Tư liệu Hán Nôm ở huyện Tiên Sơn, Thuận Thành và thị xã Bắc Ninh, tỉnh Hà Bắc

Tác giả: LÂM GIANG

     Từ tháng 9 đến tháng 12 năm 1992, đoàn cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, gồm 10 đồng chí, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương (Sở Văn hóa Thông tin và Thể thao tỉnh Hà Bắc, ủy ban nhân dân huyện và Phòng Văn hóa Thông tin thể thao các huyện Tiên Sơn, Thuận Thành, Thị xã Bắc Ninh), đã tiến hành khảo sát, sưu tầm tư liệu Hán Nôm ở Tiên Sơn, Thuận Thành và thị xã Bắc Ninh thuộc tỉnh Hà Bắc. Có thể nói đây là những địa bàn quan trọng, lưu giữ nhiều tư liệu Hán Nôm; là vùng đất cổ có truyền thống thi thư, nhiều người đỗ đạt cao trong nhiều triều đại; là nơi có nhiều di tích lịch sử, công trình văn hóa cổ: lăng tẩm, thành quách, đền đài, chùa miếu… cũng vì vậy, đoàn đã gặt hái được những kết quả đáng kể:

– In rập được 1350 bia, 120 chuông, 12 khánh.

– Chép 1200 câu đối, 700 hoành phi, 10 bài thơ.

– Khảo sát, thống kê, lập bảng điều tra tư liệu Hán Nôm cho toàn bộ các thôn, phường, xã thuộc ba huyện thị trên.

– Mua và in chụp được trên 50 cuốn sách, gồm: gia phả, thần phả, sắc phong, và một số sách quí khác.

     Nếu đem số lượng đã đạt tới trên đây so với số lượng tư liệu Hán Nôm do Trường Viễn đông Bác cổ của người Pháp EFEO sưu tầm trước kia thì thấy:

+ Số bia do EFEO sưu tầm trong toàn tỉnh Bắc Ninh cũ là 2350 mặt, gấp đôi số lượng của ba huyện thị vừa qua sưu tầm được.

+ Riêng ba huyện thị trên, trước đây EFEO mới sưu tầm được 330 mặt bia, chỉ bằng 1/4 số bia lần này thu thập được.

+ Loại văn bản Hán Nôm khắc trên chuông, khánh, biển gỗ, cùng câu đối, hoành phi, thì người Pháp trước đây chưa hề để mắt tới.

     Trên đây mới chỉ là những con số đơn thuần, về chất lượng và nội dung cụ thể phải có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng.

     Sơ bộ khảo sát, thấy:

     1. Trên 1000 mặt bia, chuông, khánh vừa sưu tầm, chứa đựng những thông tin phong phú về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử

– Đó là những tấm bia, Hậu thần, Hậu Phật nói về việc xây dựng hoặc trùng tu các đền đài, đình chùa, miếu mạo, về sự đóng góp của thiện tín thập phương, về tục bầu hậu gửi giỗ khi xưa…

– Đó là những tấm bia khắc lệnh chỉ, sắc chỉ của các triều vua, ban cho thôn Tam á (Gia Đông – Thuận Thành) trông nom, cúng tế đền thờ Sĩ Nhiếp mà các nhà nho ta xưa tôn là “Nam Giao học tổ”.

– Đó là bia Văn miếu, văn chỉ của làng, xã, huyện, tỉnh, với nội dung đa dạng, như bia văn chỉ thôn Trang Liệt (Đồng Quang, Tiên Sơn) cho biết họ tên những vị đỗ tiến sĩ và truyền thống thi thư của làng. Hay bia văn chỉ xã Hoài Thượng (Thuận Thành) còn có thêm nội dung khen thưởng cho những ai học giỏi, đỗ cao. Hoặc bia Văn miếu tỉnh Bắc Ninh cũ, một quần thể bia lớn, có nhiều giá trị, gần đây nhiều người đã biết tới…

– Đó là bia nói về cuộc đời, sự nghiệp một số nhân vật lịch sử; như bia về Lê Tương Dực vì ăn chơi vô độ mà để mất ngôi vua, dựng ở Phù Chẩn (Tiên Sơn); bia về Lê Quýnh, một bầy tôi tòng vong theo Lê Chiêu Thống, giữ trọn búi tóc, hiện dựng ở Hoài Thượng (Thuận Thành); bia nói về cuộc đời và nhiệt tâm chữa bệnh cứu người của một lương y, được dòng họ và dân làng lập đền thờ ở Đồng Nguyên (Tiên Sơn)…

     Các bia, chuông, khánh nói trên phần nhiều khắc từ thời Lê Trung hưng đến Nguyễn. Bia có niên đại sớm hơn thu thập được rất ít.

     Lại cũng có nhiều bia thời Tây Sơn, không bị đục đi dòng niên đại (Quang Trung, Cảnh Thịnh, Bảo Hưng) như thường thấy ở Hà Nội và vùng xung quanh Hà Nội.

     2. Câu đối hoành phi

     Câu đối hoành phi: trên 2000 đôi câu đối và hoành phi đã sao chép được chưa phải là nhiều so với số lượng đã có. Vì các công trình văn hóa ở địa phương phần nhiều bị năm tháng và chiến tranh tàn phá. Những nơi còn giữ được tương đối đầy đủ, phải kể đến một số cụm di tích sau:

Tên di tíchHuyệnSố
câu đối
Số
hoành phi
Số
bài thơ
Ghi chú
Đình đền chùa Đồng KỵĐồng QuangTiên Sơn6219
Đền Trang Liệt-nt--nt-2510
Đền Nguyễn ThụĐồng Nguyên-nt-2125
Đình Mai ĐộngHương Mặc-nt-164
Đình ĐoàiMão ĐiềnThuận Thành173

     Những câu đối và hoành phi đó phần lớn khắc vào cuối đời Nguyễn (Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại). Câu đối hoành phi có niên đại sớm hơn hiện còn lại rất ít. Có thể kể:

Tên di tích

Huyện

Niên đại khác

Ghi chú

câu đối

hoành phi

– Đình Yên Lã

Tân Hồng

Tiên Sơn

 

1 Tự Đức 14 (1861)

Khắc “Mỹ tục khả phong”

– Đình Trang Liệt

Đồng Quang

-nt-

– 1 Tự Đức Canh Tuất (1850)

-nt-

-nt-

– Đền Trang Liệt

-nt-

-nt-

– 1 Tự Đức Canh Ngọ (1870)

– 1 Thiệu Trị Bính Ngọ (1946)

Hoành phi khắc “ư mục thanh miếu”

– Nhà thờ họ Ngô

Mão Điền

Thuận Thành

– 1 Tự Đức Bính Dần (1866)

– 1 Tự Đức Quý Mùi (1883)

Khắc “trạch thi thư”

– Đình Đoài

-nt-

-nt-

– 1 Tự Đức Quý Mùi (1883)

 

 

     Tại nhà thơ họ Lê Doãn (Hoài Thượng, Thuận Thành) có đôi câu đối khắc năm Tự Đức Tân Dậu (1861) nói về Lê Quýnh như sau:

Ky Lữ trọng cương thường, cố quốc tang thương dư nhất phát;

Hi triều long tiết nghĩa, tân từ đăng hỏa chiếu cô đan.

(Kẻ lữ thứ trọng đạo cương thường, vì nước cũ bể dâu, còn lại một mái tóc;

Chốn triều Thanh, tỏ lòng tiết nghĩa, đền mới xây, lửa đèn soi tỏ tấm lòng son).

     Câu đối, hoành phi do tác giả có tên tuổi soạn, hiện sưu tầm được rất ít, chỉ thấy ở nhà thờ cụ Đàm Thận Huy (Hương Mặc – Tiên Sơn) có đôi của Phạm Quí Thích (1759 – 1825) đề rằng:

Vũ trụ thử gian tồn hạo khí;

Giản biên chung cổ chiếu đan tâm.

(Khoảng vũ trụ ấy, khí hạo nhiên còn lưu lại;

Trong sử sách xưa, tấm lòng son vẫn sáng soi).

     Cũng loại hình khắc gỗ này, chúng tôi còn gặp những biển gỗ sơn son thiếp vàng cỡ lớn, trên khắc thơ luật Đường, như đình Mai Động (Hương Mặc, Tiên Sơn) có tới 5 bức. Đặc biệt ở đền thờ thánh Tam Giang thôn Phù Khê Đông (Phù Khê, Tiên Sơn) có biển gỗ khắc bài thơ Nam quốc Sơn hà, như sau:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư.

Như kim nghịch lỗ lai xâm phạm,

Hội kiến phong trần tận tảo trừ.

     Tuy bài thơ khắc vào năm Khải Định Kỷ Mùi (1919) nhưng cũng đã cung cấp cho chúng ta một dị bản nữa của bài thơ(1).

3. Thần phả, ngọc phả

     Thần phả, ngọc phả:mặc dù chưa có điều kiện đưa về Hà Nội lưu trữ (các địa phương đều có kế hoạch bảo vệ bản gốc chu đáo), vẫn có thể thấy ở đây không ít những tư liệu Hán Nôm quí giá: những thần phả, ngọc phả kể về thân thế sự nghiệp của các vị thần có công với làng. Đó là Chu Ma tam vị Đại Vương, ba vị tướng giỏi người phương Bắc giúp Lê diệt Mạc, có công bảo vệ dân làng, thờ ở đình Đông, đình Đoài (Mão Điền – Thuận Thành); là Đào Hiên, từng trợ sức cho Lý Thường Kiệt bình Chiêm diệt Tống, thờ ở Thuận An (Trạm Lộ, Thuận Thành); là các vị tướng của Hai Bà Trưng, có công dẹp Tô Định, đánh trả Mã Viện quyết liệt: Tam Ngọ Đại Vương thờ ở đình Bính Hạ (Đồng Quang, Tiên Sơn); Đặng Văn Đường thờ ở Ngọc Trì (Trạm Lộ, Thuận Thành); ba vị thiên thần có công âm phù bắt sống tướng tài của Tô Định, thờ ở Ngọ Xá (Hoài Thượng, Thuận Thành)…

     Ở những địa phương mất thần phả, thông qua các văn bia, văn tế, câu đối, sắc phong… còn để lại, chúng ta hiểu ở đó từng thờ các thánh thường thấy như: Thánh Tam Giang, Quí Minh, Cao Sơn, Lạc Thị… Đặc biệt có nơi thờ Mỵ Châu – Trọng Thủy (Đa Vạn, Đa Hội, xã Châu Khê, Tiên Sơn), thờ Phạm Đình Trọng, tướng đời Lê Trung hưng dẹp khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu (thôn Nội Trì, xã Tân Hồng, Tiên Sơn) v.v.

4. Sắc phong

     Sắc phong: Những nơi giữ gìn được đình, đền, thường còn giữ được sắc phong. Phần lớn các sắc phong ấy thuộc thời Lê Trung hưng – Tây Sơn – Nguyễn. Trong đó, tờ có niên đại sớm nhất là sắc phong cho Đàm Thận Huy (Hương Mặc, Tiên Sơn), đề ngày 8 tháng 12 năm Cảnh Trị 4 (1666)(2). Tờ có niên đại muộn nhất là Khải Định 9 (1929), như sắc đình Ngọ Xá (Hoài Thượng, Thuận Thành), sắc đền Ngọc Trì (Trạm Lộ, Thuận Thành); sắc đền Trang Liệt (Đồng Quang, Tiên Sơn); sắc đình Lam Cầu (Hoài Thượng, Thuận Thành) v.v.

5. Nhà thờ họ

     Nhà thờ họ:tư liệu sưu tầm được ở đây khá phong phú:

     – Nhà thờ họ Trần, thôn Ngọ Xá (Hoài Thượng, Thuận Thành) cho biết Trần Đăng Kiêm là một võ tướng có công dẹp cướp vùng biên giới Lạng Sơn. ở nhà thờ này hiện còn giữ được tấm nỉ đỏ, khổ lớn, thêu bài chế bằng chỉ vàng của Tự Đức, đề ngày 26 tháng 7 năm Tự Đức 18 (1865), và hai cấu đối, thêu chỉ xanh trên nỉ đỏ của bạn bè đồng ngũ, viếng khi cụ qua đời. Có câu:

Nhất phiến trung trinh minh nhật nguyệt,

Cửu tuần danh thọ quán hương lư.

(Tấm lòng trung trinh sáng tỏ như vầng nhật nguyệt,

Chín mươi tuổi thọ, tiếng tăm lan khắp xóm thôn).

     – Nhà thờ Lê Thế (Bình Cầu, xã Hoài Thượng, Thuận Thành) cho biết Lê Văn Hàn đỗ tam trường, bổ Tri huyện, tước Bút Nghĩa tử, đã xuất gia đinh, thống lĩnh quân lính, dẹp giặc ở Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Dương, lập nhiều công. Vào những năm Vĩnh Hựu 3 (1737), Cảnh Hưng 12 (1751), Cảnh Hưng 39 (1778) đã có sắc phong.

     – Nhà thờ Trạng Nguyên Nguyễn Giản Thanh (Hương Mặc, Tiên Sơn) hiện còn 4 đôi câu đối, 5 bức hoành phi, gợi nhớ tới vế đối “sắc bất ba đào dị nịch nhân” (Sắc đẹp không phải là sóng nước mà dễ dìm người) nổi tiếng, mà vế ra là của thầy học Đàm Thận Huy: “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách” (mưa không phải là xiềng khóa mà giữ được khách lại).

     – Nhà thờ họ Nguyễn ở thôn Phù Khê Thượng (Phù Khê, Tiên Sơn) có 4 bức hoành phi, 7 đôi câu đối, 2 tấm bia, cho biết đây là một chi thuộc dòng họ Nguyễn Trãi di chuyển về đây đã nhiều đời.

     – Nhà thờ họ cụ Nguyễn Quyền ở Thượng Trì (Hoài Thượng, Thuận Thành) còn 1 tấm bia, 1 đôi câu đối, 1 bức hoành phi, gợi nhớ cụ là một trong những người sáng lập ra Đông Kinh nghĩa thục.

     – Nhà thờ họ Ngô ở Mão Điền (Thuận Thành) còn 5 đôi câu đối, 2 bức hoành phi, 1 tấm bia, cho biết chi họ Ngô này thuộc dòng họ Ngô Thì (Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm) ở Tả Thanh Oai di chuyển về đây vào đầu đời Nguyễn.

     – Nhà thờ Nguyễn Tự Cường (Tam Sơn, Tiên Sơn) còn 2 tấm bia, 6 đôi câu đối, 4 bức hoành phi, gợi nhớ một bầy tôi tiết nghĩa, trung với nhà Lê, không đầu hàng nhà Mạc hồi đầu thế kỷ XVI.

     – Nhà thờ họ Đỗ thôn Thường Vũ (An Bình, Thuận Thành) còn 5 đôi câu đối, 4 bức hoành phi, 2 tấm bia, 1 gia phả, cho biết Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật, hội viên Hội Tao đàn thời Lê Thánh Tông, sau bị Lê Uy Mục trả thù vì trước đây không lập mình làm vua, đày đi Nam Ninh (Sử chép đi Quảng Nam). Cụ tức giận, ném hòn đá xuống sông thề: “Con cháu nhà này sau ai làm quan với nhà Lê thì cũng chịu chung số phận như hòn đá này”. Nhân cụ ngâm mấy câu thơ Quốc âm:

Giời xanh xanh, nước xanh xanh,

Ai đem người ngọc đến Nam Ninh?

Nào chàng Liễu Nghị đi đâu tá,

Sao chẳng đưa thư tới động tình.

     Đọc xong, cụ gieo mình xuống nước tự vẫn. Con cháu sau này kiêng lời thề ấy, bèn đổi họ Nguyễn thành họ Đỗ, để tiếp tục đi thi, làm quan cho nhà Lê v.v.

     Trên đây, mới chỉ điểm đôi nét về tư liệu Hán Nôm trong địa bàn ba huyện thị thuộc tỉnh Hà Bắc. Chắc chắn với số bia, chuông, khánh, câu đối, hoành phi, sách vở… sưu tầm được vừa qua, còn có thể tìm thấy nhiều thông tin quí giá, góp thêm vào kho tàng văn hóa cổ của chúng ta những viên ngọc quí.

     Chú thích

     1. Trần Nghĩa trong bài:Thử xác lập văn bản bài thơ Nam quốc sơn hà, Tạp chí Hán Nômsố 1, 1986, đã thống kê, so sánh toàn bộ những dị bản hiện thấy của bài thơ trong bài viết trên, thấy câu chữ có chỗ khác biệt, nên có thể coi đây là một dị bản nữa.

     2. Xin xem thêm Lâm Giang: “Đàm Thận Huy và tác phẩm Sĩ hoạn châm quy”, Tạp chí Hán Nôm số 1, 1989./.

Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam –
Viện Nghiên cứu Hán Nôm (http://www.hannom.org.vn)

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)