VĂN HOÁ ĐỌC và văn hoá NGHE, NHÌN_Sự dịch chuyển từ phương thức ĐỌC TRUYỀN THỐNG đến phương thức ĐỌC HIỆN ĐẠI (Kết quả khảo sát “Thị hiếu thẩm mĩ của công chúng văn học Việt Nam đương đại”)
Công chúng thường lựa chọn cho mình phương thức tiếp nhận quen thuộc, phù hợp. Có người tiếp nhận theo phương thức đọc (đọc văn bản). Có người tiếp nhận theo phương thức qua các phương tiện nghe – nhìn như (đọc qua đài, qua tivi và các tiện ích khác,…). Từ các phương thức này tạo nên các tâm thế tiếp nhận, hiệu quả tiếp nhận các hiệu ứng thẩm mĩ, thói quen thẩm mĩ và thị hiếu thẩm mĩ khác nhau. Hiện nay đang có tình trạng văn hoá đọc bị xuống cấp nặng nề. Do vậy, các phương thức tiếp nhận khác nhau đã chiếm ưu thế và lấn át phương thức đọc. Hiệu ứng thẩm mĩ nảy sinh từ thực trạng này phản ánh sự phân hoá thị hiếu văn học hiện nay.
1. Thuật ngữ văn hoá đọc và văn hoá nghe – nhìn
Đến thời điểm hiện tại thuật ngữ văn hoá đọc và văn hoá nghe – nhìn chưa có trong mục từ, từ điển, chưa coi là một định nghĩa hay khái niệm hoàn chỉnh và thống nhất. Trong thời đại bùng nổ thông tin, khoa học kĩ thuật phát triển, sự thích ứng giữa văn hoá đọc và văn hoá nghe – nhìn không chỉ giữ phương thức đọc truyền thống (sách in) mà chuyển sang phương thức hiện đại (đọc trên các thiết bị điện tử máy tính, internet, điện thoại,…) đáp ứng thị hiếu của độc giả trong đó có giới trẻ.
Văn hoá nghe – nhìn là quá trình trao đổi, truyền đạt, tương tác thông tin về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục… thể hiện thái độ, tình cảm, nhận thức của cá nhân hay nhóm xã hội. Phương tiện của văn hoá nghe – nhìn là các phương tiện truyền thông như: internet, truyền hình, phát thanh, phim ảnh, báo chí, mạng xã hội,… cung cấp thông tin, kiến thức và kết nối các mối quan hệ trong cộng đồng. Với sức lan toả và sự đắc dụng của nó trong thời đại công nghệ thông tin, văn hoá nghe – nhìn ảnh hưởng đến lối sống, suy nghĩ, quan điểm của công chúng. Ở góc độ văn học đương đại, văn hoá nghe – nhìn mang đến phương thức tiếp cận mới cho công chúng văn học. Công chúng có thể tiếp nhận các hiện tượng văn học thông qua nhiều hình thức đọc, nghe, xem, nhìn,… Nhờ có phương thức tiếp nhận từ văn hoá nghe – nhìn mà các ý kiến trao đổi, tranh luận, khen – chê, đánh giá, thẩm định giá trị văn học của công chúng trở nên khách quan, công khai, dân chủ, v.v.
Văn hoá đọc, theo nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình: “Văn hoá đọc chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta đối với tri thức sách vở. Phải biết đọc sao cho hợp lí và bổ ích. Đọc sao cho hợp với quy luật tiếp nhận tri thức”. Trong hội thảo tại thành phố Hồ Chí Minh (2010) “Văn hoá đọc, thực trạng và giải pháp” [2] khái niệm “văn hoá đọc” được lí giải theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, văn hoá đọc là cách ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của các nhà quản lí và các cơ quan quản lí Nhà nước; ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của cộng đồng và ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân trong xã hội. Xét từ góc độ cá nhân, văn hoá đọc cần hội tụ đủ 3 yếu tố là thói quen đọc, sở thích đọc và kĩ năng đọc. Theo nghĩa hẹp, văn hoá đọc là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân hình thành nên: Thói quen đọc, sở thích đọc, kĩ năng đọc. Các yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau cùng bổ sung, bồi đắp cho nhau. Khi cá nhân có những ứng xử, giá trị và chuẩn mực đúng đắn, lành mạnh sẽ hình thành thói quen đọc, sở thích đọc, kĩ năng đọc lành mạnh. Theo Giáo sư Chu Hảo, ba yếu tố cấu thành nên văn hoá đọc là thói quen đọc, phương pháp chọn sách và kĩ năng đọc. Ba yếu tố này luôn bổ trợ cho nhau và chỉ hình thành khi mỗi độc giả được huấn luyện từ lúc nhỏ,… Như vậy, văn hoá đọc đã vượt lên khái niệm đọc đơn thuần, nó hướng đến giá trị nghệ thuật đích thực, hướng đến các ứng xử, giá trị và chuẩn mực thẩm mĩ của công chúng.
2. Văn hoá đọc và xu hướng đọc sách văn học hiện nay
Trước sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông đại chúng và các tiện ích xã hội như: báo điện tử, blog, facebook, youtube,… gần như chiếm chỗ của việc đọc sách, người đọc không còn hứng thú với sự đọc. Sách in không cạnh tranh được với sách điện tử tiện ích, cập nhật thông tin. Tại Mĩ, dự án điều tra mở rộng nghiên cứu các tài liệu thiên về hư cấu, thơ, kịch, tiểu thuyết và truyện ngắn đều dẫn đến một chuẩn đoán nghiệt ngã “…từ trẻ em đến người lớn ở Mĩ, đâu đâu cũng thấy việc đọc đang bị coi nhẹ” [5]. Tại Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế mở ra cơ hội thuận lợi để phát triển văn hoá nhưng cũng là khó khăn, thách thức cho văn hoá đọc. Văn hoá đọc trong sự phát triển văn hoá ở Việt Nam được quan tâm nhưng chưa có sự thống nhất và hệ thống. Năm 2008, Hội thảo “Người Việt có mê đọc sách” diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra thực trạng “lười đọc”, “đọc ít” và “đọc theo phong trào”, theo “tâm lí đám đông” của phần nhiều giới trẻ hiện nay. Trong đó văn hoá đọc mới chỉ dừng lại ở việc đọc chủ yếu là tra cứu tài liệu, đọc sách theo thị hiếu đám đông, còn thói quen đọc, kĩ năng đọc như thế nào chưa được bạn đọc chú ý và rèn luyện. Khảo sát năm 2010, lí do mà giới trẻ tìm đọc sách văn học chủ yếu là đọc theo cảm hứng chiếm tỉ lệ 42,5%, đọc sách văn học không vì lí do nào mà chỉ là thích đọc. Trong khi chỉ có 8,5% số người được hỏi là giới trẻ trả lời rằng họ đọc sách văn học như một thói quen. Điều này có nghĩa rằng: Trong sự ham thích đọc, thói quen đọc đang dần phai nhạt. Người đọc có xu hướng đọc theo cảm hứng và đọc theo ý thích cá nhân, thụ động. Khi được hỏi về mục đích của việc đọc sách văn học đối với giới trẻ thì lí do chủ yếu đưa ra: Đọc sách văn học để giải trí, thư giãn sau những lúc căng thẳng chiếm tỉ lệ 67%, tiếp đó là vấn đề đọc nâng cao kiến thức, vốn hiểu biết cuộc sống chiếm tỉ lệ 61,3% đứng vị trí thứ hai. Tình trạng lười đọc sách văn học diễn ra ở nhiều thành phần xã hội, ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Với giới trẻ, việc đọc sách ngày càng có xu hướng giảm mạnh. Internet ra đời với tiện ích của nó đã trợ giúp và tạo ra phương thức đọc mới là phương thức đọc hiện đại. Tình trạng đọc nhanh, đọc ngắn, đọc sách mỏng là một trong những tiêu chí được giới trẻ hướng đến và lựa chọn.
Tình trạng công chúng ham thích truyện tranh dễ hiểu hơn là những cuốn sách dày và mang tính lí luận là xu hướng phổ biến hiện nay. Theo điều tra của Cục Xuất bản, có 50% sách được ưa thích là sách minh hoạ bằng tranh ảnh, dễ hiểu đơn giản,… Đặc biệt là công chúng thuộc giới trẻ – thế hệ đọc tương lai “Có xu hướng đọc truyện tranh với những nội dung đơn giản, thậm chí thiếu lành mạnh, ngại đọc các loại sách kinh điển, lí luận, đặc biệt là các sách dày, nhiều tập. Giới trẻ chú ý thể loại truyện tranh trong khi gần như không quan tâm đến tiểu thuyết trong nước” [1]. Việc công chúng lựa chọn“đọc” hay “không đọc” các thể loại văn học như truyện tranh, tiểu thuyết, truyện ngắn là do phù hợp nhu cầu và sở thích cá nhân. Trong đó, truyện ngắn là thể loại văn học thu hút sự chú ý của tất cả các lứa tuổi: từ học sinh, thanh niên đến trung niên và người cao tuổi. Thể loại văn học có nội dung hay, ý nghĩa, mang tính giải trí được đề cao trong khi yếu tố nghệ thuật, tính thời sự của thể loại này không hẳn là lí do mà công chúng hướng đến.
Tình trạng lười đọc văn học, nhất là với giới trẻ thể hiện ở thời gian dành cho việc đọc sách (sách văn học). Theo kết quả điều tra “Thực trạng đọc sách văn học hiện nay” năm 2012 có đến 35% số người được hỏi trả lời đọc sách dưới 30 phút/ngày; 20% số người đọc sách từ 30 phút đến 2 giờ/ngày; còn trên 2 giờ/ngày là 10%; nhu cầu đọc sách khi nào thấy thích, hứng thú chứ không mặc định vào thời gian chiếm tỉ lệ 45% số người đồng tình. Như vậy, thời gian dành cho việc đọc sách của giới trẻ có xu hướng giảm theo nhu cầu cá nhân và ảnh hưởng của phương tiện truyền thông đa phương tiện. Theo kết quả nghiên cứu năm 2013, giới trẻ đọc sách và đọc sách văn học chủ yếu tranh thủ đọc qua mạng là 45%; qua sách in là 20,1%, qua nghe đài và xem tivi là 14,9%, còn qua điện thoại di động là 20%. Lựa chọn phương thức đọc này đã hình thành trào lưu văn học mới – văn học mạng. Văn học mạng là một hiện tượng giao tiếp đặc biệt bởi đây là kênh trao đổi thông tin, bình luận, phản hồi của công chúng trực tiếp tới nhà văn; trao đổi giữa người đọc với người đọc. Bên cạnh đó, với tính chất đặc thù là sáng tác trên internet nên văn học mạng kết nối được hình thức văn học truyền thống với hình thức hiện đại; kết nối người sáng tác và người đọc, kết nối – văn bản với tác phẩm văn học hoàn chỉnh. Đây cũng chính là kênh quảng cáo và giới thiệu sản phẩm sách nhanh nhạy nhất đến với công chúng. Rất nhiều sáng tác được ra đời từ mạng internet đã được in thành sách và giữ được chỗ đứng trong lòng công chúng như: Chuyện tình New York của Hà Kin, Tuyết đen của Giao Chi, Dị bản của Keng, 3.3.3.9 – [Những mảnh hồn trần] của Đặng Thân, Trang Hạ với tác phẩm dịch Xin lỗi em chỉ là con đĩ, Lỡ tay chạm ngực con gái, Mẹ điên,… đã tạo nên các hiện tượng văn học mạng hấp dẫn công chúng.
3. Văn hoá nghe – nhìn và sự hình thành phương thức đọc mới
Trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường, của khoa học kĩ thuật khiến người đọc có ít thời gian dành cho việc đọc sách nói chung và sách văn học nói riêng. Quỹ thời gian eo hẹp cùng với sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí nghe – nhìn đã làm thay đổi thói quen đọc sách. Văn hoá đọc ở Việt Nam chịu tác động bởi các phương tiện nghe nhìn như truyền hình, báo mạng, sách điện tử,... Vì vậy, việc hình thành các kiểu đọc (hay là phê bình): phê bình báo chí và phê bình hàn lâm bên cạnh kiểu đọc đơn thuần là một sự tồn tại song hành và bổ trợ cho nhau. Bởi lẽ, chúng ta không thể phủ nhận rằng, các phương tiện truyền thông đại chúng là con đường nhanh nhất để phê bình chuyên nghiệp đến với đối tượng độc giả là những người đọc đơn thuần. Có điều trái ngược, dù không phủ nhận vai trò và tiện ích của các phương tiện truyền thông trong đó có sách điện tử, nhưng nhóm điều tra lại thu được kết quả 67,9% số người được hỏi cho rằng, tiện ích truyền thông không thể thay thế cho sách in.
Thực tiễn điều tra cho thấy, đa số công chúng chọn văn học trên internet vì yếu tố tiện lợi và nhanh gọn. Công chúng văn học đương đại trau dồi cho mình kĩ năng, kiến thức công nghệ thông tin nên họ cập nhật thông tin một cách nhanh nhạy, phù hợp với thời đại công nghệ số. Những năm thập niên đầu của thế kỉ XXI là thập niên của internet và công nghệ cao đã hình thành trào lưu văn học mạng, có đời sống riêng, có công chúng riêng. Nhà văn Trang Hạ cho rằng: Chính độc giả đã khai sinh ra văn học mạng. Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, công chúng văn học mạng đã tạo nhịp cầu nối văn học trong nước và ngoài nước. Nhiều tác phẩm trước khi được xuất bản thành sách, nó đã có đời sống phong phú trên mạng, trở thành diễn đàn trao đổi, tranh luận của công chúng văn học. Văn học mạng là con đường nhanh, tiện ích nhất để công chúng – nhà văn có sự giao tiếp đặc biệt với nhau. Công chúng trở thành “đồng sáng tạo” với nhà văn thông qua hình thức nhận xét, bình luận, phản hồi. Nhiều tác phẩm văn học, thu hút dư luận, mang tính giải trí cao, đáp ứng số đông độc giả trẻ (công chúng tuổi teen, thế hệ 9x). Tuy nhiên, một số công chúng lớn tuổi, họ không coi văn học trên mạng internet là tác phẩm văn học thực sự. Họ cho rằng: những tác phẩm trên mạng chỉ là sự thư giãn, giải trí những lúc căng thẳng; ngôn ngữ không có giá trị nghệ thuật; văn học mạng là sản phẩm của công nghệ và giải quyết nhu cầu đọc “tức thì” mà thôi.
Thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước, thị hiếu đọc đang bị văn hoá nghe nhìn lấn át. Nếu như, văn học (trên sách in truyền thống) ít được công chúng quan tâm thì văn học mạng vẫn tạo được lực lượng công chúng đông đảo, với hệ giá trị riêng, chuẩn thẩm mĩ riêng, hình thành nên những nhóm công chúng “tạm thời”, “trước mắt”.
Sự kết hợp giữa phương thức đọc truyền thống và phương thức đọc hiện đại thể hiện qua sự giao kết giữa sách in – điện ảnh, hình thành một thế hệ công chúng văn học mới: công chúng đọc, công chúng nghe – nhìn. Nhiều bộ phim như: Đất phương Nam, Thời xa vắng, Long thành cầm giả ca, Đừng đốt,… chuyển thể tác phẩm văn học đã thu hút sự chú ý của công chúng. Đặc biệt là Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư đã tạo ra một phương thức tiếp cận mới, truyền dẫn cách cảm thụ nghệ thuật mới trong sự giao thoa giữa văn hoá đọc và văn hoá nghe – nhìn. Theo điều tra trên trang điện tử vietbao.vn ngày 12/4/2006 có đến 855 người ủng hộ, chỉ có 13 người phê phán trong tổng số 868 người tham gia diễn đàn “Đối thoại về Cánh đồng bất tận” [6]. Cùng với đó là một cuộc khảo sát khác trên trang điện tử Vnexpress.net về sự yêu thích của khán giả dành cho bộ phim Cánh đồng bất tận thu được kết quả khá thú vị: 80,8% số người trả lời yêu thích bộ phim với số phiếu 3.793/4.695 phiếu. Từ tác phẩm văn học đến với lĩnh vực điện ảnh, Cánh đồng bất tận khẳng định sự kết nối, hỗ trợ cho nhau trong phương thức đọc truyền thống và phương thức đọc hiện đại; văn hoá đọc và văn hoá nghe – nhìn không lất át mà bổ sung cho nhau.
4. Kết luận
Từ kết quả nghiên cứu về thực trạng thị hiếu thẩm mĩ của công chúng văn học Việt Nam đương đại cho thấy: văn hoá đọc ở Việt Nam đang dần “nhạt phai”. Công chúng, nhất là giới trẻ có xu hướng lười đọc, đọc ít, đọc nhanh. Tâm lí chung của họ là ngại đọc sách dày, ngại đọc sách in, ngại đọc sách về vấn đề lí luận, thêm một lí do nữa là quỹ thời gian dành cho việc đọc sách ngày càng eo hẹp. Trong khi đó, các phương thức đọc hiện đại từ văn hoá nghe – nhìn ngày càng phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng đến thị hiếu tiếp nhận của công chúng văn học, hình thành văn học mạng. Sự hình thành phương thức đọc hiện đại đó dẫn đến thực trạng: thị hiếu thẩm mĩ của công chúng đang có sự phân hoá ngày càng sâu sắc. Sự phân hoá đó là cơ sở, là căn cứ để chúng tôi đi đến lí giải và khám phá những căn nguyên quan trọng, những yếu tố tác động gián tiếp và trực tiếp đến việc hình thành thị hiếu thẩm mĩ của công chúng văn học đương đại. Tuy văn hoá đọc và văn hoá nghe – nhìn ở Việt Nam chưa được coi là một khái niệm, một định nghĩa thống nhất nhưng những nghiên cứu gần đây về thực trạng văn hoá đọc hiện nay là hướng nghiên cứu, tìm tòi quan trọng để đi đến sự thống nhất, hoàn thiện.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Linh Anh, Hứa hẹn sự khởi sắc của văn hoá đọc nhân ngày hội đọc sách 23-4-2012, http://www.baomoi.com.
2. Bộ VHTTDL phối hợp cùng Ban Điều hành Dự án giáo dục Sachhay.com tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển văn hoá đọc ở Việt Nam” tại TP Hồ Chí Minh vào sáng 16-9-2010, http://www.cinet.gov.vn/upLoadFile/HTML/10_35_58_2042011/index.html.
3. Chu Hảo, Người Việt Nam chưa có văn hoá đọc, Hội thảo “Người Việt có mê đọc sách” tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14-03-2008, http://nlv.gov.vn/van-hoa-doc/nguoi-viet-nam- chua-co-van-hoa-doc.html.
4. Chu Hảo, Văn hoá đọc ở Việt Nam chỉ rộn ràng bề nổi, Hội thảo tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 6-5-2012, http://www.tgm.vn/van-hoa-doc-o-viet-nam-chi-ron-rang-be-noi/.
5. Đàm Ngọc Xuyến (dịch) Kevin Nance (Mĩ), Chuyện không chỉ của độc giả, Văn nghệ, số 1,2,3, 2012.
6. Ý kiến tham gia đối thoại với Cánh đồng bất tận, (http://vietbao.vn/Van-hoa/868-y-kien-tham- gia-doi-thoai-voi-Canh-dong-bat-tan/40132370/105/). ngày 12-4-2006.
VŨ THỊ THU HÀ 1
__________
1. ThS, Viện Văn học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.