Vài nét về lễ Đảo vũ dưới triều Nguyễn
Tác giả bài viết: LÊ THỊ AN HÒA
(Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)
TÓM TẮT
Dưới triều Nguyễn, lễ Đảo vũ được xem như là một biện pháp tích cực của nhà nước, nhằm mưu cầu “mưa thuận gió hòa”, phát triển sản xuất, đem lại cuộc sống ấm no sung túc cho dân chúng. Vì lý do đó, triều đình nhà Nguyễn tổ chức lễ thường xuyên, quy định nghi lễ rất chặt chẽ, có tính điển chế từ trung ương đến địa phương. Tìm hiểu nghi lễ này để thấy rõ hơn những đặc điểm văn hóa của xã hội nông nghiệp thời nhà Nguyễn.
Từ khóa: Đảo vũ, cầu mưa, nghi lễ, triều Nguyễn.
x
x x
Đặt vấn đề
Lễ Đảo vũ (cầu cho mưa thuận, gió hòa) là một nghi lễ gắn bó mật thiết với cư dân nông nghiệp, có nguồn gốc từ xa xưa. Dưới chế độ phong kiến, nhà nước thường xem việc tiến hành lễ Đảo vũ như là một trong những biện pháp tích cực nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Triều Nguyễn (1802- 1945) là triều đại đã thực hiện lễ Đảo vũ thường xuyên và có tính hệ thống trong phần lớn thời gian trị vì đất nước. Điều đó thể hiện sự quan tâm của nhà vua đối với sản xuất nông nghiệp và sự ổn định đời sống của người dân.
1. Ý nghĩa của lễ Đảo vũ
Dưới triều Nguyễn (1802-1945), lễ Đảo vũ được nhà vua tổ chức chủ yếu theo diễn biến của thời tiết, không có quy định cụ thể. Năm nào thời tiết khắc nghiệt, nhà vua tổ chức Đảo vũ nhiều lần, diễn ra ở nhiều nơi khác nhau. Mỗi lần gặp hạn hán, việc tổ chức lễ Đảo vũ được triều Nguyễn triển khai ngay lập tức, nhằm cầu trời mưa xuống lấy nước cho vụ mùa, đặc biệt trong những năm đại hạn (hoặc ít mưa), đe dọa làm mùa màng thất bát trong cả nước. Trong những lễ Đảo vũ của triều Nguyễn đã được ghi chép lại trong Đại Nam thực lục, mà chúng tôi đã thống kê được, thì việc cầu trời mưa, chiếm tỷ lệ đa số trong các lần làm lễ. Tuy nhiên, những năm thời tiết bất thường, mưa triền miên gậy lụt lội trên diện rộng, hoặc mưa rét dài ngày làm tổn hại đến mùa màng và việc đồng áng, thì triều đình lại tổ chức lễ cầu tạnh. Nên có thể nói, lễ Đảo vũ được nhà Nguyễn quan niệm như là một nghi lễ cầu mong trời đất “mưa thuận gió hòa”, chứ không chỉ thuần túy mang ý nghĩa “giải hạn” hay cầu mưa như cách hiểu lâu nay.
Dưới thời Gia Long, nhà vua đã bắt đầu tổ chức nhiều lễ Đảo vũ. Chẳng hạn: Năm Gia Long thứ 6 (1807), mấy tháng liền trời khô hanh, ruộng đồng nứt nẻ, cây cối cháy khô vua liền tổ chức lễ Đảo vũ và được ghi chép lại trong cuốn Đại Nam thực lục: “tháng giêng, mùa xuân trong kinh kỳ không mưa. Sai đảo vũ ở đền Thai Dương. Mưa rất to” (Quốc sử quán triều Nguyễn 2002: 687). Hoặc năm Gia Long thứ 11 (1812), vua dụ Bộ Lễ rằng: “Ở Kinh liền mấy ngày đầu năm, được liền mấy trận mưa quý, đến sau ngày mồng mười lại gặp nắng luôn, mưa xuống chưa thấm. Ngày hôm qua Trẫm thành tâm mật đảo, làm ra mấy bài thơ, nửa đêm hôm nay ơn trời được mưa chan chứa, suốt đêm đến sáng hãy còn thánh thót, Trẫm khôn xiết vui mừng, càng thêm kính sợ. Nay lúa má ở huyện, Kinh đều đã xanh tốt, không biết phía Nam phía Bắc kinh kỳ đã được truyền chỉ đi xét hỏi chuẩn cho đều cứ sự thực tâu lên, để yên lòng Trẫm” (Quốc sử quán triều Nguyễn 2004: 409).
Đến thời vua Minh Mạng, việc tiến hành lễ Đảo vũ đã dần dần có qui định về thời gian, phẩm vật và nghi lễ rõ ràng và quy củ hơn.
Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), “mùa xuân, tháng giêng, ngày Tân Sửu, tế Trời đất ở đàn Nam Giao, lễ xong, mưa to như trút nước. Trước đây trong Kinh kỳ kém mưa, nhà vua lấy làm lo, dụ rằng để sau khi tế Giao thì cầu đảo. Ngày hôm ấy mưa, người đều cho rằng lòng tin thành cảm đến trời đất”. Trong những lần cầu đảo không ứng, vua Minh Mạng thường làm thơ để tỏ thành tâm. Những bài thơ kỳ vũ, vọng vũ, khoái vũ… được vua làm rất nhiều trong Ngự chế thi. Có lần cầu đảo không được, vua liền mật đảo, làm văn khấn đốt ở chùa, lập tức linh ứng. Sách Đại Nam thực lục ghi: “từ bắt đầu sang mùa xuân đến nay, chưa được trận mưa to, phủ Thừa Thiên là Nguyễn Trọng Tân cầu đảo ở miếu Vũ sư, chưa mưa, vua sai Phủ doãn Nguyễn Văn Toán cầu đảo ở miếu Nam Hải long vương. Vua lại đảo vũ ở trong cung, đọc văn tế cầu mưa đem đốt ở trước chùa Hoành Nhân, ngay hôm sau mưa to, đồng ruộng đầm đìa, lúa tốt bật lên, lập tức phát lương lụa trong kho, sai đem đến 2 miếu lễ tạ, thưởng Nguyễn Văn Toàn kỳ lục một thứ” (Quốc sử quán triều Nguyễn 2004: 137).
Năm Minh Mạng thứ năm (1824), vua Minh Mạng ra quy định thành lệ chính thức như sau: “Từ nay, hạt nào bị hạn đến mười hai ngày, ruộng lúa dẫu chưa tổn hại cũng nên vì dân đảo vũ, ghi làm lệnh” (Quốc sử quán triều Nguyễn 1977: 64). Kể từ đây trở về sau lễ Đảo vũ được tổ chức theo điển chế nghiêm ngặt. Địa điểm thực hiện lễ Đảo vũ tại kinh đô Huế chủ yếu ở các đền thờ thần, điển hình như ở miếu Nam Hải long vương, miếu Hội đồng, đàn Xã Tắc.
Năm Minh Mạng thứ 6 (1825) “vào tháng tám tế thu ở đàn Xã Tắc, lúc này thời tiết hơi hạn hán, vua lo lắng việc làm nông, ngày tế lễ thành khẩn vái, cầu đảo, đêm đó mưa thấm ướt, vua thấy ngại mưa chưa nhiều, chưa thỏa mãn vua lại sai Phủ doãn Thừa Thiên cầu đảo tại miếu Hội Đồng” (Quốc sử quán triều Nguyễn 1974: 12).
Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), “mùa xuân, tháng 3, trước đây, trong Kinh kỳ lâu không mưa, sai Kinh doãn Phạm Khôi, Bùi Nhật Tiến, Tham tri bộ Lễ Phan Bá Đạt kế tiếp nhau cầu đảo, vẫn chưa được mưa. Đến đây, vua nhân việc tế Giao, làm lễ mật đảo, đến ngày hôm sau, mưa rất to, thấm khắp gần xa” (Quốc sử quán triều Nguyễn 2007, tập 6: 92).
Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), “mùa thu, tháng 7, ở Kinh sư mưa to. Trước đây, lúc hết hạ sang thu, trải mấy tuần không mưa, vua rất lo về việc làm ruộng, thân làm bài thơ, sai Thị lang Nội Các Lâm Duy Thiếp đem đến miếu Thành hoàng, đốt hương, tuyên đọc; lại sai Kinh doãn và Thị lang bộ Lễ Trương Quốc Dụng cầu đảo lần nữa, cũng chưa thấy ứng nghiệm. Tới đây, đổi sai Thị lang bộ Lại Phan Trứ đến đền Thai Dương phu nhân cầu đảo, đêm ấy mưa to như trút. Vua sai làm lễ tạ để đáp ơn thần. Sau đó, các địa phương đều báo tin được mưa. Vua rất mừng” (Quốc sử quán triều Nguyễn 2007, tập 6: 387).
Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), “tháng 2, trong Kinh lâu ngày không mưa. Vua đã mật đảo ở trong cung cấm, lại làm bài thơ sai quan Nội Các là Nguyễn Bá Nghi mang đến miếu Nam Hải long vương đốt đi; lại sai Đề đốc Tôn Thất Cung đến miếu Vũ sư (thần làm mưa) thành kính cầu đảo. Kinh huyện chia đi cầu đảo đền thờ thần Phụ Ổ ở núi Ngọc Trản. Đến ngày hôm sau, mưa to, mới phát hương và lụa là của trong cung, sai hoàng tử thứ mười là Phúc Tuy công đến miếu Vũ sư lễ tạ. Cũng sửa lễ tạ các đền. Thưởng cho Tôn Thất Cung và Kinh huyện kim tiền, ngân tiền và kỷ lục có khác nhau. Các tỉnh gần Kinh kỳ cũng báo được mưa. Vua phê bảo rằng: “Mưa ngọt ngấm khắp mọi nơi, lòng ta rất yên vui” (Quốc sử quán triều Nguyễn 2007, tập 6: 575).
Năm Tự Đức thứ nhất (1848), “tháng 6, Kinh sư hiếm mưa, từ tháng trước đến giờ, sai Kinh doãn là Nguyễn Công Trứ cầu đảo ở miếu Hội đồng, sau được mưa nhỏ chưa đầy phân tấc. Vua ở trong cung, thường tỏ lòng thành mật đảo. Đổi sai Bộ Lễ là Nguyễn Hanh cầu đảo ở miếu Vũ sư, chưa được mưa to. Lại đổi sai Hữu thị lang Bộ Binh là Phạm Khôi đến đảo ở đền Thai Dương phu nhân. Hôm ấy có trận mưa rào. Vua mừng, làm thơ để ghi nhớ” (Quốc sử quán triều Nguyễn 2007, tập 7: 79).
Năm Tự Đức thứ nhất (1848), “mùa thu, tháng 7, Kinh sư lại hiếm mưa, các địa phương ở 2 kỳ Nam, Bắc phần nhiều cũng báo tin ít mưa. Vua lại sai quan cầu đảo nữa và dụ sai các tỉnh thần thành kính cầu đảo, nhưng chưa được mưa. Vua rất lấy làm lo. Trương Đăng Quế, Nguyễn Tri Phương, Lâm Duy Thiếp, Nguyễn Đăng Giai, Phan Thanh Giản dâng sớ xin chịu tội”. Đại ý trong sớ nói rằng: họ làm quan nhưng chưa hết trách nhiệm, còn để dân khó nhọc, phạm hòa khí của trời, xin vua hỏi tội, để hồi lại lòng trời, sớm cho mưa xuống. “Vua xem lời tâu cũng tự nhận lỗi. Nhân dụ các đại thần lấy ý vua tôi cùng kính sợ, khuyên răn lẫn nhau. Rồi Kinh sư lại được mưa to, các tỉnh cũng tiếp tục báo tin được mưa” (Quốc sử quán triều Nguyễn 2007, tập 7: 84-85).
Năm Tự Đức thứ 9 (1856), “vua rước Thái hậu ngự chơi hành cung Thúy Vân. Khi bấy giờ, ở Kinh sư ít mưa, đã sai quan phủ Thừa Thiên cầu đảo chưa được mưa. Vua nhân đấy, vào yết chùa Thánh Duyên mật khấn cầu đảoì” (Quốc sử quán triều Nguyễn 2007: 454).
Những năm đầu 1860, Pháp xâm chiếm Nam Bộ, rồi từ đó xâm chiếm cả Việt Nam, tuy nhiên triều Nguyễn vẫn tiếp tục duy trì các buổi lễ Đảo vũ. Năm Hàm Nghi nguyên niên (1885), “tháng 9, phủ Thừa Thiên ít mưa, vua sai phủ thần đến miếu Hội đồng bày đàn cầu đảo, liền được mưa, thưởng cho Phủ thừa là Đoàn Như Bích 1 đồng kim tiền nhị nghi” (Quốc sử quán triều Nguyễn 2007, tập 9: 188).
Năm Đồng Khánh thứ nhất (1886), “tháng 3, phủ Thừa Thiên lâu không mưa, nắng lắm, dịch lệ đôi khi có phát. Vua đã sai quan phủ đến lễ cầu ở miếu Hội đồng và các đền thiêng trong hạt 6 huyện, nhiều lần (mỗi lần 3 ngày) không linh ứng. Quan phủ tâu xin chuẩn cho cầu đảo ở điện Huệ Nam, ngày hôm sau mưa xuống trận to” (Quốc sử quán triều Nguyễn 2007, tập 9: 256).
Năm Thành Thái thứ 6 (1894), “tháng giêng, ít mưa. Sai quan phủ Thừa Thiên tới các đền thờ thần linh trong hạt thành tâm cầu mưa để thỏa lòng nhà nông trông ngóng” (Quốc sử quán triều Nguyễn 2012: 210).
Năm Thành Thái thứ 14 (1902), “tháng 6, hạn hán, từ tháng 3 đến tháng 6 không mưa. Sai bề tôi Nội các soạn văn khấn tự trách, giao cho Bộ Lễ tới các linh từ thành tâm cầu đảo, lại ban dụ bố cáo cho trong ngoài: Sai Bộ Lễ thành tâm tới các linh từ đem ý trẫm kính cẩn cầu đảo, trẫm ở trong cung cũng nghĩ việc sửa lỗi hướng thiện, tĩnh tâm mật đảo, hai ba đại thần và thần thứ trong ngoài đồng lòng giúp đỡ trẫm không trễ nải, ngõ hầu được đội ơn ban phúc dời đổi thiên tai, chữa khỏi bệnh cho dân, là điều trẫm rất mong mỏi vậy. Cho Bộ Lễ sao ra cho trong ngoài cùng biết” (Quốc sử quán triều Nguyễn 2012: 422).
Năm Duy Tân thứ 6 (1912), “tháng 6, hạn hán. Kinh sư và các địa phương thành kính cầu đảo được mưa, chuẩn chiểu lệ cúng tạ” (Quốc sử quán triều Nguyễn 2012: 618).
Năm Khải Định thứ 3 (1918), “mùa thu, tháng 7, ngày 21 tháng ấy mưa. Lúc bấy giờ kinh kỳ khô hạn lâu ngày, lúa má cháy khô, dân nhiều người bệnh, vua lo lắm. Bộ Lễ xin tư cho sáu huyện tới các đền thần thành tâm cầu đảo. Đến lúc ấy được mưa liền 3 ngày, muôn vật đều tươi lại, vua cả mừng” (Quốc sử quán triều Nguyễn 2012: 211).
Như vậy, trong suốt thời kỳ trị vì của mình, nhà Nguyễn thường xuyên duy trì lễ Đảo vũ. Kể cả sau khi Pháp đã xâm chiếm Việt Nam, bắt đầu đưa vào Việt Nam những yếu tố của một xã hội hiện đại, thì lễ Đảo vũ vẫn không vì thế mà bị bỏ qua như một tập tục đã lạc hậu.
2. Thời gian và địa điểm tổ chức lễ Đảo vũ
Lễ Đảo vũ thường được thực hiện cấp thời theo sự biến thiên của thời tiết, có thể thực hiện bất kỳ lúc nào, từ tháng Giêng cho đến tháng Chạp âm lịch hàng năm(1). Lễ Đảo vũ ban đầu được tổ chức khá tùy tiện theo lệnh truyền của các vua Nguyễn, nhưng từ tháng 7 năm Giáp Thân (1824), vua Minh Mạng quy định thành lệnh chính thức với lời dụ: “Từ nay, hạt nào bị hạn đến 12 ngày, ruộng lúa dẫu chưa tổn hại cũng nên vì dân Đảo vũ, ghi làm lệnh” (Quốc sử quán triều Nguyễn 1977, tập7: 64). Tiếp đến “năm Minh Mạng thứ 7 (1826) vua ra lệnh cầu đảo tại miếu Nam Hải long vương” (Quốc sử quán triều Nguyễn 1974: 13).
Đến tháng 6 năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mạng thấy chưa có chỗ nào để thờ thần chính thống cho lễ Đảo vũ. Theo vua: “Gió hay cổ động mọi vật, mưa hay thấm nhuần mọi vật, có công cho nước rất lớn, mà từ giáo dục trước đến giờ cầu đảo chỉ dựng đàn tế, chưa có đền thờ riêng. Vậy sai hữu ty đều dựng miếu thờ” (Quốc sử quán triều Nguyễn 1977: 65). Từ đó miếu Phong Bá, miếu Vân Sư, miếu Lôi Sư được hình thành và đây là những địa điểm để triều đình tiến hành lễ Đảo vũ hàng năm. Mặc dầu đã có miếu riêng để tổ chức lễ Đảo vũ, song thỉnh thoảng các vua vẫn cho lập đàn Tam thần ở ngoài cửa Ngọ Môn, ở đàn Xã Tắc, ở miếu Hội đồng để cầu đảo. Ngoài ra lễ Đảo vũ còn được tổ chức ở những nơi linh thiêng khác như điện Hòn Chén ở núi Ngọc Trản, miếu Đô Thành hoàng, đền Trang mục, đền Quan công ở kinh đô.
Trong các địa điểm tế như đã nêu ở trên, miếu Vũ sư là nơi được lựa chọn làm lễ thường xuyên nhất. Năm Minh Mạng thứ 7, miếu này được lập nên ở địa phận xã Dương Xuân theo chỉ ý của vua là: “Thần mưa có công với nước to lắm; tuy duệ hiệu thần ấy dự bày ở đàn, mà từ trước đến giờ có việc cầu đảo, chỉ làm đàn chưa có đền riêng; vậy giao cho quan có trách nhiệm tìm chỗ đất tốt, dựng một tòa miếu thờ thần mưa, để giải tỏ lòng thành, đền đáp việc thần ban phúc” (Quốc sử quán triều Nguyễn 1993: 499). Trong miếu bày 3 án thờ: án chính giữa thờ thần mưa, án bên tả thờ thần mây, án bên hữu thờ thần sấm. Hàng năm vào hai tháng trọng xuân và trọng thu, sau khi tế đàn Xã Tắc, gặp ngày Kỷ thì tế cầu đảo vũ. Vào ngày tế, quan nhị tam phẩm ban văn khâm mạng làm lễ. Sau khi được mưa thì làm lễ tạ. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), việc cung cấp sáp vàng, dầu và chiếu cho các nơi trung tự và quần tự được đưa vào thành lệ định hằng năm. Đối với miếu Vũ sư, mỗi năm cấp: sáp 5 cân 6 lạng; dầu 98 cân 5 lạng; trừ cấp thành tiền 11 quan 9 tiền 12 đồng; chiếu 10 đôi 1 chiếc. Sau Minh Mạng, các vị vua khác của nhà Nguyễn về cơ bản vẫn tuân theo lề lối làm lễ trên.
3. Chủ lễ và những quy định nghiêm ngặt trong lễ Đảo vũ
Ở Kinh sư, người đứng ra làm lễ cầu mưa phần lớn là mệnh quan triều đình, gồm các chức quan như: Tham tri Bộ Lễ, Thị lang Nội Các, Thị lang Bộ Lễ, Kinh doãn, Thị lang Bộ Lại, Đề đốc, Tả tham tri Bộ LạiìỞ phủ Thừa Thiên và các địa hạt gần kinh đô, thì do quan phủ Thừa Thiên đảm nhận. Ở địa phương, do quan ở các vùng bị hạn đảm nhận. Trường hợp đã sai quan cầu đảo nhiều lần nhưng vẫn chưa ứng nghiệm, các hoàng tử, hoàng thân tước công cũng phải cung kính cầu đảo. Trong những trường hợp bất thường, cấp thiết, hoặc gặp đại hạn kéo dài, đã tổ chức cầu đảo nhiều lần mà vẫn không được, vua buộc phải cung đảo, đích thân đứng ra làm lễ. Trong thời gian cầu đảo, triều đình nhà Nguyễn cấm việc xử hình, sát sinh. Do đó mọi việc xử hình và giết thịt nơi chợ búa đều bị cấm tiệt. Đến khi đảo vũ thành, lệnh cấm mới được xóa bỏ.
Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), vua quy định cụ thể “Từ nay trở đi phàm gặp hạn hán đến 12 ngày, thì phải theo dụ trước đặt đàn hoặc thân đến đền thiêng, mà thành khẩn cầu đảo một lần 3 đêm, chưa được mưa thì cách 3 ngày lại cầu đảo một lần. Đảo 3 lần mà chưa thấy ứng thì thôi. Được mưa thì làm lễ tạ như lệ. Sau khi thôi đảo 3 ngày mà được mưa to thì cũng tạ. Còn việc hát xướng chèo tuồng ở trước đàn thì đều cấm” (Quốc sử quán triều Nguyễn 2004: 293).
4. Phẩm vật trong lễ Đảo vũ
Với niềm tin ở sự phù trợ của các đấng thần linh, lễ Đảo vũ không chỉ được quy định kĩ về thời gian, địa điểm tế, người đứng ra chủ trì, mà còn cả phẩm vật dâng thần. Năm 1805, vua Gia Long quy định lễ phẩm cầu mưa bao gồm: “nến, đèn dầu, hương, rượu, trầu cau, giấy vàng bạc; mỗi ngày đêm chuẩn cho 2 quan 8 tiền 38 đồng, nến sáp hạng vừa 2 đôi, mỗi đôi nặng 8 lạng, giá tiền 1 quan 5 tiền, dầu 5 đèn, mỗi cái nặng 3 lạng 5 đồng cân, giá 38 đồng; tốc hương 5 đồng cân, giá 2 tiền; trầu cau, hương, rượu, giấy vàng bạc, giá tiền cúng 3 ngày đêm, chuẩn cho 6 quan 4 tiền 54 đồng. Nếu được mưa, lễ phẩm cho lễ tạ gồm có tam sinh, xôi, nến sáp, trầu cau, hương rượu, vàng bạc, cộng 38 quan tiền; 1 con trâu lớn giá 20 quan, 1 con dê giá 5 quan, xôi 1 mâm lớn giá 1 quan, 2 mâm hạng vừa giá 5 quan, sáp vàng giá tiền 3 quan, trầu cau, hương rượu, vàng bạc giá 1 quan” (Quốc sử quán triều Nguyễn 1993: 472).
Quy định trên được áp dụng từ đó cho đến năm Minh Mạng thứ 9 (1828), lúc này lễ phẩm được quy định lại như sau: “Các tỉnh: Lễ phẩm cầu mưa tạ mưa tuân theo lệ định năm Gia Long. Các phủ huyện: Lễ phẩm cầu mưa theo lệ thành trấn. Lễ phẩm tạ mưa đổi lại gồm 1 con dê, 1 con lợn, 2 mâm xôi hạng vừa, cùng các loại nến sáp, hương rượu, trầu cau, giấy vàng bạc chuẩn cho 17 quan tiền; còn 1 con trâu và một mâm xôi hạng to thì nên bỏ bớt, để cho khác với thành trấn” (Quốc sử quán triều Nguyễn 1993: 473).
Đây chưa phải là quy định cuối cùng về phẩm vật dâng cúng thần linh, bởi đến năm 1892, niên hiệu Thành Thái thứ 4, lại ấn định: “Ở tỉnh sở tại gồm 1 con bò (50 quan), 1 con lợn (20 quan) và mâm xôi; ở các phủ huyện gồm 1 con lợn (20 quan) và mâm xôi. Còn vàng, hương, rượu và hoa quả thì nơi nào cũng vậy” (Nguyễn Sĩ Giác, 1993: 417). Như vậy, quy định về lễ phẩm, trải qua các đời vua triều Nguyễn đã được sửa đổi ít nhiều để phù hợp với từng thời kỳ.
Tương tự như lễ tế cầu mưa, lễ phẩm trong lễ cầu tạnh cũng gồm: “vàng bạc, hương nến, trầu rượu, quả phẩm. Nếu cầu được tạnh nắng, lễ phẩm cho lễ tạ gồm có hương lụa và các hạng vật tam sinh, xôi, vàng bạc, trầu rượu, đèn, chè” (Quốc sử quán triều Nguyễn 1993: 47).
Như mọi cuộc tế lễ khác, lòng chân thành được đề cao, bởi nó được cho là sợi dây giao cảm giữa trời và người. Vì vậy, sự thành công của lễ tế không chỉ có ở lễ vật mà còn ở sự hợp lực của mọi người, của lòng thành kính thiết tha để lay động đất trời.
5. Tạo “hòa khí” khi tiến hành
Những lần Đảo vũ không thành công, triều Nguyễn thường họp bàn để xác định nguyên nhân khiến ‘trời’ giáng họa, tìm mọi cách để việc cầu đảo có kết quả hơn. Các vua nhà Nguyễn thường nhìn nhận nguồn gốc của tai họa là do việc chính sự ‘có vấn đề’. Suy nghĩ này có thể thấy qua lời vua Minh Mạng bộc lộ với triều thần rằng: “Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, không ngày nào không nghĩ đến nhân dân, sao lại gặp đại hạn này? Ý giả chính trị có chỗ khuyết điểm mà sinh ra thế chăng?” (Quốc Sử Quán triều Nguyễn 1977, tập 7: 22).
Vua Minh Mạng là vị vua nhà Nguyễn quan tâm nhiều nhất đến đến việc tạo “hòa khí” với đất trời. Đại Nam thực lục ghi chép khá nhiều về việc này. Chẳng hạn: vào tháng 3 năm Giáp Thân (1824), tại kinh kỳ đã cầu đảo nhiều lần nhưng vẫn chưa thoát khỏi cơn đại hạn, vua Minh Mạng, dụ cho Bộ Hình ‘lục những án năm trước để lại, giao xuống cho đình thần xét bàn, phạm tội tình còn ngờ thì khoan giảm, tội nặng thì hoãn quyết’ (Quốc Sử Quán triều Nguyễn 2004, tập 2: 338).
Tháng 2 năm Ất Dậu (1825) “Từ đầu xuân đến nay mấy tuần không mưa, đã nhiều lần sai quan đảo vũ mà chưa được trời mưa. Trẫm ngày đêm nóng ruột, thức ngủ chẳng yên, nhân nghĩ đến việc hình ngục, hoặc có oan uổng mà đến nỗi trái hòa khí chăng. Người xưa hễ gặp đại hạn thì thân xét tù đồ, sai sứ quyết đoán, thường có khi nhân thế mà được mưa. Nay nên một phen xét lại tù đồ để nhương trừ tai biến. Vậy hạ lệnh cho Bộ Hình cùng các Nha môn xét hình ở Thừa Thiên và ba dinh trực lệ hết lòng xét các án, nếu có những người bị tội liên can, những người chứng bị đòi bắt, thì cho dân bảo lĩnh về để đợi án; các án tạp phạm như xuy trượng trở xuống thì nên cho qua ngay cho hết án đọng, để cầu phúc trời” (Quốc sử quán triều Nguyễn 2004, tập 2: 401-402). Không chỉ ngay tại kinh đô và các dinh trực lệ, mà các địa phương xa xôi khác khi đảo vũ chưa thành cũng đều đem việc hình ra xét lại và khoan giảm.
Ngoài ra, trong những thời điểm đang tiến hành lễ Đảo vũ, nhà Nguyễn quy định miễn các phiên chầu trong triều; Nha môn ở kinh và các tỉnh đều đình hoãn việc xét xử thi hành án; các việc công ở các sở cũng đều tạm ngưng hoạt động,… nhằm giúp cho việc cầu đảo được thành.
Trong các biện pháp ngõ hầu tạo ra “hòa khí” để xoay chuyển tình thế khi đảo vũ, bên cạnh việc điều chỉnh chính sự của nhà nước, triều Nguyễn còn thực thi một số biện pháp phụ trợ khác như thả cung nữ, cấm sát sinh, thả chim…
Tháng 1 năm Ất Dậu (1825), do tình trạng không mưa đã quá lâu, cầu đảo mãi không xong, vua Minh Mạng bảo với triều thần rằng: “hai ba năm nay đại hạn luôn, trẫm nghĩ chưa rõ vì cớ gì. Hay vì con gái bị giam hãm trong cung nhiều, nên khí âm uất tắc mà đến thế chăng? Nay đàn bà con gái trong cung cũng không nhiều lắm, song tạm lựa cho ra 100 người, may ra tai biến bớt chăng?”. Đến tháng sau, triều đình còn quy định những ngày làm lễ Đảo vũ đều “không được sát sinh để cảm lòng trời” (Quốc sử quán triều Nguyễn 1977, tập 7: 122). Thậm chí, có năm do địa hạn kéo dài, đảo vũ chưa ứng nghiệm, vua Minh Mạng còn cho giảm bớt món ăn của mình, và thả hết chim muông ở vườn Cấm uyển (Quốc sử quán triều Nguyễn 2004: 617).
Ngoài ra, mỗi khi đảo vũ bất thành triều Nguyễn thường đề ra những biện pháp khắc phục thiết thực để giảm bớt đau khổ cho dân, như giảm thuế, phát chẩn cứu đói, điều chỉnh công tác sản xuất, kêu gọi khai hoang trồng rau màu ngắn ngày…
Thay lời kết
Triều Nguyễn đã xem việc đảo vũ là một hoạt động chính thức và thực hiện thường xuyên, như là một biện pháp để bảo vệ, phát triển sản xuất và đảm bảo đời sống của nhân dân. Mục đích của đảo vũ, và các tình huống xử lý của triều Nguyễn chung quanh vấn đề cầu đảo thể hiện rõ tinh thần trọng nông và sự quan tâm của triều đại đối với một trong bốn tai ương lớn nhất của quốc gia là ‘Thủy, hỏa, đạo, tặc’, theo quan niệm lúc bấy giờ. Lễ Đảo vũ mang yếu tố tâm linh nhằm đáp ứng nguyện vọng về tinh thần của người nông dân dưới chế độ phong kiến, trong điều kiện nền sản xuất còn thấp kém, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Sự chú trọng của nhà Nguyễn đối với lễ Đảo vũ cũng cho thấy nhận thức và năng lực trị thủy của triều đình thời kỳ này chưa có sự tiến bộ. Bên cạnh đó nó cũng phản ánh ảnh hưởng sâu đậm và lâu dài của tư tưởng Nho giáo trong triều đình và xã hội Việt Nam thời cận, hiện đại.
Chú thích:
(1) Thống kê theo các tập Đại Nam thực lục.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Lê Quang Thái. 1993. “Lễ tế các vị thần liên quan đến nông nghiệp. Tạp chí Sông Hương, số 6.
2. Nguyễn Sĩ Giác. 1993. Đại Nam điển lệ toát yếu. TPHCM: Nxb.TPHCM.
3. Nội các triều Nguyễn. 1993. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Huế: Nxb. Thuận Hóa.
4. Quốc sử quán triều Nguyễn. 1974. Đại Nam thực lục. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn. 1974. Minh Mạng chính yếu, tập 3. Hà Nội: Nxb. Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn. 1977. Đại Nam thực lục, tập 7. Hà Nội: Nxb. Khoa học
Xã hội.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn. 2004. Đại Nam thực lục, tập 3, 5. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn. 2007. Đại Nam thực lục, tập 5. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.
9. Quốc sử quán triều Nguyễn. 2012. Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ phụ biên (Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu). TPHCM: Nxb. Văn hóa – Văn nghệ.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội, số 12, (220) 2016
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Vài nét về lễ Đảo vũ dưới triều Nguyễn (Tác giả: Lê Thị An Hòa) |