Về phát triển du lịch tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên khu vực miền Trung và Tây Nguyên
Tác giả bài viết: Thạc sĩ HUỲNH PHƯỚC
(Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Đà Nẵng)
Vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên bao gồm 19 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (Thanh Hóa tới Bình Thuận). Phía Tây bao bọc bởi núi cao chạy giáp biên giới Lào, Campuchia, phía Đông giáp biển Đông và là vùng có nhiều tỉnh giáp biển nhất. Đặc thù địa lý này đã góp phần hình thành nên trung tâm đa dạng sinh học tiêu biểu của Việt Nam, là nơi lưu trữ các giá trị thiên nhiên độc đáo, quan trọng, với các hệ sinh thái rộng lớn, đặc thù, tính đa dạng sinh học cao và sinh cảnh sống chính của nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm cần ưu tiên bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế.
Miền Trung và Tây Nguyên hiện có 59 trong tổng số 88 Vườn quốc gia (VQG), khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài và sinh cảnh cùng khu bảo vệ cảnh quan của cả nước được thành lập (QĐ 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến 2030). Trong đó, có nhiều hệ sinh thái tự nhiên quan trọng như VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, đây là khu vực được thiết lập để bảo vệ một trong hai vùng carxtơ lớn nhất thế giới với khoảng 300 hang động và bảo tồn hệ sinh thái Bắc Trường Sơn ở khu vực Bắc Trung Bộ. Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học; VQG Kon Ka Kinh là khu vực ưu tiên bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam và khu vực Asean. Tại đây là kho lưu trữ vô giá các loài động, thực vật đặc hữu quý hiếm và hệ sinh thái đặc trưng của khu vực Tây Nguyên… Ngoài ra, tại khu vực duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên còn nhiều hệ sinh thái có tầm quan trọng cả về HST trên cạn và dưới nước như Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Hội An, Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà và nhiều hệ sinh thái quan trọng khác như khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (Quảng Nam), VQG Bạch Mã (Huế), VQG Chư Mom Ray (Kon Tum), VQG Chư Yang Sin (Đắk Lăk)… Đặc biệt hệ sinh thái Trung Trường Sơn là những hệ sinh thái quan trọng chứa các giá trị đa dạng sinh học – một trong 200 hệ sinh thái tiêu biểu toàn cầu theo WWF đánh giá.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực này đối diện với nhiều thách thức lớn, mang tính khu vực, do ảnh hưởng của việc phát triển kinh tế, áp lực săn bắn động vật hoang dã, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, gia tăng dân số, tập quán du canh, du cư… Bên cạnh đó, việc phát triển các hoạt động du lịch thiếu kiểm soát đã tạo ra không ít rủi ro, thách thức cho công tác bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học của khu vực. Không thể phủ nhận vai trò đóng góp cho sự phát triển kinh tế địa phương của các hoạt động du lịch sinh thái, điển hình như tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, VQG Yok Đôn (Đăk Lăk), Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng)… Tuy nhiên mô hình phát triển du lịch sinh thái vừa hài hòa được giữa lợi ích kinh tế và hiệu quả bảo tồn lâu dài nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học của khu vực vẫn chưa được quan tâm đầy đủ và đúng mức. Hội thảo quốc tế “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ nhất”, với chủ đề năm 2018 “Bài học kinh nghiệm về phát triển du lịch tại các VQG và Khu BTTN” sẽ thảo luận với các góc nhìn và bài học kinh nghiệm từ các chuyên gia trên thế giới và trong nước, cùng chia sẻ và tìm kiếm giải pháp cho mô hình phát triển du lịch sinh thái; giải pháp quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tại VQG, KBT trong khu vực.
Mục tiêu của Hội thảo nhằm tạo diễn đàn chia sẻ bài học kinh nghiệm về du lịch tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên; thảo luận các vấn đề liên quan đến áp lực của du lịch lên bảo tồn đa dạng sinh học tại các VQG, Khu BTTN và tham vấn đa bên nhằm đề xuất các mô hình du lịch sinh thái phù hợp cho các VQG, khu BTTN để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Thay mặt Ban tổ chức, chúng tôi rất mong quí vị đại biểu, các nhà khoa học tham gia thảo luận, đề xuất, hiến kế… để Hội thảo đạt được những mục tiêu mong muốn.
Hội thảo được diễn ra đúng kế hoạch dự kiến, với 21 bài chúng tôi nhận được từ các tác giả trong và ngoài nước để đăng kỉ yếu; với trên 150 đại biểu trong và ngoài nước đến dự Hội thảo là một thành công ngoài mong đợi của BTC. Có được kết quả này là nhờ có sự phối hợp thường xuyên, đồng bộ và có hiệu quả giữa Liên hiệp các Hội KH&KT Đà Nẵng, Trung tâm GreenViet, Trung tâm Con người và Thiên nhiên và nhóm Nghiên cứu – Giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật thuộc Đại học Đà Nẵng, sự hỗ trợ, chỉ đạo và tạo điều kiện của Sở Ngoại Vụ, Sở Du Lịch, UBND thành phố và Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam.
Thay mặt cho Liên hiệp các Hội KH&KT Đà Nẵng, xin trân trọng cảm ơn UBND thành phố, các ngành chức năng của thành phố, cảm ơn Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, cảm ơn các đơn vị đồng phối hợp tổ chức, đặc biệt xin trân trọng cảm ơn GS.TSKH Đặng Vũ Minh, cảm ơn các quí đại biểu và các nhà khoa học trong và ngoài nước đã quan tâm đến dự và phát biểu ý kiến tại Hội thảo.
Chúng tôi hy vọng, Hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học gắn với khai thác, phát triển kinh tế du lịch tại các VQG, Khu BTTN tại khu vực miền Trung và Tây nguyên, đảm bảo tính hài hòa, bền vững theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước và kỳ vọng của nhân dân.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế “Bảo tồn đa dạng sinh học
và phát triển bền vững khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ I”
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)