VĂN HOÁ DÂN GIAN VIỆT NAM trong XÃ HỘI ĐƯƠNG ĐẠI
LÊ CÔNG LÝ
(ThS, Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh)
1. Văn hoá dân gian trong xã hội công nghiệp hoá – hiện đại hoá
Xã hội Việt Nam mấy ngàn năm nay là xã hội nông nghiệp lạc hậu, nền sản xuất chủ yếu là trồng trọt, trong đó cây lúa nước có vai trò trung tâm trong hầu hết mọi hiện tượng văn hoá tinh thần quan trọng của văn hoá truyền thống dân tộc, mà chủ yếu là văn hoá dân gian.
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hoá dân gian trên thế giới, sự ra đời của văn hoá dân gian hầu như gắn chặt với các xã hội nông nghiệp thuần tuý. Chính vì vậy mà, cùng với lịch sử dày dặn của nền nông nghiệp, văn hoá dân gian Việt Nam có một bề dày đáng kể như là nền tảng trong hành trang văn hoá dân tộc. Chính bề dày đó làm nền truyền thống văn hoá hay những hằng số của văn hoá Việt Nam.
Thế nhưng, từ thập niên 1990 đến nay, cùng với quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá diễn ra hết sức mạnh mẽ, xã hội Việt Nam như từng bước trở mình để bước sang một thời đại mới. Một khi nông nghiệp và nông thôn ngày càng nhường bước trước công nghiệp và đô thị thì toàn bộ nền văn hoá Việt Nam mà trước hết là văn hoá dân gian cũng gặp phải một “cú sốc” lớn chưa từng có và phải đi vào quỹ đạo “giải cấu trúc” như là một hệ quả tất yếu của một hình thái ý thức xã hội. Từ đó, để tồn tại và tiếp tục phát triển, văn hoá Việt Nam, nhất là văn hoá dân gian, phải tiến hành “tái cấu trúc” cho phù hợp với cơ sở xã hội mới của nó.
Tuy gọi là “cú sốc” nhưng vẫn không phải là cá biệt khi nền văn hoá Việt Nam phải “lột xác” để thích ứng với thời đại. Bởi lẽ, văn hoá vốn mang tính nhân sinh, một khi nhân sinh thay đổi thì văn hoá nhất quyết cũng sẽ thay đổi. Điều này chính là kinh nghiệm của lịch sử văn hoá nhân loại: Không có nền văn hoá nào tồn tại bất biến, ngược lại mỗi nền văn hoá, theo từng thời đại phải luôn có sự biến đổi để thích nghi với xã hội. Trong lịch sử đằng đẵng đó, có khi có nền văn hoá mới ra đời, ngược lại có nền văn hoá bị diệt vong. Mỗi nền văn hoá, do đó, xem ra cũng mang một sinh mệnh giống như sinh mệnh của mỗi con người.
Thực vậy, xã hội Việt Nam hiện nay có quá nhiều biến đổi so với xã hội truyền thống nên văn hoá, mà nhất là văn hoá dân gian, cũng buộc phải thay đổi cho phù hợp với cơ sở xã hội mới của nó:
– Nếu như văn hoá dân gian gắn với lao động nông nghiệp thuần tuý (bằng cơ bắp) thì lao động nông nghiệp thuần tuý hiện nay đang trên đà xoá sổ. Lao động nông nghiệp thuần tuý ngày càng giảm dần và thay vào đó là các nhà xưởng, xí nghiệp mọc lên 1. Số lao động nông nghiệp còn lại thì cũng tiến hành cơ khí hoá nên môi trường lao động thuần phác như xưa không còn nữa. Chính vì vậy mà các loại hình văn hoá dân gian gắn với lao động nông nghiệp truyền thống cũng không còn đất sống.
– Nếu như văn hoá dân gian mang tính tập thể và truyền miệng thì tính tập thể và truyền miệng trong môi trường lao động hiện nay đang giảm sút nghiêm trọng. Trong môi trường lao động công nghiệp, tuy công nhân luôn làm việc trong các nhà xưởng đông đúc nhưng tính tập thể của loại hình lao động này không còn được đảm bảo như ở hình thức lao động nông nghiệp thuần tuý. Tuy đông đúc nhưng công nhân phải tập trung hết sức vào công việc và hầu như không được nói chuyện trong giờ làm việc. Ở nhiều khâu sản xuất đòi hỏi tính biệt lập cao, các công nhân chủ yếu chỉ tiếp xúc với máy móc và thỉnh thoảng với người quản lí chứ rất ít có điều kiện tiếp xúc với nhau. Chính vì vậy mà các giá trị văn hoá dân gian không có điều kiện nảy sinh và lưu truyền.
– Nếu như văn hoá dân gian mang tính nguyên hợp thì tính nguyên hợp trong lao động công nghiệp hiện nay cũng không còn. Bởi lẽ, lao động công nghiệp luôn mang tính chuyên môn hoá cao. Nhiều người công nhân cả đời chỉ làm một hoặc một vài thao tác trên một sản phẩm. Tương tự như vậy, nhiều nhà xưởng chỉ gia công một hoặc một nhóm thao tác trên các bán thành phẩm, thậm chí có sự phân công lao động giữa các quốc gia với nhau. Sự chuyên môn hoá cao độ này một mặt giúp nâng cao tay nghề kĩ thuật của từng cá thể tham gia vào quá trình sản xuất, nhưng mặt khác cũng góp phần biến con người thành từng bộ phận của một cái máy trong một cỗ máy khổng lồ của quy trình công nghiệp. Từ đó mà tính hoàn thiện của con người có nguy cơ bị thủ tiêu và con người với tư cách là một nhân cách hoàn chỉnh cũng gặp thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có một sự bù đắp, bổ sung khác.
Nói như trên không có nghĩa là các xã hội công nghiệp sẽ đi vào bế tắc, là địa ngục trần gian, là ngõ cụt của tiến trình lịch sử nhân loại 2. Trái lại, ở các xã hội công nghiệp, các nhà quản lí cũng biết cách điều chỉnh nó để lấy lại “thăng bằng” trong đời sống tinh thần tự nhiên của con người, đó là các buổi dã ngoại (pic-nic), những tháng dành cho việc đi du lịch định kì cho công nhân, các loại hình vui chơi giải trí chuyên nghiệp (công nghiệp giải trí), v.v.
Tương tự như thế, văn hoá dân gian trong các xã hội công nghiệp cũng không phải đi vào ngõ cụt, mặc dù không phải không có sự giảm sút. Đây không phải là niềm tin chủ quan mà chính là hệ quả của nguyên lí: Văn hoá vừa là nhu cầu vừa là sản phẩm của con người, khi nào còn con người thì còn văn hoá; văn hoá dân gian là các loại hình văn hoá của quần chúng nhân dân, khi nào còn tồn tại quần chúng nhân dân thì còn văn hoá dân gian.
Theo Tô Ngọc Thanh, với tư cách là kết tinh của văn hoá truyền thống, văn hoá dân gian có vai trò to lớn trong việc tái cấu trúc và xây dựng nền văn hoá đương đại với những vị trí và vai trò mới như sau:
– Văn hoá dân gian được bảo tồn và phát huy trong xã hội đương đại như những sáng tạo tinh hoa của cha ông. Muốn vậy, văn hoá dân gian buộc phải thay đổi chức năng xã hội và ý nghĩa xã hội của nó. Nhiều giá trị văn hoá dân gian được “giải thiêng” để có thể hoà nhập với cuộc sống mới. (Chẳng hạn: Từ chức năng nghi lễ, thông quan với thần thánh, ngày nay sinh hoạt cồng chiêng được “giải thiêng” để trở thành sinh hoạt văn hoá nghệ thuật của nhân dân).
– Các giá trị văn hoá dân gian được sử dụng như những chất liệu để xây dựng nên những tác phẩm văn hoá nghệ thuật mới. (Chẳng hạn các tác phẩm phóng tác từ các nguyên mẫu trong văn hoá dân gian) [13].
Theo Nguyễn Khoa Điềm, trong xã hội đương đại/ công nghiệp hoá – hiện đại hoá, văn hoá dân gian vẫn phải được bảo tồn và phát huy vì nó chính là “bộ gien của văn hoá dân tộc”, là “vườn ươm cho văn nghệ chuyên nghiệp, là sự giữ gìn cốt cách bền vững của dân tộc”. Do đó việc sưu tầm và nghiên cứu văn hoá dân gian chính là cách “biến di sản quá khứ thành tài sản hôm nay”. Văn hoá và văn hoá dân gian được phát huy đúng mức sẽ là “nguồn năng lượng nuôi dưỡng sức mạnh kinh tế và chính trị mỗi quốc gia để vượt qua thử thách, khai thác thời cơ”.
Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng, trong xã hội công nghiệp hoá – hiện đại hoá, hội nhập và giao lưu quốc tế như hiện nay, văn hoá dân gian “rất dễ bị tổn thương, bị xoá nhoà, bị triệt tiêu, bị coi rẻ là thứ văn hoá thứ cấp” nên Đảng và Nhà nước cần xây dựng một “Chiến lược quốc gia về văn hoá dân gian” [3].
Chiến lược quốc gia này thực tế chủ yếu được đặt lên vai của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, mà theo Tô Ngọc Thanh (Chủ tịch Hội) nó đã được Hội cụ thể hoá ra thành các việc làm cụ thể như sau:
Chọn lọc những tư liệu sưu tầm được để sản xuất những chương trình CD, VCD nhằm phổ biến rộng rãi và đưa vào chương trình tiểu học và trung học;
Truyền bá rộng rãi trên các chương trình của TV và radio;
Biện pháp hiệu quả nhất và bền vững nhất là đưa trả lại những tư liệu đã sưu tầm về với cộng đồng nơi tư liệu đó đã được sưu tầm. Giúp đỡ cộng đồng về mọi mặt để họ khôi phục di sản trong thể sống động như đã từng có trong quá khứ và biến sinh hoạt đó trở thành thành tố của cuộc sống cộng đồng hôm nay.
Phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” cho các nghệ nhân có đóng góp to lớn trong lĩnh vực sáng tạo và lưu truyền văn hoá văn nghệ dân gian để tạo điều kiện cho cộng đồng tôn vinh họ, qua đó gián tiếp tôn vinh các giá trị văn hoá văn nghệ dân gian [12].
Dưới góc độ phát triển bền vững, Trần Hữu Sơn có cái nhìn khá thực tế về vai trò của văn hoá dân gian trong xã hội đương đại và đề xuất phương hướng phát triển văn hoá dân gian mang tính ứng dụng như sau:
– Văn hoá văn nghệ dân gian với vấn đề xây dựng nếp sống, nhân cách;
– Văn hoá văn nghệ dân gian với vấn đề bảo vệ môi trường;
– Văn hoá văn nghệ dân gian với vấn đề phát triển kinh tế bền vững, góp phần xoá đói giảm nghèo (các nghể thủ công, tri thức dân gian tham gia vào sản xuất; khai thác các giá trị văn hoá dân gian để phát triển du lịch) [11].
___________
1. Hầu hết các vụ khiếu kiện đông người và dai dẳng diễn ra khắp cả nước hiện nay đều là hậu quả của việc thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp hoặc dịch vụ.
2. Trong tập truyện Những người thích đùa, Aziz Nesin (1915 – 1995), nhà văn trào phúng Thổ Nhĩ Kì, có kể về câu chuyện một gia đình công nhân tuy ở chung một nhà nhưng do làm trái ca nên hai vợ chồng ít có điều kiện gặp nhau mà khi cần trao đổi gì thì phải viết thư cho nhau. Một lần người chồng muốn gặp vợ và thăm các con phải viết thư hẹn nhau trong một rạp chiếu phim vào ngày chủ nhật. Và đây chính là lần đầu tiên mà anh ta và các con của mình được “quen biết” nhau. Câu chuyện này chính là cảnh bi hài của việc những nhu cầu căn bản của tính người bị đời sống công nghiệp lấn át.
2. Văn hoá dân gian trong nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập
Những năm gần đây, đặc biệt là kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, người ta thường bàn về quá trình hình thành nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, hai quá trình đó cũng có tác động rất lớn đối với văn hoá Việt Nam nói chung và văn hoá dân gian Việt Nam nói riêng.
Bên cạnh cái lợi đa nguyên về văn hoá, kinh tế thị trường cũng đem đến nhiều thách thức cho nền văn hoá truyền thống Việt Nam. Thật vậy, trong nền kinh tế thị trường, quy luật cung cầu và quy luật giá trị chi phối toàn bộ nền sản xuất, trong đó lợi nhuận (đồng tiền) đóng vai trò trung tâm trong mọi động thái của thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, mọi thứ đều có thể trở thành hàng hoá và có thể được định giá bằng tiền. Một khi đồng tiền có khả năng chi phối toàn bộ đời sống kinh tế – xã hội thì nó cũng có khả năng chi phối đến đời sống tinh thần con người (theo nguyên lí “vật chất quyết định ý thức”, “tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”). Do đó, trong nền kinh tế thị trường khó tránh khỏi lối sống chạy theo đồng tiền mà bất chấp tất cả, hệ giá trị xã hội bị đảo lộn, đạo đức xã hội bị coi nhẹ,… Từ đó, các giá trị tinh thần, các sản phẩm văn hoá cũng bị thương mại hoá nên khó tránh khỏi khuynh hướng thực dụng thấp kém, làm thủ tiêu giá trị nhân văn nhân bản vốn có của nó.
Kinh tế thị trường luôn đòi hỏi các tập đoàn kinh tế phải không ngừng mở rộng phạm vi sản xuất kinh doanh. Đây chính là động lực của quá trình toàn cầu hoá. Và, song song với toàn cầu hoá về kinh tế – chính trị là quá trình toàn cầu hoá về văn hoá.
Theo Trần Ngọc Thêm, các nền văn hoá trên thế giới đều đi từ tiếp xúc đến giao lưu, từ giao lưu đến hội nhập.
Tiếp xúc là quan hệ bình đẳng giữa hai đối tượng bất kì chưa đi đến trao đổi và chưa đem lại kết quả gì.
Giao lưu là sự tiếp xúc giữa hai đối tượng được coi như ngang hàng và đã có trao đổi, dẫn đến có ảnh hưởng lẫn nhau.
Hội nhập là loại quan hệ giữa hai đối tượng khác nhau về kích thước (độ lớn) và cấp bậc (ví dụ giữa sông và biển, quốc gia và khu vực), trong đó đối tượng bậc thấp chủ động tham gia vào đối tượng bậc cao hơn và hoạt động phù hợp với nó. Kết quả là đối tượng bậc thấp chịu ảnh hưởng rất nhiều từ đối tượng bậc cao, nhưng nó cũng góp phần nhất định tác động vào đối tượng này.
Tuỳ theo quy mô mà hội nhập xã hội có ba mức độ: khu vực hoá, quốc tế hoá và toàn cầu hoá. Toàn cầu hoá là sự phát triển của khu vực hoá và quốc tế hoá.
Xã hội công nghiệp có 6 cái “hoá”: tập trung hoá, tập quyền hoá, tối đa hoá, đồng bộ hoá, tiêu chuẩn hoá, chuyên môn hoá. Tất cả nhằm mục đích tạo ra sản phẩm tối đa. Sản xuất hàng loạt và tiêu dùng hàng loạt kích thích lẫn nhau đem lại lợi nhuận tối đa, đó là chủ nghĩa Duy kinh tế (Economism). Kinh tế chính là mục đích và nội dung của toàn cầu hoá [16, tr. 96-98].
Xét về phương diện kinh tế và xã hội, toàn cầu hoá có nhiều mặt tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, đó không phải là trọng tâm của bài viết này. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xem xét cái lợi và cái hại của toàn cầu hoá trên lĩnh vực văn hoá nói chung và văn hoá dân gian nói riêng.
Cái lợi của toàn cầu hoá về văn hoá chính là sự đa nguyên về văn hoá, giúp các nền văn hoá có cơ hội đến với nhau để giao lưu tiếp biến và thông qua đó tăng thêm nội lực và sức sáng tạo cho mình. Toàn cầu hoá cũng giúp cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế – kĩ thuật phục vụ cho văn hoá và giúp hoạt động sáng tạo văn hoá trở nên chuyên nghiệp hoá, hình thành nên các đội ngũ hoạt động chuyên nghiệp nên có hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, theo Trần Ngọc Thêm, toàn cầu hoá về văn hoá cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho bản thân mỗi nền văn hoá:
Toàn cầu hoá và hội nhập, khi mà nó bị chi phối và “hướng đạo” bởi các nước tư bản phát triển và các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia như hiện nay, thì dù hữu thức hay vô thức, nó sẽ dẫn đến kết quả là làm giảm tính đa dạng về văn hoá và là mối đe doạ nghiêm trọng cho môi trường văn hoá.
Hữu thức là vì do nắm ưu thế về kinh tế và khoa học – công nghệ, các nước phát triển cũng chiếm ưu thế trong việc áp đặt những giá trị tư tưởng, văn hoá, lối sống,… lên những nước nghèo lệ thuộc mình (thôn tính văn hoá). Hiện nay, trung tâm phổ biến văn hoá trên phạm vi toàn thế giới hiển nhiên là Mĩ. Ngành xuất khẩu lớn nhất của Mĩ không phải là kĩ thuật mà là công nghệ vui chơi giải trí. Mĩ chiếm 70% nội dung chương trình trên mạng internet. Phim Mĩ có tổng thu nhập hằng năm lên tới 30 tỉ USD. Kênh truyền hình CNN của Mĩ đang thâm nhập đến tận những vùng hẻo lánh nhất trên địa cầu. Trong 14 năm 1979-1993, hệ thống thông tin vệ tinh của các nước phát triển đã tăng 668%, trong khi sự tăng trưởng ở các nước đang phát triển là không đáng kể.
Vô thức là vì, ở các nước đang phát triển, do đời sống còn nhiều khó khăn nên người dân rất dễ bị choáng ngợp, lôi cuốn bởi các hàng hoá đủ chủng loại và những giá trị vật chất từ các nước phát triển tràn vào. Điều đó không chỉ có nguy cơ đe doạ các ngành nghề truyền thống, mà nó còn tác động tiêu cực tới các giá trị tinh thần, tới lối sống của dân tộc.
Như vậy, với trào lưu toàn cầu hoá và hội nhập hiện nay, giao lưu văn hoá thế giới đang bị mất thăng bằng nghiêm trọng. Lời cảnh báo của ông F. Mayo, Tổng Giám đốc UNESCO, tại lễ phát động “Thập kỉ quốc tế phát triển văn hoá” cách đây 16 năm (1987) rằng xu hướng thế giới hiện đang dẫn đến nguy cơ “đồng nhất hoá các hệ thống giá trị và tiêu chuẩn, đe doạ và làm cạn kiệt khả năng sáng tạo của các nền văn hoá” không phải là quá xa xôi. Nguy cơ văn hoá phương Tây lấn át phương Đông, phương Bắc lấn át phương Nam thực sự là vô cùng lớn” [15, tr. 145-146].
Thật vậy, trong khi hiện nay, ở Việt Nam, rất nhiều người đang kêu gào về hiện tượng nhập siêu hàng hoá và xuất siêu nguyên vật liệu thì tình trạng “nhập siêu” văn hoá còn trầm trọng hơn rất nhiều lần lại ít nghe nói tới. Ngày nay, ở Việt Nam có thể nói không ngoa rằng, cứ mở mắt ra là thấy sự xâm lăng của văn hoá ngoại lai vào nền văn hoá cổ truyền Việt Nam nhân danh đủ thứ lí lẽ, từ trang phục, nhà cửa, ăn uống đến cách ứng xử, v.v. Một khi bệnh vọng ngoại đã trở nên trầm kha thì văn hoá truyền thống, nhất là văn hoá dân gian, sẽ hầu như không còn chỗ đứng. Bởi vậy mà trong xã hội được mệnh danh là văn minh, hiện đại hôm nay tuy người ta thường bàn tới đủ thứ “văn hoá” (như văn hoá giao tiếp, văn hoá kinh doanh, văn hoá bảo vệ môi trường, văn hoá cư trú, văn hoá ẩm thực, văn hoá giao thông,…), nhưng ít nghe nói tới văn hoá dân gian.
Trước tác động vũ bão của quá trình toàn cầu hoá về văn hoá ở Việt Nam hiện nay, cấu trúc xã hội nước ta đang có sự thay đổi lớn của quá trình giải cấu trúc và tái cấu trúc.
Thật vậy, nếu như đơn vị cơ sở của nền văn hoá – xã hội truyền thống Việt Nam là làng, thì hiện nay làng không còn đóng vai trò đó nữa. Đô thị hoá, sự quy hoạch dân cư, quá trình di dân – nhập cư, tách nhập các đơn vị hành chính,… đã xoá nhoà ranh giới làng hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Các thiết chế văn hoá cổ truyền của dân chúng (đình, chùa, miễu, võ) và của nhà nước (đàn, miếu, đền, từ) cũng dần dần bọ xoá nhoà dẫn đến mai một trong khi nhiều mạng lưới xã hội khác ra đời.
Gia đình Việt Nam, từ chỗ là đơn vị sản xuất (nông nghiệp, thủ công nghiệp) dần chuyển sang là đơn vị tiêu dùng. Xã hội Việt Nam do đó cũng dần dần định hình một mô hình xã hội tiêu dùng. Bây giờ đi đâu, làm gì cũng dễ dàng nghe thấy người ta bàn về việc tiêu dùng, mua sắm, về thị hiếu, về cái “gu”/ phong cách. Sự “sành điệu”, “đẳng cấp” được xem là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá trình độ văn minh của một người. Thậm chí ở Việt Nam hiện nay đang có khuynh hướng lấy mức tiêu dùng để lượng giá thang bậc văn hoá.
Việc xác lập một “xã hội tiêu dùng” chính là mục đích của các tập đoàn kinh doanh nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Để tạo dựng một xã hội tiêu dùng đó, họ đã sử dụng đủ mọi chiêu trò từ quảng cáo truyền thống cho tới quảng cáo trá hình kiểu mới nhân danh hoạt động “quan hệ công chúng” (PR: public relations). Mục đích chính của các hoạt động này chính là việc bịa đặt ra nhiều nhu cầu giả tạo, khiến xã hội chạy theo nhu cầu bất tận trong cơn mê sảng của dục vọng, dẫn đến vô số bi kịch (do lòng tham không được thoả mãn), nhiều đột biến tâm lí, tệ nạn xã hội, nạn bạo lực, bạo hành, cướp bóc, lường gạt, tự tử,…
Tai hại của quảng cáo, PR quá mức là biến con người thành các cá thể tiêu dùng, như con rối bị giật dây bởi các nhà sản xuất thông qua kênh quảng cáo, PR. Đặc biệt, gần đây quảng cáo và PR chuyển sang đánh vào các nhóm xã hội dễ bị tác động và dễ tổn thương như trẻ con, trẻ vị thành niên và người già nên tác hại của nó càng lớn hơn. Chính vì vậy mà trong xã hội Việt Nam hiện nay, nhiều hệ giá trị đang bị thay đổi, thậm chí bị đảo lộn.
Xét trên phạm vi thế giới, quá trình toàn cầu hoá hiện nay đang biến cả thế giới vốn rộng lớn, phức tạp và đầy rẫy những sự cách ngăn, rào cản hữu hình lẫn vô hình thành một “thế giới phẳng” 1 thông suốt thông tin và mọi mối giao lưu. Nói ngắn gọn và dễ hiểu là: Thế giới thành một mái nhà chung. Tuy nhiên, chính cái “chung” đó sẽ làm mai một đi mọi sự đa dạng như là bản chất của văn hoá cũng như chính cái cảm hứng làm nên cái bản chất đa dạng ấy. Không gì tồi tệ và chán ngắt cho bằng việc đi đâu, làm gì cũng bắt gặp cùng một thứ cung cách văn hoá. Văn hoá – tự thân nó – luôn hàm chứa cái bản chất cốt lõi là sự sáng tạo và luôn hướng tới tính cá biệt mà người ta gọi là “bản sắc văn hoá”. Mất bản sắc thì coi như đánh mất văn hoá vậy.
Chính vì vậy mà hơn bao giờ hết, vấn đề bản sắc văn hoá đang là vấn đề thời sự cốt lõi của mọi sự bàn luận về văn hoá hiện nay, nhất là ở các nước đang phát triển, đang trong tiến trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá và toàn cầu hoá như Việt Nam. Để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, người ta đã bàn luận và đưa ra rất nhiều giải pháp. Tuy nhiên, theo chúng tôi, không giải pháp gì có hiệu quả bằng việc giữ gìn và phát huy vốn văn hoá dân gian trong lòng xã hội đương đại. Bởi lẽ, văn hoá dân gian chính là vốn “văn hoá gốc” mang tính cốt tử của linh hồn văn hoá dân tộc.
Một khi làm được điều đó thì vốn văn hoá dân gian chẳng những không hề là rào cản của quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá và toàn cầu hoá mà ngược lại sẽ trở thành nguồn động lực xã hội cho chính quá trình ấy. Đây cũng chính là kinh nghiệm quý báu của nhiều quốc gia trên thế giới mà ngay ở châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan…
___________
1. Năm 2005, cuốn sách Thế giới phẳng (The world is flat) với nhan đề phụ Tóm lược lịch sử thế giới thế kỉ XXI của học giả người Mĩ Thomas L. Friedman ra đời, góp phần mổ xẻ cấu trúc đương đại của nền kinh tế và chính trị thế giới trong kỉ nguyên toàn cầu hoá. Cuốn sách này được bầu chọn là “Cuốn sách hay nhất trong năm” (2005) do Financial Times và Goldman Sachs Business bình chọn và Thomas L. Friedman cũng được bình chọn là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất nước Mĩ. Cuốn sách nhanh chóng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và riêng ở Việt Nam, tính đến tháng 5/2014 đã in phiên bản tái bản lần thứ 15. Nhan đề cuốn sách là cách nói hình tượng: Từ tư duy về một bề mặt trái đất hình cầu chuyển sang tư duy về một bề mặt trái đất hình phẳng chính là xu hướng toàn cầu hoá. Từ đó người ta thường dùng cụm từ “Thế giới phẳng” như là cách nói hình tượng dễ hiểu để chỉ toàn cầu hoá.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Nguyễn Trọng Chuẩn, Công nghiệp hoá theo hướng hiện đại và sự phát triển bền vững, Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 24/10/2011.
2. Chu Xuân Diên, Văn hoá dân gian – mấy vấn đề phương pháp luận và nghiên cứu thể loại, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006.
3. Nguyễn Khoa Điềm, Xây dựng một chiến lược quốc gia về văn hoá dân gian trong thời kì công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước, Nguồn sáng dân gian, số 2/2005.
4. Đỗ Văn Đồng, Góp nhặt vài nét văn hoá dân gian Nam Bộ, NXB Văn Nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2008.
5. Thomas L. Friedman, Thế giới phẳng, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2007.
6. Đinh Gia Khánh, Trên đường tìm hiểu văn hoá dân gian, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội,1989.
7. Đinh Gia Khánh (chủ biên), Văn học dân gian Việt Nam, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013.
8. Vũ Ngọc Khánh, Từ vựng thuật ngữ folklore Việt Nam, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1995.
9. Vũ Ngọc Khánh, Tiếp cận kho tàng folklore Việt Nam, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 1999.
10. Vũ Ngọc Khánh, Văn hoá dân gian, NXB Nghệ An, 2003.
11. Trần Hữu Sơn, Văn hoá văn nghệ dân gian với vấn đề phát triển bền vững, Nguồn sáng dân gian, số 1/2012.
12. Tô Ngọc Thanh, Làm thế nào để duy trì di sản văn hoá dân gian trong dạng sống động – trường hợp của Việt Nam, Nguồn sáng dân gian, số 4/2005.
13. Tô Ngọc Thanh, Số phận của văn hoá văn nghệ dân gian trong công cuộc công nghiệp hoá – hiện đại hoá, Kỉ yếu hội thảo khoa học Vai trò của văn hoá văn nghệ dân gian trong quá trình phát triển ở Đông Nam Bộ, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hoá và Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Đồng Nai tổ chức, Biên Hoà, 9/2008.
14. Bùi Quang Thắng (chủ biên), 30 thuật ngữ nghiên cứu văn hoá, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008.
15. Trần Ngọc Thêm (2003, tái bản năm 2013), Nước, văn hoá và hội nhập, trong Nhiều tác giả, Những vấn đề khoa học xã hội và nhân văn, chuyên đề Văn hoá học, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2013.
16. Trần Ngọc Thêm, Lí luận văn hoá học, Bộ môn Văn hoá học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, 2005.
17. Trần Quốc Vượng, Folklore Việt Nam, trữ lượng và viễn cảnh, Văn hoá nghệ thuật, số 5, 1990.