Văn hóa tết với du lịch sinh thái Tây Nam Bộ
Tác giả bài viết: Tiến sĩ ĐỖ QUỐC DŨNG
(Chuyên gia nghệ thuật, giảng viên Trường Đại học Kinh tế
Công nghiệp Long An, Long An, Việt Nam)
TÓM TẮT
Tết là những ngày lễ cổ truyền (truyền thống) lâu đời nhất của Việt Nam. Tết cũng là dịp biểu hiện nhiều nét văn hóa tinh tế hàng đầu của người Việt, nếu không muốn nói là những nét đầy bản sắc văn hóa dân tộc. Từng vùng miền trên cả nước đều có tổ chức những thú vui, trò chơi, lễ hội,… phục vụ những ngày Tết. Đặc biệt, những thập niên qua Việt Nam lại xuất hiện một loại hình mới phục vụ Tết không kém phần sinh động, hấp dẫn; đó là Đờn ca Tài tử trong Du lịch sinh thái phục vụ những ngày Tết, tiêu biểu là miền Tây Nam Bộ. Bài viết này sẽ giới thiệu nội dung vừa đề cập.
ABSTRACT
Tet is Vietnam’s oldest traditional holidays. Tet is also the occasion to show off many of the top cultural and delicate features of the Vietnamese people, with the full national cultural features. Each region across the country organizes fun, games, festivals,… for Tet. In particular, in the past decades, Vietnam has appeared a new type of serving Tet that is not less lively and attractive; that is “Don Ca Tai Tu” in Ecotourism serving Tet holidays, typically in the South West. This article will introduce the content just mentioned.
Từ khóa: Tết, Du lịch sinh thái, Tây Nam Bộ, Đờn ca Tài tử, Ecotourism.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Đối với người Việt Nam, Tết cổ truyền của dân tộc hay còn gọi là Tết Nguyên đán là quan trọng và giá trị về văn hóa nhất; nên dân gian có từ “Tết-Nhứt”, nghĩa là Tết còn quan trọng và giá trị hơn những cái “nhứt”. Tết là những ngày đầu năm khởi đầu cho cả năm đều tốt đẹp. Bởi vì, Tết đồng nghĩa với tốt đẹp: đất trời (thời tiết) tốt, mát mẽ, ấm áp, cây cối đâm chòi nảy lộc ra hoa; nhà nhà đoàn tụ, người người cầu chúc cho nhau phước – tài – lộc, an bình, vui tươi, hạnh phúc, thành đạt,… hoặc con cháu thăm viếng ông bà, cha mẹ, học trò thăm thầy cô, bạn bè thăm nhau,… Những vật chất như sửa chữa hay xây nhà mới, mua sắm đồ vật, quần áo mới, những món ăn thức uống ngon nhất,… đều để dành cho Tết. Tết là dịp người Việt tụ hội, sum họp, cúng gia tiên, dâng lễ thánh thần, ăn uống và vui vẻ nên khái niệm Tết đồng nghĩa với những gì vui. Người Việt có câu thành ngữ “Vui như Tết” là vì vậy.
Về vật chất phục vụ Tết, từ thành thị đến nông thôn, nơi ăn chốn ở đều được tân trang chỉn chu khang trang, món ngon vật lạ cũng dồi dào hơn những ngày thường. Về văn hóa tinh thần cũng vậy, nhiều trò chơi dân gian, nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ liên tục trong những ngày trước – trong – sau Tết trên cả nước theo từng loại hình của vùng miền. Riêng Nam Bộ, tiêu biểu là Tây Nam Bộ, loại hình ca nhạc truyền thống dân tộc xưa nay quen thuộc là Đờn ca Tài tử (ĐCTT). Nhiều thập niên qua, loại hình này lại phát triển mạnh mẽ hơn, không những ở những gia đình hay nhóm đội mà còn lan rộng hầu hết ở các điểm Du lịch sinh thái Tây Nam Bộ. Đây được xem là đặc trưng văn hóa nghệ thuật của vùng sông nước Tây Nam Bộ của cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Đặc biệt, từ khi loại hình ĐCTT được UNESCO (United Nations Educational Scientific and Cultural Organization: Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại thì được Đảng – Nhà nước và nhân dân càng tự hào, quan tâm hơn.
2. Khái quát về Tết, Đờn ca Tài tử và Du lịch sinh thái
2.1. Tết
Theo Trần Quốc Vượng (2006) trong “Cơ sở văn hóa Việt Nam”: “Tết là lễ hội truyền thống lâu đời nhất của người Việt” (tr. 98). Còn theo tác giả Phan Ngọc (1998) trong “Bản sắc văn hóa Việt Nam” thì: “Ngày Tết trước hết là ngày của gia đình. Người Việt ở bất cứ nơi đâu, làm nghề gì đều muốn về quê ăn Tết, làm cuộc hành hương về nơi chôn nhau cắt rốn,… Người ta chuẩn bị Tết suốt cả tháng chạp. Nhưng không khí Tết bắt đầu 23 tháng chạp, ngày tiễn ông Táo về trời”. (tr. 390)
Tết Nguyên đán còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay chỉ gọi đơn giản là Tết, là dịp lễ đầu năm Âm lịch quan trọng và có ý nghĩa bậc nhất ở Việt Nam, cùng với văn hóa Tết Âm lịch của các nước Đông Á. Trước ngày Tết, người Việt có các phong tục như “cúng Táo Quân” (23 tháng chạp Âm lịch) và “cúng Tất Niên” (29 hoặc 30 tháng chạp Âm lịch). Còn Nguyên nghĩa của “Tết” chính là “tiết”, hai chữ “Nguyên Đán” có gốc chữ Hán, “nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai còn “đán” là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là “Tiết Nguyên Đán”.
Vì Tết tính theo Âm lịch nên Tết Nguyên đán của Việt Nam muộn hơn Tết Dương lịch (hay Tết Tây). Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà rơi vào giữa những ngày này.
Ngày xưa, Tết kéo dài tới bảy ngày, sau này rút ngắn lại còn ba ngày. Trong những ngày này, tất cả các hoạt động thuộc nghề nghiệp đều tạm ngừng để dành cho việc cúng kiếng tổ tiên, nghỉ ngơi, vui chơi, thăm viếng nhau bù lại sau một năm lao động mệt nhọc. Nhà nào cũng có hương đăng trà quả, bánh mứt, thịt cá, dưa giá,… trong những ngày Tết. Ngoài tập tục người ta mừng thọ nhau, cầu tài – lộc – phúc được xem như phần lễ,… Về phần hội là các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, từ các loại hình nghệ thuật dân gian như các trò chơi múa lân, múa rồng, đá gà, đánh bài, chơi lô tô, bầu cua, tài xỉu,… và đi đây đi đó trong dịp Tết. Ví dụ: đi hội chợ, ngày nay, có nhiều điểm vui chơi, giải trí hơn như đi du lịch, đi hội hoa xuân, đi công viên văn hóa,…
Nghệ thuật chuyên nghiệp có điện ảnh, ca nhạc, Cải lương,… Ở nông thôn, khắp nơi, phổ biến nhất là sinh hoạt ĐCTT; đặc biệt, nhiều thập niên qua ĐCTT đã đi vào phục vụ Du lịch sinh thái khá sinh động trong những ngày Tết.
2.2. Đờn ca Tài tử
Nhạc Tài tử hay ĐCTT, đến nay không còn xa lạ với hầu hết người dân Nam Bộ và cả nước nói chung, thậm chí nhiều nước trên thế giới cũng biết đến.
Phong trào ĐCTT xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX, giữa đầu thế kỷ XX lan tỏa khắp Nam Bộ, thịnh hành nhất là từ năm 1900 đến 1940. Sau đó vì đất nước chiến tranh liên miên nên phong trào suy dần, các tỉnh lỵ thì yếu đi, chỉ có Sài Gòn thì ngày càng mạnh hơn bởi các nhân tài từ các tỉnh miền Tây về đây mưu sinh cho đến 1975. Hơn 10 năm sau giải phóng, năm 1993, Thành phố Hồ Chí Minh mở đầu phục hưng phong trào ĐCTT bằng liên hoan ĐCTT Nam Bộ lần thứ nhất mở rộng phía Nam. Từ đó đến nay, các địa phương các cấp trong khu vực Nam Bộ đua nhau tổ chức xây dựng phong trào ĐCTT rộng khắp, với những con số khó thể thống kê.
Bản chất của ĐCTT dường như nó gắn liền với bản chất của người Nam Bộ, nó không chỉ đơn thuần được xem là một thú vui chơi tao nhã, mà nó còn có tính phóng túng, tự do, tự tại không bị gò bó hay có một thể chế nào ràng buộc, và cũng không vì nhu cầu danh lợi cho cá nhân. Mọi tầng lớp, vị trí xã hội, độ tuổi, giới tính,… đều không phân biệt khi tham gia vào cuộc chơi.
Nhạc Tài tử được định hình và mang đậm bản sắc văn hóa Nam Bộ, bởi vì trong đời sống tinh thần của cư dân vùng đất mới được khai phá, con người phải chống chọi với thiên nhiên từ nhiều phía, thì ĐCTT không chỉ là một thú vui mà nó trở thành một món ăn tinh thần duy nhất không thể thiếu vào lúc đó. Khi vui hứng thú, con người cũng đờn ca, khi buồn chán đờn ca để giải sầu, đau khổ cũng đờn ca để vơi đi nỗi niềm,… ĐCTT là một loại hình được xem như một người bạn đồng hành của người Nam Bộ từ thời mở cõi cho đến bây giờ. Nó đã trải qua sự tồn tại, kế thừa nhiều thế hệ và phát triển tương đối bền vững. Vì vậy, từ trong quá khứ cho đến hiện tại, ĐCTT có thể xuất hiện mọi lúc mọi nơi, phong phú về tính chất và khá đa dạng hình thức sinh hoạt.
Tóm lại, nhạc Tài tử là dòng nhạc mới sinh ra tại vùng đất mới Nam Bộ, có nguồn gốc từ nhạc Lễ Nam Bộ, kết hợp với ca nhạc Huế và hò, lý Nam Bộ,… hình thức diễn xướng diễn tấu là ĐCTT. Đặc điểm của ĐCTT là loại hình ca nhạc dân gian (tính tự phát, tự giác), mà sau này gọi là ca nhạc truyền thống hay cổ truyền. Chức năng chính của nó là ca để nghe, sau này ra bộ minh họa chỉ là yếu tố phụ như các hình thức ca nhạc sân khấu,…
2.3. Văn hóa Du lịch sinh thái
Nội hàm văn hóa rất rộng, trong phạm vi bài viết này chỉ bàn sơ bộ về văn hóa DLST và ĐCTT, vì văn hóa DLST và ĐCTT là hai thành tố trong hệ thống cấu trúc của văn hóa Nam Bộ. Có thể hiểu, văn hóa sông nước và văn hóa sinh thái tuy hai mà một và ngược lại. Bởi vì, trong hệ thống cấu trúc của hệ sinh thái có thành tố sông nước và trong văn hóa sông nước có nhiều dấu vết của hệ sinh thái. Từ năm 1991, đã xuất hiện khái niệm về DLST. “Du lịch sinh thái là loại hình du lịch diễn ra trong các vùng có hệ sinh thái tự nhiên còn bảo tồn khá tốt nhằm mục tiêu nghiên cứu, chiêm ngưỡng, thưởng thức phong cảnh, động thực vật cũng như các giá trị văn hoá hiện hữu”,[5].
“Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hoá bản địa gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương”, theo định nghĩa về du lịch sinh thái ở Việt Nam. Nhưng thời gian gần đây, với góc nhìn căn bản của những nhà nghiên cứu, DLST là tập trung vào mức độ trách nhiệm của con người đối với môi trường. Có quan điểm cho rằng, DLST là du lịch tạo ra những hạn chế trong môi trường, các tác động biến đổi đến sinh thái, văn hoá và thẩm mỹ. Có quan điểm cho rằng, DLST có những đóng góp đáng kể để quản lý và bảo vệ môi trường, đem quyền lợi ít nhiều cho đời sống văn hóa vật chất lẫn tinh thần cho người dân địa phương. Từ đó, một khái niệm mới xuất hiện: “Du lịch sinh thái là du lịch có trách nhiệm với các khu thiên nhiên là nơi bảo tồn môi trường và cải thiện phúc lợi cho nhân dân địa phương”,[5].
Du lịch sinh thái còn là loại hình du lịch có trách nhiệm đối với môi trường ở các khu thiên nhiên còn tương đối hoang sơ, với mục đích thưởng ngoạn thiên nhiên và các giá trị văn hóa kèm theo của quá khứ và hiện tại, thúc đẩy công tác bảo tồn, có ít tác động tiêu cực đến môi trường và tạo các ảnh hưởng tích cực về mặt kinh tế – xã hội cho cộng đồng địa phương. DLST còn có khá nhiều khái niệm và định nghĩa khác, nhưng vẫn thống nhất trong nội hàm của hai phạm trù “thiên nhiên” và “văn hóa”.
Đờn ca Tài tử (ĐCTT) là loại hình ca nhạc truyền thống Nam Bộ, thuộc lĩnh vực ca nhạc dân tộc nói chung. Nó là một thành tố tiêu biểu trong hệ thống văn hóa nghệ thuật Nam Bộ. ĐCTT tồn tại và phát triển trên đất Nam Bộ khá lâu và ngay khi loại hình DLST mở ra ở Nam Bộ, thì nhiều địa phương vùng Tây Nam Bộ đã đưa ĐCTT vào phục vụ du khách.
Loại hình DLST Việt Nam mới phát triển trong vài thập niên qua, nhưng nó đã góp phần đáng kể cho ngành du lịch nước nhà nói chung và tạo diện mạo đa diện của DLST nói riêng. Đất nước Việt Nam vốn được thiên nhiên ưu đãi có nguồn tài nguyên dồi dào: Hệ sinh thái môi trường và đa dạng sinh học rất phong phú; văn hóa Việt Nam nhiều nét độc đáo và tính cách con người Việt Nam hào phóng, lịch thiệp, hiếu khách,… Văn hóa và du lịch đều do con người tạo ra và hưởng thụ nó, mỗi vùng miền đều có nét riêng về đặc trưng, đặc thù văn hóa và du lịch. Ngoài môi trường tự nhiên và xã hội của vùng miền, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng có những nét riêng, và DLST thời gian qua đã khai thác nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật để phục vụ khách du lịch. Ý thức về tinh thần dân tộc, Nam Bộ đã khai thác loại hình ĐCTT đưa vào phục vụ các lễ hội văn hóa, đình đám, tiệc tùng… Đặc biệt, nhiều địa phương vùng Tây Nam Bộ đã đưa ĐCTT vào những khu du lịch sinh thái phục vụ du khách rất hiệu quả.
Hiệu quả của ĐCTT không chỉ phục vụ du khách giải trí thuần túy, mà nó còn giới thiệu với du khách ngoại quốc về giá trị văn hóa, bản sắc nghệ thuật dân tộc. Nó còn là nhịp cầu nối giao lưu văn hóa, tạo sự gần gũi hiểu nhau qua âm nhạc dân tộc và đời sống văn hóa âm nhạc trong hoạt động DLST đối với du khách trong và ngoài nước.
3. Vài nét tiêu biểu về Đờn ca Tài tử trong du lịch sinh thái Tây Nam Bộ
Miền Tây Nam Bộ, về không gian văn hóa có 13 tỉnh thành: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Về đặc điểm môi trường tự nhiên ở Nam Bộ có những đặc thù riêng so với Bắc và Trung Bộ. Nếu Bắc và Trung Bộ có nhiều núi đồi, rừng già, biển cả; thì Nam Bộ có đồng bằng mênh mông phì nhiêu và sông, kênh, rạch chằng chịt; mà vùng Tây Nam Bộ điển hình nhất nước cho đặc thù này – vùng sông nước Tây Nam Bộ. Tây Nam Bộ nổi tiếng là xứ kênh rạch, miệt vườn, cây trái quanh năm, nơi trĩu nặng những vựa lúa, vựa cá tôm. Con người nơi đây chân tình, thẳng thắn, mến khách, phóng khoáng, cần cù lao động và cởi mở. Vùng đất này là nơi cộng cư của người Việt, Khơ me, Hoa, Chăm và một số dân tộc khác mới di cư tới sau này [3].
Văn hóa DLST ở miền Tây Nam Bộ nổi lên đặc điểm rất rõ nét về hai bộ phận: văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Văn hóa vật chất, trước tiên là các chủ nhân thu lợi nhuận từ du khách, như phí xuồng ghe đưa đón, dịch vụ ăn uống, bán quà lưu niệm, đặc sản trái cây,… Văn hóa tinh thần, trước tiên du khách chiêm ngưỡng phong cảnh sông nước, vườn cây trái, hoa kiểng và thưởng thức văn hóa nghệ thuật truyền thống ĐCTT,… Nghĩa là cư dân vùng sông nước đã ứng xử với môi trường sinh thái để tạo ra các giá trị văn hóa DLST.
Có lẽ không hẹn mà lại gặp, cũng không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà ĐCTT lại gặp DLST; đúng hơn, đó là sự hòa nhập thích hợp về bản chất của sự vật. Bởi lẽ, chủ nhân Nam Bộ đã sáng tạo ra loại hình ca nhạc ĐCTT; điều kiện tự nhiên sông nước Tây Nam Bộ đã xúc tác cho DLST xuất hiện. Do vậy, khi văn hóa DLST xuất hiện kéo theo ĐCTT gắn bó để cả hai cùng phát triển cũng là một quy luật tồn tại xã hội. Hình thức tồn tại và phát triển của mô hình du lịch này, có thể thấy phổ biến trong thời gian qua từ không gian văn hóa đặc trưng, đó là những cù lao xanh trên sông nước thành những khu DLST.
Có lẽ, Tiền Giang là một trong những tỉnh có mô hình DLST đưa ĐCTT vào phục vụ du khách sớm nhất ở Tây Nam Bộ. Khoảng những năm đầu năm 1990, Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang thành lập Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT, mà phần đông các thành viên đến từ gia đình nghệ nhân Bảy Du ở cù lao Thới Sơn. Các thành viên trong đó có nghệ nhân Bảy Du (đờn Cò đã qua đời), Sáu Giàu (đờn Kìm đã qua đời), nhạc sỹ Thanh Nhàn (violon, sến), My Ba (guitar phím lõm), Lê Sang, Lê Nhiên, Ngọc Dung, Ngọc Loan. Bé Túc, bé Đông, bé Thủy,… là nghệ nhân ca. Họ hầu hết là thành viên CLB ĐCTT cù lao Thới Sơn (xã Thới Sơn, huyện Châu Thành – Tiền Giang), cũng là con cháu, bà con của nghệ nhân Bảy Du. Là một cù lao xanh nổi giữa sông Tiền giữa Tiền Giang và Bến Tre. Ông Quốc lúc đó là giám đốc Công ty Du lịch Tiền Giang (con rể thứ hai của nghệ nhân Bảy Du) cũng chính là người phác họa ra mô hình du lịch này. Sau đó, điểm du lịch này có tên là “Khu du lịch Thới Sơn 1”. Nghệ nhân Bảy Du chỉnh trang khu vườn, xây cất nhà lá rộng thêm, bố trí bàn ghế, tổ chức các món ẩm thực, trái cây tươi ngon từ trong vườn nhà như: đu đủ, nhãn, mận, bưởi, dừa, mãn cầu, vú sữa, mít, chôm chôm,… Đặc biệt, du khách thưởng thức ĐCTT không phải tốn tiền (phục vụ miễn phí, tùy lòng hảo tâm khách tặng tiền “boa”), khu du lịch chỉ tính tiền ghe tàu đưa rước du ngoạn trên sông quanh cù lao, và chi phí ẩm thực, trái cây,… Nhiều du khách nước ngoài còn tìm hiểu nguồn gốc và đặc điểm của ĐCTT, có khách thì tìm hiểu tính năng nhạc cụ, phong cách ca ngâm,… Họ còn mượn nhạc cụ để quay phim, chụp ảnh với các tài tử. Nếu ai đã một lần ngồi trên du thuyền lướt sóng sông Tiền, ngắm trời nước bao la, nhìn màu xanh của cây trái ngút ngàn dọc theo cù lao. Cầm trái dừa xiêm uống một hơi dài, nước ngọt mát lòng, vừa nghe bài “Lưu thủy trường” (nước chảy trên sông dài), hay bài “Lưu thủy hành vân” (mây bay nước chảy). Rồi lên bờ dạo trong vườn cây rợp mát, thưởng thức hương vị của nhãn, mít, sầu riêng, chôm chôm,… nhấm nháp ly rượu đế mà nghe sáu câu Vọng cổ cùng với tiếng nhạc cụ hòa lẫn mùi mẫn thì khó thể nào quên,…
Cũng khu vực này trên sông Tiền thuộc địa phận Bến Tre, đó là cồn Phụng (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) là một khu viên của Đạo Dừa ngày trước khoảng 1.500 m2 cuối cù lao Tân Thạch. Ban đầu, nơi đây là khu du lịch của Công Đoàn Lao Động tỉnh Bến Tre (khoảng 1990), những năm sau đó thì đơn vị này áp dụng mô hình đưa ĐCTT vào phục vụ du khách. Lúc đó, Nghệ nhân Ưu tú Minh lời làm nhóm trưởng ĐCTT có bốn thành viên (anh đờn tranh), Hai Bạc (kìm) Văn Đậm (guitar phím lõm), Phương Oanh và Vũ Bình ca. Quần thể du lịch này còn có những cồn nhỏ, một điểm sinh thái khác dọc sông Tiền thuộc tỉnh Bến Tre do Công ty Du lịch quản lý, nên du khách sẽ tham quan các nơi theo tour rồi về nghỉ dưỡng tại cồn Phụng (có nhà nghỉ của Công Đoàn). Nhóm ĐCTT được bố trí trong một hang động nhân tạo khoảng chừng 30 m2, có băng đá cho khách ngồi. Khi khách đến đây thì nhóm ĐCTT biểu diễn phục vụ không thời hạn, khi nào khách thỏa mãn rời chân thì nhóm mới nghỉ đờn ca. Tại đây không có phục vụ ẩm thực và trái cây, vì kế bên có nhà hàng khách sạn trong khu vực. Nếu thực khách bên nhà hàng có nhu cầu thì nhóm ĐCTT qua đó để phục vụ. Đối tượng du khách đến đây cũng rất đa dạng cả trong và ngoài nước, họ cũng thích thú, tìm hiểu về ĐCTT, nhạc cụ cũng tương tự như ở cồn Thới Sơn.
Đến với tỉnh Vĩnh Long, mô hình DLST có ĐCTT càng phong phú, bởi vùng đất này mang đầy sông nước, lại là cái nôi của Ca ra bộ đỉnh cao của ĐCTT. Điểm nổi bật ở Vĩnh Long có thể kể đến cù lao An Bình, một khu DLST miệt vườn hấp dẫn của huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Cù lao An Bình khá rộng lớn, có đến 4 xã, nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên, quanh năm màu nước sông đỏ phù sa màu mỡ, vun bồi cho những vườn cây trái xanh bạt ngàn thêm trĩu cành tươi tốt. Nổi lên giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên gồm 4 xã: An Bình, Hòa Ninh, Đồng Phú và Bình Hòa Phước. Được bao bọc bởi sông nước và hệ thống kênh rạch chằng chịt, đất đai màu mỡ, khí hậu quanh năm mát lành, nên nơi đây từ lâu đã nổi tiếng với nhiều loại cây ăn trái đặc sản như nhãn, xoài, sầu riêng, sapôchê, chôm chôm,… Cù lao An Bình có 2 khu du lịch là Vĩnh San, Trường An và 18 điểm du lịch, điểm nào cũng có ĐCTT phục vụ du khách, một sinh hoạt độc đáo mang đậm nét văn hóa miệt vườn. Tiếng đàn lời ca réo rắt mượt mà như lời mời gọi chân chất níu chân khách phương xa nán lại, khó đành lòng bước đi. Đặc biệt, du khách còn được tham gia vào những trò chơi gợi nhớ về dòng sông, mương nước, bờ ruộng của miền quê kiểng. Trong đó, tham gia vào trò chơi tát mương bắt cá là một trải nghiệm, khám phá thật ấn tượng, hấp dẫn.
Giữa năm 1998, Bến Ninh Kiều – TP. Cần Thơ có một chiếc du thuyền tổ chức tour trên sông Hậu. Mỗi tour như thế một giờ đồng hồ. Mỗi tối 2 tour, từ 19 giờ 30 đến 20 giờ 30 và 21 giờ đến 22 giờ. Chiếc thuyền ấy rộng lớn, trọng tải 100 tấn, sức chứa 40 đến 60 người/tour. Đây là chiếc “du thuyền sông Hậu” thuộc Công ty Du lịch tỉnh Cần Thơ, đưa du khách ra sông Hậu hứng mát, giải trí và thưởng thức chương trình ĐCTT trên thuyền trong một tiếng đồng hồ. Anh Võ Hồng Phú – thuyền trưởng (lúc đó) cho biết: mỗi du khách mua một vé 20.000 đồng, được kèm theo một lon nước ngọt hoặc một lon bia, tùy theo sở thích của khách. Mỗi tour thu hút bình quân 30 khách, những ngày cuối tuần thì từ 40 – 60 khách/tour. Nếu lúc trăng thanh gió mát thì du khách ngồi ở tầng trên, có bàn ghế hẳn hoi; lúc thời tiết mưa gió bất thường thì ngồi ở tầng dưới (trong khoang). Nhóm tài tử gồm có: chú Phước – đờn tranh và đờn bầu, chú Tám Thà – đờn sến và đờn gáo, anh Thanh Hùng – đờn guitar phím lõm, anh Út Khiêm cùng các chị Trang Phượng, Kiều Thu, Thùy Khai và Thúy Hằng ca. Họ chơi đủ các bài bản nhạc Tài tử Nam Bộ: Bắc, Hạ, Nam, Oán và Vọng cổ,… đan xen chương trình có biểu diễn độc tấu nhạc cụ.
Theo các chủ nhân của những điểm DLST cho biết, điểm nào có ĐCTT thì thu hút du khách đông hơn. Vào những ngày Tết, từ mùng một đến Rằm tháng Giêng là khách đông nhất trong năm. Sau này, miền Tây Nam Bộ mở ra nhiều điểm DLST hấp dẫn không kém, mỗi nơi một vẻ “mười phân vẹn mười” như Kiên Lương, Phú Quốc (Kiên Giang), Bảy Núi (An Giang), Xẻo Quýt (Đồng Tháp) biển Ba Động, ao Bà Om (Trà Vinh), vườn chim (Bạc Liêu), vườn cò (Cà Mau), chợ nổi (Cần Thơ),… đều có ĐCTT phục vụ trong các điểm DLST. Vì bài viết có hạn nên tác giả không thể giới thiệu hết về ĐCTT và DLST Tây Nam Bộ cũng là điều rất tiếc.
4. Kết luận
Nam Bộ là vùng văn hóa sông nước, mà Tây Nam Bộ là điển hình cho đặc trưng này. Ngành du lịch là ngành không thể tách rời với văn hóa dân tộc hay nói khác đi, văn hóa dân tộc là nền tảng của ngành du lịch. Bởi du khách đi du lịch, ngoài mục đích nghỉ dưỡng, giải trí, vui chơi, thưởng ngoạn,… đặc biệt, du khách rất chú trọng tìm hiểu văn hóa, lịch sử dân tộc nơi mà họ đến tham quan qua các danh lam, thắng cảnh, lăng tẩm, di tích lịch sử,… Qua đó, văn hóa sông nước Nam Bộ cho thấy, là một tiểu vùng văn hóa không những bao chứa gần cả đời sống văn hóa cộng đồng khu vực với hầu hết những đặc trưng văn hóa Nam Bộ, mà nó còn là điều kiện thuận lợi cho giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc trong nước và quảng bá những đặc trưng độc đáo về văn hóa Việt Nam nói chung, Nam Bộ nói riêng với thế giới. Cụ thể là hai thực thể ĐCTT và DLST trong sông nước Tây Nam Bộ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đ.Dũng, Đặc điểm ngôn ngữ của ca từ Vọng cổ. TP. HCM, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2013a.
[2] Đ.Q.Dũng và V.T.Yến, Đờn ca Tài tử Nam Bộ – Tinh thần và cốt cách. TP. HCM, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2016.
[3] T.N. Thêm, Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ. TP. HCM, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2014b.
[4] Trả lại không gian cho đờn ca tài tử [Nguồn]: http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/tra-lai-khonggian-cho-don-ca-tai-tu-ngan-chan-lai-cang-20140325213051618.htm
[5] Du lịch sinh thái [Nguồn]: http://www.vtr.org.vn/du-lich-sinh-thai-khong-don-thuan-la-du-lichthien-nhien.html
Nguồn: Tạp chí Kinh tế – Công nghiệp, số 26 – tháng 01/2021
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Văn hóa tết với du lịch sinh thái Tây Nam Bộ (Tác giả: TS. Đỗ Quốc Dũng) |