Về chùa Hương Tích trên dãy núi Hồng (Hà Tĩnh)
Tác giả bài viết: Thạc sĩ TRẦN THỊ DIỆU THÚY
(Trường Đại học Nội vụ Hà Nội)
TÓM TẮT
Bài viết đặt vấn đề về niên đại và giá trị văn hóa của ngôi chùa cổ có dấu tích từ thời Trần (thế kỷ XIII – XIV). Qua đối sánh với nhiều di tích cùng thời và cùng loại, bài viết đặt giả thiết về vai trò tiền đồn giám sát quân Nguyên đi theo đường biển, đồng thời điểm tới giá trị văn hóa – nghệ thuật của chùa hiện nay.
Từ khóa: chùa; bến đời; bến đạo.
ABSTRACT
The paper puts forward the issue of date and cultural values of the old pagoda in Trần dynasty (XIII – XIV centuries). Through comparing with other sites in same date and type, the paper has a hypothesis on the front post role to watchdog Yuan marine army, as well as mentions art and cultural values of the pagoda.
Key words: Pagoda; Mundane; Religion.
x
x x
Dãy núi Hồng Lĩnh – danh sơn biểu tượng của xứ Nghệ, là một trong những danh lam của nước Nam, với đại ngàn hùng vĩ, với những huyền thoại và di tích lịch sử – văn hóa nổi tiếng. Dãy núi trải dài khoảng 30km, có các ngọn núi cao từ 200m đến trên dưới 1000m so với mực nước biển. Dãy núi Hồng Lĩnh nằm trong địa phận Hà Tĩnh, thuộc các huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Đức Thọ, với diện tích 30km2, được chia thành ba nhóm: nhóm Thiên Tượng, nhóm núi Đụn, nhóm Hương Tích, ở đó nổi tiếng với chùa Hương Tích và đền Trang Vương.
1. Chùa Hương Tích – Một di tích gắn với lịch sử – văn hóa dân tộc
Hà Tĩnh là một vùng đất quan trọng của Đại Việt thời Trần. Do vị trí “đứng đầu sóng ngọn gió” của miền đất Hà Tĩnh, Nghệ An, nhà Trần rất quan tâm đến hệ thống phòng thủ ở nơi đây. Các cửa biển như cửa Sót, cửa Khẩu, cửa Hội… đều có đồn binh để bảo vệ, gọi là Tấn. Trong chiến tranh chống NguyênMông, nhà Trần thường xây dựng các tiền đồn (đồn canh giặc) trên những đỉnh núi, gần những con đường chính mà quân giặc có thể đi qua. Theo một số nhà nghiên cứu, ở vùng Hà Giang – Tuyên QuangPhú Thọ, trên đỉnh núi cao có dấu tích tiền đồn của nhà Trần; trên tuyến đường từ Bắc Ninh tới Quảng Ninh, núi Đăng là điểm đốt lửa báo hiệu sự thâm nhập của giặc; rồi núi Yên Tử, có thể nghĩ đây đã từng là một tiền đồn để canh giữ quân Nguyên khi chúng vào cửa sông Bạch Đằng. Khu vực đỉnh núi chùa Hương ở Hà Tĩnh phải chăng cũng từng là một tiền đồn thời Trần? Quần thể chùa Hương ở ngọn Hương Tích, thuộc dãy Hồng Lĩnh. Từ đỉnh núi này có thể nhìn ra biển, cho nên, những ngày phong quang dễ quan sát được biển cả mênh mông. Truyền lại, nhà Trần từng dựng tiền đồn trên núi để theo dõi quân Nguyên (hiện đã tìm được gạch thời Trần). Yếu tố đưa đến thành công của Phật giáo thời Trần là không tách rời với sự nghiệp gìn giữ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người dân sùng kính đạo Phật, đã chuyển hóa những tiền đồn ấy thành những ngôi chùa, trong đó có chùa Hương Tích.
Trải qua thời gian, những cứ liệu lịch sử, như bia ký, tượng Phật liên quan đến thời gian chính xác xây dựng chùa không còn, nhưng qua truyền thuyết dân gian về nàng công chúa Ba – Diệu Thiện dựng am tu hành, về câu chuyện ông Hiệp họ Trần đến cầu tự ở chùa…, đặc biệt là viên gạch tìm thấy ở nền “Trang Vương”, in hình hoa văn, được các nhà nghiên cứu cho là hoa văn thời Trần, rồi những bài thơ vịnh cảnh của tao nhân mặc khách khi đến vãn cảnh chùa, tạm đủ để tin rằng, chùa Hương Tích trên dãy Hồng Lĩnh đã có từ thời Trần.
Vào các giai đoạn sau, sách Địa dư tỉnh Hà Tĩnh có chép: vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa đánh giặc Minh, có đưa binh qua ngọn núi Hồng Lĩnh. Và, truyền thuyết của người dân địa phương thường nhắc tới Mai Hắc Đế cũng đã lấy Hương Tích làm căn cứ để đánh giặc. Đến thời kỳ 1930 – 1931, Hương Tích là căn cứ hoạt động cách mạng của nhân dân và Đảng bộ huyện Can Lộc.
2. Không gian chùa Hương Tích
Chùa Hương Tích tọa lạc trên đỉnh núi có độ cao từ 800m – 1000m so với mực nước biển. Từ đỉnh núi này, chúng ta có thể phóng tầm mắt quan sát vẻ đẹp của núi rừng, của biển. Đến đây, chúng ta như cảm nhận được hết sự hùng vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng cho non sông, đất nước Việt Nam. Từ “bến đời”, con thuyền trôi trên “dòng lạc thủy” an lành đến “bến đạo”. Trên dòng chảy trong xanh ấy, tâm ta như tĩnh lại để hướng tới Phật đài. Từ “bờ đạo”, đi lên, lên mãi, qua hai con suối, mà mỗi bước trên những hòn đá chênh vênh như bước vào huyền thoại và truyền thống. Và, chỉ có thành tâm mới dễ vượt qua những thử thách này. Trước vẻ đẹp nguyên khôi, người Phật tử thoáng cảm thấy “đạo” và “đời” như đồng nhất thể. Hương đạo tràn xuống đời để thanh lọc những tâm hồn tội lỗi. Sự thành tâm là một mầm mống của sự thanh bình, khởi nguồn cho sự thiêng liêng và cho con đường trí tuệ của Đạo (qua giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến hương) mà đến bờ giác. Ngước trông lên, cây cỏ, chim muông làm sáng tâm thành. Đường đi, đi mãi, ngút ngàn, qua những dòng hương tuyền gột rửa kiếp trần ai để đến với đấng vô cùng. Mỗi bước đi, cảnh vật lại đổi thay, để rồi người Phật tử như cảm thấy tâm hồn lâng lâng bởi sự đổi thay tự trong tâm chứ không phải cảnh sắc vô thường.
Đột nhiên, một tiếng chuông buông vọng về mọi nẻo, giải tỏa sự mệt mỏi của thân tâm để chỉ còn trí và tâm giục ta tiến bước. Vào chùa, miệng niệm “Nam mô…”, ngước mắt trông lên những tượng Phật bằng gỗ đầy chất dân gian, như: tượng Thập Bát Long thần, tượng Hộ Pháp, tượng Đường Tăng, tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, tượng Thánh Mẫu: Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam…, được coi như một điển hình của điêu khắc trên đất Hà Tĩnh. May mắn thay, người thời nay chưa sơn son thiếp vàng lại một số pho tượng, đặc biệt là tượng Phật Bà Nghìn tay, đã được phủ màu của thời gian, nên vẫn còn nguyên vẻ đẹp của truyền thống.
Thông thường, người Việt không dựng chùa ở đỉnh núi, như nhằm để tránh chặn mạch thông thiên. Chùa Hương Tích lưng dựa vào núi, tạo thành một thế vững chắc, mặt nhìn về hướng Nam, nhằm đề cao trí tuệ Phật. Do chọn được thềm núi, tương đối riêng, khiến cho chùa Hương Tích không giống chuẩn mực nào như chùa ở dưới đồng bằng. Quần thể chùa Hương Tích gồm: bái đường, thượng điện, tòa thờ Thánh Mẫu, nhà bình thiên và hàn lâm sở…, đều có cách kết cấu và bài trí riêng, nằm ở những cao độ khác nhau, đủ mức để tạo được mối liên kết trong việc hành hương. Đứng dưới trông lên, lớp lớp liên hoàn, tạo thành những mái ngói lô xô rực rỡ giữa rừng xanh nhiệt đới, thoảng với mây phủ như những thuyền đạo vượt sông mê đến với Phật đài.
Quần thể kiến trúc chùa Hương Tích mặc dù đã được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, huyền diệu, tĩnh mịch của nó. Ngôi chùa nhỏ nằm giữa một khu vườn rộng, cây cối xum xuê tỏa bóng mát quanh năm. Đến đây, ta như được hỉ xả tâm hồn, thân thể nhẹ nhàng, tinh thần tươi tốt, xả được nguồn mê để nhanh chóng quay về bờ giác và thúc đẩy tấm lòng vị tha, yêu thiên nhiên xứ sở. Bên phải ngôi chùa đặt tượng một “ông Hổ” uy nghiêm mà lại hiền từ, như chứa đựng nhiều giá trị biểu tượng. Ông đứng đấy để bảo vệ và cứu rỗi nhân gian. Theo truyền thuyết, ngoài chức năng là thần cai quản mặt đất, hổ còn mang tư cách là thần chữa bệnh, nên khi lên chùa lễ, nhiều người không quên sờ vào “ông Hổ”, rồi xoa bóp lên những chỗ đau trên cơ thể, mong bệnh sẽ được cứu chữa. Tuy đây chỉ là quan niệm xưa, nhưng nó đã nói lên một khía cạnh của lòng tin dân dã với chốn Phật đài, góp phần tạo cho chùa Hương Tích Hà ở Tĩnh là một trong những chỗ dựa tinh thần trong lòng nhân dân địa phương, để góp phần giúp họ vượt qua những chông gai của cuộc sống và sự khắc nghiệt của thiên tai trên giải đất miền Trung trong thời quá khứ.
Vòng ra sau chùa, người Phật tử và khách hành hương tiếp cận với am Quan Âm. Đây là một động sâu, chạy xuyên trong lòng núi. Cửa động được người đời xưa dùng đất nung và đá xây thành cái am. Thực ra, trước đây là ngôi tháp, với những viên gạch in hoa văn như mang “hơi thở” của nền nghệ thuật thế kỷ XVIII, vô cùng đẹp, ẩn chứa những giá trị biểu tượng truyền thống. Có lẽ, khởi đầu tháp này cũng như tháp lớn xây gạch đất nung ở một ngôi chùa đá (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), hay tương đồng với ngôi tháp ở vùng Xốm (Thanh Oai, Hà Nội). Có cái gì đó để những kiến trúc này giống nhau? Phải chăng những chủ nhân đương thời đã có mối liên hệ chặt chẽ hơn chúng ta tưởng! Vòng sang trái của am Thánh Mẫu, những bậc đá mới xây đưa chúng ta vượt qua những chênh vênh của sườn núi, qua khoảng 700 bậc để đến điện Sơn Trang. Điện được dựng trên đỉnh ngọn Đôn, là ngọn cao nhất trong quần thể di tích. Như chúng tôi đã nói ở trên, ở nơi đây, khi trời quang mây tạnh, chúng ta có thể nhìn ra tận biển và thoảng đâu đó tiếng sóng vỗ rì rào, như tiếng reo ca chiến thắng của quân dân nhà Trần trước chiến thắng giặc Nguyên – Mông. Truyền lại, đỉnh này là một tiền đồn của quân dân nhà Trần để kiểm soát quân Toa Đô đi từ Chiêm Thành ra. Khảo cổ học đã xác nhận ở đây có dấu tích vật liệu xây dựng của thời Trần. Sau đó, nơi đây đời nối đời đã dựng nhiều công trình văn hóa, trong đó có chùa Hương, với huyền thoại về bà chúa Ba mang tính tổng hòa của các dòng tư duy liên tưởng bắt nguồn từ nông nghiệp, kinh tế bền vững. Và, trên hết là một đỉnh cao về tính quân sự, bảo vệ đất nước.
Hiện nay, trên đất nước ta có hai ngôi chùa mang tên chùa Hương và có nhiều tranh luận về thời gian xuất hiện của hai ngôi chùa. Đứng về mặt di vật, thì chùa Hương ở Hà Tĩnh có dấu tích từ thời Trần, chùa Hương ở Hà Nội có dấu tích chủ yếu từ thế kỷ XVII. Song, đối với đạo, trước và sau không phải là điều quan trọng, mà chỉ có tuệ và tâm hướng con người tới vẻ đẹp truyền thống là vĩnh cửu. Đặc biệt, Phật giáo đời Trần mang tính nhập thế tích cực, đạo gắn với đời và đời không thể tách rời đạo, để cùng dựng xây lòng yêu quê hương xứ sở của người xưa./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Hồ sơ di tích và danh thắng chùa Hương Tích (Can Lộc), Tư liệu Bảo tàng Hà Tĩnh.
2- Hà Tĩnh di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt, Nxb. Đại học Vinh, 2014.
3- Hương Tích “Hoan châu đệ nhất danh lam”, bài viết của nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh trong cuốn Hà Tĩnh đất văn vật Hồng Lam, Nxb. Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, 2013.
4- Lịch sử Hà Tĩnh, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000.
5- Bài viết “Nhiều di tích bị méo mó sau khi tu bổ” in trên trang Đông Tác giao lưu của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền.
6- Hà Văn Tấn – Phạm Thị Tâm (1972), Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, Nxb. Quân đội nhân dân, bản in lại năm 2003.
Nguồn: Di sản văn hóa vật thể, Số 2 (55) – 2016
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Về chùa Hương Tích trên dãy núi Hồng (Hà Tĩnh) – Tác giả: ThS. Trần Thị Diệu Thúy |