Trường Bauhaus cái nôi của Design hiện đại

BAUHAUS SCHOOL – THE CRADLE OF MODERN DESIGN

Tác giả bài viết: NGUYỄN NGỌC DŨNG

TÓM TẮT

     Bài giới thiệu quá trình phát triển của Bauhaus, tư tưởng chính của Bauhaus, tư tưởng qua các thời kỳ hiệu trưởng của trường Bauhaus. Trường Bauhaus là mô hình đào tạo mới, giải quyết những trở ngại việc đưa thẩm mỹ vào nền sản xuất máy móc, sản xuất công nghiệp. Trường đã áp dụng phương pháp đào tạo mới, lớp dự bị cung cấp kiến thức về tạo hình. Học kết hợp với thực tế. Học sinh học qua lớp dự bị được phân vào các phân xưởng, được học dưới sự hướng dẫn của hai thầy, thầy chuyên môn về sáng tác, thầy chuyên môn về kỹ thuật. Xưởng là nơi thực nghiệm để học sinh làm ra mẫu chuẩn với phương châm đẹp, rẻ, bền phù hợp với tiêu chuẩn của sản xuất hàng loạt.

Từ khóa: Trường Bauhaus, mô hình đào tạo, tư tưởng chính, phương pháp tiếp cận mới, phương pháp sản xuất hàng loạt, design, ảnh hưởng của Bauhaus.

ABSTRACT

     The article introduces to readers the history of Bauhaus School and its main ideals developed over the period under the management of different rectors. Bauhaus School is a new model of training which helps deal with obstacles to the introduction of aesthetic elements into mechanized and industrial production. It applies new methods of training and offers preparatory classes which equip learners with basic knowledge of graphics. It promotes the combination of learning and practice. After completing such a preparatory class, the learners are sent to workshops where they practise under the instruction of two teachers, one in charge of creation-related issues and the other, technique-related ones. At the workshop, the learners conduct experiments to create standard designs which are beautiful, cheap, and durable, and meet the criteria for mass production.

Keywords: Bauhaus School, model of training, main ideal, new approach, mass production, design, Bauhaus’s influence.

x
x x

     Tôi đến Dessau vào thăm trường Bauhaus. Trường Bauhaus do Walter Gropuis thiết lập từ năm 1919 đến năm 1933, trường ở Weima 1919-1924, do chương trình tiến bộ của mình nên trường đã bị chính quyền địa phương cản trở, vào cuối năm 1924 trường bị 200 cảnh sát đến giải tán, trường rời đến Dessau năm 1925 -1933, trường được thành lập với mục đích tái thiết lại sự hợp nhất của mọi ngành nghệ thuật dưới ưu thế của kến trúc, nay khu trường ở Dessau đã trở thành bảo tàng, ở đây trưng bày các sản phẩm do thầy và trò của trường Bauhaus làm ra và được sản xuất đại trà theo mẫu tiêu chuẩn.

     Hiện vật lớn là ngôi trường, trường cao 3 tầng, nằm trên mảnh đất không rộng nhưng hợp lý, 3 tầng ấy nối tiếp từ phòng hội trường đến các xưởng bằng một chiếc cầu. Chạy theo chiếc cầu ở phía bên trên là lối đi đến những gian phòng hành chính và một xưởng vẽ của Gropuis. Tòa nhà của xưởng rộng hơn, cấu trúc xây dựng theo kiểu lùi vào để tạo cho tường che nhẹ đến mức tối đa. Một cầu khác nối liền các xưởng với nhà ở, nhà ăn rồi đến các lớp học, nhà hát. Tất cả theo một dạng kiến trúc lấy công năng là chính. Đặc biệt những đồ trưng bày ở đây, như đã nói ở trên, cũng thể hiện tính công năng của từng vật dụng. Các sản phẩm được trưng bày ở đây rất phong phú, từ giáo trình cơ bản thẩm mỹ, cơ sở đầu tiên của kiến trúc thị giác, đến các bài tập của sinh viên trong từng phần học. Về phần sản phẩm đã tạo ra những hình thể có ý niệm mới như: chiếc đèn, bình gốm, đồ gỗ. Bên cạnh đó, còn có những đồ dùng kết hợp chất liệu từ vải và ống sắt, đáng kể hơn về chữ và đồ họa. Tất cả thể hiện công việc sáng tạo phục vụ đời sống của Bauhaus.

I. Trường Bauhaus thời kỳ thứ 1 ở Weimar năm 1919 – 1924

     Có thể đặt câu hỏi do đâu nảy ra ý tưởng thành lập trường của Gropius. Có muôn vàn lời đáp được đặt ra. Nhưng ở đây, theo tôi nghĩ có những yếu tố chính như sau:

     1. Những tư tưởng mới trong việc giáo dục ở Pháp và khắp Châu Âu, phổ biến là luận đề của JJROUSEAU trong Emile’ đã ảnh hưởng đến thói quen ngầm đưa vào học sinh những nhận thức tốt về cái đẹp và những suy tưởng. Quan điểm ấy đang được là thời thượng, phổ biến ở nước Đức và Áo cuối thế kỷ 19.

     2. Vào năm 1890, một nhà triết học tên là Fon Erenbon (Von Ehrenfels) có ra một cuốn sách viết về đặc tính của hình dáng. Từ Gestallthearie được hình thành, từ này đưa ra một suy nghĩ về hình dáng. Có thể giải thích một cách chính xác hơn về lý thuyết này, tôi xin giới thiệu một số quy luật cơ bản của nhà triết học người Pháp, ông Pol Ghiom (Paul Guillaume) đã tuyên bố năm 1925:

     – Forme là cái gì khác và cái gì thêm vào tổng số các bộ phận của nó.

     – Một bộ phận trong toàn cục là cái gì khác bộ phận đó khi nằm tách rời khỏi toàn cục đó hoặc là lại nằm trong toàn cục khác.

     – Các sự kiện tâm lý đều là những Formes, nghĩa là những đơn vị kết cấu định đoạt cá tính của mình và tự giới hạn mình trong trường không gian của những cảm thị và biểu tượng.

     – Mỗi Forme là chức năng của nhiều thể biến và không phải con số cộng của nhiều thành phần.

     – Các Formes đều có thể truyền hoán, nghĩa là có một đặc tính vẫn bảo tồn trong những thay đổi có ảnh hưởng thế nào đấy ở tất cả các bộ phận.

     3. Ảnh hưởng của Vecbund (Werbund), Vecbund đã từng chuẩn bị mảnh đất cho các nghệ sĩ và tạo điều kiện để họ làm việc cho ngành công nghiệp, chẳng hạn như đối với ông P.Bêrenxơ (P.Benhrent) mà Gropius năm 1935 đã viết trong quyển “Kiến trúc mới và Bauhaus” như: Chính nhờ có Bêrenxơ mà học được tinh thần logic của kiến trúc. Trong khi cùng tham gia những công việc với ông, cũng như trong khi tranh luận với ông, thì những ý kiến riêng của tôi đã bắt đầu kết tinh và tôi đã ý thức được rằng nghệ thuật xây dựng phải thế nào đây.

     4. Ảnh hưởng của phong trào Jugenxtil (Jugenstil), tuy phong trào này không sống lâu ở nước Đức nhưng sự kết thúc của nó không một ai trong giới kiến trúc sư Đức mà có thể không ảnh hưởng nó.

     Xuất phát từ ảnh hưởng có tinh chất giao thoa đó tới việc thành lập trường và hình thành những ý tưởng của nhà trường là sản xuất có chất lượng. Bauhaus trong nguyên lý sản xuất của mình đã nói: “Con người hiện đại mang theo y phục hiện đại, cũng mong muốn có một chỗ ở và các đồ dùng hàng ngày phản ánh thời đại của họ. Mỗi sự vật được quyết định bằng bản chất của nó. Muốn hiểu rõ một đồ dùng, một chiếc ghế, một ngôi nhà được vận hành một cách đúng đắn, thì trước hết, người ta phải nghiên cứu bản chất của chúng. Bởi vì, chúng phải đạt được mục tiêu của chúng, có nghĩa là làm trọn chức năng của chúng một cách cụ thể – bền, rẻ và đẹp. Nghiên cứu đó, phải xét đến tất cả các phương thức sản xuất và các vật liệu hiện đại dẫn đến kết quả” (những nguyên lý của Bauhaus do Gropius viết năm 1926). Bauhaus quan niệm mỗi nhà và dụng cụ gia đình thuộc nhu cầu đại chúng, việc sáng tạo chúng thuộc phạm vi lý trí hơn là tình cảm.

     Trong nguyên lý (sản xuất của Bauhaus) Gropius viết tiếp “hồi đó tôi đã cảm nhận được sự lớn lao của sứ mệnh dành cho kiến trúc sư thuộc thế hệ tôi. Quan niệm đầu tiên của tôi là: phải mở hướng triển vọng mới cho kiến trúc, điều mà một mình tôi không thể hy vọng thực hiện được qua các công trình kiến trúc của tôi. Mục tiêu trên chỉ có thể đạt được qua đào tạo kiến trúc sư mới, được tiếp xúc với kỹ thuật sản xuất hiện đại mà một trường tiên tiến có quyền uy. Tôi hiểu rằng để thực hiện điều đó phải tập hợp một ê kíp những cộng tác viên và trợ lý, những người có thể kết hợp với nhau chặt chẽ nhằm phục vụ cho một ý tưởng chung nhưng lại làm việc một cách độc lập. Do đó, tôi cố gắng tận dụng những khái niệm tích hợp và phối hợp không loại bỏ gì hết, tạo ra một ê kíp năng nổ. Nó có nhiệm vụ đặc biệt là thực hiện nền kiến trúc hiện đại, theo hình ảnh của bản chất con người, bảo vệ ngôi nhà của mình khỏi sự rối loạn cơ giới, bằng cách làm cho nó sống động và có ý nghĩa. Điều đó có nghĩa phải loại bỏ các chướng ngại vật của máy móc, nhưng không vì thế mà hy sinh những lợi ích cụ thể của nó. Chúng tôi cố gắng xác định chuẩn chất lượng chứ không tạo ra những cái mới tạm thời. Chính vì thế, điều mà Bauhaus giảng dạy thực tế là bình đẳng của tất cả các phương pháp sáng tác và mối tương hỗ của chúng trong quan niệm của người hiện đại. Chúng tôi hướng tới quan điểm sau: Bản năng sáng tạo không thuộc lĩnh vực tinh thần cũng như lĩnh vực vật chất, mà nó chỉ là xã hội văn minh. Tham vọng hai mặt của chúng tôi là với con người làm dịu đi nhân loại hóa thái độ cứng rắn của những người thuộc giới kinh doanh, quá coi trọng về vật chất. Quan niệm của chúng tôi về sự hài hòa cơ bản của mọi hình thể với cuộc sống là hoàn toàn đối lập với quan điểm của nghệ thuật… Và do đó Bauhaus không có mục đích tuyên truyền cho một “phong cách”, một hướng giáo điều nào đó mà gây một ảnh hưởng sống động đối với sáng tạo. “Phong cách Bauhaus” không chỉ là một sự quay trở lại chủ nghĩa hàn lâm khô cằn và trí tuệ, chính vì chống lại điều đó nên mở trường Bauhaus. Chúng tôi cố gắng tìm ra một thái độ mới gợi lên một ý thức sáng tạo đối với ai quan tâm đến vấn đề trên và cuối cùng sẽ dẫn đến quan niệm xác định về một quan niệm sống”. “Bauhaus là trường đầu tiên đã thực hiện những nguyên lý rõ ràng. Mọi sự phân tích các cấu trúc của sản phẩm công nghệ có luồng thấm sâu của nó, được tiến hành trong từng khía cạnh của chương trình. Một vấn đề nữa cần được nói đến trong tổ chức của Bauhaus, Bauhaus hiểu rằng để cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng hơn, do đó coi trọng việc lập xưởng, xưởng gần như phòng thí nghiệm, trong đó học viên của trường có thể nghiên cứu kỹ lưỡng và cải thiện mỗi đồ vật thích hợp với sản xuất hàng loạt. Sự liên kết giữa học và xưởng không thể không có ảnh hưởng của Gớt (Goethe) trong lá thư gửi Soopenhao (Schopenhauer) đã nói rằng: “Ý nghĩa và kinh nghiệm không bao giờ gặp nhau. Duy chỉ có nghệ thuật và diễn viên có thể kết giao chúng lại”.

     Có lẽ từ câu nói này mà Gropius mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy của Bauhaus tổ chức lớp dự bị để học sinh nắm được những kiến thức về tạo dáng. Cùng lúc viện Cao đẳng mỹ thuật Nga cũng tách ra một phần có tổ chức lớp dự bị chung, bắt buộc tất cả các học sinh theo học. Xét từ góc độ này có quan hệ với Bauhaus, quan hệ ấy có thể là trực tiếp có thể là gián tiếp chỉ có khác với Bauhaus nó là môi trường thực hành ở khoa kiến trúc Maxcơva mới đưa vào giảng dạy những vấn đề quan tâm đên cảm thụ hình dáng, khối và màu sắc, bằng cách sử dụng những nguyên lý của tâm lý học của hình dáng.

     Sơ kết lại giai đoạn ở Weima, ta thấy không phải là tiêu cực và ngược lại mà người ta có thể thấy qua sự đào tạo rèn luyện môn cơ bản thẩm mỹ, học tập ở xưởng nắm vững thuộc tính vật liệu để làm ra những sản phẩm mẫu mực đã giúp cho lớp học sinh trưởng thành như: Anbes người phụ trách lớp dự bị Beureur người đã thể hiện nhiều thiết kế gỗ dán đầu tiên, gợi ý cho loạt ghế sản xuất bằng thép màu Brandt đưa ra những hình dáng cho đồ gốm pha Scola, pha chè, cây đèn bàn và nhiều việc khác nữa đã mở rộng đồ họa, đặc biệt cách sử dụng chữ trong nghệ thuật quảng cáo hết sức to lớn. Tuy vậy, thời gian ở Weima cũng không tránh được khó khăn về tài chính buộc Gropius phải kiếm các việc làm, trong việc chạy theo yêu cầu này đã nảy sinh những mâu thuẫn giữa thẩm mỹ và thực dụng Itten và một số nhân vật khác rời Bauhaus.

Bìa sách về sản phẩm của Bauhaus ở Weimar

II. Trường Bauhaus thời kỳ thứ 2 ở Dessau (1925 – 1933)

     Chính trong những điều kiện rời trường về Dessau mà Gropius đã tiến hành tổ chức lại trường. Cải cách có ý nghĩa nhất là sự loại bỏ truyền thống giảng dạy song đôi trong các xưởng. Lớp dự bị được chia ra làm hai môn học trong 6 tháng, do Nagy và Albers đảm nhiệm. Albers giảng dạy những yếu tố đầu tiên của Design, cấu trúc, các hình thức giao thoa giữa hình thể. Nagy phụ trách xưởng kim loại và thành lập xưởng chụp ảnh mới. Breuer phụ trách xưởng đồ gỗ. Xưởng của Breuer đảm nhiệm công việc liên quan đến xây dựng tòa nhà mới: các đồ đạc bằng ống thép được thiết kế cho phòng ăn, phòng ở của sinh viên và các trang trí nội thất khác. Những tìm tòi của Breuer về đồ đạc bằng kim loại là những tìm tòi độc lập. Breuer cho rằng một cấu trúc hình ống đến với ông nhân lúc ông đi dạo quan sát thấy chiếc ghi đông. Ông muốn đồ đạc của ông phải được sản xuất hàng loạt và do đó ông nghĩ đến sự phi cá tính của chiếc ghế, để nó có thể thích hợp trong bất cứ môi trường nào. Đến năm 1925, việc giảng dạy của Bauhaus đang tiến hành tốt sau vì không đủ kinh phí cho việc xây dựng tòa nhà ở Dessau, những khó khăn về kinh tế, Gropius còn bị o ép bởi chính quyền địa phương nên ông đã nghĩ đến việc từ chức. Mặt khác, do sự mâu thuẫn nội bộ về quan điểm học thuật, mặc dù Gropius có chú ý đến nhu cầu thẩm mỹ của hiện vật (bền, rẻ và đẹp) nhưng ông đã từng băn khoăn và lo ngại cái đẹp của Bauhaus không là kiểu cách và cái đẹp đó gắn liền với nhu cầu thực tế của đồ dùng. Dù với sự tiến bộ đang có của Bauhaus, ông đã phải rời chức vụ. Việc từ chức của ông làm cho nhiều người nuối tiếc. Hiệu trưởng lên thay ông là Mayer.

     Mayer đến với Bauhaus năm 1927 do lời mời của Gropius với tư cách là một giáo sư. Đến đây, với quan điểm “Chủ yếu công tác giảng dạy của tôi sẽ mang tính chất công năng, nó luôn luôn là thực tế và có liên quan mật thiết với thế giới đương đại”. Khi nhận nhiệm vụ hiệu trưởng Hannes Mayer bắt đầu mở rộng bộ môn kiến trúc bằng cách đưa những môn học mới vào: toán học, kỹ thuật học, xã hội học. Ông cho mời những thầy dạy mới: nhà quy hoạch thành phố Hillenseimer, một số học sinh cũ như Anaidt phụ trách trang trí và nội thất, Peter Hans phụ trách một lớp mới về chụp ảnh v.v… sự cải tiến này đã được đánh giá có chiều sâu và nâng cao. Tuy vậy, với sự khước từ mọi thỏa hiệp với bọn quốc xã năm 1930, chính quyền yêu cầu ông phải từ chức. Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng sự đổi mới của Mayer ở Bauhaus là rất quan trọng. Ông là người đầu tiên dựng tạo các bộ môn khoa học chính xác trong đào tạo các nhà Designers. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của tâm lý học hình dáng. Tuy là một giáo sư nhưng ông không quên mình là một nhà kiến trúc sư và là một nhà quy hoạch thành phố, ông đã viết (trong tạp chí Bauhaus số 4 năm 1928) “Xây dựng là một quá trình sinh học. Xây dựng không phải là một quá trình thẩm mỹ. Tư duy kiến trúc phải bằng khái niệm công năng và sinh học, phải thấy đấy là một cách biểu hiện quá trình sống, sẽ dẫn đến sự xây dựng thuần khiết một cách tất yếu. Sự xây dựng thuần khiết là cơ sở của thế giới mới về hình dáng”. Và trong thư gửi thị trưởng đăng tạp chí Beclin tháng 8 năm 1930 (số 33) ông đã chứng minh: “Công việc giảng dạy của tôi là một trận chiến đấu: mọi sự sống đều trỗi lên từ sự phối hợp Oxygen + cacbon + đường + anniđông + allumin. Xây dựng là một quá trình sinh học, không phải là một quá trình thẩm mỹ. Nó không phải là diễn tả những cảm xúc của cá nhân mà là hành động tập thể. Việc làm của nó có nghĩa là tổ chức các hiện tượng của đời sống với các mặt xã hội, tâm lý, kinh tế, kỹ thuật. Nó là minh chứng một thế giới. Một tác phẩm mạnh mẽ, không thể tách rời một niềm tin mạnh mẽ. Tôi dạy cho sinh viên biết những mối tương quan giữa kiến trúc và xã hội, chỉ cho họ con đường của trực giác, hình thức hướng tới tìm tòi tính chất khoa học. Dựa vào những gì có thể đo lường được, nhìn thấy được và sờ mó được. Mục đích của tôi nhằm vào sự sáng tạo dựa trên cơ sở khoa học, và do đó, tổ chức giảng dạy ở Bauhaus phải được biến đổi.”

     Sau Mayer, hiệu trưởng thứ ba là Mies Van Deer Rohe ông đã gặp Gropius từ trước chiến tranh 1914 – 1918 trong xưởng của Beherens và sau chiến tranh hai người đều tham gia vào nhóm của những người tháng chạp. Rohe lúc đó đã nổi tiếng, ông đã đưa ra một dự án xây dựng nhà chọc trời bằng kính năm 1920. Và ông phụ trách triển lãm của Deutscher Verkbund ở Stuggart có cả Gropius và Le Corbysier tham gia (1927). Tiếp theo, ông dựng triển lãm Barcelone và nhân dịp này ông làm chiếc ghế Barcelone. Sau khi đề bạt Rohe làm hiệu trưởng Mayer yên tâm hơn vì ông đã nổi tiếng. Thời gian làm hiệu trưởng của Rohe có thể nhận thấy rằng sản xuất ở các xưởng khác nhau tăng mạnh. Và ban kiến trúc tiếp tục vận hành tốt. Trước tình hình chính trị trầm trọng Đức quốc xã kiểm soát, chiếm quyền ở vùng Dessau trường Bauhaus lại bị đóng cửa vào tháng 10 năm 1933. Rohe phải rời trường đến một nhà máy sản xuất điện thoại ở Beclin. Tồn tại hơn 10 năm, ảnh hưởng của Bauhaus thật to lớn.

Chiếc ghế do Marcel Breuer thiết kế năm 1925

III. Ảnh hưởng của Bauhaus đối với Design thế giới

     Sau khi Bauhaus bị giải tán những giáo sư của Bauhaus đã rời sang nước Mỹ, hoạt động của họ cùng với các nhà Design ở Mỹ có điều kiện thức tỉnh. Gropius tuyên bố ở trường đại học Harvard có nói: “Ý đồ của tôi không phải du nhập vào nước Mỹ “phong cách hiện đại” của Châu Âu mà đúng hơn du nhập một phương pháp tiếp cận cho phép đề cập đến những vấn đề tùy theo điều kiện đặc biệt của chúng. Tôi mong ước các kiến trúc sư trẻ tự mình có khả năng tìm kiếm cho bản thân một con đường, tuy bất cứ hoàn cảnh nào, họ có thể sáng tạo được những hình dáng tốt và chân thực phù hợp với những điều kiện kỹ thuật, kinh tế và xã hội của thời đại họ, hơn là áp đặt cho họ những công thức có sẵn. Tôi không mong giảng dạy một cách giáo điều, mà một thái độ không thành kiến, độc đáo và mềm dẻo, thích ứng với thời đại chúng ta. Điều mà tôi mong muốn là làm thế nào để các bạn trẻ hiểu phương pháp sáng tạo nếu như họ sử dụng vô vàn sản phẩm hiện đại thì sẽ thấy phong phú biết bao nhiêu và cũng khuyến khích họ tìm ra các giải pháp của họ”.

Các tạp chí của Bauhaus

     Chính vì vậy, Gropius đã giới thiệu Nargy về làm hiệu trưởng Tân Bauhaus (1937) ở Chicago. Ở đây, các chuyên gia Bauhaus cộng tác với các chuyên gia ở Chicago kết hợp giảng dạy. Năm 1938, mâu thuẫn với chính quyền dẫn đến trường bị đóng cửa. Năm 1939 Nargy thành lập Trường Design mới, với số lượng cộng tác viên của hai trường Chicago và Bauhaus tăng lên. Đến năm 1944, trường trở thành Viện Design, năm 1949 Viện Design sát hợp với viện Kỹ thuật ở Illinois. Bauhaus đã có ảnh hưởng rõ rệt ở nước Mỹ, trở thành nhân tố tác động đến sự hình thành và phát triển nhiều năm, trong những giai đoạn sau và đặc biệt sau chiến tranh thế giới lần thứ 2. Phương pháp sáng tạo của Bauhaus trong việc dựng tạo các sản phẩm của đời sống đã giúp cho việc phục hồi kinh tế ở các nước Châu Âu. Ở cộng hòa dân chủ Đức trước đây, những thành tựu của Bauhaus được tiếp thu trong phương pháp giảng dạy ở trường Halles. Đối với cộng hòa liên bang Đức, được Mar Bill xây dựng từ năm 1922 đã vận dụng tối đa các môn cơ bản. Đến nay, hội mỹ thuật công nghiệp thế giới chưa thực sự công nhận nhưng vẫn thấy chương trình cơ sở thẩm mỹ do Itten soạn thảo, sau được bổ sung của hai họa sĩ tên tuổi là P.Klee và Kandynsky vẫn được coi là phương pháp dạy nghề tối ưu. Trường Bauhaus còn xuất bản tạp chí Bauhaus từ năm 1926 đến năm 1931, có 14 số. Bên cạnh tạp chí còn xuất bản những tập sách bao gồm những người có tên tuổi viết, ví dụ như: Gropius, P. Klee, Mayer, Mondryan, Nagy, Kandynsky, Malevitch.v.v.. .những cuốn sách này đều đề cập đến xây dựng và xây dựng Design có tính chất khoa học cao.

     Xét về hoạt động 10 năm, trong đó phải vật lộn về tài chính xây dựng trường của Bauhaus thật ngắn ngủi, nhưng có thể nói do sự cố gắng của các nhà chuyên môn ở đây, cùng với sự khai mở đúng nghĩa, Bauhaus đã tập trung các nhà chuyên môn tốt xây dựng lý tưởng cho một nền Design luôn luôn gắn bó với xã hội, luôn luôn tiến triển. Một nhà phê bình Mỹ, tên là Herwin Schaefer, năm 1953 viết: “Ngày nay, trong bất cứ lĩnh vực sáng tạo nào, người ta không thể tách rời tư tưởng của trường Bauhaus ở Mỹ…” Người ta có thể nói về ảnh hưởng của Bauhaus chủ yếu trên 3 lĩnh vực:

– Giảng dạy kiến trúc và design trong các trường đại học và trong các viện.

– Kiến trúc.

– Ấn loát và đồ họa.

     Trong lĩnh vực thẩm mỹ công nghiệp, ảnh hưởng của những nhà sáng tạo ở Bauhaus giới hạn ở giảng dạy và nhiều nhà Designer là học trò của họ.

 

Các sản phẩm, tác phẩm của các Giáo sư Trường Bauhaus

SÁCH THAM KHẢO

1. Jocelyn de Noblet cùng cộng tác với Catherine Bressy – Design – Tóm tắt về lịch sử tiến hóa về hình dạng công nghiệp từ năm 1920 đến nay – STDCK – CHENE. Paris 1974.

2. Thomas Hauffe – Design – Barron’s, 1996.

3. Charlotte & Peter Fiell – Design Du XX Siefcle – Taschen, 2003.

4. The Elements of Design A Practical Encyclopedia of the Decorative Arts from the Renaissance to the Present – Free Press, 2003.

Nguồn: Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam –
Tạp chí nghiên cứu Mỹ thuật, số 03 (03) , tháng 09/2014

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

 

Download file (PDF): Trường Bauhaus cái nôi của Design hiện đại (Tác giả: Nguyễn Ngọc Dũng)