Văn bia thời Trần ở Ninh Bình

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  NGUYỄN KIM MĂNG
(Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

        Ninh Bình là mảnh đất địa linh nhân kiệt lại nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, có thể nói bất cứ ngọn núi nào ở nơi đây đều được khắc thơ văn, đó cũng là một trong những lý do khiến cho mảnh đất này còn lưu lại được gần 900 văn bia. Không nhiều về số lượng mà rất đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, đặc biệt chúng có niên đại kéo dài, liên tục suốt gần 1.000 năm, điều mà ít vùng có được. Văn bia sớm nhất được biết đến là các cột kinh Phật ở Hoa Lư do Đinh Liễn cho khắc vào thế kỉ thứ X (968 – 979), sự có mặt của chúng là vô cùng ý nghĩa, nó đánh dấu sự ra đời của loại hình văn bia ở Việt Nam. Muộn nhất là hệ thống bia thời Nguyễn, kết thúc là những bia mang niên hiệu Bảo Đại (1925-1945), lác đác có bia được lập sau Cách mạng Tháng 8. Trong bài viết này chúng tôi đi sâu trình bày về toàn bộ hệ thống văn bia mang niên đại thời Trần trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, trong đó có một số bia lần đầu được giới thiệu.

1. Văn bia niên đại thời Trần đã được công bố giới thiệu

     – Trong kho thác bản: Theo cuốn Văn khắc Hán Nôm Việt Nam thời Trần (1226-1400), quyển thượng và quyển hạ do Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Trường Đại học Trung Chính Đài Loan thực hiện, xuất bản năm 2002 đã công bố 44 bản văn khắc trong đó có 36 bia, 1 mộc bài và 7 văn chuông, trong cuốn sách trên Ninh Bình có 9 bia, bao gồm:

     Bia số 2, Cô Phong sơn ma nhai / 孤 峰 山 摩 崖 N029163 (tập 1, tr.33).

     Bia số 3, A Nậu tự tam bảo điền bi / 阿 耨 寺 三 寶田 碑 N05756 (tập 1, tr.45).

     Bia số 19, Dục Thúy sơn Linh Tế tháp kí / 浴 翠 山 灵 濟 塔 記 N030256 (tập 1, tr.327).

     Bia số 21, Thái thượng Hoàng đế thánh chỉ /太 上 皇 帝 聖 旨N030258; 29114 (tập 1, tr.353).

     Bia số 23, Hưng Phúc tự ma nhai /興 福 寺 摩 崖 N019162 (tập 2, tr.379).

     Bia số 27, Hiển Diệu tháp bi / 顯 耀 塔碑 N021404; 33098 (tập 2, tr.488).

     Bia số 34, Thiên Tôn động ma nhai / 天尊 洞 摩 崖 N05751; 29267 (tập 2, tr.595).

     Bia số 35, Đăng Dục Thúy sơn lưu đề / 登 浴 翠 山 留 題 N030257; 29109 (tập 2, tr.608).

     Bia số 42, Vĩnh Báo tự bi 永 報 寺 碑 N038993 (tập 2, tr.723)

     Bia Nhất kí Thiên Long tự thường trụ tam bảo vật / 一 記 天 龍 寺 常 住 三 寶 物 N0 29122, mang niên đại Thiệu Phong thứ 3 (1343) do Nguyễn Kim Măng giới thiệu trong bài Những cứ liệu đời Trần trong tấm bia ma nhai trên núi Dục Thúy, đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 6/2011.

– Trong thư tịch: trên thực tế có nhiều bia hiện vật do mưa nắng lâu ngày, bản rập lại mới được sưu tầm trong thời gian gần đây, nên nhiều chữ bị mờ mòn gần hết, hoặc có trường hợp trên thực địa bia đã bị mất từ lâu, kho thác bản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng không có, thật may chúng được ghi lại trong sách vở. Với hơn năm ngàn đầu sách được giới thiệu trong cuốn Di sản Hán Nôm Việt Nam Thư mục đề yếu qua khảo sát có 138 cuốn ghi nội dung văn bia, văn bia Ninh Bình được ghi lại ở 25 cuốn, trong đó có 10 cuốn ghi nội dung văn bia thời Trần ở Ninh Bình, cụ thể gồm:

     Dục Thúy sơn Linh Tế tháp kí / 浴 翠 山 靈 濟 塔 記 kí hiệu A.1351 (tờ 2b-4b).

     Quốc triều thi văn tạp kí / 國 朝 詩 文 雜 記 kí hiệu VHv.403 (tờ 22a -23b, tờ 25a).

     Thế thứ kiến văn tùng kí / 世 次 見 文 叢 記 kí hiệuA.326 /2 (tờ 41b-43b, tờ 44a).

     Thí pháp bệnh điền bi văn / 施 法 病 田 碑 文 kí hiệu A.1349 (từ 1a-15b).

     Hoàng Việt văn tuyển / 黃 越 文 選 kí hiệu A.3163 /1 (tờ 30a-31b).

     Hoàng Việt thi tuyển / 黃 越詩選 kí hiệu VHv.1477, A.3162/1 (tờ 14b).

     Ninh Bình sự tích / 寧 平 事 跡 kí hiệu A.1406 (tờ 35a-37b tờ 40a).

     Toàn Việt thi lục / 全 越 詩 錄 kí hiệu A.132 /1 (tờ 86a-b).

     Thúy Sơn thi hành tạp sao / 翠 山 詩 行 雜 抄 kí hiệuA.1992 (tờ 36a-37b tờ 40a).

     Đáng chú ý nhất là cuốn Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biện / 寧 平 全 省 地 誌 考 辨 kí hiệu A.922 (tờ 134b-136b; 106a-108a) chép 2 bài văn bia thời Trần là Trùng tu Dục Thúy sơn Linh Tế tháp kí / 重 修 浴 翠 山 靈 濟 塔 記 (Thiệu Phong thứ 3) của Trương Hán Siêu, đặc biệt là bài Trường An phủ Yên Đăng hương Lưu Quân sơn thủy báo ân viện minh / 長 安 府 安 登 鄉 劉 君山 水 報 恩 院 銘, trong đó phần ghi niên đại và người soạn rất rõ ràng: 皇 越 昌 符 七 年 癸 亥 臘 月初 七 日翰 林 院 大 學 士 胡 宗 鷟 撰 / Ngày 7 tháng Chạp năm Quý Hợi niên hiệu Xương Phù thứ 7 (1383), do Hàn lâm viện Đại học sĩ Hồ Tông Thốc soạn. Theo một số tài liệu liên quan đến Hồ Tông Thốc cho biết vào niên hiệu Triệu Khánh, đời Trần Nghệ Tông (1370-1372) Hồ Tông Thốc thi đỗ Trạng nguyên và giữ chức An phủ sứ, đến niên hiệu Xương Phù đời Trần Phế Đế (1377-1388) ông được thăng chức Hàn lâm Đại học sĩ, khi Hồ Quí Ly lên nắm quyền hành (1400-1407) ông chính thức lui về ở ẩn, hưởng thọ hơn 80 tuổi.

     Nội dung văn bia cho biết về chủ nhân và thời gian xây dựng ngôi chùa Báo Ân là “ông Lưu quân người hương Yên Đăng truyền đời làm tướng, vất vả vì việc nước, không chăm lo được cho cha mẹ, vì vậy thấy vua mà nghĩ đến song thân, vì trung mà nhớ đến chữ hiếu, bèn đem sản nghiệp của mình và tiền nhân để lại lập ngôi tư viện trên mảnh đất cũ ở hướng ấy, bên cạnh núi Dục Thúy. Chùa được khởi công vào mùa xuân năm Nhâm Tuất, hoàn thành vào mùa đông năm Quí Hợi”. Bia Trường An phủ Yên Đăng hương Lưu quân sơn thủy báo ân viện minh /長 安 府 安 登 鄉 劉 君山 水 報 恩 院 銘, đã được Trần Thị Kim Anh giới thiệu trong bài Văn bia của Hồ Tông Thốc – Thêm một văn bia thời Trần, đăng trên Thông báo Hán Nôm học 2010.

     Như vậy, hiện nay số văn bia thời Trần của Ninh Bình đã được công bố, giới thiệu là 11 bia, trong số đó 2 bia còn nghi ngờ về mặt niên đại (1) .

2. Văn bia niên đại thời Trần phát hiện thêm

     Qua kết quả khảo cứu gần 900 văn bản văn bia trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, chúng tôi đã tìm được 6 văn bản có những cứ liệu xác đáng cho phép đoán định chúng thuộc bia mang niên đại Trần, bao gồm:

     Bia thứ nhất Vô đề kí hiệu N029120. Bia khắc trên vách núi Dục Thúy, thuộc thành phố Ninh Bình, bia được đặt trong một khung chữ nhật khổ 90x80cm, mặt đá có nhiều vết nứt tự nhiên, cỡ chữ to nhỏ không đều nhau, không trang trí hoa văn, toàn bộ văn bản ước khoảng 500 chữ. Bia không ghi người soạn nhưng có niên đại rõ ràng 昌 符 九 年 乙 丑 歲 十 一 月 初 十 日 / Ngày 10 tháng 11 năm Ất Sửu niên hiệu Xương Phù thứ 9 (1385) [đời vua Trần Phế Đế]. Nội dung cho biết số ruộng được công đức vào hai ngôi chùa lớn nổi tiếng thời bấy giờ là chùa Sơn Thủy và Kim Cương với tổng diện tích gần 40 mẫu. Bia ghi một số chức quan như Trung phẩm đường/中 品 堂; Tri xã/ 知 社 và Trưởng đường/ 長 堂; trong đó chưa rõ chức 長 堂/ Trưởng đường là chức quan từ thời nào, nhưng nó được xuất hiện trong bia Bia số 42, Vĩnh Báo tự bi 永 報 寺 碑 N038993 niên hiệu Quang Thái thứ 5 (1392) (tập 2, tr.723). Bia có một số chữ viết theo lối kiêng húy thời Trần gồm chữ Nguyệt/ (1 lần) chữ Nam với các tự dạng/ (3 lần) và chữ Bính 丙/ sử dụng đồng nghĩa (1 lần).

     Bia thứ hai Vô đề, kí hiệu N029109 ở vách núi Dục Thúy, thuộc thành phố Ninh Bình. Bia được nằm trọn vẹn trong một khung chữ nhật khổ 120x90cm, mặt đá lồi lõm và có nhiều vết nứt chân chim, cỡ chữ to nhỏ khác nhau. Toàn bộ văn bia có 24 dòng, trong đó 6 dòng chữ khắc to hơn là nội dung bài thơ của Hiệp Thạch Phạm Sư Mạnh. Bài thơ này được khắc trong dịp tác giả hộ giá nhà vua đi qua bến Nha Đầu, khi nghỉ ngơi dừng thuyền lên ngắm cảnh núi Dục Thúy. Tuy trong cùng một mặt phẳng nhưng được chia thành 3 đoạn với nội dung khác nhau. Đoạn thứ nhất ghi niên đại 大 治 八 年 乙 巳 歲 四 月 初 一 日 / Ngày 1 tháng 4 năm Ất Tỵ niên hiệu Đại Trị thứ 8 (1365) bia chỉ đơn thuần ghi việc các thiện tín công đức ruộng vào chùa Sơn Thủy và chùa Đại Bi cúng dường Tam bảo, trong đó có cả những người thuộc dòng tôn thất như Công chúa Huệ Thục đã cúng ruộng và 5 người nô bộc vào chùa Sơn Thủy làm vật lưu thông Tam bảo là để trông nom chùa thay con cháu phụng sự hương hỏa. Đoạn này có một số chữ viết theo lối kiêng húy thời Trần như chữ Nguyệt/ (2 lần), Nam/ (2 lần), Bính/ 丙 (6 lần). Bia có nhiều địa danh cổ như xã Áng / 盎 社, lộ Đại Hoàng/ 大 黃 路 (nay thuộc đất Ninh Bình), xã Đa Giá/ 多 稼 社, lộ Trường Yên/ 長 安 路 (nay thuộc đất Ninh Bình).

     Văn bia cũng xuất hiện một số chức quan như: Thượng tướng Thượng phẩm minh tự / 上 將 上 品 明 字 trong đó sách Đại Việt sử kí toàn thư (BK.q2,13a) cho biết chức Thượng tướng được vua Lý Thái Tông ban cho cha sinh ra Hoàng hậu họ Đinh là Ngô Thượng làm Khương quốc Thượng tướng, là chức tản quan hàng võ, sách An Nam chí lược ghi Thượng phẩm Minh tự / 上 品 明 字 thời Trần người tôn thất được phong tước vương hoặc tước quận vương, còn phong cho các quan văn võ thì có chức thứ bậc như Quốc công, Thượng hầu, quan Nội hầu, quan Phục hầu, Khai huyện bá, Nội minh tự và Thượng phẩm (q14, mục Quan chức). Như vậy, phần nội dung có thể khẳng định đây là một bia riêng, hoàn toàn tách biệt với bia do Phạm Sư Mạnh soạn. Vì trước nay chúng ta đều biết đến bài thơ Vô đề của Phạm Sư Mạnh được khắc trên núi Dục Thúy mà không mấy ai biết đến đoạn văn khắc về ruộng đất này. Đoạn thứ 3 ghi về ruộng đất có niên đại 紹 治 八 年 / Niên hiệu Thiệu Trị thứ 8 (1848).

     Bia thứ ba Thí tế bệnh điền bi/ 施 濟 病 田 碑, kí hiệu N029097, khắc trên vách núi Dục Thúy thành phố Ninh Bình, kích thước 120x100cm, mặt đá lồi lõm có nhiều chữ mờ, toàn bộ văn bia khoảng 1.300 chữ. Bia có nội dung khá đặc biệt đó là toàn bộ số ruộng do các thiện tín cúng đều được dùng vào việc chữa bệnh cho dân chúng. Như chúng ta đã biết thông thường ruộng của nhà chùa hoặc ruộng được cúng vào chùa phần lớn là ruộng 三寶 (Tam bảo), hoặc ruộng 寄 忌 (gửi giỗ), nhưng thông qua nội dung tấm bia này đã cho chúng ta biết thêm một loại ruộng gắn với nhà chùa đó là 濟 病 田 (ruộng chữa bệnh), số ruộng được cúng gồm 24 mẫu. Bia không ghi niên đại, không ghi người soạn nhưng xuất hiện các chữ Nam / (3 lần), chữ Bính / 丙 (21 lần) được viết theo lối kiêng húy của thời Trần. Theo Ngô Đức Thọ “chữ Nam / 南 theo lệ kiêng húy đời Trần, ngoài cách viết bớt nét mà chúng ta đã biết, còn được kiêng húy bằng cách dùng chữ đồng nghĩa Bính / 丙 để thay thế…”2.

     Văn bia cũng cung cấp được nhiều địa danh hành chính cổ từ cấp trung ương cho tới địa phương như xã Yên Đăng/ 安 登 社 (nay thuộc tỉnh Ninh Bình); xã Đa Giá 多 稼 社 (nay thuộc tỉnh Ninh Bình); xã Cá Đô/ 个 都 社 (không rõ); hương Ô Mễ/烏 米 鄉 (không rõ); phủ Thanh Hóa/ 清 化 府 (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa).

     Đặc biệt trong bia có nhắc đến lộ Ứng Phong / 應 峰 路, như chúng ta đã biết lộ là đơn vị hành chính thời Lí Trần, sách Đại Việt sử kí toàn thư cho biết: “Mùa xuân tháng 2, chia nước làm 12 lộ” [BK, q5, 13b] bao gồm các phủ lộ: Thiên Trường, Long Hưng, Quốc Oai, Bắc Giang, Hải Đông, Trường Yên, Kiến Xương, Hồng, Khoái, Thanh Hóa, Hoàng Giang và Diễn Châu. Nhưng trong sách An Nam chí lược [mục Quận ấp, q1, tờ 17a] của Lê Trắc lại đưa ra một danh sách 14 phủ lộ như sau: Đại La Thành lộ, Thiên Trường, Long Hưng, Bắc Giang, Trường Yên, Hồng, Khoái, Quy Hóa giang lộ, Tuyên Hóa giang lộ, Đà Giang lộ, Lạng Châu giang lộ, Như Nguyệt giang lộ, Nam Sách giang lộ và Đại Hoàng giang lộ. Trong đó có 8 phủ lộ không trùng. Như vậy số phủ lộ của thời Trần có thể sẽ nhiều hơn con số 12 mà Đại Việt sử kí toàn thư đã nêu và có lẽ Ứng Phong lộ / 應 峰 路 là một lộ cuối thời Trần chúng ta chưa được biết chăng?

     Trên bia ghi một số chức quan được tồn tại dưới thời Lí – Trần, chúng được chép lại trong An Nam chí lược (q14, mục Quan chức) gồm Cung thị vệ nhân Hỏa đầu tu/ 宮 侍 衛 人 火 頭 須. Sách An Nam chí lược (q14, mục Quan chức) cho biết, trong Cận thị quan có sự khác biệt giữa Thị vệ nhân Thị vệ nhân dũng giả/ 侍 衛 人 侍 衛 人 勇 者 và Thị vệ nhân hóa đầu/ 侍 衛 人 化 頭. Trong đó, căn cứ theo bia văn và các tài liệu khác thì Thị vệ nhân dũng giả thường được viết là Dũng thủ/ 勇 首, Hóa đầu/化 頭 phần lớn được dùng là Hỏa đầu/ 火 頭, thời Lí chức Hỏa đầu có ý như chức Đội trưởng.

     Chức Thân vương ban / 親 王 班 trong quan chế nhà Trần Thân vương ban đứng sau hàng Đại liêu. 下 品 奉 御 / Hạ phẩm phụng ngự, là một chức trong Cận thị quan gồm Thượng phẩm phụng ngự, Trung phẩm phụng ngự và Hạ phẩm phụng ngự.

     Còn lại các chức Nhập nội Thiếu bảo / 入 內 少 保, Trung phẩm/ 中 品, Hàn lâm thư hỏa dũng thủ / 翰 林 書 火 勇 首, Đại văn công/ 大 文 公, Tiểu văn công/ 小 文 公, Tiểu dưỡng nhi lệnh hỏa đầu/ 小 養 兒 令 火 頭… tuy không thấy nhắc tới trong An Nam chí lược nhưng chúng đều được xuất hiện ở các bia mang niên đại thời Trần trong cuốn Văn khắc Hán Nôm Việt Nam thời Trần. Căn cứ vào các cứ liệu đã nêu, có thể đoán định văn bia được dựng vào thời Trần khoảng từ (1299 – 1395).

     Bia thứ tư Vô đề kí hiệu N029113, bia ma nhai khắc trên vách núi Dục Thúy thành phố Ninh Bình, kích thước 80x60cm, không trang trí hoa văn, toàn bộ ước khoảng 500 chữ. Bia chỉ ghi niên đại can chi 乙 丑 年 十 月 十 五 日 銘 / Bia khắc vào ngày 15 tháng 10 năm Ất Sửu. Nội dung chỉ đơn thuần ghi việc cúng ruộng vào chùa viện Đại Bi – chùa Sơn Thủy để phụng sự việc hương đèn, số ruộng hơn 50 mẫu. Trong bia có các chức quan như: Giám hỏa tri sổ/監 火 知 數; Á thượng phẩm/ 亞 上 品; Tỷ đô/ 妣 都; Á hầu/ 亞 侯. Trong đó chức Á thượng phẩm/ 亞 上 品 được Đại Việt sử kí toàn thư (BK, q2, 29b) cho biết: “Năm Đinh Mão niên hiệu Thiệu Long thứ 10 (1267) định lệ ấm phong cho Hoàng tông, cháu 3 đời phong hầu và quận vương, 4 đời phong tước Minh tự, 5 đời Thượng phẩm”.

     Bia có một số địa danh trên địa bàn rộng từ đơn vị từ cấp phủ, lộ cho tới cấp làng xã như phủ Thanh Hóa/ 清 化 府, lộ Trường Yên/ 長 安 路, hương Hà Dương/ 河 陽 鄉, xã An Phúc/ 安 福 社, xã Lê Xá/ 黎 舍 社, làng Thượng Mỗ/ 上 姥 廊. Theo các tài liệu địa chí cho biết phủ Thanh Hóa/ 清 化 府 thời Lí, thời Đinh – Lê gọi là Ái Châu, cuối đời Trần, Hồ Quí Ly gọi là trấn Thanh Đô, đời Trần đổi làm Thanh Hóa (nay thuộc đất tỉnh Thanh Hóa). Lộ Trường Yên sách Đại Nam nhất thống chí [tỉnh Ninh Bình, Phận dã, tr.8-13] ghi “đời Lý gọi là phủ Trường Yên, lại gọi là Đại Hoàng châu. Đời Trần đặt làm lộ Trường Yên, niên hiệu Quang Thái thứ 10 (1397) đổi lộ Trường Yên làm trấn Thiên Quan, đời thuộc Minh gọi là châu Trường Yên. Đời Lê vào niên hiệu Thiệu Bình chia châu Trường Yên làm 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan. Nhà Mạc đem 2 phủ Trường Yên, Thiên Quan làm thành Thanh Hoa ngoại trấn và gọi là Trường Yên. Gia Long đời Nguyễn đổi làm ngoại trấn Thanh Bình đạo thuộc về Thanh Hóa. Niên hiệu Minh Mạng 2 thứ (1821) đổi phủ Trường Yên thành phủ Yên Khánh. Xã Lê Xá thời Trần thuộc đất 2 huyện Lê Gia và Uy Viễn, thời Nguyễn xã Lê Xá thuộc tổng Lê Xá huyện Gia Viễn, ngày nay thuộc địa phận xã Gia Sinh huyện Gia Viễn.

     Bia có chữ kiêng húy thời Trần gồm chữ Nguyệt / (3 lần), chữ Bính / 丙 (6 lần). Theo ĐVSKTT [BK, q4, tờ 5b] cho biết vào niên hiệu Hưng Long thứ 7 (1299) vua xuống chiếu húy 10 chữ trong đó có chữ Nguyệt /月và chữ Nam / 南. Cũng theo ĐVSKTT [BK, q8, tờ 25a] niên hiệu Quang Thái thứ 8 (1395) đã dỡ bỏ lệnh kiêng húy đối với 2 chữ húy trên. Căn cứ vào thời điểm kiêng húy có hiệu lực đối với chữ chữ Nguyệt /月 và chữ Nam /南 thì thời Trần có 2 năm Ất Sửu đó là năm 1325 (đời Trần Minh Tông, có niên hiệu Khai Thái) và năm 1385 (đời Trần Phế Đế có niên hiệu Xương Phù). Như vậy, căn cứ vào chữ húy, tên địa danh, các chức quan và địa danh được ghi bằng can chi từ đó có thể xếp bia N029113 thuộc nhóm bia thời Trần với khung niên đại từ 1325-1385.

     Bia thứ năm Vô đề, kí hiệu N029110, bia khắc trên vách núi Dục Thúy, thành phố Ninh Bình, kích thước 100x30cm, không trang trí hoa văn, toàn bộ văn bia khoảng 300 chữ. Nội dung ghi việc nhà sư Thuần Trí và Sung nghi cung Thái đường là Phạm Khố Mộc cùng nhau cúng ruộng, đất vào chùa Sơn Thủy để gửi giỗ cho cha mẹ mình. Bia không ghi người soạn và không có niên đại rõ ràng, nhưng chúng có những chứng cứ để cho phép chúng tôi đoán định bia N029110 thuộc nhóm bia thời Trần có khung niên đại từ 1299 -1395.

     Đó là sự xuất hiện các đơn vị hành chính như phủ Kiến Xương / 建 昌 府 địa danh có từ cuối thời Trần, nhà Hồ gọi là Kiến Hưng, đến nhà Nguyễn gọi là Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Thái Bình). Hương Gia / 嘉 鄉, lộ Thiên Trường / 天 長 路 là một lộ có từ cuối đời Lý, đến cuối thời Trần Hồ Quí Ly gọi là lộ Thiên Trường (nay là tỉnh Nam Định).

     Bia có chữ Bính /丙(6 lần) dùng thay thế cho chữ Nam /南 và thời điểm chúng có hiệu lực được tính từ năm 1299 đến năm 1395.

     Bia thứ sáu Vô đề, kí hiệu N033099, bia được khắc bên cạnh bia Hiển Diệu tháp bi 顯 耀 塔 碑 N021404; 33098 có niên hiệu Đại Trị thứ 10 (1367) ở chùa Kim Cương, thôn Áng Sơn, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư. Bia có kích thước 40x25cm, không trang trí hoa văn, toàn bộ văn bia chỉ có 62 chữ. Nội dung ghi việc Thượng phẩm Trương Khánh Giảm cúng ruộng vào chùa Kim Cương để làm ruộng chữa bệnh. Bia có chữ Bính / 丙 (1 lần) dùng để thay thế cho chữ Nam / 南, chữ Nguyệt/ được viết theo lối kiêng húy. Trên bia cho biết việc công đức được thực hiện vào năm can chi Quí Hợi, như vậy cùng với thời gian chữ Nam/ 南 chữ Nguyệt/月có hiệu lực được tính từ 1299-1395, trong khoảng này nhà Trần chỉ có một Quí Hợi duy nhất là niên hiệu Xương Phù thứ 7 (1383), có lẽ đây cũng chính là niên đại chính xác của văn bản.

Vài nhận xét về nhóm bia mới phát hiện bổ sung

     Số bia trên tuy chỉ có nội dung đơn thuần ghi về ruộng đất, nhưng qua kết quả khảo cứu, chúng đều có những đặc điểm chung và đó chính là cơ sở để chúng tôi xếp chúng vào nhóm bia mang niên đại thời Trần như:

     Chữ húy: trên nhóm bia đều xuất hiện các chữ húy mang nét đặc trưng của thời Trần đó là thời điểm chữ Nam / 南 và Nguyệt /月 có hiệu lực, chúng có tần số xuất hiện khá nhiều, qua đây chúng tôi xin cung cấp thêm tự dạng khác của những chữ húy này.

     Chữ Nôm: các văn bia trên đều viết theo kiểu chữ Hán xen lẫn chữ Nôm, trong đó chữ Nôm phần lớn là những chữ đơn được cấu tạo theo kiểu mượn nguyên chữ Hán và đọc theo âm Việt hoặc âm Hán – Việt, hoặc lấy chữ có phụ âm đầu được ghép bằng hai chữ Hán với nhau để biểu đạt một tiếng, dùng để ghi tên người và tên địa danh, chúng mang những dấu vết phụ âm đầu trong tiếng Việt cổ. Đó là những bằng chứng hết sức quí giá đối với các nhà nghiên cứu ngữ âm lịch sử, nó phản ánh giai đoạn đầu của quá trình hình thành và phát triển chữ Nôm dân tộc, một thời kì còn quá ít tư liệu.

    Địa danh và chức quan: Nhóm văn bia có nhiều chức quan và địa danh hành chính trên phạm vi rộng đã được sử sách ghi lại là phủ, lộ có từ thời Lý – Trần.

    Niên đại: trong nhóm bia trên có trường hợp được ghi niên đại rõ ràng, có trường hợp chỉ ghi niên đại bằng năm can chi hay hoàn toàn không ghi niên đại thì qua kết quả khảo sát cho biết chúng đều là những bia xuất hiện vào cuối thời Trần từ 1299-1395.

Lời kết

     Từ kết quả khảo sát toàn bộ văn bia Ninh Bình từ nguồn thác bản, văn bia hiện vật đến ghi chép trong sách vở, vào thời điểm hiện tại chúng tôi đã tổng hợp và thống kê được 17 văn bia mang niên hiệu thời Trần. Bằng việc xác định niên đại của từng tấm bia, trên cơ sở đó có thể cung cấp nguồn tư liệu cho các nhà nghiên cứu về phương diện lịch sử, chế độ ruộng đất, lịch sử Phật giáo, tổ chức hành chính, quan chế và ngôn ngữ… của thời Trần, một thời kì còn hiếm tư liệu.

     Chú thích:

     (1) Theo kết quả đã được công bố gần đây một số ý kiến cho rằng 2 trong số 9 bia trong cuốn Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (thời Trần), Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Trường Đại học Trung chính Đài Loan hợp tác xuất bản không thuộc bia thời Trần.

     Trường hợp thứ nhất: Bia số 2, Cô Phong sơn ma nhai / 孤 峰 山 摩 崖 N0 29163 (tập 1, tr.33) không thuộc bia thời Trần. Tác giả Trần Thị Tiệp trong bài Về tấm bia Kiến Gia thời Lý ở Ninh Bình đăng trong Thông báo Hán Nôm học 2003, đã xếp bia này thuộc bia thời Lý (năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Kiến Gia 1222, đời vua Lí Huệ Tông).

     Trường hợp thứ hai: Bia số 3, A Nậu tự tam bảo điền bi / 阿 耨 寺 三 寶 田 碑 N0 5756 (tập 1, tr.45), tác giả Đinh Khắc Thuân trong bài Đặc trưng văn bản văn bia Lí – Trần và vấn đề niên đại của bia A Nậu tự tam bảo điền bi, đăng trong Tạp chí Hán Nôm số 4/2003 cho rằng là bia thời Mạc.

Tài liệu tham khảo Tiếng Việt

     1. Đại Việt sử kí toàn thư, Nxb. KHXH, H. 1998.

     2. Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Ninh Bình, Nha văn hóa Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, 1969.

     3. Trần Thị Kim Anh: Văn bia của Hồ Tông Thốc – Thêm một văn bia thời Trần, in trong Thông báo Hán Nôm học năm 2010.

     4. Lê Thị Liên: Những tấm bia đá thời Trần ở núi Non Nước. Luận văn Khảo cổ học, 1989.

     5. Nguyễn Kim Măng: Những cứ liệu đời Trần trong tấm bia ma nhai trên núi Dục Thúy, Tạp chí Hán Nôm, số 6/2011.

     6. Trần Nghĩa – François Gros (chủ biên): Di sản Hán Nôm Việt Nam – Thư mục đề yếu, tập 1, Nxb. KHXH, H. 1993.

     7. Trần Thị Tiệp: Về tấm bia Kiến Gia thời Lí ở Ninh Bình, Thông báo Hán Nôm học năm 2003.

     8. Đinh Khắc Thuân: Đặc trưng văn bản văn bia Lí – Trần và vấn đề niên đại của bia A Nậu tam bảo điền bi, Tạp chí Hán Nôm, số 4/2003.

     9. Ngô Đức Thọ: Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại, Nxb. Văn hóa, H. 1997.

     10. Ngô Đức Thọ: Chữ Nam / 南 viết kiêng húy và vấn đề niên đại của chuông Vân Bản. Tạp chí Hán Nôm, số 2 /1997.

     11. Lê Trắc: An Nam chí lược, Nxb. Thuận Hóa, H. 2002.

     12. Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (thời Trần), Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Trường Đại học Trung chính Đài Loan hợp tác xuất bản, 2002.

Tài liệu tham khảo Hán Nôm

     13. Dục Thúy sơn Linh Tế tháp kí / 浴 翠 山 靈 濟 塔 記 A.1351.

     14. Quốc triều thi văn tạp kí /國 朝 詩 文 雜 記 VHv.403.

     15. Thế thứ kiến văn tùng kí /世 次 見 文 叢 記 A.326/2.

     16. Thí pháp bệnh điền bi văn /施 法 病 田 碑 文 A.1349.

     17. Hoàng Việt văn tuyển / 黃 越 文 選 A.3163/1.

     18. Hoàng Việt thi tuyển / 黃 越 詩 選 VHv.1477, A.3162/1.

     19. Ninh Bình sự tích /寧 平 事 跡 A.1406.

     20. Toàn Việt thi lục / 全 越 詩 錄 A.132/1.

     21. Thúy Sơn thi hành tạp sao / 翠 山 詩 行 雜 抄 A.1992.

     22. Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biện / 寧 平 全 省 地 誌 考 辨 A.922./.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 3 (118) – 2013

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Văn bia thời Trần ở Ninh Bình (Tác giả: Nguyễn Kim Măng)