VĂN HÓA ỨNG XỬ với RỪNG của NGƯỜI STIÊNG (Phần 2)
THE BEHAVIOURAL CULTURE of THE STIENG PEOPLE
to THE FOREST (Part 2)
HOÀNG THỊ LAN
(Học viên Cao học Văn hóa – (Năm 2012) – Trường ĐH KHXH & NV TPHCM)
2. Ứng xử với rừng trong văn hóa tinh thần
2.1. Trong luật tục
Luật tục (tập quán pháp, lệ tục,…) tương ứng với các thuật khoa học nước ngoài: droit coutumier, customary law, folk law, traditional law,… là một hình thức của tri thức bản địa, tri thức địa phương, được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, qua kinh nghiệm ứng xử với môi trường và ứng xử xã hội, đã được định hình dưới nhiều dạng thức khác nhau, được truyền từ đời này sang đời khác qua trí nhớ, qua thực hành sản xuất và thực hành xã hội. Nó hướng đến việc hướng dẫn, điều chỉnh và điều hòa các quan hệ xã hội, quan hệ con người với môi trường tự nhiên [1]. Luật tục Stiêng thực hiện các đảm bảo cho việc cố kết và duy trì các cộng đồng làng, quy trách nhiệm các sai phạm và các cách xử phạt hành vi, cơ sở cho sự vận hàng xã hội Stiêng. Qua luật tục, chúng ta cũng thấy được sự hợp lý của điều kiện sống trong môi trường rừng, điều kiện canh tác rẫy của người Stiêng, thể hiện văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên, với rừng, đất rừng, rẫy của người Stiêng.
Trong các tội được quy định trong luật tục Stiêng thì tội xâm phạm những điều kiêng kỵ liên quan đến việc bảo vệ rừng, bảo vệ nương rẫy được quy định cụ thể “việc phóng uế ở các rẫy đang trồng trọt, việc phát rẫy ở khu rừng cấm (như nghĩa địa, rừng đầu nguồn) mà người Xtiêng cho rằng đó là nơi trú ngụ của thần linh, ma quỷ, cũng bị quy vào tội xâm phạm kiêng kỵ và phỉ báng thần linh” [Ngô Văn Lý: Góp phần tìm hiểu Luật tục Xtiêng trong Tạp chí Dân tộc học số 1- 1993]. Những kiêng kỵ thành tâm thức và thành luật bởi theo họ nếu trái ý với thần linh, ma quỷ có thể gặp tai họa cho cá nhân, dòng họ, cộng đồng. Như việc cấm phóng uế trên rẫy bởi “việc phóng uế trên “mirr” có thể làm mùa lúa rẫy năm đó bị hạn hán hoặc bị sâu rầy phá hoại” [Ngô Văn Lý 1994: 47].
Luật tục Stiêng cũng khẳng định chế độ sở hữu đất rừng là chế độ sở hữu công cộng của làng Stiêng và quyền sử dụng đất rừng thuộc về cá nhân, dòng họ. nó là tài sản chung của cả làng, do chủ làng thay mặt dân làng để quản lý. Đất rừng trong Luật tục Stiêng được chia thành 4 loại: đất canh tác (những rẫy “mirr”), đất dự trữ (thường là rừng đất có lồ ô, tre nứa hoặc những đất cũ đang phục hồi), đất thổ cư (nơi dùng để dựng nhà ở của dân làng), đất cấm canh tác (đất dùng làm nghĩa trang và các khu vực kế cận, cùng rừng nguyên sinh ở đỉnh các ngọn núi, các đồi cao mà người Stiêng cho đó là nơi thần rừng “yang pri” cư ngụ hoặc nơi linh thiêng) [2].
Qua luật tục của Stiêng cũng cho thấy, cái quan trọng của người Stiêng không phải là đất rừng mà những gì thu được từ đất rừng cho nên việc xác định chủ đất rừng là dựa trên căn cứ ai đã khai thác trên khu đất ấy chứ không phải đất ấy của ai cho nên có việc chủ làng có quyền phân phối lại đất đã từng canh tác của người này (qua quá trình bỏ hoang) có thể được chia cho gia đình khác.
Tóm lại, qua luật tục Stiêng cho thấy được cách ứng xử phù hợp của người Stiêng. Người Stiêng luôn có ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống của họ. Không dừng lại ở những hoạt động mang tính thích nghi với môi trường sống của mình, cùng với những quy định đã thành “luật”, người Stiêng đã có những phương pháp phân chia và bảo vệ rừng một cách tốt nhất vừa đảm bảo sự ổn định của làng và đảm bảo môi trường tái sinh, phát triển.
2.2. Trong phong tục, tập quán
Rừng là nguồn sống của con người, nếu rừng không còn thì nguồn sống của con người cũng bị đe dọa. Người Stiêng hiểu rằng họ cùng tồn tại với rừng, được chở che bởi rừng. Họ sùng bái rừng và nhiều thứ liên quan đến rừng. Họ cho rằng, vạn vật có linh hồn, họ thờ thần đá, thần cây, thần núi, thần lúa, … đặc biệt là thần rừng “yangpri”. Văn hóa ứng xử của người Stiêng với rừng cũng được thể hiện rõ nét qua những phong tục tập quán trong quá trình lao động, sản xuất, qua các nghi lễ vòng đời người, vòng cây trồng,…
Trong hoạt động sản xuất, họ tin rằng thần rừng là người giúp đỡ họ trong việc chọn đất canh tác, trong khai thác rừng; cũng là người bảo hộ cho họ. Chính vì vậy mà bất cứ người Stiêng nào, trước khi chọn được rẫy họ cúng để xin ý thần, sau khi chọn được rẫy rồi, họ cũng cúng trả ơn. Với tâm niệm đó, người Stiêng không bao giờ chọn đất canh tác nơi có rừng già nhiều cây cổ thụ lâu năm. Họ gọi đó là rừng thiêng, nơi ông bà rừng ở – nếu ai vi phạm chặt gỗ, phá rẫy ở những khu rừng này sẽ bị làng trừng phạt. Trong khu rừng họ chọn làm rẫy, họ chỉ chặt những cây nhỏ, những cây gỗ lớn sẽ được giữ lại vì sợ ông bà rừng quở phạt. Nhờ đó, họ giữ được cây lớn, bảo vệ được rừng già.
Khi khởi đầu các công đoạn canh tác, người Stiêng luôn có các lễ cúng bái thần linh và tuân theo các kiêng kị khá phức tạp. Các công đoạn sản xuất thường qua nhiều khâu khấn thần, tìm đất khấn, phát rẫy với những bài khấn trang trọng. Họ tổ chức lễ cúng thần để cầu mong cho mùa sau tốt tươi và dân làng no ấm và cũng là cách trả lễ cho thần linh.
Rừng là nơi người Stiêng tổ chức các lễ hội nông nghiệp: lễ cúng lúa mới, lễ cúng kho lúa, lễ hội cầu mưa, lễ phá bàu… là không gian người Stiêng thể hiện lòng biết ơn đối với các Yang, sau đó là ông bà tổ tiên và cũng là dịp để nam nữ hò hẹn, giao duyên, dịp để người từ các poh khác nhau giao lưu tình cảm, trao đổi kinh nghiệm sản xuất.
Rừng là nơi thanh sạch và đối với người Stiêng, rừng cũng là nơi thanh tẩy những ô uế. Thường thì người Stiêng được đẻ trong làng, tuy nhiên gặp những trường hợp như có chửa mà không chồng, ngoại tình,… thì thai phụ đẻ trong làng là xú uế họ thường làm một cái chòi ở trong rừng, chờ cho sản phụ sinh xong, làm lễ cúng thì mới được đưa về nhà.
Đối với trẻ sơ sinh, khi được sinh ra, người Stiêng “cho nhau rốn vào quả bầu khô hoặc một ống tre mang vào rừng treo trên một cành cây to. Cây này không được ai chặt” [Vũ Thị Phương 2009: 91]. Theo quan niệm của họ, gửi nhau đứa trẻ trên cây to để con trẻ được thần linh che chở, nhanh lớn và không bị bệnh tật. Rừng có mặt trong mọi ngõ ngách của đời sống người Stiêng từ khi chào đời cho đến lúc chết đi thì “nghĩa trang của đồng bào thường là rừng nguyên sinh có những cây cao được xem là nơi trú ngụ của những linh hồn người chết. Không ai được phép chặt cây này [Vũ Thị Phương 2009: 86-87].
Từ những phong tục, tập quán của người Stiêng cho ta thấy họ luôn dành tình cảm thiết tha, một vị trí thiêng thiêng cho rừng trong tâm thức của mình, thể hiện tư duy mong muốn được sống hòa hợp với tự nhiên, tôn trọng tự nhiên cụ thể ở đây là rừng.
2.3. Trong văn học dân gian
Người Stiêng có nguồn văn học dân gian phong phú với đầy đủ các thể loại: sử thi, ca dao dân ca, tục ngữ, câu dố,… Văn học dân gian cũng là bức tranh đẹp tô điểm thêm văn hóa rừng của người Stiêng. Ta dễ dàng nhận thấy, rừng là khí trời cung cấp hơi thở cho văn học dân gian Stiêng. Trong sử thi Krông Kơ Lass đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas, không gian diễn ra sự kiện là rừng, thời gian được tính bằng các mùa rẫy, mùa lễ hội. Ở đó có Nglon Hơv nói chuyện với thú rừng, có các vị thần của rừng là thần rừng, thần chòi rẫy, thần chòi lúa. Ở đó có cuộc sống của những người đàn bà dệt vải, người đàn ông vót mây, đan gùi mang vai làm đồ trang sức cho vợ hoặc người yêu.
Bên cạnh sử thi, dân ca có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần Stiêng. Đồng hành với những kiêng kỵ gắt gao, lao động của người Stiêng tràn ngập tiếng nhạc “Tiếng trống tiếng cồng mời anh lên rẫy xuống đồi xuống nương đi cày/ Ơi ruộng ơi đất ơi! Ơi thác ơi suối ơi! Ruộng ơi! Đất ơi!/ Tang tính tình đan tre mây nứa chúc mừng các anh,/ Ơi ruộng ơi! Lúa ơi! Ơi áo mới ơi! Gạo ơi! Thóc ơi!/ Cùng đốt rừng từng đêm lên rẫy khắp làng hát câu muôn lời/ Ơi ruộng ơi! Núi ơi! Ơi lúa ơi! Ruộng ơi! Lúa ơi!” [Dân ca].
Dân ca cũng chính là nơi người Stiêng truyền dạy cho con cháu những kinh nghiệm thường thức sử dụng những nguồn lợi từ rừng; đói thì “trái cây rừng kia hái mà ăn”, khát thì tìm “những nơi có con suối hay vũng nước”, thức ăn để dành thì “con nai cả trăm, con mang cả ngàn”. Hay “Vô rừng ăn trái gùi ngon ngọt/ Đi tới rừng rừng sâu ăn trái ngọt tai/ Tới rừng rậm ăn trái ngọt ngon/…/Ông bắn con sóc ở rừng mây/ bắn con cu xanh ở rừng rậm/ bắn con nào thịt béo và mới lớn lên” [Dân ca].
Ăn từ rừng, ở trong rừng, nơi hò hẹn yêu nhau cũng trong rừng. Bàu [3] trong rừng đôi khi là chứng nhân đôi lứa “Con trai con gái sóc này/ Đẹp như bông cao bơ he/ Đẹp như trái khổ qua rừng/ Tập trung đầy trên bào trên bản/ Đúng rồi! cái bào này mình đã hẹn hò/ Cái đồng mình đã gặp nhau/ Cái bào mình đã hẹn hò/ Tình cảm này nở từ cái bào này” [Hát giao duyên]. Yêu nhau rồi, chàng trai Stiêng dùng vật phẩm săn được từ rừng làm quà, gửi gắm tâm tư tình cảm đến người mình yêu “Anh bắt được con nai đang nở đuôi, bắt được con chim chơ- kiêng đẹp nhất trong rừng/ Anh dùng nỏ, dùng câu để bắt chúng, để dành tặng em” [Hát giao duyên]. Nguồn lợi từ rừng dùng làm sính lễ “anh mang đến nhà em một con trâu, mười hũ rượu, mười khúc mía, mười khóm nếp, mười khúc củi, một cây trâm cài tóc, cho em quấn tóc sau đầu” [Hát giao duyên]. Rừng cũng đi vào những câu ca ru con “ru con ngủ ra bằng trái cây nho rừng(?)/ Ru con bằng đùi con nhím/ Bằng con cá Karanang/ Bằng búp măng non/ Bằng trái cây pơ lây cúc đã chín ngọt/ Bằng trái cà rừng/ Bằng con gà lôi chân đỏ/ Bằng con công, con khỉ dài đuôi” [Hát ru]. Rừng còn là xúc cảm cho tâm tình khi trống trải, lúc buồn nhớ tiếc này xưa “Quê hương (?) ngày ấy cây cối mênh mông, bạt ngàn rừng xanh/ Giờ không còn như xưa nữa/ Ước chi cảnh ấy quay về/ Tâm trạng em mãi nhớ quê hương xưa” [Hát ru].
Lồ ồ trong rừng vừa là thức ăn, là vật liệu làm nhà, vật liệu làm bẫy thú đồng thời cũng là hình tượng trong lời ru của những người bà, người mẹ Stiêng “Bà ru con bằng măng lồ ồ/ Bà ru con bằng trái bồ quân”. “Chà gạc” là dụng cụ không thể thiếu khi người Stiêng đi rừng “chà gạc” cũng là món đồ sính lễ “Nhà gái đem tặng nhà trai đồ cưới nữ trang gồm gòng, gồm vàng, gồm kiềng, gồm khố/ Đem tặng nhà trai cây chà gạc để nhà trai lấy vợ”, hay “anh lấy dây leo buộc lồ ồ làm bè đi đón em về với mẹ cha” [Dân ca].
Từ nguồn văn học dân gian, người Stiêng đã cho thấy văn hóa ứng xử với rừng một cách mộc mạc, thân thương thể hiện quan hệ gắn bó của họ với rừng nơi họ sinh sống.
KẾT LUẬN
Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường tự nhiên, họ có ý thức “sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên là yếu tố cơ bản cho sự tồn sinh” [Chu Khắc Thuật- Nguyễn Văn Thủ (chủ biên): 22] như nhà khoa học Aurelio Peccei nên trong quá trình tương tác với rừng, người Stiêng đã tạo nên văn hóa ứng xử với rừng một cách thông minh và hiệu quả.
Đối với người Stiêng, dù môi trường rừng của họ đã có những thay đổi nhưng vẫn còn đó văn hóa ứng xử đặc trưng với rừng trong đời sống vật chất: sinh hoạt kinh tế, ăn, ở, mặc; trong đời sống tinh thần: luật tục, tín ngưỡng, phong tục, đặc biệt là nguồn văn hóa dân gian. Vẫn còn đó những lời ru đặc trưng cho những người con của rừng kiến tạo và lưu truyền một không gian văn hóa đặc sắc.
Không phủ nhận văn hóa của người Stiêng “còn mang đậm màu sắc xã hội nguyên thủy, trong đó mối quan hệ giữa con người với con người, giữa cá nhân với cộng đồng được xác lập trên cơ sở vừa bình đẳng, vừa lệ thuộc vào nhau và còn lệ thuộc vào tự nhiên rất nhiều” [Ngô Văn Lý 1994: 20]. Tuy vậy, cách ứng xử của người Stiêng với rừng, ở đây là cách “ăn rừng” qua các mặt của đời sống từ vật chất đến tinh thần của người Stiêng lại thể hiện tư duy hài hòa với môi trường. Chính những điều thiêng liêng trong tâm thức cùng với những những kinh nghiệm trong cuộc sống đã giúp họ có một lối ứng xử hợp lý với rừng, sống cộng sinh trong rừng và luôn tìm cách tốt nhất để thích nghi, khai thác, ứng phó, bảo vệ và nuôi dưỡng rừng. Chính văn hóa ứng xử phù hợp ấy là cái gốc phát triển bền vững rừng người Stiêng
__________
[1] Phan Xuân Viện: Luật tục trong dòng chảy văn hoá bản địa Tây Nguyên trong http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/
[2] Ngô Văn Lý (1994), Xã hội tộc người Stiêng qua tập quán pháp: 53- 55.
[3] : trũng nước ở một khoảng đất thấp trong rừng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Georges Condominas (Trần Thị Lan Anh, Phan Ngọc Hà, Trịnh Thu Hồng, Nguyễn Thu Phương dịch), 2008, Chúng tôi ăn rừng, NXB Thế giới.
2. Henri Maitre (Lưu Đình Tuân dịch), 2008, Rừng người Thượng, NXB Tri Thức.
3. Mạc Đường (chủ biên), 1985, Vấn đề dân tộc ở Sông Bé, NXB Tổng hợp Sông Bé, Bình Phước.
4. Georges Condominas (Ngọc Hà, Thanh Hằng dịch) 1997: Không gian xã hội vùng Đông Nam Á. – NXB Văn hóa, 507 tr.
5. Ngô Văn Lý 1994, Xã hội tộc người Stiêng qua tập quán pháp, Luận án Tiến sĩ ngành Dân tộc học, Viện Khoa học Xã hội TPHCM.
6. Nguyễn Cao Lương, 2010, Văn hóa phi vật thể của người Stiêng ở Bình Phước (Luận văn tốt nghiệp ngành Quản lý Văn hóa), ĐH Văn hóa TPHCM.
7. Phạm Anh Văn, 2008, Văn học dân gian dân tộc Stiêng tỉnh Bình Phước (Luận văn tốt nghiệp ngành Văn học), ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.
8. Phan An, 2007, Hệ thống xã hội tộc người của người Stiêng ở Việt Nam, NXB ĐH Quốc Gia TPHCM.
9. Phùng Thị Thanh Lài, 2008, Tìm hiểu về sử thi Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas (Luận văn tốt nghiệp ngành Văn học), ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.
10. Trần Bạch Đằng (chủ biên), 1991, Địa chí tỉnh Sông Bé, NXB Tổng hợp Sông Bé.
11. Vũ Thị Phương, 2009, Văn hóa nghi lễ vòng đời của người Stiêng ở Việt Nam (Luận văn Thạc Sĩ ngành Văn hóa học), ĐH KHXH & NV TPHCM.