VÕ VẬT – Khắc đậm Dấu ấn

   1. Võ vật – Khắc đậm Dấu ấn

     Võ cổ truyền, VovinamVõ vật là 3 trong 9 môn thể thao dân tộc của Việt Nam (cùng với kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đá cầu, đua thuyền, đua ghe).

       Võ vật của Việt Nam từ ngàn xưa là môn đấu vật giữa hai đối thủ (đô vật) đóng khố ở trần, không tính hạng cân và độ tuổi, chủ yếu dùng sức để quật ngã nhau. Muốn thắng, một trong hai đô vật phải nhấc bổng được hai chân đối thủ lên khỏi mặt đất (túc ly địa) hoặc vật ngã ngửa lưng, vai đối thủ chạm mặt đất (lấm lưng trắng bụng). Mỗi trận đấu gọi là keo vật, một thế vật gọi là miếng.
       Võ vật là một hoạt động văn hóa dân gian, gắn liền với lễ hội nông dân và làng xóm Việt Nam từ xa xưa. Triều đình thời ấy cũng thường tổ chức đấu vật để tuyển binh chọn tướng. Các danh tướng như Cao Lỗ, Nồi Hầu (thời An Dương Vương), Bà Lê Chân, Đô Dương, Đô Chinh, Thánh Thiên (thời Hai Bà Trưng), Bà Triệu, Triệu Quốc Đạt (thời Đông Ngô), Phạm Tu, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Phùng Hải (thời Lý Nam Đế), Dương Đình Nghệ (thời Ngô Quyền), Bà Liệt (thời Trần Thái Tông), Vũ Phong (thời Lê Thánh Tông), Mạc Đăng Dung, Lê Như Hổ, Nguyễn Doãn Khâm (thời Mạc Đăng Dung),… đều xuất thân từ đô vật, trạng vật. Chính võ sư Nguyễn Lộc người Sơn Tây đã lấy võ vật làm nền tảng, sáng lập môn phái Vovinam Việt Võ Đạo từ năm 1938. Đến nay, môn phái đã phát triển rộng khắp thế giới.

      Ngày nay, võ vật vẫn khắc đậm dấu ấn trong lòng người Việt qua nghệ thuật tạo hình ở nhiều đình chùa, qua chùm tranh Đông Hồ, qua các lò vật lưu danh, qua các lễ hội mùa xuân ở các vùng đất vật truyền thống như làng Trung Mầu (Gia Lâm), Vị Thanh (Vĩnh Yên), Vĩnh Ninh, Lạc Thị, Mai Động (Hà Nội), Thức Vụ (Nam Định), Phong Châu, Đoan Hùng (Vĩnh Phú), Liễu Đôi (Hà Nam), Sình, Thủ Lễ (Thừa Thiên-Huế), …

     Võ vật không chỉ có ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng có. Mỹ có wrestling, Nhật có sumo, Nga có sambo, Romania có sirum, Thụy Sĩ có võ vật vùng Alps… Qua các kỳ Thế vận hội từ năm 1972 đến nay, nhiều nước đã tham gia tranh tài và đoạt huy chương tại các giải đấu vật như Liên Xô (cũ), Hoa Kỳ, Romania, Nga, Mông cổ, Bulgaria, Syria, Đức, Iran, Kazakhstan, Uzbekistan, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia, … Được biết, tranh tài tại Olympic có vật tự do và vật Greco-Roman. Mỹ rất mạnh về vật tự do, còn các nước thuộc Liên Xô cũ thì giỏi về vật Greco-Roman.

     Theo thư viện tư liệu của Ủy ban Olympic Việt Nam (Viet Nam Olympic Committee) thì Vật là môn thể thao đối kháng giữa hai vận động viên theo luật quy định. Vật được xếp hạng theo cân nặng ở các độ tuổi khác nhau. Khi thi đấu: hai vận động viên ôm lấy nhau, dùng sức và kỹ thuật làm đối phương ngã (hai vai chạm sới vật cùng một lúc) đế giành thắng lợi hoặc thắng điểm.

     Vật có lịch sử lâu đời, là một phần trong chương trình thi chung kết ở các đại hội Olympic cổ đại, lễ hội của nhiều dân tộc trên thế giới. Vận động viên được tự do lựa chọn các miếng đánh để thi đấu trong tư thế đứng (vật đứng) và ở tư thế bò (vật bò): vật xuống thảm, đẩy, vặn người, quăng, cầu vồng, gồng, lật, quật, cuốn hoặc dùng các động tác khóa, gài chân,…

     Trận đấu tiến hành 1 hiệp 5 phút đối với thanh niên và người lớn, 4 phút đối với trẻ em và thiếu niên. Điều khiển trận đấu gồm tổng trọng tài chính, trọng tài trên sới, trọng tài biên. Đấu vật cho điểm theo nguyên tắc đa số, theo chất lượng, thẩm mỹ miếng đánh. Thang điểm từ 1 đến 5 điểm. Nếu hiệp chỉnh (5 phút hoặc 4 phút, tùy theo lứa tuổi) hai vận động viên bằng điểm thì trọng tài cho thi đấu ngay hiệp phụ đến khi một trong hai vận động viên hơn nhau 3 điếm. Vận động viên hơn điểm là người thắng cuộc.

     Sới vật hình tròn, đường kính 9m, dày 4-6cm bằng chất liệu mềm, xung quanh mép rộng l,2-l,5m và cùng độ dày của sới. Đấu vật được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại đại hội Olympic hiện đại từ năm 1904.

     Liên đoàn Vật Nghiệp dư Quốc tế (Fédération Internationale de Lutte Amateur, FILA) thành lập năm 1912, hiện có trên 100 liên đoàn quốc gia thành viên. Ở Việt Nam, vật tự do phát triển từ 1978, trên cơ sở vật dân tộc. Hàng năm Việt Nam tổ chức giải vô địch vật quốc gia. Năm 1979, Liên đoàn Vật tự do Việt Nam thành lập và là thành viên của FILA.

     Trên đường phục hồi và phát triển, đội tuyển vật Việt Nam đã tham dự Thế vận hội Olympic Moscow (Nga) năm 1980. Võ vật đã trở thành môn thi đấu chính thức và vật Việt Nam đã đoạt ngay HCV do công của Mẫn Bá Xuân tại SEA Games 19 năm 1997 ở Indonesia. Tiếp đó, SEA Games 24 năm 2007 tại Thái Lan, vật Việt Nam đã giành 8/9 HCV. SEA Games 25 năm 2009 tại Lào, vật Việt Nam đã thành công rực rỡ với 7 HCV, trong đó đô vật Mẫn Bá Xuân tiếp tục đoạt ngôi vô địch lần thứ 5 ở đấu trường này. SEA Games 26 năm 2011 tại Indonesia, dù bị xử ép nhưng vật Việt Nam vẫn chiến thắng áp đảo với 8 HCV do công của các đô vật Khổng Văn Khoa, Cấn Tất Dự, Bùi Tuấn Anh, Hà Văn Hiếu, … Tại giải vật tiền SEA Games 27 tại Myanmar, vật Việt Nam đoạt nhất toàn đoàn với 16 đô vật giành 16 HCV bỏ xa Singapore, đoàn xếp thứ hai chỉ được 3 HCV. Tại giải vật trẻ Đông Nam Á 2013 tại Thái Lan, vật Việt Nam giành 38 HCV. Tại SEA Games 27 ở Myanmar, vật Việt Nam đã giành 10 HCV (vượt chỉ tiêu 4 HCV). Với số điểm tuyệt đối, vật Việt Nam đã chiến thắng áp đảo trước mọi đối thủ, khẳng định vị thế số 1 ở đấu trường Đông Nam Á do công của các VĐV Đới Đăng Tiến, Trần Văn Tương, Phạm Thị Huế, Phạm Thị Loan, Bùi Tuấn Anh, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Huy Hà, Cấn Tất Dự, Nguyễn Thị Lụa, Vũ Thị Hằng (HCB giải vô địch vật trẻ thế giới tại Thái Lan năm 2012, HCB giải vô địch vật châu Á tại Ấn Độ năm 2013).

     Từ năm 2004, vật Việt Nam đã được đưa vào chương trình thi đấu Hội khỏe Phù Đổng, và vật tự do nữ Việt Nam được xác định là một trong những môn trọng điểm của thể thao Việt Nam.

     Tại Olympic London 2012, IOC (Ủy ban Olympic Quốc tế) quyết định gạt môn đấu vật khỏi hệ thống thi đấu Olympic kể từ năm 2020. Ngay sau đó, 2 cựu vô địch Olympic Valentin Yordanov (Bulgaria) và Sagid Murtazaliev (Nga) đòi trả lại huy chương, đồng thời nhà vô địch Olympic Armen Nazaryan của Nga đã tuyệt thực để phản đối. Cùng lúc, các liên đoàn vật khắp thế giới phẫn nộ, quyết đấu tranh đến cùng. Tại Việt Nam, ông Nguyễn Thế Longtrưởng bộ môn vật – cho biết không quá lo ngại về vấn đề này cho dù đấu vật không có trong hệ thống thi đấu Olympic, nhưng FILA chắc chắn vẫn đưa vật vào dự tranh tại SEA Games, ASIAN Games cùng các giải châu lục và thế giới của FILA.Tuy nhiên, ở SEA Games 28 trong năm 2015, nước chủ nhà Singapore đã tuyên bố sẽ cắt giảm một số môn, trong đó có đấu vật – môn võ vàng của thể thao Việt Nam!

2. Đô vật – Một thời để nhớ, một đời để quên   

★ ĐỘC CÔ CÂU BẠI MẪN BÁ XUÂN

     Mẫn Bá Xuân sinh năm 1977 tại Bắc Ninh, sớm nổi tiếng vùng Kinh Bắc qua các giải hội làng. Năm 18 tuổi, Mẫn Bá Xuân được HLV Nghiêm Xuân Thái nhận làm học trò và anh đã nhanh chóng vươn tới đỉnh cao của võ nghiệp chỉ sau 15 năm. Nhưng đổi lại, anh đã trải qua không biết bao lần bị chấn thương, bao lần khóc vì vật lộn với những cơn đau buốt từ khớp gối do bị đứt dây chằng, bao lần muốn quỵ xuống sới vật và tưởng chừng không trụ nổi và vượt qua cơn đau. Sau khi đoạt HCV thứ 5 ở SEA Games 25 tại Lào ở tuổi 32, Mẫn Bá Xuân đã từ giã sới vật để trở thành đội trưởng đội tuyển quốc gia ở tuổi 33 với 13 lần vô địch quốc gia, 5 HCV SEA Games (1997, 2003, 2005, 2007, 2009), hạng 4 giải Vô địch châu ÁHCĐ giải Sinh viên Thế giới (2003). Với kỳ tích hạ “knock out” Marcus Valda người Philippines – một đối thủ lừng danh “không đối thủ” – tại SEA Games 24 không quá 55 giây, và với chiến thắng vũ bão trên đấu trường Đông Nam Á lẫn làng vật Việt Nam trong suốt một thập kỷ, bạn bè trong khu vực đã thân mật gọi anh là Độc cô cầu bại.

★ NGUYỄN THỊ LỤA, CON GÁI LÀNG VẬT CHẠM CHÂN VÀO OLYMPIC

     Nguyễn Thị Lụa sinh năm 1990 tại Hà Tây trong một gia đình làm nông nghèo khó, học võ vật từ năm 13 tuổi. Bố và chú từng là những đô vật có tiếng của xã. Chỉ sau một năm Lụa được chọn vào đội tuyển Hà Tây và đoạt HCĐ giải trẻ toàn quốc. Cũng tại giải trẻ toàn quốc hai năm sau, Lụa đoạt HCV. Năm 2007, Lụa được gọi vào đội tuyển quốc gia và đoạt HCĐ giải trẻ châu Á tại Đài Loan. Năm 2009, Lụa không những đoạt tiếp HCB giải trẻ châu Á mà còn giành HCĐ giải Vô địch châu Á. Năm 2010, Lụa giành HCB Asiad 16 ở Quảng Châu, Trung Quốc và chính thức có mặt tại Olympic London năm 2012. Có một điều rất thật đến lạ, Lụa luôn ước ao có được HCV tại SEA Games, nhưng cả 3 kỳ SEA Games trước đây, lần nào hạng cân của Lụa cũng bị hủy bỏ trước giờ thi đấu vì các đối thủ nghe đến Lụa đều “khiếp vía” mà bỏ cuộc. Trong lần SEA Games 27, Lụa phải đôn từ hạng cân 48kg lên 5lkg đế mong có đối thủ xứng tầm. Tuy nhiên, các đối thủ đã nhanh chóng thúc thủ và Lụa đã giành HCV một cách dễ dàng.

     Rất tiếc cuộc tranh tài tại Olympic London 2012, Nguyễn Thị Lụa đã thất bại trước đô vật Carol Huỳnh (đương kim vô địch thế giới hạng cân 48kg) của  Canada. Được biết, trước trận đấu, Nguyễn Thị Lụa đã bị chấn thương vai, tập huấn ở nước ngoài quá ít, không được dẫn dắt bởi chuyên gia và mãi đến gần ngày lên đường, Lụa mới nhận được quần áo, giày thi đấu. Chỉ với ý chí phấn đấu, quyết tâm vươn lên và nỗi đau của chính Lụa, liệu điều đó có đáp ứng nổi đòi hỏi về thành tích (chưa nói lập kỳ tích) phải cao và cao hơn nữa theo “chỉ tiêu” của ngành thể thao? Trong khi, Carol Huỳnh tâm sự: “Tôi xin cám ơn gia đình. Gia đình tôi luôn ủng hộ tôi bất cứ việc gì mà tôi đang nỗ lực thực hiện, bất cứ mục tiêu nào mà tôi đang đặt ra, bất cứ điều gì mà tôi đang cố gắng hoàn tất. Gia đình tôi luôn yêu thương dù tôi thất bại hay thành công, thuận lợi hay lận đận. Điều đó thật sự cần thiết và quan trọng với tôi. Tôi xin cám ơn các HLV của tôi. Bên cạnh tôi, luôn luôn có một HLV quốc gia và một HLV của riêng tôi. Cả hai đều xuất sắc và họ đã góp phần rất lớn trong sự thành công của tôi, giúp tôi trở thành một nữ đô vật đẳng cấp thế giới…. ”. Ngoài ý chí chiến đấu, không khoan nhượng trước đối thủ để đi đến bục huy chương, Carol Huỳnh còn thổ lộ thêm về bí quyết chiến thắng của mình: “Tôi không tìm đến chiến thắng bằng sức mạnh. Tôi sử dụng chiến thuật, kỹ thuật tạo nên sự bất ngờ cho đối thủ bằng tốc độ ra đòn”. HLV Leigh Vierling của Carol Huỳnh tự hào khi nói về học trò của mình: “Trẻ em Canada mong muốn trở thành Carol Huỳnh khi lớn lên. Cô xứng đáng là hình mẫu của giới trẻ…”.

     Và, hệ quả này không có gì ngạc nhiên khi Lụa đã sớm thua đương kim vô địch Olympic Bắc Kinh 2008 người Canada gốc Việt Carol Huỳnh với tỷ số 5-0 chưa đầy 01 phút tranh tài. Một chút thổ lộ mới đây của Lụa đã chà xát bao trái tim, bảo sao chúng ta không đắng lòng: “Gắn bó với đời vật phải chịu vô số chấn thương, cả chấn thương tâm hồn”.

* CAROL HUỲNH, GO CAROL, GO

     Carol Huỳnh sinh năm 1980 tại Canada. Cha là người Việt mẹ là người Hoa, sinh sống tại Canada từ năm 1975. Carol Huỳnh ham thích thể thao, tập luyện nhiều môn từ nhỏ. Năm 15 tuổi khi đang là nữ sinh trung học, Carol Huỳnh chuyển sang môn vật và gia nhập vào đội tuyển của trường. Carol Huỳnh vẫn không từ bỏ môn vật suốt những năm ở đại học và cao học sau đó. HLV của cô là Leigh Vierling – vợ của nhà vô địch thế giới môn đấu vật Christine Nordhagen.

     Sau nhiều thành tích lẫy lừng với hàng loạt huy chương mang về cho Canada ở các giải Pan American Games, FILA Wrestling World Championships, Common Wealth Games,… và hạ hàng loạt đối thủ sừng sỏ trong làng vật thế giới như Mariya Stadnik của Azerbaijan, Hyung Joo của Hàn Quốc, Tatyana Bakatyuk của Kazakhstan,…Carol Huỳnh tham gia vào đội tuyển Canada dự tranh tại Olympic. Tại Olympic Bắc Kinh vào mùa hè 2008, sau khi thắng á quân Olympic Icho Chiharu của Nhật (sau 3 lần Carol Huỳnh bị thua vào năm 2000, 2001, 2005), Carol Huỳnh đoạt HCV (chiếc huy chương thứ hai cho Canada sau nam VĐV Tonya Verbeek đã giành HCB vào năm 2004). Carol Huỳnh đã khóc nức nở vì quá đỗi hạnh phúc.

     4 năm sau tại Olympic London vào mùa hè 2012, sau khi thắng Nguyễn Thị Lụa của Việt Nam chỉ trong 34 giây và hạ nhanh Vanesa Kaladzinskaya của Belarus nhưng thua Hitomi Obara của Nhật ở vòng bán kết, Carol Huỳnh đoạt HCĐ sau khi hạ dễ dàng Isabelle Sambou của Senegal. Bên sàn đấu, ông Huỳnh Viêm – cha của Carol Huỳnh – với vóc dáng nhỏ thó, mặc chiếc áo pull đỏ mang dòng chữ Go Carol, Go chăm chú theo dõi trận đấu. Được biết, Carol Huỳnh bị chấn thương ở cổ tay và đầu gối suốt nhiều năm, phải cắn răng chịu đau suốt trận đấu và đây cũng là trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp thể thao của Carol Huỳnh trước khi cô trở thành HLV đội vật nữ Canada. Tại Olympic 2012, ngoài Nguyễn Thị Lụa và Carol Huỳnh còn một số VĐV gốc Việt nổi bật trên đấu trường quốc tế như Marcel Nguyễn (đấu vật Canada), Marcel Nguyễn (thể dục dụng cụ Đức), Howard Bạch (cầu lông Mỹ),… Và trong số đó, Carol Huỳnh là VĐV có trình độ học vấn cao nhất: thạc sĩ tâm lý, giảng viên Đại học Simon Fraser.

★ NGUYỄN VĂN LUẬN, TẤT CẢ ĐÊU VÔ VỌNG

     Trận đấu phải dời vào ngày hôm sau bởi hàng vạn người hâm mộ tràn lấn, xô đạp làm vỡ sới vật vào năm 1989 ở Hà Bắc giữa đô vật mới nổi xứ Kinh Bắc Nguyễn Văn Luận và “độc cô cầu bại” Phí Hữu Tình. Phí Hữu Tìnhđương kim vô địch quốc gia 10 năm liền, từng tranh tài tại đấu trường Olympic Moscow 1980 và hạ gục đô vật người Cameroon vô địch thế với tỉ số 12-0 ngay vòng 1. Thật bất ngờ và gây kinh hoàng cho làng vật cả nước khi Nguyễn Văn Luận đã hạ được Phí Hữu Tình. Trận đấu được đánh giá có số lượng người xem đông nhất và hay nhất trong lịch sử giải vô địch quốc gia thời đó.

    Năm 1990, Luận đoạt hạng 4 tại Asian Games Bắc Kinh cùng nhiều huy chương, huân chương, bằng khen trong và ngoài nước suốt 4 năm sau đó. Năm 1994 nhằm chuẩn bị cho Asian Games ở Nhật, Luận hăng say tập luyện và sau một buổi tập chính, Luận xin phép HLV cho tập thêm động tác lộn santo thì anh bị gãy đốt sống cổ, đứt tủy sống. Sau hơn 5 tháng điều trị tại bệnh viện, Luận được đưa về quê Hà Bắc. Sau nhiều ngày vật vã với căn bệnh quái ác, anh ra đi ở tuổi 26. Mẹ của Luận, bà Nguyễn Thị Bách, đã ròng rã trong 10 năm mang đơn và gõ cửa hầu hết các cơ quan từ địa phương đến Tổng cục TDTT nhằm xin cho Luận được tiền trợ cấp, nhưng tất cả đều vô vọng ngoài những lời hứa suông hoặc đổ tội cho Luận bị tai nạn ngoài giờ tập chính. Mãi đến năm 2005, sau khi được Đài tiếng nói Việt Nam phát sóng trường hợp thương tâm của Luận, bà mới được Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thế thao Quốc gia Đặng Ngọc Sách đến thăm, tặng quà và 12 triệu đồng.

     Các sới vật làng Guột tỉnh Hà Bắc (Bắc Giang và Bắc Ninh bây giờ) là một làng vật có tiếng trong cả nước không những hoạt động mạnh mà còn sản sinh rất nhiều nhân tài cho đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, sự bạc đãi của ngành thể thao sau cái chết thương tâm của Nguyễn Văn Luận, các lò vật và các sới vật gần như im ắng, không một đô vật nào của làng còn hào hứng tham gia đội tuyển của tỉnh và tự hào được đứng vào đội tuyển quốc gia!.

BAN TU THƯ
03/09/ 2019

Nguồn: Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới (Năm 2014). Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ. Tái bản lần thứ nhất. PHƯƠNG TẤN.