Trường hợp Lê Chất và Trương Đăng Quế việc sử dụng người tài của các vua đầu triều Nguyễn

Tác giả bài viết: NGUYỄN QUỐC TRIỀU
(Khoa Lịch sử – Trường Đại học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn – Đại học Quốc Gia Tp. Hồ Chí Minh)

     Trong bối cảnh lịch sử vừa mới chiến thắng phong trào Tây Sơn và sau đó là xây dựng bộ máy chính quyền quan liêu chuyên chế, những người có liên quan đến phong trào Tây Sơn vẫn được trọng dụng thì đó là một điều rất đáng ngạc nhiên. Từ đó cho thấy cách sử dụng nhân tài và xây dựng bộ máy quan lại của nhà Nguyễn rất đáng nhìn nhận và cần được nghiên cứu. Trong phạm vi giới hạn của bài viết, tôi xin đi từ hai vị quan có thứ bậc cao trong bộ máy quan lại của nhà Nguyễn là Lê Chất và Trương Đăng Quế với mong muốn tìm ra những điểm đáng lưu ý trong thuật dùng người của nhà các vua nhà Nguyễn.

     Đầu tiên xin bắt đầu từ Lê Chất. Lê Chất người huyện Bình Mỹ, tỉnh Bình Định, sinh năm Giáp Ngọ (1774). Thời trẻ, Lê Chất tham gia phong trào Tây Sơn, lập được nhiều chiến công, được phong đến chức đô đốc. Đến năm 1792, khi thấy tình hình nội bộ Tây Sơn rối ren, Lê Chất đã bàn với cha vợ của mình là Lê Trung – một tướng của Tây Sơn đến đầu hàng quân đội của Nguyễn Ánh (Gia Long sau này). Chính sự kiện này đã làm cho Nguyễn Quang Toản nghi ngờ Lê Trung làm phản nên đã cho người giết Lê Trung, Lê Chất may mắn thoát chết. Bản thân Nguyễn Ánh cũng không tin Lê Chất, khi nghe tin Lê Chất xin đầu hàng, ông đã nói với các tướng lĩnh rằng: “Lê Chất là đứa giảo hoạt, cho nên, lời này chưa hẳn đã thực đâu”1. Mãi đến năm 1799, Lê Chất đem 200 người đến Quy Nhơn, gặp tướng Võ Tánh để xin hàng. Nguyễn Phúc Anh cho Lê Chất làm thuộc tướng của Võ Tánh, đồng thời cho đón mẹ và vợ con của Lê Chất vào Gia Định để nuôi nấng. Từ đây, Lê Chất gắn bó với Nguyễn Phúc Anh đến suốt đời. Bởi lập được nhiều công lao, Lê Chất luôn được trọng thưởng. Suốt thời Gia Long (1802 – 1819), Lê Chất luôn được trọng dụng. Sang thời Minh Mạng (1820 – 1840), Lê Chất vẫn được coi là một trong những đại thần uy danh lững lẫy. Ông được phong chức Tổng Trấn Bắc Thành – tức là người đại diện chính quyền nhà Nguyễn, cai quản một vùng rộng lớn ở phía Bắc. Có thể thấy, cuộc đời quan lộ của Lê Chất từ khi theo Nguyễn Ánh đã thăng tiến không ngừng. Để có được sự thăng tiến đó, chỉ riêng tài năng của Lê Chất thì chưa đủ mà cần phải có “cái tài” dử dụng người tài của các vua Nhà Nguyễn mà ở đây là Gia Long và Minh Mạng. Mặc dù đã từng cho Lê Chất là “người giảo hoạt” nhưng khi chấp thuận cho Lê Chất đầu hàng, Nguyễn Ánh đã rất trọng dụng ông. Người xưa có câu: “đã nghi thì không dùng, đã dùng thì không nghi”, Nguyễn Ánh rõ ràng là người nắm rõ ý nghĩa của câu nói này nhất. Vì biết Lê Chất là người có đầy đủ tài thao lược về quân sự rất cần thiết cho cuộc chiến tranh chống lại Tây Sơn lúc bấy giờ nên Nguyễn Ánh đã rất tin dùng Lê Chất. Cũng có ý kiến cho rằng, sở dĩ Nguyễn Ánh rất trọng dụng Lê Chất là vì ông ta biết rằng Lê Chất sẵn sàng vì danh lợi mà chém giết lại chính những người thân và đồng đội của mình – đó là phong trào Tây Sơn. Dù là ý kiến nào đi chăng nữa thì qua việc trọng dụng Lê Chất đã cho người ta thấy cái tài năng dùng người của Nguyễn Ánh và sau này là Vua Gia Long. Trong cuộc chiến tranh chống lại Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã biết sử dụng tất cả các lực lượng thậm chí là những người có chức vụ cao trong phong trào Tây Sơn, và không ngại dùng những người tài đó vào những công việc quan trọng. Chính bởi vì thế mà ta không ngạc nhiên khi thấy Gia Long đã ra sức bênh vực cho Lê Chất khi bị triều thần ganh ghét hay là mắc phải một số lỗi nhỏ sau này.

     Người xưa cũng có câu: “Chim chóc hết thì cung tên phải dẹp, chồn cáo không còn thì phải thịt chó săn”, đối với một người “giảo hoạt” như Lê Chất, sau khi chiến thắng phong trào Tây Sơn lẽ ra nhà Nguyễn phải tìm cách loại trừ hoặc hạn chế. Nhưng ngược lại, Nguyễn Ánh sau khi lên ngôi đã truy thưởng rất hậu cho Lê Chất và sau đó cho cho ông thay thế Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc Hà. Đến triều Minh Mạng, Lê Chất vẫn tiếp tục giữ chức vụ này và trở thành một trong những vị đại thần có quyền lực nhất trong triều đình. Vì sao, một hàng tướng như Lê Chất lại được chọn là người đại diện của triều đình ở cả khu vực phía Bắc – cai trị một vùng rộng lớn như vậy? Rõ ràng, triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ không thiếu người tài và thân thuộc đến nổi buộc phải sử dụng một con người “giảo hoạt” như Lê Chất. Chỉ có thể giải thích được điều này bởi một chữ “tài” trong thuật sử dụng người tài của nhà Nguyễn. Gia Long và cả Minh Mạng biết rằng, chỉ Lê Chất mới có đủ thực lực thay thế Nguyễn Văn Thành ổn định tình hình miền Bắc trong những năm đầu thống nhất, có thể quy tụ được người tài ở miền Bắc và đủ sức trừng trị các thế lực đối kháng với triều đình. Gia Long, sau đó là Minh Mạng vẫn tin dùng Lê Chất vì họ biết rằng công cuộc xây dựng một quốc gia thống nhất lúc bấy giờ, nhà Nguyễn nhận thấy không thể thiếu những người như Lê Chất. Chính sự sáng suốt của nhà Nguyễn trong việc sử dụng Lê Chất nói riêng và những người tài khác nói chung mà Gia Long sau khi lên ngôi đã có thể nhanh chóng ổn định tình hình đất nước, hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước, và Việt Nam lúc bấy giờ trở thành một cường quốc của khu vực.

     Tài năng sử dụng người tài của các vua nhà Nguyễn không chỉ dừng lại ở Lê Chất. Nếu Lê Chất sở dĩ được trọng dụng vì các vua nhà Nguyễn buộc phải tập hợp nhiều lực lượng để chống lại Tây Sơn và ổn định đình hình rối ren của đất nước những ngày đầu sau chiến tranh thì trường hợp của Trương Đăng Quế hoàn toàn khác. Trương Đăng Quế tự là Diên Phương, hiệu Đoan Trai và một hiệu khác là Đoản Khuê Tẩu, sinh ngày 1 tháng 11 năm Quý Sửu (1793), người làng Mỹ Khê, xã Sơn Mỹ (Tịnh Khê), Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Trương Đăng Quế xuất thân trong một gia đình có nhiều người tham gia, giữ những vị trí quan trọng trong phong trào nông dân Tây Sơn, là con thứ của Trương Đăng Bá, từng nhận chức tri phủ thời Tây Sơn2. Như vậy, với thân thế của Trương Đăng Quế đối với triều đình Nhà Nguyễn thì đó là một con người có “lý lịch đen”. Về phía nhà Nguyễn, đến những năm cuối thời Gia Long và Minh Mạng trở đi, tình hình đất nước đã trở nên ổn định, đất nước ngày càng phồn vinh, bộ máy quan lại cũng bắt đầu đi vào hoàn thiện. Như thế, nhà Nguyễn trong việc sử dụng Trương Đăng Quế không còn ở cái thế “buộc phải” dùng như thời Lê Chất và với một người có “lý lịch đen” như Trương Đăng Quế lẽ ra cần phải đề phòng và không tin dùng. Tuy nhiên, sự thật lịch sử lại không như thế. Có thể thấy con đường quan lộ của Trương Đăng Quế tiến rất nhanh, nhanh hơn cả Lê Chất và đạt đến cả đỉnh cao danh vọng. Năm Gia Long thứ 18 (1819) thi đỗ Hương Tiến (Cử Nhân), trường Trực Lệ (Thừa Thiên), khoa thi của Quảng Ngãi4. Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), khởi đầu được sơ bổ hành tẩu Bộ Lễ. Năm Minh Mạng thứ hai (1821), lãnh Hàn Lâm Viện Biên Tu, sung Trực Học rồi sung Bạn Độc (chức dạy con cháu nhà vua). Năm Minh Mạng thứ 5 (1824), thăng Hàn lâm Viện Thị Độc, sung Tán Thiện Thập Thiện Đường (dạy Hoàng Tử), rồi thăng mãi qua nhiều chức vụ quan trọng tài các bộ: Lễ, Lại, Công, Hộ, Binh… Ông giữ vai trò trọng yếu trong các ngành chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế – xã hội, văn hóa và giáo dục suốt ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

     Như vậy, là một người vốn có “lý lịch đen” đối với chế độ hiện tại nhưng Trương Đăng Quế vẫn có thể tiến thân nhanh chóng trên con đường quan lộ của mình. Dường như cái “lý lịch đen” của ông không có bất cứ một sự cản trở nào đối với con đường tiến thân danh vọng của ông. Theo Yoshiharu Tsuboi trong Nước Đại Việt đối diện với Pháp và Trung Hoa: “Ông được thăng chức rất nhanh dưới triều Minh Mạng và đạt đến tột đỉnh của thứ bậc quan văn năm 1832, khi khoảng 38 hay 39 tuổi, lúc ấy ông vừa là binh bộ thượng thư vừa là cơ mật đại thần”5. Sự sáng suốt của các vua nhà Nguyễn trong việc sử dụng Trương Đăng Quế đã thu lại những kết quả to lớn. Trương Đăng Quế luôn được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng: tuyển binh tại Bắc Thành (1834), đánh dẹp và khuyến dụ thổ phỉ nổi loạn ở Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang (1833), dẹp giặc ở Bắc Kỳ (1835)6, Thanh Hóa (12 – 1836) để an an, chánh sứ đoàn Kinh lược Nam Kỳ Lục Tỉnh, chánh sứ kinh lược Bắc Kỳ lo việc sông ngòi và đê điều để phát triển kinh tế đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt, trong cương vị Chánh sứ kinh lược Nam Kỳ lục tỉnh ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Sau khi đàn áp được cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, Minh Mạng bắt tay vào công cuộc khôi phục lại sự ổn định ở Nam Kỳ lục tỉnh vốn đã rất rối ren và phức tạp. Do đó, nhiệm vụ của Trương Đăng Quế là phải làm sao đưa ra cách ổn định Nam Kỳ lục tỉnh vùng đất màu mỡ và giàu có phía Nam tổ quốc.

     Chỉ trong vòng 5 tháng, ông đã đưa ra được phương án để ổn định tình hình kinh tế – chính trị – xã hội ở khu vực này, đặc biệt là vấn đề lập “Đinh bạ” “địa bạ” cho từng thôn xóm ở Nam Kỳ. Người Pháp sau này khi chiếm được Nam Kỳ đã rất thán phục “địa bạ” của Trương Đăng Quế. Sài Gòn – Gia Định và Nam Kỳ đã đi vào ổn định và phát triển sau chuyến kinh lược của Trương Đăng Quế. Xét tình hình về kinh tế và xã hội của Việt Nam lúc bấy giờ, Nam Kỳ lục tỉnh có một vị trí cực kỳ quan trọng và chuyến kinh lược của Trương Đăng Quế có ảnh hưởng đến vận mệnh của đất nước.

     Minh Mạng ý thức được tầm quan trọng của chuyến đi này. Do đó, nếu như Minh Mạng e dè và bảo thủ bởi cái lý lịch có liên hệ đến “giặc Tây Sơn” mà bỏ qua cái tài năng của ông thì có lẽ Trương Đăng Quế đã không có cơ hội thể hiện tài năng của mình và nhà
Nguyễn cũng sẽ khó khăn hơn trong việc ổn định Nam kỳ lục tỉnh.

      Trong cuộc đời làm quan, ông được thăng đến Phụ Chính Đại Thần, văn biện đại học sĩ, hàm Cần Chánh Điện Đại học Sĩ Thái Sư, tước Tuy Thạnh Quận Công, Tam Triều Thạc Phụ, Lưỡng triều cố mệnh lương thần. Các vua Minh Mạng, Thiệu Trị trước khi qua đời đều phó thác lại cho ông những nhiệm vụ rất quan trọng. Tháng 12 năm Canh Tí (1840), khi ốm nặng, vua Minh Mạng cho vời Hoàng tử, các thân công và cơ mật viện đại thần Trương Đăng Quế vào hầu. “Vua Minh Mạng đã dụ Trương Đăng Quế rằng:

     – Hoàng tử Trường Khánh Công, lấy về ngôi thứ là hàng trưởng, lấy về đức, về tuổi, nên nối ngôi lớn. Ngươi nên hết lòng hết sức giúp rập, hễ việc gì chưa hợp lệ, ngươi nên dẫn lời nói của ta mà can gián. Sau đó, Vua đã nói với Hoàng tử trưởng: Trương Đăng Quế thờ ta đến nay đă 21 năm, trọn đạo làm tôi, một lòng công trung, bày mưu dưới trướng, ra sức giúp việc ngoài biên, thực là một người công thần kỳ cựu của triều đinh, ngươi nên đăi ngộ một cách trọng hậu, hễ nói gì phải nghe, bày mưu kế gì phải theo…”7.

__________
1 Nguyễn Khắc Thuần (1994), Việt Sử Giai Thoại – 45 giai thoại thế kỉ XIX, NXB. Giáo Dục, Tp. Hồ Chí Minh, trang 60.

2 , 3 Tạp chí Xưa và Nay, Phan Ngọc Liên, Những Vấn đề lịch sử Triều Nguyễn – Trương Đăng Quế con người và thời đại, NXB. Văn Hóa Sài Gòn, năm 2007, tr.264.

4 http:// , Nguyễn Cao Can, Trương Đăng Quế và sự phát triển của Sài Gòn – Gia Định, ngày 16 tháng 5 năm 2007.

5 Tạp Chí Xưa và Nay, Phan Ngọc Liên, Những Vấn đề lịch sử Triều Nguyễn – Trương Đăng Quế con người và thời đại, NXB. Văn hóa Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh, 2007, trang 266.

6 http:// , Nguyễn Cao Can, Trương Đăng Quế và sự phát triển của Sài Gòn – Gia Định, ngày 16 tháng 5 năm 2007.

7 http:// www. Hoituso.net, Lich sử, Minh Mệnh Hoàng đế.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX,
Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Trường hợp Lê Chất và Trương Đăng Quế việc sử dụng người tài của các vua đầu triều Nguyễn (Tác giả: Nguyễn Quốc Triều)