Về sưu tập tiền thưởng triều Nguyễn tại bảo tàng lịch sử Quốc gia (giai đoạn từ vua Đồng Khánh đến vua Bảo Đại)
Tác giả bài viết: NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN; TRƯƠNG VĂN THẮNG
TÓM TẮT
Tiền thưởng thường được đúc bằng vàng, bạc, đồng hoặc mạ vàng, mạ bạc… Đây là kỉ vật trang trọng, thường được vua ban thưởng cho quan lại, vương công quý tộc, những người có công, trong các dịp khánh tiết của triều đình. Bài viết giới thiệu khái quát về sưu tập tiền thưởng triều Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Giai đoạn từ vua Đồng Khánh đến vua Bảo Đại).
Từ khóa: triều Nguyễn; tiền thưởng; sưu tập.
ABSTRACT
Rewarded money are usually cast in gold, silver, copper or gold plating, silver plating … This is a solemn memento, often rewarded for courting, nobleman, winners, in the celebration occasion of the court. The paper introduces the overview of the bonuses collection of Nguyen dynasty at the National History Museum (Period from King Dong Khanh to King Bao Dai).
Key words: Nguyen dynasty; Rewarded Money; Collection.
x
x x
Từ đời vua Kiến Phúc cho đến Bảo Đại, tình hình kinh tế Trung kỳ phụ thuộc nhiều vào thực dân Pháp. Sử chép: “Vào tháng 4 năm Bính Tuất, Đồng Khánh 1 (1886), Toàn quyền Pháp đã đưa thư trao trả thêm vàng, bạc. Vua chuẩn cho Thị lang Bộ Hộ là Hồ Lệ và Hộ lý Nội vụ là Nguyễn Huề hội đồng với quan Pháp mà kiểm nhận” (Đại Nam thực lục chính biên, tập 37, tr. 34). Tình hình tài chính có nhiều hạn chế nên tiền thưởng bằng vàng và bạc mạ vàng được đúc không nhiều. Ngoài tiền thoi, nhà nước còn cho đúc một số ít tiền vàng, bạc hình tròn, lỗ vuông hoặc không có lỗ để lưu thông.
1. Tiền thưởng đời vua Đồng Khánh (1886 – 1889)
Cũng như loại hình tiền thưởng của các vua triều Nguyễn từ đời vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, dưới đời vua Đồng Khánh cũng có những đồng tiền thưởng bằng vàng, hình tròn dẹt lỗ vuông, một mặt chạm nổi bốn chữ Hán: Đồng Khánh thông bảo (), một mặt để trơn, hoặc trang trí hoa văn.
Trong bộ sưu tập tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, có đồng tiền vàng (ký hiệu: LSb.35009) đường kính 2,1cm, một mặt chạm nổi bốn chữ Hán: Đồng Khánh thông bảo (), một mặt để trơn.
2. Tiền thưởng đời vua Thành Thái (1889-1907)
Trong sưu tập bảo vật triều Nguyễn có tiền thưởng đời Thành Thái, với hai loại: tiền hình tròn lỗ vuông và tiền hình tròn không có lỗ. Tuy nhiên, trên mỗi đồng tiền, đều có một mặt đúc nổi 4 chữ Thành Thái thông bảo (); mặt kia trang trí hoa văn vân mây, hoa dây, mặt trời,… Chất liệu được làm bằng vàng, bạc mạ vàng. Có thể kể đến một số đồng tiêu biểu trong sưu tập này như sau:
– Tiền Phi long Thành Thái thông bảo (), LSb.34986:
Tiền có hình tròn dẹt, đúc bằng bạc mạ vàng, đường kính 3,5cm; nặng 15gr. Mặt tiền có 4 chữ: Thành Thái thông bảo () – đọc chéo. Chính giữa đúc nổi hình mặt trời có nhiều tia, trông như một bông hoa. Viền quanh mép tiền là một vòng hạt châu. Lưng tiền đúc nổi một hình rồng mây.
– Tiền bạc mạ vàng Thành Thái thông bảo ( ), LSb.34994; 390KN:
Tiền dạng hình tròn, lỗ vuông, đúc bằng bạc mạ vàng, đường kính 2,5cm; nặng 5gr. Mặt tiền có 4 chữ: Thành Thái thông bảo () – đọc chéo, có gờ viền mép và lỗ vuông. Lưng tiền đúc nổi 2 chữ: Nhất nguyên ( ) cân đối, cạnh trên đúc hoa văn hình khóm mây, cạnh dưới đúc hoa văn sóng biển.
– Tiền bạc mạ vàng Thành Thái thông bảo ( ), LSb.34992; 390KN:
Đây là loại tiền hình tròn dẹt, không lỗ, đúc bằng bạc mạ vàng, đường kính 6,5cm; nặng 3,9gr. Mặt tiền có gờ viền mép, chính giữa là hình rồng mây, phía trên là hình mặt trăng và hình mặt trời, phía dưới là hình sóng biển. Bên phải đúc nổi 4 chữ (theo hàng dọc): Thành Thái thông bảo (); bên trái đúc 4 chữ: Vạn thế vĩnh lại ( ). Lưng tiền khắc bài thơ xung quanh hình mặt trời nhiều tia ở giữa, với nội dung như sau:
Phiên âm:
Quyết ngoan thiên niên hóa,
Đăng lưu vạn thế truyền,
Thù huân chương hữu đức,
Sở bảo giả duy hiền.
Dịch nghĩa:
Ngọc ngàn năm đổi sắc,
Vàng muôn thuở truyền đời,
Đền ơn người có đức,
Quý giá nhất hiền tài.
(Theo Đỗ Văn Ninh (1992), Tiền cổ Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr. 215 – 216).
3. Tiền thưởng đời vua Khải Định (1916 – 1925)
– Tiền Phi Long Khải Định thông bảo (), LSb.34788; 258KN:
Được đúc bằng bạc mạ vàng, đường kính 3,5cm; nặng 3gr. Mặt tiền đúc nổi 4 chữ: Khải Định thông bảo () – đọc chéo. Chính giữa là hình mặt trời nhiều tia, giáp vành mép là băng nhũ đinh. Lưng tiền đúc nổi hình rồng uốn theo hình chữ S. Hai phía xuyên lỗ nhỏ để đeo.
– Tiền Khải Định bảo giám (), LSb.35943:
Được đúc bằng bạc, đường kính 4,2cm; nặng 3gr. Mặt tiền đúc nổi 4 chữ: Khải Định bảo giám () – đọc chéo. Chính giữa là mặt trời nhiều tia, viền mép nổi để trơn. Lưng tiền đúc nổi hình rồng với chân 5 móng, uốn hình chữ S, xung quanh là mây. Phía trên và dưới xuyên lỗ để đeo.
4. Tiền thưởng thời Bảo Đại(1926 – 1945)
Tiền thưởng đời vua Bảo Đại mới chỉ thấy loại Bảo Đại bảo giám (), với 4 chữ Bảo Đại bảo giám đúc nổi trên mặt tiền – đọc chéo. Chính giữa mặt tiền là hình mặt trời hình bông hoa. Lưng tiền đúc nổi hình rồng 5 móng, uốn hình chữ S, đầu rồng đều quay về phía bên trái. Phía trên và dưới xuyên lỗ nhỏ để đeo. Nhiều đồng tiền còn đính quai hình khuyên. Loại tiền này có đường kính từ 3,5 – 4,1 (cm); nặng 2 – 3 (gr). Như vậy, dưới thời Bảo Đại, loại hình tiền thưởng khá hiếm.
5. Thay lời kết
Thông qua các loại hình tiền thưởng giai đoạn từ vua Đồng Khánh đến vua Bảo Đại, chúng ta đã thấy bước chuyển biến lịch sử của triều đình Nguyễn. Dưới sự bảo hộ của chính quyền Pháp, triều đình Huế đã ngày một bị thu hẹp về nguồn tài chính. Hệ thống chính quyền đã chịu sự can thiệp ngày càng sâu của Toàn quyền và Công sứ Pháp. Hơn nữa, thông qua các loại hình tiền thưởng giai đoạn này, chúng ta nhận thấy, những người thợ trong Ngự xưởng vẫn duy trì truyền thống tạo hình của nghệ thuật Việt Nam từ các thế kỷ trước. Đặc biệt, nhiều mẫu hình rồng xuất hiện trên tiền thưởng mang hình chữ S cùng với niên hiệu của vua, phải chăng là một dấu ấn sâu đậm về hình hài đất nước Việt Nam dưới thời Nguyễn./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Phan Thuận An (1996), “Sách kim loại triều Nguyễn”, in trong Khảo cổ học, số 1/1996, tr. 74 – 76.
2- Phan Thuận An (2001), “Các bảo vật ở Hoàng cung Huế ngày xưa qua ghi nhận của một số người Pháp”, in trong Thông báo khoa học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tr. 157 – 167.
3- Nguyễn Thế Anh (2008), Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, Nxb. Văn học.
4- Bảo tàng Tp. Hồ Chí Minh (2013), Sưu tập tiền Minh Mệnh trong Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Hải Phòng.
5- Nguyễn Tiến Cảnh (chủ biên) (1992), Mỹ thuật Huế, Viện Mỹ thuật, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
6- Nguyễn Đình Chiến (2009), “Kim bảo ấn Hoàng hậu Nam Phương”, in trong Thế giới di sản, số 7, tr. 42 – 43.
7- Nguyễn Đình Chiến (2009), “Ngọc tỷ vương triều Nguyễn”, in trong Thế giới di sản, số 8 (35), tr. 32.
8- Thiều Chửu (1993), Hán Việt tự điển, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.
9- Phan Thanh Hải (2005), “Đỉnh, vạc đồng thời Nguyễn”, in trong Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, tập IV, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, tr. 174 – 195.
10- Nguyễn Anh Huy (2005), “Sưu tập tiền cổ ở Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế”, in trong Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, tập IV, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, tr. 154 – 162.
11- Nguyễn Anh Huy (2007), “Khảo về tiền thông dụng thời Nguyễn”, in trong Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, tập VI, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, tr. 167 – 179.
12- Nguyễn Anh Huy (2010), Lịch sử tiền tệ Việt Nam, sơ truy và lược khảo, Nxb. Văn hóa Sài Gòn.
13- Minh Mệnh chính yếu, Nxb. Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên, 1974, Sài Gòn.
14- Đỗ Văn Ninh (1992), Tiền cổ Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, H.
15- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tiền biên, Nxb. Sử học, 1962, H.
16- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên, tập 37, Nxb. Khoa học xã hội, 1977, H.
17- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên, tập 38, Nxb. Khoa học xã hội, 1978, H.
18- Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, Nxb. Thuận Hóa, 1993, Huế.
19- Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, tục biên, tập 1, 2, Nxb. Giáo dục, 2004, H.
20- Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, tục biên, tập 3, 4, Nxb. Giáo dục, 2005, H.
21- Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, tục biên, tập 5, 6, Nxb. Khoa học xã hội, 2007, H.
22- Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, tục biên, tập 7, 8, Nxb. Khoa học xã hội, 2009, H.
23- Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, tục biên, tập 9, 10, Nxb. Giáo dục, 2012, H.
24- Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb. Giáo dục, 1998, H.
25- Lục Đức Thuận và Võ Quốc Ky, Tiền cổ Việt Nam. Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2009.
26- Bernard J.Permar (1963), The coins collection of Annam, 968 – 1955 .
27- Phạm Quốc Quân (chủ biên), Tiền kim loại Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Tiền Thành Thái thông bảo – Vạn thế vĩnh lại – Ảnh: tác giả
Tiền Khải Định thông bảo – Ảnh: tác giả
Tiền Bảo Đại bảo giám – Ảnh: tác giả
Ghi chú:
(): Kính mời Quý độc giả xem chữ Hán Nôm tại tệp PDF đính kèm bên dưới.
Nguồn: Di sản văn hóa, số 3 (56), 2016, Bảo tàng
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Về sưu tập tiền thưởng triều Nguyễn tại bảo tàng lịch sử Quốc gia (giai đoạn từ vua Đồng Khánh đến vua Bảo Đại) – Tác giả: Nguyễn Đình Chiến; Trương Văn Thắng |