Truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long mười năm đầu thế kỷ XXI – Nhìn từ phương diện nội dung phản ánh và nghệ thuật thể hiện

THE SHORT STORIES OF THE MEKONG DELTA IN THE FIRST TEN YEARS
OF 21ST CENTURY – LOOKING FROM THE MISSION
OF REVOLUTIONARY AND EXPRESSION ART

Tác giả bài viết: PHẠM THỊ LƯƠNG
(Khoa Sư phạm, Trường Đại học Bạc Liêu)

TÓM TẮT

     Truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long mười năm đầu thế kỷ XXI có một diện mạo phong phú, đa dạng. Các nhà văn luôn có ý thức đổi mới tư duy nghệ thuật, đổi mới phương thức thể hiện, bộc lộ được cá tính, sáng tạo. Bên cạnh những nhà văn đã để lại dấu ấn từ giai đoạn trước, ở giai đoạn này xuất hiện thêm nhiều nhà văn và họ sớm khẳng định được vị trí của mình trên văn đàn bằng các tác phẩm giá trị. Họ quan tâm đến nhiều mảng đề tài về cuộc sống đời thường; thân phận con người; thiên nhiên, văn hóa miền Tây Nam Bộ. Sự đa dạng trong đề tài phản ánh và và đặc sắc về nghệ thuật đã tạo cho truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long có một diện mạo riêng. Trong bài viết này, một số mảng đề tài và một số đặc điểm nghệ thuật được khai thác dưới góc nhìn thể loại.

Từ khóa: Đề tài, nghệ thuật, nhà văn, truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long, văn hóa.

ABSTRACT

     Short stories in the Mekong Delta in the first ten years of the twenty-first century has a rich and diverse appearance. Writers are always conscious of renewing artistic thinking, innovating the mode of expression, and revealing their creative personality. In addition to the writers who left their mark in the previous period, at this stage, more writers appeared and they soon asserted their position on the literature with valuable works. They are interested in many topics about daily life, human condition, nature and culture in the South West. The variety of themes that reflect and are unique about the arts have given the Mekong Delta short has own unique appearance. This article is aimed to exploit a number of themes and some artistic features from a genre perspective.

Keywords: Subject, art, writer, short stories of the Mekong Delta, culture.

x
x x

1. Dẫn nhập

     Đầu thế kỷ XXI, những thay đổi về đời sống kinh tế, văn hóa xã hội đã tác động không nhỏ đến tư duy nghệ thuật và thế giới quan của các nhà văn. Thế giới quan của họ chịu sự tác động sâu sắc bởi hiện thực nên ảnh hưởng rất nhiều tới định hướng đề tài, tư tưởng thẩm mĩ và quan niệm nghệ thuật. Nhiều nhà văn đã mạnh dạn khai thác những đề tài mới và nỗ lực thay đổi tư duy nghệ thuật. Sự đa dạng đề tài phản ánh và số lượng lớn tác phẩm giá trị được công bố đã góp phần khẳng định vị trí của văn học Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trên bản đồ văn học nước nhà.

     Một số tác giả đã định hình được phong cách riêng như Ngô Khắc Tài, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Diệp Mai, Trầm Nguyên Ý Anh, Võ Diệu Thanh…, tạo dấu ấn khó phai trong lòng bạn đọc cả nước. Có những nhà văn luôn tìm tòi, khám phá con người, xã hội ở rất nhiều chiều kích. Những người cầm bút đã đi sâu phản ánh mọi khía cạnh trong đời sống, bộc lộ cái nhìn đầy trăn trở, băn khoăn đối với con người, với cuộc đời trong xã hội nhiều thăng trầm, biến động. Họ không ngừng đi tìm câu trả lời cho sự tồn tại của con người từ chiều sâu góc nhìn nhân bản. Trên phương diện nghệ thuật, các nhà văn ĐBSCL giai đoạn này đã nỗ lực tìm tòi những phương thức thể hiện đa dạng. Bên cạnh sự kế thừa thi pháp tự sự truyền thống, họ đã không ngừng đổi mới tư duy nghệ thuật theo hướng hiện đại.

     Tìm hiểu nội dung trên, bài viết chủ yếu vận dụng phương pháp hệ thống để khai thác tốt hơn các giá trị ẩn tàng trong truyện ngắn ĐBSCL từ phương diện đề tài và một số yếu tố nghệ thuật. Trên cơ sở đó, người viết nhằm nêu bật một số phương diện nội dung phản ánh tiêu biểu và làm rõ tiến trình về thi pháp trần thuật của truyện ngắn ĐBSCL.

2. Nội dung bài viết

     2.1. Nhìn chung về truyện ngắn ĐBSCL trong mười năm đầu thế kỷ XXI

     Văn học ĐBSCL đã có bước chuyển dịch đáng kể từ sau năm 1975 với nhiều thành tựu nổi bật làm nên diện mạo mới. Những chuyển biến về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở khu vực này đã ảnh hưởng nhiều đến thế giới quan, tâm thế sáng tạo của người cầm bút. Chỉ tính trong khoảng 10 năm đầu thế kỷ XXI, nhiều tác giả đã xuất hiện với những tác phẩm để lại dấu ấn rõ nét. Những trang văn của họ đã góp phần làm phong phú bức tranh văn học của cả nước.

     Từ góc độ thể loại, truyện ngắn có nhiều thành tựu đáng ghi nhận hơn cả so với các thể loại khác và thu hút sự quan tâm của người đọc cũng như của giới nghiên cứu phê bình. Đầu thế kỷ XXI, truyện ngắn ĐBSCL khởi sắc với nhiều tác giả nổi bật: Nguyễn Ngọc Tư, Trầm Nguyên Ý Anh, Nguyễn Thị Diệp Mai, Võ Diệu Thanh. Họ là những nhà văn sinh ra, trưởng thành, gắn bó cuộc sống với mảnh đất chín nhánh phù sa. Họ tìm đến trang viết như một cách để thể hiện những chiêm nghiệm, cảm nhận về sự đổi thay không ngừng trong cuộc sống và để tri ân với mảnh đất phù sa châu thổ. Có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu như: Chim xa cành (Trịnh Bửu Hoài, 2004), Ác mộng đàn bà (Đoàn Văn Đạt, 2001), Chim hạc bay về (Ngô Khắc Tài, 2002), Bến nước kinh Cùng (Nguyễn Lập Em – 2003), Người dưng xứ khác (Kim Quyên – 2004), Tuyển tập truyện ngắn (Trần Thanh Giao, 2002), Tập truyện ngắn chọn lọc (Lê Văn Thảo, 2003), Tiếng sao bay xa (Trầm Nguyên Ý Anh, 2002), Bến đò hoa mận trắng (Đặng Hoàng Thám, 2008); Cô con gái ngỗ ngược (Võ Diệu Thanh, 2010), Lời thề (Trương Thị Thanh Hiền, 2004), Giang hồ vặt (Lê Minh Nhựt, 2008),… Một số tập truyện in chung của các nhà văn ĐBSCL đáng lưu ý giai đoạn này như: Văn (2008), Buffet truyện ngắn Đồng Bằng (2009), Truyện ngắn Ba tác giả nữ Đồng bằng sông Cửu Long (2005)…

     Chỉ tính riêng trong 10 năm đầu thế kỷ XXI, nhiều tác giả đã đạt được những giải thưởng trong các cuộc thi khu vực và cả nước. Trầm Nguyên Ý Anh đạt giải Nhất cuộc thi “Truyện ngắn ĐBSCL, 2002” (truyện ngắn Tiếng sáo bay xa). Nguyễn Lập Em đạt giải ba cuộc thi “Truyện ngắn ĐBSCL, 2002” (tác phẩm Bến nước Kinh Cùng), Tập truyện ngắn Bến nước Kinh Cùng đạt giải B Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam 2003. Ca Giao đạt giải Nhì cuộc thi “Văn học ĐBSCL, năm 2000” (truyện ngắn Mùa xuân của mẹ). Trương Thị Thanh Hiền đạt giải khuyến khích cuộc thi “Truyện ngắn Đồng Bằng sông Cửu Long, năm 2008” (truyện ngắn Vẫn còn sống); Giải sáng tác Trẻ của Ủy ban trung ương các hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2004 (tập truyện Lời thề); Giải ba cuộc thi sáng tác về nông nghiệp, nông thôn Việt Nam năm 2009 (truyện ngắn Giấc mơ bay). Nguyễn Minh Phúc đạt giải Nhì truyện ngắn Cần Thơ 2005; giải Nhì truyện ngắn ĐBSCL 2005. Võ Diệu Thanh được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT xét tặng giải C năm 2008 (tập truyện Lời thề đá). Lê Minh Nhựt đạt giải Nhất cuộc thi “Truyện ngắn ĐBSCL lần III, năm 2008” (truyện Giang hồ vặt). Nguyễn Ngọc Tư là một trong những nhà văn đáng chú ý giai đoạn này. Năm 2000 được xem là năm mở đường gặt hái những thành công trong văn nghiệp của Nguyễn Ngọc Tư bằng giải Nhất cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần thứ II với tác phẩm Ngọn đèn không tắt và giải Mai vàng cho Nhà văn xuất sắc. Những tập truyện ngắn tiêu biểu của bà như: Ngọn đèn không tắt (2000), Ông ngoại (2001), Biển người mênh mông (2003), Giao thừa (2003), Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (2005), Cánh đồng bất tận (tập truyện ngắn, 2005), Gió lẻ và 9 câu chuyện khác (2008), Khói trời lộng lẫy (2010). Nguyễn Ngọc Tư đã khẳng định tên tuổi của mình bằng nhiều Giải thưởng giá trị. Tháng 10/2008, bà được trao Giải thưởng Văn học ASEAN. Mới đây bà được trao giải thưởng LiBeraturpreis 2018 do Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin tại Đức (Litprom) bình chọn.

     Nói đến thành tựu của truyện ngắn ĐBSCL trong khoảng 10 năm đầu thế kỷ XXI, bên cạnh số lượng tác phẩm dồi dào, phải kể đến thành tựu trên phương diện đổi mới đề tài, đa dạng về phong cách, phong phú về phương thức thể hiện. Đề tài được các nhà văn lựa chọn từ đề tài cuộc sống miền sông nước Cửu Long, các nhà văn đã khai thác rất nhiều chủ đề trong đó bằng sự trải nghiệm, bằng những nỗi niềm đau đáu về nhân sinh, về những đổi thay đang diễn ra trong cuộc sống đời thường. Ngòi bút của họ hướng vào đời sống và phản ánh muôn mặt đa dạng, phức tạp của nó. Những trang văn của họ góp phần làm nên một nền văn học đồng bằng mang đặc trưng riêng. Nhìn vào số lượng tập truyện và các tuyển tập được khảo sát trong giai đoạn này, có thể thấy truyện ngắn ĐBSCL đang ở độ chín trên nhiều phương diện. Nhà văn Bích Ngân đã từng nhận định về sự phát triển của đội ngũ nhà văn ĐBSCL trong cuộc Hội thảo “Văn học đồng bằng sông Cửu Long: 45 năm nhìn lại và những trăn trở”: “Nếu những năm 80 của thế kỷ trước, người viết văn của đồng bằng sông Cửu Long chỉ đếm đủ trên đầu ngón tay thì hiện nay đã hình thành là một đội ngũ vững vàng với tâm thế của những nhà văn sở hữu những tác phẩm có giá trị” (Lê Văn, 2019).

     2.2. Một số phương diện nội dung phản ánh nổi bật trong truyện ngắn ĐBSCL mười năm đầu thế kỷ XXI

     Mỗi nhà văn đều quan tâm và có thế mạnh ở một đề tài nhất định. Việc lựa chọn đề tài thể hiện sự trăn trở của người cầm bút đối với những vấn đề trong cuộc sống. Đọc truyện ngắn ĐBSCL mười năm đầu thế kỷ XXI, có thể thấy các nhà văn đã hướng vào khai thác nhiều mảng đề tài. Có nhà văn lấy cảm hứng sáng tạo từ những vấn đề bức bối trong hiện thực đời sống. Có người lại đi sâu thể hiện những vấn đề ẩn khuất bên trong hiện thực để có cái nhìn minh triết về số phận con người, lí giải bi kịch của con người… Việc lựa chọn đề tài cho thấy rõ cá tính và phong cách sáng tạo của người viết, bởi vì theo các tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2010) đó là “đối tượng đã được nhận thức, lựa chọn, gắn liền với dụng ý, thế giới quan, lập trường tư tưởng, quan điểm thẩm mỹ của nhà văn” (tr.112). Truyện ngắn ĐBSCL có sự đa dạng về đề tài phản ánh. Mỗi nhà văn lại lựa chọn thể hiện những chiều kích khác nhau tùy thuộc vào sự trăn trở, mối quan tâm của họ về các vấn đề trong cuộc sống. Trong bài viết này bài viết chỉ đề cập đến một số phương diện nội dung nổi bật tạo nên dấu ấn của nhiều tác giả.

     2.2.1. Phản ánh hiện thực thời kinh tế thị trường

     Trong sự đổi thay không ngừng của đời sống, rất nhiều vấn đề hiện thực được đặt ra. Một trong những vấn đề hiện thực mà các nhà văn ĐBSCL giai đoạn này hướng vào thể hiện với tất cả những trăn trở, day dứt về kiếp nhân sinh đó là hiện thực cuộc sống đầy những bi kịch, khốn khổ của con người. Nhiều cảnh đời, nhiều số phận cơ cực được các nhà văn miêu tả bằng cái nhìn đầy thương cảm. Họ hướng vào khai thác những cuộc đời, thân phận ở nhiều góc cạnh của hiện thực. Từ đó, nêu bật nhiều vấn đề về tình người, về sự ứng xử đầy cảm thông, nhân ái, yêu thương giữa con người với con người trong cuộc sống bộn bề phức tạp, gian khó. Trầm Nguyên Ý Anh quan tâm đến những phận người bị vùi dập qua bao nhiêu nạn kiếp, bị hãm hiếp, tan cửa nát nhà, chồng đi tù, con và mẹ chồng mất, bao nhiêu nỗi đau ập xuống cuộc đời bé mọn của nhân vật (Cùng một kiếp người). Bà cũng xoáy ngòi bút vào thân phận của một con người cô độc, thấu hiểu nỗi đau của người đời mà viết lên những lời điếu văn thống thiết, bi thương nhưng cuộc đời của mình thì hẩm hiu, cô độc (Người chuyên viết điếu văn). Qua điểm nhìn của người viết điếu văn, tác giả phản ánh một thực tế đau lòng, đó là sự sa sút về văn hóa, về sự giả dối của người đời, của những đứa con bất hiếu đầy rẫy sự thương tiếc giả tạo. Nguyễn Minh Phúc quan tâm đến thân phận chìm nổi của người đàn bà khóc mướn. Bà rút ruột khóc cho người khác một cách đầy sầu não, bi thương. Tất cả tiếng khóc như dồn nén vào thân phận vào hoàn cảnh của người khác, nhưng trước cuộc đời bất hạnh của mình thì không sao khóc được (Người khóc mướn). Nguyễn Ngọc Tư lại hướng ngòi bút vào khắc hoạ cuộc sống nghèo túng của một gia đình người hát rong. Cuộc sống long đong, lận đận, túng quẫn buộc họ phải cho đi đứa con mà họ hết mực thương yêu. Gia đình người hát rong rơi vào cảnh bi đát và tan nát khi đứa con tưởng rằng cha mẹ không thương nó nữa, nó bỏ nhà đi bụi. Kết thúc tác phẩm là hoàn cảnh u ám của gia đình khốn khổ này (Đời như ý).

     Các nhà văn ĐBSCL đặc biệt quan tâm đến bi kịch của người phụ nữ. Hình ảnh người phụ nữ được khắc họa với bao nhiêu cay cực, bao nhiêu đau khổ dồn xuống cuộc đời lam lũ, nhọc nhằn họ. Họ bị vây bủa bởi cái nghèo, cái khốn khó, cực nhục. Hàng loạt tác phẩm của Trầm Nguyên Ý Anh hướng vào thân phận của người phụ nữ trong cuộc sống gia đình. Đó là những người phụ nữ cần mẫn, chịu đựng, hy sinh, dành những điều tốt đẹp nhất cho người thân nhưng cái họ nhận lại được là sự thờ ơ, ghẻ lạnh, thiếu tôn trọng của chính những người thân yêu. Người phụ nữ trở thành người thừa trong chính gia đình của mình (Một mảnh đời). Họ chới với thân phận giữa những định kiến của người đời, kiếm tìm hạnh phúc nhưng hạnh phúc luôn trôi tuột khỏi tầm tay. Nguyễn Ngọc Tư quan tâm đến những người phụ nữ với những khát khao. Họ sẵn sàng hi sinh tình cảm để theo nghề, theo nghiệp. Họ sống trọn lòng trên sân khấu, nhưng trong cuộc sống đời thường họ lại gặp nhiều điều bất hạnh (Làm má đâu có dễ).

     Có thể nói, các nhà văn ĐBSCL đã dựng nên bao nhiêu cảnh đời, bao nhiêu số phận long đong, lận đận. Họ viết về những bi kịch của người phụ nữ, thấu hiểu tận cùng những mất mát, đau khổ mà người phụ nữ đã trải qua. Họ đã hướng ngòi bút khám phá số phận của con người trong cuộc sống đời thường với tất cả niềm trân trọng, yêu thương, với cái nhìn đầy nhân ái, nhân văn. Hơn hết các nhà văn đồng bằng luôn trăn trở, đau đáu về thân phận con người, bộc lộ tiếng nói nhân sinh sâu sắc. Họ ý thức được vai trò và trách nhiệm của người cầm bút đối với cuộc đời, với xã hội.

     Hòa chung dòng chảy của văn học đương đại trong cả nước, các nhà văn ĐBSCL hướng vào khai thác hiện thực đời sống bộn bề phức tạp, đầy những vấn nạn xã hội nhức nhối. Họ hướng ngòi bút phơi bày nhiều mảng hiện thực ngột ngạt của cuộc sống đời thường. Những chiều kích hiện thực được soi chiếu, phản ánh đậm nét qua những cây bút như Ngô Khắc Tài (Trái tim mùa đông), Đặng Hoàng Thám (Nắng sớm mưa chiều), Trầm Nguyên Ý Anh (Nước mắt đàn ông), Nguyễn Thượng Hiền (Cái ghế), Trương Thanh Liêm (Nắm cơm), Nguyễn Ngọc Tuyết (Chim quyên xuống đất), Nguyễn Ngọc Tư (Thổ Sầu), Hồ Kiên Giang (Mùa này mía chẳng trổ bông), Võ Diệu Thanh (Đứa trôi sông),… Nhà văn Ngô Khắc Tài chủ yếu thể hiện trăn trở về những đổi thay trong cuộc sống. Truyện ngắn Trái tim mùa đông khắc họa cuộc sống buông thả của những cô gái điếm, những tay cờ bạc rượu chè trong cái xóm nghèo buồn tẻ, tách biệt với sự đổi thay của phồn hoa đô thị: “Với một xóm lao động đa số thuộc thành phần phức tạp làm mướn, chạy xe ôm, bán hàng rong chưa đủ nuôi bụng cuộc sống ở thành thị giá đắt đỏ, nhà lại có đôi ba mạng thất nghiệp. Nhàn cư vi bất thiện, đám nầy kết hợp với các cô môi bôi đỏ như máu, mắt xanh lét. Cứ nhìn mặt là biết ngay các cô làm nghề gì, các quán bia ôm, các ổ quỷ đầy dẫy. Ngay đầu con hẻm đếm sơ cũng có ba quán rượu bình dân, hai quán bia ôm.” (Trái tim mùa đông). Nhà văn Ngô Khắc Tài phát hiện những uẩn khúc trong cuộc đời của những con người tưởng tha hóa đạo đức. Ông đã nhìn con người, nhìn cuộc đời bằng cái nhìn đầy thấu hiểu, bao dung. Nhà văn Đặng Hoàng Thám lại phản ánh biết bao vấn đề phức tạp trong đời sống hiện đại. Nhiều truyện ngắn của ông phản ánh những hiện thực đáng báo động trong cuộc sống đời thường. Truyện Bến đò hoa mận trắng nói đến những con người mải chạy theo xa hoa, vật chất, mà sống sa ngã, xuống cấp về đạo đức, văn hóa. Nguyễn Thượng Hiền thể hiện vấn đề: sự ham mê quyền lực, sự tiếc nuối chức vụ, danh vọng; sự thăng trầm trong đời người, sự thay đổi vị trí dẫn đến sự thay đổi trong đối xử, hành động. Sự thay đổi quyền lực bộc lộ lòng tham, sự đê tiện của con người. Quân nhận ra quyền lực rồi cũng mất đi như cái ghế mục nát dần với thời gian. Anh ta bị ám ảnh bởi cái ghế hay bị ám ảnh bởi quyền lực. Cuộc đối thoại của những cái ghế với Quân phơi bày sự đấu đá, thanh trừng, sự tham vọng quyền lực không ngừng; sự hãm hại lẫn nhau để có được địa vị chức quyền. Qua sự kể tội của những cái ghế, tác phẩm phơi bày rất nhiều điều bỉ ổi, xấu xa của những người ham quyền, đoạt lợi; lột tả rất rõ ràng và rành mạch những khuất tất và sách nhiễu. Con người chạy theo bề nổi, lạm dụng chức vụ, chia bè, kéo phái, đấu đá lẫn nhau, che giấu cho tham vọng và tội ác. Cái ghế trở thành nạn nhân của cuộc chiến giành giật quyền bính không bao giờ có hồi kết (Cái ghế). Trương Thanh Liêm cũng miêu tả thực trạng tham ô, hối lộ; sự thoái hóa biến chất của con người, tình trạng tham nhũng, vụ lợi xuất hiện đầy rẫy. Khi nhân vật bị rơi vào tù tội, không còn quyền lực nữa mới cay đắng nhận ra hiện thực đen tối của lòng người, đau đớn hơn những người quay lưng lại với mình lại chính là người thân, gia đình của mình (Nắm cơm).

     Một hiện thực đáng buồn khác mà không ít nhà văn quan tâm miêu tả đó là vấn đề nhiều cô gái ở những làng quê nghèo miền Tây Nam Bộ kết hôn với người ngoại quốc. Các nhà văn đã viết về thực trạng này bằng cái nhìn đầy xót xa. Đặng Hoàng Thám là cây bút luôn trăn trở về tình cảnh đáng buồn của những cô gái lấy chồng Đài Loan. Trong tác phẩm Mùa lũ, ông viết: “Mười tám tuổi tròn, Mai có chồng xa xứ. Một sự phũ phàng, nghiệt ngã đến với Mai khi nàng về nhà chồng ở bên Đài. Những đứa con của chồng Mai khinh khi cô ra mặt. Mai có một gã em chồng rất đáng sợ. Hắn thường nhìn cô lom lom, không giấu sự thèm khát. Một hôm nhà vắng vẻ, hắn đã dùng sức mạnh cưỡng hiếp Mai. Mai hoảng sợ, thất thanh kêu cứu. Gã em chồng hung bạo chẹn cổ Mai, dọa sẽ giết chết, và sau đó chặt ra nhiều khúc quăng cô xuống biển. Mai ú ớ run sợ trong tuyệt vọng… Những chuyện ấy thỉnh thoảng tái diễn! Chồng nàng có lần bắt gặp nhưng lại dửng dưng như chẳng có chuyện gì xảy ra. Mai rất đau đớn, nhục nhã. Hình như có một sự thỏa thuận rất đáng kinh tởm về số phận của nàng! Mai bị ám ảnh và suy nhược. Nàng dần dà rất hoang mang và sợ hãi trong ngôi nhà u ám ấy…”. Biết bao người con gái hiếu thảo, vì nghèo mà phải chấp nhận những cuộc hôn nhân mua bán đầy bất trắc, rủi ro. Nhân vật Mai trong truyện ngắn trên cũng vì thương cha, “muốn có tiền chữa bệnh cho cha” nên đã nhắm mắt chấp nhận một cuộc hôn nhân đầy cạm bẫy. Trong thực tế nhiều cô gái lấy chồng Đài Loan đã bị rơi vào những hoàn cảnh đầy bi đát. Có những cô gái bị đày đọa cả về tinh thần, lẫn thể xác. Một số tác giả khác phản ánh về vấn nạn xã hội này như Nguyễn Ngọc Tuyết (Chim quyên xuống đất), Trầm Nguyên Ý Anh (Nước mắt đàn ông).

     Viết về các vấn đề của hiện thực đời sống, nhiều nhà văn quan tâm sâu sắc đến các khía cạnh đạo đức của con người trong tất cả các mối quan hệ, đặc biệt là các mối quan hệ của các thành viên trong gia đình. Sự đổi thay, biến động trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đã tác động không nhỏ đến vấn đề đạo đức của con người trong các mối quan hệ gia đình và xã hội. Các nhà văn ĐBSCL đã tiếp tục hướng tiếp cận đời sống trên mọi bình diện hiện thực mà dòng văn học đã mở ra từ sau khi chiến tranh kết thúc và thể hiện mạnh mẽ sau những năm đổi mới. Nhiều tình trạng đáng báo động như bạo lực gia đình, sự mâu thuẫn nảy sinh trong quan hệ giữa cha mẹ, con cái, anh chị em, vợ chồng, làng xóm,… được các nhà văn khắc họa trong nhiều truyện ngắn. Những toan tính vật chất khiến con cái bất hiếu với cha mẹ, cha mẹ hắt hủi con cái, anh em đối xử tàn nhẫn với nhau. Các mối quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo hơn bao giờ hết. Hàng loạt truyện ngắn phản ánh về đề tài này tạo ra sự trăn trở, suy ngẫm nơi người đọc: Những kẻ tài hoa (Nguyễn Hồng Phương), Nhà từ thiện (Trầm Nguyên Ý Anh), Chuyện của Điệp (Nguyễn Ngọc Tư), Nhân tình (Nguyễn Thị Diệp Mai) Khoảng cách, Con Vện, Một chuyến đò, Ánh mắt, Đứa con hoang (Trầm Nguyên Ý Anh), Nước mắt Dưỡng Lưu Bị (Ngô Khắc Tài), Thèm mẹ (Nguyễn Thị Thanh Huệ),… Nguyễn Thị Diệp Mai nói đến thực trạng về sự phũ phàng, bạc bẽo, bất hiếu của những đứa con với chính cha đẻ của mình. Người cha không được tôn trọng thương yêu mà còn bị hành hạ cả thể chất lẫn tinh thần (Nhân tình). Trầm Nguyên Ý Anh phản ánh một thực trạng đáng buồn về các mối quan hệ trong gia đình. Vì danh lợi, vật chất mà anh em không nhìn mặt nhau, sẵn sàng coi nhau như kẻ thù. Con người bị cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Nhân vật ý thức về bản thân, về số phận, về sự đổ vỡ, lạnh lẽo trong gia đình. Sự đối xử không công bằng với con cái của những người cha, người mẹ cũng là điều khiến tác giả trăn trở suy nghĩ và viết một cách đầy xa xót (Khoảng cách). Trầm Nguyên Ý Anh nói đến một thực trạng rất đáng buồn đó là sự thờ ơ, hắt hủi của chính người mẹ với đứa con do mình dứt ruột đẻ ra, người mẹ không dành cho con một sự yêu thương, bao bọc nào, để rồi đứa trẻ tội nghiệp luôn ám ảnh cảm giác bị mẹ bỏ rơi, luôn khát khao điều giản dị là được ở gần mẹ của mình. Nhưng ước mơ giản đơn ấy suốt đời không có được (Đứa con hoang). Nhà văn Hồ Kiên Giang đã viết về tình cảnh của nhiều cô gái quê kết hôn sớm, họ bị hành hạ, đánh đập. Cái nghèo, cái lạc hậu đeo bám cuộc sống của những cô gái quê còn rất trẻ. Họ bước vào cuộc sống hôn nhân đầy rẫy trắc trở, bất hạnh. Hồ Kiên Giang khắc họa tình trạng bạo lực gia đình một cách đầy xa xót: “Nó đánh. Mèn ơi, thân nó bự như trâu mà đá thình thịch làm sao con nhỏ chịu nổi” hay “Chị làm quần quật từ hừng đông. Một nách hai con, vừa phục vụ cha mẹ chồng, sáu đứa em chồng, lại còn bị chồng hành hạ” (Mùa này mía chẳng trổ bông). Nhân vật “tôi” ý thức được sự bất hạnh của những thân phận quanh mình, nhất là ý thức được mong muốn của bản thân mình, để rồi “tôi” luôn cố gắng tìm kiếm hướng đi sáng sủa, cố gắng không để cuộc đời của mình rơi vào hoàn cảnh bi đát như những cô gái khác (Mùa này mía chẳng trổ bông).

     Không chỉ nói đến thực trạng đáng buồn về mối quan hệ giữa người với người trong gia đình, xã hội, một số nhà văn còn đề cập đến những điều tốt đẹp trong cách ứng xử của con người. Bức thêu Quan Âm của Võ Diệu Thanh mang đến một thông điệp ý nghĩa về sự ứng xử đầy tính nhân văn. Nhân vật Lựa đã chọn tha thứ cho kẻ đã làm hại em trai mình, đã “cầu chúc phước lành” cho hắn. Lựa đã nhìn thấy con người đáng thương, tội nghiệp của hắn. Thái độ ứng xử của Lựa như cảm hóa được con người đáng sợ đã từng là nỗi ám ảnh, đeo bám Lựa: “Hắn đứng nhìn bức thêu thật lâu, chăm chú thành kính. Gương mặt tự nhiên hiền như đứa con nít đang ngắm nghía một công trình rực rỡ lần đầu tiên nó được gặp” (Bức thêu Quan Âm). Khi con người đối xử với con người bằng cái tâm, bằng sự bao dung thì tâm hồn sẽ trở nên bình an, thanh thản; Sự thứ tha sẽ góp phần cảm hóa con người. Nguyễn Thị Diệp Mai cho người ta có niềm tin vào cuộc sống khi xây dựng hình ảnh một người phụ nữ đầy bao dung, độ lượng. Dẫu cuộc sống đầy rẫy lọc lừa, giả dối thì vẫn có người phụ nữ giản dị, mộc mạc, lặng lẽ hết lòng thương yêu và chăm sóc người mà bà coi là tri kỉ (Nhân tình). Ca Giao cho người đọc cái nhìn đầy nhân ái, yêu thương khi xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp của các thế hệ trong cùng một gia đình. Tác phẩm Cù lao quê ngoại thể hiện tình thương yêu, kính trọng của con cháu với người mẹ, người bà đã một đời tần tảo, vượt qua bao nhiêu thăng trầm, dâu bể để chăm lo cho gia đình: “Mẹ tôi là con gái lớn nên quyết định tất cả đều theo lời bà dặn, mặc dù cả nhà đều bất ngờ trước quyết định của ngoại. Một lá thư bà gửi các chị em chồng cảm ơn tấm tình thân tộc giúp đỡ để ngoại thực hiện những điều ông ký thác”. Trong truyện mối quan hệ của các thành viên được vun đắp, xây dựng từ những điều giản dị nhất.

     Qua việc khai thác những mặt trái đạo đức trong xã hội các nhà văn ĐBSCL còn gieo vào lòng người đọc niềm tin về sự ứng xử tốt đẹp giữa con người với người trong cuộc đời vốn bộn bề phức tạp này. Nhiều truyện ngắn hướng vào ca ngợi những con người sống lương thiện, giàu lòng nhân ái bao dung, biết sẻ chia, thông cảm và thấu hiểu; đem lại cho người đọc niềm tin vào giá trị đạo đức của con người.

     2.2.2. Phản ánh tình yêu và hạnh phúc của người phụ nữ

     Dễ thấy đề tài tình yêu và hạnh phúc chủ yếu tập trung ở những cây viết nữ. Nguyễn Ngọc Tư viết nhiều về những dang dở, những ngậm ngùi, day dứt trong tình yêu. Sự chia cắt luôn làm lòng người ta đau đớn âm thầm và nhớ mãi không nguôi về những năm tháng cũ. Bà khắc họa những câu chuyện dang dở trong tình yêu, nói nhiều đến những mối tình đơn phương đầy ngậm ngùi, luyến tiếc trong những truyện như “Thương quá rau răm”, “Tình thầm”, “Hiu hiu gió bấc”. Đặc biệt bà viết về những bi kịch trong tình yêu, hôn nhân, gia đình một cách đầy xót xa. Có những người phụ nữ chán cuộc sống tẻ nhạt, muốn thay đổi nên đã bỏ nhà, bỏ chồng đi theo người đàn ông khác. Lại có người phụ nữ thầm thương, trộm nhớ một mối tình trong bao nhiêu năm mỏi mòn, chờ đợi (Một mối tình).

Nguyễn Thị Diệp Mai xây dựng những nhân vật nữ khát khao tình yêu mãnh liệt dám bứt phá, dám vượt thoát để được sống là chính mình, khát khao tìm hạnh phúc cho mình (Nước mắt chảy một bên; Ba nữ ký giả). Nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Diệp Mai là những con người của phố thị. Hàng ngày, họ phải đối mặt với những căng thẳng, chạy theo tiền tài, danh vọng, nên đôi khi cuộc sống hôn nhân, gia đình rơi vào lạnh nhạt, bế tắc và lỏng lẻo dần, mặc dù bề ngoài cuộc sống của họ luôn là sự thèm muốn của nhiều người. Họ nảy sinh tình yêu và lao vào những cuộc tình đầy ngang trái. Mặc cảm tội lỗi khiến họ đấu tranh, giằng xé nội tâm giữa tình cảm và lí trí. Có những người lí trí đã chiến thắng trái tim mềm yếu. Họ chôn sâu mối tình ngang trái vào dĩ vãng nhưng trước khi có được điều đó họ đã phải trải qua biết bao đau khổ, dằn vặt để có thể trở về cuộc sống thực tại như nhân vật Hạ trong Chuyến xe cuối hay Thi trong Nơi cuối đường. Niềm khát khao tình yêu, hạnh phúc ở truyện của Võ Diệu Thanh lại được bộc lộ ở một chiều kích khác. Nhiên đã thể hiện một bản ngã mạnh mẽ của người phụ nữ khi dám đưa tình cảm của mình vào tình huống mạo hiểm để thử lòng người đàn ông đang cầu hôn mình. Con người ta có thực sự yêu nhau mà bỏ qua cho những lỗi lầm của nhau hay không? Nhiên đã tìm ra được câu trả lời cho mình và biết được người đàn ông ngỡ là thương mình kia lại rất ích kỷ, hẹp hòi. Cũng với phép thử ấy, Nhiên đã gặp được tình yêu đích thực của đời mình (Thử sống).

     Các nhà văn ĐBSCL giai đoạn này đã khắc họa hình ảnh người phụ nữ với mong muốn vượt ra khỏi những ngột ngạt, bức bối, tẻ nhạt để khẳng định bản ngã. Họ tìm cách tự giải phóng bản thân khỏi những cuộc hôn nhân không tình yêu, không hạnh phúc.

     2.2.3. Phản ánh thiên nhiên vùng sông nước và các khía cạnh văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long

     Có rất nhiều trang văn viết về thiên nhiên vùng sông nước Cửu Long gắn với văn hóa Nam Bộ. Hình ảnh bờ kênh, con rạch, rặng dừa, cây trái miệt vườn, cù lao xanh ngát… là những nét riêng không lẫn của thiên nhiên miền Tây Nam Bộ so với những vùng đất khác. Trong công trình “Văn hóa và cư dân ĐBSCL” (Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường, 1990), các tác giả đã nêu rõ: “Các yếu tố thiên nhiên (khí hậu, sông, rạch, biển, đất) của vùng châu thổ sông Cửu Long tác động lẫn nhau làm cho cảnh quan vùng này luôn ở trạng thái động dễ nhận biết” (tr.19). Trong những tác phẩm như: Nhớ sông, Dòng nhớ (Nguyễn Ngọc Tư), Bến xưa (Trầm Nguyên Ý Anh); Giang hồ vặt (Lê Minh Nhựt), Những kẻ tài hoa (Diệp Hồng Phương), Câu ca xứ Kinh Cùng (Lương Minh Hinh), Khúc dạ cổ (Hồ Kiên Giang), Buổi chiều trong vườn xưa, Chuyện ở đồng tràm, Hương miền dân dã (Đặng Hoàng Thám),… thiên nhiên, cảnh sắc vùng sông nước được thể hiện mang đầy đủ nét đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Thiên nhiên được miêu tả vừa mang nét hoang sơ, khắc nghiệt nhưng cũng rất trù phú, giàu có sản vật. Trong Câu ca xứ Kinh Cùng, Lương Minh Hinh đã cho người đọc cảm nhận về một nét thiên nhiên đầy hoang sơ vùng sông nước Cửu Long: “Mùa nước nổi lưng trời, cột ghe vào cây rừng mà trụ, sóng đánh ướt sũng, rụng xơ ngọn tràm. Mùa cạn, đồng cỏ xanh ngợp ngợp, suốt đêm gió thổi như tiếng hú hồn”. Ngô Khắc Tài lại cho người đọc hình dung về cảnh đồng quê khắc nghiệt vào mùa khô mang đậm nét đặc trưng của thiên nhiên Nam Bộ: “Hình ảnh những mùa hè cánh đồng nằm đợi mưa, trời nắng như mê cỏ khô giòn kêu lách tách. Tất cả tìm nơi trốn nắng. Lũ vịt ở mãi dưới ao bèo không chịu lên, lũ bèo cứ chiếm lấy bãi bùn trước bến kinh nước cạn kiệt” (Đồng xanh). Khung cảnh thiên nhiên yên bình, trù phú cũng được các nhà văn miêu tả đầy sinh động và thú vị: “Một đàn cò chấp chới bay về tổ. Vườn cò Long Bình từ mấy chục năm nay vẫn không thay đổi. Nó vẫn là chỗ trú an toàn cho loài chim dễ thương này” (Bến xưa – Trầm Nguyên Ý Anh). Không chỉ miêu tả, ca ngợi vẻ đẹp, sự trù phú của thiên nhiên vùng sông nước Cửu Long, các nhà văn còn lên tiếng cảnh báo về sự ứng xử “thô bạo” của con người đối với thiên nhiên. Có không ít những kẻ vì mưu sinh đã tàn phá rừng, tàn phá cả môi trường, lại có cả những cán bộ tha hóa, móc nối với người xấu để phá hủy rừng (Chim hạc bay về). Có thể nói, nhiều nhà văn ĐBSCL luôn quan tâm miêu tả thiên nhiên bởi đó là môi trường mà họ đã gắn bó máu thịt, đã lớn lên, đã thương đã nhớ, là nguồn mạch đã nuôi dưỡng tâm hồn của họ. Bằng tình yêu, sự gắn bó máu thịt với mảnh đất này, bằng cảm quan nghệ thuật sâu sắc, các nhà văn đã nói đến những yếu tố văn hóa đặc sắc không lẫn với bất cứ nét văn hóa ở vùng miền nào khác. Họ đã miêu tả những yếu tố văn hóa mang đầy đủ những dấu ấn độc đáo, khác lạ. Đọc truyện ngắn ĐBSCL dễ thấy những nét văn hóa, phong tục đặc trưng vùng sông nước được miêu tả rất sinh động. Những nét văn hóa ẩm thực, văn hóa tâm linh, văn hóa cưới hỏi, văn hóa sinh hoạt đờn ca tài tử, văn hóa ứng xử là những nét văn hóa nổi bật mà các nhà văn quan tâm thể hiện. Yếu tố văn hóa xuất hiện trong nhiều truyện ngắn như: Cuối mùa nhan sắc, Đời như ý, Giao thừa, Một mối tình, Thổ Sầu (Nguyễn Ngọc Tư), Cù lao quê ngoại (Ca Giao), Khúc dạ cổ (Hồ Kiên Giang), Hai chuyến thuyền hoa (Nguyễn Thanh Lan), Khói hương quyện chặt nghĩa tình (Hồng Sa), Ghe hát về làng, Đồng xanh (Ngô Khắc Tài),… Văn hóa ẩm thực thường được nhắc đến mang một nét giản dị mà độc đáo từ chính những món ăn hết sức đời thường, dân dã: “Mấy ngày ở quê tôi được ưu ái của anh chị em họ, được bơi xuồng hái bông súng, điên điển, bắt ốc, tắm sông, kho mắm, làm bánh gói, bánh xèo... (Cù lao quê ngoại – Ca Giao). Người dân ĐBSCL cũng rất coi trọng văn hóa tâm linh, văn hóa thờ cúng tổ tiên, ông bà, thể hiện đạo lí uống nước nhớ nguồn từ ngàn đời của dân tộc (Khói hương quyện chặt nghĩa tình – Hồng Sa). Văn hóa sinh hoạt đờn ca tài tử được nhiều nhà văn khắc họa đậm nét. Dường như yếu tố văn hóa này đã ăn sâu vào máu thịt của biết bao người. Nguyễn Ngọc Tư xúc động miêu tả những con người sống chết với nghiệp hát, với nghệ thuật đờn ca tài tử (Cuối mùa nhan sắc). Từ bao đời, nét văn hóa sinh hoạt này được lưu truyền và ăn sâu vào máu thịt của những con người miền Tây Nam Bộ.

     Văn hóa ĐBSCL có những nét khác biệt, độc đáo so với văn hóa ở các vùng miền khác do những điều kiện về tự nhiên, môi trường sống, môi trường xã hội tác động. Trải qua chiều dài lịch sử, văn hóa ĐBSCL luôn có sự vận động, phát triển. Các nhà văn đã thấm nhuần những giá trị văn hóa của vùng đất này nên họ đã đưa vào tác phẩm với sự trân trọng, nâng niu, và như một sự trả nghĩa ân tình đối với mảnh đất đã bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn họ.

     2.3. Một số phương diện nghệ thuật trong truyện ngắn ĐBSCL mười năm đầu thế kỷ XXI

     2.3.1. Nghệ thuật trần thuật

     Các nhà văn ĐBSCL đã có nhiều sự thể nghiệm trong nghệ thuật trần thuật. Sự thay đổi và đa dạng hóa lối viết bộc lộ khả năng cùng phong cách sáng tạo của nhà văn. Một số tác giả đã khẳng định sự thành công nhờ sự thay đổi linh hoạt các phương thức trần thuật như người kể chuyện, điểm nhìn, giọng điệu. Phần lớn truyện ngắn được kể bởi người kể chuyện ngôi thứ ba hạn định hoặc ngôi thứ ba toàn tri khiến thế giới nghệ thuật mà nhà văn thể hiện vừa mang tính khách quan, lại vừa soi chiếu được nhiều vấn đề sâu sắc của hiện thực. Các nhà văn Ngô Khắc Tài, Trầm Nguyên Ý Anh, Nguyễn Thị Diệp Mai, Nguyễn Ngọc Tư chủ yếu lựa chọn hình thức người kể chuyện này. Những tác phẩm tiêu biểu như: Ghe hát về làng (Ngô Khắc Tài), Biển người mênh mông, Nhớ sông (Nguyễn Ngọc Tư), Chuyến xe cuối, Nhân tình (Nguyễn Thị Diệp Mai), Khoảng cách, Nghiệp đời còn đó (Trầm Nguyên Ý Anh), Tâm hồn trẻ thơ (Trương Thị Thanh Hiền), Những kẻ tài hoa (Diệp Hồng Phương), Cái ghế (Nguyễn Thượng Hiền). Truyện ngắn Nhớ sông của Nguyễn Ngọc Tư được kể bởi người kể chuyện ngôi thứ ba toàn tri. Người kể chuyện đã hóa thân vào điểm nhìn của Giang để bộc lộ tất cả những suy nghĩ, tâm trạng đau đáu trong lòng. Mọi thứ được kể từ điểm nhìn chủ đạo của Giang. Giang kể về cuộc sống của mình, của em gái, của cha từ lúc mẹ mất. Giang hướng vào tận sâu nội tâm như đọc rõ những nỗi buồn, nỗi nhớ má khôn nguôi: “Giang bảo không sao đâu, không sao đâu, mà chực rơi nước mắt, Giang nghĩ, phải chi còn má” (Nhớ sông). Cũng có lúc người kể chuyện di chuyển điểm nhìn sang nhân vật ông Chín, để nhân vật bộc lộ tâm trạng của mình: “Nói vậy mà sao lòng ông cũng cồn cào nhớ”, “Khi ra về, nhìn bóng Giang xơ rơ đứng tiễn bên hàng me, ông Chín dặn lòng, thôi, sau này có nhớ thì lâu lắm mình mới ghé thăm. Rồi nó sẽ quen, sẽ quên. Nó phải biết cách sống với đất để nghĩ về những đứa con của nó” (Nhớ sông). Có thể thấy rõ ưu thế của hình thức trần thuật từ người kể chuyện ngôi thứ ba toàn tri là góp phần thể hiện được mọi khía cạnh của đời sống và những cảm xúc nội tâm của nhân vật.

     Truyện ngắn được kể bởi người kể chuyện ngôi thứ nhất xuất hiện ít hơn nhưng vẫn mang lại giá trị không nhỏ cho truyện ngắn đồng bằng. Với hình thức người kể chuyện này, nhân vật là người chứng kiến cuộc đời, số phận của người khác và kể lại, bày tỏ thái độ, sự chiêm nghiệm suy tư về con người, về cuộc đời, thế thái nhân tình như trong các truyện: Sông nước lục bình (Ngô Khắc Tài), Nước mắt chảy một bên (Nguyễn Thị Diệp Mai), Người chuyên viết điếu văn (Trầm Nguyên Ý Anh),… Truyện ngắn Người khóc mướn của Nguyễn Minh Phúc được kể bằng điểm nhìn của nhân vật Tôi. “Tôi” với tư cách là người kể chuyện khách quan kể lại cuộc đời của người đàn bà khóc mướn, đồng thời cũng là người luôn bày tỏ những nỗi xa xót trước phận người, trước nhân tình thế thái: “Tiếng khóc được cất lên muộn hơn tất cả mọi người của một bà lão hom hem, chiếc miệng móm quắt nhưng lại thê thiết và cảm động hơn cả. Tiếng khóc như bao hàm cả một trời đớn đau, tuyệt vọng. Tiếng khóc như hàm chứa mọi sự tiếc thương, ân hận đối với người đã mất” (Người khóc mướn). Cũng có khi người kể chuyện kể về chính cuộc đời, số phận của mình, bộc lộ cảm xúc về thế giới xung quanh trong các truyện Nơi cuối đường (Nguyễn Thị Diệp Mai), Mùa này mía chẳng trổ bông (Hồ Kiên Giang), Khói hương quyện chặt nghĩa tình (Hồng Sa). Khi điểm nhìn người kể chuyện trùng với điểm nhìn của nhân vật trong tác phẩm, nhà văn có thể để nhân vật tự bộc lộ được chiều sâu nhận thức về bản thân mình, về thế giới xung quanh. Nhân vật có quyền năng thể hiện mọi suy nghĩ, cảm xúc, trăn trở trong cuộc sống, từ đó chiều sâu nhận thức, đánh giá được thể hiện.

     Nhiều truyện ngắn được kể với điểm nhìn linh hoạt và đa dạng. Từ điểm nhìn của người kể chuyện kết hợp điểm nhìn của nhân vật, từ điểm nhìn của một người, di chuyển sang điểm nhìn của nhiều người khiến nhân vật được miêu tả đầy đủ, chân thực và sinh động. Nhiều truyện ngắn có sự di chuyển điểm nhìn linh hoạt như: Nhân tình, Ba đoạn đời (Nguyễn Thị Diệp Mai), Đồng tiền không đổ mồ hôi (Trầm Nguyên Ý Anh), Biển người mênh mông (Nguyễn Ngọc Tư), Thử sống (Võ Diệu Thanh), Mùa lũ (Đặng Hoàng Thám), Mùa này mía chẳng trổ bông (Hồ Kiên Giang). Sự thay đổi điểm nhìn thời gian, điểm nhìn không gian cũng mang lại cho nhiều truyện ngắn lối kể linh hoạt. Nhân vật hiện lên một cách toàn diện thông qua sự soi chiếu của các nhân vật khác trong truyện.

     Truyện ngắn ĐBSCL có sự đa dạng trong giọng điệu trần thuật. Giọng điệu góp phần rất lớn thể hiện thái độ của chủ thể sáng tạo trong tác phẩm đối với các vấn đề mà họ quan tâm. Đọc truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Diệp Mai, Võ Diệu Thanh, Ngô Khắc Tài… sẽ thấy rất rõ giọng điệu đặc trưng của từng tác giả. Nguyễn Anh Vũ (2005) nhận thấy mỗi câu văn của Nguyễn Ngọc Tư: “như một lời thủ thỉ, tâm tình đầy quyến rũ và tạo cảm giác mỗi truyện ngắn như một bài thơ được viết bằng văn xuôi” (tr.9). Giọng văn trữ tình, đằm thắm, dân dã, mộc mạc là nét đặc trưng trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Người đọc có thể bắt gặp giọng văn đầy suy ngẫm, phê phán trong truyện Cái ghế (Nguyễn Thượng Hiền), Nhân tình (Nguyễn Thị Diệp Mai), Nước mắt đàn ông (Trầm Nguyên Ý Anh); giọng văn xót xa, giọng văn lạnh lùng, thờ ơ nhưng đầy thương cảm trong truyện Nước mắt chảy một bên (Nguyễn Thị Diệp Mai), Một mảnh đời (Trầm Nguyên Ý Anh), Hạnh phúc của người đàn (Võ Diệu Thanh), Giang hồ vặt (Lê Minh Nhựt), Người khóc mướn (Nguyễn Minh Phúc)… Những truyện ngắn có giọng văn ngậm ngùi, thương cảm thể hiện trong các truyện ngắn về cuộc sống cực khổ, về số phận con người, về cuộc đời nhiều thăng trầm, dâu bể của nhân vật như: Phiêu bạt những cánh bèo (Phương Huy), Bến xưa (Trầm Nguyên Ý Anh), Những kẻ tài hoa (Diệp Hồng Phương),… Các nhà văn ĐBSCL luôn cố gắng tạo ra một giọng văn riêng cho tác phẩm của mình, bởi giọng văn góp phần thể hiện chiều sâu cảm hứng sáng tạo, tư tưởng, thông điệp của tác phẩm. Mỗi tác phẩm có thể là sự kết hợp của nhiều giọng văn đan xen nhưng trong đó có một giọng văn chủ đạo làm xương sống cho toàn bộ mạch truyện vận động và phát triển. Sự đa dạng, phong phú trong giọng văn trần thuật một lần nữa khẳng định sự tìm tòi, sáng tạo không ngừng của các nhà văn ĐBSCL đầu thế kỷ XXI.

     2.3.2. Về kết cấu

     Kết cấu của tác phẩm văn học thường chịu sự chi phối quy định của loại thể. Mỗi thể loại thường có hình thức kết cấu đặc trưng. Kết cấu thường bộc lộ trong việc tổ chức, xây dựng các tuyến sự kiện, ở cách sắp xếp và tạo lập hệ thống nhân vật, cách dẫn dắt mạch truyện, cách thể hiện vai trò của người kể chuyện. Mỗi nhà văn lại có cách xây dựng kết cấu nghệ thuật riêng và thể hiện sự linh hoạt trong nhiều truyện ngắn. Nguyễn Thị Diệp Mai thường dẫn người đọc từ những vấn đề trong hiện tại, sau đó quay ngược điểm nhìn về quá khứ, những mảnh đời lần lượt hiện lên chân thực và sống động. Lối kết cấu phân đoạn, đảo trật tự thời gian được Nguyễn Thị Diệp Mai xây dựng nhuần nhuyễn và linh hoạt. Truyện kể có những đoạn hồi cố đan xen với hiện tại tạo ra sự phân mảnh truyện kể thành nhiều đoạn làm nên sự độc đáo cho truyện của nữ nhà văn này. Truyện ngắn của Ngô Khắc Tài, Trầm Nguyên Ý Anh, Võ Diệu Thanh,… thường chú ý đến kiểu kết cấu phân đoạn, kết cấu nối ghép các mảnh sự kiện có hồi tưởng và hiện tại đan xen tạo ra sự hấp dẫn cho truyện kể. Truyện ngắn của Đặng Hoàng Thám chủ yếu có kết cấu tuyến tính, tạo ra sự vận động tự nhiên cho mạch truyện. Các sự kiện được tổ chức theo một quá trình đi từ điểm khởi đầu, tiến tới kết thúc câu chuyện. Mối quan hệ nhân quả, các sự kiện lần lượt được trình bày theo một trật tự nhất định. Kiểu kết cấu theo mạch phát triển tâm lý cũng xuất hiện trong một số truyện ngắn tạo ra sự đa dạng cho nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn đồng bằng. Trong kiểu kết cấu này, sự vận động của truyện kể dựa vào sự biến đổi, dịch chuyển của các yếu tố tâm lý. Nhà văn căn cứ vào một trạng thái tâm lý điển hình, có ý nghĩa để khai triển toàn bộ sự vận động của sự kiện, nhân vật, kết cấu. Có thể tìm thấy kiểu kết cấu như vậy trong các truyện như: Chim quyên xuống đất (Nguyễn Ngọc Tuyết), Cô con gái ngỗ ngược, Bức thư Quan Âm (Võ Diệu Thanh), Chuồn chuồn đạp nước, Dòng nhớ (Nguyễn Ngọc Tư). Lối kết cấu này đã tạo ra sự hấp dẫn, cuốn hút nơi người đọc. Diễn biến tâm trạng của nhân vật gắn liền với những chiêm nghiệm, suy tư, những chuỗi suy nghĩ, trăn trở và những biểu hiện cảm xúc của nhân vật trong mối quan hệ với nhân vật khác.

     Kết cấu truyện lồng truyện là một kiểu kết cấu được các nhà văn ĐBSCL sử dụng. Kiểu kết cấu này bao gồm trong đó những đoạn hồi tưởng quá khứ – hiện tại đan xen và có liên quan đến nghệ thuật xâu chuỗi của thời gian và trật tự các sự kiện. Đồng thời, có một câu chuyện được kể bởi nhân vật, đan xen câu chuyện khác được kể lại. Các mạch truyện lồng vào nhau tạo nên dạng kết cấu “truyện lồng truyện”. Kiểu kết cấu này xuất hiện trong một số truyện ngắn góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật tự sự của các cây bút đồng bằng. Kiểu kết cấu này được thể hiện rõ trong truyện ngắn Chuyến xe cuối của Nguyễn Thị Diệp Mai.

     Nhiều truyện ngắn ĐBSCL đã vượt ra khỏi khuôn khổ giới hạn của nó là một lát cắt, một xung đột nào đó. Sự xâm nhập của chất tiểu thuyết làm cho nhiều truyện ngắn ĐBSCL khám phá được chiều sâu nhân bản của số phận con người, những cuộc đời được tái hiện với nhiều thăng trầm và khắc họa trọn vẹn một kiếp người. Nhiều truyện ngắn thể hiện sự giao thoa này như Ba đoạn đời (Nguyễn Thị Diệp Mai), Khoảng cách (Trầm Nguyên Ý Anh), Sông nước lục bình (Ngô Khắc Tài), Cù lao quê ngoại (Ca Giao), Tâm hồn trẻ thơ (Trương Thị Thanh Hiền), Cuối mùa nhan sắc (Nguyễn Ngọc Tư), Nẻo về chông chênh (Hoài Tường Phong), Đứa trôi sông (Võ Diệu Thanh),… Có thể nói truyện ngắn ĐBSCL đã có những tác phẩm vượt thoát ra khỏi đường biên thể loại. Sự xâm nhập của chất tiểu thuyết trong nhiều truyện ngắn đã có khả năng bao chứa nhiều vấn đề của hiện thực và số phận con người. Chiều sâu nhận thức của các tác phẩm đã được thể hiện thông qua chuỗi những cuộc đời, số phận được tái hiện trong tác phẩm.

     2.3.3. Về ngôn ngữ

     Truyện ngắn ĐBSCL đang hòa nhập vào dòng chảy chung của văn xuôi cả nước nhưng nó vẫn thể hiện những nét riêng biệt qua ngôn ngữ, văn hóa của vùng sông nước Cửu Long. Lời ăn tiếng nói của người dân miền Tây Nam Bộ cũng được đưa vào tác phẩm một cách nhuần nhị, linh hoạt tạo nên nét độc đáo, bản sắc riêng. Nguyễn Ngọc Tư được xem là nhà văn tạo dấu ấn ngôn ngữ mạnh mẽ trong các sáng tác của mình. Truyện ngắn của bà luôn có sức vẫy gọi bạn đọc bởi chất Nam Bộ trong từng câu chữ, từng lời ăn tiếng nói của nhân vật. Ngôn ngữ trong truyện ngắn của bà tự nhiên, nhiều nét độc đáo, giàu chất triết lí về con người, về cuộc sống, tạo sự ám ảnh trong lòng bạn đọc (Làm mẹ). Truyện ngắn của Trầm Nguyên Ý Anh, Nguyễn Thị Diệp Mai, Nguyễn Thượng Hiền, Võ Diệu Thanh, Trương Thanh Liêm đã tiến đến gần với ngôn ngữ toàn dân nhiều hơn, có lẽ bởi đề tài mà các nhà văn lựa chọn tập trung chủ yếu vào phản ánh những vấn đề của cuộc sống phố phường, những tiêu cực của con người và xã hội trong cơ chế thị trường. Ngôn ngữ trong nhiều truyện ngắn của các nhà văn này toát lên hơi thở của cuộc sống hiện đại. Những dấu ấn của cuộc sống trong vòng quay của thời buổi kinh tế thị trường in đậm trong từng trang viết: “Nhiều tiếng xì xầm nổi lên. Một nửa số đôi mắt liếc về phía An đầy lo lắng. Sếp mới, dĩ nhiên bộ sậu mới. Chắc lẻm rồi. Ai phải cuốn gói ra đi, ai được sếp cất nhắc sẽ được biết rất nhanh thôi. Bây giờ vin vào cớ cần tinh giảm biên chế, cần chuẩn hóa bằng cấp, việc cho một nhân viên nghỉ việc đơn giản chỉ bằng một chữ ký” (Bốn nữ ký giả – Nguyễn Thị Diệp Mai). Các nhà văn ĐBSCL giai đoạn này cũng chú ý nhiều hơn vào ngôn ngữ độc thoại của nhân vật. Nhân vật có thể bộc lộ tâm trạng, suy nghĩ của mình về cuộc sống, về con người một cách sâu sắc. Qua đó, nhà văn giúp cho người đọc cảm nhận rõ hơn về nhân vật, về tư tưởng, thông điệp mà nhà văn bộc lộ qua tác phẩm. Ngôn ngữ trong truyện ngắn của Ngô Khắc Tài, Đặng Hoàng Thám, Hồ Kiên Giang, Lương Minh Hinh, Nguyễn Thanh Lan, Trần Phương Lang cũng chân chất, mộc mạc gắn bó với lời ăn tiếng nói của người dân Nam Bộ tạo ra một sự gần gũi nhất định trong lòng bạn đọc. Các nhà văn này chú ý nhiều đến ngôn ngữ đối thoại của nhân vật. Qua đối thoại, nhân vật bộc lộ được tính cách, suy nghĩ cũng như đánh giá của mình đối với cuộc sống. Qua ngôn ngữ nhân vật, người đọc cảm nhận được tiếng nói chân chất mộc mạc của con người miền Tây Nam Bộ (Mùa này mía chẳng trổ bông – Hồ Kiên Giang). Ngôn ngữ của nhân vật thể hiện đậm nét tính cách mộc mạc, dân dã như chính lời ăn tiếng nói của con người ĐBSCL. Nét mộc mạc dân dã ấy được bộc lộ trong lời nói xuất hiện nhiều từ ngữ địa phương Nam Bộ như “hư”, “dìa”, “bển”, “thiếm”, “làm dữ”, “thiệt”, “khùng”, tạo nên sắc thái ngôn ngữ đặc trưng không lẫn. Có thể nói phương ngữ Nam Bộ là yếu tố làm nên sự khu biệt của truyện ngắn ĐBSCL so với truyện ngắn ở các vùng miền khác. Đó là ngôn ngữ được hình thành gắn liền với yếu tố địa văn hóa, gắn liền với quá trình khai khẩn vùng đất Nam Bộ.

     Ngôn ngữ mang đậm tính chất phương ngữ đã từng được các nhà văn thành danh lớp trước sử dụng, các nhà văn giai đoạn này tiếp tục để lại ấn tượng ngôn ngữ giàu phương ngữ độc đáo qua nhiều tác phẩm. Bên cạnh đó, nhiều nhà văn có xu hướng tiến gần đến ngôn ngữ toàn dân khi viết về cuộc sống phức tạp trong sự vận động của thời buổi kinh tế thị trường.

3. Kết luận

     Có thể nói, truyện ngắn ĐBSCL đã khẳng định được vị trí của mình bằng những thành tựu đáng kể về phương diện nội dung phản ánh lẫn phương thức nghệ thuật. Trong mười năm đầu thế kỷ, truyện ngắn ĐBSCL đã đạt được những thành tựu không nhỏ. Các nhà văn tập trung khai thác nhiều vào mảng đề tài hiện thực cuộc sống với bao nhiêu vấn đề nhức nhối bên trong nhất là những tệ nạn xã hội, những mặt trái của đạo đức trong thời buổi kinh tế thị trường. Bằng sự cảm thông, trân trọng các nhà văn ĐBSCL viết về niềm khát khao tình yêu, hạnh phúc của người phụ nữ. Người phụ nữ trong các trang viết của họ đầy ắp khao khát thương yêu và luôn cố gắng vượt thoát khỏi hoàn cảnh tăm tối của mình. Với cảm hứng ca ngợi, các nhà văn ĐBSCL viết về văn hóa và thiên nhiên sông nước Nam Bộ với sự đa dạng và độc đáo riêng. Về nghệ thuật trần thuật, các tác giả đã lựa chọn được những phương thức trần thuật uyển chuyển, linh hoạt. Có những sáng tạo về kết cấu đã mang lại cho nhiều truyện ngắn sự thành công. Những truyện ngắn có kiểu kết cấu truyện lồng truyện, kết cấu phân mảnh thể hiện rõ sự đổi mới tư duy nghệ thuật của một số nhà văn. Truyện ngắn giai đoạn này vừa thể hiện được đặc trưng ngôn ngữ gắn với văn hóa, thiên nhiên vùng sông nước vừa tiến gần đến ngôn ngữ toàn dân do sự hòa nhập và phát triển của bối cảnh thời đại mới. Có thể nói, các nhà văn ĐBSCL mười năm đầu thế kỷ XXI đã góp phần làm nên diện mạo của truyện ngắn đồng bằng với những dấu ấn đặc sắc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Đặng Hoàng Thám (2008). Bến đò hoa mận trắng (Tập truyện ngắn). Nxb Văn nghệ. Cần Thơ, 142 trang.

     Lê Bá Hán, Trần Đình Sử và Nguyễn Khắc Phi (2010).

     Từ điển thuật ngữ văn học. Tái bản lần thứ 4. Nxb Giáo dục Việt Nam. Hà Nội, 451 trang.

     Lê Văn (31.10.2019). Văn học đồng bằng sông Cửu Long: 45 năm nhìn lại và những trăn trở.
https://tuyengiaotiengiang.vn/news/Tin-hoat-dong29/Van-hoc-dong-bang-song-Cuu-Long-45-namnhin-lai-va-nhung-tran-tro-2492.

     Ngô Khắc Tài (2002). Chim hạc bay về. Nxb Văn nghệ An Giang. An Giang, 118 trang.

     Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm & Mạc Đường. (1990). Văn hóa và cư dân Đồng bằng sông Cửu Long. Nxb Khoa học Xã hội. Tp. Hồ Chí Minh, 448 trang.

     Nguyễn Ngọc Tư (2018). Ngọn đèn không tắt. In lần thứ 15. Nxb Trẻ. TP. Hồ Chí Minh, 63 trang.

     Nguyễn Ngọc Tư (2018). Giao thừa. In lần thứ 21. Nxb Trẻ. Tp. Hồ Chí Minh, 177 trang.

     Nhiều tác giả. (2008). Văn. Nxb Văn nghệ. Cần Thơ, 305 trang.

     Nhiều tác giả. (2009). Buffet truyện ngắn Đồng Bằng. Nxb Trẻ. TP. Hồ Chí Minh, 351 trang.

     Nhiều tác giả. (2014). Mắt bão. Tái bản. Nxb Trẻ. TP. Hồ Chí Minh, 418 trang.

      Nguyễn Anh Vũ (tuyển chọn). (2005). Truyện ngắn Ba tác giả nữ Đồng bằng sông Cửu Long. Nxb Văn học. Hà Nội, 449 trang.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, tập 57, số 1C (2021): 217-226

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long mười năm đầu thế kỷ xxi – Nhìn từ phương diện nội dung phản ánh và nghệ thuật thể hiện (Tác giả: Phạm Thị Lương)