Triết lí âm dương trong tang lễ truyền thống Việt – Hàn

YIN-YANG PHILOSOPHY IN VIETNAMESE AND KOREAN
TRADITIONAL FUNERAL

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  BÙI THỊ THOA
(Trường Đại học Đà Lạt)

TÓM TẮT

     Việt Nam và Hàn Quốc đều tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa Hán, trong đó có triết lí âm dương. Tuy nhiên, việc ứng dụng triết lí này vào đời sống vật chất và tinh thần… ở hai dân tộc lại có những điểm khác biệt. Bài viết này tìm hiểu về những tương đồng và dị biệt trong việc ứng dụng triết lí âm dương vào các nghi thức tang lễ truyền thống của người Việt và người Hàn.

Từ khóa: triết lí âm dương, tang lễ truyền thống, Việt Nam, Hàn Quốc.

ABSTRACT

     Both Vietnam and Korea have adapted a lot of Chinese cultural elements, including the yin-yang philosophy. However, the ways the two nations apply this philosophy in material and spiritual life are different. This article investigates the similarities and differences between Vietnamese and Korean applications of yin-yang philosophy in traditional funeral rituals.

Keywords: yin-yang philosophy, traditional funeral, Vietnam, Korea.

x
x x

1. Mở đầu

     Kể từ khi Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ (22-12-1992) đến nay, mối quan hệ hợp tác – hữu nghị giữa hai nước đã trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển. Ngày nay, mối quan hệ ấy đã được nâng lên mức đối tác và hợp tác chiến lược với tốc độ phát triển chưa từng có, đồng thời trở thành hình mẫu cho các mối quan hệ quốc tế. Vì thế, sự giao lưu giữa hai nước không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế, chính trị mà lĩnh vực văn hóa cũng đã thực sự trở thành đối tượng quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu.

     Lịch sử hai quốc gia đã chứng kiến những ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ của văn hóa Hán trên nhiều phương diện như thể chế chính trị, các học thuyết tư tưởng, các phong tục tập quán… Vì vậy, Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành những nước đồng chủng đồng văn.

     Trong nhiều yếu tố văn hóa có nguồn gốc Trung Hoa, triết lí âm dương được xem là một trong những nội dung có sự lan tỏa mạnh và thấm đẫm trong đời sống vật chất và tinh thần cư dân Việt, Hàn. Tuy nhiên, trên cơ sở tiếp thu triết lí âm dương của Trung Hoa, người Việt và người Hàn lại có những ứng dụng vào cuộc sống vật chất và tinh thần của họ theo những cách thức không hoàn toàn giống nhau. Bài viết này tập trung tìm hiểu một số tương đồng và dị biệt trong việc ứng dụng triết lí âm dương vào các nghi thức tang lễ truyền thống của người Việt và người Hàn.

2. Ứng dụng triết lí âm dương trong tang lễ truyền thống Việt – Hàn

     2.1. Quan niệm về cái chết

     Theo quan niệm của người Việt, chết không phải là đã hết mà là đi về thế giới bên kia, về cõi vĩnh hằng, không phải là sang cõi âm mà là về cõi âm – về nơi gốc gác của con người – hay “sống gửi thác về”. Người Việt cũng tin rằng ở thế giới bên kia, con người sẽ tiếp nhận hậu quả của cuộc sống trước đó do bản thân họ tạo ra. Vì vậy, trong cuộc sống hiện tại, con người luôn cố gắng sống tốt hơn với nhau để khi sang thế giới bên kia họ sẽ được hưởng những điều tốt đẹp: những người theo Phật giáo thì quan niệm chết là được lên Niết Bàn, các tín đồ Công giáo lại tin rằng linh hồn được lên Thiên Đàng. Có thể thấy, việc xem cái chết như là sự đưa tiễn người quá cố về thế giới khác và thói quen sống bằng tương lai chính là một sản phẩm của triết lí âm dương [6, tr.147].

     Với quan niệm chết là một sự thiêng liêng, ông cha ta đã sử dụng nhiều từ hoa mĩ để chỉ cái chết như hai năm mươi, về chầu tổ, quy tiên, từ trần, đi xa, khuất núi… Xuất phát từ truyền thống “uống nước nhớ nguồn” nên việc tang chính là “việc hiếu”, thể hiện tình cảm của người đang sống đối với người quá cố. Do đó, các công tác chuẩn bị cũng như các nghi thức tang lễ được người Việt rất xem trọng. Bởi ngoài tính huyết thống gia tộc, việc tang còn mang tính xã hội sâu sắc, không riêng của gia đình mà chung của làng xã. Từ lâu, vấn đề tang lễ đã trở thành một quy phạm đạo đức, được xây dựng thành các nghi thức và trở thành một phong tục tập quán của người Việt.

     Quan niệm về cái chết của người Hàn cũng có nhiều điểm khá tương đồng với người Việt. Đối với họ, tang lễ là nghi lễ cuối cùng của đời người, song đây là nghi lễ quan trọng nhất trong quan hôn tang tế. Với người Hàn, cái chết đánh dấu sự kết thúc ở thế giới bên này nhưng lại là sự mở đầu cho thế giới bên kia. Theo triết lí âm dương, quan niệm ấy tương ứng với quy luật về quan hệ phát triển của âm dương: khi âm thịnh thì dương suy, khi dương thịnh thì âm suy. Khi dương suy đến cùng cực thì phát triển thành âm, khi âm suy đến cùng cực thì tất sẽ sinh dương. Sự thiêng liêng trong cái chết chính là cơ sở để người Hàn thực hiện việc chuẩn bị cho tang lễ rất chu đáo, long trọng và xem đó như là sự đưa tiễn người quá cố.

     Do quan niệm cái chết là sự mở đầu cho một cuộc sống khác nên trong phong tục tang lễ truyền thống người Hàn có hai đặc điểm: Thứ nhất, tang lễ liên quan đến thế giới âm nên mọi nghi lễ đều tuân theo đặc tính của âm (dùng số chẵn, phương vị và màu sắc đều hướng về phương Tây – âm tính – màu trắng); Thứ hai, những người chết già được xem như việc vui mừng (kiệu tang cũng được trang trí rất sặc sỡ). Chúng ta có thể nhận thấy điều này qua tác phẩm Văn hóa Hàn Quốc, những điều bí ẩn của Joo Kang Huyn. Theo ông, tại đảo Jin thuộc tỉnh Cheol-lanam (mảnh đất ở phía Nam bán đảo Hàn) vẫn còn lưu giữ phong tục tang lễ rất độc đáo luôn thu hút sự quan tâm của thế nhân. Trong đám tang tại nhà tang chủ, người ta tổ chức một trò chơi gọi là Tasi-rae-gi vào ban ngày trước khi đưa tang. Hai người được lựa chọn để đóng tang chủ giả và anh hề. Họ trong vai “kẻ bán, người mua”, vừa diễn kịch vừa hát múa và kể chuyện vui để an ủi tang chủ:

     Tang chủ giả: Không bán ở nhà có đám tang thì bán ở đâu?

     Anh hề: Buôn cái gì? Bán cái gì?

     Tang chủ giả: Cái mà nhà có đám tang cần bán đã rõ rành rành rồi còn gì?

     Anh hề: Rõ ràng?

     Tang chủ giả: (Nói nhỏ) Bán cái xác của bố cái hĩm thằng cu chứ còn bán cái gì nữa?

     Anh hề: Ối giời! Đúng là tang chủ thật rồi.

     Tang chủ giả: Đúng là không biết cái cóc gì hết. Không phải là tôi buôn bán để kiếm tiền mà để cân xem bố cháu đáng giá bao nhiêu. Làm như vậy để kiếm tiền làm đám giỗ cho bố cháu. Nào thì phải xây bia, làm mộ, và quan trọng nhất là định thử tinh thần hợp tác nữa. Cách buôn bán của tôi thật là hiếu thảo và lành mạnh phải biết bao? [4, tr.302 –
303].

     Cũng theo tác giả, ở vùng An-dong, tỉnh Kyung-buk, trong tang lễ thì người khó tính nhất cũng phải mặc đồ tang, vừa đi vừa giả khóc, vừa than vãn.

     “Ối giời ôi, ông/bà chết thế là tốt.”

     “Giời ơi, giời hỡi, ai cũng chết, chết cả rồi!”

     “Giời ơi, giời hỡi, mới ngày nào bị bệnh mà nay chết rồi.”

     “Sống được bao lâu mà đã chết rồi?”

     “Ôi, mát cả lòng cả dạ.” [4, tr.305].

     Nhìn chung, quan niệm về cái chết ở người Việt và người Hàn là khá tương đồng: đó chỉ là sự bắt đầu cho một thế giới mới, thậm chí chết già còn là sự vui (Hàn). Với người Việt, khi người chết già thì cháu chắt còn được đội tang vàng, tang đỏ – là những màu của sự vui vẻ (dương) khác với màu trắng – màu tang tóc (âm). Tuy nhiên, trong các nghi thức tang lễ cụ thể, triết lí âm dương đã được người Việt và người Hàn ứng dụng linh hoạt theo những cách thức riêng.

     2.2. Một số nghi thức trước khi an táng

      Lúc lâm chung:

     Đối với người Việt, khi một thành viên trong gia đình vừa tắt thở, người ta sẽ làm lễ khiết xỉ – tức là lấy một chiếc đũa đặt ngang miệng người chết để miệng hé ra cho dễ dàng làm lễ phạn hàm. Sau khiết xỉ là lễ hạ tịch hay hạ thổ – tức trải một chiếc chiếu xuống đất rồi đặt người chết xuống chiếc chiếu ấy một vài phút để lấy khí đất. Bởi theo quan niệm âm dương, chết là “sự trở về với cõi âm” nên phải làm như vậy để lấy khí đất cho hợp lẽ âm dương đối với người chết [7, tr.15]. Trong thực tế, khi người đã chết thì toàn bộ các cơ sẽ cứng lại, việc đặt thi hài xuống đất sẽ khiến các cơ lấy đủ khí đất không còn cứng nữa giúp cho việc buộc vải liệm được chặt hơn và khi nhập quan được dễ dàng.

     Khi gia đình người Hàn có người đang hấp hối sẽ được thân nhân đưa vào phòng hậu sự theo quy tắc – nam vào phòng sarangbang/사랑방/ – phòng khách, nữ vào phòng trong. Điều này cũng xuất phát từ tâm lí chung của cư dân phương Đông: nam là những người hoạt động ngoài xã hội/hướng ngoại (dương), nữ lo toan công việc trong gia đình/hướng nội (âm). Người Hàn quan niệm phòng hậu sự có ý nghĩa rất quan trọng đối với người quá cố. Đặc biệt, khi đặt người chết vào phòng, điều chú ý là phải đặt đầu quay về hướng Đông và chân về hướng Tây. Bởi hướng Đông là hướng mặt trời mọc nên có nhiều sinh khí.

      Trong lễ phạn hàm (banham/반함):

     Người Việt và người Hàn đều dùng 3 đồng tiền kim loại và gạo để thực hiện nghi lễ này với các bước khá giống nhau: Bước 1, bỏ 1 đồng tiền và ít gạo vào miệng người chết từ bên phải; Bước 2, bỏ 1 đồng tiền và ít gạo vào miệng người chết từ bên trái; Bước 3, bỏ 1 đồng tiền và ít gạo vào chính giữa miệng người chết. Người ta làm như vậy bởi họ tin rằng người chết sẽ dùng số tiền và gạo đó ăn tiêu dọc đường khi sang thế giới bên kia. Song nhìn từ góc độ khoa học và áp dụng theo nguyên lí âm dương thì việc bỏ gạo khô (dương) vào miệng người chết, khi gạo gặp ẩm – khí bốc ra từ miệng người chết (âm) sẽ trương lên bịt kín miệng sẽ khiến những khí độc, dơ bẩn không thể bay ra ngoài. Mặt khác, tiền đồng là kim loại, khi gặp dịch vị của người qua đời ứ lên (dịch vị là acid) thì tà khí bị triệt tiêu nên không thể bay ra ngoài gây ô nhiễm môi trường [7, tr.16].

      Tục cúng cơm cho người quá cố (seol cheon/설전):

     Đây là một nghi thức quan trọng trong tang lễ truyền thống Việt – Hàn. Đối với người Việt, ngoài việc thắp hương và nến thì trên nắp quan tài không thể thiếu bát cơm trứng. Đây là một nghi lễ cổ xưa với quan niệm người chết về thế giới bên kia vẫn cần có thức ăn (đây là suất ăn dọc đường khi về với tổ tiên). Người Việt thường xới 2 bát cơm úp lồng vào nhau (một bát cơm ta thường ăn là dương, nhưng khi hai bát úp lồng vào nhau lại trở thành âm) rồi đặt quả trứng giữa hai chiếc “đũa bông” được cắm thẳng đứng ở giữa bát cơm. Sở dĩ gọi là đũa bông bởi vì nếu lấy đôi đũa bình thường thì là trần tục, nên người ta phải lấy thanh tre mới, vót tua rua ở đầu như bông hoa nên gọi là đũa bông. Quả trứng tròn là dương. Việc cúng bát cơm quả trứng bắt nguồn từ thuyết xa xưa về âm dương. Có âm – dương mới sinh ra muôn loài, sinh ra con người. Thời cổ đại, Khổng Tử đã từng nói: “Hữu thiên địa nhiên hậu hữu âm dương, hữu âm dương nhiên hậu hữu nam nữ, hữu nam nữ nhiên hậu hữu phu thê, hữu phu thê nhiên hậu hữu phu tử” – Nghĩa là: có trời đất rồi mới có âm dương, có âm dương rồi mới có nam nữ, có nam nữ rồi mới có vợ chồng, có vợ chồng rồi mới có con cái [7, tr.34].

     Như vậy, nghi thức cúng bát cơm quả trứng trong tang lễ truyền thống của người Việt chính là một nét nổi bật chứng tỏ ảnh hưởng sâu đậm bởi triết lí âm dương: bát cơm là đất mẹ (âm), tua bông là mây trời (dương), đôi đũa nối âm dương hòa hợp. Theo cách giải thích của những nhà Nho thì tua rua bông tượng trưng cho thế giới hỗn mang, trong hỗn mang hình thành nên thái cực (tượng trưng bằng bát cơm), thái cực sinh lưỡng nghi (đôi đũa), có lưỡng nghi (âm dương) là có sự sống (tượng trưng bằng quả trứng) [6, tr.148]. Tóm lại, toàn bộ nghi thức này đã toát lên mong muốn và sự cầu chúc cho người quá cố sớm đầu thai trở lại.

     Tại Hàn Quốc, hiện chúng tôi chưa bắt gặp tài liệu nào nói về việc cúng cơm như cách thức của người Việt. Song thay vào đó, ngoài việc cúng cơm người mất, bếp chủ còn phải chuẩn bị một mâm cỗ để cúng cho quỷ sa tăng gồm cơm, các loại rau, một đôi dép rơm, tiền. Tục này gọi là sa cha pap/사자밥/ tử giả phạn. Người Hàn quan niệm làm như thế để tránh quỷ sa tăng vào ăn tranh phần cơm của người chết. Tuy nhiên, chúng tôi không nhận thấy những ứng dụng của triết lí âm dương trong tục cúng cơm người quá cố ở Hàn tộc.

      Nghi thức phúng viếng và vái lạy khi cúng cơm:

     Theo triết lí âm dương, âm ứng với số chẵn, dương ứng với số lẻ. Do đó, mọi thứ liên quan đến người chết đều là số chẵn. Trong tang lễ của người Việt, khi khách đến viếng người quá cố thì vái 2 vái. Sau khi khách vái xong, con trai trưởng hoặc thân nhân của người quá cố đáp lại 1 vái – gọi là đáp từ. Hàm ý của tục này là xin nhận 1 vái còn gửi lại 1 vái. Bởi theo quan niệm của nhân dân ta, dù người đã chết nhưng chưa chôn xuống đất thì chưa thành ma (nghĩa là vẫn như người còn sống) nên người phúng viếng vái 2 vái, các con hoặc người thân chỉ nhận 1 vái. Trong nghi thức cúng cơm cho người quá cố khi linh cữu còn quàn tại nhà, dưới sự điều khiển của đội nhạc hiếu, tang chủ và thân nhân người quá cố sẽ cúng cơm. Sau nghi lễ tiến thực (dâng cơm), tiến tửu (dâng rượu), mọi người đều cúi lạy 2 lạy (âm).

     Đối với người Hàn, tục phúng viếng người quá cố và chia buồn với tang chủ có phần khác biệt tùy vào trường hợp người chết là nam hay nữ. Nếu người chết là nam, khách đến phúng sẽ vái hoặc phủ phục trước linh vị 3 lần để thể hiện sự tiếc thương (cổ tục này gọi là chosang/조상/ điếu tang). Nếu người chết là nữ, khách đến phúng chỉ chia buồn với tang chủ, bếp chủ và thân nhân người quá cố (cổ tục này gọi là musang/문상/ vấn tang). Tuy nhiên, ảnh hưởng của triết lí âm dương không thực sự hiện hữu trong nghi thức phúng viếng ở người Hàn. Ngược lại, dấu ấn của Nho giáo (với sự phân biệt về giới tính – trọng nam khinh nữ) trong nghi lễ này là khá đậm nét.

     2.3. Một số nghi thức trong và sau khi an táng

     2.3.1. Đưa tang

     Trong khi đưa tang, người Việt có tục “cha đưa, mẹ đón”, tức là: Nếu là tang cha thì con trai trưởng phải chống gậy tre và đi xuôi cùng hướng với quan tài; Nếu là tang mẹ thì con trai trưởng phải chống gậy vông và đi giật lùi với hướng quan tài, con gái và con dâu phải gào thét và lăn mình trên đường trước xe tang làm như cản lại để tỏ lòng hiếu thảo. Theo Trần Ngọc Thêm, phong tục này đã thể hiện triết lí âm dương qua cặp nghĩa hướng ngoại (dương, cha), hướng nội (âm, mẹ). Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian lại cho rằng, người phụ nữ qua đời, trước khi khâm liệm, người ta đã dùng bông gòn nút hai lỗ tai, hai mũi và hậu môn để không cho tà khí thoát ra; riêng bộ phận sinh dục (âm hộ) là không dám nhét cái gì vào, nên tà khí sẽ bốc ra từ đường này gây ô nhiễm cho con cháu đi liền sau đó [7, tr.60]. Như vậy phong tục trên đã chứng tỏ rằng dấu ấn của triết lí âm dương không chỉ được thể hiện qua quan niệm, qua các nghi lễ mà còn được người Việt vận dụng một cách khoa học để đảm bảo sức khỏe cho tang chủ và thân nhân. Thậm chí, một số địa phương trước đây, khi linh cữu được chuyển từ nhà ra xe tang để chuẩn bị đưa đi chôn, thì trong nhà người ta còn đốt một bánh pháo. Quan niệm dân gian cho rằng việc đốt pháo là để trừ tà. Theo chúng tôi, thực chất của việc đốt pháo ở đây là để trừ uế khí. Tiếng pháo nổ (động, dương) sẽ giúp xua tan bầu không khí lạnh lẽo, chết chóc, tang thương (ảm đạm, âm) trong gia đình tang chủ những ngày đã qua.

     Tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ IV được tổ chức ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội từ 26 – 28/11/2012, Giáo sư Tô Ngọc Thanh cho rằng những đám tang người Việt theo nghi thức truyền thống, khi đưa tang đội nhạc hiếu còn chơi bài Lưu Thủy. Đây là một bản nhạc vui, với ý nghĩa Lưu Thủy là dòng sông chảy. Theo ông, sở dĩ có điều này là bởi cái sâu xa trong tang lễ của người Việt chính là cộng niềm vui với nỗi buồn. Để trả lời câu hỏi sau khi chết thì con người đi đâu, người Việt cho rằng: sau khi chết con người trở về với tổ tiên. Tổ tiên thì luôn hiện hữu trên bàn thờ của từng gia đình, con cháu mong muốn điều gì thì cứ thắp hương cầu xin. Do đó, người chết vẫn mãi “sống” bên con cháu như dòng nước chảy mãi không ngừng. Đó chính là niềm tin vào sự bất tử của tổ tiên. Vì thế, trong văn hóa Việt Nam, người ta không thấy từ vĩnh biệt mà chỉ là quy tiên, về với ông bà… khi nói đến sự ra đi của một ai đó. Như chúng tôi đã trình bày trong mục quan niệm về cái chết, việc sống bằng tương lai (niềm tin vào sự tồn tại vĩnh hằng, sống gửi thác về) chính là một hệ quả của triết lí âm dương trong đời sống tâm linh của người Việt, mà ở đây, nhạc hiếu với bài Lưu Thủy là một ví dụ. [9]

     Trong các tài liệu mà chúng tôi có được về tang lễ truyền thống của người Hàn thì tộc người này không có các tục lệ đưa tang như vừa nêu ở người Việt, ảnh xạ của triết lí âm dương cũng không rõ ràng trong nghi lễ đưa tiễn người quá cố.

     2.3.2. Một số ngày cúng kị người mất sau lễ an táng

     Trong bài tham luận tại Hội thảo khoa học – thực tiễn về Tang lễ do Bộ Văn hóa Thông tin tổ chức ở Hà Nội năm 1996, Hoàng Quốc Hải cho rằng: “Về tang lễ, nhìn bề ngoài là hành vi ứng xử xã hội của người sống đối với người chết, nó thuộc phạm trù văn hóa tang lễ (cũng có người gọi đó là văn hóa sinh tử). Nhưng kì thực, văn hóa tang lễ là văn hóa dành cho người sống, chứ không phải cho người chết. Vì một khi con người đã qua đời, thì mọi nhu cầu về vật chất và tinh thần của bản thân họ đều khép lại” [7, tr.70].

     Thực tế, tất cả mọi công việc cúng lễ dành cho người chết từ khi chôn cất cho đến giỗ đều do người sống đảm nhiệm. Tất cả những nghi thức ấy được xuất phát từ nhân sinh quan của người sống nhằm “nâng đỡ” người đã khuất. Tuy nhiên, biểu hiện của các nghi thức này tùy thuộc vào từng tộc người cũng như nền văn hóa của họ. Vậy dưới góc nhìn âm dương, các nghi thức của người Việt và người Hàn từ sau lễ an táng đến ngày giỗ có những điểm gì tương đồng và khác biệt?

     Theo tập quán của người Việt, những gia đình có tang đều giữ lệ cúng 3 ngày, 49 ngày và 100 ngày.

     – Về lễ cúng 3 ngày: Người Việt và người Hàn đều có nghi thức cúng này. Theo thuyết duy tâm, dân ta quan niệm phải cúng 3 ngày vì sau khi chết linh hồn lìa khỏi xác đi phiêu diêu – chưa ổn định. Sau 3 ngày con cháu cúng lễ thì linh hồn mới ổn định lại. Theo cổ lễ, cúng 3 ngày được gọi là “Lễ tế ngu” hay “Tam tiêu”, bao gồm: sơ ngu, tái ngu, tam ngu (ngu tức là yên) – lễ cho yên hồn phách. Theo Thọ mai gia lễ, sau khi chôn cất xong, rước linh vị về nhà thì con cháu làm lễ sơ ngu. Sau sơ ngu xong, gặp các ngày “nhu” (tức ngày ất, kỉ, tân, quý) thì là lễ tái ngu, gặp ngày cương (tức ngày giáp, bính, mậu, canh, nhậm) thì làm lễ tam ngu. Dần dần về sau, người ta đã giản lược chỉ làm một lễ tam ngu. Theo tác giả Trương Thìn, 3 ngày gồm có một âm (2) và một dương (1). Lễ cúng 3 ngày là để âm dương biến hóa, tiêu trưởng. [7]

     Cổ lễ của người Hàn cũng quy định, sau khi chôn sẽ tiến hành lễ cúng 2 ngày (che wo chee/재우제/tái ngu tế) và lễ cúng 3 ngày (sam wo chee/삼우제/tam ngu tế). Như vậy, người Hàn đã quy định cụ thể sau khi chôn xong mới thực hiện các nghi lễ trên. Song tục lệ này ở người Việt hiện vẫn chưa có sự thống nhất: Một số nơi địa phương tính lễ cúng 3 ngày từ sau khi an táng, một số nơi khác lại tính từ khi mất. Trong thực tế nhiều địa phương ở nước ta (nhất là khu vực miền Nam) linh cữu thường được quàn ở nhà 5 đến 7 ngày mới di quan để an táng, nên tục cúng 3 ngày phải được tính sau khi chôn.

     Có thể thấy, dù không thật đậm nét, song nghi thức cúng 3 ngày của cả hai dân tộc Việt, Hàn đều có sự chi phối bởi yếu tố âm dương với mong muốn cho linh hồn người quá cố được siêu thoát. Nói đúng hơn, những nghi thức ấy của hai nhóm cư dân này đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi văn hóa Hán.

     – Về lễ cúng tuần (7 ngày) và 7 tuần (49 ngày): Theo phong tục, khi gia đình người Việt có người mất được 7 ngày, thân nhân và con cháu sẽ làm lễ cúng tuần đầu – gọi là cúng giải vía. Cúng 7 ngày là cúng giải 1 vía. Giải đủ 7 vía là 7 tuần (49 ngày) – lễ cũng này được gọi là chung thất (cúng hết 7 tuần).

     Dưới góc độ âm dương ngũ hành của phương Đông, số 49 là con số đại diện bao hàm cả lưỡng nghi (âm dương), tứ tượng, bái quái của đại vũ trụ, cũng là số của tiểu vũ trụ (con người). Trong đó:

     – Lưỡng nghi: dương (1), âm (2): 1 +2 = 3

     – Tứ tượng: Thái dương (1), Thiếu dương (2), Thiếu âm (3), Thái âm (4): 1 + 2 + 3 + 4 = 10

     – Bát quái: Càn (1), Cấn (2), Li (3), Chấn (4), Tốn (5), Khảm (6), Đoài (7), Khôn (8): 1 + 2 + 3 + 4 + 5 + 6 + 7 + 8 = 36

     Như vậy, Lưỡng nghi + Tứ tượng+ Bát quái = 3 + 10 + 36 = 49 [7, tr.72].

     Có thể thấy, tục cúng 49 ngày trong nghi thức tang lễ của người Việt thực sự thấm nhuần tinh thần triết lí âm dương. Dựa trên những nhận thức về tự nhiên vũ trụ, người Việt đã vận dụng hiểu biết của mình để giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi con người (tiểu vũ trụ) để đời sống tinh thần thêm phong phú, đáp ứng truyền thống uống nước nhớ nguồn – một truyền thống nhân văn của dân tộc; đồng thời để an ủi những người quá cố.

     Khác với người Việt, người Hàn không có tục cúng 49 ngày. Đổi lại, cư dân nơi đây lại có tục cúng 3 tháng (chul kuk che/졸곡제/tốt khốc tế). Ba tháng kể từ khi người thân mất, tang chủ sẽ chọn ngày đầu tiên đó để làm lễ tế người quá cố. Ngay ngày hôm sau, người ta sẽ làm lễ để nhập linh vị người mới mất vào chung với bài vị tổ tiên. Nếu người chết là nam thì bài vị được đặt trước bài vị ông nội, nếu là người chết là nữ thì bài vị được đặt trước bài vị của bà nội. Ở người Việt, lễ tốt khốc được thực hiện vào ngày thứ 100 sau khi chết. Cũng trong ngày này, thân nhân không còn cúng cơm hàng ngày nữa; có nơi người chết sẽ được rước lên thờ chung với tổ tiên, câu đối và gian thờ được dọn dẹp; cũng có nơi công việc này chỉ được thực hiện vào tháng thứ 27 sau ngày mất (sau lễ mãn tang).

     2.3.3. Cách bày lễ vật cúng người quá cố

     Sau khi triều đại Koryo sụp đổ và triều đại Choson được thiết lập vào năm 1392, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong văn hóa Hàn thực sự có những biến đổi mạnh mẽ. Cũng bắt đầu từ đó, cuộc sống của người dân Hàn Quốc được chỉ đạo bởi các nguyên tắc của Tống Nho. Những nguyên tắc này đã ổn định luật lệ xã hội, coi trọng sự hiếu thảo với cha mẹ và lấy đó làm đức tính cơ bản. Đặc biệt, các quy tắc đó đã nhấn mạnh phép tắc trong mối quan hệ xã hội và luôn đề cao việc thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình.

     Những hình thức thờ cúng mà qua đó thể hiện sự tưởng nhớ, tôn kính đối với tổ tiên được người Hàn gọi chung là제사/jesa. Các nghi lễ này mang trọn giá trị tinh thần của người Hàn Quốc, nó nhấn mạnh trật tự từ trên xuống dưới, từ người đã chết đến những người nối dõi; là sự xác nhận quan hệ huyết thống giữa người sống và người chết.

     Căn cứ vào hình thức và đối tượng được thờ cúng của người Hàn, có thể chia làm ba hình thức thờ cúng tổ tiên cơ bản sau:

     – 기제/kije: Lễ giỗ tổ tiên – lễ tưởng những người mới mất.

     – 차례/charye: Nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên ở bốn thế hệ gần nhất, nghĩa là từ đời thứ tư trở lại đến ông bà bố mẹ.

     – 시제/sije: Lễ tổ tiên từ 5 đời về trước, làm một lần trong năm.

     Trong các loại nghi lễ trên, lễ kije và charye thường được tổ chức long trọng, cầu kì tại nhà.

     Cũng như người Việt, cư dân Hàn quan niệm người đã khuất không có nghĩa là biến mất, là đoạn tuyệt với con cháu, ngược lại họ luôn sống trong tâm trí của những người thân. Do đó, vào các ngày giỗ chạp, cả hai dân tộc đều thực hiện nghi thức cúng giỗ và tưởng niệm người đã khuất. Nếu nghiên cứu một cách chi tiết về phong tục thờ cúng tổ tiên ở hai dân tộc thì bên cạnh những điểm tương đồng còn không ít những dị biệt. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ nghiên cứu vấn đề dưới góc độ ứng dụng triết lí âm dương trên phương diện cách thức bày biện lễ vật cúng tổ tiên mà thôi.

     Đối với người Hàn, thời gian làm lễ cúng giỗ tổ tiên cũng như người quá cố là vào lúc nửa đêm khi mà âm mạnh, dương yếu nhất. Theo họ, đây là thời gian tốt nhất để mời âm hồn người quá cố về dự lễ với con cháu và người thân. Khi đã dựng xong bàn thờ để làm lễ kije/기제/giỗ (người Hàn không có bàn thờ tổ tiên cố định như người Việt, đến ngày giỗ chạp họ mới lập bàn thờ, sau đó lại cất đi), người ta sẽ lần lượt sắp xếp các lễ vật. So với người Việt, cỗ cúng trong lễ kije nói riêng và các nghi lễ thờ tổ tiên nói chung rất thịnh soạn, có thể lên tới hàng chục món và được bài trí theo một trật tự trái phải, trước sau rất nghiêm ngặt. Quy tắc âm dương trong việc bố trí lễ vật được họ tuân thủ chặt chẽ:

     + Chẳng hạn ở các hàng thứ 1, 3, 5 (vì là số lẻ nên xếp thức ăn theo số lẻ); các hàng thứ 2, 4, 6 (là số chẵn nên thức ăn được xếp theo số chẵn)

     + Các loại trái cây màu đỏ (dương) được đặt phía Đông (dương), các loại trái cây màu trắng (âm) được đặt phía Tây (âm).

     + Các đồ lễ được làm từ cá thì khi đặt đầu của chúng (dương) phải quay về hướng Đông (dương), đuôi về phía Tây (âm).

     Ngoài những nguyên tắc trên, mâm lễ vật thịnh soạn mà người Hàn dùng để cúng người quá cố còn tuân thủ nguyên tắc khác về âm dương đó là món khô (dương) bên trái – món nước (âm) bên phải…

     Đối với người Việt, quan niệm “Sống về mồ về mả/ Ai sống về cả bát cơm” đã ít nhiều cho thấy tầm quan trọng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong đời sống tâm linh cư dân nước ta. Trong ngày cúng giỗ cha mẹ ông bà tổ tiên, nhất là giỗ đầu (tiểu trường), trừ trường hợp đặc biệt, còn lại con cháu dù đang học tập, công tác ở bất cứ đâu cũng sắp xếp thời gian để về tham dự lễ và tưởng niệm người quá cố. Bằng cả tấm lòng tri ân với người đã khuất, con cháu cùng người thân luôn cố gắng chuẩn bị những lễ vật một cách chu đáo và tươm tất nhất để dâng cúng. Trong số những lễ vật tại các đám cúng giỗ của người Việt, ngoài các loại lễ mặn còn có sự hiện diện của phù lưu, thanh chước, hương, đăng, quả phẩm. Trong đó, chuối – mà phải là chuối xanh – một loại quả gần như không thể thiếu trong các vật phẩm cúng giỗ ở người Việt. Với quan niệm “dương sao âm vậy”, nên ngoài các lễ vật vừa nêu, người Việt còn cúng các lễ “mặn” thịt, cá, cơm, trứng, xôi, canh… và một lễ vật không thể thiếu là gà luộc nguyên con bắt chéo cánh. Đó là chưa kể đến các loại vàng mã tùy theo điều kiện từng gia đình mà nhiều ít khác nhau.

     Mặc dù cả người Việt và người Hàn đều coi trọng các ngày giỗ của tổ tiên và người mới mất, song việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc âm dương trong mâm lễ vật ở người Hàn đã vượt xa so với người Việt. Dù rất thành tâm đối với tổ tiên, các lễ vật cũng đầy đủ và thịnh soạn, nhưng trong thực tế người Việt thường đặt lên bàn thờ gia tiên ở những vị trí phù hợp và tùy theo hoàn cảnh từng gia đình (nếu bàn thờ không lớn người ta có thể làm mâm lễ đặt kèm bên cạnh, chứ không nhất thiết tuân thủ nghiêm ngặt trái, phải, đông, tây… như người Hàn). Thời gian cúng lễ cũng vậy, thông thường các lễ cúng được thực hiện vào buổi sáng (trước 12 giờ) sau đó con cháu cùng thụ lộc chứ không phải nửa đêm như Hàn Quốc. Cách thức lễ trong đám giỗ cũng ít nhiều cho thấy sự khác biệt giữa hai tộc người. Con cháu người Hàn khi tham gia cúng tế đều thực hiện các nghi thức rất trọng thể: 2 lần phủ phục (quỳ, dập đầu xuống đất – 2 lần là số chẵn dùng cho tế lễ người đã mất), trong khi ở người Việt, nghi thức đó thường do chủ tế đảm nhiệm, những người khác có thể không thực hiện (phổ biến nhất hiện nay là đứng vái). Rõ ràng, dấu ấn của Nho giáo trong các nghi lễ đối với tổ tiên ở người Hàn là đậm nét hơn nhiều so với người Việt.

     2.4. Tang phục

     Trong tang lễ truyền thống, người Việt sử dụng màu trắng – theo Ngũ hành đó là màu của hành Kim (hướng Tây). Một số trường hợp người quá cố đã có chắt, chút, chít… người ta sẽ sử dụng khăn vàng, đỏ, xanh. Sau màu trắng, dân ta cũng dùng màu đen trong các đám tang (thường được dùng cho khách đến viếng). Theo Trần Ngọc Thêm, màu tang đen ở nước ta được dùng chí ít là từ đời Lê. Khi Lê Thánh Tông chết (1497), có quy định trong 100 ngày các quan phải mặc đồ xô gai trắng, ngoài 100 ngày thì mặc đồ đen (áo đen, mũ đen, dây thao đen) khi làm việc hay vào chầu.

     Cũng như năm hạng tang phục của người Việt, tùy theo quan hệ với người quá cố mà người Hàn có những quy định chi tiết. Song tang phục chính cho cả năm hạng đều là màu trắng (có khác chỉ là ở màu khăn đội đầu và các dải băng đeo ở chân mà thôi).

     Ngoài khăn áo tang, gậy tang cũng là một yếu tố trong tang phục Hàn, Việt. Việc chống gậy xuất phát từ quan niệm của người xưa là khi bố (mẹ) qua đời, con cái phải túc trực bên linh cữu liên tục, đêm đến phải gối đất nằm rơm, không được ăn uống, đi đứng không vững nên phải chống thêm cái gậy lúc điếu khách và đưa đám. Thông qua việc chống gậy, người ta cũng có thể phân biệt được người nằm trong quan tài là cha hay mẹ. Để phân biệt tang cha hay mẹ, người ta đặt thêm tục “cha gậy tre, mẹ gậy vông”. Cả người Việt và người Hàn đều tuân theo tục lệ gậy tang này. Theo triết lí âm dương, gậy tre tròn (tượng trưng cho trời), tre rắn chắc là trụ cột, tre có nhiều đốt, mắt mọc ra ngoài – hướng ngoại (tượng trưng cho chức năng của người cha). Cây vông (cây ngô đồng) có thân gỗ mềm, lá vuông tượng trưng cho phái yếu (âm), mắt cây vông mọc lẩn vào trong ruột – hướng nội (tượng trưng cho vai trò của người mẹ – nội tướng).

     Ngoài điểm tương đồng vừa nêu, việc thiết kế cây gậy giữa hai tộc người có sự khác biệt nhỏ. Ở người Việt, tùy theo từng loại gậy tre hay gậy vông mà có cách đẽo tay cầm khác nhau theo nguyên tắc âm dương: tay cầm của gậy tre thì đẽo tròn (dương), tay cầm của gậy vông phải đẽo vuông (âm). Song đối với người Hàn, ngay trong một cây gậy, tính âm dương cũng thể hiện rõ: dù là gậy tre hay gậy vông thì phía trên vẫn được đẵn tròn – tương trưng cho trời, phía dưới được đẵn vuông – tượng trưng cho đất. Theo quan niệm của người Hàn có làm như vậy thì linh hồn từ thế giới dương gian (đất) mới có thể sang thế giới bên kia được.

3. Kết luận

     Qua nghiên cứu những ảnh hưởng của triết lí âm dương trong các nghi thức tang lễ truyền thống Việt – Hàn, chúng tôi nhận thấy bên cạnh những điểm tương đồng thì giữa chúng vẫn có nhiều dị biệt. Sự tương đồng được thể hiện chủ yếu trong quan niệm về cái chết, tang phục, lễ phạn hàm…; sự khác biệt lại tập trung chủ yếu ở các nghi thức trong lễ tang như đưa tang, nghi thức cúng giỗ… Những điểm tương đồng ấy đã phản ánh những nét “đồng văn”. Ngược lại, những điểm khác biệt lại thể hiện sự độc đáo cũng như khả năng bản địa hóa mãnh liệt những yếu tố văn hóa ngoại sinh của hai dân tộc Việt – Hàn. Chính điều ấy đã góp phần tạo nên những nét đặc sắc của mỗi dân tộc trong cộng đồng các quốc gia ở khu vực Đông Á. Trừ cách thức bày lễ vật cúng người quá cố, hầu hết các bình diện mà chúng tôi đã đặt ra để nghiên cứu trên đây đều cho thấy dấu ấn của triết lí âm dương trong tang lễ truyền thống của người Việt thực sự đậm nét hơn của người Hàn.

     Cũng như sự tương đồng trong nhiều yếu tố văn hóa khác, những “mẫu số chung” trên đây đều xuất phát từ thế giới quan, nhân sinh quan của các cư dân vốn lấy nông nghiệp làm sinh kế, đặc biệt là những ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo đến vấn đề đạo hiếu ở hai dân tộc… Những điểm khác biệt đều liên quan tới môi trường tự nhiên, xã hội, nguồn gốc dân tộc, đặc điểm lịch sử, tín ngưỡng bản địa và mức độ đậm nhạt khác nhau trong việc tiếp thu Nho giáo.

     Cùng với những yếu tố văn hóa khác có nguồn gốc từ văn minh Trung Hoa, triết lí âm dương đã và đang ảnh hưởng sâu rộng trong văn hóa dân gian truyền thống Việt – Hàn. Ngoài vấn đề tang lễ, rất nhiều nội dung văn hóa khác ở hai dân tộc cũng chịu ảnh hưởng bởi triết lí âm dương. Thực tế ấy đòi hỏi các nhà nghiên cứu và những ai thực sự quan tâm đến vấn đề này tiếp tục làm sáng tỏ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Nguyễn Long Châu (2000), Tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

     2. Choe Jun Sik (2005), Phong tục Hàn Quốc – Tín ngưỡng dân gian (한국의풍속 – 민강신앙), Nxb Nữ sinh Y Hoa, Seoul.

     3. Hwang Gwi Yeon, Trịnh Cẩm Lan (2003), Tra cứu văn hóa Hàn Quốc, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

     4. Joo Kang Huyn (2006), 우리문화의수수캐키 (Văn hóa Hàn Quốc – Những điều bí ẩn), Nxb Hankire (Bản dịch sơ thảo của Thân Thị Thúy Hiền, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Đà Lạt).

     5. Nguyễn Bá Thành (chủ biên) (1996), Tương đồng văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

     6. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

     7. Trương Thìn (2007), Nghi thức tang lễ và văn khấn truyền thống, Nxb Hà Nội, Hà Nội.

     8. Cao Thế Trình (chủ nhiệm) (2009), So sánh văn hóa dân gian giữa dân tộc Việt và dân tộc Hàn, Đề tài NCKH cấp Bộ 2007-2009, mã số 2007-29-53, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Đà Lạt.

     9. Tô Ngọc Thanh (2012), Tài liệu Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ IV được tổ chức tại Trung tâm hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội từ 26 – 28/11/2012 (Tài liệu ghi âm do Lưu Thị Hồng Việt, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Đà Lạt cung cấp).

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Sư Phạm Tp. Hồ Chí Minh,
Số 60, năm 2014
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Triết lí âm dương trong tang lễ truyền thống Việt – Hàn (Tác giả: ThS. Bùi Thị Thoa)