Tục ngữ, ca dao cổ truyền người Việt về đặc sản xứ Thanh

PROVERB, FOLK SONGS ABOUT THE VIETNAMESE TRADITIONAL SPECIALTIES THANH HOA PROVINCE

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  NGUYỄN THỊ QUẾ
(Giảng viên khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Hồng Đức)

TÓM TẮT

     Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng có nhiều sản vật đặc trưng của văn hóa nông nghiệp lúa nước. Trong số sản vật đó, có những loại vượt trội hơn về chất lượng đã trở thành đặc sản. Nó mang đậm dấu ấn, hương vị của vùng miền, đồng thời cũng thể hiện niềm tự hào của người dân về quê hương mình. Nhiều sản vật của ngành nông nghiệp xứ Thanh đã đi vào tục ngữ, ca dao người Việt góp phần tạo nên một nét đặc trưng của thể loại văn học này.

Từ khóa: Tục ngữ, ca dao, đặc sản, xứ Thanh.

ABSTRACT

     Vietnam in general and Thanh Hoa Province in particular have many typical agricultural products of rice. Among those products, there are some becoming specialties due to the outstanding quality. They are characterized by the regional taste and flavour and also express the people’s pride of their land. Many Thanh Hoa agricultural specialties have been taken for granted to be mentioned in Vietnamese proverbs and folks contributing to one reflect in the growth of this certain characteristic literary.

Key word: Proverb, folk songs, specialties, Thanh Hoa province.

x
x x

1. Mở đầu

     Ca dao thường phản ánh nội tâm, tư tưởng, tình cảm của con người; còn tục ngữ phản ánh những kinh nghiệm của nhân dân lao động đúc rút trong quá trình sản xuất, ứng xử xã hội… Bên cạnh đó, cả hai thể loại này cũng phản ánh những sản vật của các miền quê khác nhau trong cả nước. Sản vật nông nghiệp của vùng đất xứ Thanh đã đi vào tục ngữ, ca dao với mật độ khá đậm đặc, đáng chú ý là sản phẩm ưu trội được gọi là đặc sản; trong đó có nhiều loại đặc sản tiến vua. Điều này vừa thể hiện niềm tự hào của người dân về sản phẩm quê hương mình vừa thể hiện nét riêng của tục ngữ, ca dao cổ truyền người Việt trên bình diện phản ánh đặc sản xứ Thanh.

2. Nội dung

     Mỗi sản phẩm từ một miền quê, trước khi trở thành đặc sản nó là sản vật. Trong quá trình lưu truyền một số sản phẩm mang tính đặc thù hoặc có nhiều điểm đặc biệt, riêng có mà xuất xứ từ những vùng, miền, địa phương và tạo nên những nét đặc trưng của một vùng, miền hay một địa phương nào đó. Khái niệm đặc sản cũng không nhất thiết chỉ về những sản phẩm, sản vật được ra đời đầu tiên tại vùng, miền hay địa phương nhưng nó mang tính chất thông dụng, phổ biến tại địa phương hay có chất lượng cao hơn hẳn những sản phẩm cùng loại và được nhân dân địa phương coi như sản phẩm truyền thống của địa phương mình [9]. Đặc sản Thanh Hóa khá phong phú về nguồn gốc thực vật (cây trồng) và nguồn gốc động vật, có khi còn ở dạng thô, tự nhiên, có khi đã qua chế biến ra thành phẩm. Những đặc sản ấy đã được phản ánh qua tục ngữ, ca dao một cách phổ biến.

     2.1. Tục ngữ, ca dao cổ truyền người Việt về đặc sản có nguồn gốc từ thực vật

     Các sản vật đặc biệt có nguồn gốc từ thực vật (cây trồng) đã xuất hiện trong tục ngữ, ca dao người Việt; những đặc sản ấy có thể quen thuộc ở nhiều vùng, nhưng ở Thanh Hóa có điểm nổi bật là tất cả đều dùng để tiến vua, như: mía Đường Trèo, chuối ngự, quế ngọc châu Thường (đặc biệt là loại quế bạch), bánh gai…

     Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy các câu ca dao, tục ngữ nhắc đến mía tuy không nhiều nhưng lại mang đậm màu sắc Thanh Hóa và nổi bật về chất lượng so với các sản vật khác của địa phương. Các đặc sản này được phản ánh qua tục ngữ, ca dao dưới hai dạng: trực tiếp và gián tiếp. Để phản ánh sự xuất hiện một cách trực tiếp, ca dao tục ngữ đã gắn các đặc sản với địa danh từng vùng, địa phương: Mía Triệu Tường ở xã Hà Long, huyện Hà Trung, mía Kim Tân ở Thạch Thành, mía đường ở Thọ Xuân…; cây quế ở Chính Sơn huyện Thường Xuân… Những câu ca dao tục ngữ này xuất phát từ các giai thoại văn hóa và lịch sử về sản vật mía của vùng đất này. Những giai thoại đó được các cụ cao niên kể lại như sau: … Cây mía Kim Tân (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) có từ lâu đời. Tương truyền vua Quang Trung rất thích ăn loại mía này. Mùa Xuân năm 1789, khi chiêu mộ quân sĩ, voi chiến, ngựa chiến ở vùng Tam Điệp – Bỉm Sơn (Thanh Hóa) vua cho quân lính về đây ăn mía Kim Tân. Đại phá 29 vạn quân Mãn Thanh thành công, vua đã có chiếu dụ tổ chức hội Mía tại Phố Cát (thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành bây giờ). Đến thời nhà Nguyễn, năm nào địa phương cũng cắt cử người thành lập đoàn xe ngựa bứng từng bụi mía để chở vào kinh thành Huế tiến vua…[10]. Hoặc là: Xưa kia vua Quang Trung đi đánh giặc Thanh đi qua vùng đất này và cho quân lính nghỉ ngơi ở đây. Mọi người lấy mía ra thiết đãi. Nhà vua ăn thì thấy mía rất thơm ngon. Ông đã hỏi người dân vùng đất này có tên là gì mà ăn mía ngon như vậy. Dân chúng nói nơi đây có tên là Kim Tân, vì thế nhà vua lấy tên đặt cho cây mía. Nhà vua căn dặn người dân cố gắng duy trì cây mía này [10]. Cũng trong chiến dịch này, vua Quang Trung đã chọn vùng đất Gia Miêu – Yên Vĩ (Triệu Tường) là điểm cho thế đóng quân liên hoàn vùng đất Tống Sơn (Hà Trung). Tại đây, vua đã thưởng thức loại mía thân mềm mà đốt mía, mắt mía cũng mềm, có thể dùng tay cũng bẻ thành từng đoạn ngắn, chứ không phải dùng dao. Mía ở đây cũng được dùng tiến vua [10]. Nhờ những câu chuyện trên, nên khi nhắc tên các địa danh này người ta nghĩ ngay đến các câu ca dao tục ngữ nói về đặc sản mía cùng những đặc sản khác của địa phương và ngược lại:

– Đồn rằng Án Đổ lắm chè

Tống Sơn lắm mía, chợ Nghè lắm khoai [3; tr 878]

– Hôm nay ăn mía Triệu Tường, đợi mắm Nam Ố, đợi đường Phú Yên [4; tr 1374]

     Ngày nay, mía Thanh Hóa vẫn nổi tiếng và được nhân dân lưu truyền qua câu “Mía Triệu Tường với cam Giàng tiến Vua, Vua tiến Thiên Đàn Nam Giao”; không chỉ vậy, mía còn đi vào lễ hội. Khách thập phương đến vùng quê này vẫn được nghe câu ca về lễ hội “Tháng sáu hội gai, tháng hai hội mía”. Gai ở đây chỉ cây dứa gai, còn mía chính là mía Tiến. Vào dịp lễ hội đền Sòng ở vùng Bỉm Sơn, khách thập phương đến lễ hội khi về bao giờ cũng tìm mua cho được vài cây mía Tiến vùng Triệu Tường, Yên Vỹ để thưởng thức hương vị của nó. Vì vậy, mía Tiến là đặc sản không chỉ “tiến” cho vua chúa trong kinh thành, mà nhiều người khắp mọi vùng cũng được biết tới:

Tháng sáu hội gai, tháng hai hội mía [4; tr 2485]

     Nói đến đặc sản xứ Thanh, chúng ta không thể bỏ qua loại cây dược liệu quý, nổi tiếng: Cây quế. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú (1782 – 1804) đã ghi: “Quế nước ta chỉ có quế Thanh Hóa là tốt nhất. Ngoài ra như quế Nghệ An cũng vào hạng khá” [5, tr 799]. Vì quý giá và nổi tiếng nên… quế Thanh Hóa, ít khi nằm trong mặt hàng xuất khẩu đại trà “vì người ta tranh nhau mua hết trong xứ rồi”. Mỗi khi bán quế Thanh, viên công sứ đầu tỉnh (người Pháp) công bố cho cả xứ biết. Khách từ khắp Đông Dương đến tranh mua… [5, tr 803].

     Cây quế được trồng ở nhiều nơi nhưng nổi tiếng nhất là ở Thường Xuân được mệnh danh là Quế ngọc châu Thường; đặc biệt ở Chính Sơn thuộc xã Vạn Xuân có nhiều quế tốt. Quế ở Thường Xuân được coi là quế ngọc rất quý đặc biệt là quế bạch khi pha có nước màu trắng như sữa. Quế ở Thường Xuân đã được dâng cho vua triều Nguyễn để chữa bệnh cho Thái hậu khỏi đau mắt. Xưa kia, người đi buôn quế chỉ cần có trong tay một khoanh quế bạch thì đã giá trị tới 10 lạng vàng. Ngày nay, quế còn là loại gia vị không thể thiếu trong những món ăn hấp dẫn. Tục ngữ còn lưu truyền giá trị của quế xứ Thanh:

– Nem xứ Huế, quế xứ Thanh [4; tr 1950]

– Quạt Lưu Vệ, quế Chính Sơn [4; tr 2277]

     Từ tục ngữ, ta có thể nhận thấy, cây quế trước hết là đặc sản của Việt Nam vì nhiều vùng trồng quế, nhưng nổi tiếng nhất là quế xứ Thanh và hảo hạng nhất quế Thanh lại là quế được trồng ở Chính Sơn. Đó chính là niềm tự hào của đặc sản quế Thanh được phản ánh qua tục ngữ.

     Bên cạnh cách phản ánh trực tiếp các đặc sản gắn với địa danh từng địa phương giúp chúng ta hình dung rõ được mối quan hệ giữa ca dao, tục ngữ với yếu tố địa lý; ca dao tục ngữ xứ Thanh còn có cách phản ánh gián tiếp bằng cách mượn các đặc sản ấy để so sánh với tình yêu đẹp của các đôi trai tài, gái sắc đang hẹn hò:

– Thiếp như mía tiến vừa tơ

Chàng như chuối ngự còn chờ đợi ai? [3; tr 2062]

– Vỏ quế ăn với trầu cay

 Đôi ta thấp thoáng đợi ngày xe duyên [3; tr 1003]

– Đố em đi đến sông Ngân

Bắt con vịt nước đang ăn giữa trời

Đố anh đi đến chân trời

 Bẻ hoa quế đỏ ghẹo người cung trăng [3; tr 850]

     hoặc mượn các đặc sản ấy để so sánh với sự thủy chung, son sắt của các đôi vợ chồng, đó là tình yêu vĩnh cửu mà họ dành cho nhau trong cuộc đời mình:

– Anh với em như mía với gừng

 Gừng cay, mía ngọt, ngát lừng mùi hương [3; tr177]

– Đôi ta như quế trong ngăn

 Mở ra thơm ngát băn khoăn dạ sầu [3; tr 866]

     cũng có khi đó là những lời than thân, trách phận của những cô gái kém may mắn… trong cuộc sống:

– Đấy còn không, đây cũng còn không

Đấy kén vợ đẹp, đây cầu chồng mau

Chuộng chuối, chuối lại cao tàu

 Thương anh, anh lại ra màu cho cao [3, tr 752]

– Em như cây quế giữa đồng

Để cho cú đậu cực lòng quế thay

Bao giờ cho cú nó bay

 Tiên ngồi gốc quế, quế nay bằng lòng [3; tr 965]

– Em như cây quế giữa rừng

Thơm gốc, thơm ngọn giữa chừng có thơm?

Em như cây quế nhà quan

 Kẻ thì ngắt ngọn, kẻ toan bẻ cành [3; tr 965]

     Từ chỗ gắn các đặc sản với vùng đất sinh ra nó đến cách mượn các đặc sản đển so sánh với chủ thể trữ tình để bộc lộ những triết lý, lời khuyên chân thành cho mọi người trong cuộc sống đã tạo nên một sức lan tỏa của sản vật cũng như phương tiện chuyên chở chúng là ca dao, tục ngữ. Đây chính là cách phản ánh sản vật một cách độc đáo của tục ngữ, ca dao người Việt.

     Tục ngữ không chỉ phản ánh các đặc sản từ tự nhiên, mà còn lưu truyền những đặc sản Thanh Hóa đã qua chế biến với hương vị đặc biệt, ấn tượng với thực khách: Chè Lam Phủ Quảng (Vĩnh Lộc), bánh gai Tứ Trụ, bánh răng bừa (Thọ Xuân), rượu làng Quảng (Quảng Xương), rượu Chi Nê (Hậu Lộc)…

     Có thể khẳng định, những loại đặc sản đã qua bàn tay lao động cần cù chế biến có sự kết tụ tinh hoa từ các sản vật bình dị mà độc đáo. Từ thành phố Thanh Hóa, theo quốc lộ 45 về phía Tây, dừng chân ở thành Tây Đô (Vĩnh Lộc), mọi người có thể nhấm nháp loại kẹo thơm ngon có vị ngọt, thơm đặc trưng của bột nếp cái và mật mía, vị bùi của lạc rang, vị thơm cay nhẹ của gừng. Sản phẩm này là chè lam Phủ Quảng – đặc sản xứ Thanh. Công đoạn chế biến chè lam Phủ Quảng cần sự tỉ mỉ, bền bỉ, khéo léo của đôi tay người nấu chè. Nguyên liệu chính làm loại chè này phải là nếp cái hoa vàng, xay nhỏ mịn luyện với mật mía, đường, lạc rang và một chút gừng. Khi sản phẩm được nấu chín, không quá lửa, khi có màu vàng mật ong thì cho ra khuôn rồi dát mỏng, cắt thành thanh nhỏ như ngón tay. Chờ khi nguội sẽ giòn tan, lúc đó thưởng thức với nước chè xanh nóng thì rất tuyệt. Loại chè này có nguồn gốc từ các loại cây trong vùng, do người dân Vĩnh Lộc làm ra và đã theo chân các thực khách đi đến nhiều nơi trong nước. Vì vậy, tục ngữ đã lưu truyền:

Vàng mã làng Giàng, chè lam Phủ Quảng [4; tr 2838]

     Khi đến Tây kinh của triều Lê, người ta không thể bỏ qua món bánh tiến vua: Bánh gai Tứ Trụ. Loại bánh này có độ dẻo mịn của bột nếp cái hoa vàng, mùi thơm đặc trưng của lá chuối khô, quyện với vị dịu mát của lá gai, gạo nếp, mật mía, thêm vị ngọt thanh của đậu xanh, bùi bùi của cùi dừa khô, vị thơm của những hạt vừng rắc bên ngoài bánh… Từ những nguyên liệu mộc mặc sẵn có trong tự nhiên qua sự cần mẫn, sáng tạo của con người, bánh gai Tứ Trụ đã đi vào đời sống và trở thành nét văn hóa đặc trưng của tỉnh Thanh. Vào những dịp lễ trọng hay ngày giỗ Lê Lai, Lê Lợi, bánh gai lại được dâng lên bàn thờ như niềm tự hào của hương vị quê nhà. Vì vậy, về với Lam Kinh (Thọ Xuân), người ta không thể không thưởng thức bánh gai và vang vọng trong tâm thức dân gian câu tục ngữ: Bánh gai Tứ Trụ hay Bánh gai làng Mía [12].

     Thông qua tục ngữ, ca dao, chúng ta đã có thể phần nào cảm nhận được sự phong phú, đa dạng của các đặc sản quê Thanh có nguồn gốc từ cây trồng. Các đặc sản ấy dù đã qua chế biến hay từ thiên nhiên đều có hương vị rất riêng, rất quý. Chất quý giá ấy đã được ca dao, tục ngữ ghi dấu, lưu truyền như một phương thức bảo tồn. Đồng thời, nó cũng thể hiện niềm tự hào của người dân nơi đây khi nhắc đến các địa danh và sản vật đặc biệt của quê hương mình. Không chỉ vậy, tục ngữ ca dao đã chuyển tải, bảo tồn các sản vật ấy từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng nghệ thuật so sánh, ẩn dụ để quảng bá và nâng cao giá trị sản vật một cách độc đáo.

     2.2. Tục ngữ, ca dao cổ truyền người Việt về đặc sản có nguồn gốc từ động vật

     Sự đa dạng về địa đồi núi, đồng bằng và miền biển đã tạo nên sự phong phú của sản vật xứ Thanh. Ngoài các sản phẩm trên cạn có nguồn gốc từ thực vật, các đặc sản có nguồn gốc từ động vật mà chủ yếu là thủy, hải sản cũng được ca dao, tục ngữ lưu truyền nhiều, như: phi (Hoằng Hóa), hến (làng Giàng), cá mè sông Mực (Nông Cống), nước mắm (Do Xuyên, Ba Làng ở Tĩnh Gia), nước mắm tép (Hà Yên), vịt (Cổ Lũng), gỏi nhệch (Nga Sơn), lươn bung củ chuối (Hà Trung)…

     Trước hết, trong số các đặc sản nêu trên, ca dao tục ngữ đã quảng bá các sản phẩm tự nhiên như: phi cầu Sài, hến Giàng, cá mè sông Mực… mặc dù rất dân dã nhưng lại được chọn là đặc sản tiến vua. Theo các cụ ngày xưa truyền lại, khoảng thế kỷ XVI, bà Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Minh Thụy (người xã Văn Lộc, Hậu Lộc) là vợ vua Lê Trung Tông, đã giúp dân trùng tu cầu và chợ Phủ. Nhân dân nhớ ơn liền dâng lên bà món ngon của quê hương. Phi tiến vua là loài phi sống ở cầu Sài, đoạn chảy qua sông Trà nối hai xã Thuần Lộc (Hậu Lộc) và Hoằng Xuyên (Hoằng Hóa). Vùng này nước lợ là môi trường tốt cho con phi (giống con trai) sinh sống. Canh phi ăn vào mùa hè rất ngon, ngọt mát, nên người ta thường nói dù bận đến mức nào thì vẫn phải đi chợ Nhàng để mua phi, hoặc lắng tai nghe tiếng rao “Ai phi!” để mua cho bằng được:

– Chợ Nhàng lắm bún nhiều phi

Trăm công nghìn việc cũng đi chợ Nhàng [3; tr 656]

– Em là con gái Phụng Đình

Ngày ngày dạo khắp tỉnh thành: “Ai phi?” [3; tr 955]

     Cùng với phi là hến – một loài nhuyễn thể thuộc lớp hai mảnh, có vị gần giống nhau, phi sống ở nước lợ còn hến sống ở nước ngọt, nhưng ngon hơn là hến sông và đặc biệt là hến sông Chu, sông Mã trên địa phận ngã ba sông làng Giàng. Làng Giàng xưa là làng Dương Xá thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa (nay thuộc thành phố Thanh Hóa) là quê hương của Dương Đình Nghệ, có loại hến vỏ xanh, con to, khi luộc có nước trắng đục như màu nước gạo nếp, ăn rất ngon. Người ta có thể nấu canh, xào miến… Xưa kia, loại hến này cũng được chọn để tiến vua. Đến nay, người dân trong vùng vẫn tự hào truyền nhau câu tục ngữ:

– Hến Thiệu Dương, tương Chí Cẩn [12]

– Hến Giàng nấu với mồng tơi

Ai muốn sung sướng về nơi đất này [12]

     Hay khoe vui với nghề “cào hến, buôn phi” quê mình qua lời tỏ tình cùng cô gái của chàng trai trong bài ca dao vùng Hoằng Hóa:

– Hỡi cô mà thắt lưng xanh

Có về Đồng Ích với anh thì về

Đồng Ích lắm việc nhiều nghề

Một nghề cào hến, hai nghề buôn phi [3; tr 1135]

     Đặc sản Thanh Hóa còn nhiều loại khác được phản ánh trong ca dao:

Nhớ phiên chợ Bản anh đi

Thiếu gì heo ỉ, thiếu gì bò trâu

Dê tầm thường chả thiếu đâu

Muốn tìm dê tốt anh phải xuống cầu Mật Sơn

Vịt bầu anh biết đâu hơn

Anh lên Trạc Nhật, hỏi thăm đàn vịt to

Chợ Môi có giống gà cồ

Có con gà chọi cộc lồ anh cũng mua luôn

Cá mè sông Mực ngon thậm là ngon

Anh vào Nông Cống chuốc lấy trăm con mè

Cửa Trào, cửa Vích tôm he

Anh ra ngoài bể mua về cho sang

Lại mua thêm nước mắm Ba Làng

Dưa Gia, cà Hạc lẫn măng giang Thạch Thành [3; tr 1671]

     Có rất nhiều sản vật được gọi tên trong bài ca dao trên, tuy nhiên chúng ta có thể chọn ra những sản vật chất lượng cao: Dê núi, vịt bầu, cá mè sông Mực, tôm he cửa Vích, cửa Trào, nước mắm… Đến Thanh Hóa, nhiều du khách muốn được thưởng thức món dê ủ trấu, vịt nướng, tôm hấp… mới thỏa nguyện.

     Tục ngữ, ca dao còn lưu truyền loại đặc sản của miền biển xứ Thanh là nước mắm. Nước mắm Do Xuyên, nước mắm Ba Làng là sản phẩm đặc biệt ở vùng Tĩnh Gia làm ra. Nước mắm được chiết xuất từ nước cốt của cá cơm được ủ hàng năm trời. Khi chín mềm tự chiết thành từng giọt nước màu trắng ngà mang vị mặn mòi của muối biển, vị ngọt của cá – vị đặc trưng của miền biển Tĩnh Gia. Nước mắm ngon, đậm đà đến mức người ta ví ăn thịt cá mè ở hồ sông Mực (to tới hàng chục ki lô gam, thịt trắng như thịt gà, thớ thịt to, dai, không tanh, vị béo ngậy) nếu chấm với các loại nước mắm nói trên thì “đến người chết rồi vẫn còn muốn từ âm phủ về mút xương”:

Cá Mè sông Mực chấm với nước mắm Do Xuyên,

Chết xuống âm phủ còn muốn trở viền mút xương [4, tr 343]

     Trong văn hóa ẩm thực, cha ông ta cũng từng trao kinh nghiệm về sự quân bình âm dương, đặc biệt khi chế biến món ăn. Món lươn bung (om) củ chuối hột non là đặc sản cầu kì của Hà Trung, Thanh Hóa: Lươn ngon phải chọn vào tháng tám âm lịch (béo vàng ngậy) làm thịt sống, bỏ xương, cuộn tròn bọc lấy củ chuối hột non đã được làm hết chát, thái chỉ, rồi buộc lá hành tươi ở ngoài cho thịt ba chỉ, mẻ và các gia vị: sả, ớt, hành, nghệ tươi… vào om mềm. Khi chín bắc ra cho thêm các loại rau như: rau ngổ, rau răm, tía tô, mùi tàu, hành tươi thái nhỏ và thưởng thức nồi lươn om nghi ngút hơi, ta sẽ cảm nhận được vị béo ngậy của thịt ba chỉ, ngọt của lươn, vị chua thanh của mẻ lẫn mùi của các loại gia vị. Đó là món ăn rất cầu kỳ nhưng cũng rất dân dã chỉ bằng các nguyên liệu sẵn có xung quanh ta. Sự hấp dẫn của món ăn đã được ca dao ghi lại như dấu ấn khó phai trong lòng người khi được thưởng thức món ăn này:

– Cá rô quyện với nồi rang

Cũng như củ chuối, lươn vàng quyện nhau [11]

     hay:

– Đang cơn binh địa ba đào

Ai đem củ chuối mà ngào với lươn [11]

     Mỗi món ăn đều ẩn chứa tình quê, hương vị quê nhà của từng miền khác nhau. Đó chính là một phần hồn cốt của xứ Thanh đã gửi vào các đặc sản và phong tỏa nhờ tục ngữ, ca dao như mối duyên thầm.

3. Kết luận

     Tục ngữ, ca dao cổ truyền người Việt về đặc sản Thanh Hóa mặc dù có sự phản ánh không đồng đều giữa các đặc sản phân bố trên địa bàn khác nhau nhưng đã góp phần cho chúng ta nhận biết diện mạo các đặc sản trên mảnh đất quê Thanh. Bằng cách phản ánh trực tiếp gắn với địa danh sản sinh ra các đặc sản, hai thể loại trên đã giúp mọi người hiểu thêm về mối quan hệ giữa điều kiện tự nhiên môi trường với văn hóa địa phương. Không dừng lại ở đó, tục ngữ, ca dao mượn các đặc sản để bộc lộ tư tưởng, tình cảm giữa con người với con người và làm tăng thêm giá trị của sản phẩm nông nghiệp gắn với cuộc sống cư dân các vùng theo truyền thống văn hóa nông nghiệp lúa nước. Nếu sản phẩm đặc biệt có nguồn gốc từ cây trồng thiên về tự nhiên và quà bánh thì các đặc sản có nguồn gốc động vật lại thiên về chế biến, món ẩm thực chính trong các bữa ăn, đặc biệt là thủy, hải sản, gia vị … Như vậy, chúng ta đã thấy được sự phong phú, đa dạng trong văn hóa ẩm thực của người Thanh Hóa với các đặc sản là đối tượng chính được phản ánh qua ca dao, tục ngữ người Việt ở đây. Đáng chú ý hơn, đặc sản của xứ Thanh xét trên cả hai nguồn gốc ấy dù mộc mạc, dân dã hay cầu kỳ lại vẫn được chọn làm đặc sản tiến vua. Đây chính là lí do khiến cho chất lượng các đặc sản luôn được gìn giữ, phát huy. Những câu tục ngữ, ca dao phản ánh các đặc sản nổi tiếng của xứ Thanh có thể xem như cẩm nang lưu giữ các giá trị văn hóa ẩm thực tỉnh Thanh. Từ đó, góp phần gìn giữ, phát huy các đặc sản, bảo tồn các món ăn, hương vị truyền thống, là dấu ấn chỉ dẫn nơi sản sinh và phát triển văn hóa làng nghề, là niềm tự hào của người dân xứ Thanh. Đó cũng là sự độc đáo của tục ngữ, ca dao trong việc phản ánh đặc sản của vùng đất “thang mộc” “quý hương”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Phan Kế Bính (2008), Việt Nam phong tục, Nxb. Văn học, Hà Nội.

[2] Vũ Quang Dũng (2006), Địa danh Việt Nam trong tục ngữ, ca dao, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

[3] Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật (1995) đồng chủ biên, Kho tàng ca dao người Việt, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[4] Nguyễn Xuân Kính (chủ biên) (2002), Kho tàng tục ngữ người Việt, (2 tập), Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

[5] Lê Tuấn Lộc (chủ biên) (2014), Minh Hiệu tuyển tập, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội.

[6] Phạm Tấn – Phạm Tuấn – Hoàng Tuấn Phổ (2005), Địa chí huyện Thọ Xuân, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[7] Hoàng Tuấn Phổ (2010), Địa chí huyện Quảng Xương, Nxb. Từ điển Bách Khoa, Hà Nội.

[8] Nhiều tác giả, Địa chí Thanh Hóa (2004), tập 2, Nxb. Khoa học Xã hội.

[9]
http://www.mocaybac.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=263:c-sn-nam-b-qua-ca-dao-tc-ng-&Itemid=122 bài Đặc sản Nam Bộ qua ca dao

[10] http://dacsan.hongphong.gov.vn/dac-san-viet-nam-la-gi/

[11]
http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/nhung-dac-san-tien-vua-xu-thanh2948219.html

[12] Tài liệu tác giả bài viết điền dã, sưu tầm.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Hồng Đức, số 26, năm 2015

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com

Download file (PDF): Tục ngữ, ca dao cổ truyền người Việt về đặc sản xứ Thanh
(Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Quế)