Văn hóa-xã hội đô thị Hà Nội
Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thừa Hỷ
(Đại học Quốc Gia Hà Nội)
Với một truyền thống văn học nghệ thuật, nếp sống thanh lịch hào hoa lâu đời, Hà Nội thời Nguyễn vẫn tiếp tục tỏa sáng ảnh hưởng của mình như một trung tâm văn hóa lớn nhất của cả nước. Không gian văn hóa đô thị truyền thống của Thăng Long-Hà Nội vẫn được duy trì qua các hoạt động giáo dục khoa cử, tôn giáo, tín ngưỡng cũng như văn hóa nghệ thuật.
Thời Nguyễn, Văn Miếu-Quốc Tử Giám Thăng Long đã chuyển vào kinh đô Huế nhưng các hoạt động giáo dục học thuật ở khu vực này vẫn tấp nập, sôi nổi với học đường phủ Hoài Đức, ở đó, các thầy giáo và các sinh viên vẫn miệt mài giảng dạy và học tập, chào đón ứng thí. Một kiến trúc mới được xây dựng đầu triều Gia Long, điểm xuyết vào khu Văn Miếu-Quốc Tử Giám cũ, càng làm tôn lên vẻ đẹp thanh tao, trí tuệ của quần thể này, đó là Khuê Văn Các, nơi thầy trò được tụ tập hàng tháng để binh văn. Lúc này, Tràng Thi Hà Nội cũng được xây dựng trên một khoảng đất rộng lớn (nay là khuôn viên thư viện Quốc gia), làm nơi tụ họp cho các sĩ tử trong các kỳ thi Hương. Năm 1845, Tràng Thi được xây tường gạch bao xung quanh, bên trong gồm 21 tòa, đừơng, viện.
Bên cạnh Quốc Tử Giám và Tràng Thi không khí dạy và học ở Hà Nội thời Nguyễn cũng không kém phần sôi nổi với các lớp học tư thục Hà Nội, thường là do các khoa báng nổi tiếng giảng dạy. Đáng kể nhất là các lớp học của các ông cử Phạm Dưỡng An ở thôn Tự Tháp (Hàng Trống), ông nghè Vũ Tông Phan cũng ở thôn ấy, ông đốc học Lê Đinh Diên ở Nghĩa Dũng (Hàng Đậu), ông bảng lả Nguyễn Siêu ở ven cửa sông Tô (chợ Gạo), ông cử Nguyễn Huy Đức ở thôn Vũ Thạnh (Tràng Thi), ông cử Ngô Văn Dạng ở phường Kim Cổ (Đường Thành)… Các lớp học đã sản sinh ra một số đáng kể những nho sĩ quan liêu cho nhà Nguyễn. Trong dó có các Đại thần như Nguyễn Tư Giản, Vũ Duy Ninh, Nguyễn Trọng Hợp.
Mặc dù tuân theo đường lối chính thống Nhà nước không khuyến khích sự phát triển của các tôn giáo Phật, Lào, không gian tâm linh của Hà Nội thời Nguyễn vẫn rất đậm đặc. Theo đà phục hưng từ mấy thế kỷ trước, các hoạt dộng cúng tế, lễ bái trong các chùa chiền, đền quán vẫn tấp nập chốn đô thành. Một số những đền, chùa, quán đã có từ trước nay vẫn đông người lui tới như quán Trấn Vũ (được trùng tu dưới thời Gia Long và Thiệu Trị), chùa Kim Liên, chùa Ngọc Hồ, chùa Liên Phái, quán Bích Câu (ở quán này, đã có một phong trào lên đồng rầm rộ, gọi là “phụ tiên”, đến thời Minh Mệnh mới lắng dần), đền Ngọc Sơn- một di tích lịch sử văn hóa đã được Nguyễn Văn Siêu đứng ra tổ chức trùng tu lớn năm 1865, có thêm Trấn Ba Đình và cầu Thê Húc. Năm 1842, tổng đốc Hà Nội Nguyễn Đăng Giai đã cho xây dựng trên nền cũ của lầu Ngũ Long, bên cạnh Hồ Hoàn Kiếm, quần thể đồ sộ chùa Báo Ân (tức chùa Liên Trì) rộng gần 100 mẫu, gồm 180 gian, có 36 nóc. Ngôi chùa này đã bị Pháp phá hủy năm 1889 để xây nhà Bưu điện và phủ Thống sứ.
Trong thế kỷ XIX, dưới thời Nguyễn, một số gương mặt văn hóa Hà Thành đã nổi bật lên đó là những văn nhân tài tử có quê gốc Hà Nội hóa đã từng lâu năm sinh sống gắn bó với Hà Nội như Nguyễn Văn Siêu, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, bà Huyện Thanh Quan, những nhân vật này đã làm rạng rỡ truyền thông văn hóa thanh lịch của Hà Nội. Bên cạnh đó, nền văn hóa dân gian truyền thống của Hà Nội thế kỷ XIX vẫn tiếp tục phát triển. Các truyện nôm khuyết danh khắc in và bày bán tại phố Hàng Gai được các tầng lớp cư dân đô thị ưa chuộng, cùng với những truyện cười dân gian như Ba Giai, Tú Xuất. Tuồng chèo, các điệu hát cửa quyền, cửa đinh Lô Khê, hát giáo phường, ca trù (hàng Giấy)… các trò vui cờ tướng (chùa Vua), đấu vật (Mai Động), chọi gà, hát phết… đã trở thành phổ biến trong sinh hoạt giải trí ở các phố phường và các thôn làng phụ cận.
__________
1 Plauchat. Le Tonkin et les relations commenrcials Reow des Deux Mondes.Paris, 1879, t.3, p. 159.
Nguồn: Đô thị Việt Nam dưới thời Nguyễn, NXB Thuận Hóa, năm 2000
(Tác giả: PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ; PGS.TS Đỗ Bang; Nguyễn Văn Đăng)
Download file (PDF): Văn hóa-xã hội đô thị Hà Nội (Tác giả: PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ) |