Từ điển tín về giới đến nhận diện và phân biệt giới
1. Đặt vấn đề
Giới là sản phẩm của các tương tác văn hoá xã hội. Chính cấu trúc văn hoá – xã hội đã sản sinh ra cái gọi là giới và đến lượt nó, các cá nhân, một cách có ý thức hoặc không có ý thức, lại điều chỉnh cung cách ứng xử và cả phương thức tư duy của mình sao cho phù hợp với khuôn thước giới mà xã hội quy định. Tâm lí coi nam giới là trung tâm ăn sâu vào trí não chúng ta đến nỗi chúng ta thấy điều đó là tự nhiên, phải như thế và nếu khác đi chúng ta thấy có cái gì không thuận, không phải đạo. Nó neo bám vững chắc vào suy nghĩ của chúng ta, quy định mọi ứng xử, điều khiển mọi hành động liên quan đến vấn đề giới của chúng ta. Phần lớn chúng ta ít khi để tâm suy nghĩ về cái cơ chế tâm lí – xã hội – văn hoá đã hợp thức hoá sự thống trị của nam giới và đã khiến cho nữ giới tự nguyện và vui vẻ chấp nhận sự thống trị này. Có thể nói, sự thống trị của nam giới trở nên hợp pháp vì có sự đồng tình của xã hội và sự đồng loã của chính bản thân người phụ nữ.
Trong bài viết này, mục đích của chúng tôi là làm sáng tỏ cơ chế tâm lí – xã hội – văn hoá của vấn đề nhận diện giới và phân biệt giới mà cội nguồn sâu xa của nó bắt rễ từ điển tín về giới. Bài viết bắt đầu bằng việc chỉ ra các đặc điểm và cơ chế hoạt động của điển tín nói chung và điển tín về giới nói riêng. Tiếp đó, song song với việc lí giải ảnh hưởng, tác động và mối quan hệ nhân quả của điển tín giới đối với vấn đề nhận diện và phân biệt giới, bài viết phân tích các biểu hiện về nhận diện giới và phân biệt giới dựa trên ngữ liệu lấy từ các tác phẩm văn học và báo chí Việt Nam.
2. Điển tín và điển tín về giới
2.1. Điển tín
Điển tín 1 là từ chúng tôi dùng để chuyển dịch thuật ngữ stereotype trong tiếng Anh và stéréotype trong tiếng Pháp. Từ góc độ tâm lí học xã hội và xã hội học, điển tín là những quan niệm, niềm tin, biểu tượng tinh thần có thể đúng hoặc sai hợp thành những hiểu biết của chúng ta và chúng ta dựa vào đó để phân loại, đánh giá bản thân hoặc người khác/ nhóm người khác. Đây là những niềm tin, quan niệm, biểu tượng mang tính tập thể, được các cá nhân trong cùng một cộng đồng người chia sẻ và có một tác dụng chi phối nhất định đối với nhận thức của chúng ta về thế giới, về cung cách ứng xử của người khác/ nhóm người khác và điều hướng hành động của chúng ta theo tâm lí số đông. Quan niệm, niềm tin cho rằng người Nghệ Tĩnh keo kiệt, người miền Nam bộc trực, người Pháp lịch sự, người Anh lạnh lùng, con gái miền Tây chiều chồng và sống dựa dẫm, phụ nữ nhạy cảm hơn nam giới, đàn ông thích những người phụ nữ đẹp hơn những người phụ nữ thông minh,… là những điển tín.
Lấy thêm ví dụ từ một đoạn văn ngắn trích trong truyện ngắn “Rót rượu” của nhà văn Hồ Anh Thái:
“Nhà văn mới xuất hiện, muốn nổi tiếng phải có đủ ba yếu tố.
Một, phải là người rất trẻ. Trẻ mà viết giỏi thế!
Hai, phải là nữ. Phụ nữ mà viết hay thế!
Ba, phải là người vùng sâu, vùng xa. Điều kiện khó khăn mà viết ngon lành thế!” 2
Trong đoạn này, nổi lên 3 điển tín: (i) Điển tín về người trẻ: Trẻ thì không thể giỏi bằng già; (ii) Điển tín về phụ nữ: Phụ nữ thì kém cỏi hơn nam giới; (iii) Điển tín về người vùng sâu, vùng xa: Người sống ở những vùng này thì có điều kiện và năng lực hạn chế hơn người sống ở nơi phát triển. Để trở thành một hiện tượng văn học, để nổi tiếng, để gây chú ý dư luận, phải tìm ra được một nhân vật hội đủ ba đặc tính đi ngược với các điển tín vừa nêu. Những điển tín này là những hình ảnh tồn tại trong đầu của chúng ta, giúp chúng ta xây dựng nên những biểu tượng để nhận diện và đánh giá con người và thế giới xung quanh. Việc nhận diện và đánh giá này không dựa trên những đặc điểm thực tế vốn có của đối tượng, không dựa trên lịch sử cá nhân của đối tượng mà dựa trên những công thức rập khuôn, giản lược, dựa trên tín niệm chung của số đông, dựa trên những điều “nghe nói” chứ không dựa trên nền tảng lí tính, trên thực tế đã được chứng thực. Nói cách khác, chúng ta dùng điển tín để nhận diện con người và thế giới xung quanh theo cách chúng ta tin là nó phải là chứ không phải là nó là và từ chỗ tin như thế, chúng ta chờ đợi nó phải là như thế và muốn nó phải là như thế. Vì tin, chờ đợi và muốn nó phải là như thế nên một cách tự nhiên, điển tín trở thành công cụ để chúng ta miêu tả, đánh giá và giải thích về con người và thế giới xung quanh.
Khi nhận diện và đánh giá người khác bằng điển tín, người ta thường gán cho đối tượng những đặc tính chung của nhóm văn hoá – xã hội mà đối tượng thuộc vào. Nhóm văn hoá – xã hội ở đây được hiểu là tập hợp của những cá nhân có chung một hay một số đặc điểm (hình thức bề ngoài, tính cách, tập tính, giới tính, trí lực, nguồn gốc, xuất thân, quê quán,…) gắn với một số giá trị nhất định và đạt được một mức độ thống nhất nhất định liên quan đến việc định tính nhóm họ cũng như sự gia nhập của họ vào nhóm. Trở lại ví dụ trên, ba nhóm văn hoá – xã hội được nêu trong đoạn văn là nhóm người trẻ tuổi (chung đặc điểm về tuổi tác), nhóm phụ nữ (chung đặc điểm về giới tính) và nhóm người sống ở vùng sâu, vùng xa (chung đặc điểm về không gian sống). Gắn với những điểm chung này là một số giá trị mà cộng đồng gán cho nhóm và bản thân các thành viên trong nhóm cũng mặc nhiên chấp nhận những giá trị đó, xem đó như là những đặc tính làm nên diện mạo của họ và nhóm họ. Nhân vật được lựa chọn để xây dựng thành hiện tượng văn học nằm trong ba nhóm xã hội này và đáng lẽ phải mang những đặc điểm chung của cả nhóm thì lại trở thành hiện tượng ngoại lệ: trẻ mà, phụ nữ mà,… và vì ngoại lệ, vì đi ngược lại quan niệm, niềm tin, mong đợi của số đông nên mới gây được sự chú ý, mới tạo được một sự không bình thường và nhờ đó mà có khả năng tạo scandal để nổi tiếng. Như vậy, điển tín gắn với vấn đề phân loại và quy loại của con người và điều này phù hợp với quy luật nhận thức của con người. Để rút ngắn quá trình nhận thức, chúng ta thường có xu hướng xếp loại bản thân và đối tượng vào một nhóm cụ thể và nhờ đó mà chúng ta tự định vị bản thân một cách nhanh chóng và có được một số hiểu biết nhất định và tức thời về người khác/nhóm người khác, giúp chúng ta tiết kiệm thời gian và năng lượng trong việc nhận diện, đánh giá bản thân cũng như người khác/ nhóm người khác. Khi dùng điển tín để nhận diện và đánh giá, chúng ta thường có xu hướng đề cao sự khác nhau giữa các nhóm và giảm thiểu sự khác nhau giữa các thành viên trong cùng một nhóm. Các thành viên trong nhóm được nhìn như một khối, một tập hợp của các nét giống nhau. Sự giống nhau giữa các thành viên trong cùng một nhóm tạo thành một căn cước tập thể và để duy trì, khẳng định căn cước này, mỗi thành viên trong nhóm, một cách có ý thức hoặc không ý thức, có xu hướng điều chỉnh mình cho phù hợp với các giá trị và chuẩn mực của nhóm. Ngoài ra, chúng ta cũng có xu hướng đánh giá nhóm xã hội trong đó mình thuộc vào cao hơn so với nhóm khác. Đây chính là căn nguyên của hiện tượng phân biệt – một hệ quả tiêu cực của điển tín. Đến lượt nó, phân biệt lại có thể kéo theo những hệ quả tiêu cực sau: (i) Tạo ra mối quan hệ không bình đẳng giữa các nhóm khác nhau và giữa các thành viên ở các nhóm khác nhau, trong đó thường có một nhóm tự cho và được cho là có nhiều ưu thế hơn, có xu hướng lấn át nhóm đối sánh; (ii) Tạo nên những định kiến được nuôi dưỡng và thực hành trong một môi trường không có sự kiểm soát nghiêm ngặt của lí trí và không dành chỗ cho những suy nghĩ mang tính phản biện; (iii) Tạo nên tính bảo thủ cực đoan, từ chối thay đổi điển tín ngay cả khi xuất hiện những yếu tố cho phép thay đổi điển tín cũ; (iv) Nhóm bị phân biệt 3 có xu hướng chấp nhận một cách tự nguyện những đánh giá xấu của số đông và tai hại hơn là tự điều chỉnh để phù hợp với nhìn nhận của số đông.
Điển tín không có hiệu lực đối với tất cả mọi người mà chỉ với những người có chung một khung quy chiếu nhất định. Khung quy chiếu ở đây có thể hiểu là các tiền đề nhận thức và vật chất về sự tồn tại và hoạt động của điển tín. Điển tín chỉ có thể được kích hoạt và phát huy ảnh hưởng của nó đối với những người có chung một khung quy chiếu. Đặc điểm này chứng minh rằng điển tín là sản phẩm của một môi trường văn hoá, xã hội, tư tưởng nhất định và mặc dù khó thay đổi nhưng vẫn có khả năng thay đổi nếu môi trường văn hoá, xã hội, tư tưởng trong đó điển tín được sản sinh và lưu hành có sự chuyển biến.
__________
1. Một số người dùng định kiến, thiên kiến để dịch stereotype/ stéréotype nhưng theo chúng tôi, định kiến, thiên kiến thiên về nghĩa tiêu cực trong khi đó stereotype/ stéréotype mang tính trung lập, có thể đúng hoặc sai, có thể tích cực hoặc tiêu cực. Có người dịch là hình ảnh nhưng chúng tôi thấy từ này quá chung chung, lại chưa nêu bật được tính chất cố định, bám rễ sâu trong nhận thức con người của khái niệm stereotype/ stéréotype. Cũng có người dịch là khuôn mẫu nhưng chúng tôi thấy từ này dù đã chuyển đạt được tính chất cố định, cứng nhắc của stereotype/ stéréotype nhưng chưa chuyển đạt được ý niềm tin và quan niệm – một nội dung quan trọng trong nội hàm của khái niệm xét từ góc độ tâm lí học xã hội và xã hội học.
2. Hồ Anh Thái, Người bên này, trời bên ấy (tập truyện ngắn), NXB Trẻ, 2013.
3. Có một số nhóm xã hội dễ trở thành nạn nhân của sự phân biệt, kì thị, đó là: phụ nữ, trẻ em, người già, người tàn tật, người thuộc dân tộc ít người.
2.2. Điển tín về giới
Theo Robert Stroller (bác sĩ tâm thần, nhà tâm lí học phân tích người Mĩ và là cha đẻ của khái niệm giới) thì mỗi một con người được hợp thành cùng một lúc bởi hai thành phần: mỗi người có một cơ thể tạo nên bản sắc giới tính và mỗi người có một bản ngã tạo nên bản sắc giới (dẫn theo Chemin, 2011). Nếu như cơ thể là một thực tế sinh học, sinh lí và di truyền bị quy định bởi tự nhiên thì bản ngã lại là một thực thể sinh ra từ văn hoá. Simone de Beauvoir trong tác phẩm “Giới tính thứ hai” cũng đưa ra một định thức nổi tiếng, là kim chỉ nam cho các nghiên cứu về giới sau này: “Người ta không sinh ra đã sẵn là đàn bà mà người ta trở thành đàn bà” 1. Ở đây, có sự phân biệt giữa giới tính bẩm sinh và giới trên phương diện xã hội. Người ta sinh ra đã mang sẵn một giới tính (là nam hay nữ) 2 nhưng để trở thành đàn ông hay đàn bà lại phải do các tương tác văn hoá xã hội hay nói cách khác, giới là sản phẩm của các tương tác văn hoá xã hội.
Trong bài viết này, chúng tôi không đi sâu vào phân biệt giới và giới tính. Chúng tôi dùng giới theo nghĩa giới nam và giới nữ hay nam giới và nữ giới. Giới ở đây là giới theo nghĩa nhóm xã hội, nói cách khác là tập hợp của các cá nhân có chung một số đặc điểm về mặt giới tính và xã hội. Quan điểm của chúng tôi là nếu như giới tính là tập hợp những đặc điểm chung phân biệt nam và nữ, thể hiện sự khác biệt về mặt sinh học của nam và nữ, là một quy định của tự nhiên và theo đó, sự khác biệt giữa nam và nữ là đương nhiên thì giới về mặt xã hội được xây dựng trước hết trên cơ sở giới tính nhưng quan trọng nhất là các căn cứ xã hội như: vai trò xã hội, hành vi ứng xử xã hội, những kì vọng liên quan đến nam và nữ (dẫn theo Nguyễn Văn Khang, 2012) và theo đó giới cần phải được nhìn nhận một cách bình đẳng, không được lấy sự phân biệt giới tính để áp dụng cho giới về mặt xã hội.
Chúng tôi lập thức khái niệm điển tín giới phục vụ cho nghiên cứu của mình như sau: điển tín giới là những quan niệm, biểu tượng, niềm tin về giới tồn tại trong cộng đồng người Việt do đặc điểm xã hội, văn hoá, tư tưởng của người Việt quy định và đến lượt nó, điển tín giới lại có tác dụng chi phối đến nhận thức, hành động, ứng xử của mỗi cá nhân trong cộng đồng cũng như những quan niệm, đánh giá về người khác hoặc giới khác.
Là một dạng điển tín, điển tín giới có chung một cơ chế hoạt động và mang những đặc điểm chung của điển tín như chúng tôi vừa trình bày ở trên. Nói một cách ngắn gọn, điển tín giới đóng vai trò như một căn cứ giúp chúng ta nhận diện, đánh giá bản thân và người khác trong tư cách giới, đồng thời điển tín giới cũng là căn nguyên của sự phân biệt giới tồn tại dai dẳng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong bài viết này, vấn đề điển tín giới được chúng tôi nhìn nhận và phân tích xoay quanh hai bình diện là nhận diện giới và phân biệt giới với những minh hoạ cụ thể lấy từ các tác phẩm văn học và báo chí Việt Nam.
__________
1. “On ne naît pas femme, on le devient” (Le Deuxième Sexe, Simone de Beauvoir, Galimard, 1949, p.285).
2. Một thực tế đặt ra hiện nay là điển tín về giới theo phương thức lưỡng phân nam/nữ sẽ biến đổi như thế nào trước xu thế xã hội thừa nhận những người không hoàn toàn thuộc về giới nam hay giới nữ như đồng tính, song tính, chuyển giới và thậm chí là không xác định giới? Tuy nhiên, có thể thấy, dù thuộc loại gì đi nữa thì những người này thường có xu hướng lấy các đặc điểm được quy cho giới nam/nữ làm khuôn mẫu hành xử của mình.
3. Từ điển tín giới đến nhận diện giới
Để nhận diện bản thân và người khác trong tư cách giới, chúng ta thường dùng phương thức khái quát hoá và phạm trù hoá. Trong quá trình khái quát hoá và phạm trù hoá, điển tín giới đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng, dẫn dắt tư duy, giúp tư duy thực hiện các thao tác tổng hợp và phân loại theo cách tiết kiệm nhất. Điển tín giới giúp chúng ta xác định và khẳng định căn giới của mình, bản sắc giới của mình cũng như căn giới, bản sắc giới của người khác. Ngoài ra, điển tín giới còn đóng vai trò giải thích – giải thích tại sao chúng ta có mặt ở giới này mà không ở giới khác, tại sao các cá nhân có vẻ rất khác nhau lại tập hợp thành một giới. Nói cách khác, điển tín giới đóng vai trò giải thích lí do vì sao chúng ta lại giống nhau, vì sao sự tập hợp thành giới của chúng ta là chính đáng, hợp pháp. Ví dụ những đặc điểm hợp thành điển tín về “nam tính” (mạnh mẽ, tự tin, cơ bắp, cao lớn, giọng trầm, râu quai nón,…) có tác dụng hợp thức hoá những diễn ngôn kiểu như “Anh ấy là biểu tượng của nam tính” có nghĩa là anh ấy hội đủ những đặc điểm: mạnh mẽ, tự tin, phóng khoáng… Hay những phát ngôn kiểu như “Cái ích kỉ đàn bà có thể cho tôi tát Nghiêm một bạt tai nảy lửa rồi hỏi anh rằng vì sao lại phản bội tôi”1 và “Tràng chửi với theo: Cái giống đàn bà ngu, vả cho đau tay mà không chừa cái thói mồm loa mép giải”2 được tạo ra và tiếp nhận dựa trên điển tín về “tính đàn bà” gồm những đặc điểm: ích kỉ, hẹp hòi, lắm lời, so đo tính toán, yếu đuối… Ngoài ra, điển tín giới còn đóng vai trò giải thích sự giống nhau trong hành xử của các cá nhân nhìn bề ngoài rất khác nhau. Ví dụ, một biểu thức ngôn ngữ như “bản năng làm mẹ” biểu thị một tập hợp những đức tính được kì vọng ở nữ giới nói chung và điển tín này được hầu như tất cả mọi phụ nữ và đàn ông chia sẻ, trở thành căn cứ giải thích những hành xử của phụ nữ liên quan đến việc yêu trẻ con, khéo léo trong việc chăm sóc con cái và gia đình và cũng trở thành một đòi hỏi đối với người phụ nữ: phàm đã là phụ nữ thì phải có bản năng làm mẹ,…
Như chúng tôi đã nói ở trên, chúng ta thường có xu hướng nhìn nhận mình và nhóm mình bằng con mắt tích cực hơn người khác và nhóm khác. Qua việc nhận diện người khác/nhóm khác, chúng ta muốn khẳng định bản thể tích cực của mình và qua đó khẳng định vị thế cao hơn của mình so với người khác/nhóm khác. Đối với trường hợp nam giới và nữ giới, một thực tế được gần như tất cả mọi người chấp nhận và chia sẻ là nam giới có vị thế cao hơn nữ giới, nam giới có địa vị thống trị trong hầu khắp các lĩnh vực, còn nữ giới có vị thế thấp hơn nam giới và luôn đứng ở các vị trí kém ưu tiên trong hầu khắp các lĩnh vực. Thực tế này có một phần căn nguyên sâu xa từ điển tín về giới: nam giới có nhiều phẩm chất ưu việt hơn nữ giới. Vấn đề đặt ra ở đây là nữ giới làm cách nào để khẳng định bản thể tích cực của mình trong tình thế bị mặc định ở vào vị trí thấp, kém hơn nam giới?
Thông thường, có hai cách để nữ giới khẳng định bản thể tích cực của mình, khẳng định cái tôi của mình, khẳng định sự tồn tại hợp pháp của mình, đó là:
– Đề cao giá trị bản thân và giới nữ, hạ thấp đàn ông và giới nam.
– Chấp nhận vị thế thấp so với nam giới, nhưng tìm cách chuyển hoá những giá trị bị coi là tiêu cực thành những giá trị tích cực và tôn vinh những giá trị đó, xem đó là những giá trị đặc biệt, chỉ giới mình mới có và chỉ giới mình mới có khả năng tạo nên những giá trị đó.
Có thể thấy biểu hiện của cách thứ nhất trong các hành vi nói xấu đàn ông, nói xấu chồng hay suy nghĩ cho rằng đàn ông là nguồn gốc của nỗi bất hạnh của người phụ nữ, cho rằng đàn ông phải chịu trách nhiệm về những nỗi thống khổ của người phụ nữ, cho rằng phụ nữ là nạn nhân của đàn ông, cần phải có những biện pháp để lập lại trật tự nam/nữ, lấy lại vị trí xứng đáng cho nữ giới… Những người có tư tưởng này, nếu bị đẩy đến mức cực đoan, sẽ là những người theo chủ nghĩa nữ quyền. Trong truyện ngắn “Muối của rừng” của Nguyễn Huy Thiệp, tác giả đã để cho nhân vật Diểu thể hiện những suy nghĩ về giới qua đoạn văn sau: “Ông Diểu thấy ba con khỉ cứ quấn lấy nhau: con khỉ đực, con khỉ cái và đứa con nó. Ý nghĩ con khỉ đực sẽ là con mồi bám lấy ông tức thì. Cái thằng bố ô trọc ấy! Đồ phong tình phóng đãng! Vị gia trưởng cộc cằn! Nhà lập pháp bẩn thỉu! Tên bạo chúa khốn nạn! Ông Diểu thấy nóng bừng người… Ông nhìn kĩ và thấy con khỉ canh gác là con khỉ cái. Thế là thuận lợi rồi. Bởi giống cái bao giờ cũng dễ phân tâm. Đấy, thấy chưa? Đang canh gác mà đi bắt rận ở người thì còn gì nữa? Với giống cái thì thân thể mình là quan trọng nhất. Điều ấy thật giản dị và đẹp. Nhưng điều ấy lại đầy xót xa… ”. Thoạt nhìn, có vẻ tác giả căm ghét, lên án giống đực và yêu thương, trân trọng giống cái. Con khỉ – hiện thân của giống đực hiện lên với tất cả những nét xấu xa: ô trọc, phong tình, phóng đãng, gia trưởng, cộc cằn, bẩn thỉu, chuyên quyền, chuyên chế,… Còn con khỉ cái trong đoạn văn được tác giả cấp cho hai đặc tính: dễ phân tâm và chăm chút vẻ ngoài. Những đặc điểm này được tác giả đánh giá là “giản dị, đẹp, đầy xót xa”. Qua đánh giá này, có thể thấy mặc dù đã được che giấu kĩ lưỡng bởi các mĩ từ nhưng giống cái vẫn hiện lên như là một giống đáng thương, hành động thiếu suy nghĩ, nhẹ dạ, dại dột và vị thế đánh giá của tác giả vẫn là vị thế của giống đực, của phái mạnh, là vị thế trên. Sự thương cảm và thấu hiểu về giống cái vẫn mang hơi hướng của kẻ mạnh ban phát tình thương cho kẻ yếu và vì thế vẫn ngầm ẩn một thái độ trịch thượng, coi thường.
Ảnh hưởng của điển tín giới không chỉ thể hiện trong cách đánh giá của đàn ông về giới nữ mà còn nằm chính ngay trong suy nghĩ và hành xử của phụ nữ. Trong “Adam hoàn hảo” 3, Di Li viết: “Tôi cũng quen một phụ nữ trung niên, chị cực thông minh, cực giàu có, cực kì nhiều kiến thức, cực kì sành điệu, cực kì năng động, trẻ trung và duyên dáng. Nói chung là cực kì ấn tượng… Nhưng mà mấy chục năm nay chị sống không có đàn ông (theo đúng nghĩa của nó, là chị bảo thế). Chị bảo đàn ông trên thế gian này tuyệt chủng hết cả rồi, giờ chị chỉ yêu mỗi… Napoleon, Hitler và Bethoven. Một đồng nghiệp của tôi cũng ở vậy mãi không lấy chồng. Có lúc đi làm thấy ăn mặc giản dị quá bảo sao bao quần áo đẹp không mặc. Chị bảo ở cơ quan có ai là đàn ông đâu mà phải mặc đẹp. (Cần phải nói rằng về mặt giới tính khai sinh thì rõ ràng 70% đồng nghiệp cơ quan chị là nam nhân). Nhà thơ Vi Thuỳ Linh thì bảo: “Trong Hội Nhà văn thì số lượng nhà văn nam đông hơn nhà văn nữ, mà đến ba phần tư là cấp độ đàn bà”. Ba nhân vật nữ trong đoạn văn này có một đặc điểm chung là đều thất vọng sâu sắc về đàn ông. Tuy nhiên, người thứ nhất vẫn mong muốn tìm kiếm tình yêu ở những người đàn ông khác thường, người thứ hai quyết định không trau chuốt vẻ ngoài vì không tìm được những khán giả đàn ông xứng đáng và người thứ ba lấy đàn bà làm thước đo cho sự thấp kém cùng cực của đàn ông. Họ sống một mình không phải vì đó là lựa chọn của họ, họ làm đẹp không phải cho chính họ, không phải vì họ tôn trọng, nâng niu cơ thể họ. Cách suy nghĩ và ứng xử của họ chứng tỏ một sự phụ thuộc rất lớn vào đàn ông, giá trị của họ không nằm chính ngay trong bản thân họ mà phụ thuộc vào sự định giá của đàn ông. Tệ hại hơn, khi họ xếp những người đàn ông không đáp ứng được kì vọng của họ vào “cấp độ đàn bà” nhằm mục đích hạ nhục đàn ông, họ không biết rằng họ đã hạ nhục chính họ. Bằng cách hạ cấp đàn ông vào hàng ngũ của mình, họ đã tự xem mình như những sinh thể tận cùng xấu xa, không có khả năng vượt qua sự quy định của tự nhiên để tiến hoá, để hoàn thiện. Qua đây, có thể thấy những biểu hiện tinh vi của điển tín về sự thấp kém của phụ nữ thể hiện ngay trong những hành xử thoạt nhìn có vẻ như đề cao giới nữ và hạ thấp giới nam.
Điển tín về sự chăm chút vẻ ngoài của giống cái được các phương tiện thông tin đại chúng lan truyền và củng cố. Trên đài, báo có rất nhiều những bài viết về bí quyết làm đẹp, bí quyết để trở nên hấp dẫn, những lời khuyên, những lời cổ suý cho việc làm đẹp của phụ nữ, như thể phụ nữ không có việc gì khác ngoài việc làm đẹp, như thể mục đích cuộc đời của người phụ nữ là làm đẹp. Vậy tại sao người phụ nữ phải đẹp? Đẹp để làm gì? Theo các tác giả thì mục đích tối thượng của việc làm đẹp là để quyến rũ đàn ông, là để kiếm người yêu hay một tấm chồng (đối với những cô gái chưa chồng) hoặc để giữ chồng (đối với những người đã có chồng). Hoá ra, đẹp là để phục vụ đàn ông, phục vụ cho nhu cầu thẩm mĩ của đàn ông. Người phụ nữ không đẹp cho bản thân họ mà đẹp cho người khác, ngay cả sắc đẹp cũng không thuộc về họ mà để phục vụ cho mục đích quyến rũ đàn ông. Sắc đẹp trở thành một thứ hàng hoá trao đổi hạnh phúc và như thế, một cách lôgic, người phụ nữ trở thành một món hàng, một đồ vật mà giá trị của nó chỉ được đảm bảo khi nó còn đẹp, còn mới, còn vừa mắt người tiêu thụ nó là đàn ông. Bị vây bủa trong một xã hội tiêu thụ luôn đề cao sắc đẹp như một món hàng trao đổi hạnh phúc, dần dần điều đó trở thành nhu cầu tự thân của người phụ nữ, trở thành kim chỉ nam cho hành trình chinh phục đàn ông của phụ nữ, dẫn đến kết cục người phụ nữ là nạn nhân của chính mình. Những người phụ nữ xấu thì ngậm ngùi chấp nhận chân lí “Đàn bà xấu thì không có quà” (tên một tác phẩm của Y Ban) và luôn sống trong mặc cảm bị thua thiệt còn những người phụ nữ đẹp thì biết rằng sắc đẹp không phải là một thứ trường tồn mà suy thoái theo thời gian nên tìm cách níu kéo bằng cách nhờ đến sự can thiệp của công nghệ làm đẹp và nếu ngay cả công nghệ làm đẹp cũng không giúp nổi họ thì họ sẽ rơi vào bi kịch. Xã hội nam quyền và xã hội tiêu dùng rất biết khai thác tâm lí này của người phụ nữ để phục vụ cho mục đích của mình.
Phương thức thứ hai để khẳng định bản ngã tích cực của phụ nữ là phương thức phổ biến trong xã hội Việt Nam. Người phụ nữ Việt Nam tự khuôn mình trong bốn chữ vàng “công, dung, ngôn, hạnh” và tự thoả mãn, hạnh phúc khi đáp ứng đầy đủ những tiêu chí do bốn chữ ấy đề ra. Điều này được giới đàn ông và cả xã hội nam quyền lợi dụng, tung hô, cổ suý. Người phụ nữ thấy vị thế và giá trị của mình được bảo đảm qua việc đáp ứng được những chờ đợi của nam giới và xã hội. Điều này dẫn đến việc họ có xu hướng tự điều chỉnh mình để phù hợp với các giá trị và chuẩn mực do xã hội quy định cho giới mình. Trên báo điện tử “Dân Việt” ngày 09/03/2011 có bài viết “Xuân Quỳnh dạy tôi cách trở thành đàn bà” của nhà thơ, nhà phê bình, đạo diễn điện ảnh Phan Huyền Thư. Trong bài viết, có những câu: “Thay cho mẹ tôi, thơ Xuân Quỳnh dạy tôi cách trở thành đàn bà, cách trở thành người biết yêu người khác vô điều kiện và phi nguỵ biện”, “Xuân Quỳnh đã dạy tôi cách hiến dâng, cách đắm đuối và cách im lặng trao nhận tình yêu trong dông bão”, “Tôi ý thức được sự bé nhỏ của kiếp người, đúng hơn là một kiếp đàn bà, đi như thế nào trên giới hạn của đức hạnh và nỗi khát khao bản năng mong manh như sợi tóc khi đọc thơ Xuân Quỳnh.” Qua việc hi sinh hết mình cho tình yêu, cho hạnh phúc của người mình yêu, người phụ nữ thấy được lí do tồn tại của mình và khẳng định giá trị của mình. Người phụ nữ ở đây chấp nhận yêu thương và hiến dâng vô điều kiện, không đòi hỏi, không toan tính. Không những chấp nhận, cách ứng xử với tình yêu, với đàn ông như thế này còn được xem là chuẩn mực, là chân lí tối cao của lẽ sống đàn bà. Điều đáng nói là bài báo ra ngay sau ngày 8/3 và được viết bởi một người khá nổi tiếng nên sức lan toả của nó có thể không nhỏ. Ngay cả cách dùng “đàn bà”, “kiếp đàn bà” cũng cho thấy quan niệm về giới của Phan Huyền Thư. Giá trị của một người đàn bà phụ thuộc ở chỗ người đàn bà ấy có thực sự dám sống đến tận cùng của sự hi sinh, dâng hiến cho tình yêu, cho người đàn ông mà mình yêu hay không. Tương tự như vậy, hãy xem những gì Bình Nguyên Trang viết về Y Ban: “Có lần, một phụ nữ nào đó kể chuyện, rằng chị ta bỏ chồng vì “thằng cha” vô tích sự quá, cả đời chẳng kiếm ra đồng tiền nào đưa cho vợ, Y Ban nghe thì “bật” luôn, rất quyết liệt. Chị không thích kiểu bỏ chồng ấy. Theo Y Ban, người đàn bà, khi đã lấy chồng, có con, thì cần phải biết đi đến tận cùng những gì mình đã lựa chọn. Và hi sinh là một thuộc tính phải có. Thành quả chỉ thực sự đến khi mình đã hết lòng, đã tận tuỵ, kiên nhẫn đến nấc cuối cùng” 4. Có thể nói, đây là một tâm lí tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam, trở thành một thứ “đạo đàn bà”. Người đàn bà được ve vuốt bởi hào quang của đức hạnh, đã chấp nhận tất cả, kể cả quên đi bản ngã của mình để được xứng đáng với tôn xưng “đàn bà” mà tôn xưng đàn bà ở đây lại phù hợp với mô hình mà xã hội nam quyền mong muốn duy trì, gìn giữ. Một số nhà thơ nữ như Ý Nhi, Đoàn Thị Lam Luyến cũng tự mệnh danh mình là “người đàn bà dại yêu” nhưng sự “dại yêu” đối với họ là một giá trị, một thiên tính nữ đáng tự hào. Họ tự hào vì đã sở hữu thiên tính ấy, xem như đó là một đặc quyền mang lại bản sắc cho giới nữ. Lấy tình yêu như một thước đo giá trị, người phụ nữ đã đảo ngược vị thế nạn nhân bị động của mình, trở thành người chủ động kiếm tìm tình yêu và sẵn sàng làm nô lệ cho tình yêu. Có thể nói, điển tín giới đã ăn sâu vào não trạng người phụ nữ Việt, trở thành chuẩn ứng xử của họ và chính họ góp phần củng cố điển tín giới, họ là nạn nhân của chính mình.
Khác với nữ giới, nam giới không phải nhọc công bám víu vào những phương thức tinh vi, phức tạp để khẳng định bản ngã tích cực của mình vì điển tín về vị thế cao của nam giới so với nữ giới đã hợp thức hoá chỗ đứng của nam giới trong gia đình và xã hội. Nhưng cũng như nữ giới, trong hành trình nhận diện mình và giới nữ, nam giới cũng bị điển tín giới chi phối mạnh mẽ và ở một mặt nào đó cũng là nạn nhân của điển tín giới. Nam giới cũng phải gồng mình để xứng đáng với những đặc tính giới mà phụ nữ và xã hội kì vọng ở mình. Nếu không thoả mãn được những kì vọng ấy, nam giới sẽ mất đi vị thế đàn ông, có nghĩa là mất đi vị thế của kẻ thống trị. Điển tín giới trở thành áp lực đối với nam giới. Ngoài ra, việc nhìn nhận nữ giới bằng con mắt của kẻ bề trên khiến cho quan hệ giữa nam giới và nữ giới trở thành mối quan hệ bất bình đẳng và một khi đã bất bình đẳng thì thường dẫn tới xung đột. Và một khi đã có xung đột thì phải giải quyết xung đột và mọi biện pháp giải quyết xung đột thường ít nhiều gây mất mát cho cả hai phía.
Dưới ảnh hưởng của điển tín, cả nam giới và nữ giới đều có thể mắc sai lầm khi nhận diện về mình và người khác vì sự nhận diện được dựa trên những công thức rập khuôn, giản lược, theo những khuôn mẫu có sẵn mà không có sự tham gia nhiều của tư duy phản biện và tinh thần tự vấn.
__________
1. Nguyễn Ngọc Thach, Một giọt đàn bà, NXB Văn hoá Thông tin, 2014.
2. Y Ban, ABCD, NXB Trẻ, 2014.
3. http://www.dilivn.com/goc-rieng/803-adam-hoan-ho.
4. Bình Nguyên Trang, Tìm trong cõi người, NXB Văn học, 2014.
4. Từ điển tín giới đến phân biệt giới
Như chúng tôi đã phân tích ở trên, mọi điển tín đều tạo ra một sự phân biệt và đó chính là hậu quả tai hại nhất của điển tín. Sự phân biệt thể hiện cả ở trong nhận thức và hành động của các cá nhân trong các nhóm xã hội khác nhau. Tình trạng phân biệt giới do ảnh hưởng của điển tín giới là một thực tế không thể phủ nhận và được thể hiện rõ ràng hơn bất cứ một điển tín nào khác.
Về nhận thức giới, đa số nam giới cho rằng giới mình ưu việt hơn giới nữ và sự ưu việt này là một sự thật hiển nhiên, không phải bàn cãi và thậm chí như là một quy định của tự nhiên. Về phần mình, đa phần cá nhân thuộc nữ giới chấp nhận vị thế thấp so với nam giới, xem như một chân lí tiền định. Chỉ có một phần nhỏ cá nhân thuộc nam giới và nữ giới có nhận thức trái ngược với số đông, cho rằng phân biệt giới là sản phẩm của một xã hội coi trọng nam quyền và cần phải có những thay đổi trong nhận thức giới để tiến đến sự bình đẳng về giới.
Liên quan đến vấn đề phân biệt giới được thể hiện bằng hành động, sự phân biệt giới diễn ra ở mọi chốn, mọi nơi: trong gia đình, ngoài xã hội, trong trường học, trên các phương tiện thông tin đại chúng,… Trong gia đình, vai trò, chức năng của nam giới và nữ giới được phân biệt một cách rõ ràng: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Đàn ông đảm nhiệm những việc lớn lao, quan trọng, đàn bà có chức năng thu vén, chăm sóc gia đình. Đàn ông mang lửa về cho gia đình, đàn bà giữ lửa cho gia đình. Vị trí chính đáng và quan trọng nhất của người đàn bà là trong gia đình, hình ảnh tròn vẹn nhất của người đàn bà là chồng con đầy đủ. Gia đình là chốn thích hợp và an toàn nhất cho người đàn bà. Ở đó, giá trị cá nhân và địa vị xã hội của họ được bảo đảm. Nếu một người phụ nữ thành công trong xã hội nhưng không có một gia đình hạnh phúc thì cũng không thể coi là thành đạt. Nếu như người ta ít quan tâm đến việc người đàn ông thành đạt có một gia đình viên mãn hay không thì đối với người đàn bà thành đạt, đấy như là một tiêu chí để định giá người đàn bà, người đàn bà phải hội đủ cả tiêu chí này thì mới xứng là người thành đạt. Thậm chí, có một điển tín phổ biến cho rằng người đàn bà thành đạt ngoài xã hội thì khó có thể thành công trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc vì khả năng đàn bà có hạn, khó kham nổi nhiều việc một lúc và thường người chồng khó chấp nhận người vợ có vị thế xã hội cao hơn mình. Cùng dòng với nếp nghĩ này là điển tín cho rằng người phụ nữ thành công trong gia đình thì khó có thể thành đạt ngoài xã hội. Thậm chí, có một tâm lí phổ biến là người phụ nữ chỉ cần thành công trong việc xây dựng gia đình yên ấm, hạnh phúc thì có thể coi là thành đạt. Điển tín này không chỉ bám rễ trong nam giới mà còn ăn sâu vào não trạng của nữ giới. Có biết bao nhiêu người nổi tiếng và không nổi tiếng đã tự hào tuyên bố: “Gia đình là sự nghiệp của người phụ nữ”, “Con cái là tài sản quý giá nhất của người phụ nữ”,… Điều đáng nói là họ không chút nghi ngờ mà hoàn toàn tin vào những điều họ tuyên bố, coi đó là chuẩn mực mà người phụ nữ cần vươn tới, là giá trị tối thượng của người phụ nữ.
Niềm tin đó đã khiến một số không nhỏ phụ nữ chấp nhận là nạn nhân của bạo hành gia đình. Bạo hành là biểu hiện rõ ràng nhất của sự coi thường giá trị nhân bản của người phụ nữ, của sự phủ định quyền làm chủ của phụ nữ và nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là mối quan hệ bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Theo bài “Tạo môi trường cho nạn nhân lên tiếng” trên Tuổi trẻ online ngày 1/9/2013 thì năm 2010, ở Việt Nam có hơn 1/3 phụ nữ từng là nạn nhân của bạo hành gia đình về mặt thể xác và tinh thần hoặc cả hai, tương đương tỉ lệ trung bình của toàn thế giới. Điều đáng nói là phần lớn nạn nhân của bạo lực gia đình không dám lên tiếng, không dám phản kháng và chịu đựng tình trạng này rất lâu. Cách hành xử này là một nguyên nhân dung dưỡng nạn bạo hành. Trong tạp văn “Hãy bỏ tay ra khỏi mông tôi” của nhà văn Trang Hạ có một đoạn giải thích cho cách hành xử này của phụ nữ Việt Nam: “Mẹ thường dạy tôi phải trở thành gái ngoan, biết nghe lời bố mẹ, phải ý tứ vì mình là con gái. Cuốn sách đầu đời tôi đọc khi 7 tuổi là cuốn truyện thiếu nhi, thỏ trắng ham chơi, về mẹ mắng. Ngoan tức là biết nghe lời, biết nhịn, biết chịu đựng. Biết nghe lời trở thành đạo đức hàng đầu của gái trẻ.” (trangha.wordpress.com). Cho nên, không có gì khó hiểu khi các cô gái trẻ trở thành người vợ trong gia đình, các cô chấp nhận tất cả, kể cả việc bị bạo hành, chỉ để giữ cho trọn đức hạnh mà cả gia đình và xã hội trông đợi ở mình. Do vậy, phụ nữ cũng phải chịu một phần trách nhiệm về bi kịch của mình.
Ngoài xã hội, sự phân biệt giới diễn ra dưới nhiều hình thức rất phong phú và đa dạng, nhưng tựu trung lại có thể quy về hai điểm: sự không ngang bằng về cơ hội và về quyền thụ hưởng của nam giới và nữ giới. Trong xã hội Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới, nam giới vẫn nắm gần như mọi lợi thế liên quan đến cơ hội phát triển và quyền thụ hưởng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như giáo dục, y tế, chính trị, kinh tế,…
Trong lĩnh vực giáo dục, có thể thấy, càng lên bậc học cao, tỉ lệ nữ càng giảm dần. Phụ nữ, do được gán cho chức năng “xây tổ ấm”, ít có cơ hội học lên thạc sĩ, tiến sĩ và vì vậy, nhiều phụ nữ không có điều kiện nắm bắt cơ hội phát triển và buộc phải bỏ dở sự nghiệp mặc dù năng lực của họ không thua kém nam giới. Những người phụ nữ quyết tâm học lên cao buộc phải cố gắng gấp đôi, gấp ba nam giới vì họ có trách nhiệm dung hoà cả việc gia đình và học tập. Nếu như người đàn ông học cao không phải chịu áp lực cân bằng việc học tập và gia đình thì đối với phụ nữ, đấy là điều kiện sống còn để họ có thể tiếp tục học tập. Xã hội cũng có con mắt kì thị với những người học cao, cho rằng phụ nữ học cao thường hâm, dở và nếu chẳng may những người này không có chồng thì tình trạng không chồng bị xem là hệ quả tất yếu của việc có bằng cấp cao. Phụ nữ, trẻ em gái ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng ít có cơ hội tiếp cận giáo dục. Tâm lí cho rằng con gái không cần học vì học cũng chẳng để làm gì là tâm lí phổ biến không chỉ ở nam giới mà cả ở nữ giới ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đối với nam giới ở tất cả các vùng miền, bằng cấp của người phụ nữ là mối đe doạ tiềm tàng cho sự yên ấm của gia đình, bởi họ quan niệm rằng, kiến thức do việc học đưa lại khiến cho khả năng tranh biện của phụ nữ được mài sắc và gây nên ý thức phản kháng ở người phụ nữ, do đó bất lợi cho hạnh phúc gia đình.
Trong lĩnh vực y tế, theo “Báo cáo phát triển thế giới 2012”, tỉ lệ tử vong ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em gái ở một số nước châu Á còn rất cao. Báo cáo không chỉ rõ tên nước châu Á nào nhưng theo thông tin của bài viết “Phân tích tỉ lệ sản phụ và em bé tử vong” trên báo Dân trí điện tử ra ngày 21/10/2013 thì tỉ lệ phụ nữ chết khi sinh ở Việt Nam là 69/100.000 trong khi đó ở Bỉ là 5/100.000, nghĩa là số sản phụ tử vong ở Việt Nam cao gấp 14 lần so với ở Bỉ. Dựa vào báo cáo của OMS (Organisation Mondiale de Santé – Tổ chức sức khoẻ thế giới), bài báo dẫn ra những nguyên nhân của tình trạng này là do nghèo đói, do khoảng cách địa lí không cho phép sản phụ đến bệnh viện một cách kịp thời, do thiếu thông tin, do dịch vụ y khoa không thoả đáng và cuối cùng là do sự tồn tại của một số hủ tục ở một số nơi. Tất cả các nguyên nhân đều gặp nhau ở một điểm là người phụ nữ đã không có những điều kiện thuận lợi để có thể thực hiện “thiên chức” của mình một cách an toàn. Có thể nói, người phụ nữ là nạn nhân của chính thiên chức của mình. Liên quan đến sức khoẻ sinh sản, theo bài “Tỉ lệ nạo phá thai ở Việt Nam cao nhất Đông Nam Á” trên báo Vnexpress điện tử ra ngày 12/7/2013, bình quân mỗi năm ở Việt Nam có 1.500.000 ca nạo phá thai trong đó có 300.000 ca nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Con số này cho thấy vấn đề giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản ở Việt Nam còn rất hạn chế và đây là một vấn nạn của toàn xã hội. Ngoài ra, do truyền thống “trọng nam khinh nữ”, với sự hỗ trợ của công nghệ xác định giới tính trước khi sinh, rất nhiều người sẵn sàng phá thai nhi nữ để hi vọng lần sau sẽ có con trai. Theo bài “Phá thai nhi gái đang ở mức báo động” trên báo Vnexpress điện tử ngày 11/12/2012, tỉ lệ phá thai nhi gái đã gây nên tình trạng mất cân bằng giới tính ở Việt Nam: cứ 115 nam thì có 100 nữ và cứ đà này, đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,5 triệu đến 4,3 triệu phụ nữ. Một điều chắc chắn là sự thiếu hụt nguồn vốn nhân lực nữ sẽ gây nên những xáo trộn không nhỏ đối với cấu trúc gia đình và cấu trúc xã hội Việt Nam. Như vậy, trong lĩnh vực y tế, do đặc điểm của giới, người phụ nữ cũng gặp nhiều bất lợi hơn so với nam giới. Một trong những nguyên nhân của bất lợi này là do điển tín về giá trị thấp của người phụ nữ dẫn đến việc xã hội đã không có những nỗ lực cần thiết để đảm bảo và cải thiện sức khoẻ của người phụ nữ.
Trong lĩnh vực kinh tế, sự phân biệt giới thể hiện ở sự phân chia giới trong hoạt động kinh tế và khoảng cách thu nhập giữa nam giới và nữ giới. Mặc dù lao động nữ chiếm hơn 40% lực lượng lao động toàn cầu, 43% lực lượng lao động nông nghiệp (số liệu từ “Báo cáo phát triển thế giới 2012”) nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc phụ nữ có cơ hội làm việc hoặc cơ hội có thu nhập tương đương với nam giới. Điều này thể hiện ở chỗ, ở hầu hết các quốc gia, tỉ lệ phụ nữ tham gia vào các hoạt động năng suất thấp thường cao hơn nam giới. Ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, các công việc liên quan đến chăm sóc nhà cửa, con cái, đối nội, đối ngoại… của phụ nữ không được tính công 1. Trong thị trường việc làm, đa phần phụ nữ làm những công việc trong các lĩnh vực được cho là dành cho phái nữ và hầu hết các công việc thuộc lĩnh vực này được trả công không cao. Nguyên nhân của tình trạng phân biệt giới trong hoạt động kinh tế dẫn đến những khoảng cách thu nhập là do vấn đề sử dụng thời gian, do khả năng tiếp cận vốn và do đối xử của thị trường và các thể chế xã hội. Các nguyên nhân này đã góp phần làm hạn chế các cơ hội của phụ nữ, kéo theo sự hạn chế về quyền thụ hưởng của phụ nữ.
Về nguyên nhân thời gian sử dụng, nếu trong gia đình mà cả vợ và chồng đều đi làm thì người vợ vẫn phải gánh phần lớn công việc nhà, chăm sóc con cái. Trong hầu hết các gia đình, người chồng thường được gán cho trách nhiệm gánh vác kinh tế gia đình còn người vợ chịu trách nhiệm chính về việc chăm sóc gia đình. Sự phân chia này là một áp lực cho người chồng nhưng về phía người vợ, nó cũng tước đi cơ hội thu nhập của họ. Ngay cả trong những gia đình mà người vợ dành nhiều thời gian cho công việc xã hội và theo đó có thu nhập cao, người vợ vẫn phải chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc gia đình và làm việc nhà. Điều này càng thể hiện rõ hơn sau khi có con. Nếu con cái không đáp ứng được chuẩn mực của xã hội dành cho trẻ em thì trách nhiệm đó thuộc về người phụ nữ: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Ở khắp nơi trên thế giới, người phụ nữ dành nhiều thời gian mỗi ngày để chăm sóc gia đình hơn nam giới. Theo bài viết “Việc nhà, chìa khoá chất lượng sống của phụ nữ” trên chúng ta.com ngày 21/9/2013, mỗi giờ làm việc nhà sẽ làm giảm thu nhập của phụ nữ từ 0,1-0,4%. Phụ nữ Việt trung bình mỗi ngày dành 5-6 giờ làm việc và đối với những gia đình có con nhỏ, cha mẹ già, người thân tàn tật,… thì thời gian làm việc nhà còn tăng hơn nữa. Cũng theo bài báo, ở Việt Nam, kết quả của một số cuộc điều tra cho thấy có 70% khối lượng công việc nhà dồn lên vai phụ nữ. Hậu quả nhãn tiền là việc nhà đã đẩy xa khoảng cách thu nhập giữa họ và nam giới.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến sự phân chia lĩnh vực việc làm và khoảng cách thu nhập là sự khác biệt về nguồn lực con người, trong đó có khả năng tiếp cận nguồn vốn con người và vật chất. Mặc dù trình độ giáo dục của phụ nữ có tăng cao hơn nhưng vẫn còn tồn tại những chênh lệch về nguồn vốn con người giữa nam giới và nữ giới. Những chênh lệch này thể hiện ở sự chênh lệch giữa số năm đi học của nhóm nam giới và nữ giới trưởng thành. Nếu như tất cả trẻ em trai và gái đều có cơ hội đến trường thì như chúng tôi đã nói ở trên, càng lên bậc học cao, tỉ lệ nữ càng giảm dần. Ngoài ra, sự chênh lệch về nguồn vốn con người còn thể hiện qua sự khác biệt chuyên ngành của nam giới và nữ giới mà giới trẻ chọn theo học. Phần lớn các em gái chọn các lĩnh vực thuộc khối xã hội còn các em trai chọn các ngành học thuộc khối tự nhiên. Về sự khác biệt nguồn vốn vật chất, thực tế là do phụ nữ phải dành thời gian cho công việc gia đình nên cùng một khoản đầu tư chẳng hạn thì hiệu quả của phụ nữ sẽ thấp hơn nam giới.
Nguyên nhân thứ ba là sự phân biệt đối xử của thị trường và cơ chế quản lí. Với một số ngành nghề được cho là đặc trưng của phái mạnh, thường nữ giới không được tuyển dụng. Với một số ít phụ nữ được tuyển dụng, thường những người sử dụng lao động vẫn có phân biệt đối xử về năng suất lao động của người phụ nữ và về vị trí thích hợp của người phụ nữ trong công việc. Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp khi tuyển phụ nữ trẻ đã buộc họ phải viết cam kết không được sinh con trong 2-3 năm đầu. Điều này vừa phản ánh thực tế là khi có con, người phụ nữ sẽ gặp khó khăn trong công tác xã hội nhưng cũng vừa phản ánh bế tắc của cơ chế quản lí là đã không giải quyết được nghịch lí về thiên chức và “xã hội chức” của người phụ nữ.
Theo Nguyễn Thị Kim Hoa trong báo cáo “Nữ trí thức Việt Nam tham gia chính trị: thực trạng và thách thức” 2, mặc dù hiện nay đã có nhiều phụ nữ tham chính nhưng tỉ lệ phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực chính trị vẫn chiếm một tỉ lệ khiêm tốn so với nam giới. Theo Báo cáo của Liên minh Nghị viện thế giới, ở vào thời điểm cuối năm 2011, tỉ lệ phụ nữ tham chính tại Việt Nam đứng thứ 43 trên thế giới trong khi đó, trong hai năm 2009 và 2010, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 36, năm 2008 Việt Nam đứng ở vị trí thứ 33, năm 2007 thứ 21, năm 2006 thứ 25 và năm 2005 thứ 23. Nhìn vào các con số có thể thấy tỉ lệ phụ nữ tham chính ở Việt Nam giảm dần theo các năm. Nếu như: “Làm trai đứng ở trong trời đất, Phải có danh gì với núi sông” (Nguyễn Công Trứ) thì quan niệm truyền thống Việt Nam không khuyến khích phụ nữ coi trọng đường công danh. Trong các cơ quan công quyền, thường vị trí lãnh đạo cao nhất vẫn thuộc về nam giới. Khi bổ nhiệm, đối với nam giới, thường người ta chỉ căn cứ vào năng lực lãnh đạo, còn đối với nữ giới, ngoài yếu tố năng lực, thường người ta phải tính đến nhiều yếu tố. Có một điển tín tồn tại ở hầu hết các nước là khả năng lãnh đạo của nữ giới kém cỏi hơn nam giới và chính trị là công việc của nam giới. Điều này gây nên sự thiếu tin tưởng khi bầu nữ giới vào vị trí lãnh đạo. Từ chối trao quyền lãnh đạo cho phụ nữ cũng đồng nghĩa với việc tước đi cơ hội tác động một cách tích cực đến các vấn đề chính trị và xã hội của phụ nữ và hệ quả tất yếu là sự duy trì tình trạng thiên vị lợi ích của giới có nhiều ảnh hưởng hơn, ở đây chính là nam giới. Đây chính là vòng luẩn quẩn của sự phân biệt giới, là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng phân biệt giới tồn tại từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Những phân tích trên đây của chúng tôi về vấn đề phân biệt giới có thể khiến người đọc nghĩ rằng chỉ có nữ giới mới là nạn nhân của sự phân biệt giới do điển tín giới gây ra. Câu hỏi đặt ra ở đây là: nam giới có phải là nạn nhân của điển tín giới không và nếu có thì đâu là biểu hiện của nó?
Quả thật, thực tế xã hội Việt Nam và hầu khắp các nước trên thế giới cho thấy nữ giới vẫn là đối tượng chịu nhiều tác động bất lợi do sự phân biệt giới gây nên. Tuy nhiên, công bằng mà nói, đối với nam giới, điển tín giới cũng là vòng kim cô ngăn cản sự tự do của nam giới. Họ cũng buộc phải khuôn vào những chuẩn mực về nam giới do xã hội quy định. Một người đàn ông muốn để tóc dài hay muốn mặc quần áo có màu sặc sỡ cũng phải cân nhắc vì tóc dài và màu sắc sặc sỡ được xem như là đặc quyền của giới nữ. Một bé trai muốn chơi búp bê hay thích nấu ăn sẽ bị người lớn nhắc nhở đấy không phải là trò chơi hay công việc của con trai. Một người đàn ông lựa chọn nghề trang điểm sẽ bị cho là có vấn đề về giới tính. Trong gia đình, gánh nặng gánh vác kinh tế cũng trở thành áp lực với người chồng và do bị xem như là chỉ số đảm bảo vị thế quyền làm chủ gia đình cho nên nếu họ đạt được chỉ số thấp, họ sẽ mất vị thế làm chủ. Người vợ của họ có thể sẽ sỉ nhục, lăng mạ họ và do đó, có thể họ cũng sẽ là nạn nhân của bạo hành gia đình về mặt tinh thần. Sự mất cân bằng về giới tính nam/nữ cũng đồng nghĩa với việc nam giới sẽ gặp khó khăn trong việc lấy vợ. Ở Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới, do điển tín đàn ông chăm sóc con cái tồi hơn phụ nữ nên khi li hôn, thường phụ nữ được ưu tiên nuôi con. Thường người ta nghĩ rằng chỉ có nữ giới mới là nạn nhân của việc hiếp dâm – một hình thức thô bỉ, đáng lên án nhất của sự xâm phạm thể xác một con người thì trong một số trường hợp, nam giới cũng có thể là nạn nhân của hình thức này. Có một mô típ phổ biến trong truyện cổ tích Việt Nam và cổ tích trên thế giới là chàng trai bị chỉ định làm chồng cô gái được chàng cứu khi cô gái gặp nạn với lí do duy nhất là chàng đã ôm cô gái vào lòng, đã có sự tiếp xúc thân thể giữa hai bên. Biến thể hiện đại của cổ tích là có rất nhiều chàng trai bị ép cưới vì đã trót ngủ, một lần hoặc nhiều lần với cô gái. Khi có chiến tranh, chính nam giới là những người đầu tiên phải ra trận và vì vậy, nguy cơ chết trận với nam giới là rất lớn. Những dẫn chứng vừa nêu cho thấy, về một mặt nào đó, nam giới cũng là nạn nhân của điển tín giới.
_________
1. Ở Pháp Chính phủ trả lương cho những người phụ nữ ở nhà chăm sóc gia đình, con cái. Tuy lương không cao nhưng thể hiện một sự tiến bộ về nhận thức đối với công việc nội trợ của phụ nữ vì lương chính là tiền công, nghĩa là công việc nội trợ được tính công.
2. Kỉ yếu hội thảo Nữ trí thức Hà Nội trong sự nghiệp phát triển Thủ đô, Hà Nội, tháng 10/2013.
5. Kết luận
Điển tín giới với những tác động, ảnh hưởng tiêu cực của nó đã khiến cho việc nhận diện giới trở nên lệch lạc, méo mó và khiến cho tình trạng phân biệt giới trở thành rào cản cho những nỗ lực bình đẳng giới. Điều này dẫn đến nhu cầu là phải có những biện pháp để giảm thiểu những tác động tiêu cực của điển tín giới và mạnh hơn là thay đổi điển tín về giới. Việc thay đổi một điển tín, nhất là điển tín về giới không thể diễn ra một sớm một chiều mà đó là cả một hành trình lâu dài và đòi hỏi sự tham gia của các thể chế, thiết chế xã hội. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là không có sự tồn tại của cái gọi là bản chất giới, cũng chẳng có chương trình tự nhiên nào được lập trình sẵn để giam hãm con người vào những thân phận giới tiền định. Nói theo ý của L. Ferry trong Apprendre à vivre (Học cách sống), cái làm nên bản chất người, cái làm nên sự khác biệt giữa con người và con vật nằm ở chỗ con người có năng lực tự hoàn thiện, năng lực lựa chọn giữa các khả năng để hoàn thiện mình. Con người là tự do và có năng lực tự giải phóng khỏi logic của các khuynh hướng tự nhiên để có thể hoàn thiện đến vô cùng.
THƯ MỤC THAM KHẢO
Tiếng Việt
1. Báo cáo phát triển thế giới 2012, Bình đẳng giới và phát triển, Ngân hàng thế giới.
2. Le Bon, G., Tâm lí học đám đông (Nguyễn Xuân Khánh dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính), Hà Nội, NXB Tri thức, 2006.
3. Bourdieu, P., Sự thống trị của nam giới (Lê Hồng Sâm dịch), Hà Nội, NXB Tri thức, 2010.
4. Luật Bình đẳng giới, 2011.
5. Nguyễn Văn Khang, Ngôn ngữ học xã hội, Hà Nội, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012.
6. Kỉ yếu Hội thảo Khoa học, Nữ trí thức trong sự nghiệp phát triển thủ đô, Hà Nội tháng 10/2013.
7. Phan Ngọc, Bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, 2002.
Tiếng nước ngoài
8. Amossy, R., L’argumentation dans le discours, Paris: Nathan, 2000.
9. Autin, F., La théorie de l’identité sociale de Tajfel et Turner, www.psychologie-sociale.org, 2005.
10. Chemin, A., Mauvais genre, Le Mensuel, n° 22, 82-86, 2011.
11. Ferry, L., Apprendre à vivre, Paris: Plon, 2006.
12. Legal, J-B., Effets non conscients des stéréotypes sur les comportements et les performances, www.psychologie-sociale.org, 2005.
13. Morchain, F., Stéréotypes, Stéréotypisation et Valeurs, www.psychologie-sociale.org, 2005.
NGUYỄN THỊ HƯƠNG 1
___________
1. TS, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.