VIỆT NAM HỌC trong GIẢI CẤU TRÚC và LIÊN KÍ HIỆU VĂN HÓA (Phần 2)
GS.TS LÊ HUY BẮC*
2. Giải cấu trúc Việt Nam học
Có cần giải cấu trúc “Việt Nam học” không? – Đương nhiên là có. Ngành Việt Nam học qua thời gian đã có những cuộc giải cấu trúc nhất định. Ban đầu các nhà Việt Nam học chủ yếu nghiên cứu những gì thuộc về căn tính/căn cước/bản sắc Việt Nam. Về sau xuất hiện nhánh nghiên cứu Việt Nam học – “tiếp biến văn hóa”, rồi đến Việt Nam học – “khu vực học” và gần đây nhất là Việt Nam học – “quốc tế học” (theo nghĩa “toàn cầu hóa”). Vậy vấn đề đương đại của Việt Nam học là gì?
Nhìn tổng thể, những phạm trù cốt lõi mà Việt Nam học cần giải quyết, bao gồm: căn tính văn hóa, tiếp biến văn hóa và lan tỏa văn hóa. Trong ba vấn đề này, thì hai cái đầu đã được nghiên cứu nhiều, cái sau chưa được chú ý đúng mực. Lan tỏa văn hóa ngày xưa chủ yếu thông qua các con đường xâm lược, truyền đạo và thương mại, còn ngày nay cơ bản là cần phải có thành tựu công nghệ và thương mại, cần phải có hàng hóa xuất sang nước khác, và quan trọng không kém là cần có sự di dân. Bên trên chúng tôi đã đề cập đến du học và nhu cầu nhân lực như những cội nguồn của di dân đương đại. Từ đây có thể nói đến việc văn hóa Việt hòa trộn với nhiều văn hóa bản địa khác ở quy mô toàn cầu.
Chính từ việc tiếp biến và lan tỏa văn hóa mà cấu trúc văn hóa bản địa luôn bị giải cấu trúc để tạo sự cân bằng, sự thích ứng nhằm duy trì tồn tại và phát triển. Tùy thuộc nhu cầu và xu hướng nghiên cứu khác nhau mà mỗi công trình nghiên cứu Việt Nam học có chủ lưu khác nhau nhưng thực chất thì tất thảy những vấn đề liên quan đến văn hóa trên đều được xem xét ở những mức độ nhất định, trong cùng lúc. Với xu thế vươn đến sự nghiên cứu theo diện rộng, Việt Nam học ngày nay không chỉ đi giải quyết vấn đề “giữ gìn bản sắc” mà quan trọng hơn là nghiên cứu xem bản sắc đó tiếp biến, lan tỏa và phù hợp như thế nào với các nền văn hóa khác. Tức là, trong xu thế hội nhập, chúng ta buộc phải xem xét bản sắc từ khía cạnh khác, khía cạnh phát triển rằng ta đã đóng góp gì cho nhân loại?
Vấn đề đặt ra, có nên hi sinh căn tính cho hội nhập. Câu trả lời muôn thuở là không hi sinh. Vậy có cần khư khư giữ lấy bản sắc? Câu trả lời là không cần phải tuyệt đối hóa điều đó vì bản sắc là cái gần như không thể mất một khi dân tộc đó đủ tự trọng, có trí tuệ, nhân ái và bảo tồn được tiếng nói của riêng mình. Bản sắc tựa khí trời, luôn ở đó, trong bất cứ không gian văn hóa nào, nó chỉ mất một khi chủ thể tự để mất đi. Nếu cứ khư khư giữa lấy bản sắc thì dân tộc đó sẽ khó hòa đồng với thế giới, tự đóng kín cửa và hệ lụy là mấy ngàn năm sau con người vẫn cứ là con người đó, vẫn man rợ và mông muội như tự thưở ăn lông.
Căn tính dân tộc tồn tại đã quá lâu, đủ để hình thành nên những tập quán bất di dịch đến mức gần như là vô thức trong tồn tại người. Một khi ai đó đã nói một thứ tiếng nào đó thì vĩnh viễn hắn ta không thể dứt được cái căn tính văn hóa định mệnh. Sự lột bỏ căn tính chỉ được thực hiện khi con người quên hết cái ngôn ngữ gốc gác ở nơi hắn được sinh ra. Mà nuốn làm điều đó thì hắn phải mất đến vài ba thế hệ sử dụng ngôn ngữ khác để tẩy não thì may ra mới gột được căn tính văn hóa trong người.
Ngôn ngữ là dạng kí hiệu đặc biệt. Tự thân nó là liên kí hiệu, là liên văn hóa và cũng chính là cội nguồn văn hóa. Ngôn ngữ “ghi chép” và “ghi nhớ” về mọi thứ. Ngôn ngữ tuy do con người tạo ra nhưng cách thức vận hành của nó thì như một “vật khởi nguyên”, “vật tự nó”. Ngôn ngữ ngấm sâu vào mỗi tế bào sống của con người. Ngôn ngữ mang trong mình ngổn ngang những trầm tích văn hóa không thể phôi pha trong hồn dân tộc. Một dân tộc bị tước bỏ cội nguồn chỉ khi dân tộc đó để mất ngôn ngữ. Khi người ta nói và tư duy bằng ngôn ngữ, thì nó trở thành máu thịt, không thể tách rời. Mai hậu, cho dù kỉ nguyên robot có phát triển đến đâu thì vĩnh viễn, ngôn ngữ vẫn là cái để khu biệt con người với thế giới vô cảm kia.
Ngôn ngữ như thế là thể sống và là lẽ sống. Nhưng ai cũng biết rằng ngôn ngữ luôn có tính cố chấp, luôn tạo thành một “cấu trúc”, rất khó thay đổi. Nhờ sự khó thay đổi này mà nó trở thành căn tính, thành niềm tự hào của mỗi dân tộc. Nhưng để phát triển, con người cần phải “giải cấu trúc” ngôn ngữ, không để nó biến thành một pháo đài bất khả xâm phạm. Việt Nam học trong xu thế hiện nay cần phải ghi nhớ hành động giải cấu trúc này, phải luôn ý thức được rằng thế giới văn hóa Việt Nam sẽ không nhất thành bất biến. Việc giải cấu trúc một món ăn không thôi cũng là tiền đề cho hội nhập và phát triển ở một khía cạnh nào đó. Phở Việt rất nổi tiếng những không mấy người chú ý rằng từ Bắc vào Nam, thậm chí ngay tại đất Bắc, mỗi hàng phở mang một căn tính riêng. Đạo Phật cũng vậy, miền Bắc thì xây chùa to (Bái Đính, Tam Chúc, Ba Vàng,…) để kiếm tiền, miền Nam thì chùa nhỏ không kiếm tiền (hoặc kiếm tiền ít hơn). Nhìn từ giải cấu trúc, nếu xem xét thật kĩ thì dường như không một căn tính của một thực thể nào là đơn nhất. Tất cả bị xô lệch trên dòng thời gian và không gian. Vậy ra, giải cấu trúc là một nguyên tắc sống còn của vạn vật. Nhưng để thúc đẩy cuộc sống theo hướng tích cực và đạt hiệu quả hơn, giải cấu trúc cần phải được thực hiện trong thế giới ý thức của con người.
Dạy học Việt Nam học trong nhà trường đại học và cao đẳng đã có những thành công nhất định trong suốt 25 năm qua, khi nó lần đầu được đưa vào chương trình đại học ở Đại học Đà Lạt, năm 1994. Kể từ sau đó, bình quân mỗi năm chúng ta đào tạo khoảng 5000-10000 cử nhân Việt Nam học. Con số này không hề nhỏ chút nào. Sở dĩ ngành Việt Nam học thu hút số lượng người học khá lớn như vậy là do đây là một khoa học liên ngành, một khoa học có khả năng không ngừng giải cấu trúc chính nó, cả về bản thân môn học và về đối tượng được đào tạo. Người học sẽ được cung cấp một nền tảng kiến thức rộng về văn hóa, phù hợp với triết lí giáo dục khai phóng, để trên cái nền đó, cử nhân Việt Nam học sẽ “dĩ bất biến ứng vạn biến”, có thể làm tốt nhiều nghề khác nhau từ thư kí, nhân viên văn phòng, đến cán bộ văn hóa xã phường, truyền thông, báo chí, du lịch hoặc chuyên sâu về nghiên cứu và giảng dạy văn hóa. Với biên độ “mở” cấu trúc, ngành Việt Nam học đáp ứng yêu cầu của thời đại toàn cầu ở khía cạnh liên ngành và hướng đào tạo con người toàn diện về khoa học xã hội. Việc tích hợp giáo dục sử – địa, đạo đức – giáo dục công dân hiện nay trong chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, thực chất chính là giáo dục Việt Nam học. Vậy tại sao không đưa môn đất nước học này vào chương trình đào tạo phổ thông, để giúp trẻ Việt hiểu và yêu hơn đất nước, con người, văn hóa Việt Nam một cách cụ thể và thiết thực hơn?
Tính tích cực của chương trình đào tạo Việt Nam học không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tri thức mà còn quan trọng hơn là cung cấp phương pháp để tiếp cận tri thức. Cách đào tạo này có ưu việt sẽ giúp người học có thể tự học suốt đời. Từ một khối kiến thức nền được cung cấp ban đầu, người học sẽ vận dụng vào từng tình huống, từng nghề cụ thể và phát triển trong suốt cuộc đời. Ngày nay, dưới ảnh hưởng của “trí tuệ nhân tạo” và “truyền thông không giới hạn” rất nhiều nghề truyền thống sẽ bị xóa sổ, thay vào đó là những nghề mới, đòi hòi một khả năng thích ứng mới của con người. Tri thức Việt Nam học sẽ là nền tảng thiết yếu để người học đi sâu vào một ngành nghề nào đó, nâng tầm tri thức để thích nghi với những thách thức mới về việc làm và mưu sinh.
Giải cấu trúc Việt Nam học còn có thể được ghi nhận qua bốn kỳ Hội thảo quốc tế về Việt Nam học. Nội dung cụ thể có thể xem bảng sau:
TT | Chủ đề | Thời gian | Địa điểm | Số lượng tham dự và báo cáo |
1 | Nghiên cứu Việt Nam và tăng cường hợp tác quốc tế | 15 – 17/7/1998 | Hội trường Ba Ðình (Hà Nội) | 700 đại biểu (trong đó có 300 học giả nước ngoài đến từ 26 nước). 15 tiểu ban, 395 báo cáo; 163 báo cáo quốc tế. |
2 | Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập: Truyền thống và hiện đại | 14 – 16/7/2004 | Hội trường Thống Nhất (Tp.HCM) | Trên 1000 đại biểu, 189 học giả đến từ 26 quốc gia với 118 người có tham luận. 10 tiểu ban, 316 báo cáo; 104 báo cáo quốc tế. |
3 | Việt Nam: Hội nhập và phát triển | 5 – 7/12/2008 | Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) | Trên 1000 đại biểu, 868 báo cáo và tóm tắt (174 nhà khoa học đến từ 23 nước và các vùng lãnh thổ). 18 tiểu ban, 531 báo cáo; 160 báo cáo quốc tế. |
4 | Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững | 26 – 28/11/2012 | Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) | Khoảng 1500 đại biểu tham dự, trong đó có 250 đại biểu quốc tế đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. 15 tiểu ban. |
5 | Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu | 15 – 16/12/2016 | Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) | Trên 1000 đại biểu, 150 nhà khoa học nước ngoài đến từ trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, 834 bản báo cáo tóm tắt và gần 500 báo cáo toàn văn đã được lựa chọn trình bày tại Hội thảo, 06 tiểu ban. |
Chúng ta thấy có sự dịch chuyển rõ ràng giữa khẳng định bản sắc và mở rộng hợp tác văn hóa. Các Hội thảo lần một và hai đều thiên về khẳng định bản sắc và ước vọng khai phóng. Các lần ba, bốn thì hướng đến hội nhập và phát triển, đặc biệt kì bốn nhấn mạnh đến “bền vững” tức đã chú ý đến môi sinh và hoà bình. Kì năm nhấn mạnh “khả năng thích ứng” trước biến đổi toàn cầu. Như thế ngay từ lần Hội thảo đầu tiên, chúng ta đã nhấn mạnh đến “hợp tác quốc tế” vì đó là xu thế tất yếu: Việt Nam từ một quốc gia nông nghiệp lạc hậu muốn trở nên hiện đại và thịnh vượng. Lần lượt, các kì Hội thảo tiếp theo, chúng ta đã liên tục giải cấu trúc sự “hợp tác” đó để tiến đến toàn cầu hóa. Và gần đây nhất, Hội thảo đã khẳng định sự lớn mạnh vượt bậc của Việt Nam, xem Việt Nam là một bộ phận của nhân loại trên mặt trận chống biến đổi khí hậu, chống suy thoái kinh tế và các vấn nạn khác mà nhân loại phải đối đầu.
Việt Nam học, trong xu thế toàn cầu 4.0, không chỉ phải vượt qua những nghiên cứu chuyên sâu của văn chương, địa lí, lịch sử,… không chỉ vượt qua những nghiên cứu liên ngành dùng cái nhìn văn hóa để chiếu soi mọi vật, mà chính là phải nhìn dưới cái nhìn liên kí hiệu, xem văn hóa là một kí hiệu đặc thù và giải cấu trúc nó để trao cơ hội gắn kết “Nó” với “Khác”, tạo thành một mối tương liên đa chiều, đa quốc gia, dân tộc. Có thế Việt Nam học mới tránh khỏi cái bẫy của sự nô dịch, của sự nhàm chán từ việc nhai lại những căn tính hay căn cước hay bản sắc mà bất kì ai cũng biết và chán ngán đến tận chân răng.
Theo giải cấu trúc và liên kí hiệu văn hóa, cái căn tính lớn nhất của Việt Nam học là nằm ở chỗ “vô căn tính”. Nó là cõi “Không” của những cái “Đầy” mà có thể hấp thu trong nó vô vàn những căn tính khác. Ta sẽ tìm thấy một anh Tàu, một anh Pháp, một anh Nga, một anh Mỹ, một anh Hàn,.. trong một nhân dạng Việt Nam và ngược lại thông qua các con đường di dân, du học, kết hôn, nhân lực, lao động, chuyển giao công nghệ, giao thương,… đa chiều. Đấy chính là mô hình căn tính tối ưu nhất, một cú giải cấu trúc – liên kí hiệu văn hóa ngoạn mục mà ta nên theo đuổi hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Xem thêm cuốn Kí hiệu và liên kí hiệu, Lê Huy Bắc, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2018.
2. Xem trang vn.usembassy.gov/vi/pr14112018/.
3. Nguồn: Du học tăng nói lên điều gì?, Trọng Nhân ghi, https://tuoitre.vn. 18/11/2018.
Nguồn: Bài đã trình bày tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề:
“Khu vực học – Việt Nam học: Định hướng nghiên cứu và đào tạo” ngày 05/11/2019
tại Viện Viện Nam học và Khoa học Phát triển – Đại học Quốc gia Hà Nội
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)