VĂN HOÁ GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG với việc xây dựng VĂN HOÁ GIA ĐÌNH Việt Nam hiện nay
1. Mở đầu
Văn hoá gia đình Việt Nam truyền thống là sự kết tinh của nhiều giá trị, chuẩn mực, như con cháu hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; anh em hoà thuận; vợ chồng tình nghĩa,… Những giá trị, chuẩn mực đó hội tụ thành nền nếp gia phong nuôi dưỡng, hoàn thiện nhân cách cho mỗi thành viên trong gia đình. Văn hoá gia đình Việt Nam truyền thống là nền tảng để xây dựng văn hoá gia đình Việt Nam hiện nay. Do ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, gia đình Việt Nam hiện nay, một mặt cần kế thừa văn hoá gia đình truyền thống, đồng thời, tiếp thu các giá trị, chuẩn mực gia đình của nhân loại, như bình đẳng, dân chủ trong các quan hệ gia đình; gia đình ít con, tình cảm thuỷ chung, hoà thuận, tình nghĩa vợ chồng,… những yếu tố đó không mâu thuẫn, loại trừ nền nếp gia phong của gia đình truyền thống, mà ngược lại, nó còn bổ sung và tôn thêm những giá trị của gia đình Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh những điều kiện thúc đẩy văn hoá gia đình Việt Nam phát triển theo hướng tích cực thì toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế cũng tạo ra những hệ luỵ, đặt văn hoá gia đình Việt Nam hiện nay trước nhiều thách thức, có nguy cơ làm mai một các giá trị, chuẩn mực của gia đình truyền thống. Ở nhiều nơi, nhiều giá trị văn hoá của gia đình truyền thống đang bị xói mòn bởi ảnh hưởng của lối sống phương Tây, xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực mà gia đình truyền thống chưa phải đối mặt như tình dục đồng giới, trẻ em nghiện hút, bạo lực học đường,… nó trở thành vấn đề bức xúc cho các gia đình và xã hội. Những hiện tượng này đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự rạn nứt các giá trị, chuẩn mực trong gia đình ở Việt Nam hiện nay.
2. Văn hoá gia đình Việt Nam truyền thống
Gia đình Việt Nam truyền thống là một khái niệm đa nghĩa, khái niệm này có khi được hiểu là gia đình Nho giáo hoặc gia đình phong kiến. Ở một nghĩa khác, do muốn đề cao tinh thần dân tộc, muốn gạt yếu tố “Nho giáo” hoặc “phong kiến” ra khỏi khái niệm gia đình truyền thống thì có người lại đồng nhất gia đình truyền thống với hình thái gia đình Việt Nam cổ, trước khi Nho giáo xâm nhập… Khi bàn về vấn đề này, Giáo sư Đỗ Thái Đồng đã cho rằng: “Gia đình truyền thống chắc hẳn là hình thái gia đình ở nông thôn, là gia đình ở những xã hội nông nghiệp Á Đông đã tồn tại lâu đời và gần như bất biến trên nhiều khía cạnh. Như vậy, đó cũng là kiểu gia đình nông nghiệp, là một định chế gắn liền với nền nông nghiệp cổ truyền, sự nhất trí về khái niệm gia đình truyền thống có lẽ chỉ giới hạn đến đó” [2].
Gia đình Việt Nam truyền thống được hiểu là loại hình gia đình gắn với nền kinh tế nông nghiệp tiểu nông với đặc trưng sản xuất lúa nước, ít biến đổi qua những thay đổi của lịch sử, tồn tại cho đến thế kỉ XIX (trước khi tiếp xúc với phương Tây), đó là gia đình phụ hệ coi trọng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và chịu ảnh hưởng rất lớn của Nho giáo và Phật giáo, gắn với nền văn hoá cộng đồng làng xã, với chế độ ruộng công phân chia định kì, là một đơn vị tổ chức sản xuất nông nghiệp kết hợp với sản xuất thủ công và tiểu thương nghiệp, tự thoả mãn các nhu cầu sống của các thành viên. Văn hoá gia đình Việt Nam truyền thống biểu hiện phong phú, đa dạng, nhưng tập trung trong gia giáo, gia lễ, gia pháp, gia đạo, gia phong.
Gia giáo là giáo dục gia đình, đây là hình thức giáo dục của gia đình đối với các thành viên. Nội dung chủ yếu là giáo dục đạo đức, phẩm hạnh của con người trong quan hệ với gia đình, xã hội. Đối với nam giới, gia giáo đặc biệt chú ý đến giáo dục đạo lí luân thường. Luân có ngũ luân, đó là năm mối quan hệ vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè và trong đó, nhấn mạnh tam cương là vua tôi, cha con, chồng vợ. Thường nghĩa là ngũ thường, là năm đức tính cơ bản của con người gồm nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đối với nữ giới, thì gia giáo là giáo dục đạo lí tam tòng, tứ đức. Tam tòng, đòi hỏi sự ngoan ngoãn phục tùng từ lúc mới sinh ra cho tới lúc chết “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Còn tứ đức là bốn phẩm chất cần có của phụ nữ: công, dung, ngôn, hạnh.
Gia lễ là lễ nghi gia đình, là sự quy định cách thức, nền nếp để đảm bảo cho gia đình sinh hoạt theo đúng phép tắc, có lễ nghĩa phân minh trên dưới rõ ràng. Lễ thường được diễn ra ở các hình thức sau: quan, hôn, tang, tế. Quan là lễ để trân trọng sự ra đời và trưởng thành của con người. Hôn lễ là sự cưới vợ, gả chồng. Tang là việc ma chay. Tế là việc cúng bái, thờ phụng. Gia lễ không chỉ là nghi thức theo thói quen, phong tục mà gia lễ còn được ghi chép thành sách để mọi người cùng xem và thực hiện.
Gia pháp là phép tắc trong gia đình, đó là những quy định nhằm ngăn ngừa, uốn nắn, trừng phạt những hành vi sai trái của các thành viên trong gia đình. Đồng thời, gia pháp cũng nhằm mục đích bảo vệ và đề cao uy thế của gia trưởng, gìn giữ sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ gia đình hoặc để giữ những bí mật gia truyền. Gia pháp khẳng định sự nghiêm khắc của cha đối với con, của anh đối với em. Gia pháp luôn được giữ nghiêm, nếu không sẽ bị thiên hạ chê cười, phê phán. Gia pháp là một thứ luật lệ bất thành văn, ai cũng phải biết, tôn trọng và tự giác tuân theo.
Gia đạo là đạo đức của gia đình, được biểu hiện trong các quan hệ gia đình. Đạo làm con phải hiếu kính với cha mẹ, khi cha mẹ già yếu phải sớm khuya phụng dưỡng, không được để thiếu thốn; cha mẹ cũng không được bắt con cái làm việc quá khó nhọc. Làm cha mẹ phải biết sửa mình để ngay thẳng trong gia đình, lấy nghĩa lí dạy con trai, lấy nữ công dạy con gái. Cha mẹ không biết dạy dỗ con cái và con cái không chịu nghe lời dạy bảo thì cho phép các viên xã, thôn trưởng được tố giác với gia môn, nếu lỗi nhỏ thì trừng phạt bằng roi vọt, nếu lỗi lớn thì chiếu phép trị tội… Anh em trong gia đình phải cùng nhau hoà thuận, anh thì yêu em; em thì kính anh, không nên tranh nhau tài sản; chớ nên nghe lời vợ mà quên nghĩa cốt nhục… Vợ chồng phải cùng kính yêu nhau, dốc lòng ân nghĩa, vợ phải kính thờ cha mẹ chồng và không được trái lời dạy bảo của chồng, không được ghen tuông, không nên chán cảnh nghèo đói đến nỗi bỏ nhau…
Gia phong là phong cách gia đình, là nền nếp, lề thói mà mỗi thành viên trong gia đình đều phải thực hiện trong lời ăn, tiếng nói, hành vi ứng xử trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Gia phong thể hiện bản sắc văn hoá của từng gia đình và do gia giáo chi phối, nói đến gia phong là nói đến trật tự, kỉ cương của gia đình, nói đến những tính chất đặc biệt của quan hệ gia đình với nhiều thói quen, tập tục sinh hoạt. Một gia đình có gia phong lành mạnh là con cháu phải giữ gìn được nền nếp của cha ông “giấy rách phải giữ lấy lề” hoặc giữ tư cách gia đình “đói cho sạch, rách cho thơm” hoặc “trai thì trung hiếu làm đầu, gái thì tiết hạnh làm câu sửa mình”. Làm nhục gia phong là phạm vào gia pháp và có thể bị trừng phạt nặng nề.
Như vậy, văn hoá gia đình Việt Nam truyền thống là hệ thống những giá trị tinh thần của đời sống gia đình được truyền thụ từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhằm điều chỉnh mối quan hệ trong gia đình và mối quan hệ giữa gia đình với cộng đồng, được hình thành, phát triển qua lịch sử lâu dài của đời sống gia đình, gắn với nền văn minh nông nghiệp.
3. Xây dựng văn hoá gia đình Việt Nam hiện nay
Hiện nay, có nhiều cách hiểu về văn hoá gia đình, tuy nhiên, cách hiểu phổ biến nhất hiện nay là quy văn hoá gia đình thành các giá trị, chuẩn mực tốt đẹp của đời sống gia đình mà mỗi thành viên trong gia đình phải chấp nhận tuân theo và phải có nghĩa vụ thực hiện. Với cách hiểu đó, văn hoá gia đình thuộc về phạm trù những cái đúng, cái tốt, cái đẹp, đối lập với những cái sai, cái không tốt, cái xấu. Văn hoá gia đình Việt Nam hiện nay là sản phẩm của xã hội hội nhập, là kết quả của sự kế thừa những giá trị, chuẩn mực văn hoá của gia đình truyền thống, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá gia đình nhân loại.
Trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử, các giá trị, chuẩn mực của văn hoá gia đình Việt Nam không những không bị mất đi bản sắc, mà còn tiếp thu, bổ sung thêm bởi văn hoá gia đình của nhân loại, cả ở phương Đông và phương Tây. Mặc dù không có gì đảm bảo được rằng, Việt Nam sẽ không đánh mất bản sắc văn hoá của mình trong quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay. Thực tiễn cho thấy, xu thế mở cửa, giao lưu, hội nhập văn hoá giữa các quốc gia ngày càng sâu rộng, do đó, nền văn hoá Việt Nam nói chung, văn hoá gia đình nói riêng hiện nay phải đối mặt trực diện với nhiều thách thức lớn, nếu không biết cách vượt qua thì “hoà nhập” dễ trở thành “hoà tan”, hội nhập sẽ là con dao hai lưỡi để lấy đi bản sắc văn hoá của các dân tộc, đặc biệt là những dân tộc nhỏ, có trình độ phát triển thấp hơn. Do đó, cần phải xử lí tốt mối quan hệ biện chứng giữa bảo tồn, phát triển các chuẩn mực văn hoá của gia đình truyền thống Việt Nam với việc tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá gia đình của nhân loại nhằm xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bảo tồn và phát triển các giá trị, chuẩn mực của gia đình Việt Nam truyền thống chính là làm cho nền văn hoá Việt Nam ngày càng đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, còn tiếp thu những giá trị, chuẩn mực gia đình của nhân loại chính là cơ sở để xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Gia đình là một thành quả tiến hoá của nhân loại, “con người bắt đầu lớn lên từ gia đình. Văn hoá của con người bắt đầu từ văn hoá gia đình và mang dấu ấn của văn hoá dân tộc và thời đại” [5]. Xã hội biến đổi bao giờ cũng đặt ra sự biến đổi chung các giá trị, chuẩn mực của gia đình. Sự biến đổi này nằm ở hai xu hướng, đó là duy trì hoặc cải tạo, thay thế những giá trị cũ, lạc hậu, không thích hợp với gia đình và xã hội mới và tạo ra giá trị, chuẩn mực mới. Do đó, yêu cầu hiện nay là cần phải nghiên cứu để xác định những giá trị, chuẩn mực văn hoá gia đình nào cần kế thừa, tiếp thu, cái nào cần loại bỏ… Bởi thực tế cho thấy, cái gì cũng có tính hai mặt của nó, không phải cái gì của truyền thống cũng là tiêu cực và ngược lại, không phải cái gì của hiện đại cũng là tích cực. Do đó, cần phải tìm ra những “hạt nhân” hợp lí của văn hoá gia đình truyền thống và hiện đại, cả phương Đông và phương Tây để xây dựng gia đình Việt Nam, đó là một việc làm cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Xây dựng văn hoá gia đình Việt Nam hiện nay cần tập trung một số điểm sau:
Thứ nhất, coi trọng tình nghĩa, hoà thuận, thuỷ chung, bình đẳng trong quan hệ vợ chồng của gia đình truyền thống. Tuy nhiên, cần phải có tư duy biện chứng khi lưu giữ những giá trị truyền thống này, bởi vì, theo quan niệm truyền thống khi đề cập đến hoà thuận, thường chỉ nhìn một mặt, hi sinh quyền lợi của người vợ mà bỏ qua chiều cạnh gia trưởng, bạo lực của người chồng, hiểu hoà thuận vợ chồng như vậy là hết sức phiến diện. Sự hoà thuận trong quan hệ vợ chồng hiện nay cần phải đặt trên quan hệ bình đẳng giữa vợ và chồng. Việc thực hiện bình đẳng giới thể hiện ở sự thay đổi vai trò truyền thống của phụ nữ và nam giới trong gia đình. Người vợ và người chồng đều có quyền tham gia vào quá trình sản xuất và hoạt động xã hội, bình đẳng về cơ hội phát triển, có quyền quyết định đối với những công việc quan trọng, tài sản chung và cùng nhau chia sẻ công việc gia đình. Trong xã hội truyền thống, lễ giáo phong kiến chi phối nặng nề nên sự chung thuỷ chỉ nhấn mạnh ở phía người vợ, trong khi đó lại nới lỏng hơn với người chồng, thậm chí trong xã hội còn đề cao người đàn ông có nhiều vợ. Quan niệm về sự chung thuỷ hiện nay có sự thay đổi về chất, nó được nhìn toàn diện từ hai phía, cả vợ và chồng. Thực hiện được chuẩn mực này thì sẽ xoá bỏ được tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, “gia trưởng”, bạo lực gia đình,… trong gia đình truyền thống và cũng đang tồn tại trong gia đình Việt Nam hiện nay.
Thứ hai, đề cao chuẩn mực đạo hiếu trong xây dựng văn hoá gia đình Việt Nam hiện nay. Trong những năm qua, ở nước ta, cùng với sự phát triển về kinh tế, sự ổn định về chính trị, xã hội tạo ra điều kiện thuận lợi để thực hiện chuẩn mực đạo hiếu. Tuy nhiên, do xã hội hiện nay có nhiều thay đổi nên không thể đòi hỏi con cái phải hoàn toàn phục tùng và tuân thủ vô điều kiện các hủ tục trong việc thực hiện đạo hiếu, “sẽ chẳng hay gì nếu cứ buộc con cái phải dựng lều cỏ ngủ bên mộ cha mẹ ba năm mới cho là làm tròn đạo hiếu. Cũng chẳng tốt đẹp gì nếu cứ buộc các cô con dâu cứ phải nằm lăn lộn, chịu sự dẫm đạp trên đất trong tang lễ mỗi khi người ta khiêng quan tài cha mẹ chồng đi qua mới cho là họ biết thương xót người trên” [3]. Mặt khác, cũng không để tạo ra những kẽ hở để nảy sinh hoặc du nhập bừa bãi những quan điểm cá nhân ích kỉ, đề cao thái quá tự do cá nhân của xã hội phương Tây, dẫn tới băng hoại chuẩn mực đạo hiếu của gia đình Việt Nam truyền thống. Các chuẩn mực mới của chữ hiếu trong giai đoạn hiện nay “cần phải được hình thành trên nguyên tắc cơ bản nhất – đó là xây dựng tình cảm nhân ái và chân thành giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là tình cảm giữa cha mẹ và con cái” [3].
Không xuất phát từ tình cảm gia đình thì đạo hiếu sẽ chỉ là hình thức, thậm chí chỉ là những lời nói sáo rỗng, giả tạo.
Thứ ba, đề cao chức năng giáo dục của gia đình, trong đó, đặc biệt coi trọng giáo dục đạo đức. Giáo dục đạo đức trong gia đình không chỉ biểu hiện ở tình thương mà còn thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái, với thế hệ tương lai của đất nước. Sự thương yêu, chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ chính là điều kiện đầu tiên giúp con cái thích nghi với môi trường xã hội. Tuy nhiên, nội dung, phương pháp giáo dục của cha mẹ cũng cần phải thay đổi để phù hợp với sự phát triển về thể chất, trí tuệ của con cái. Bên cạnh đó, mỗi gia đình hiện nay cũng cần quan tâm đến chức năng tái sản xuất ra con người, chức năng này cũng có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của xã hội. Hiện nay, cần phải xây dựng chuẩn mực gia đình ít con, đây là nét mới so với gia đình truyền thống. Trong gia đình truyền thống, con cái là tài sản riêng của cha mẹ, gia đình càng đông con thì càng có nhiều sức lao động, do đó, sẽ tạo ra được nhiều của cải cho gia đình. Hiện nay, đa số các bậc cha mẹ đã nhận thức được chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình, nhận thức được trách nhiệm trong việc bảo đảm cho các thành viên gia đình được khoẻ mạnh, được học tập, lao động, công tác,… điều đó còn lớn hơn, nặng nề hơn so với việc sinh ra con cái. Đối với mỗi cặp vợ chồng, việc quyết định lựa chọn thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với sức khoẻ, khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng chính là nhằm bảo đảm điều kiện cho các thành viên trong gia đình có điều kiện phát triển.
Thứ tư, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, đây là những giá trị, chuẩn mực gia đình mới cần được thực hiện trong thực tiễn, chứ không chỉ dừng lại ở quan điểm, chủ trương,… Gia đình no ấm, yêu cầu đặt ra đối với mỗi thành viên gia đình là phải tích cực chăm lo phát triển kinh tế, thoả mãn được nhu cầu vật chất và tinh thần, tạo điều kiện để mỗi thành viên có điều kiện phát triển được năng lực, sở thích. Gia đình tiến bộ đặt ra yêu cầu, mỗi thành viên phải nỗ lực, rèn luyện để có tri thức, đạo đức, lối sống lành mạnh phù hợp với văn hoá dân tộc và các quy định của pháp luật. Gia đình hạnh phúc, yêu cầu các thành viên trong gia đình gắn bó, thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, gia đình thực sự là tổ ấm để nuôi dưỡng nhân cách mỗi cá nhân. Xây dựng được các giá trị, chuẩn mực trên, gia đình sẽ là một “pháo đài” chắc chắn nhất để chống lại các tệ nạn xã hội xâm nhập từ bên ngoài vào gia đình, để gia đình mãi là tổ ấm, là chỗ dựa cho mỗi người trong cuộc sống. Tại Đại hội Đảng lần XI, Đảng ta nhấn mạnh: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách” [1].
4. Kết luận
Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đang diễn ra sâu sắc trên phạm vi thế giới, trước xu thế đó, nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng và Nhà nước phải lấy giá trị, chuẩn mực của gia đình truyền thống làm nền tảng để giữ vững được bản sắc văn hoá dân tộc, đó là sức mạnh “nội sinh” cho dân tộc ta phát triển. Vấn đề đặt ra là, điều kiện kinh tế, xã hội thay đổi thì văn hoá gia đình biến đổi theo là tất yếu, do đó, trong giai đoạn hiện nay khi xây dựng gia đình, cần phải xác định rõ những giá trị, chuẩn mực của gia đình cả truyền thống và hiện đại, cả phương Đông và phương Tây để xem cái nào cần kế thừa, tiếp thu, cái nào cần loại bỏ. Các chuẩn mực văn hoá gia đình mới phải là sự kết hợp giữa những giá trị đạo đức với những quy định của pháp luật, trong đó những quy định về pháp luật sẽ là cơ sở đảm bảo cho việc phát triển của những quy chuẩn về đạo đức. Ngược lại, những quy chuẩn đạo đức lại là động lực tinh thần, ý thức tự giác cho việc tuân thủ những quy định của pháp luật. Việc tuân thủ những nguyên tắc và chuẩn mực về đạo đức và pháp luật trong các mối quan hệ gia đình là phương thức đúng đắn để xây dựng, củng cố và phát triển những chuẩn mực mới về văn hoá gia đình. Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [4].
LÊ VĂN HÙNG *
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 77.
2. Đồ Thái Đồng, Gia đình truyền thống và những biến thái ở Nam Bộ Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, tr. 72.
3. Đặng Cảnh Khanh – Lê Thị Quý, Gia đình học, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 256; tr. 256 -257.
4. Quyết định số 629/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ 2012, Phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tr. 1.
5. Lê Thi, Gia đình Việt Nam trong bối cảnh đất nước đổi mới, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr. 243.
__________
* ThS, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
** Chữ đậm, chữ nghiêng, hình ảnh (nguồn: vanhien.vn) do Ban Tu thư thiết lập.