VIỆT NAM HỌC trong quá trình phát triển của đất nước

     Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu về Việt Nam học trên nhiều lĩnh vực đã có bước phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Càng ngày càng có nhiều công trình của giới học thuật (trong và ngoài nước) phối hợp nghiên cứu liên ngành về đất nước và con người Việt Nam. Riêng Nhân văn học Việt Nam đã bao hàm nhiều phương diện: lịch sử, văn hoá, văn học, ngôn ngữ, tôn giáo – tín ngưỡng, phong tục – tập quán,… Hướng đi này góp phần khẳng định những giá trị Việt Nam từ truyền thống tới hiện đại, làm nổi bật bản sắc Việt Nam trong xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế hôm nay.

     Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, khoá XI về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã khẳng định “Vai trò của văn hoá ngày càng thể hiện rõ hơn trong đời sống xã hội, trong việc xây dựng con người, sức sống, nhiều giá trị bền vững của văn hoá dân tộc được phát huy trong thời kì đổi mới” (1). Nghị quyết  cũng  nhấn mạnh 6 nhiệm vụ cần thực hiện:

  1. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện;
  1. Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh;
  1. Xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế;
  1. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá;
  1. Phát triển công nghiệp văn hoá đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hoá;
  1. Chủ động hội nhập quốc tế về văn hoá, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. (2)

     Việt Nam học tại Việt Nam những năm qua đã có bước phát triển đáng mừng trong đào tạo và nghiên cứu, càng ngày càng thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu và giảng dạy trong nhiều lĩnh vực. Nhiều hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế với những chủ đề phong phú chung quanh Việt Nam học được mở ra. Đặc biệt, những năm gần đây, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã lần lượt tổ chức 4 kì hội thảo, mới đây là Hội thảo lần thứ IV (12-2012) tại Hà Nội, rất thành công và đạt được những kết quả to lớn.

     Tuy nhiên, cũng còn có rất nhiều vấn đề Việt Nam học cần tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn, nhất là trên bình diện Văn hoá học. Để ủng hộ và cổ vũ hướng nghiên cứu này, Hội thảo Khoa học chủ đề Việt Nam học: Những phương diện Văn hoá truyền thống do Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng – Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng phối hợp tổ chức là một việc làm thiết thực. Bên cạnh Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam và Trường Đại học Hồng Bàng, Hội thảo lần này còn có sự hợp tác nhiều mặt của các cơ quan, tổ chức học thuật, xã hội, truyền thông như Vụ Văn hoá Văn nghệ – Ban Tuyên giáo Trung ương; Hội Ngôn ngữ học VN; Hội Ngôn ngữ học Hà Nội; Hội Truyền thông số VN; Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản Văn hoá VN; Viện Ngôn ngữ học, Viện Nghiên cứu Văn hoá; Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; Viện Đại học Mở Hà Nội; Khoa Việt Nam học – Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG HN; Khoa Việt Nam học – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trung tâm Văn hoá học Lí luận và Ứng dụng – ĐHQG TP Hồ Chí Minh; Báo điện tử VietnamNet; Báo Lao Động; Báo Gia Đình Việt Nam; Báo Người Đô Thị (TP Hồ Chí Minh); Báo Bắc Giang, Tạp chí Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hải Dương,… Sự hưởng ứng rộng rãi của nhiều cơ quan, trong đó có các viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan truyền thông… chứng tỏ Việt Nam học thực sự là vấn đề đáng quan tâm trong xu hướng phát triển của đất nước ta hiện nay.

     Tôi thật sự vui mừng khi biết rằng, sau một thời gian phát động, Ban Tổ chức Hội thảo “Việt Nam học: Những phương diện văn hoá truyền thống” đã nhận được một số lượng báo cáo rất lớn, đa dạng về đề tài, của nhiều nhà khoa học trên khắp đất nước. Chủ đề, nội dung mà các báo cáo quan tâm, có liên quan đến Những vấn đề cơ bản của Văn hoá học, liên quan đến văn hoá, văn hoá học, bản sắc văn hoá, truyền thống văn hoá, di sản văn hoá, bảo tồn văn hoá,…; Những vấn đề nghiên cứu của Văn hoá học và Văn hoá Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực khoa học nhân văn: văn học, sử học, ngôn ngữ học, dân tộc học, tôn giáo – tín ngưỡng, văn hoá giao tiếp – phong tục tập quán – trang phục – ẩm thực…; Những vấn đề liên quan đến bản sắc văn hoá mỗi dân tộc, trong đó có bản sắc văn hoá Việt Nam; Những vấn đề làm nên diện mạo văn hoá Việt Nam từ quá khứ đến hiện đại. Cần bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc Văn hoá Việt Nam trong xu hướng hội nhập với thế giới; v.v. Đó chính là nội dung “căn cốt” và cũng là mục tiêu cần thực hiện của Hội thảo lần này.

     Có thể nói, với sự cố gắng hết mình của Ban Tổ chức, với sự hỗ trợ tích cực của Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt NamTrường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Hội thảo đã hoàn thành và công bố 2 tập Kỉ yếu trước Hội thảo chính thức khai mạc rất công phu, dày dặn, có chất lượng cao. Đây là một hoạt động thiết thực của các nhà khoa học, của giới học thuật nước nhà, trong việc bảo tồn, duy trì, kế thừa và phát triển nền văn hoá Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc trong xu hướng phát triển của đất nước và thời đại.

PGS TS NGUYỄN THẾ KỶ
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

__________
1. Tài liệu nghiên cứu Nghị quyết và một sjố chủ trương của Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, khoá XI, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 18-19.

2. Tài liệu đã dẫn, tr. 64-73.