Từ biến thể trong tiếng Hán hiện đại
Tác giả bài viết: VÕ TRUNG ĐỊNH
Từ biến thể (变体词, còn gọi là Từ dị hình 异形词) là hiện tượng một từ có cùng âm đọc, cùng ý nghĩa nhưng có thể được viết dưới nhiều dạng chữ Hán khác nhau. Hiện tượng phức tạp này tồn tại khá phổ biến trong Hán ngữ cổ đại, thế nhưng qua nhiều đợt chuẩn hoá từ ngữ bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ trước, trong tiếng Hán hiện đại ngày nay vẫn còn tồn tại khá nhiều từ biến thể, được sử dụng không thống nhất trong nhiều tài liệu in ấn, gây không ít khó khăn cho người đọc.
SUMMARY
This article introduces the variant forms of the same word in Morden Chinese and the principles of their standardization. They can be summarized as such a phenomenon: in modern written Chinese a character has different forms. Proposed in this paper are also some suggestions as to the learning and application of the forms, including the skills in search of the rules of how to use recommended word forms and how to avoid common errors.
x
x x
I. Đặt vấn đề
Trong các giáo trình giảng dạy Hán ngữ hiện đại cho người nước ngoài, trong đó có không ít giáo trình Khoa tiếng Trung đang sử dụng, vẫn còn tồn tại khá nhiều từ biến thể. Sự không nhất quán, không chuẩn hoá trong việc dùng từ, nhất là các từ thường dùng như “象”và“像” thực sự là một trở ngại cho người nước ngoài khi học tập cũng như giảng dạy tiếng Hán.
Xét một cách toàn diện, từ vựng tiếng Hán có rất nhiều hiện tượng biến dị khác nhau. Sự biến dị về ba phương diện “hình, âm, nghĩa” tạo nên hai hiện tượng chính, đó là “nhất dị lưỡng đồng” và “nhất đồng lưỡng dị”. Mỗi hiện tượng lại có ba loại khác nhau, tổng cộng tạo nên sáu loại biến dị về mặt từ vựng, đó là:
A. Nhất dị lưỡng đồng:
1. Từ dị hình (từ biến thể): hình dị, âm đồng, nghĩa đồng. Ví dụ: 吩咐/分付 (fēnfù: dặn dò)
2. Từ dị âm: hình đồng, âm dị, nghĩa đồng. Ví dụ: 波浪 (bōlàng/pōlàng:sóng nước)
3. Từ dị nghĩa: hình đồng, âm đồng, nghĩa dị. Ví dụ: 杜鹃 (dùjuān: đỗ quyên, chỉ 1 loại chim, cũng chỉ 1 loại hoa).
B. Nhất đồng lưỡng dị:
4. Từ đồng hình: hình đồng, âm dị, nghĩa dị. Ví dụ: 浒湾(Xuwan 江西)/浒湾(Huwan 河南).
5. Từ đồng âm: hình dị, âm đồng, nghĩa dị. Ví dụ: 绅士(shēnshì: thân sĩ)/ 身世(shēnshì: thân thế).
6. Từ đồng nghĩa: hình dị, âm dị, nghĩa đồng. Ví dụ: 布什/布殊/布希 (Bush)
Trong sáu loại từ biến dị trên, từ dị hình là tương đối phức tạp nhất và gây nhiều khó khăn nhất cho người sử dụng, kể cả người bản xứ. Từ biến thể trong tiếng Hán xuất hiện từ lâu đời, một nguyên nhân chủ yếu là do chữ Hán có quá nhiều cách viết khác nhau cho cùng 1 âm đọc và 1 ý nghĩa, quá trình quy phạm chưa triệt để. Ở Trung Quốc, từ thời Tây Chu trở đi, mỗi khi kiến lập một triều đại mới, những người thống trị tối cao đều phải làm ba việc trọng đại, gọi là “Tam trọng”. Cái gọi là “Tam trọng”, chính là “nghị lễ, chế độ, khảo văn”. Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất Trung Quốc đã thi hành “xa đồng quỹ, thư đồng văn, hành đồng luân”. “Xa đồng quỹ” chính là sự thống nhất về chế độ, “Thư đồng văn” là khảo đính văn tự, làm cho nó thống nhất, “Hành đồng luân” là tiêu chuẩn hành vi của toàn quốc – nghị lễ, cũng phải nhất trí lại.
Triều Thanh sau khi kiến lập, văn tự đương nhiên cũng cần phải có một tiêu chuẩn thống nhất: sự thống nhất về hình thể chữ viết, thống nhất về âm đọc, thống nhất về giải thích, mà trước tác quyền uy đánh dấu sự thống nhất đó chính là bộ Khang Hi tự điển. Khang Hi tự điển tổng cộng đã thu thập được 47.035 chữ Hán, là bộ sách có số lượng chữ Hán nhiều nhất trong các tự thư xuất bản trước thế kỷ XVIII. Toàn bộ sách chia làm 214 bộ, tức dùng 214 bộ thủ để sắp xếp chữ Hán. Phương pháp này dùng mãi đến ngày nay, trở thành phương pháp thông dụng nhất hiện nay. Phương pháp chú âm vừa có “phản thiết” (dùng hai chữ để chú âm cho một chữ), lại có “trực âm” (dùng chữ đồng âm để chú âm), có thể thích hợp với những người có trình độ văn hóa khác nhau sử dụng. Sự giải thích về nghĩa của chữ lại tiếp nhận rộng rãi các kiểu nói, nên rất hoàn bị. Về cơ bản, đã đạt được yêu cầu đặt ra của Hoàng đế Khang Hi. Chẳng hạn chữ “冲” (xung). Trước tiên dùng phản thiết chú âm: “昌 中 切”(xương trung thiết). Thanh mẫu của chữ “昌” là ch, vận mẫu của chữ “中” là ong, thanh điệu là âm bình, cho nên chữ “沖” đọc là chōng. Tiếp theo, lại dùng chữ đồng âm (trực âm) để chú âm: “音 充” (âm sung), nói rõ âm đọc của chữ “沖” và chữ “充” giống nhau. Tiếp đến, lại chú rõ chữ dị thể của nó: “同 沖” (đồng xung) cho biết chữ “冲” lại có thể viết thành “沖”. Sau đó là giải thích nghĩa chữ.
Cũng chính vì thừa nhận có cách viết dị thể như vậy, và cũng do thói quen sử dụng “thông giả tự” (通假字, một hình thức của phép giả tá, vay mượn âm của chữ khác để tạm thay thế chữ gốc, từ đó ước định mà thành) cho nên trong tiếng Hán hiện đại ngày nay xuất hiện khá nhiều từ biến thể, ví dụ: “翔实/详实”,“流言蜚语/流言飞语”,“思维/思惟”. Trong 3 cặp từ biến thể trên, từ đầu tiên sử dụng các “thông giả tự” là“翔”“蜚”“维”,từ thứ hai sử dụng các từ gốc là “详”“飞”“惟”. Việc chuẩn hóa các từ ngữ có nhiều cách viết khác nhau như vậy đang được đặt ra ngày càng bức thiết, nhất là trong việc in ấn các giáo trình giảng dạy Hán ngữ cho người nước ngoài.
II. Nội dung
1. Hiện tượng “象”và“像” :
Theo quy định hiện hành về quy phạm văn tự, cách viết “图像” là đúng, còn cách viết “图象” là sai. Như vậy “象”và “像” có những ý nghĩa gì? Tại sao trước đây tồn tại hai cách viết, nhưng bây giờ chỉ được viết một cách? Quá trình sử dụng hai chữ (và cũng là 2 từ) “象”và “像” khá phức tạp và rối rắm.
“象”và “像” là hai chữ Hán có cách đọc giống nhau (xiàng), hình thể và ý nghĩa tương tự nhau. “象”là chữ cổ của “像” , chữ “像” được hình thành sau này trên cơ sở của “象”. Nghĩa gốc của “象” chỉ 1 loại thú (con voi), theo “Thuyết văn giải tự”: “Tượng, Nam Việt đại thú” (《说文解字》:象,南越大兽), từ đó phát sinh ra các nghĩa “hình dạng, hình thù” của giới tự nhiên, người và vật. Trong quá trình sử dụng, “象” còn xuất hiện thêm nghĩa “giống như”, từ đó cũng xuất hiện chữ phân hóa “像” . “象” từ khi xuất hiện thêm bộ “nhân 亻”trở thành “像” thì nó không còn là chữ tượng hình nữa mà đã trở thành chữ hình thanh, xuất hiện công năng biểu ý “mô phỏng” hoặc “hình tượng mô phỏng người hoặc vật”, ví dụ 人像 (ảnh người)、画像 (chân dung)、肖像 (ảnh truyền thần)、图像 (bức ảnh)… Trong Hán ngữ cổ đại, về mặt ý nghĩa này “象”và “像” thường dùng thay thế lẫn lộn với nhau.
Học giả thời Thanh Đoàn Ngọc Tài (段玉裁) cũng chú thích cho sách “Thuyết văn giải tự” rằng “sách cổ thường mượn 象 thay cho 像” . Năm 1964, “Giản hóa tự tổng biểu” được Quốc Vụ Viện nước CHND Trung Hoa phê chuẩn và công bố, “像” được coi là chữ phồn thể của “象” và không được sử dụng nữa, toàn bộ nghĩa của “像” đều được “象” thay thế. Sau hơn 20 năm sử dụng, nhiều bất cập về mặt ý nghĩa đã nảy sinh, câu văn không còn sáng nghĩa như trước. Ví dụ: 他很象他哥哥。(Anh ta rất giống người anh trai). Theo quy định trên thì phải dùng “象” , nhưng về mặt ý nghĩa thì chữ này không có liên quan gì đến con người, dùng chữ “像” (có bộ nhân 亻) hợp lý hơn, có sức thuyết phục hơn. Chính vì vậy, năm 1986, trong “Giản hóa tự tổng biểu” được tái bản có bổ sung điều chỉnh thêm, trong đó khôi phục hai cách viết “象”và “像” với các ý nghĩa riêng của mỗi chữ như nêu trên. “象” không còn là chữ giản thể của “像” nữa.
Tuy nhiên, rất nhiều sách vở thư tịch được xuất bản sau mốc 1986 vẫn chưa kịp chỉnh lý cách dùng của 2 chữ (và cũng là từ) trên. Ví dụ trong giáo trình Sơ cấp Hán ngữ khóa bản (初级汉语课本) xuất bản năm 1988 và những bản in sau này vẫn chưa chỉnh lý cách dùng của “象”và “像” . Trong phần từ mới bài 53, “像” với nghĩa “giống như” vẫn còn được in là “象”. Cấu trúc A 像 B 一样 (A giống B) vẫn chưa được sửa lại.
Năm 1990, Ủy ban thẩm định thuật ngữ khoa học kỹ thuật toàn quốc quy định: với ý nghĩa chỉ “hình dạng”, các danh từ ghép phải dùng chữ “象”, ví dụ 图象、录象、摄象… Nhưng các bộ từ điển lớn được xuất bản sau đó đều phản đối quy định này và vẫn cho in là 图像、录像、摄像. Cho đến nay, nhiều tài liệu thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên vẫn dùng 图象 là do nguyên nhân như vậy.
Ngày 18 tháng 10 năm 2001, Ủy ban thẩm định thuật ngữ khoa học kỹ thuật toàn quốc phối hợp với Ủy ban công tác ngữ văn văn tự quốc gia tổ chức hội thảo về cách dùng của “象”và “像” , sau đó đi đến thống nhất như sau: các từ 现象、形象、印象、意象、迹象、假象、表象、物象、景象、气象、天象、星象、浑象、蚀象、体象、危象、心象、想象…dùng 象; các từ 人像、画像、肖像、遗像、图像、实像、虚像、声像、摄像、录像、放像、显像、视像、像章、像片…dùng 像。
Hiện tại, trong Hán ngữ hiện đại, có nhiều từ ngữ vẫn dùng cả hai cách “象”và “像” , ví dụ 物象 và 物像, nhưng lưu ý ý nghĩa của 2 từ này là khác nhau, từ đầu mang nghĩa “đối tượng”, từ sau chỉ “hình ảnh”. Riêng đối với từ 想像-想 象 (tưởng tượng), Đoàn Ngọc Tài đề nghị dùng 想像, một bộ phận sách khoa học xuất bản thời kỳ này dùng 想像 chứ không viết 想象. Các bộ từ điển nổi tiếng như “Từ Hải”, “Hiện đại Hán ngữ từ điển” đều đề nghị dùng 想像 cho chính xác. Gần đây, nhiều nhà ngôn ngữ học cho rằng bởi vì những sai sót trong việc quy phạm chữ Hán năm 1964 nên từ 想象 đã được đại bộ phận người dân chấp nhận, tần suất sử dụng cao hơn 想像, hơn nữa trong sách “Hàn Phi Tử” cũng có cách nói 想象, vì vậy chấp nhận dùng thêm cách nói 想象 (và 想象力). “Hiện đại Hán ngữ từ đ iển” xuất bản từ năm 2005 trở về sau đều ghi chú cả hai cách dùng đều đúng.
Dưới đây là cách dùng quy chuẩn của “象”và “像”:
1.1 “象” dùng trong 3 trường hợp sau:
– Danh từ, nghĩa là “con voi”, ví dụ: 大象 (đại tượng).
– Từ tố mang tính danh từ, không đứng độc lập, dùng để tạo từ, biểu thị hình dáng, ví dụ: 形象 (hình tượng), 象征 (tượng trưng)…
– Từ tố mang tính động từ, không đứng độc lập, dùng để tạo từ, biểu thị sự mô phỏng, ví dụ: 象声词 (từ tượng thanh), 象形字 (chữ tượng hình)…
1.2 “像” dùng trong 3 trường hợp sau:
– Danh từ, chỉ hình tượng được làm mô phỏng theo người hoặc vật, ví dụ 佛像 (tượng Phật), 画像 (chân dung).
– Động từ, chỉ “giống, giống như, trông như”. Ví dụ 你像我哥哥 (Cậu giống anh trai của tớ).
– Giới từ, chỉ “như, y như, ví như”, ví dụ 她像花一样漂亮(Cô ấy đẹp như hoa).
Chỉ cần nắm được ý nghĩa và cách dùng của 2 từ xiàng như đã nêu trên thì chúng ta có thể lựa chọn đúng chữ xiàng nào cho văn bản của mình.
2. Nguyên tắc chỉnh lý từ biến thể:
Bởi vì từ biến thể trong tiếng Hán hiện đại tồn tại rất lâu đời, có lịch sử hàng ngàn năm, liên quan đến các yếu tố “hình, âm, nghĩa” nên quá trình chỉnh lý phải vừa tôn trọng lịch sử, vừa song hành với thời đại, tức là vừa phải chú ý đến tính hệ thống của ngôn ngữ, vừa phải thừa nhận các yếu tố mang tính đặc thù trong quá trình diễn biến ngôn ngữ.
2.1 Tính thông dụng:
Đây là nguyên tắc được đặt lên hàng đầu khi lựa chọn sử dụng từ. Dựa vào các cuộc điều tra và thống kê khoa học, những từ nào được công chúng sử dụng phổ biến sẽ được ưu tiên lựa chọn khi chỉnh lý. Hơn nữa, phần lớn các từ dị hình được sử dụng có tần suất cao cũng phù hợp với tính khoa học. Cho dù có một số từ dị hình khi sử dụng không mang tính khoa học, nhưng do tần suất sử dụng cao nên cũng phải tôn trọng sự lựa chọn của xã hội. Ví dụ câu thành ngữ 毕恭毕敬 – 必恭必敬 (kính cẩn lễ phép). Xét về mặt từ nguyên, 必恭必敬 xuất hiện trước, nhưng trong quá trình sử dụng lại diễn biến thêm cách viết 毕恭毕敬 nhưng âm đọc và ý nghĩa hoàn toàn như nhau, cách nói sau lại được dùng nhiều hơn, cách nói đầu tuy đúng nhưng lại không được sử dụng, vì vậy 毕恭毕敬 được ưu tiên lựa chọn khi sử dụng
2.2 Tính khoa học:
Một số từ biến thể có tần suất sử dụng như nhau, vì vậy khi xem xét lựa chọn cách viết thống nhất chúng ta phải lựa chọn trên tiêu chí khoa học. Ví dụ từ 规诫 – 规戒 (quy giới). 戒 và 诫 là 2 chữ đồng nguyên. Trong tiếng Hán cổ đại cả hai đều mang nghĩa “cáo giới” (告诫) và “cảnh giới” (警戒). Nhưng trong tiếng Hán hiện đại, 诫 chỉ biểu thị ý nghĩa “cáo giới”, 戒 lại biểu thị nghĩa “cảnh giới”. 规诫 (quy giới) mang nghĩa dùng lời nói để khuyên can, nên ý nghĩa ngữ tố của 诫 phù hợp với nghĩa từ hơn, vì vậy chọn cách viết 规诫 mang tính khoa học cao hơn.
2.3 Tính hệ thống:
Bản thân từ vựng mang tính hệ thống cao, vì vậy khi chỉnh lý từ biến thể cũng phải xem xét thêm phương diện này. Ví dụ 侈靡 – 侈糜, 靡费 – 糜费 đều có tần suất sử dụng như nhau, tuy nhiên trong từ 奢靡 – 奢糜 thì cách nói trước được sử dụng nhiều hơn, chiếm ưu thế, vì vậy khi chỉnh lý để đảm bảo tính hệ thống thì cách viết 靡 được ưu tiên lựa chọn.
Dựa trên 3 nguyên tắc chủ yếu đó, Bảng chính lý từ dị hình đợt 1 (第一批异形词整理表-The First Series of Standardized Forms of Words with Nonstandardized Variant Forms)đã được Bộ Giáo dục Trung Quốc, Ủy ban công tác ngôn ngữ văn tự quốc gia công bố vào ngày 19/12/2001. Bảng chỉnh lý này có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Tuy nhiên, Bảng chính lý từ dị hình đợt 1 này chỉ mới chỉnh lý 338 cặp từ dị hình, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng quy phạm từ ngữ trong công tác dạy học, xuất bản báo chí, xử lý thông tin… Vì vậy ngày 15/8/2003, các chuyên gia ngôn ngữ đã phối hợp cho ra đời Bảng chỉnh lý 264 từ dị hình (bản thảo) 《264 组异形词整理表》(草案)để mọi người tham khảo và cho ý kiến để đưa vào sử dụng chính thức trong nay mai.
3. Giới thiệu từ biến thể trong “Hiện đại Hán ngữ từ điển”:
“Hiện đại Hán ngữ từ điển” (viết tắt từ điển) là cuốn sách công cụ cần phải có của người học tiếng Trung và ngay cả đối với người Trung Quốc muốn sử dụng đúng từ ngữ. Từ biến thể thể hiện trong cuốn từ điển này dưới tên gọi “từ có nhiều cách viết”. Trước năm 1996, từ điển liệt kê các từ này thành những mục từ đơn lẻ. Những bản chỉnh lý sau này chỉ liệt kê mục từ được lựa chọn sử dụng, còn từ dị hình được chú thích dưới 6 hình thức sau:
3.1 Từ được ưu tiên lựa chọn khi sử dụng được đưa thành 1 mục từ riêng, được giải thích ý nghĩa và cách dùng đầy đủ cụ thể. Ngoài ra cuối cùng còn chú thích thêm “cũng viết…”. Từ dị hình cũng được đưa thành 1 mục từ riêng, nhưng không giải thích, chỉ ghi chú là “cũng như…”.
Ví dụ: 【弘扬】……也作宏扬;【宏扬】同“弘扬”。
3.2 Từ được ưu tiên lựa chọn khi sử dụng được đưa thành 1 mục từ riêng, sau khi giải thích đầy đủ ý nghĩa và cách dùng thì chú thích thêm “cũng viết…” hoặc không chú thích. Từ dị hình cũng được đưa thành 1 mục từ riêng, nhưng lấy từ được chọn cách viết đúng để chú thích.
Ví dụ: 【岔流】……也作汊流;【汊流】岔流。
3.3 Từ có cách viết thông dụng sẽ được chọn thành mục từ để giải thích, cuối từ có chú thích những cách viết khác. Từ dị hình sẽ không xuất hiện thành 1 mục từ nữa.
Ví dụ: 【粗鲁】……也作粗卤;“粗卤”不出条。
3.4 Chỉ chọn cách viết thông dụng, đồng thời chỉ chú thích chữ dị hình trong từ đó, không chú thích thêm các từ có chữ dị hình đó. Ví dụ sau chữ 采 chú thích “giống như 彩”,các từ “喝彩、喝倒彩、光彩、色彩、精彩、丰富多彩、五彩缤纷”…không viết thêm chữ 采 nữa.
3.5 Chỉ chọn cách dùng phổ biến nhất hiện nay làm thành mục từ riêng để giải thích, không ghi chú những cách viết biến thể khác. Ví dụ chỉ chọn cách viết 答复、复信、担心、简练、装潢…, không đưa vào từ điển các cách viết dị hình 答覆、覆信、耽心、简炼、装璜…
3.6 Không xem xét cách viết không quy phạm của những từ khác.
Trong 6 hình thức trên, cách 3, 4, 5 chỉ xem xét cách viết thông dụng, các cách viết biến thể khác sẽ không đưa thành 1 mục từ riêng, vì cách viết quy phạm của những từ này đã được xã hội chấp nhận. Nếu viết cách khác sẽ bị coi là viết sai chính tả. Còn cách 1 và 2 từ được ưu tiên lựa chọn để giải thích ý nghĩa và cách dùng đầy đủ là từ phần lớn được mọi người chấp nhận, nhưng cách viết biến thể khác vẫn đang còn được sử dụng khá phổ biến ở một số vùng miền, có từ còn đang tranh cãi cách viết nào chuẩn xác hơn, nhưng số lượng những từ này khá ít.
Bảng chỉnh lý từ dị hình đợt 1 cũng có 95% từ ngữ thống nhất với cách biên soạn của Hiện đại Hán ngữ từ điển.
III. Kết luận:
Từ biến thể là một hiện tượng ngôn ngữ khá phức tạp và điển hình trong tiếng Hán hiện đại. Trong quá trình dạy học, giáo viên nên chú ý lựa chọn các giáo trình được xuất bản cập nhật những năm gần đây để có được bản in chính xác nhất về cách dùng từ. Giáo viên và người học cũng nên tìm hiểu và nắm bắt thêm các quy định về viết chữ trong 2 Bảng chỉnh lý từ dị hình nêu trên để có được cách viết đúng nhất. Nếu gặp từ biến thể trong lúc lên lớp giáo viên cũng nên chú thích thêm cho người học, gặp từ nào được in không theo quy định cũng nên nói rõ để người học biết mà điều chỉnh, tránh những sai sót có thể xuất hiện trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] TRẦN SƠN dịch, Năm ngàn năm văn hóa Trung Quốc, Nhà xuất bản Thiếu niên Nhi đồng, 1992.
[2] 中国社会科学院语言研究所词典编辑室编,《现代汉语词典》,商务印书馆,2005 年。
[3] 商务印书馆辞书研究中心编,《应用汉语词典》,商务印书馆,2000 年。
[4] 王俊霞,从象与像的合与分谈汉字规范,汉字文化杂志,2005 年第 3 期。
[5] 百度百科:第一批异形词整理表 http://baike.baidu.com/view/763084.htm
[6] 南方网:部分专家学者就《第一批异形词整理表》答疑
http://www.southcn.com/news/community/shzt/yxz/200201301389.htm
[7] 现代汉语在先词典:http://cidian.zhongguoren.cn/
[8] Viện nghiên cứu Hán-Nôm: http://www.hannom.org.vn/
Trích tệp PDF từ: Cơ sở Dữ liệu Khoa học & Công nghệ Trường Đại học Huế
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Từ biến thể trong tiếng Hán hiện đại (Tác giả: Võ Trung Định) |