Vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam
ThS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG DUNG*
(Khoa lý luận chính trị, Trường Đại học Bách khoa, Hà Nội)
Kinh tế thị trường là mô hình kinh tế được nhiều quốc gia lựa chọn phát triển, trong đó có Việt Nam. Sau hơn 30 năm đổi mới, mô hình kinh tế thị trường của Việt Nam từng bước phát triển, tư duy và nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa liên tục được đổi mới.
x
x x
Hệ thống cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện, phù hợp hơn với luật pháp quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thực hiện cam kết hội nhập quốc tế. Chế độ sở hữu, các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp phát triển đa dạng. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường được hình thành đồng bộ hơn, gắn kết với thị trường khu vực và thế giới. Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một hướng đi đúng đắn của Việt Nam.
Nền kinh tế thị trường theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin
Chủ nghĩa Mác – Lênin khẳng định, xã hội tồn tại và phát triển được là nhờ sản xuất vật chất, lịch sử của xã hội trước hết là lịch sử phát triển của sản xuất vật chất.
C. Mác khẳng định, sự phát triển của xã hội tương lai, xã hội cộng sản chủ nghĩa ở giai đoạn cao, lúc đó nhà nước tự tiêu vong và khi ấy kinh tế hàng hóa (kinh tế thị trường) cũng không còn tồn tại. Lênin cũng cho rằng: Chủ nghĩa xã hội (CNXH) là sản phẩm của nền đại công nghiệp cơ khí. Và nếu “không có kỹ thuật tư bản chủ nghĩa quy mô lớn được xây dựng trên những phát minh mới nhất của khoa học hiện đại… thì không thể nói đến CNXH được”. Tuy nhiên, trước khi không còn cơ sở tồn tại, bản thân nhà nước và kinh tế thị trường lại cần thiết cho quá trình xây dựng thành công một xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Logic này được Lênin khẳng định từ chính thực tiễn phát triển của nước Nga. Khi Cách mạng tháng Mười (Nga) thành công, ngay bản thân Lênin, trong giai đoạn đầu cũng triển khai chính sách cộng sản thời chiến. Tuy nhiên, sau đó ông nhận ra sai lầm, nóng vội nó đối lập Đảng với quần chúng nhân dân và chỉ làm trầm trọng thêm nền kinh tế vốn đã hoang tàn của đất nước. Lênin đã chỉ ra con đường khắc phục thông qua triển khai thực hiện chính sách kinh tế mới, tức chuyển từ kế hoạch hóa tập trung sang khuyến khích phát triển kinh tế hàng hóa, chấp nhận mức độ nhất định cơ chế thị trường. Để phát triển lực lượng sản xuất trong điều kiện mới hình thành còn nhiều khó khăn, cần phải duy trì nền kinh tế nhiều thành phần…
Phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam
Trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tham khảo kinh nghiệm phát triển của các quốc gia trên thế giới và từ thực tiễn phát triển Việt Nam, Đảng ta đã đề ra đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCH. Đây là bước phát triển mới về tư duy lý luận, một sự vận dụng độc lập, sáng tạo của Đảng ta trong quá trình đổi mới và là sự vận dụng sáng tạo từ chỉ dẫn của chủ nghĩa Mác – Lênin về CNXH và con đường đi lên CNXH, đặc biệt là những chỉ dẫn của Lê-nin trong chính sách kinh tế mới.
Với mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nền kinh tế nước ta đã đạt nhiều thành tựu, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn chiến tranh, bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, sau khi thống nhất đất nước, cả nước đi lên CNXH, mô hình kinh tế này đã bộc lộ nhiều hạn chế. Trước tình trạng sản xuất đình đốn, thương mại trì trệ, năng suất lao động thấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế rất thấp, lực lượng sản xuất lạc hậu… Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn nước ta, quyết tâm từ bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp để chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Ở Việt Nam, mặc dù đã có quan điểm manh nha về kinh tế thị trường từ Đại hội VI khi xác định xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, tuy nhiên đến Đại hội IX, thuật ngữ “phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN” mới chính thức được sử dụng trong Văn kiện của Đảng.
Đến Đại hội X của Đảng (2006), 5 thành phần kinh tế gồm: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được xác lập trong nền kinh tế nước ta. Vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế trong nền kinh tế quốc dân đã được nhận thức rõ ràng và xác định cụ thể.
Đến Đại hội XI của Đảng (2011) đã phát triển và hoàn thiện thêm một bước đặc trưng kinh tế của CNXH, trong đó Đảng ta xác định: “Nền kinh tế với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng ngày càng phát triển”.
Trên cơ sở kế thừa nhận thức của các đại hội trước, Đại hội XII của Đảng đã có những bổ sung đáng kể với sự hiện diện khá toàn diện và cụ thể các thành tố cấu thành nền kinh tế, thể hiện bước tiến trong nhận thức lý luận của Đảng về mô hình kinh tế Việt Nam, đó là: Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bố theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.
Như vậy, nền kinh tế thị trường ở Việt Nam không phải là cái khác biệt mà vẫn là “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật khách quan của kinh tế thị trường” như quy luật tự do cạnh tranh, quy luật cung cầu, quy luật giá trị; thực hiện tự do hoá thương mại… Các nguyên tắc, thông lệ quốc tế trong quản lý và điều hành kinh tế được tuân thủ và vận dụng một cách hợp lý, linh hoạt. Nhà nước quản lý, điều hành nền kinh tế bằng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, pháp luật và bằng cả sức mạnh vật chất của lực lượng kinh tế nhà nước; thực hiện sự điều tiết ở tầm vĩ mô, “định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch” bảo đảm cho thị trường phát triển lành mạnh, tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường.
Ngoài ra, nền kinh tế thị trường phải hiện đại và hội nhập quốc tế. Nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đã và đang thực hiện quá trình hội nhập quốc tế, mở rộng và gia tăng các mối quan hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm tranh thủ nhiều cơ hội hợp tác, giúp đỡ về nhiều mặt từ các nước, đặc biệt là các quốc gia phát triển; chủ động và tích cực, nhanh chóng và hiệu quả, tận dụng tốt những thời cơ, vận hội, phát huy tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đồng thời có những biện pháp gia tăng khả năng dự phòng của nền kinh tế, ứng phó tốt với những rủi ro, thách thức của tiến trình hội nhập.
Một số vấn đề đặt ra
Nhìn lại trong hơn 30 năm đổi mới có thể thấy, lý luận về mô hình kinh tế đã được đổi mới liên tục theo thời gian. Nhờ đó, đã tạo ra xung lực mới cho sự phát triển và đã làm cho nền kinh tế từ nghèo khó từng bước được cải thiện và khởi sắc đi lên. Cùng với việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, cần quan tâm một số vấn đề sau:
Một là, nhận thức rõ quá trình xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là không đơn giản, đó là quá trình lâu dài và trải qua nhiều giai đoạn, vừa tìm tòi, phát triển không ngừng trong nhận thức lý luận, vừa phải linh hoạt, sáng tạo trong thực tiễn, ứng phó tốt trước khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm và đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân. Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay là một lựa chọn tất yếu và không có cách lựa chọn khác để đi lên CNXH.
Hai là, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam chính là nền kinh tế thị trường hiện đại, ở đó có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này có nghĩa là những yếu tố thị trường của nền kinh tế thị trường hiện đại thì đều được phát huy và phát triển ở mức cao như tính tích cực của nền kinh tế thị trường, năng động và hiệu quả, đồng thời, nền kinh tế thị trường cần có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để hạn chế các mặt trái tiêu cực của nền kinh tế thị trường, cũng như những tác động làm cho các quan hệ kinh tế thay đổi về cách thức và phương thức mới theo hướng phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn.
Ba là, để có một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển, đòi hỏi phải có môi trường công khai, minh bạch, có bộ máy nhà nước tinh gọn, đủ năng lực điều hành và quản lý nền kinh tế, đưa nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao, chất lượng và hiệu quả, giải quyết tốt những vấn đề xã hội, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững một cách thật sự.
Bốn là, để nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển, cần tạo lập một môi trường kinh doanh thông thoáng, hòa nhập với thị trường thế giới. Nền kinh tế thị trường không có sự phân biệt đối xử đối với các đối tượng và chủ thể trên thị trường. Và để đạt được điều đó, thì kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác cần được xem như mọi thành phần kinh tế khác, được đối xử bình đẳng, không có sự ưu tiên hay phân biệt. Các khu vực kinh tế đều là bộ phận hợp thành của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hoạt động bình đẳng, đúng pháp luật, được luật pháp bảo vệ và khuyến khích phát triển như nhau.
Năm là, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam được định hướng theo đuổi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; huy động sức mạnh của mọi thành phần kinh tế cũng như của toàn xã hội cho tăng trưởng kinh tế, từng bước nâng cao đời sống cho đại bộ phận nhân dân. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế không phải bằng mọi giá, nóng vội mà phải được cân nhắc tính toán cho phù hợp với điều kiện đất nước theo hướng phát triển nhanh, hiệu quả mà bền vững; gắn mục tiêu tăng tưởng kinh tế với bảo đảm độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, bảo vệ môi trường… Tăng trưởng kinh tế phải gắn với tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển nhằm đảo bảo công bằng về cơ hội phát triển cho mọi thành viên trong cộng đồng được thụ hưởng lợi ích chính đáng, công bằng từ những kết quả lao động và cống hiến xã hội của mình và “không một ai bị bỏ lại phía sau”…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ X, XI, XII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội;
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (2017), Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 9/6/2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;
V.I. Lênin: Toàn tập, t.36, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.368;
Lê Quốc Lý (2015), Vận dụng, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại ngày nay, Tạp chí Lý luận chính trị số 2/2015;
Nguyễn Thanh Tuấn (2009), C.Mác, V.I. Lênin với CNXH trong thời đại ngày nay, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội;
Vũ Văn Hà (2019), Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Sự sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Cộng sản điện tử.
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)