Về hai chuyến ngự du phương Nam của Đại Việt quốc vương NGUYỄN PHÚC CHU

NGUYỄN ANH HUY

XEM LẠI THỰC LỤC VỀ HIỂN TÔNG HIẾU MINH HOÀNG ĐẾ NGUYỄN PHÚC CHU, TA THẤY NGƯỜI KHI THÌ BẮC TUẦN, KHI THÌ NAM LÝ; NHƯNG SỐ LẦN RA BẮC THÌ NHIỀU, CÒN SỐ LẦN VÀO NAM THÌ CHỈ CÓ MỘT LẦN VÀO QUẢNG NAM NĂM 1719. SONG PHƯƠNG TIÊN NGỰ DU BẰNG ĐƯỜNG BỘ HAY ĐƯỜNG THỦY, CÁC ĐIỂM DỪNG Ở ĐÂU… THÌ SỬ GHI KHÔNG RÕ. DỰA VÀO MỘT SỐ DI VẬT KHÁC, CHÚNG TA ĐƯỢC BIẾT CHÚA CÓ HAI CUỘC NAM DU VÀ LỘ TRÌNH CỦA CHÚA…

x
x x

Những dấu vết sót lại…

     1. Đi bộ thì khiếp Hải Vân:

     Viết về cuộc tuần du Quảng Nam của Đại Việt quốc vương Nguyễn Phúc Chu, Lê Quý Đôn cho biết: “Kỷ Hợi, tháng 3, Phúc Chu thân đem quân vào phía Nam xem xét các dinh trấn Quảng Nam, chỉnh đốn binh mã”(1). “Hải Vân quan ở huyện Tư Vang, trên lên tận trời xanh, dưới xuống tận biển cả, là đất cổ họng của Thuận Quảng, có đồn canh và tuần ty, trên từ yêu duyên, dưới đến Ô-rỗ, đều khám xét cả”(2). Ngày nay, các nhà sưu tập cổ vật như nhà sưu tập Trần Đình Sơn (thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Hữu Hoàng (Huế)… đã sưu tập được một số đồ sứ đặc chế làm thế kỷ XVIII, vẽ sơn thủy bài thơ, trong đó tác giả bài thơ ký tên là “道 人 書 (Đạo Nhân thư)”, ví dụ như bài thơ sau:

隘 嶺 春 雲
越 南 衝 要 此 山 巔
絕 嶺 还 如 蜀 道 偏
但 見 雲 橫 三 峻 嶺
不 知 人 在 幾 重 天
冷 沾 鬚 髮 非 同 雪
濕 濺 衣 裳 豈 是 泉
惟 願 海 風 吹 作 雨
正 宜 千 里 潤 桑 田
道 人 書

     Phiên âm:

     Ải lĩnh xuân vân

Việt Nam xung yếu thử sơn điên

Tuyệt lĩnh hoàn như Thục đạo thiên

Đãn kiến vân hoành tam tuấn lĩnh

Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên

Lãnh triêm tu phát phi đồng tuyết

Thấp tiễn y thường khởi thị tuyền

Duy nguyện hải phong xuy tác vũ

Chính nghi thiên lý nhuận tang điền

Đạo Nhân thư

     Dịch thơ(3):

     Mây xuân trên Ải lĩnh

Xung yếu về Nam có núi này

Khác chi đất Thục điệp non xây

Bóng giăng, chỉ thấy ba tầng lớn

Người ở, nào hay mấy đỉnh mây

Mi tóc lạnh, dù không tuyết rụng

Áo xiêm ngâm, dẫu chẳng nguồn vây

Chỉ mong gió bể đem mưa tới

Muôn dặm dâu xanh bát ngát bày

Đạo Nhân viết

     Đã từng có nhà nghiên cứu cho rằng “Đạo Nhân” chính là sư Thạch Liêm Thích Đại Sán, nhưng cách giải thích này không đúng(4), vì sử đã cho biết bài thơ Ải lĩnh xuân vân do Hiển Tông hoàng đế (1691- 1724)(5), tức là Minh Vương Nguyễn Phúc Chu, hiệu là “天 縱 道 人 (Thiên Túng Đạo Nhân)” làm. Nghiên cứu lại các bức ngự đề(6) của chúa Nguyễn Phúc Chu, thấy chúa thường ký bằng đạo hiệu là “Thiên Túng Đạo Nhân”. Như vậy, chữ “Đạo Nhân” trên đồ sứ thời chúa, chính là cách viết tắt của “Thiên Túng Đạo Nhân”. Thêm nữa, Phan Huy Ích (1751-1822) cũng cho biết: “Ở Nam Hà xưa có lệ đề thơ vào bức tranh Ải Vân, gởi cho thương nhân Trung Quốc để vẽ vào bát to rồi đem dùng”(7).

     Và câu Minh Vương viết: “Đãn kiến vân hoành tam tuấn lĩnh, Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên” nghĩa là “Chỉ thấy mây dăng trên ba núi lớn, Không hay mình ở trên mấy từng trời”, cho thấy Nguyễn vương đi bằng đường bộ, vượt đèo Hải Vân, chứ không phải đi bằng đường biển.

     Ngự đề tại Hội An:

     Sử triều Nguyễn cho biết thêm: “Kỷ Hợi, năm thứ 28 (1719), mùa xuân, tháng 3, chúa đi thăm dinh Quảng Nam, duyệt binh mã, rồi đến phố Hội An, nhân thấy phía tây phố có cầu, là nơi thuyền buôn tụ họp, nên đặt tên là cầu Lai Viễn, viết chữ biển vàng ban cho”(8).

     Bức hoành ghi 3 chữ theo lối chữ lệ “来 遠 橋 (Lai Viễn kiều)”, hiện vẫn còn treo. “Lai Viễn kiều” nghĩ là cái cầu, nơi dừng chân của nhiều khách phương xa đến.

Bức “Lai Viễn kiều” ở Hội An. (Ảnh: NAH)

     Phía bên trái bức hoành, so với người đọc, dưới lạc khoản người viết, có danh chương viết triện “”福 週 阮 王 之 印 (Phúc Chu Nguyễn vương chi ấn)”. Nét bút 3 chữ lệ tàng phong, gây cảm giác ung dung, bệ vệ hào sảng, tự tin… Việc vương khi dùng chữ hành, khi dùng chữ lệ cho thấy vương đã lưu tâm đến vấn đề thư pháp… Nét thứ hai và thứ ba của chữ “来 (lai)”, tức hai nét chấm, được viết với đầu ngọn bút đi hình số 8, tạo một nét hình tròn; và hai nét chấm hình tròn đối xứng hai bên chữ này, rất dễ gây ấn tượng cho người xem… Trong cả ba chữ lệ này, có đến 4 nét sổ cong bên trái của các bộ”木 (mộc)”, “夭 (yêu)”…, bút pháp viết đôi cong vào nét sổ như đầu lưỡi đao tạo các điểm nhấn rất uy phong, hùng dũng như hình dáng của võ tướng mặc giáp vàng đang múa đại đao(9)… Đó là do tâm trạng của chúa còn phảng phất hình ảnh gươm đao sau buổi duyệt binh nên tâm pháp mới có sự ảnh hưởng thành thư pháp như vậy! Nhưng vì sao Minh vương không viết chữ theo lối hành thư như các bức ở Huế mà viết theo thể lệ thư Chúng ta biết lệ thư hình thành và phát triển vào thời Hán, một giai đoạn vĩ đại nhất trong toàn bộ lịch sử Trung Quốc, mà người Trung Quốc hay gọi mình là “người Hán”. Phải chăng, khi thấy các thương gia đông tây tấp nập tụ họp ở Hội An, vương đã dùng lối chữ thời Hán này, viết ra, để ngầm “gợi cổ”, ví von vùng đất mình đang xây dựng, cũng thịnh trị, phát triển nhiều lĩnh vực, thậm chí cũng hùng mạnh như thời Hán (Trung Quốc)? Và cũng phải chăng, với ý nghĩa cách đặt tên cầu, vương cũng ngầm ý thể hiện hùng tâm tráng chí, muốn mở mang bờ cõi, chinh phục phương xa của mình? mà chính Lê Quý Đôn đã từng nhận xét: “…Phúc Chu nối ngôi…, là người hiếu học, chữ tốt, có tài lược văn võ, tự hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân”(10).

     Đến thăm danh thắng Tam Thai…

     Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng tìm được cái tô sứ đặc chế với bài thơ như sau:

三 台 聽 潮
奇 秀 三 台 聳 碧 峰
中 虛 外 有 白 雲 封
自 來 越 海 聞 春 浪
如 在 鄱 陽 听 石 鐘
不 斷 風 聲 奔 白 馬
還 疑 雨 色 起 蒼 龍
欲 尋 清 夢 何 曾 看
響 徹 岩 前 几 樹 松
道 人 書

     Phiên âm:

     Tam Thai thính triều

Kỳ tú Tam Thai tủng bích phong

Trung hư ngoại hữu bạch vân phong

Tử lai việt hải văn xuân lãng

Như tại Phiên Dương thính thạch chung

Bất đoạn phong thanh bôn bạch mã

Hoàn nghi vũ sắc khởi thương long

Dục tầm thanh mộng hà tăng khán

Hưởng triệt nham tiền kỷ thụ tùng

Đạo Nhân thư

      Dịch thơ (11):

     Nghe sóng Tam Thai 

Tam Thai kỳ ảo dựng non xanh

Động vắng ngàn mây trắng phủ quanh

Biển Việt dừng nghe lời sóng vỗ

Thành Phiên dõi ngóng ý chuông ngân

Liên hồi tiếng gió như vó trắng

Từng trận màu mưa tựa vây xanh

Ước tìm giấc mộng lành chưa thấy

Tùng biếc sườn trên mấy khóm xinh.

Đạo Nhân viết

     Nội dung bài thơ chỉ một cái động trên núi Tam Thai, sóng và gió biển vỗ vào động rỗng, ngân vang như nghe tiếng chuông. Và tác giả là “Đạo Nhân” cho thấy đây cũng là một điểm dừng của Minh Vương. Chúng ta biết chúa Nguyễn Phúc Chu từng ra Quảng Bình vào Quảng Nam, và ở dải đất này có đến 2 núi Tam Thai: ở Huế và ở Đà Nẵng. Nhưng núi Tam Thai ở Huế không hề có động nào, và cũng không gần biển, còn núi Tam Thai ở Đà Nẵng thì đúng nằm sát bờ biển.

     Năm 1695, Thích Đại Sán trước khi vào Hội An, có ghé Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), mô tả lại như sau: “Bỗng chốc đã thấy núi Tam Thai trước mắt.

     Nghìn đồi quanh co, đều bằng đất, chỉ có gò núi đá Tam Thai đứng cao chất ngất… Có chỗ sâu lõm thành hang… Cửa động tối mò… động tròn lại bằng phẳng, có thể chứa hàng nghìn người… Đứng trong cửa trông ra, mênh mông biển cả, gió lùa vào quá mạnh…”(12).

     Như vậy, rõ ràng địa danh trong bài thơ Tam Thai thính triều là ở Đà Nẵng, điều này cho thấy có thể Minh Vương đã từng ghé Ngũ Hành Sơn.

2. Đi thuyền thì khiếp sóng thần Hang Dơi…

     Đọc lại Hải ngoại kỷ sự, ta được biết khi Thích Đại Sán vào Hội An thì Minh vương Nguyễn Phúc Chu tiễn đưa bằng thuyền đến cửa Tư Dung và sau đó Vương ghé Hà Trung chơi: “… Ngày 18, Vương đi thuyền ra cửa biển trước… Các quan văn võ đều theo hầu Vương giá, đốc chực đường trước để tiễn đưa. Cửa biển là cửa ngõ của Vương đô, Thuận Hóa, để đi thông qua các phủ khác. Vì đất nước Đại Việt chỉ là một dải núi dọc theo mé biển, các đô ấp đều tựa núi day mặt ra biển, núi cao sông hiểm, cây rừng rậm rạp… các phủ không có đường lối thông nhau, mỗi phủ đều do một cửa biển đi vào; muốn đi từ phủ này qua phủ khác tất do đường biển, thuyền đi biển khó đi gần bờ vì sóng lớn… từ Thuận Hóa vào Hội An đường bộ tất do Ngãi lãnh (đèo Hải Vân)… Núi cao nắng gắt, trèo qua rất khó, nên đi thuyền theo đường biển tiện hơn… Chiều đến cửa biển, dừng thuyền. Vương đã khiến người làm cơm chờ sẵn. Còn cách chỗ Vương tạm trú chừng một dặm… Vương cất một thủy các ở giữa dòng… Sáng mai, Vương cùng các quan lui về dạo chơi Hà Trung…”(13).

     Thích Đại Sán cũng từng đến đây và kể lại: “Gần đứng bóng, đến chùa Hà Trung. Man mác xa trông, đây là một vùng eo của biển cả, ba đào chẳng gợn, phẳng lặng như tờ, một vũng cạn bùn lầy, cỏ rêu san sát, nơi ẩn núp của tôm tép cá cua. Thẳng bờ có đóng cừ, mọc đầy những cây dương nước; một gian chòi cỏ, nơi nương náu của những kẻ làm nghề lưới chài. Chùa cất trên một đám đất bằng, nước bao quanh ba mặt; ngoài cửa chừng trăm bước là nơi bùn lầy; đắp đất làm đê, thẳng đê trồng dương liễu; gió hiu hiu thổi, lau lách phất phơ, cá lội cua bò, ốc hàu lểnh nghểnh; người đi đường quanh co đùa giỡn, ngắm nhìn phong cảnh, hứng thú xiết bao! Chợt thấy một cây tùng xanh rợp bóng, một cổ thụ đã mấy trăm năm! Các chùa nước Đại Việt, chùa nào cũng trồng đầy những thứ tạp mộc, cau dừa xoài mít… Còn cây tùng chỉ thấy đây là một. Xuyên bóng tùng đi vào, chùa không có vòng tường ngoài. Một ao vuông trước điện, nước ao lên xuống ăn rập với nước ròng ngoài sông, vì gần biển đất thấp, lẽ cố nhiên như vậy. Trong ao, cá gáy đỏ vô số, mấy người tùy tòng bẻ bánh tai voi quăng xuống, từng bầy nhảy lên đớp; lội qua lội lại, tự nhiên chẳng sợ người. Luống rau giàn bầu, bồn hoa bụi cúc, rải rác ở các nơi đất trồng dưới gốc tùng. Sau điện có những cây tùng lớn mấy ôm, ngọn queo cành cỗi, rậm rạp ly kỳ, thực là những thiên niên cổ thụ; trên đọt tùng sầm uất, lá xoắn thành từng nắm tròn…”(14).

     Đại Nam nhất thống chí cũng chỉ ghi: “Chùa Hà Trung: ở xã Hà Trung, huyện Phú Lộc. Đời vua Hiển Tông bản triều (1691-1724), khiến tăng nhân Hoán Bích trụ trì ở đây”(15). Trong Đại Nam liệt truyện, mục “Truyện các cao tăng” chỉ có 8 vị, mà tên “Tạ Nguyên Thiều” ở hàng đầu, cho thấy sư Hoán Bích và chùa Hà Trung rất có vị trí trong lòng chúa Nguyễn: “Lúc lâm bệnh, họp các sư lại, dặn bí ngữ, cầm bút làm bài kệ… Viết xong ngồi ngay thẳng mà tịch, thọ 81 tuổi… Hiển Tông hoàng đế cho tên thụy là Hạnh Đoan Thiền sư, nhân làm bi ký và bài minh…”(16).

     Nhà sưu tập cổ vật Trần Đình Sơn sưu tập được một tô sứ đặc chế có bài thơ sau:

河 中 烟 雨
海 氣 山 風 颯 颯 驚
漸 看 烟 湿 散 天 清
漁 燈 幾 点 知 江 岸
旅 客 絡 宵 听 雨 声
禅 誦 不 聞 幽 磬 韻
鄉 思 难 尽 故 人 情
越 南 亦 有 瀟 湘 景
欲 倩 丹 青 寫 未 成
道 人 書

     Phiên âm:

     Hà Trung yên vũ

Hải khí sơn phong táp táp kinh

Tiệm khan yên thấp tán thiên thanh

Ngư đăng kỷ điểm tri giang ngạn

Lữ khách lạc tiêu thính vũ thanh

Thiền tụng bất văn u khánh vận

Hương tư nan tận cố nhân tình

Việt Nam diệc hữu Tiêu Tương cảnh

Dục thiến đan thanh tả vị thành Đạo

     Nhân thư Và tác giả sưu tập dịch thơ như sau:

Mù tỏa Hà Trung

Sóng trào gió rét nghĩ mà kinh

Mù tỏa dần tan mây trắng xanh

Bến cũ đèn chài thấp thoáng điểm

Mưa buồn lữ khách lắng thâu canh

Phật kinh không vẳng dư âm khánh

Quê cũ ai hay nỗi nhớ mình

Việt Nam cũng có Tiêu Tương cảnh

Muốn vẽ mà sao vẽ chẳng thành.

Đạo Nhân viết

Chữ ký Quốc chủ Thiên Túng Đạo Nhân đề và ấn triện của Minh Vương. (Ảnh: NAH)

     Trong bài thơ có câu “Thiền tụng bất văn u khánh vận”, cho thấy chùa chiền cũng không xa nơi ngài dừng chân… Như vậy, rất có thể sau khi bổ nhiệm sư Hoán Bích từ trú trì chùa Quốc Ân đến trú trì chùa Hà Trung, khi có dịp thuận tiện, chúa đã ghé thăm chùa Hà Trung.

 

Những vấn đề liên quan

     1. Từ những chứng cứ trên, ta thấy chúa Nguyễn Phúc Chu có hai cuộc nam du: Lần thứ nhất, năm 1695, trên đường ngự du bằng thuyền để tiễn đưa Thích Đại Sán vào Hội An, Minh Vương chỉ đến ngang cửa Tư Hiền rồi ghé Hà Trung cảm tác nên bài Hà Trung yên vũ. Lần thứ hai, năm 1719, đi đường bộ vượt đèo Hải Vân ngự tuần Quảng Nam và làm bài thơ Ải lĩnh xuân vân, ghé Hội An và viết tặng bức Lai Viễn Kiều hiện vẫn còn; trong chuyến ngự du này còn ghé Ngũ Hành Sơn, làm bài thơ Tam Thai thính triều.

Tô sứ đặc chế có bài Tam Thai thính triều. (Ảnh: TĐAS)

     2. Có nhà nghiên cứu đã dựa vào hai chữ “越 南 (việt nam)” trong hai bài thơ Ải lĩnh xuân vân và Hà Trung yên vũ của Minh Vương để cho rằng quốc hiệu thời này là Việt Nam(18). Thật ra, từ năm 1470, khi vua Lê Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành, đến núi Hải Vân, đã làm bài thơ Tư Dung hải môn lữ thứ trong đó cũg có hai chữ “”越南 (việt nam)”, xuất hiện trước thời Minh Vương hơn 200 năm. Tuy nhiên, nhận định quốc hiệu thờ Minh Vương là 越 南 (Việt Nam) thì không đúng, vì thực tế ta chưa bao giờ tìm thấy thời Minh Vương có dùng ba chữ “越南國 (Việt Nam quốc)”, mà chỉ dùng tên là “”大 越
國 (Đại Việt quốc)”(19) mà thôi! Ngoài ra, Thích Đại Sán khi đến Đàng Trong ở với chúa Nguyễn, cũng còn cho biết thêm: “trong lúc nói chuyện, Quốc vương thường tỏ ý tưởng nhớ Đông Kinh (Bắc kỳ), nói Đông Kinh là đất nước bản quốc, Tiên thế từng làm rể An Nam, được phong làm phiên thần ở xứ này, dần dần trong xứ trở nên cường thịnh; từ ấy cát cứ lập thành một nước, đổi hiệu làm Đại Việt…”(20). Và như thế, hai chữ “越南 (việt nam)” trong các bài thơ kể trên, phải được dịch là “đi/vượt về phía Nam” bởi vì Hà Trung và Hải Vân đều ở phía Nam nơi Chính Dinh của chúa Nguyễn ở và những bài thơ ấy đều được sáng tác vào các dịp chúa ngự du, đi về phương Nam!.

Tô sứ có bài thơ Hà Trung yên vũ (Ảnh: TĐAS)

     Chú thích:

1. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr.65.

2. Lê Quý Đôn, sđ, tr.98.

3.http://nghiencuuxuquang.com/van-hoa/quoc-chua-nguyen-phuc-chu-va-nhung-bai-tho-tren-do-su-ky-kieu-187.html.

4. Phạm Hy Tùng, “Sư Thạch Liêm và chúa Nguyễn Phúc Chu – Ai là tác giả bài thơ ‘Tam Thai thính triều’?”, Xưa&Nay, Số 40B – 41B, 1997.

5. Quốc sử quan triều Nguyễn (Tu Trai Nguyễn Tạo dịch), Đại Nam nhất thống chí, Nhà Văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, 1961, Thừa Thiên phủ tr.54.

6. Xem Nguyễn Anh Huy, “Theo dấu các chúa Nguyễn qua những bức ngự đề”, Liễu Quán, số 2, tháng 5-2014.

7. Dẫn lại theo Trần Đình Sơn, “Toàn cảnh Quy Sơn, Tư Dung và cổ tự Vinh Hòa trên dĩa sứ ký kiểu thời chúa Nguyễn Phúc Chu”, Liễu Quán, số 4, tháng 1-2015, tr.45.

8. Quốc sử quán triều Nguyễn (Tổ phiên dịch Viện Sử học dịch), Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, 2004, tr.137.

9. Theo lời kể của bác sĩ Hoàng Cao Thắng (hiện là trưởng tràng võ phái Nga Mi ở Huế) thì Thiên Túng Đạo Nhân, tức Minh Vương là một võ sư thuộc phái Nga Mi ở Thuận Hóa.

10. Lê Quý Đôn, sđd, tr.64.

11.http://nghiencuuxuquang.com/van-hoa/quoc-chua-nguyen-phuc-chu-va-nhung-bai-tho-tren-do-su-ky-kieu-187.html.

12. Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế, Ủy ban phiên dịch Sử liệu Việt Nam, 1963, tr.147- 148.

13. Thích Đại Sán, sđd, tóm tắt các trang 131-138.

14. Thích Đại Sán, Sđd, tr. 133.

15. Quốc sử quan triều Nguyễn (Tu Trai Nguyễn Tạo dịch), Đại Nam nhất thống chí, Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, 1961, Thừa Thiên phủ, tr.90.

16. Quốc sử quán triều Nguyễn (Tổ phiên dịch Viện Sử học dịch), Đại Nam liệt truyện, Nxb. Thuận Hóa, 2005, tập 1, tr.225.

17. Trần Đình Sơn, “Quốc chúa Nguyễn Phước Chu”, Văn hóa Phật giáo, Số 52, Ngày 1-3- 2008.

18.https://anhsontranduc.wordpress.com/2014/12/10/haichu-viet-nam-trong-tho-cua-chua-nguyen-phuc-chu/

19. Xem, Nguyễn Anh Huy, “Về một số danh xưng thời chúa Nguyễn”, Xưa&Nay, Số 457, Tháng 3-2015.

20. Thích Đại Sán, sđd, tr.40. Liên quan đến quốc hiệu thời này, nhà nghiên cứu Đinh Văn Tuấn dựa vào bức thư của vua Gia Long gởi nước Đại Thanh đề nghị dùng quốc hiệu Nam Việt, để cho rằng quốc hiệu thời chúa Nguyễn Phúc Chu là “Nam Việt” (xem các bài của Đinh Văn Tuấn: “Đọc lại chữ triện trên quốc bảo truyền ngôi”, Xưa&Nay, Số 456, tháng 2-2015; hoặc “Bảo ấn của Minh Vương Nguyễn Phúc Chu”, Khảo Cổ Học, Số 6, 2015), nhưng qua đây, cho thấy tác giả chưa tìm hiểu kỹ vấn đề! Xem thêm bài của Nguyễn Anh Huy, “Về cái ấn truyền quốc của Minh Vương Nguyễn Phúc Chu”, Huế Xưa&Nay, số 135, tháng 5-6- 2016.

Nguồn: Tạp chí Xưa&Nay, Xuân 2017, Số 479 Tháng 1 Năm 2017

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)