Tượng binh thời chúa Nguyễn
Tác giả bài viết: Thạc sĩ ĐOÀN ANH THÁI
(Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế)
1. Mở đầu
Theo một nghiên cứu của TS. Phan Hải Linh cho biết có thể dân tộc Việt đã thuần chủng được voi từ thế kỷ I TCN “Đặc biệt một số hình điêu khắc voi thể hiện rõ chi tiết bành trên lưng voi, dây chằng buộc quanh bụng voi chứng tỏ từ khoảng thiên niên kỷ I TCN, người Việt cổ đã biết bắt voi rừng thuần dưỡng thành voi nhà”1. Hình ảnh con voi đã trở thành một phần không thể thiếu trong con người Việt ngay từ rất sớm, nó vừa là người bạn giúp cho việc vận chuyển và đồng thời cũng trở thành một chiến binh để bảo vệ lãnh thổ.
Sử sách của dân tộc Việt đã ghi dấu bao nhiêu chiến công của tượng binh, trong đó có thể kể đến Hai Bà Trưng đã có đội tượng binh dũng mãnh đánh bại được đạo quân Đông Hán vào năm 40 để đòi lại độc lập cho dân tộc. Các chúa Nguyễn đã tiếp nối truyền thống sử dụng tượng binh của dân tộc, sau khi được tiếp quản vùng đất Thuận Quảng với thiên nhiên ưu đãi, núi rừng rất nhiều voi, con người nơi đây có truyền thống thuần dưỡng và sử dụng voi của cư dân Champa, rồi cư dân Chân Lạp. Vì vậy, các chúa Nguyễn đã xây dựng được đội tượng binh mạnh mẽ để chống lại thế lực Lê-Trịnh ở Đàng Ngoài và mở rộng lãnh thổ về phương nam.
Tượng binh là một trong những binh chủng rất quan trọng dưới thời chúa Nguyễn. Mặc dù số lượng ít nhưng là một trong những binh chủng có sức mạnh và thay đổi cục diện trong chiến trận. Vì vậy dưới thời các chúa Nguyễn chúng ta thấy có những người lính chuyên phụ trách các công việc như mục tượng (chăm voi), Vũ tượng (tập luyện cho voi), lương y, lính cắt cỏ voi.
2. Tượng binh thời chúa Nguyễn
Không giống như các đơn vị quân đội2 khác, tượng binh thời chúa Nguyễn chỉ có đơn vị đội và cơ, không có đơn vị thuyền, biên chế số lượng người theo đội, cơ cũng ít hơn nhiều so với các binh chủng khác. Một đội tượng binh của chúa Nguyễn tập trung khoảng 9-10 người và khoảng 49-64 người làm một cơ.
2.1. Tượng binh chúa Nguyễn được dùng khi nào ?
Một câu hỏi được đặt ra là chúa Nguyễn sử dụng tượng binh từ khi nào, khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, hay thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên hay thời kỳ sau nữa ?. Vấn đề này từ trước đến nay mới chỉ có L.Cadière nghiên cứu, ông cho rằng voi chiến dưới thời chúa Nguyễn chỉ được sử dụng từ sau năm 1636 nghĩa là sau cả thời hai chúa đầu tiên3. Nhưng khi tra Đại Nam thực lục thì lại cho chúng ta một ý kiến khác. Nghĩa là trận đánh đầu tiên với chúa Trịnh vào năm 1627 thì chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã có voi chiến tham gia chiến trận và cũng nhờ những tượng binh này mà đã giải nguy cho quân chúa Nguyễn “Quân ta đem tượng binh thúc đánh chặn ngang, làm cho quân Trịnh tan vỡ, chết rất nhiều. Nguyễn Hữu Dật lại bàn mưu với Trương Phước Da (bấy giờ gọi là Lương quận công) sai gián điệp phao đồn rằng anh em Trịnh Gia, Trịnh Nhạc mưu nổi loạn. Trịnh Tráng nghe tin lấy làm ngờ, bèn rút quân về”4. Đây là sự ghi nhận việc sử dụng tượng binh trong chiến trận đầu tiên dưới thời chúa Nguyễn.
Năm 1626 trước khi đánh chúa Nguyễn, chúa Trịnh cho biết rằng: “Lại nghe nói Thụy quốc công Nguyễn Phúc Nguyên ở xứ Nam thường ngày luyện binh tuyển tướng, dạy tập voi ngựa, sửa sang khi giới chiến thuyền, rắp tâm ra mặt chống cự”5. Đó là chưa kể mỗi một lần chúa Trịnh sai người vào đòi thuế chúa Nguyễn Phúc Nguyên đều đề cập đến việc phải nộp cả voi. Năm 1627 trước khi đánh chúa Nguyễn, chúa Trịnh sai quan vào đòi thuế và cho một người con của chúa Nguyễn ra làm con tin, trong các thứ thuế đó thì voi không thể thiếu “Lại phải chọn voi đực 30 con, thuyền biển 30 chiếc cùng lúc ra nộp ở triều đình..”6.
Để có được một tượng binh xung trận dũng mãnh thì phải nuôi và huấn luyện trên 10 năm nghĩa là voi từ 3-5 tuổi được đưa về để huấn luyện và đến 15-16 tuổi mới cho ra trận, điều đó cho chúng ta thấy được rằng trước thời điểm mà L.Cadière đề cập một thập kỷ thì chúa Nguyễn đã sử dụng tượng binh.
Trong một tư liệu cũ hơn mà Cristoforo Borri cho chúng ta biết khi ông đến Đàng Trong, lúc đó có trấn thủ đã cưỡi voi và cho ông cùng đoàn truyền giáo của ông đi trên mình voi7.
Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cho chúng ta biết sau khi chúa Nguyễn Hoàng tiếp quản vùng Quảng Nam vào năm 1570 “Đoan quận công kiêm hành chức Thống suất tổng trấn tướng quân hai xứ Thuận Quảng, cầm binh voi và thuyền để trấn thủ dân địa phương”8. Sau đó một năm chúa đã thay thế các tướng tá của Lê-Trịnh bằng những thủ hạ thân tín của mình, từ đây chúa được thụ hưởng một lực lượng lớn voi ngựa “Các tướng ở địa phương Quảng Nam cướp giết lẫn nhau, Đoan quận công giết cả đi, giao cho tỳ tướng là Dũng quận9 công lưu thủ Quảng Nam để thu phục dân chúng”10. Đến đây chúng ta khẳng định rằng tượng binh đã có từ thời chúa Nguyễn Hoàng và sau này các vị chúa như Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần đã dùng đội quân này để chế ngự miền Bắc. Đặc biệt dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần có một đội tượng binh rất mạnh.
2.2. Nguồn cung cấp voi của các chúa Nguyễn
Để có được một đội tượng binh hùng hậu thì các chúa Nguyễn phải có nguồn cung cấp voi để hằng năm bổ sung thêm cho lực lượng này.
Voi dưới thới chúa Nguyễn được lấy từ các nguồn: thuần dưỡng từ trong rừng nghĩa là bắt từ trong rừng, mua của Campuchia, các nước Champa, Chân Lạp, các tiểu quốc như Thủy Xá, Hỏa Xá nộp cống. Đặc biệt dưới thời chúa Nguyễn còn có một nguồn voi được cung cấp nữa đó là nộp thuế. Chúa Nguyễn còn có một nguồn cung cấp voi khác nữa đó là thu hồi chiến lợi phẩm từ các trận đánh thắng với chúa Trịnh và Champa, Chân Lạp, nhưng nguồn này xem ra rất khó vì tượng binh lúc này đã trưởng thành, cùng với đó là voi là một loài động vật rất trung thành, đặc biệt khi chúng đã trải qua huấn luyện, vì vậy nguồn voi lấy từ chiến lợi phẩm trong các cuộc chiến có thế gặp rất nhiều khó khăn khi về huấn luyện lại.
Nhiều tư liệu khác nhau của những người có mặt ở Đàng Trong đương thời cho biết vùng này có rất nhiều voi, như Cristoforo Borri đề cập đến rừng ở Đàng Trong voi rất nhiều và rất to11. Thích Đại Sán, Pierre Poivre hay Choisy đều chép trong tác phẩm của mình thừa nhận Đàng Trong có rất nhiều voi12. Voi được chúa Nguyễn cho thợ săn bắt về. Theo Jean Koffler, một y sĩ riêng hơn 7 năm cho chúa Nguyễn Phúc Khoát cho biết hầu như ở các tỉnh đều có thợ săn voi của nhà chúa, theo đánh giá của ông thì việc bắt voi không có khó khăn gì. Ông cho biết “có những thợ săn rãi khắp các tỉnh để làm công việc bắt voi; vả lại như vậy cũng chẳng có khó khăn gì cho lắm. Một quản tượng lấy một con voi cái rồi đưa nó vào trong rừng. Nghe tiếng nó kêu, voi đực vãnh tai nghe ngóng, và vì nó sợ rằng đó là một con đực khác đến, nên nó lồng lên dữ dội và quả quyết dương ngà, vòng ra để giao chiến. Nhưng ngay lúc biết là mình nhầm, khi nhìn thấy voi cái đi qua nó trở thành hiền lành trở lại, đi theo voi cái từ xa mà không rời mắt. Khi ấy người quản tượng dẫn con voi cái vào trong một chỗ quây kín, xếp đặt rất khéo léo để dùng vào việc này. Cuối cửa vào người ta có một chiếc cầu con, bên dưới người ta giấu giây chảo và giây xích đặt ngang dọc lại chéo nhau ở gần cửa. Có những thân cây xếp che ở trên, và người ta lấy chúng đi khi người quản tượng đã dắt voi cái đi qua.
Voi đực là một con vật tinh khôn, tuy thế nhưng bị ý muốn gần voi cái thúc đẩy, liền đi qua chiếc cầu con dừng lại ở cửa rồi quan sát để xem voi cái có thật ở một mình không, bởi vì do một mối e sợ bẩm sinh, nó sẽ không tìm cách gần voi cái nếu có người ở đấy. Khi tưởng rằng chỉ có mình nó mà thôi thì nó hùng hổ lao tới và cũng lúc ấy, rơi ngay xuống một cái hố. Bấy giờ những người thợ săn, từ đằng sau bụi cây nơi họ ẩn nấp, xo ra rút giây thòng lòng và reo hò niềm vui thắng lợi”13.
Bên cạnh đó, voi cũng được bổ sung đáng kể vào đội tượng binh qua những lần nộp cống của các nước Champa, Chân Lạp, Ai Lao (Vạn Tượng) và các tiểu quốc Thủy Xá, Hỏa Xá. Thường thì các nước phải nộp cống 5 con voi đực; nhưng có những năm để lấy lòng chúa Nguyễn các nước này nộp cống lên đến vài chục con. Như vào năm 1690, Chân Lạp nộp cống 30 thớt voi nhỏ14.
Khi nạp cống thì các chúa Nguyễn cũng chỉ yêu cầu những con voi có độ tuổi từ 7-8 tuổi nghĩa là còn nhỏ và mới được huấn luyện và bước đầu đã biết nghe hiệu lệnh. Việc cung cấp voi chiến 15-16 tuổi sợ rằng khi đã trưởng thành thì khó mà nghe lệnh của người khác. Đây là một đặc điểm đáng chú ý của loại tượng binh này. Ngoài việc thiện chiến và có sức mạnh ra thì sự trung thành cũng là một nét nổi bật của loại vật này khi trong lịch sử nước ta đã ghi lại rằng khi chủ nhân mất thì nó cũng quỳ đó mà mất hay hy sinh để bảo vệ chủ như tượng binh của Lê Lợi, hay sau này thời nữ tướng Bùi Thị Xuân thời Tây Sơn sau khi bị quân Nguyễn Ánh bắt thì lấy voi để dày nhưng nó không nghe hiệu lệnh, vì đó là chủ nhân của nó. Nhà sư Thích Đại Sán khi đi xem một cuộc diễn tập tượng binh, cho chúng ta biết về sự trung thành của tượng binh thời chúa Nguyễn qua lời kể của chúa Nguyễn Phúc Chu: “Thời Tiên Vương có một con voi ra xung phong hãm trận, chủ tướng bị địch giết bèn lấy vòi quấn lấy thây chạy vào hang núi giấu kín; quay trở ra, nổi xung chạy vào trận địch, đánh phá tung hoành. Ba quân hùa theo, kết quả được toàn thắng. Sau lúc thâu quân, voi đến quỳ trước tướng, dẫn người đi tìm hài cốt chủ cũ đem về chôn cất, rồi bỏ ăn, chết theo chủ. Đến nay mả nghĩa tượng đương còn”15.
Chúa Nguyễn còn có một nguồn voi được cung cấp nữa đó là thông qua nộp thuế sản vật của các địa phương. Đối với việc quy định nộp thuế ở Đàng Trong, ngoài tiền, thóc và các thứ khác ra thì đối với thuế nguồn ở các châu, đạo miền núi thì tùy vào khả năng nộp của châu đó mà quy định, có nơi thì nộp 1 con voi đực với kích thước được quy định 5 thước, 5 tấc như châu Sa Bôi, đạo Mường Vang16. Ngoài ra, voi còn được bổ sung từ chiến lợi phẩm sau các trận đánh thắng trước chúa Trịnh, Champa, Chân Lạp.
2.3. Huấn luyện voi
Để huấn luyện và chăm sóc những tượng binh không phải là một vấn đề đơn giản. Dưới thời các chúa Nguyễn đã phiên chế cho những người chuyên nài voi (Vũ tượng), làm thái y cho voi và cắt cỏ cho voi ăn. Tất cả nhằm đảm bảo cho con voi được huấn luyện một cách tốt nhất, có thể lực khỏe mạnh để xung trận.
Khi nhắc đến voi Quảng Nam, Kondo Juzo đã đề cập đến lợi ích chiến trận của voi đầu tiên. Ông cho biết “Voi đực 3 tuổi rời vú mẹ và dần dần được huấn luyện…Voi đực 15-16 tuổi có thể dùng vào việc quân. Voi cái dùng để sinh con, không dùng trong việc quân”17.
Việc quan trọng đầu tiên của việc huấn luyện một con voi đó là làm quen giữa những thợ săn hoặc quản tượng với chúng. Việc đó cũng không hề đơn giản, bằng cách cho nó nhịn ăn, rồi bổ vào đầu nó, làm cho nó nhận ra người quản tượng đứng ra trị nó và chịu khuất phục18. Việc khuất phục đã xong, sau đó mới đến bước huấn luyện. Trước hết về huấn luyện một con voi đầu tiên các nài voi sẽ hướng dẫn những động tác dễ như đứng lên ngồi xuống để cho nài voi và voi hiểu nhau dần dần sau đó mới thực hiện những hiệu lệnh khó hơn rồi bắt đầu huấn luyện voi chiến. Voi chiến thường nằm ở độ tuổi 15-16 tuổi. Voi chiến thường là voi đực nhưng đôi khi cũng dùng cả voi cái vào cho chiến trận khi cần thiết.
Sau khi mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam, chúa Nguyễn đã biết tận dụng những người Champa và Chân Lạp là những người rất tài giỏi trong việc sử dụng voi để huấn luyện vì vậy ở dinh Trấn Biên có một trường để dạy voi.
Trong cuốn An Nam kỷ lược cảo đã viết rất kỷ về cách điều khiển voi và cách chăm sóc voi ở Quảng Nam
“Công cụ để điều khiển voi (tượng cụ)
Thủ thằng: Giây buộc đầu voi
Tù và: Tù và gọi voi
Túc lưu : Hình nữa sừng, tháp dưới chân voi
Diên khẩu có sát : Dài hơn 4 thước cổ (khoác chỗ quanh mồm)
Tiết đồng : Liên quan đến Luân
Luân : dài hơn thước cổ
Tượng tẩy : Chổi lau ngoài da voi
Nhị quải : Đầu công bằng đồng đỏ, chân nối liền hai giây, gọi là trự thằng, những dụng cụ ấy dùng để khoác vào tai voi “19
Tượng binh là một trong những binh chủng chủ lực của Đàng Trong nên việc huấn luyện luôn được các chúa Nguyễn chú trọng. Vì trong chiến trận tượng binh đã nhiều lần giải nguy cũng như tạo ra thế áp đảo của quân chúa Nguyễn trước quân Đàng Ngoài. Cảnh thao diễn tượng binh được Thích Đại Sán miêu tả lại trong sách Hải ngoại kỷ sự như sau: “Lúc dàn trận, voi sắp từng hàng 10 con, đứng ở phía Tây, mỗi con trên lưng đặt một cỗ yên bằng gỗ sươn đỏ, hình như cái học. Trong học, có 3 người đứng, đầu đội hồng kim khôi, mình mặc áo nhung lục, tay cầm kim câu trường thương, một tên nài cầm câu liêm ngồi trên vai voi. Phía đông, 500 quân cầm đao thương và đuốc châm lửa, xây mặt về phía voi đứng. Đằng sau đài đặt những bù nhìn bện rơm như hình quân lính. Cờ lệnh trên đài phất lên. Ba quân múa đao thương, nhắm hàng voi xông tới. Hỏa khí đốt lên, khói bay mù mịt, voi vẫn đứng yên. Bỗng chốc, trống đồng đánh liên hồi, các quân phấn dõng xông vào voi, bọn nài bổ câu liêm vào đầu, võ sĩ đâm vào đùi. Bầy voi chạy thẳng đến rượt đuổi. Quân lính lui đánh; mỗi con voi lấy vòi quấn một bù nhìn bằng rơm đem về. Thớt voi nào chạy hơi chậm, liền bị thương đâm búa bổ, chảy máu đứt da, đến đỗi có con quá mệt, phục quỵ không thể dậy nỗi. Tan trận lấy đó phân hơn thua”20. Việc Thao diễn trận voi luôn được các tiên chúa quan tâm và đã đề ra phép thưởng phạt trong huấn luyện, cũng như lúc thao diễn. Sai các cơ chia phiên thao diễn trận pháp, mỗi ngày một lượt, thưởng tiền theo thứ bậc21. Việc rèn luyện voi chiến rất khắc nghiệt, những con không đáp ứng được yêu cầu, có khi là mất cả mạng. Thích Đại Sán đã làm một bài thơ để mô tả lại cách diễn tập của tượng binh, cũng như bắt voi, trong đó cho biết là voi cái22 cũng được huy động để luyện tập và có thể là ra trận khi cần thiết.
“Voi đực voi cái chia từng đoàn
Mỗi đoàn năm mươi lính tập luyện,
Lúc tiến lúc thối nghe lịnh troàn”23.
Tượng binh rất quan trọng, nên bên cạnh việc huấn luyện kỹ lưỡng thì còn được chăm sóc rất chu đáo, như được xây dựng nhà ở: “Bộ nhà ở cho một con voi lớn ở Quảng Nam đại khái là một khẩu chuồng, mỗi chuồng thường là 2 trượng 5 thước, trên có lớp ngói, dưới ken vách dày, bên trái bên phải có làm cửa sổ để đủ ánh sáng. Phía trước vuông có đặt giác mộc, rộng khoảng một thước. Gian giữa ở phía trong rộng khoảng 1 trượng 2 thước để lối cho voi ra vào tiện lợi. Hai cửa vuông thường mở để cho ánh sáng luôn chiếu được trong nhà. Trong nhà trình có một lối thông voi, thường có bức ngăn rộng khoảng 1 trượng, trung bình chia thành 2 hiệp, ngăn làm 6 gian, trong đó để các vật bình thường. Ngôi nhà lớn chia thành hai dãy cột khuất lập, phần trên đều có then ngang để voi bước hai chân trước vào được tiện lợi, phía trong đặt đủ sừng trâu và các vật hầu trụ. Gian nhà voi có một sất hiên và đặt vào đó một thân hầu”24.
2.4. Voi chiến
Trong cuốn An Nam kỷ lược cảo cho biết rất cụ thể về một con voi chiến của các chúa Nguyễn “Thời tiết xuất trận là lúc thân thể voi khỏe mạnh, cân nặng, mỗi voi thời ấy đáng giá khoảng 48 quan tiền. Kẻ sĩ trèo lên lưng nó là một đỉnh đài có đặt “mũi tên đá lửa” để phóng ra xa. Trên lưng voi đặt mũi tên đá lửa, có khoảng 2 người cưỡi điều khiển. Ống đồng cho kẻ sĩ kéo “mũi tên đá lửa”, thời ấy giá thường khoảng 16 quan tiền. Nếu kéo 2 mồi thì thế đánh địch càng mạnh hơn và ít nhiều càng thấy rõ. Số voi thường dùng độ 10 con. Trường hợp phải dùng đến hàng trăm con voi thì do vĩ phương địch đã gấp bội, thời hầu tác chiến cũng phải mạnh, không thể bàn luận cách khác được. Trường hợp ngoại sai ấy có khi không chỉ dùng loại voi đực 15 hay 16 tuổi, mà còn phải dùng thứ voi cái giao cho các Bất thân hầu sử dụng. Ở chợ Quảng Nam phía trong thường đặt các đồ hầu voi vì Quốc chủ trong ấy thường dùng quân dụng bằng voi”25
Tượng binh có số lượng ít hơn so với các loại binh chủng như bộ binh, thủy binh, nhưng đây là đội quân có sức mạnh, có thể làm thay đổi cục diện của chiến trận. Sức mạnh quân đội Đàng Trong phụ thuộc rất nhiều vào tượng binh. Thích Đại Sán cho biết: “Chiến trường lùa tượng đánh”26. Cùng với việc dùng làm voi đi đánh trận, thì còn dùng để vận tải người, vũ khí và lương thực phục vụ cho chiến trận và là một chiến sĩ dập hỏa hoạn một cách chuyên nghiệp. Borri cho biết: « Khi có chiến tranh và trận mạc thì người ta nhấc mui (trên) bành đi để làm thành một thứ chòi chở lính giao chiến với nỏ, với súng và có khi với khẩu đại bác : voi không thiếu sức để chở vì là con vật rất khỏe, nếu không có gì khác. Chính tôi đã thấy một con dùng vòi chuyên chở những vật rất nặng, một con khác chở một khẩu súng lớn và một con nữa một mình kéo tới mười chiếc thuyền, chiếc nọ theo sau chiếc kia, giữa đôi ngà một cách rất khéo và đưa xuống biển….Chúng dễ dàng ném xuống đất và lật đổ nhà cửa, triệt hạ từng dãy phố khi được lệnh trong trận chiến để phá hoại quân địch và trong thời bình để không cho ngọn lửa bén khi có hỏa hoạn ” 27.
Về số lượng tượng binh theo tác giả Alexis Marie de Rochon thì chúa Nguyễn có một đội quân tượng binh rất hùng mạnh « Tiểu vương này còn nuôi khoảng 400 con voi chiến và số lượng voi này nói lên sức mạnh của vương quốc ”28. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần, một tài liệu cho chúng ta biết là vào năm 1642 chúa có đến 600 con voi29.
Trong một lần tấn công ra Bắc năm (1655-1661), dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần đã huy động tới 300 thớt voi “Tiết chế Thuận Nghĩa và đóc chiến Chiêu Vũ chỉ huy quân trung đạo, chưởng cơ Triều Khang lĩnh 300 thớt voi cùng với quân ở chính doanh đi sau tiếp ứng”30.
Trong trận chiến cuối cùng với Đàng Ngoài năm 1672 chúa Nguyễn đã huy động ở mặt trận Quảng Bình lên tới hơn 150 con voi “Lại sai 5 cơ voi, điều động 150 thớt voi đến đóng trước ở xã Phù Tôn (nay đổi là Phù Chính)”31
Theo thống kê dựa trên Đại Nam thực lục và Phủ biên tạp lục cho chúng ta biết được sự phân bổ tượng binh ở các dinh của Đàng Trong có khác nhau, có hai dinh là Bình Thuận, Phiên Trấn và một trấn Hà Tiên là không có sự hiện diện của tượng binh. Tượng binh chủ yếu tập trung ở Chính dinh và các dinh, đạo trên vùng đất Quảng Bình.
Dinh |
Số lượng tượng binh |
|
Chính dinh |
Số cơ |
Số người |
5
|
403 |
|
Dinh cũ |
1 |
30 |
Đạo Lưu Đồn |
2 |
206 |
Quảng Bình |
2 |
97 |
Dinh Ngói |
42 |
|
Dinh Quảng Nam |
3 |
|
Bình Khang |
2 |
|
Bình Thuận |
||
Trấn Biên |
Trường voi |
|
Phiên Trấn |
||
Long Hồ |
Có quan coi voi |
|
trấn Hà Tiên |
Với một vương quốc đang trong quá trình hình thành và mở rộng nên việc binh luôn được các tiên chúa chú trọng. Tượng binh là một lực lượng rất trọng yếu của quân đội chúa Nguyễn. Tượng binh đã trở thành một biểu tượng về sức mạnh của quân đội Đàng Trong vì thế mà chúa Nguyễn Phúc Chu đã nói rằng mấy năm gần đây đánh với Đông Kinh, Chiêm Thành, quân ta thắng trận là nhờ sức voi vậy32. Nhưng từ sau thời chúa Nguyễn Phúc Chu việc thao diễn trận binh để các chúa kiểm tra về sức mạnh của các binh chủng hầu như không thấy diễn ra và tượng binh cũng nằm trong số đó. Vì vậy dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thuần đội quân này cùng với các thành lũy trên đất Quảng Bình cũng không ngăn được quân của chúa Trịnh đánh thẳng vào Phú Xuân, buộc chúa phải chạy vào Nam và kết cục bị khởi nghĩa Tây Sơn giết chết.
Chú thích:
1, 17 Phan Hải Linh (2015), “Voi Quảng Nam sang Nhật Bản xung quanh vấn đề đặt hàng vận chuyển voi”, in trong Lịch sử và triển vọng mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, Nxb Thông tin và truyền thông, tr.75, 81.
2 Quân đội chúa Nguyễn được chia thành các đơn vị cơ, đội, thuyền. Thuyền là đơn vị nhỏ nhất, mỗi thuyền có từ 20 – 80 người (ngoại trừ những thuyền gọi là tạp binh là những binh lính dùng để sai phái các việc như canh giữ các từ đường, phủ…. có khi 10 hoặc 100 người làm một thuyền). Từ 3, 5 đến 10 thuyền tập hợp lại thành một đội, do Đội trưởng hoặc Cai đội đứng đầu; nhiều đội tập hợp thành một cơ do Cai cơ hoặc Chưởng cơ đứng đầu. Tuy vậy, đối với cơ ít khi dưới cơ là đội mà phần lớn dưới cơ là thuyền. Hầu hết từ 3 thuyền trở lên làm một cơ, số lượng người của một cơ đôi khi là bằng một đội. Điều này thể hiện không có sự quy định một cách rõ ràng số lượng người của thuyền, đội và cơ. Bên cạnh đó, còn có một số binh lính nằm trong các ty như ty thợ rèn, ty thợ đúc… từ 30 – 60 người làm một ty.
3 Xem Cadière, L. (2001), “Voi của vua”, tạp chí BAVH, bản dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, t.9, tr.59.
4, 9, 14, 21, 31 Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, Hà Nội, t.1, tr.43, 103, 108, 84-88.
5, 6, 30 Nguyễn Khoa Chiêm (1986, 1987), Trịnh-Nguyễn diễn chí, Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên, tập 1, 2 tr.188-189, 193, 68.
7, 11, 27 Borri, C. (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ- Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch và chú thích, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.37, 37, 40.
8, 10, 16 Lê Quý Đôn (2015), Phủ biên tạp lục, Trần Đại Vinh dịch và bổ chính, Nxb Đà Nẵng, tr.32, 32, tr.176-177.
12, 15, 20, 23, 26, 32 Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế, tr.92; 92-93, 92, 105, 93; Pierre Poivre (2008), Miêu tả xứ Đàng Trong, 1749-1750 (nhật ký hành trình của Pierre Poivre đến xứ Đàng Trong), Huỳnh Thị Anh Vân dịch, tạp chí Huế Xưa & Nay, số 87,88,89, tr.71; Cadière, L (2003), Những người châu Âu đã thấy Huế xưa: mục sư De Choisy, Sđd, tr.260.
13, 18, Hồi ký của Jean Koffler, bản dịch viết tay của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, ký hiệu VT 362, tr.5, 6.
19, 24, 25 Cận Đằng Trong Thủy , An Nam kỷ lược cảo, Bản tại bảo tàng Kyoto, bản dịch của PGS.TS. Trần Bá Chí. Tài liệu thuộc đề tài Bộ quốc sử tập XI, Đàng Trong thời chúa Nguyễn, tr.33, 30, 27.
22 Điều này giống với An Nam kỷ lược cảo, cũng viết rằng khi cần thiết voi cái cũng được huy động để ra trận.
28 Nguyễn Duy Chính tuyển dịch (2016), Đàng Trong thời chúa Nguyễn, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, tr.38.
29 Dẫn theo Litana (2014), Xứ Đàng Trong Lịch sử Kinh tế- xã hội Việt Nam thế kỷ 17-18, Nguyễn Nghị dịch, Nxb Trẻ, tr.80.
Địa chỉ liên hệ:
ThS. Đoàn Anh Thái
Mail: toivietnam.doan87@gmail.com
Sdt: 0934829357
Nguồn: Tác giả gửi bài viết đến Ban Tu thư của trang http://thanhdiavietnamhoc.com/
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Tượng binh thời chúa Nguyễn (Tác giả: ThS. Đoàn Anh Thái) |