Tư liệu lưu trữ về ấn đền Trần Nam Định
Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ ĐINH KHẮC THUÂN – VIỆT ANH
(Viện Nghiên cứu Hán Nôm)
TÓM TẮT
Từ những tư liệu để lại, nhất là trong hồ sơ lưu trữ thuộc Văn khố Hải ngoại của người Pháp, vào năm 1898, có 4 tấu của đền Trần, được phát ra để phòng bệnh tật và cầu sức khỏe. Tới đầu thế kỷ XXI, tâm lý của công chúng chuyển sang cầu công danh… Tuy nhiên, việc phát hành bản in ấn triện trong quá khứ không hề rộng rãi, chủ yếu gắn với đất tổ nhà Trần và để cầu sự tốt lành.
Từ khóa: ấn đền Trần; khai ấn; phát ấn.
ABSTRACT
From archived documents, especially in the archives of Overseas Archives of France, in 1898, there are 4 official documents of Tran dynasty to announce to disease prevention and health needs. By the beginning of the XXI century, the psychology of the public switched position needs etc. However, the release of the stamps printed in the past was not widespread, mainly tied to ancestral land of Tran dynasty and to demand goodness.
Key words: Tran Temple stamp; Stamp opening ceremony; Stamp release.
x
x x
Trong những năm gần đây, lễ Khai ấn đền Trần ở tỉnh Nam Định mặc dầu đang tạo nên nhiều tranh luận trái ngược nhau, song vẫn được duy trì, thu hút nhiều người tham dự. Tài liệu liên quan lệ khai ấn này đến nay khá hiếm hoi, nhiều khi không có nguồn gốc xác đáng. Trong bối cảnh ấy, những dấu vết ít ỏi trong tư liệu lưu trữ liên quan tới những con ấn từng lưu hành tại di tích đền Trần vào thời Nguyễn (1802 – 1945) là một nguồn tư liệu khả dụng. Bài viết nhấn mạnh việc công bố tài liệu liên quan ấn đền Trần (Nam Định) hiện nằm trong Lưu trữ Hải ngoại, Pháp quốc, góp phần khẳng định diện mạo sinh động và ý nghĩa đa dạng của hoạt động văn hóa dân gian này.
1. Tư liệu về việc phát ấn đền Trần Nam Định
Theo lệ xưa, hằng năm, Tức Mặc đều tổ chức tế lễ các vị vua nhà Trần. Tức Mặc là cố trạch nhà Trần, vua Trần hằng năm trở về cúng lễ, bái yết tiên tổ. Đến thế kỷ XIX, hành cung chỉ còn là ngôi miếu. Bức đại tự tại hậu cung hiện còn được đề là Trần miếu – 陳(miếu nhà Trần) thể hiện điều này. Tài liệu về tục lệ ở Tức Mặc cho biết, đến rằm tháng Giêng thì chỉ có hội vật và đua thuyền, mà không hề có hoạt động phát ấn, duy uy linh Đức Thánh Trần giúp trừ tà ma, trị bệnh thì thấy được chép trong Lịch triều hiến chương loại chí.
Tư liệu địa phương chí, cũng như tư liệu trong quốc sử, kể cả trong Hội điển, được biên soạn vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX)1 đều chưa tìm thấy chi tiết nào đề cập đến hoạt động phát ấn ở bất cứ di tích đền Trần nào trong lịch sử.
Từ năm 1858, nước ta ngày một chịu ảnh hưởng rõ nét từ sức mạnh nhiều mặt của người Pháp. Từ đó sang tới bốn thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, theo đà áp đặt quyền lực chính trị – kinh tế, người Pháp ngày càng rộng chân thực hiện các khảo cứu văn hóa bản địa Việt Nam. Những ấn phẩm du khảo văn hóa của họ đã trở thành một bộ phận lưu trữ dấu ấn văn hóa đa diện của con người Việt Nam thời ấy. Liên quan tới các di tích nhà Trần trên lãnh thổ Việt Nam, cũng chỉ tìm thấy những ghi chép về “Đức Thánh Trần Hưng Đạo”. Có thể kể tới:
Les Annamites: Société, Coutumes, Religions2 [Dân An Nam: xã hội, tập quán, tôn giáo] của Colonel E. Diguet cho biết, một ngôi chùa ở Cao Bằng được dựng mới hoàn toàn vào năm 1905 dành để tôn thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo.
Trong Magie & Religion annamites3 [Ma lực và tôn giáo An Nam] của Paul Giran – một quan chức hành chính ở Đông Dương, được biết thêm qua nhận thức của người Pháp về tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần như là một chỗ dựa tinh thần vững chãi khi người dân bất an, một sức mạnh siêu nhiên trợ giúp khi người dân gặp hạn hán, dịch bệnh.
Indochine du Nord: Tonkin, Annam, Laos, Yunnam, Kouang-Tcheou Wan4 [Xứ Bắc Đông Dương: Bắc Bộ, An Nam, Lào, Vân Nam, Quảng Châu loan] của Madroll chỉ dẫn về đền Kiếp Bạc, còn có tên Hộ Quốc, được nhấn mạnh là một trong những di tích tôn giáo nổi tiếng nhất nước Nam, nơi thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Tình hình tư liệu chỉ cho phép người đọc đời sau nhận thấy rõ nét vị thế được tôn kính và sùng tín của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn trong tín ngưỡng của người dân Việt (cụ thể là người dân vùng Bắc Bộ tính cho tới nửa đầu thế kỷ XX).
Nền hành chính thuộc Pháp ở Đông Dương trong lúc chờ đợi những phán xét nghiêm khắc của lịch sử, đã thể hiện một số công dụng hữu ích. Đáng kể trong đó là hệ thống tư liệu lưu trữ có khả năng tái hiện diễn biến của xã hội Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XIX tới nửa đầu thế kỷ XX.
Liên quan tới một (hoặc một số) đơn vị ấn triện trong di tích Trần miếu, cho đến nay chỉ tìm thấy một hồ sơ lưu trữ thuộc Văn khố Hải ngoại (còn gọi là Văn khố Bộ Thuộc địa), hiện tọa lạc tại Aix-enProvence (Pháp quốc)5 . Tại đây, trong văn khố Đông Dương, phông cũ của Tòa Thống sứ Bắc Kỳ có một hồ sơ lưu trữ diện mạo văn tự trên ấn đền Trần ở Nam Định. Theo hồ sơ này, thì vào năm 1898, chí ít có bốn đơn vị ấn của đền Trần (Mỹ Lộc, Nam Định) được lưu hành bản in rập trong dân:
Ấn 1: (Bản tự chi từ phụng sự Trần triều hiển thánh sắc tứ tín ấn chi bảo)
Ấn 2: (Trần triều đức phát đương thời tín ấn)
Ấn 3: (Ngũ hổ hiệu ký)
Ấn 4: (Phật Pháp tăng bảo)
Trong hồ sơ này, cùng với bản in màu đỏ trên nền giấy vàng của 04 dấu ấn đền Trần (Nam Định), bản Hán văn do người đương thời (năm 1898) minh họa lại các văn tự Triện thư trong ấn, là báo cáo bằng Pháp văn của Police indigène [Cảnh sát bản xứ], thuộc Tòa Công sứ Hà Nội, trực thuộc Thống sứ Bắc Kỳ:
(Bản dịch)6 :
Hà Nội ngày 27 tháng Tư năm 1898.
Hôm qua, có hai người bản địa đến từ Nam Định, có lẽ là các thầy cúng, dừng chân ở Hà Nội, tại phố Sinh Từ, đã phát cho một số dân An Nam ở phố này một mảnh giấy vàng in mấy dấu ấn mà sau đây là một bản kèm theo. Họ nói rằng mảnh giấy này là của một ngôi chùa (đền) ở Mỹ Lộc thuộc tỉnh Nam Định, nó được phát ra để dán trong nhà ở nhằm phòng ngừa bệnh tật quanh năm cũng như trong những năm sau này. Hai người bản địa này sau đó đi về phía làng Tân Ấp.
Ngày 28 cùng tháng diễn ra một cuộc thi chim trong chùa “Phương Bai”7 (phố Hàng Gạch). Hà Nội ngày 28 tháng Tư năm 1898.
Bản dịch ấn triện:
04 ấn khác nhau:
1/Ngôi đền này thờ Đức Thánh Trần. Văn bằng này được cấp ấn rất cao quý.
2/Ấn về một nhân vật của triều đại nhà Trần, người nổi danh tài đức đương thời.
3/Chữ ký với dấu ấn “Ngũ hổ”.
4/Dấu ấn cao quý về tăng chúng, về luật pháp và về Phật giáo.
Vị thánh này là một nhân vật vĩ đại của triều đại các vua Trần, tên gọi Trần Quốc Tuấn, chú của vua Trần Nhân Tông (vị vua thứ ba của triều Trần, trị vì từ năm 1279 tới 1293). Ông nổi tiếng với công tích đánh bại một trong những viên đại tướng quân Nguyên Mông.
Ông được tôn thờ chủ yếu ở Chí Linh (Hải Dương, vùng Đông Triều), ở Mỹ Lộc (Nam Định)…, nói chung trong (hầu hết) các tỉnh Bắc Kỳ.
Ông được thờ phụng bởi các bậc cha mẹ mong muốn dạy dỗ con cái thật tốt.
Sinh thời, ông đã được tặng danh vị Hưng Đạo Đại vương (với ý nghĩa) là vị Đại vương (dẫn dắt) đạo hưng phát.
“Ngũ hổ” chỉ 5 vị đại tướng cầm quân dưới quyền chỉ huy của Trần Quốc Tuấn.
2. Đền Trần và tín ngưỡng Đức Thánh Trần: tiếng nói từ tư liệu
Tư liệu ít ỏi cho thấy, ít nhất vào thời điểm năm 1898, riêng một di tích văn hóa thuộc huyện Mỹ Lộc (Nam Định) có sự lưu hành của bốn 04 mặt ấn liên quan tới đức tin tôn kính công tích của triều đại nhà Trần (thế kỷ XIII). Theo ghi nhận hành chính đương thời, ý nghĩa tâm linh hàng đầu của các mặt ấn ấy dành cho việc phòng ngừa bệnh tật. Một điều khác biệt so với đương đại: trong khi nhiều năm gần đây, dân chúng đương đại tấp nập đổ về Nam Định tham dự và cầu được sở hữu một bản in của ấn đền Trần, thì hơn một thế kỷ trước, người nhà đền của Trần miếu từ Nam Định lặn lội lên Hà Nội để phát tận tay người dân những bản in dấu ấn ấy. Tư liệu hiện tại chưa thể phản ảnh toàn diện mong muốn của người đương đại trên hành trình xin ấn đền Trần. Song, với quan điểm sức khỏe là hàng đầu thì nên công nhận tính thiết thực của người dân Việt hồi cuối thế kỷ XIX trong tín ngưỡng ấn đền Trần.
Hơn nữa, năm 1898 không chỉ là một năm riêng lẻ, ấy là một thời điểm trong thực tế triền miên thiên tai dịch họa ở Bắc Kỳ. Người dân cuối thế kỷ XIX cầu khẩn sự che chở khỏi dịch bệnh cũng không khác tâm lý của quần chúng đầu thế kỷ XXIcầu công danh thành đạt để đảm bảo cuộc sống giảm thiểu rủi ro.
Tín ngưỡng chuyển đổi theo nhu cầu đời sống là hiện tượng có thực, không thể cứng nhắc phủ nhận. Tuy nhiên, đây là xu hướng và nhu cầu tín ngưỡng dân gian, do đó, không nên “nhà nước hóa” nó qua sự xuất hiện của quan chức ở đây. Bởi lẽ, sự hiện diện của họ trong những hoạt động tín ngưỡng nhạy cảm như vậy sẽ dễ bị hiểu như là một sự định hướng cho quần chúng. Biết đâu chính sự hiện diện đó lại là một trong những nguyên nhân gây nên sự cuồng tín của đám đông. Thực tế, ấn tín đền Trần Nam Định theo hồ sơ lưu trữ, vốn cũng không khác gì ấn tín đền Kiếp Bạc xưa – nay.
Đền Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương) – nơi Trần Quốc Tuấn tạ thế – là một di tích đền Trần lâu đời. Được thư tịch ghi nhận thời điểm kiến tạo từ thế kỷ XIV, đền Trần ở Kiếp Bạc trải qua hằng thế kỷ gìn giữ lệ khai ấn. Đến thời điểm hiện tại, tư liệu điền dã cho biết, có 04 chiếc ấn gắn liền với địa điểm Trần miếu này, bao gồm: Trần triều Hưng Đạo Đại vương chi ấn, Quốc pháp Đại vương, Vạn dược linh phù, Phi thiên thần kiếm linh phù. Hoạt động văn hóa liên quan ấn đền Trần – Kiếp Bạc vẫn tuần tự diễn ra tại đây, vào tháng Tám hằng năm – dịp đại kỵ của nhân vật lịch sử Trần Quốc Tuấn. Ý nghĩa bảo trợ lương dân là nội dung chủ đạo trong những văn tự hiện diện trên các ấn tín này.
Rõ ràng, đền Trần Nam Định trong chiều dài lịch sử, văn hóa vùng Bắc Bộ, Việt Nam, nhìn từ chứng cứ tư liệu, chưa từng bùng phát hiện tượng phát hành bản in ấn triện trên phạm vi quá rộng, với ý nghĩa tâm linh bồng bột, lệch lạc như trong những năm đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI. Thêm nữa, các ấn triện đền Trần trong chiều dài lịch sử không chỉ có một. Di tích đền Trần qua nhiều thế kỷ đã tăng về số lượng, đa dạng về địa bàn, có khả năng ấn triện được thờ trong các đền Trần là không hoàn toàn giống nhau. Các thế hệ vua Trần dù có hành hương về chốn tổ dâng lễ, bản chất chỉ là truy ân tiền nhân riêng một họ tộc hơn là sự điển chế hóa ở cấp quốc gia một lễ hội địa phương. Tôn trọng sự khác nhau trong từng di tích dù có chung đối tượng tôn thờ là một cách lưu trữ tính đặc sắc, đa dạng của văn hóa.
Mặt khác, không gian văn hóa của mỗi di tích cần được thấu hiểu và bảo lưu càng nhiều càng tốt ý nghĩa ban đầu của nó, với ngụ ý là đất tổ, cây gốc, để phái sinh những biến thể khỏe mạnh, tốt lành./.
Chú thích:
1- Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ chính biên (8 sách), Viện Sử học dịch, Huế, Nxb. Thuận Hóa, 2005.
2- Paris: Augustin Challamel, 1906.
3- Paris: Augustin Challamel, 1912.
4- Paris: Libraire Hachette, in lần hai: 1925; Paris: Société d’Edtions Géographiques, in lần ba: 1932.
5- Việc tìm kiếm tư liệu lưu trữ tại Việt Nam có liên quan tới di tích đền Trần và hoạt động văn hóa ấn đền Trần, tính đến thời điểm này không cho thấy kết quả khả quan nào.
6- V.A. thực hiện.
7- Có lẽ chỉ chùa (hoặc đình) thuộc thôn Hương Bài, một di tích văn hóa tọa lạc trên phố Ngõ Gạch (Hà Nội hiện nay).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Nam Chân thập lục vịnh, A.3099, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
2- Nam Định tỉnh địa dư chí, A.609, Viện Nghiên cứu Hán Nôm,.
3- Trần miếu bi ký, N. 13516, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
4- Nam Định tỉnh, Mỹ Lộc huyện, Đông Mại tổng, Tức Mặc xã tục lệ, AEa11/16, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
5- Văn khố Đô đốc và Toàn quyền Đông Dương – GGI.
6- Văn khố Thống sứ Bắc kỳ – RST.
7- Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, Bản dịch (1998), tập II, H, Nxb. Khoa học xã hội.
8- Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí, Bản dịch, T.1, (1992), H, Nxb. Khoa học xã hội.
9- Viện Sử học dịch (2005), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ chính biên (8 sách), Huế, Nxb. Thuận Hóa.
10- Tư liệu báo chí đương đại về hoạt động văn hóa truyền thống Việt Nam.
Ghi chú: Hình ảnh minh họa bài viết: Kính mời Qúy độc giả xem ở tệp PDF.
Nguồn: Di sản văn hóa phi vật thể, số 1 (58) – 2017
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Tư liệu lưu trữ về ấn đền Trần Nam Định (Tác giả: PGS.TS. Đinh Khắc Thuân – Việt Anh) |