Tục đi tu báo hiếu của người Khmer ở Sóc Trăng: giá trị và biến đổi
THE TRADITION OF CONVENT FOR FILIAL PIETY
OF KHMER PEOPLE IN SOC TRANG: VALUES AND CHANGES
Tác giả bài viết: HUỲNH HIẾU TRUNG
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM)
TÓM TẮT
Tập quán đi tu báo hiếu của người Khmer ở Sóc Trăng là một truyền thống có từ lâu đời, thể hiện những giá trị văn hóa, giáo dục trong cộng đồng dân tộc Khmer. Tuy nhiên theo sự biến đổi của hoàn cảnh xã hội, việc đi tu không còn được coi trọng như trước đây. Bài viết mô tả tập tục này và phân tích một số nguyên nhân của sự suy giảm số lượng sư sãi: việc giáo dục trong nhà chùa đối với nhu cầu về tri thức của thanh niên Khmer; tác động của nền kinh tế thị trường và sự phát triển của công nghệ thông tin; diện tích đất canh tác nông nghiệp thu hẹp khiến thanh niên Khmer phải dấn thân vào đời sớm; hoạt động cải đạo của tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer.
Từ khóa: đi tu báo hiếu, người Khmer ở Sóc Trăng, giá trị, biến đổi.
ABSTRACT
The tradition of convent for filial piety of Khmer people in Soc Trang is a long-standing tradition, demonstrating cultural values and education among the Khmer ethnic community. However, according to the changing circumstances of the society, the practice is no longer considered as important as before. This paper describes the practice and analyzes some of the causes for the decline in the number of monks: education in the temple for the intellectual needs of the Khmer youth; The impact of the market economy and the development of information technology; The early involvement of the Khmer youth due to shrinking agricultural land; and conversion activities of the Khmer Theravada Buddhist followers.
Keywords: convent for filial piety, Khmer people in Soc Trang, values, changes.
x
x x
1. Sơ lược về tục đi tu báo hiếu của người Khmer
Phật giáo Nam tông (Theravada) được các nhà truyền giáo đi theo đường biển truyền vào các nước Srilanka, Myanma, Thailand, Cambodia. Từ thế kỷ XII, những người nông dân Khmer nghèo khổ bị các thế lực phong kiến của đế chế Angkor đàn áp, bóc lột nặng nề, họ phải trốn và tìm đến vùng đất Nam Bộ để sinh sống. Đến thế kỷ XV, để tránh sự truy bức của các lực lượng phong kiến Thailand, nhiều người Khmer, trong đó có nhiều nhà sư cũng đã tìm đến vùng đất Nam Bộ, họ vận động người Khmer xây chùa và truyền bá giáo lý Phật giáo. Thông qua những quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan, Phật giáo Nam tông đã trở thành nét đặc trưng văn hóa tôn giáo cơ bản của cộng đồng người Khmer ở Nam Bộ nói chung. Vai trò của các sư sãi rất được xã hội người Khmer coi trọng và việc khuyến khích các thanh niên vào chùa tu học trở thành một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Khmer. Đây vừa là một phong tục, vừa gần như một nghĩa vụ bắt buộc đối với nam thanh niên dân tộc này.
Theo phong tục, tập quán của người Khmer, khi người con trai đến tuổi mười hai, mười ba phải vào chùa tu học một thời gian. Hòa thượng Tăng Nô – trụ trì chùa Khleang cho biết: “Ý nghĩa quan trọng nhất của việc đi tu là để báo hiếu cho công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà cha mẹ”. Nguồn gốc tục đi tu báo hiếu xuất phát từ câu chuyện cảm động về hai mẹ con người dân tộc Khmer. “Cha mất sớm nên người mẹ phải thay người cha làm nghề săn bắt để nuôi con. Là đứa trẻ nhân từ, thấy mẹ sát sinh, nên Socpenh Kokma trốn mẹ đi tu để hóa giải tội lỗi. Khi người mẹ mất, oan hồn của bà đã không bị quỷ dữ hành hạ là nhờ đức độ tu hành của con”1. Từ đó, con trai dân tộc Khmer từ mười hai tuổi đều đến chùa tu một thời gian để tích phước đức và báo hiếu cho cha mẹ. Bên cạnh việc báo hiếu công ơn ông bà cha mẹ thì tục đi tu của người Khmer còn mang ý nghĩa để rèn luyện đạo đức, trao dồi tri thức và nhân cách trước khi vào đời cho những thanh niên. Các vị Achar tại điểm chùa cũng đã tổ chức dạy chữ Khmer cho sư sãi và con em đồng bào dân tộc Khmer tại phum sóc nhất là vào dịp hè. Nhà chùa chính nơi truyền dạy tiếng Pali. Người Khmer cho rằng tiếng Pali là một ngôn ngữ thiêng liêng, ngôn ngữ mà Đức Phật dùng để thuyết pháp nên chỉ được dùng trong tụng niệm và là phương tiện chuyển tải những nội dung cao cả trong kinh điển Phật giáo. Việc học ngôn ngữ này chính là để nâng cao vốn ngôn ngữ cho các tăng sinh, góp phần giúp cho việc tiếp cận kinh điển, giáo lý nhà Phật được viết bằng các ngôn ngữ này trở nên dễ dàng hơn. Vào chùa tu, người thanh niên Khmer còn được học thêm về những kiến thức văn hóa của dân tộc mình vì suy cho cùng, ngôi chùa chính là nơi lưu giữ vốn tinh hoa văn hóa của người Khmer. Bên cạnh đó, nhưng kiến thức xã hội, những tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng được truyền dạy ở chùa để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, góp phần xây dựng sự nghiệp giáo dục vùng đồng bào dân tộc. Người con trai Khmer nào đã trải qua thời gian tu hành ở chùa sau khi hoàn tục được cộng đồng người Khmer nhìn nhận và đánh giá cao, sẽ dễ lập gia đình và dễ được tiếp nhận làm các công việc xã hội. Cũng nhờ có thờ gian tu học tại chùa, nhiều người sau khi hoàn tục, tùy vào trình độ khả năng thu tập được mà đã trở thành Mha, Achar, thầy giáo dạy học hay những nghệ nhân dân gian về vẽ tranh, đắp tượng,…
Ngày xưa, các thanh niên này cần phải tu tối thiểu ở chùa là một tháng, cũng có thể ở chùa tu lâu dài hoặc suốt đời, tùy theo nhân duyên, căn cơ và ý nguyện của từng người. Sau thời gian một tháng họ có thể xin ra khỏi chùa (xuất tu) trở lại cuộc sống đời thường bất cứ lúc nào, họ có thể lập gia đình, làm ăn, tham gia các công việc xã hội, khi muốn họ lại có thể xin vào chùa tu một thời gian rồi sau đó lại có thể trở về với gia đình, việc đi tu lúc này chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Người Khmer có câu: “Ri-neak-min-ban-buos-tuk-chea-tôs-knong-samay” (tức là những người không được tu trong chùa là những người có nhiều tội lỗi trong đời sống). Mặc dù quan điểm này tuy có hơi cực đoan nhưng sức mạnh của câu nói đã góp phần định hướng cho cuộc sống của người con trai Khmer.
Khi những người con trai bước vào chùa để để tu hành thì họ cũng phải thực hiện đầy đủ bổn phận, trách nhiệm của người tu sĩ, họ vẫn phải giữ “mười điều răn của Đức Phật”, đó là: không sát sinh; không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không ăn chiều, không uống rượu, không ngồi chỗ cao đẹp, không giữ tiền bạc, không nghe đàn và xem hát, không dùng mùi thơm và đồ trang sức.
Liên hệ với nền giáo dục hiện đại, trong mười điều răn ấy bao hàm hai nội dung giáo dục chính là:
Nội dung thứ nhất là giáo dục rèn luyện đạo đức, lòng nhân ái, tính trung thực, tôn trọng con người thể hiện qua các giới cấm: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
Nội dung thứ hai là rèn luyện tính kham nhẫn của con người có khả năng chịu đựng hoàn cảnh, chịu đựng thách thức giữa hai mặt cuộc sống. Thể hiện qua: không uống rượu, không ăn ngoài bữa, không xem múa hát, không dùng đồ trang sức, không ngồi ghế cao và giường êm, không đùng đến vàng bạc.
Người con trai Khmer đi tu theo Phật giáo Nam tông trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, việc đi tu nhắc lại truyền thống của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trước kia, trước khi từ bỏ danh vọng, địa vị là thái tử đi tìm con đường giải thoát, Ngài đã xin phép vua cha Tịnh Phạn cho xuất gia nhưng không được sự đồng ý của vua cha. Sau đó, Người đã ra đi trong đêm cùng với Xa Nặc (Channa) trước sự bất lực vua cha. Sau khi Đức Phật thành đạo, Đức Phật bắt đầu thu nhận các đệ tử gia nhập Tăng đoàn của Ngài dựa trên quyết tâm của người đệ tử ấy với điều kiện người ấy có thể tận tâm sống cuộc sống của một tỳ kheo để theo đuổi con đường giải thoát mà Đức Phật đã chứng ngộ. Điều kiện này vẫn được duy trì cho đến khi vua cha của Đức Phật yêu cầu sau này không một đứa trẻ nào được chấp nhận vào Tăng đoàn của Đức Phật mà trước đó không có sự chấp thuận của cha mẹ chúng, không được tự ý xuất gia nhằm tránh cho cha mẹ chúng phiền lòng. Đức Phật đã chấp thuận yêu cầu đó của vua cha nghiêm cấm việc tiếp nhận vào Tăng đoàn những đứa trẻ chưa có sự ưng thuận của cha mẹ chúng. Thấm nhuần tinh thần Phật giáo Nam tông, những tu sĩ quan niệm rằng phải tự mình hoằng pháp, trì giới chứ không trông chờ vào sức mạnh của tha lực (lực bên ngoài tác động vào) từ các thế lực siêu nhiên nào để trở thành Phật tử sống theo lý tưởng đạo đức của nhà Phật.
Như vậy, xuất gia đi tu với ý nghĩa là rời bỏ thế tục để tìm đến sự giải thoát, điều đó không có nghĩa là lìa bỏ thế gian, cách biệt hoàn toàn với xã hội bên ngoài. Các nhà sư vẫn sống trong cuộc đời với sự an nhiên và đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Ngoài công việc của một nhà tu hành, các tu sĩ còn tham gia lao động sản xuất và dạy học cho trẻ em trong phum sóc, xã ấp. Mỗi khi có đám lễ, sư sãi không can dự vào mà chỉ có nhiệm vụ đọc kinh Phật chúc phước cho mọi người.
2. Những biến đổi của tục đi tu báo hiếu của người Khmer ở Sóc Trăng hiện nay
Từ sau năm 1986, nền kinh tế nước ta được mở cửa, cơ cấu kinh tế có những bước chuyển dịch, việc giao lưu kinh tế, văn hóa, nghề nghiệp của người Khmer ở Sóc Trăng được mở rộng và có nhiều thay đổi. Tục đi tu báo hiếu của người Khmer cũng không nằm ngoài sự tác động ấy và cũng có những biến chuyển theo thời cuộc. Theo thống kê của Ban Tôn giáo – Sở nội vụ tỉnh Sóc Trăng thì số lượng sư sãi của tỉnh theo các năm là:
Năm | Số lượng sư sãi Khmer |
1994 | 2.095 |
2004 | 1.789 |
2009 | 1.828 |
2015 | 1.758 |
Ở đây chúng ta thấy có sự thay đổi số lượng sư sãi qua các năm theo hướng suy giảm. Nhiều nguyên nhân đã được nhắc đến tuy nhiên có một số nguyên nhân cơ bản như sau:
Nguyên nhân chủ quan:
Trước hết, việc giáo dục trong nhà chùa đã không còn đáp ứng được nhu cầu về tri thức của thanh niên Khmer, không tạo ra được sự bền vững lâu dài sau này, đặc biệt trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường. Nhiều trường dạy nghề được mở ra góp phần làm tăng khả năng lựa chọn cho các thanh niên Khmer, việc tu học ở chùa không còn là lựa chọn duy nhất như những năm trước đây. Cũng như hầu hết thanh niên các dân tộc khác, việc tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật, những tư tưởng mới, những công nghệ tiên tiến sẽ góp phần mở mang kiến thức, tạo cơ hội cho việc phát triển, thăng tiến trong sự nghiệp của bản thân. Người thanh niên Khmer ngày càng trở nên thực dụng hóa, xem trọng sự tiến bộ về mặt vật chất hơn về mặt tâm linh, tinh thần, không còn mặn mà với việc tu hành ở chùa nữa.
Ngày nay thanh niên Khmer quan niệm việc báo hiếu cho cha mẹ có nhiều cách khác thay vì vào chùa tu. Tục đi tu giờ đây chỉ còn mang tính hình thức, nhiều thanh niên chỉ vào chùa tu trong vòng một tháng và thậm chí chỉ vài ngày. Sau thời gian tu ngắn ngủi đó, họ hoàn tục nên xảy ra hiện tượng trẻ hóa trong đội ngũ các tu sĩ trong khi các tu sĩ cao tuổi dần mất đi. Sự chểnh mảng trong việc tu tập của nhiều vị sư khiến cho họ không còn trở thành những tấm gương sáng về đạo đức cho tín đồ noi theo. Nhiều người tuổi đời còn khá trẻ nhưng đã làm trụ trì một ngôi chùa khiến cho đồng bào hoài nghi về năng lực và uy tín của những vị trụ trì ấy, không còn tha thiết gửi con em vào chùa tu học nữa. Nhiều ngôi chùa ở tỉnh Sóc Trăng khuyết đi chức danh trụ trì, hoặc chùa chỉ có một vài vị sư trẻ mới vào tu hay có trụ trì nhưng không có tu sĩ hoặc rất ít tu sĩ (chùa Khleang ở thành phố Sóc Trăng có khuôn viên rộng rãi, được xây dựng lâu đời nhưng chỉ có tám vị sư, trong số đó có ba người đang đi học). Nhiều chùa có sư trụ trì khá lớn tuổi nên khó quản lý được sư sãi trong chùa dẫn đến phạm giới luật.
Nguyên nhân khách quan:
Dưới tác động của nền kinh tế thị trường và sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đã khiến cho nhiều thanh niên Khmer chọn phong cách sống hiện đại, tìm những cơ hội để phát triển bản thân khác thay vì vào chùa tu học. Người thanh niên Khmer phải trang bị nhiều vốn kiến thức xã hội, công cụ và kỹ năng làm việc để có thể tồn tại được trong thời đại ngày nay, nếu vào chùa tu thì họ sẽ bị kéo chậm lại quá trình hội nhập và khiến cơ hội phát triển của họ kém hơn các dân tộc khác như Kinh và Hoa.
Hơn nữa, do dân số tăng nhanh kết hợp với quá trình đô thị hóa nên diện tích đất canh tác nông nghiệp thu hẹp trong khi đó nghề truyền thống và thu nhập chính của người Khmer Sóc Trăng chủ yếu từ nông nghiệp nên nhiều thanh niên Khmer đã không vào chùa tu học và họ đã dấn thân vào đời khá sớm nhằm đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình mình. Như Hòa Thượng Dương Nhơn nói: “Nhiều thanh niên ngày nay xem việc đi tu chỉ như một thủ tục, nhiều thanh niên thậm chí không đi tu mà ra xã hội mưu sinh sớm”2.
Một yếu tố khác nữa đó chính là hoạt động cải đạo của tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer, làm mất đi tính kế thừa Phật giáo trong gia đình Khmer. Hoạt động này tại Việt Nam diễn ra một cách tổng lực, đều khắp ở mọi địa phương, mọi dân tộc, mọi thành phần. Tuy nhiên, việc cải đạo đối với Phật tử người Khmer là việc rất đặc biệt, nhất là khi nó diễn ra tỉnh Sóc Trăng – địa bàn cư trú lâu đời của dân tộc này. Theo hòa thượng Dương Nhơn: “Phật giáo chẳng những là một tôn giáo, mà đối với người tín đồ Khmer theo Phật giáo Nam tông còn là truyền thống, là phong tục, tập quán. Thế nên, việc nhiều người Khmer cải đạo sang các tôn giáo khác điển hình là Thiên Chúa giáo và Tin Lành cũng góp phần làm suy giảm số lượng sư sãi vào chùa tu”.
3. Kết luận
Tập quán đi tu báo hiếu của người Khmer ở Sóc Trăng là một truyền thống có từ lâu đời, thể hiện những giá trị văn hóa, giáo dục trong cộng đồng dân tộc Khmer. Tuy nhiên theo sự biến đổi của hoàn cảnh xã hội, việc đi tu không còn được coi trọng như trước đây. Có nhiều yêu tố tác động bao gồm cả những yếu tố chủ quan lẫn yếu tố khách quan. Đất nước ta đang trên đà phát triển và hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Đời sống sinh hoạt của Phật giáo Nam tông Khmer cũng nằm bối cảnh theo xu hướng toàn cầu hóa mà vận hành. Chưa kể đến thuộc tính của Phật giáo là duyên khởi tính, vì thế Phật giáo Nam tông Khmer cũng tùy duyên uyển chuyển trong quá trình hội nhập trên mọi phương diện. Vấn đề là trong quá trình hội nhập, Phật giáo Nam tông Khmer vẫn giữ sắc thái riêng của mình, của dân tộc, nhưng đồng thời cũng mang những đặc tính chung của cộng đồng quốc tế, nhân loại. Bên cạnh đó, trước những thách thức được đặt ra, nếu Phật giáo Nam tông Khmer không có những sự cải thiện tích cực thì sẽ ngày càng mất dần sức hút đối với tín đồ thể hiện rõ nhất qua sự sụt giảm số lượng tu sĩ; giáo pháp của Đức Phật sẽ ngày càng suy vi, hình ảnh của ngôi chùa sẽ không còn giữ được vị trí quan trọng trong tâm thức của người Khmer như trước đây nữa.
________
1. Minh Thiện (2011), Nhập tu báo hiếu, http://giacngo.vn/phatgiaotuoitre/2011/09/16/5FE449
2. Bài phỏng vấn Hòa thượng Dương Nhơn (Trụ trì chùa Cần Đước).
Tài liệu tham khảo
[1]. Cơ quan đặc trách công tác dân tộc ở Nam Bộ (2000), Vai trò của chùa đối với đời sống văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ, Chuyên đề nghiên cứu khoa học cấp bộ, Cần Thơ.
[2]. Phạm Thị Phương Hạnh (chủ biên) (2013), Văn hóa Khmer Nam bộ nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3]. Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, Nxb. Khai Trí, Sài Gòn.
[4]. Trần Hồng Liên (2002), Vấn đề Dân tộc & Tôn giáo ở Sóc Trăng, Nxb. Khoa học xã hội.
[5]. Minh Thiện (2011), Nhập tu báo hiếu,
http://giacngo.vn/phatgiaotuoitre/2011/09/16/5FE449
[6]. Đinh Lê Thư (chủ biên) (2005), Vấn đề giáo dục vùng đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. HCM.
[7]. Viện Văn hóa (1988), Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ, Nxb. Tổng hợp Hậu Giang.
Nguồn: Tạp chí Phát triển KH&CN, tập 20, số x2-2017
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Downlaod file (PDF): Tục đi tu báo hiếu của người Khmer ở Sóc Trăng: giá trị và biến đổi (Tác giả: Huỳnh Hiếu Trung) |