Truyện cổ tích xứ Bắc và dấu ấn địa phương hóa (Phần 1)

Tác giả: Nghiên cứu sinh NGUYỄN HUY BỈNH
(Viện Văn học)

1. Xứ Bắc và truyện cổ tích xứ Bắc

     Bàn về thuật ngữ “xứ”, nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam(1) và nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh trong cuốn Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá ở Việt Nam(2) đã nhận định khá thống nhất rằng, tên “xứ” có thể chỉ một vùng đất có phạm vi hẹp, thậm chí tương đương với một làng, một xóm; rộng hơn, “xứ” có thể tương đương một vùng, một miền. Lấy Thăng Long làm trung tâm, người xưa gọi bốn vùng xung quanh là: Xứ Đông, xứ Đoài, xứ Bắc, xứ Nam, tương đương với tứ trấn nội kinh thời Trần, Lê. Rộng hơn “xứ” là xứ sở vốn dùng với phạm vi bao quát của một đất nước. Tựu chung lại, “xứ” là một vùng đất có những tương đồng nhất định về phương diện phong thổ, khí hậu, dân cư và sinh hoạt văn hoá…

     Về tên gọi “xứ Bắc”, tác giả Trần Quốc Vượng trong bài viết Xứ Bắc ngày xưa(3) cho rằng, tên “Bắc” là tên đất được định danh theo phương hướng, và đó là một nguyên tắc thuận tiện. Xuất phát từ việc lấy vùng Thăng Long – Hà Nội làm trung tâm và là nơi quy chiếu để đặt Đông, Đoài, Nam, Bắc mới có tên “Bắc”, về căn bản, “xứ Bắc” là một cái tên dân gian, Nhà nước có dùng cũng là dùng tên dân gian, có đổi thì tên dân gian ấy vẫn trường tồn. Trong bài viết khác có tiêu đề Xứ Bắc – Kinh Bắc một cái nhìn địa – văn hóa (4) thêm một lần nữa, Trần Quốc Vượng đã sử dụng tên gọi Xứ Bắc – Kinh Bắc để chỉ một vùng đất nằm ở phía Bắc kinh thành Thăng Long – Hà Nội.

     Từ các quan điểm trên cho thấy, “xứ Bắc” là tên gọi theo dân gian, còn “Kinh Bắc” là tên gọi do Nhà nước đặt ra. Việc sử dụng thuật ngữ “xứ Bắc” hay “Kinh Bắc” thực ra cũng chỉ là tên gọi khác nhau về một vùng đất cụ thể nằm ở phía Bắc kinh thành Thăng Long. Tên gọi “xứ Bắc” không nhất thiết phải trùng hợp với các đơn vị hành chính mà để biểu đạt sự khác biệt giữa vùng đất này với vùng đất khác, chứng tỏ sự phân biệt trong tâm thức dân gian. Trong trường kỳ lịch sử dân tộc, vùng đất xứ Bắc này đã trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi khác nhau(5). Tuy nhiên, chúng tôi thống nhất dùng tên gọi trong dân gian là “xứ Bắc”, qua đó muốn làm rõ đặc trưng truyện cổ tích truyền thống của xứ này.

     Trong giới hạn về điều kiện địa lý, xứ Bắc nằm trong vùng Đông Bắc rộng lớn của Việt Nam; phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Nam giáp tỉnh Hải Dương và Hưng Yên; phía Tây Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên; phía Tây giáp tỉnh Vĩnh Phúc và thủ đô Hà Nội. Viết về vùng đất này, Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí đã nhận xét: “Kinh Bắc có mạch núi vao vót, nhiều sông quanh vòng, là mạn trên của nước ta. Phong cảnh thì phủ Bắc Hà, phủ Lạng Giang đẹp hơn. Mạch đất tốt tụ vào đấy, nên càng nhiều chỗ có dấu tích đẹp, tinh hoa họp vào đấy, nên sinh ra nhiều danh thần. Vì là khí hồn trọng ở phương Bắc phát ra nên khác với mọi nơi”(6). Như vậy từ sự ghi chép về văn hóa đến việc xác định vị trí địa lí có thể khẳng định, xứ Bắc là vùng đất địa linh, nhân kiệt, chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa cổ xưa của dân tộc.

     Về vấn đề phân loại truyện cổ tích, cho đến nay các nhà nghiên cứu văn học dân gian gần như đã thống nhất phân truyện cổ tích theo đề tài; theo đó, họ phân chia truyện cổ tích làm ba tiểu loại, đó là: Truyện cổ tích loài vật, truyện cổ tích thần kỳ và truyện cổ tích sinh hoạt(7). Mỗi tiểu loại truyện cổ tích lại được xác định bởi nội hàm khái niệm cũng như nội dung phản ánh và thi pháp của cốt truyện. Từ các văn bản truyện cổ tích xứ Bắc đã được sưu tầm, được xác định, có thể thấy truyện cổ tích xứ Bắc xuất hiện hai tiểu loại là truyện cổ tích thần kỳ và truyện cổ tích sinh hoạt. Trong đó tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ là bộ phận phong phú và biểu hiện rõ nhất dấu ấn địa phương hóa qua các dấu tích còn lại cho đến tận ngày nay, nổi bật là truyện kế về người con riêng, tiêu biểu là truyện Tấm Cám, truyện kể về người gặp tiên, tiêu biểu là truyện Vương Chất gặp tiên, Từ Thức. Còn tiểu loại truyện cổ tích sinh hoạt nổi bật với những truyện phản ánh mối quan hệ gia đình như Mài dao dạy vợ, Giết chó khuyên chồng; phản ánh mối quan hệ xã hội như truyện Anh Trương Chi.

     Trước hết, nói về truyện cổ tích Tấm Cám được lưu truyền ở xứ Bắc. Đây vốn là truyện cổ tích thần kỳ rất nổi tiếng, được lưu truyền từ lâu đời và rộng khắp các vùng miền trên cả nước. Truyện tồn tại với nhiều motif độc đáo, đó là: motif đứa trẻ mồ côi bị đối xử bất công; Cô gái nghèo lấy chồng hoàng tử; Chiếc giày xe duyên; Người trợ giúp thần kỳ; Sự biến hình; Người tốt được ban thưởng, kẻ xấu bị trừng phạt,… Các motif lớp lớp xuất hiện đã góp phần tạo nên một cốt truyện ly kỳ và hấp dẫn theo một kết cấu liên hoàn. Nếu xếp theo kiểu truyện thì truyện Tấm Cám lưu truyền ở Việt Nam thuộc về kiểu truyện Cô Lọ Lem, một trong những truyện phổ biến nhất trên thế giới, có số lượng dị bản lên tới hàng trăm(8).

     Ở xứ Bắc, bên cạnh một truyện Tấm Cám được lưu truyền rộng rãi, còn có một truyện Tấm Cám được đông đảo người dân biết đến và kể lại, đó là câu chuyện gắn với nhân vật lịch sử, truyền thuyết là Nguyên Phi Ỷ Lan. Đã có nhiều làng xã ở vùng đất này thờ Ỷ Lan có sự tích trùng với nhân vật cô Tấm trong truyện Tấm Cám(9). Trên thực tế, mặc dù có một số thần tích về Ỷ Lan có những nét lặp lại tương tự như phần đầu của truyện Tấm Cám, nhưng ở xứ Bắc không có một cốt truyện về Ỷ Lan được đồng nhất với cốt truyện Tấm Cám. Do vậy, không thể coi truyện Tấm Cám là dị bản của truyện Ỷ Lan và ngược lại không thể coi truyện Ỷ Lan là dị bản của truyện Tấm Cám được. Nhà nghiên cứu Đinh Gia Khánh trong bài viết Qua việc nghiên cứu các danh từ riêng trong một số truyện cổ tích đã nhận xét rằng: “Trong sự tích Ỷ Lan Thái hậu ở làng Thuận Quang đã có phần đầu giống với phần đầu của truyên Tấm Cám. Ở phần này, sự tích đó đã lấy nhiều chi tiết của truyện Tấm Cám làm chi tiết của mình. Tất cả những chi tiết như vớt tép, nuôi bống, thử giày thần,… vốn ở truyện cổ tích Ấn Độ, Mianma, Cămpuchia, Chàm và Việt Nam,… đã được sự tích Ỷ Lan Thái hậu của làng Thuận Quang thu hút lấy”(l0). Còn tác giả Nguyễn Thị Bích Hà cho rằng, sự đồng hóa giữa nhân vật Tấm với Ỷ Lan phản ánh quá trình: cổ tích hoá truyền thuyết Ỷ Lan và truyền thuyết hoá truyện cổ tích Tấm Cám(l1) .Từ sự đồng hóa giữa các thần tích về Ỷ Lan ở xứ Bắc với nhân vật cô Tấm cho thấy sức sống mạnh mẽ của truyện Tấm Cám trong đời sống tinh thần người dân nơi đây. Người dân đã tìm thấy ở nhân vật cô Tấm sự gợi ý gần gũi để thể hiện tình cảm yêu mến, tinh thần đề cao, tôn vinh nhân vật lịch sử Nguyên Phi Ỷ Lan của địa phương mình. Chính vì thế, sự đồng hóa đó chỉ tồn tại phổ biến trong đời sống tín ngưỡng dân gian ở một số làng quê thờ cúng Ỷ Lan. Chúng tôi sẽ trình bày kỹ hơn về hiện tượng này trong phần tìm hiểu vấn đề địa phương hóa truyện cổ tích xứ Bắc tiếp sau.

     Trong truyện cổ thần kỳ xứ Bắc còn có những câu chuyện về người gặp tiên, đó là truyện Vương Chất gặp tiên và truyện Từ Thức. Thế giới người gặp tiên trong truyện cổ tích không giống với thế giới hiện thực của con người, cũng không giống với thế giới của các vị thần trong thần thoại và truyền thuyết. Đó là thế giới của cõi trời, cõi tiên. Trong tâm thức dân gian, ngoài sự khác biệt về không gian, còn có một sự cách biệt về thời gian giữa thế giới thần tiên và thế giới người trần. Thời gian ở cõi tiên gấp nhiều lần thời gian cõi trần. Nhân vật Từ Thức và Vương Chất đều là những người trần mắt thịt, họ có duyên gặp gỡ các vị tiên xuống trần gian thưởng ngoạn lễ hội và vui thú cuộc cờ. Sau khi gặp tiên, các nhân vật trần gian trở về chốn cũ nhưng tất cả không gian quen thuộc đã thay đổi và họ không thể hòa nhập cùng cuộc sống như trước đây nữa. Họ bơ vơ, lạc lõng giữa đời thường, chán nản trước hiện thực, rồi như một sự sắp đặt chung của tạo hóa, tất cả đều tìm cho mình một lối thoát, đó là sự ra đi vĩnh viễn. Câu chuyện cổ tích Từ Thức Vương Chất gặp tiên đã phần nào nói lên mơ ước chân chính của người dân là được bay bổng đến cõi bồng lai tiên cảnh. Ở nơi ấy, con người thoát khỏi đau khổ nơi trần thế, tuổi thọ kéo dài đến vô tận.

     Khác với truyện cổ tích thần kỳ thường phản ánh thế giới thần tiên, bụt thoại, nội dung tiểu loại truyện cổ tích sinh hoạt xứ Bắc chủ yếu lại là sự phản ánh mối quan hệ gần gũi với đời sống hiện thực của con người. Đó thường là mối quan hệ trong gia đình và mối quan hệ ngoài xã hội. Truyện có chủ đề về gia đình bao gồm truyện kể về mối quan hệ anh – em; vợ – chồng; mẹ chồng – nàng dâu như truyện Mài dao dạy vợ, Giết chó khuyên chồng. Đây là những truyện được lưu truyền trong không gian văn hóa xứ Bắc và còn được gắn với giai thoại trong dân gian, sách Văn hóa dân gian ở Gia Đông (Bắc Ninh)(l2) đã ghi lại giai thoại như sau: Người dân Thuận Thành (thuộc tỉnh Bắc Ninh) xưa nay vẫn truyền nhau câu ca nhận xét tính cách con người trong vùng: “Lịch sự là đất Đông Hồ/ Bất nhân Bảo Khám, ô đồ Trạm Trai…”. Họ cho rằng, người Đông Hồ chuyên làm tranh tết, họ là những nghệ sĩ, lại giao thiệp rộng với khách buôn tranh, vì thế luôn tỏ ra lịch sự. Bảo Khám là nơi huyện lỵ có nhiều lính lệ hay gây gổ đánh nhau. Còn ở Trạm Trai, người ta lại hay đi câu chó về giết thịt. Còn người dân ở các làng Báo Khám và Trạm Trai lại bảo đó là chuyện hiểu lầm, thực chất câu chuyện Mài daoGiết chó lưu truyền trong dân làng nhằm ca ngợi việc dạy vợkhuyên chồng chứ không phải là để nói về việc bất nhânô đồ ở nơi đây. Như vậy là trên thực tế, gắn với giai thoại và những câu ngạn ngữ như trên, ở vùng Gia Đông của xứ Bắc đã lưu truyền các câu chuyện này.

     Qua các truyện cổ tích sinh hoạt Mài dao dạy vợGiết chó khuyên chồng, nổi bật lên là sự xung đột giữa các thành viên trong gia đình như giữa anh em ruột, giữa mẹ chồng và nàng dâu – những mối quan hệ từ xưa vốn được coi là khá chặt chẽ trong các gia đình xứ Bắc. Hầu hết các nhân vật được miêu tả trong truyện đã hướng tới một tương lai tốt đẹp, đã hòa giải được mọi mâu thuẫn trong cuộc sống, đã nhận ra kẻ xấu người tốt. Đây cũng chính là bài học về đạo làm người mà từ xa xưa người dân xứ Bắc đã lồng kết trong các câu chuyện cổ tích để răn dạy cho các thế hệ mai sau.

     Trong truyện cổ tích xứ Bắc, ngoài các truyện cổ tích sinh hoạt phản ánh mối quan hệ gia đình còn có những truyện phản ánh mối quan hệ xã hội, nổi bật nhất là truyện Anh Trương Chi kể về tình yêu giữa Trương Chi và Mỵ Nương. Câu chuyện tình đầy bi kịch này đã lưu truyền trong một không gian văn hóa xứ Bắc rộng lớn từ bao đời nay và đã đi vào thơ ca dân gian như một áng văn chương đẹp. Trong tâm thức dân gian, lời ca, câu hát của anh Trương Chi dưới dòng sông Tiêu Tương ngày xưa rất gần gũi và mang dáng dấp của những câu ca Quan họ nổi tiếng của xứ Bắc.

     Trong truyện Anh Trương Chi, motif về hình thức xấu xí của nhân vật Trương Chi được dân gian khắc họa khá rõ nét. Tác giả dân gian đã xây dựng được hình ảnh nhân vật kỳ diệu, một con người bề ngoài đầy khiếm khuyết, xấu xí, nhưng lại chứa đựng những khả năng phi thường. Đúng như nhận xét của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Huế khi viết về kiểu nhân vật xấu xí mà tài ba đã cho rằng: “Yếu tố hiện thực bao giờ cũng được các tác giả dân gian mô tả trong phần đầu của cốt truyện với các tình tiết nói về thân phận khốn khổ của nhân vật xấu xí. Tiếp sang phần thứ hai của câu chuyện, bao giờ con người khốn khổ đó cũng trở thành đối tượng để lý tưởng hóa, để gửi gắm những ý tưởng, những ước mơ của mọi người dân…”(13). Hình tượng nhân vật Trương Chi đã được các tác giả dân gian nhìn nhận như một con người có số phận bi thảm, bị thiệt thòi về cả tinh thần và vật chất, nhưng đây cũng là nhân vật đại diện cho những người có tài năng phi thường, đó là tài ca hát của người Quan họ xứ Bắc.

     Ngoài ra, cũng có thể nhìn nhận và lý giải bi kịch của hình tượng nhân vật anh Trương Chi như là chủ thể thẩm mỹ chứa đựng sự mâu thuẫn không thể dung hòa. Tiếng hát của nhân vật là cái đẹp, nhưng cái đẹp ấy không được lưu giữ trong hình thức tương xứng là bề ngoài xấu xí của mình. Mặt khác, đó còn là mâu thuẫn giữa chủ thể sáng tạo và đối tượng tiếp nhận, hình thức xấu xí của nhân vật Trương Chi đã không thể dung hòa với đối tượng luôn hướng đến cái đẹp hoàn mỹ là nàng Mỵ Nương. Theo quy luật chung của thời đại, một đối tượng thẩm mỹ khiếm khuyết sẽ không thể chiến thắng một chủ thể luôn hướng về cái đẹp hoàn mỹ. Điều này đã tạo thành mâu thuẫn, và đây chính là nguyên nhân của bi kịch. Nếu nhìn nhận nội dung câu chuyện ở phương diện này, truyện cổ tích Anh Trương Chi vốn là một truyện dân gian nhưng dường như đã tiến gần đến một tác phẩm văn học viết. Điều này có thể xuất phát từ vai trò và dấu ấn của các nhà nho, đó là các trí thức thời xưa thường tham gia vào các sáng tác dân gian.

     Truyện cố tích xứ Bắc từ bao đời nay đã gắn với đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Các câu chuyện đã phần nào nói lên được hiện thực cuộc sống của họ, đó là những mối quan hệ tương đối chặt chẽ trong gia đình giữa các thành viên và những quan hệ ngoài xã hội giữa những người bình dân và tầng lớp quý tộc vốn phức tạp và nhiều biến động. Bên cạnh đó, chủ đề tình yêu nam nữ trong các câu chuyện xứ Bắc cũng đã được phản ánh với những nét đẹp trong sáng nhưng cũng chứa đựng đầy bi kịch, vốn là kết quả của những mâu thuẫn trong xã hội xưa.

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

     Mời Quý độc giả xem tiếp:

Truyện cổ tích xứ Bắc và dấu ấn địa phương hóa (Phần 2)