“Văn học dân gian như một quá trình” – Một hướng tiếp cận hứa hẹn nhiều thay đổi trong nghiên cứu truyện kể dân gian ở Việt Nam
“Folklore as a process” – a promising approach to
research changes in studying folk tales in Vietnam
HUỲNH VŨ LAM
(Nghiên cứu sinh Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh)
TÓM TẮT
Nghiên cứu văn học dân gian ở Việt Nam trước nay cũng đã có rất nhiều phương pháp tiếp cận và đã tạo nên những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, nhìn đại thể, các công trình nghiên cứu vẫn dựa trên tư liệu đã in thành văn bản, lấy văn bản làm đối tượng chính để khảo sát. Dù hướng nghiên cứu văn bản cũng có chú ý đến các yếu tố ngoài văn bản để hỗ trợ nhưng cách tiếp cận đó đã bộc lộ một số nhược điểm bên cạnh những đóng góp cho nền văn học nước nhà. Để bổ sung và mở rộng phương pháp nghiên cứu, định hướng xem văn học dân gian như là một quá trình trở thành một hướng đi hứa hẹn tạo ra nhiều thay đổi.
Từ khóa: Văn học dân gian, văn bản, bối cảnh, hướng tiếp cận văn bản, văn học dân gian như một quá trình.
ABSTRACT
There have been many ways to study folklore in Vietnam and to make some achievements. In general, however, some of folklore studies have also been based on documents printed out, which are called “text – oriented approaches”. Although these directions have focused on contexts in some cases and made some values of our national literature, there are some weak points. To solve them, studying “folklore as a process” is one of the most effective ways which can make changes in folklore.
Keywords: Folklore, text, context, text -oriented approaches, folklore as a process.
x
x x
1. Mở đầu
Việc nghiên cứu văn học dân gian ở Việt Nam đến đầu thế kỉ XXI đã có những bước phát triển rõ rệt so với một thế kỉ trước. Trong các định hướng nghiên cứu tồn tại suốt thời gian qua, việc nghiên cứu văn học dân gian theo tư liệu bằng phương pháp ngữ văn kết hợp với hướng nghiên cứu theo nhân học văn hoá đã có nhiều đóng góp cho những thành tựu vừa nêu. Chẳng hạn, bên cạnh những định hướng nghiên cứu theo một khung lý thuyết (như type và motif đối với truyện dân gian) thì vẫn có những phương pháp tiếp cận theo hệ thống, phương pháp nghiên cứu liên ngành, phương pháp tiếp cận tổng thể đối với nhiều thể loại văn học dân gian. Điều đó không chỉ chứng minh khả năng vận dụng các lí thuyết hiện đại trên thế giới mà còn cho thấy sự sáng tạo của người Việt trong việc tổ chức phối hợp nhiều lí thuyết sao cho phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, dù sự kết hợp các định hướng đã giúp ích rất nhiều trong việc xử lí các tư liệu văn học dân gian đã có nhưng việc xem xét văn học dân gian như nó đang tồn tại, như một quá trình đang diễn ra trong một bối cảnh hiện tồn với một dụng ý nghệ thuật thì còn có khả năng gợi mở tiếp tục. Với hướng tiếp cận bối cảnh, con đường phát triển của văn học dân gian sẽ có những kiến giải tương đối khác với những gì đã có.
2. Nội dung
2.1 Nghiên cứu truyện dân gian theo hướng folklore tư liệu – những điều nhìn lại
Phương pháp luận nghiên cứu khoa học sẽ quyết định đối tượng nghiên cứu, nếu có phương pháp và cách thức tiếp cận mới đối tượng trong nghiên cứu sẽ góp phần tạo nên cái mới, tính mới trong khoa học. Hướng tiếp cận văn học dân gian ở Việt Nam và thế giới trước thế kỉ XXI vốn đã khá đa dạng và đa chiều. Đa dạng ở nhiều bình diện, nhiều góc nhìn, nhiều lí thuyết tiếp cận; đa chiều ở mức độ nông sâu và các vấn đề thuộc nội tại của một hệ thống tiếp cận nào đó. Trong bức tranh nhiều đường nét đó, suốt gần hai thế kỉ trước, nghiên cứu văn học dân gian qua văn bản được xem là một trong những sắc màu chủ đạo. Trong đó, truyện dân gian là một trong những loại được nghiên cứu từ văn bản với số lượng nhiều nhất. Tuy nhiên, việc nghiên cứu văn học dân gian theo hướng folklore tư liệu mà cụ thể là nghiên cứu truyện dân gian từ văn bản có một số vấn đề cần nhìn lại. Vì trên thực tế cũng như trong lí luận vẫn cho thấy những điều còn bất cập.
2.1.1 Văn bản truyện dân gian – những gì sót lại của những thực thể ngôn ngữ
Việc quan niệm về folklore là gì có tác động quan trọng đến phương pháp và cách thức nghiên cứu các thể loại folklore. Mức độ sâu sắc của các khuynh hướng nghiên cứu truyện dân gian trước đây phụ thuộc rất nhiều vào việc xem xét và hiểu về nguồn cội của truyện dân gian. Theo đó, trong thế kỉ XIX, truyện dân gian nói riêng và văn học dân gian nói chung được các nhà folklore học thế giới xem là những tạo tác văn hoá (tương đương với những vật phẩm văn hoá hữu hình khác) và những thực thể ngôn ngữ từ xa xưa còn sót lại, chứa đựng những tín hiệu có nghĩa (Robert A. Goerge, 1969). Với tiền đề folklore là những tạo tác văn hoá, các nhà nghiên cứu đã tập trung đi tìm hiểu mức độ ứng dụng và ảnh hưởng của nó trong đời sống bằng cách khám phá sự lan truyền của cốt truyện hay các motif; so sánh mức độ giống và khác nhau của các tác phẩm cùng loại để truy tìm nguyên bản của một câu chuyện là đâu. Song song đó, với tiền đề truyện dân gian là những thực thể ngôn ngữ, là những sáng tác ngôn từ thì công việc đi sưu tầm, cố gắng ghi lại bằng văn bản (chữ viết/âm thanh) thể hiện nội dung của một tác phẩm là nhiệm vụ chính của những người nghiên cứu. Bởi là thực thể ngôn ngữ còn sót lại nên họ sợ rằng nó sẽ mất đi theo thời gian. Và sau khi có văn bản, các nhà nghiên cứu thế hệ sau sẽ căn cứ trên văn bản để tìm những giá trị.
Đầu thế kỉ XX, truyện kể dân gian được nghiên cứu theo hai hướng: Thứ nhất, các nhà folklore học vận dụng hướng tiếp cận lịch sử và tiếp cận xuyên văn hoá (góc nhìn lịch đại) để tìm hiểu chủ đề, công thức; vận dụng phương pháp so sánh để rút ra các điểm giống (motif, type) và khác (dị bản). Từ những so sánh đó, các công trình thiết lập các quy luật của cấu trúc thi pháp thể loại và các bảng tra cứu. Thứ hai, các nhà nhân học thì nghiên cứu với cái nhìn đồng đại, xem tác phẩm ở thời hiện tại, không để ý đến quá trình phát triển của một thể loại nào đó mà quan tâm mối quan hệ giữa chức năng của nó với cấu trúc xã hội. Tuy nhiên, truyện dân gian và folklore vẫn được các nhà nhân học xem như một thành tố, phục vụ cho tổng thể văn hoá của một tộc người chứ chưa phải với tư cách một ngành khoa học độc lập. Vì thế, Robert A. George (1969) cho rằng: “Việc nghiên cứu truyện kể đã đem lại những cứ liệu đối chiếu so sánh thú vị và đã cung cấp những chứng cứ thực chứng cho nhiều giả thuyết làm việc về bản chất của xã hội và ảnh hưởng đến tính quy định xã hội đối với cá nhân và các nhóm. Nhưng bởi vì nó tồn tại trước hết như một phương tiện để đạt được mục đích đã được đặt sẵn, nghiên cứu về truyện kể ít có đóng góp cho tri thức nhân loại trong thế kỉ XX”.
Nhận định trên vừa phản ánh một thực tế về hiệu quả của các hướng nghiên cứu văn học dân gian nói chung và truyện dân gian nói riêng trong thời gian qua vừa gợi ý về việc cần phải có một cách tiếp cận mới, một cách tiếp cận không chỉ dựa trên những thành tựu đã có, mà phải có những cách suy nghĩ khác về folklore. Đồng nhất tác phẩm ngôn từ như những sản phẩm văn hoá khác sẽ dẫn đến việc xem xét các tác phẩm folklore như những sản phẩm đã hoàn chỉnh, những thực thể ngôn ngữ đã hoàn thành. Vì vậy, khi xem xét hệ thống bên trong của folklore, người ta dễ có khuynh hướng đánh giá nó giống như một tác phẩm ngôn từ của văn học viết, tức là tìm hiểu đặc điểm thi pháp của một thể loại dựa trên những văn bản đã có, dù thi pháp văn học dân gian được xác định là có những đặc trưng khác với thi pháp văn học viết. Và khi xem xét nó với hệ thống bên ngoài người ta thường dựa vào chức năng sử dụng của nó đối với đời sống xã hội. Cách nhìn này bỏ qua yếu tố ngôn từ trong mối quan hệ với đời sống hằng ngày.
2.1.2 Văn bản truyện dân gian – “nghiên cứu theo type và motif trên toàn thế giới”
Trong bài viết “Nghiên cứu văn học dân gian từ góc độ type và motif – những khả thủ và bất cập”, Trần Thị An (2008), sau khi mô tả những công việc của các nhà nghiên cứu folklore theo trường phái Lịch sử – Địa lí Phần Lan đã thực hiện trong thế kỉ XX, đã có những đánh giá những thành tựu của các nhà khoa học và những công trình đi theo hướng nghiên cứu này. Trong đó, quan điểm học thuật của Stith Thompson và những công việc mà ông đã làm ở các bảng tra cứu type và motif là rất đáng ghi nhận. Dựa trên văn bản, hướng đi của các nhà folklore theo trường phái này đã thoát ra khỏi những khuôn khổ quanh văn bản mà đã hướng đến nhiều vấn đề bên trên và bên ngoài văn bản. Và Trần Thị An còn kết luận rằng: Hướng nghiên cứu văn bản qua type và motif không chỉ dừng lại ở một trường phái, một khu vực (Châu Âu hay Hoa Kỳ) mà “việc vận dụng lí thuyết này để nghiên cứu truyện dân gian được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới suốt nửa cuối thế kỉ XX” (Trần Thị An, 2008).
Tuy là việc nghiên cứu theo type và motif đã phổ biến trên toàn thế giới và hiện nay vẫn còn tiếp tục mở rộng với các mối quan hệ khác, chẳng hạn như với các quan niệm thể loại có tính tộc người, nhưng sự bất cập của nó đôi lúc đã chứng minh tình trạng không ăn khớp với thực tiễn của đời sống folklore đang diễn ra. Sư kiện tranh luận giữa nhà thơ Trần Đăng Khoa và tác giả Nguyễn Thị Huế xung quanh một truyện thần thoại trong quyển “Từ điển Type truyện dân gian Việt Nam” là một điển hình. Một nhà thơ cho rằng các nhà nghiên cứu folklore đã lấy tác phẩm văn học viết (đã xuất bản) của mình để “dân gian hoá” thành một type truyện, còn bên kia thì bảo vệ thành quả nghiên cứu của mình bằng việc chứng minh type truyện ấy lấy từ một công trình sưu tầm văn học dân gian đã in trước đó 8 năm và khẳng định đó là một trong những quy luật phổ biến trong văn hoá dân gian (tác phẩm văn học viết được dân gian hoá). Lời lẽ của cuộc tranh luận đó khiến cho người đọc không khỏi băn khoăn vì thấy ai nói cũng có lí. Nhưng nếu đừng chỉ dựa vào văn bản mà khảo sát các type truyện thì sự việc đã không “xa rời thực tiễn” đến mức như vậy. Và nếu có một quan điểm lí thuyết về folklore như là cái đang hiện tồn thì có lẽ sự tranh luận sẽ thuyết phục độc giả hơn.
2.1.3 Văn bản truyện dân gian – kết quả ghi lại một hành động ngôn từ
Vì xem văn học dân gian là một thực thể ngôn ngữ còn sót lại nên các nhà nghiên cứu đã vô hình trung nhìn tác phẩm với góc độ tĩnh, là cái “đã rồi” trên văn bản. Do đó, việc cố gắng ghi nhận thật nhiều dị bản của một tiết mục folklore nào đó để đi tìm nguồn gốc đúng nhất của nó là một nhiệm vụ quan trọng của các nhà folkore tư liệu. Theo Chu Xuân Diên trong bài “Văn hoá dân gian và phương pháp nghiên cứu liên ngành” thì nhà nghiên cứu folklore người Nga V.Propp quan niệm: folklore thực thụ hình thành từ nguồn gốc gần với ngôn ngữ hơn là với văn học. Do đó nếu như các nhà nghiên cứu lịch sử văn học muốn nghiên cứu sự ra đời của tác phẩm thì tìm tác giả của tác phẩm ấy. Còn các nhà nghiên cứu folklore thì phải “dựa vào khối lượng lớn các tài liệu so sánh mà xác định các điều kiện tạo nên chủ đề tác phẩm” (Chu Xuân Diên, 2001). Vì xem folklore chỉ là sáng tác ngôn từ có tính thẩm mĩ, “là một loại hình nghệ thuật riêng” nên việc nghiên cứu đã tập trung vào cách tiếp cận ngữ văn với văn bản văn học dân gian, xem xét ngôn từ của folklore như ngôn từ của văn học viết, xem xét giá trị thẩm mĩ trong văn bản tác phẩm văn học dân gian đã song hành với bản chất thẩm mĩ của văn học viết. Thế nên, việc văn bản hoá tư liệu văn học dân gian đã bộc lộ nhiều yếu tố chủ quan thậm chí là sai lạc bản chất folklore.
Hồ Quốc Hùng, trong bài viết “mấy vấn đề nghiên cứu văn học dân gian qua văn bản” (Hồ Quốc Hùng, 2011) đã phân tích thực trạng việc văn bản hoá tác phẩm văn học dân gian ở Việt Nam trong thời gian qua. Sau khi đi sâu, làm rõ và chỉ ra một số sai lầm về việc văn bản hoá tác phẩm ngôn từ văn học dân gian (chủ quan, máy móc, tự cho phép mình đồng sáng tạo tuỳ tiện, dựa vào tư duy khoa học chính xác để biên tập tư liệu văn học dân gian,…), tác giả đã tìm ra nguyên nhân của nó. Đó là: nghiên cứu cấu trúc theo hướng tinh hoa văn hoá đòi hỏi văn bản thường có giá trị nghệ thuật nên người ta dễ “phóng tác” và người ghi chép không chú ý đến khung cảnh hiện tồn của tác phẩm trong cuộc sống nên chỉ ghi phần ngôn từ theo lời văn của bản thân.
Nhìn chung, hướng tiếp cận văn học dân gian mà tiêu biểu là truyện dân gian qua góc nhìn tư liệu đã có những thành tựu nhất định nhưng cũng bộc lộ một số nhược điểm. Cụ thể:
1. Mối quan hệ giữa tác phẩm văn học dân gian trên văn bản và đời sống thực tế có một sự chênh lệch nhất định. Nhiều tác phẩm qua quá trình văn bản hoá thành tư liệu, trải qua thời gian, đã không còn có sức “bám rễ” trong đời sống của một cộng đồng nào đó. Sự lạ lẫm của cộng đồng dân cư trước những tác phẩm được cho là vốn văn hoá của mình trở nên phổ biến trong thực tế cuộc sống.
2. Trên thực tế, folklore không chỉ là cái đã qua, cũng không chỉ là những thứ nằm im trên trang sách trong thư viện mà nó còn là cái vẫn tồn tại trong đời sống hôm nay. Vẫn còn văng vẳng giữa những tiếng ồn ào của các phương tiện thông tin hiện đại là lời ru, là câu ca, là những truyện kể lúc đêm về… Dòng chảy bất tận của đời sống folklore từ xưa đến nay có lúc im lặng có lúc ồn ào nhưng chưa bao giờ ngưng nghỉ. Do đó, có vẻ như, hướng nghiên cứu những câu chuyện đang tồn tại đó qua tư liệu đã tỏ ra bất lực trước nhiều yếu tố bộn bề đầy sức sống của thực tiễn bao quanh những văn bản chỉ có con chữ gọn ghẽ, im lìm.
3. Các lí thuyết nghiên cứu hiện nay phần lớn chỉ tập trung vào một khoảnh khắc được ghi lại của dòng chảy đó (như các bảng tra cứu dựa trên các văn bản, nghiên cứu văn bản có tham chiếu đến các tư liệu văn hoá) “dường như đang lùi vào hậu trường và đóng một vai trò thứ yếu” (Trần Thị An, 2008). Nhiều công trình, nhiều luận án vẫn tiếp tục mở rộng và đào sâu theo hướng type và motif, nhưng chắc chắn rằng, folklore còn đòi hỏi ở những nhà nghiên cứu nhiều hơn thế nữa. Đó cũng chính là cơ sở cho một cách tiếp cận folklore khác: folklore như một quá trình.
2.2 Hướng nghiên cứu văn học dân gian như một quá trình – những điều nghĩ tiếp
Từ những năm 1960, việc nghiên cứu folklore ở Hoa Kỳ bắt đầu có những sự thay đổi hướng tiếp cận, trong đó vấn đề định nghĩa lại bản chất của folklore được quan tâm. Một trong những xu hướng có tính khắc phục những nhược điểm của “folklore tư liệu” – vốn xem folklore như cái đã xong, đã hoàn chỉnh – là xem folklore như một quá trình (folklore as a process), folkore như là những lời nói nghệ thuật (verbal art) và lời nói nghệ thuật trong folklore như là sự diễn xướng (verbal art as a performance). Alan Dundes, sau khi phân tích về thực trạng nghiên cứu folklore, đã đề xuất 3 cấp phân tích khi định nghĩa bất cứ thể loại folklore nào: kết cấu (texture): phần ngôn ngữ, gồm cả cấu trúc trừu tượng chi phối, thường không thể dịch; văn bản (text): là một dị bản hoặc là một lần kể duy nhất, có thể dịch và bối cảnh (context): là hoàn cảnh riêng mà trong đó một mục (tác phẩm) được sử dụng thực sự (Alan Dundes, 1964). Khác với kiểu ghi bối cảnh như là chú thích của lối sưu tầm và văn bản hoá tư liệu, Alan Dundes cho rằng ghi lại bối cảnh là cần thiết cho mỗi thể loại. Tuy nhiên, việc ghi lại địa chỉ, thời gian, tên họ, tuổi của từng người cung cấp chưa phải là ghi lại bối cảnh; những dữ liệu như thế chỉ mới là bắt đầu.
Dan Ben-Amos trong công trình Hướng tới một định nghĩa về folklore trong bối cảnh có nhắc lại việc định nghĩa folklore và cho rằng lĩnh vực ấy khó. Bởi lẽ nó vừa thuộc lĩnh vực nghệ thuật (sáng tạo không giới hạn), vừa thuộc lĩnh vực văn hoá (có giới hạn) và các định nghĩa thường lại rơi vào miêu tả folklore như một trạng thái tĩnh, hữu hình. Từ đó, ông đề xuất nên hiểu folklore là một quá trình: “Việc kể chuyện cũng chính là bản thân câu chuyện; bởi thế, người kể chuyện, câu chuyện người đó kể, và người nghe câu chuyện đó đều có liên quan nhau như các thành phần của một thể liên tục, đó chính là sự kiện giao tiếp” (Dan Ben-Amos, 1971). Việc công nhận khái niệm này sẽ có tác dụng thay đổi quan niệm về phân chia thể loại vì phạm vi folklore được mở rộng ra khỏi ngôn ngữ. Nó không phải là hình chiếu hay sự phản ánh, nó được coi như một lĩnh vực tương tác. Và ông cũng có quan niệm mới về folklore với câu nói đơn giản nhưng có sự thay đổi hướng tiếp cận: “folklore là giao tiếp nghệ thuật trong nhóm nhỏ” (Dan BenAmos, 1971). Tức là nhóm người với số lượng ít, giáp mặt nhau trực tiếp, cùng ở một tình huống/bối cảnh.
Roman Jakobson thì cho rằng: “Sự tồn tại của một sản phẩm folklore chỉ thực sự bắt đầu khi nó được cộng đồng nhất định chấp nhận, chỉ tồn tại ở nó những gì mà cộng đồng này thu nhận” (Petr Bogatyrev and Roman Jacobson, 1929). Một tác phẩm folklore muốn tồn tại và phát triển trong đời sống văn hoá của một cộng đồng người thì nó phải được “chấp nhận” (được nhiều người nhớ hoặc biết đến) và “phê chuẩn” (được thường xuyên kể lại/diễn xướng). Do đó khi nghiên cứu folklore ta đừng quên một khái niệm cơ bản là sự “phê phán phòng ngừa của cộng đồng”. Ngoài ra, xuất phát từ ngôn ngữ, ông quan niệm bản chất của folkore và văn học dân gian (một thể loại, tác phẩm cụ thể nào đó) giống như quan hệ giữa “langue” (ngôn ngữ) và “palore” (ngôn từ, lời nói).
Phát triển cùng với luận điểm trên, theo V. Propp, người diễn xướng không phải là người trình bày lại tác phẩm của chính mình nhưng cũng không phải trình bày tác phẩm của người khác. Người diễn xướng không nhắc lại y nguyên từng chữ một những gì anh ta nghe trước đây, mà đưa thêm vào tác phẩm những thay đổi do anh ta tạo nên […] Cá tính người diễn xướng, sở thích riêng, cách nhìn cuộc sống, năng lực, tài năng sáng tạo của anh ta có vai trò không nhỏ (tuy không phải là quyết định). (V. Ia. Propp, 2004). Điều này cho thấy sự tái sáng tạo ở cấp độ lời nói nghệ thuật của quá trình kể/ diễn xướng một tác phẩm folklore là một đặc điểm quan trọng thuộc về bản chất. Nếu nghiên cứu văn học dân gian mà bỏ qua bản chất này sẽ làm cho công việc có nguy cơ chệch hướng.
Một trong những ngành khoa học góp phần làm rõ yếu tố quá trình trong nghiên cứu folklore là lý thuyết tiếp cận tâm lí học hành vi trong folklore. Hassan M. El-Shamy cho rằng, hành vi được hiểu là phản ứng có điều kiện của cơ thể con người trước một sự tác động nào đó từ bên ngoài, là cái hoàn toàn có thể quan sát và ghi nhận được. Việc quan sát trực tiếp mới là sự chứng nhận quan trọng nhất được chấp nhận trong tâm lí học hành vi. Kinh nghiệm chủ quan không được xem là chân lí. Do đó, khi vận dụng vào nghiên cứu folklore, việc tham dự và quan sát trực tiếp một buổi kể chuyện và ghi lại những phản ứng của người kể và người nghe sẽ giúp cho người nghiên cứu hiểu được những biến đổi tâm lí, những ý nghĩa của những hành động phản ứng từ phía người kể lẫn khán giả. Với phương cách ấy, folklore được đặt trong những bối cảnh mới, mở ra nhiều giá trị chưa đoán được (Lê Thị Thanh Vy, 2013).
Trong quan điểm của mình khi viết về nền folklore Hoa Kỳ, Trần Thị An nhận định: Trong khi Thompson chỉ quan tâm đến tư liệu folklore tồn tại ở các văn bản có giá trị văn học và chúng là sản phẩm của quá khứ thì các nhà nghiên cứu khác lại cho rằng, folklore vẫn tồn tại trong đời sống hôm nay, là biểu hiện của lĩnh vực rộng lớn của hành vi và văn hoá loài người. Đó là cơ sở cho sự ra đời phương pháp nghiên cứu folklore từ góc độ diễn xướng (context), một phương pháp nghiên cứu thịnh hành ở Hoa kì vào nửa cuối thế kỉ XX và đang được cả thế giới ứng dụng ngày nay (Trần Thị An, 2006).
Tác giả Hồ Quốc Hùng (2011), trên cơ sở nhận xét về những hạn chế của việc văn bản hoá tác phẩm văn học dân gian ở Việt Nam, đã đề xuất một góc nhìn “cần phải xem tác phẩm văn học dân gian dưới góc độ hành động ngôn từ chứ không chỉ dừng lại ở quan niệm yếu tố ngôn ngữ thuần tuý trong văn bản”. Hành động ngôn từ là loại hành động nặng về tính biểu diễn và tác động. “Cần phải xác định lại rằng văn bản văn học dân gian là sự chuyển thể từ diễn ngôn sang văn bản. Cho nên một diễn ngôn chỉ tương đương với một trạng thái hành ngôn. Diễn ngôn VHDG chỉ là trạng thái hành động ngôn từ cụ thể của cá nhân hình thành từ tương tác với cộng đồng” (Hồ Quốc Hùng, 2011).
Với hướng suy nghĩ văn học dân gian là một quá trình, việc nghiên cứu truyện dân gian tuy vẫn dựa trên những thành tựu của ngôn ngữ và nhân học văn hoá nhưng đã có những góc nhìn khác và định hướng khác. Cụ thể:
Văn bản của một tác phẩm văn học dân gian không phải là cái đích cuối cùng, không phải là sản phẩm đã hoàn thành mà nó chỉ là một phần trong một cơ cấu gồm nhiều yếu tố. Văn bản chỉ là phần được ngôn từ hoá của những cấu trúc bề sâu, mà nhìn cụ thể hơn, cấu trúc đó là những quy tắc tư duy, là “ngữ pháp văn học dân gian” của một cộng đồng đặt trong một bối cảnh. Do đó, tác phẩm văn học dân gian là phần hiển ngôn hoá của một hành động ngôn từ.
Khi xét một tác phẩm văn học dân gian ở góc độ ngôn từ trong hoạt động thì phải lưu ý đến tính chất diễn xướng nghệ thuật của ngôn từ đó. Việc kể lại câu chuyện trong thực tế là một hành động trình bày có dụng ý nghệ thuật, là sự nhập vai và hoá thân, chịu chi phối của hoàn cảnh xung quanh. Do vậy, nghiên cứu văn học dân gian không chỉ dừng lại ở văn bản mà còn đặt nó vào môi trường diễn xướng.
Với lí thuyết tâm lí học hành vi, việc kể chuyện và diễn xướng của các cá nhân và nhóm người trong một bối cảnh nảy sinh những tương tác về mặt tâm lí và hành động. Ở một góc độ nào đó, quá trình của folklore là một diễn ngôn nên việc quan sát trực tiếp và ghi lại những phản ứng từ các phía trong một cuộc diễn xướng folklore là những cách làm có giá trị khoa học. Ẩn đằng sau những lời kể, những motif là cái cơ chế nào đã tạo nên một tiết mục? Trả lời câu hỏi đó chính là đi tìm cái “texture” theo quan niệm của Alan Dundes.
2.3 Một cách hiểu về “bối cảnh” trong nghiên cứu truyện dân gian
2.3.1 Về thuật ngữ
Thuật ngữ bối cảnh bắt nguồn từ tiếng La-tinh textere, vốn có nghĩa là “hành động dệt”. Trong một nghĩa rộng hơn, bối cảnh là tất cả những gì đi cùng với văn bản. Một văn bản, giống như một mảnh vải, được “dệt” thành từ tình huống của một sự diễn xướng được bố trí sẵn (mà trong đó gồm): người nghe, người trình diễn, những nền tảng kiến thức và hiểu biết của một nhóm người có tính xã hội, và nền tảng văn hoá của người kể/hát lẫn người nghe. Những nhà nghiên cứu loại tự sự dân gian trước đây đã ngấm ngầm nhận ra rằng truyện dân gian có thể được định hướng bởi cái mà bây giờ chúng ta gọi là bối cảnh khi mà các học giả ấy đã xem truyện kể như là sự biểu hiện hay hiện thân của xã hội, văn hoá, và đặc tính dân tộc. Dù việc nghiên cứu “bối cảnh” được chú ý ở những năm đầu của thế kỉ XXI. Tuy nhiên, vai trò của bối cảnh trong kể chuyện đã được biết đến rất rõ từ trước thập niên 60 của thế kỉ XX, nhờ vào sự phát triển của ngành Nhân học Văn hoá, đặc biệt là sự đóng góp của Bronislaw Malinowski. Ông đã tìm ra cách nghiên cứu folklore thông qua công trình của William Bascom. Các khái niệm “bối cảnh tình huống” và “bối cảnh văn hoá” của Malinowski, vốn được coi là yếu tố tối cần thiết để hiểu một văn bản, đã thu hút sự chú ý (của mọi người) vào cả những tình huống cụ thể (mà một văn bản sẽ được sáng tác hay diễn xướng) lẫn những hệ thống văn hoá lớn hơn (mà văn bản là một phần trong đó). Những quan niệm về bối cảnh và tầm quan trọng của nó trong việc hiểu văn bản đòi hỏi cần có một cấp độ mới của việc phân tích và chuyển hướng chú ý của các nhà nghiên cứu folklore từ chức năng sang ý nghĩa, từ giải thích sang thông diễn.
Cụ thể nhất, Alan Dundes (1964) yêu cầu làm sáng tỏ bản chất của bối cảnh bằng cách đặt bối cảnh trong mối quan hệ với các khái niệm “văn bản” (một phiên bản đơn lẻ của một tiết mục folklore) và “kết cấu” (những yếu tố thuộc về cấu trúc ngôn ngữ của văn bản). Theo Dundes, bối cảnh của một tiết mục folklore là một hoàn cảnh xã hội đặc biệt mà trong đó, các tiết mục cụ thể được sử dụng thực sự. Dundes đã khẳng định rằng văn bản và những yếu tố liên quan phải được hiểu không chỉ là có mối quan hệ với bối cảnh mà còn bị bối cảnh gây ảnh hưởng. Do vậy, trong lĩnh vực sưu tầm folklore, tài liệu được tìm hiểu không chỉ là văn bản mà còn là bối cảnh bởi lẽ bối cảnh sẽ cung cấp cho chúng ta câu trả lời cho câu hỏi: điều gì quan trọng trong văn bản và tại sao chúng được sử dụng trong hoàn cảnh xã hội đó. Việc phân tích [các vấn đề] ai kể, kể cái gì, kể với ai, kể khi nào và kể trong hoàn cảnh nào cho phép chúng ta hiểu được tại sao văn bản có một cấu trúc hình thức như vậy. Ngoài ra, theo Dundes, việc bối cảnh định hướng cho văn bản là một bằng chứng cho thấy hiểu biết về bối cảnh có thể giải thích sự biến đổi bên trong của văn bản và kết cấu (Alan Dundes, 1964). Hiểu rõ bối cảnh hơn sẽ cho phép người nghiên cứu hiểu vì sao có sự khác nhau trong số nhiều câu chuyện cùng loại.
Bối cảnh có liên quan đến hành động kể chuyện một cách rất hữu cơ và rõ ràng. Áp dụng mô hình ngôn ngữ vào hoạt động giao tiếp trong một tình huống kể chuyện, từ năm 1969, Robert A. Georges đã nhấn mạnh rằng: thông điệp của mỗi tình huống kể chuyện được định hướng do sự tương tác hoặc tiếp xúc giữa người kể và người nghe trong sự tham chiếu với mối quan hệ tương tác có tính xã hội giữa họ, mà hoàn cảnh đó vốn là độc đáo duy nhất cho mỗi dịp kể chuyện (Robert A. Goerge, 1969). Qua đó, ông đề xuất một mô hình diễn xướng kể chuyện (sự kiện kể chuyện) gồm các đặc điểm: là một sự kiện giao tiếp, các thành viên thao tác phù hợp với một mối liên hệ về vị thế, sự kiện đó có tính chất công dụng xã hội, và có chức năng xã hội. Vì vậy khi người nào đó kể câu chuyện là anh ta phải đóng một vai, hoá thân vào một cái mà ông gọi là “bản sắc” mới. Vì chỉ có như vậy, anh ta mới có thể đáp ứng với người nghe và để chuyển tải hết thông điệp mà câu chuyện đó mang lại. Từ việc đề xuất một mô hình, Georges đã chứng minh và đúc kết được vai trò của việc kể chuyện, sự tương tác giữa người kể và người nghe trong các bối cảnh nhất định tạo nên những hiệu quả riêng: “Mỗi một sự kiện kể chuyện có lí do tồn tại của riêng nó; rốt cuộc, thông điệp của một câu chuyện (được kể) không thể tách rời khỏi các bình diện khác của sự kiện kể chuyện, và thiếu nó thì không có một thông điệp nào cả” (Robert A. Goerge, 1969).
Một trong những nhà folklore học có quan điểm tiếp cận folklore như một quá trình, đặt vào trong bối cảnh diễn xướng là Richard Bauman. Trong công trình Nghệ thuật ngôn từ truyền miệng như một hình thức diễn xướng, ông đã làm rõ khái niệm diễn xướng trong nghệ thuật sử dụng lời nói. Vai trò của lời nói nghệ thuật thật sự có vị trí trong nhiều ngành khoa học gần với folklore và nhân học. Và sợi dây kết nối đó là sự diễn xướng, bởi “diễn xướng […] là sợi chỉ thống nhất xâu chuỗi các thể loại có tính mĩ học tách biệt […] vào một khái niệm thống nhất tổng quát của nghệ thuật lời nói với tư cách là một lối diễn đạt bằng lời” (Richard Bauman, 1975). Diễn xướng là cách thể hiện một năng lực (tiềm tàng) thành một hành động cụ thể. Hành động đó phải được người nghe chấp nhận, đánh giá và có thái độ tác động trở lại. Độ dài của câu chuyện được diễn xướng, không chỉ do trí nhớ của người kể mà còn do thái độ của tác giả. Những người tham gia vào sự kiện diễn xướng phải đóng một “vai” nào đó và có thể bổ sung cho nhau. Để thể hiện sự diễn xướng, Bauman đề xuất 02 thuật ngữ quan trọng là nhận dạng các “khoá” và “rập khuôn” các bối cảnh diễn ra. Nếu như các khoá là hệ thống siêu thông tin được sử dụng để báo hiệu, hướng dẫn người nghe về việc diễn xướng, là một tín hiệu có tính mĩ học trong việc kể chuyện ở một cộng đồng thì sự “rập khuôn” chính là lưu ý về các bối cảnh, các khuôn mẫu, điều kiện xã hội và tâm lí nào để sự diễn xướng có thể xảy ra. Rập khuôn chính là xem xét những hoàn cảnh nào để làm một khung cảnh mà một câu chuyện có thể được diễn ra (vụ mùa, đám cưới, đám tang, lễ hội,…).
Tóm lại, hướng nghiên cứu bối cảnh dựa trên nền tảng thành quả của tâm lí học hành vi, ngôn ngữ học xã hội và nhân học văn hoá. Tiếp cận dưới góc độ bối cảnh không chối bỏ mà phối hợp với hướng tiếp cận văn bản và các phương pháp ngữ văn nhằm trả tác phẩm folklore về đời sống của nó. Qua những phân tích nêu trên, việc nghiên cứu bối cảnh tập trung vào các khía cạnh: sự diễn xướng, người kể, người nghe, thông điệp và cái môi trường, không khí xung quanh những yếu tố đó. Một văn bản được đưa vào thực tiễn sẽ có những thay đổi thế nào so với việc đọc nó bằng chữ viết? ý nghĩa của một câu chuyện nào đó trong suy nghĩ người tham gia vào tiết mục diễn xướng có gì khác với việc đọc câu chuyện đó trên văn bản giấy? Khi nghe một câu nào đó, điều mà cộng đồng đó quan tâm là gì?… là những vấn đề mà hướng nghiên cứu theo bối cảnh sẽ đi tìm câu trả lời. Cũng có thể, đáp án cho những câu hỏi đó không hề giống với những gì mà chúng ta đã biết qua việc nghiên cứu văn bản.
2.3.2 Các khía cạnh cần lưu ý khi nghiên cứu truyện dân gian theo bối cảnh
Việc kể chuyện (diễn xướng): Cần phải ghi chép, mô tả kĩ quá trình kể một tác phẩm diễn ra như thế nào. Nội dung của tác phẩm đó được thể hiện ra sao, bố cục có thay đổi không, trình tự diễn ra theo các bước nào. Người kể đã dùng các “khoá” gì để thu hút sự chú ý ở người nghe. Việc sáng tạo ra các công cụ để ghi nhận quá trình diễn xướng phải được thực hiện thành một nội dung cụ thể. Điều này chúng tôi trình bày rõ ở một chuyên đề khác.
Đối tượng tham dự: là người trong một nhóm có quy mô nhỏ hay lớn, có quan hệ huyết thống hay không, giới tính nghề nghiệp của người nghe ra sao? Những phản ứng của cử toạ trước người diễn xướng làm cho câu chuyện thay đổi thế nào? Những tác động có tính phản ứng về mặt tâm lí của người diễn xướng và người nghe khi có người khác tham gia vào quá trình kể chuyện có tác động thế nào đến kết cấu của câu chuyện họ đang kể.
Bối cảnh: Cùng một câu chuyện nhưng nếu diễn ra ở nhiều bối cảnh có khác nhau không? Bối cảnh nào làm cho câu chuyện sinh động và hấp dẫn nhất? bối cảnh nào phù hợp cho một thể loại nào đó nhất. Yếu tố nào trong bối cảnh quyết định sự thành công của việc kể chuyện. Những sự kiện nào là yếu tố rập khuôn cho bối cảnh.
So sánh với kết cấu tác phẩm đã được văn bản hoá: Với ba yếu tố trên, kết cấu của một câu chuyện được diễn xướng đã thay đổi như thế nào so với câu chuyện đã được in trong văn bản và trở thành tư liệu. Yếu tố nào bị lược bỏ và vì sao, yếu tố nào được thêm vào và lí do. Hướng xử lí với những trường hợp tác phẩm đã không còn hiện diện trong đời sống nhưng vẫn còn trong tư liệu. Việc tìm hiểu quan niệm cách hiểu của chính người dân về tác phẩm cũng là một nội dung quan trọng mà người nghiên cứu cần thực hiện.
Để thâm nhập vào môi trường diễn xướng của một tiết mục folklore, người nghiên cứu phải nắm vững và kết hợp các phương pháp ghi chép và điền dã của nhân học văn hoá. Quá trình tham dự, sự hoà nhập, những trải nghiệm của người nghiên cứu vào những bối cảnh diễn ra hoạt động folklore sẽ là yếu tố cần thiết để chuyển tải những đặc điểm và giá trị của tác phẩm văn học dân gian trong bối cảnh thành một văn bản với đặc điểm của một quá trình.
3. Kết luận
1) Hướng nghiên cứu truyện dân gian qua văn bản đã có một bề dày lịch sử và đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là với lối tiếp cận thi pháp, tiếp cận liên ngành. Nhiều nhà khoa học Việt Nam đã ghi dấu ấn nghề nghiệp của mình bằng những công trình văn học dân gian xuất sắc trên nền tảng văn bản. Điều đó không thể phai mờ. Tuy vậy, văn bản Văn học dân gian đôi khi lại tỏ ra bất lực trước nhiều yếu tố bộn bề đầy sức sống của thực tiễn bao quanh. Chỉ dựa vào tư liệu đã có, việc nghiên cứu văn học dân gian đôi khi sẽ gây ra những tranh cãi về mặt nguồn gốc hoặc chuyện đúng sai của văn bản trong chức năng của nó với đời sống. Điều đó gợi nhiều suy nghĩ cho những hướng đi mới.
2) Phương pháp tiếp cận bối cảnh sẽ là một trong những cách thức giúp trả lời cho những vấn đề thực tiễn đã và đang đặt ra cho nguồn văn học dân gian Việt Nam, đặc biệt là folklore của các tộc người thiểu số. Hướng tiếp cận ấy không chỉ dựa vào văn bản có sẵn mà còn đi tìm hoàn cảnh của mỗi thể loại truyện dân gian được mang ra kể và diễn xướng như thế nào để xác định mức độ hiện tồn trong dân gian những cốt truyện, type truyện ra sao. Nhiều truyện dân gian đã được công bố cách đây hơn nửa thế kỉ thì hiện nay đã không còn phổ biến trong thực tế, hoặc nếu có diễn ra việc kể lại thì cốt truyện đã thay đổi rất nhiều. Để lí giải điều đó, nhiều người theo hướng bối cảnh đã thấy rằng nguyên nhân là do mỗi hoàn cảnh kể chuyện có tác động rất lớn đến kết cấu tác phẩm. Vì vậy, hướng đi này có nhiều triển vọng và nhiều vùng đất chờ khai phá.
3) Định hướng nghiên cứu này không phải là sự “thanh toán” hay loại bỏ những thành tựu đã có mà nó là một xu hướng nghiên cứu dựa trên nền tảng tổng hợp thành quả của nhiều ngành khoa học lân cận (tâm lí học hành vi, ngôn ngữ học xã hội và nhân học văn hoá,…) để kiến tạo nên một lối kiến giải mới và mong gặt hái được nhiều giá trị mới.
Tiếp cận dưới góc độ bối cảnh không chối bỏ hướng tiếp cận văn bản và các phương pháp ngữ văn mà phối hợp với các phương pháp đó nhằm trả tác phẩm folklore về đời sống thực của nó. Các nhà folklore theo hướng đi bối cảnh tin rằng: trong thành quả thu được, các vấn đề mà folklore tư liệu gặp phải và chưa giải quyết được sẽ được lí giải một cách rõ ràng và thuyết phục khi đặt tác phẩm trong bối cảnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Thị An, 2006. Nghiên cứu văn học dân gian Hoa Kỳ – Một số quan sát bước đầu. Tạp chí Nghiên cứu Văn học (số 1).
2. Trần Thị An, 2008. Nghiên cứu Văn học dân gian từ góc độ Type và Motif – những khả thủ và bất cập. Tạp chí Nghiên cứu Văn học (số7), tr.88-104.
3. Richard Bauman, 1975. Verbal Art as Performance, American Anthropologist (77), tr.290-311. Bản dịch tiếng Việt trong: Ngô Đức Thịnh và Frank Proschan, 2005. Nghệ thuật ngôn từ truyền miệng như một hình thức diễn xướng. In trong Folklore thế giới: Một số công trình nghiên cứu cơ bản, Nxb KHXH, Hà Nội. tr.744-803.
4. Dan Ben-Amos, 1971. Toward a Definition of Folklore in Context. Journal of American Folklore (No. 84), pp. 3-15. Bản dịch tiếng Việt trong: Ngô Đức Thịnh và Frank Proschan, 2005. Folklore thế giới: Một số công trình nghiên cứu cơ bản, Nxb KHXH, Hà Nội. tr.209-231.
5. Petr Bogatyrev and Roman Jacobson, 1929. Die Folklore als eine besondere Form des Shaffens, Donum natalicum Schrjinen, Nijimen, pp. 900-913. Bản dịch tiếng Anh trong Roman Jakobson,1966. Selected Writings, vol.4, the Hague: Mouton, pp.1- 14. Bản dịch tiếng Việt trong: Ngô Đức Thịnh và Frank Proschan, 2005. Folklore với tính cách là một hình thức sáng tạo đặc biệt, trong Folklore thế giới: Một số công trình nghiên cứu cơ bản, Nxb KHXH, Hà Nội. tr.28-43.
6. Chu Xuân Diên, 2001. Văn hóa dân gian – mấy vấn đề phương pháp luận và nghiên cứu thể loại. Nxb Giáo dục.
7. Dell Hymes, 1975. Folklore’s Nature and the Sun’s Myth. Journal of American Folklore (88), pp. 345-369. Bản dịch tiếng Việt trong: Ngô Đức Thịnh và Frank Proschan, 2005. Folklore thế giới: Một số công trình nghiên cứu cơ bản, Nxb KHXH. tr.699-743.
8. Alan Dundes, 1964. Texture, Text and Context. Southern Folklore Quarterly (28), pp.251-265. Bản dịch tiếng Việt trong: Ngô Đức Thịnh và Frank Proschan, 2005. Folklore thế giới: Một số công trình nghiên cứu cơ bản, Nxb KHXH.
9. Robert A. Goerge, 1969. Toward an Understanding of Storytelling Events. Journal of American Folklore (82), pp.313- 328. Ngô Đức Thịnh và Frank Proschan, 2005. Folklore thế giới: Một số công trình nghiên cứu cơ bản, Nxb KHXH.
10. Hồ Quốc Hùng, 2011. Nghiên cứu văn học dân gian và vấn đề văn bản. Nghiên cứu văn học (số 7), tr.38-45.
11. V. Ia. Propp, 2004. Tuyển tập V. Ia. ProppTập 2 (bản dịch tiếng Việt của Chu Xuân Diên, Nguyễn Quang Lê, Nguyễn Thị Kim Loan, Trần Thị Phương Phương). NXB Văn hoá dân tộc – Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật.
12. Lê Thị Thanh Vy, 2013. Tục ngữ trong văn học: Một trường hợp của nghiên cứu Folklore trong bối cảnh, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Phần C: Khoa học Xã hội, Nhân văn và Giáo dục: 33 (2014): 15-22
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): “Văn học dân gian như một quá trình” – Một hướng tiếp cận hứa hẹn nhiều thay đổi trong nghiên cứu truyện kể dân gian ở Việt Nam (Tác giả: Huỳnh Vũ Lam) |