạm luật tục đều trực tiếp hay gián tiếp xúc phạm tới thần linh. Do vậy, những người vi phạm không chỉ bị trách phạt, mà còn phải thực hiện các nghi lễ tạ lỗi thần linh, nhất là các lỗi lầm liên quan đến đất đai, rừng rú, nguồn nước. Việc thực hiện các nghi lễ sau khi xử còn có ý nghĩa hòa giải trước sự chứng kiến của thần linh và cộng đồng, làm mất đi những khả năng có thể xảy ra xung đột. Rõ ràng các tộc người thiểu số, trong đời sống hàng ngày đã biết kết hợp luật tục với văn hóa tín ngưỡng để giải quyết một cách hiệu quả các xung đột cộng đồng.
Như vậy, có thể thấy, tri thức bản địa của các tộc người gắn liền với một địa phương, một cộng đồng (tri thức bản địa mang tính địa phương) và luôn thay đổi. Tri thức bản địa không chỉ có ở các tộc người thiểu số, mà còn thấy trong các tộc người đa số. Về phương diện văn hóa, do tri thức là những gì được tích lũy trong quá trình sản xuất và tổ chức đời sống của cộng đồng, nên tri thức bản địa góp phần làm phong phú văn hóa của các tộc người. Tri thức bản địa còn góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Ngoài ra, tri thức bản địa được thể hiện trong luật tục cũng góp phần tạo nên sự ổn định của cộng đồng trong tiến trình phát triển chung. Tri thức bản địa luôn gắn liền với một cộng đồng cư dân và một địa bàn cụ thể, nên dẫn đến tính đa dạng văn hóa của một tộc người. Tri thức bản địa có vai trò nhất định trong đời sống văn hóa của một tộc người. Tri thức bản địa là những kiến thức, kinh nghiệm được tích lũy và truyền dẫn qua nhiều thế hệ, góp phần làm phong phú văn hóa của một tộc người. Vậy phải làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị của tri thức bản địa trong bối cảnh hiện nay? Đây là một vấn đề có tính nguyên tắc ở tất cả các nước trên thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển, nơi có xuất phát điểm thấp so với các nước khác và với những truyền thống văn hóa của mình. Muốn phát triển kinh tế, xã hội để hội nhập vào dòng chảy chung của nhân loại thì không thể giữ nguyên mô hình tổ chức xã hội truyền thống (văn hóa truyền thống), nhưng phát triển mà không giữ được chính mình, thì không một tộc người nào, một quốc gia nào mong muốn.
Phát triển và phát triển bền vững kinh tế, xã hội, đảm bảo công bằng xã hội, an ninh đã và đang là xu hướng chủ đạo của các quốc gia trên thế giới. Việc thực hiện những chính sách trong phát triển kinh tế, xã hội hiện nay ở các nước là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những thay đổi của đời sống kinh tế – xã hội, văn hoá của cả nước, của từng vùng, của một tộc người, đặc biệt những thay đổi diễn ra mạnh mẽ ở các tộc người thiểu số.
Quá trình hình thành cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam gắn liền với quá trình mở rộng lãnh thổ, xác lập chủ quyền, thực thi chủ quyền, bảo vệ chủ quyền cùng với quá trình di dân từ Trung Quốc sang, làm cho thành phần tộc người ở nước ta khá đa dạng. Một quốc gia đa tộc người thường là quốc gia đa văn hóa. Những đợt di dân lớn nhỏ diễn ra trong thời gian dài, cùng với công cuộc dựng nước và giữ nước dẫn đến sự cộng cư của các thành phần tộc người trên một địa phương cũng như trên phạm vi cả nước. Cũng do sinh sống trên các địa bàn khác nhau, nên các tộc người tích lũy những tri thức bản địa khác nhau, góp phần làm phong phú văn hóa của từng tộc người, của văn hóa Việt Nam. Các dân tộc thiểu số ở nước ta chủ yếu cư trú ở miền núi. Đây là địa bàn chiến lược có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là nơi có tiềm năng mọi mặt để góp phần xây dựng đất nước. Tuy nhiên, đây cũng là vùng có nhiều khó khăn trong đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, nơi còn bảo lưu nhiều nét của đời sống văn hóa, rất bất cập trong xây dựng hiện nay. Vì vậy, ở Việt Nam, do đặc điểm lịch sử, kinh tế, xã hội, mà trong chính sách phát triền kinh tế, xã hội luôn dành nhưng ưu tiên có thể có được cho phát triển kinh tế các tỉnh miền núi, nơi các tộc người thiểu số sinh sống.
5. Kết luận
Tri thức bản địa là một thành tố văn hóa của tộc người, góp phần làm đa dạng văn hóa tộc người. Trong bối cảnh hiện nay, tri thức bản địa đã bị thay đổi nhiều do sự tác động của nhiều nhân tố, nhất là những tác động từ những thành tựu của khoa học công nghệ. Tuy không giữ vai trò quan trọng như trong xã hội truyền thống, nhưng những tri thức bản địa vẫn còn tiềm ẩn như là những thành tố văn hóa, mà còn vận hành trong đời sống hiện tại (như trong chăm sóc sức khoẻ, trong ổn định xã hội, trong cố kết cộng đồng). Các tri thức bản địa cùng với các nguồn lực xã hội góp phần tạo nên sức mạnh để các tộc người phát triển. Tri thức bản địa đã có những thay đổi nhưng cần xem xét những thành tố nào còn phù hợp, cái nào không phù hợp để từ đó hoạch định chính sách bảo tồn, coi đó như nguồn lực phát triển xã hội của các tộc người thiểu số trong bối cảnh hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phan An, 2001, Luật tục Stiêng và vấn đề đất rừng ở Bình Phước hiện nay, Tạp chí KHXH, số 1,2001,trg.160-166.
2. Vi Văn An, 2008, Tri thức dân gian của người Thái trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên, Tạp chí Dân tộc học, số 1, 2008, tr.15-23.
3. Hoàng Hữu Bình, 1998, Tri thức địa phương và sự phát triển bền vững, Tạp chí Dân tộc học, số 2, 1998.
4. Ngô Đức Thịnh, 2003, Tìm hiểu luật tục của các tộc người ở Việt Nam, NXB KHXH.
5. Ngô Văn Lệ và ctg, 2016, Tri thức bản địa của các tộc người thiểu số ở Đông Nam Bộ trong tiến trình phát triển xã hội Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia – Sự Thật.
6. Ngô Văn Lệ, 2017, Nghiên cứu tộc người và văn hóa tộc người: Tiếp cận nhân học phát triển, NXB ĐHQG-HCM.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay. ISBN: 978-604-73-7135-8. NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ trang 1183 đến trang 1197)
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)