Xã hội của người Xtiêng ở Bình Phước hiện nay

SOCIAL ORGANIZATION OF THE XTIENG IN BINH PHUOC

Tác giả bài viết: LÊ THỊ MỸ HÀ
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT

     Xtiêng là tộc người cư trú lâu đời ở vùng đất Đông Nam Bộ, trong đó tập trung đông nhất ở tỉnh Bình Phước. Người Xtiêng có nhiều nhóm, trong đó nổi bật nhất là hai nhóm Bù Lơ và Bù Đeh, cư trú ở hai khu vực khác nhau, và có tổ chức xã hội cũng như hoạt động kinh tế truyền thống khác nhau. Điều đó tạo nên sắc thái đa dạng trong xã hội của tộc người Xtiêng. Tuy nhiên, tính đa dạng ấy rồi cũng biến đổi. Sự thay đổi đó được biểu hiện cụ thể trong cấu trúc gia đình, dòng họ và trong quản lý xã hội; mà nguyên nhân là kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Phước thay đổi, cùng với sự tác động yếu tố giao lưu tiếp biến văn hóa bởi sự cư trú đan xen đa tộc người trong một khu vực, và sự xuất hiện chi phối của yếu tố tôn giáo (Công giáo, Tin Lành) trong cộng đồng Xtiêng vài thập niên qua.

Từ khóa: dòng họ, gia đình, mẫu hệ, phụ hệ, quản lý xã hội.

ABSTRACT

     Xtieng is an ethnic group that has lived for a long time in the Southeast of Vietnam, and the largest number of Xtieng is in Binh Phuoc province. The Xtieng has many groups, but the most prominent is the two groups, Bu Lo and Bu Deh, residing in two different areas, and different social organization. That creates diverse nuances in the society of the Xtieng in Binh Phuoc province. However, that diversity has also changed as the change of family structure, lineage, and social management; which is caused by the socio-economic changes of Binh Phuoc province, as well as the impact of cultural exchange, acculturation, and appearance of Catholic, Protestant in the Xtieng community over the past few decades.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Người Xtiêng còn có nhiều tên gọi khác như Xơ Điêng, Xa Điêng, Xa Chiêng… là tộc người cư trú lâu đời ở vùng đất Đông Nam Bộ của Việt Nam, trong đó tập trung đông nhất ở địa bàn tỉnh Bình Phước. Theo Cục Thống kê (2020), kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở vào năm 2019, tổng số người Xtiêng ở Bình Phước là 96.649 người, chiếm 9,71% tổng dân số của tỉnh (994.679), chiếm 95,5% tổng số người Xtiêng ở Việt Nam(1), và là tộc người có số dân đông nhất trong các tộc người thiểu số ở Bình Phước hiện nay.

     Ở Bình Phước, người Xtiêng cư trú tại các huyện Bù Đăng, Phước Long, Chơn Thành, Lộc Ninh, Bù Đốp và được biết đến bởi hai nhóm khá nổi bật là Xtiêng Bù Lơ và Xtiêng Bù Đeh. Đây là hai nhóm có địa bàn cư trú khác nhau, có những đặc điểm về kinh tế truyền thống và tổ chức xã hội cũng tương đối khác nhau, mặc dù họ đều xem Điêng – một vị anh hùng huyền thoại trong truyền thuyết dân gian của họ – là thủy tổ (Vương Xuân Tình, 2017). Nhóm Xtiêng Bù Lơ tập trung đông ở hai huyện Bù Đăng và Phước Long, gọi là nhóm vùng cao, lấy việc canh tác nương rẫy làm kế sinh nhai. Trong hoạt động kinh tế truyền thống, người Bù Lơ khai phá đất hoang, luân khoảnh, trồng lúa, bắp, khoai lang, khoai mì… và có thêm nghề săn bắn. Nhóm Xtiêng Bù Đeh tập trung ở các huyện Chơn Thành, Bình Long, Lộc Ninh, Bù Đốp, gọi là nhóm vùng thấp, canh tác trên ruộng nước. Họ dùng trâu để cày, bừa, gieo mạ và cấy lúa, dùng liềm để gặt lúa…(UBND tỉnh Bình Phước, 2015). Hiện nay, hoạt động kinh tế của hai nhóm Xtiêng này đã có nhiều thay đổi, phương thức canh tác luân khoảnh không còn nữa; chuyển sang định canh. Cơ cấu cây trồng trở nên đa dạng hơn, với nhiều loại, đặc biệt là trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, điều, cà phê, tiêu… Việc canh tác ruộng lúa nước cũng trở nên hiệu quả hơn, với việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, và nhiều chỗ có cả hệ thống tưới tiêu nên cho năng suất cao. Ngoài ra, người Xtiêng còn tham gia vào các hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa với các tộc người khác, đặc biệt là với người Kinh, mỗi khi họ thu hoạch nông sản.

     Người Xtiêng hiện nay đa phần đã từ bỏ tín ngưỡng truyền thống (tín ngưỡng đa thần) để theo Công giáo, hoặc Tin Lành nên đời sống tinh thần của họ có nhiều thay đổi. Cùng với đó, họ sống xen kẻ với nhiều tộc người như Kinh, Khmer, Tày, Nùng… từ khá lâu nên giữa họ đã diễn ra quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa; cộng thêm là chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước đã tác động không nhỏ đến việc thay đổi cơ cấu tổ chức xã hội truyền thống của tộc người.

2. Tổng quan tài liệu và phương pháp nghiên cứu

     Nghiên cứu về người Xtiêng nói chung và tổ chức xã hội của người Xtiêng ở Bình Phước nói riêng đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu được công bố. Những công trình này có thể kể đến như quyển sách về Tri thức bản địa của các tộc người thiểu số ở Đông Nam Bộ trong tiến trình phát triển xã hội ở Việt Nam của Ngô Văn Lệ, Huỳnh Ngọc Thu và Ngô Thị Phương Lan đồng chủ biên, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành năm 2016. Trong phần nội dung về tri thức tổ chức xã hội của người Xtiêng, nhóm tác giả đã đề cập đến sự thay đổi trong nhận thức của người Xtiêng hiện tại để dẫn đến sự thay đổi trong tổ chức gia đình, dòng họ và quản lý xã hội. Theo nhóm tác giả, nguyên nhân của sự thay đổi này là do tri thức tộc người thay đổi, bởi nhận thức của cộng đồng hiện tại và cộng đồng trong quá khứ có sự khác biệt. Hoặc công trình về Các dân tộc ở Việt Nam (tập 3) – nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer do Vương Xuân Tình chủ biên, cũng do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành vào năm 2017, phần viết về người Xtiêng ở Việt Nam (chủ yếu vẫn là ở Bình Phước) cũng nhấn mạnh đến sự thay đổi chung của tộc người này so với trong truyền thống; trong đó có đề cập đến sự thay đổi trong xã hội của người Xtiêng hiện nay. Hoặc lùi về thời gian trước, có những công trình như Địa chí Bình Phước (Tập ) – Tự nhiên – dân cư – lịch sử – sự kiện, nhân vật – các huyện, thị do Tỉnh ủy – Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước và cũng do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành năm 2015; hay quyển sách về Hệ thống xã hội tộc người của người Xtiêng ở Việt Nam của Phan An do nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2007… cũng đều đề cập đến người sự thay đổi trong xã hội của người Xtiêng nói chung và người Xtiêng ở Bình Phước nói riêng.

     Việc biến đổi xã hội của một tộc người thiểu số ở Việt Nam trong tiến trình phát triển xã hội tộc người là một điều tất yếu. Đây cũng là chủ đề bắt buộc phải đề cập khi nghiên cứu về kinh tế, văn hóa, xã hội của một tộc người cụ thể. Tuy nhiên, việc giải thích sự biến đổi đó như thế nào và dùng nguồn dữ liệu được khai thác vào thời điểm nào để đề cập đến sự thay đổi là vấn đề quan trọng trong nghiên cứu khoa, nhằm mục đích bổ sung cho việc đóng góp về quan điểm khoa học khi nghiên cứu ở một tộc người cụ thể.

     Bài viết này cũng phân tích vấn đề về biến đổi xã hội của người Xtiêng ở Bình Phước, như biến đổi trong gia đình, dòng họ và quản lý xã hội từ truyền thống cho đến hiện nay để nhằm góp thêm nguồn dữ liệu khoa học cho việc lý giải về sự biến đổi này.

     Nguồn dữ liệu để thực hiện bài viết được chúng tôi thu thập từ các đợt điền dã trong các năm 2017, 2018, 2019 nhằm thực hiện chương trình nghiên cứu về các tộc người thiểu số ở khu vực Đông Nam Bộ phục vụ cho công tác giảng dạy dành cho sinh viên nước ngoài của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua các đợt điền dã đó, chúng tôi đã thực hiện hai phương pháp là phỏng vấn sâu và quan sát tham dự để thu thập thông tin trực tiếp từ cộng đồng tộc người thiểu số, trong đó có người Xtiêng ở Bình Phước. Trong đó, chúng tôi đã thực hiện 20 cuộc phỏng vấn sâu tại hai cộng đồng X’tiêng là nhóm Bù Lơ (10 cuộc) và nhóm Bù Đeh (10 cuộc). Trong mỗi cộng đồng, chúng tôi còn quan sát tham dự vào các sự kiện lễ hội và sinh hoạt của cộng đồng bằng cách ba cùng (cùng ăn, cùng ở và cùng nghiên cứu) tại cộng đồng. Chính vì vậy, chúng tôi có được nguồn dữ liệu phong phú cho việc thực hiện bài viết này dưới khía cạnh phân tích về sự biến đổi trong gia đình, dòng họ, và quản lý xã hội của người Xtiêng ở Bình Phước theo trục thời gian từ truyền thống đến hiện tại.

3. Kết quả và thảo luận

     3.1. Biến đổi trong tổ chức gia đình

     Như đã trình bày, người Xtiêng tại Bình Phước có hai nhóm chủ yếu là Bù Lơ và Bù Đeh tương đối khác biệt, nên đặc điểm về tổ chức gia đình cũng có những điểm khác nhau. 

     Gia đình là một thiết chế xã hội mang tính lịch sử và có tính đa dạng trong các nền văn hóa; đặc biệt nó có sự biến đổi rất lớn trong xã hội công nghiệp và hậu công nghiệp… Gia đình có từ hai hay nhiều cá nhân có quan hệ với nhau, phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và cùng chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái với nhau (Khoa Nhân học, 2016). Với khái niệm như vậy, nói lên được sự bao quát không chỉ những cá nhân có quan hệ với nhau qua huyết thống, qua hôn nhân mà cả những người không có quan hệ theo hai kiểu này nhưng tự xem mình là có quan hệ với nhau (ví dụ như cặp đồng giới hay một người lớn và đứa trẻ nhận nuôi) và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế vẫn được xem là một gia đình. Gia đình thường có hai loại là gia đình hạt nhângia đình mở rộng và có chức năng kinh tế, văn hóa, giáo dục… cho cộng đồng xã hội (Khoa Nhân học, 2016).

     Ở người Xtiêng tại Bình Phước, gia đình của họ cũng thể hiện các nguyên tắc trên. Đó là tập hợp những cá nhân có các mối quan hệ với nhau, phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, và cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc giáo dục, nuôi dạy con cái của họ; và cũng là nơi sáng tạo, lưu truyền văn hóa cho cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, như đã trình bày, người Xtiêng ở đây có hai nhóm nổi bật, tương đối khác biệt nhau là Xtiêng Bù Lơ (nhóm Xtiêng vùng cao) và Xtiêng Bù Đeh (nhóm Xtiêng vùng thấp), nên đặc điểm về tổ chức gia đình cũng có những điểm khác nhau.

     Trong truyền thống, người Xtiêng cư trú thành từng làng nhỏ, khép kín. Mỗi làng có từ ba đến năm ngôi nhà sàn dài, gọi là yau. Trong mỗi ngôi nhà sàn dài có từ bốn đến năm bếp lửa, gọi là nak. Một nak được xem là một gia đình hạt nhân tồn tại trong ngôi nhà dài đó. Nak có quyền sở hữu riêng về tài sản như vật dụng, lương thực, công cụ lao động, đất rẫy canh tác…(2). Mối quan hệ giữa các nak trong ngôi nhà dài là quan hệ “chị em gái” hoặc “anh em trai” tùy theo nhóm Xtiêng.

     Nhóm Xtiêng Bù Đeh ở khu vực vùng thấp được xem là nhóm mẫu hệ, quan hệ thân tộc tính theo dòng họ mẹ, nên mối quan hệ giữa các nak trong ngôi nhà dài là quan hệ chị em gái. Khi con gái trong gia đình kết hôn, đôi vợ chồng đó sẽ được cha mẹ cho nối thêm một bếp lửa trong nhà. Nếu gia đình có nhiều con gái, lâu dần sẽ có nhiều bếp lửa, đồng nghĩa với việc có nhiều nak, và ngôi nhà đó sẽ ngày một dài thêm. Mặc dù là gia đình mẫu hệ, nhưng quản lý và điều hành gia đình lớn này lại là đàn ông, là chồng của mẹ của các chủ nak trong ngôi nhà dài. Ông này được gọi là Tom yau (chủ nhà), là người điều hành các nghi lễ trong nhà dài, xử lý những tranh chấp giữa các nak với nhau, tiếp khách, chọn đất dựng nhà, chủ lễ trong các buổi cúng thần linh, điều hành mọi người trong công việc chung, quyết định việc cưới xin, ma chay, lãnh trách nhiệm giáo dục, truyền dạy văn hóa cho các thành viên trong gia đình, tiếp khách, giao thiệp với bên ngoài…. Khi ông mất đi, người thay thế sẽ là chồng của người con gái lớn trong ngôi nhà dài hoặc chồng của em gái vợ của Tom yau, nếu ngôi nhà dài đó đã trải qua Tom yau đời thứ hai(3). Trong từng nak, vai trò của người đàn ông (người chồng) cũng có quyền hành nhất định của mình. Ông cũng là người đưa ra những ý kiến trong việc canh tác trên rẫy riêng của nak mình, có quyền điều hành mọi người trong nak làm việc, và cũng có ý kiến trong việc cưới xin cho con cái trong nak của mình, nhưng không có quyền quản lý tài sản và phân chia tài sản. Việc này sẽ so người phụ nữ trong nak quản lý và quyết định.

     Trong ngôi nhà dài, vợ của Tom yau là người quản lý tài sản. Tài sản chung của ngôi nhà dài thường có là chiêng, ché, trâu, bò…(Vương Xuân Tình, 2017); còn trong các nak là những lương thực và các công cụ lao động…. Người phụ nữ quản lý các tài sản này và có quyền phân chia tài sản cho con cái khi có trường hợp kế thừa, hay kết hôn của một thành viên mới trong gia đình(4).

     Với nhóm Xtiêng Bù Lơ ở vùng cao là nhóm phụ hệ, tổ chức gia đình theo dòng họ cha, nên cơ cấu gia đình truyền thống có đôi chút khác biệt so với người Bù Đeh. Người Bù Lơ cũng sống trong những ngôi nhà sàn dài, gồm nhiều nak, khoảng từ bốn đến năm nak, nhưng tính theo số lượng con trai lập gia đình trong ngôi nhà dài đó. Tom yau vẫn là đàn ông với quyền lực giống như Tom yau của nhóm người Bù Lơ, nhưng khi ông mất, người thay thế sẽ là con trai trưởng của ông hoặc em trai của ông, nếu ngôi nhà đó đã trải qua Tom yau ở đời thứ hai. Việc quản lý và phân chia tài sản trong ngôi nhà dài hoặc trong các nak đều là quyền quyết định của nam giới(5).

     Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển chung của toàn xã hội hơn vài thập niên qua, đất đai trở thành tài sản của toàn dân dưới sự quản lý của Nhà nước; sự xuất hiện và sống xen kẻ của nhiều tộc người trong cùng một khu vực; cơ sở hạ tầng được phát triển; giao thông thuận tiện…; đặc biệt là sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ làm cho đời sống kinh tế của người dân ngày một tăng lên; cuộc sống người dân ngày một phát triển… cùng với đó là sự giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các tộc người diễn ra mạnh mẽ… đã tác động đến việc ngôi nhà dài truyền thống của người Xtiêng ở Bình Phước nói chung và ngôi nhà dài của các tộc người thiểu số khác nói riêng bị tan rã.

     Theo khảo sát của chúng tôi ở khu vực cư trú của hai nhóm Xtiêng Bù Lơ và Bù Đeh tại Bình Phước hiện nay gần như không còn những ngôi nhà dài truyền thống, mà thay vào đó là những nhà sàn nhỏ. Những người sống trong đó gồm từ 2 đến 3 thế hệ, chịu trách nhiệm chung về kinh tế và chỉ có một bếp lửa, một kho thóc chung; những hiện vật có trong nhà là tài sản chung của các thành viên trong gia đình. Dấu tích của ngôi nhà sàn dài gần như không còn hiện hữu về mặt hình thể, chỉ còn trong ký ức của những người lớn tuổi, và họ kể lại cho chúng tôi nghe khi được phỏng vấn hồi cố. Sự tan rã của những ngôi nhà sàn dài đã dẫn đến những thay đổi về cơ cấu tổ chức trong gia đình ở cả hai nhóm Bù Lơ và Bù Đeh. Thay đổi rõ nét nhất là sự mất đi vai trò của Tom yau, chủ ngôi nhà dài. Trước đây, ngôi nhà dài có thể xem là một “công xã”, và Tom yau là người đứng đầu “công xã” đó, quản lý những ngôi nhà (nak) trong công xã đó. Ông có quyền điều hành mọi thành viên trong “công xã” của mình, làm chủ nghi lễ, giải quyết tranh chấp giữa các thành viên trong “công xã”… Nhưng hiện nay, “công xã” này đã tan rã, nên Tom yau và vai trò của ông cũng không còn nữa; thay vào đó là người chủ gia đình nhỏ. Người đàn ông này, là chủ của nak trước đây, giờ là người điều hành gia đình của mình. Ông có quyền quyết định nhiều vấn đề trong gia đình, kể cả ở nhóm Xtiêng Bù Đeh (nhóm mẫu hệ). Ông này hiện nay là trụ cột, là người hướng dẫn cho con cái, vì có nhiều kinh nghiệm; là người lãnh nhiệm vụ kinh tế của gia đình như chịu trách nhiệm lao động chính, tạo ra của cải, phân công lao động trong gia đình. Về quan hệ xã hội, ông đảm nhiệm vai trò chính trong việc tham gia các sinh hoạt của cộng đồng; trong các đám cưới, hỏi hay tiệc mừng hoặc tang ma, ông sẽ là người thay mặt gia đình để đến chung vui hoặc chia buồn cùng người trong làng; đối với các lễ hội văn hóa trong cộng đồng, tùy vào từng lễ, có lễ sẽ cả gia đình tham gia, có lễ chỉ do mình ông đại diện. Vợ ông chịu trách nhiệm giáo dục con cái. Khi phân chia tài sản, cả hai vợ chồng cùng có vai trò quyết định (Ngô Văn Lệ và cs., 2016).

     Như vậy, từ những phân tích trên cho thấy, gia đình của người Xtiêng hiện nay đã có những thay đổi nhất định về cơ cấu tổ chức. Đây là sự thay đổi mang tính tan rã của tổ chức ngôi nhà dài truyền thống theo kiểu “công xã” thành những ngôi nhà nhỏ đơn lẻ, với những hộ gia đình độc lập về kinh tế. Từ đó, vai trò của các thành viên trong ngôi nhà cũng biến đổi cho phù hợp, và mang tính độc lập hơn. Có thể nói, sự thay đổi này mang tính tất yếu theo xu hướng phát triển của xã hội đương thời ở Bình Phước nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

     3.2. Biến đổi trong quan hệ dòng họ

     Dòng họ là đơn vị xã hội mà các thành viên trong đó tự cho là xuất thân từ một tổ tiên được xác định căn cứ vào quan hệ phả hệ tổ tiên và con cháu được nhận biết rõ ràng. Dòng họ đóng vai trò liên kết các cá nhân có cùng mối quan hệ huyết thống với nhau, đồng thời cũng chi phối khá mạnh mẽ đối với mối quan hệ hôn nhân và gia đình… Các thành viên trong cùng dòng họ có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau và ràng buộc với nhau trong nguyên tắc hôn nhân…(Khoa Nhân học, 2016).

     Người Xtiêng hiện nay ở Bình Phước đa phần mang họ Điểu (đối với nam), họ Thị (đối với nữ); một số ít mang họ Văn, Đào (Ngô Văn Lệ và cs., 2016); nhưng đây không phải là họ gốc của người Xtiêng mà do chính quyền nhà Nguyễn đặt cho (Vương Xuân Tình, 2017).

     Nhận thức về nguồn gốc dòng họ, nhóm Xtiêng Bù Đeh có khoảng gần 20 họ, với các tên gọi như Butsamrai, Butclay, Săngcrai, Bđungđeng, Bùdông, Buclay, Đôngclôm, Pôngpê, Càtrich, Bùchang, Sarai, Bsóp, Bùtúc, Crôm, Clomlam, Bclây, Plan, Mơđia…(Ngô Văn Lệ và cs., 2016) được tính theo dòng mẹ. Họ có những kiêng kỵ liên quan đến việc ăn uống trong dòng họ như họ ButSamrai kiêng ăn lươn, rắn; họ Butclay kiêng ăn củ mốp; họ Bđungđeng kiêng ăn cá sấu, cọp; họ Bùdông kiêng ăn đọt mây rừng, rắn… Theo người Xtiêng Bù Đeh, những kiêng kỵ này là do cha ông để lại, biểu thị cho việc ý thức về nguồn gốc của mình (Ngô Văn Lệ và cs., 2016). Nhóm Xtiêng Bù Lơ, trong quá trình khảo sát, chúng tôi không ghi nhận được họ có dòng họ gốc; sinh con ra chỉ đặt tên, có thể là lấy tên của địa danh để đặt cho con; hoặc khi kết hôn với tộc người khác, đứa con sinh ra sẽ mang họ của tộc người đó; ví dụ như nam giới Xtiêng kết hôn với nữ giới Mnông, con sinh ra sẽ lấy họ mẹ là K’ (ka) hoặc H’ (hơ); nữ giới Xtiêng kết hôn với nam giới Mnông, con sinh ra chỉ đặt tên, không có họ(6). Chính vì vậy, đối với nhóm Xtiêng Bù Lơ, liên kết dòng họ không được rõ ràng, nên việc phát triển dòng họ của nhóm người này không mạnh bằng nhóm Bù Đeh, vì khó xác định được dòng họ nếu trải qua nhiều đời. Với nhóm Bù Đeh, việc xác định dòng họ trở nên dễ dàng, do có sự định danh theo dòng họ mẹ. Vì thế, các họ của người Xtiêng Bù Đeh hiện nay có sự lan tỏa rất mạnh sang các vùng lân cận, kể cả ở khu vực vùng cao bằng hình thức hôn nhân.

     Trong xã hội của tộc người Xtiêng, nguyên tắc hôn nhân “con cô con cậu” được chấp nhận ở cả hai nhóm Bù Lơ và Bù Đeh, nhưng vẫn có đôi chút khác biệt giữa hai nhóm. Nhóm Bù Lơ chỉ cho phép con trai cô lấy con gái cậu với điều kiện cậu là anh của cô và chỉ chấp nhận được một lần trong mỗi gia đình (Vương Xuân Tình, 2017). Nguyên tắc này giống với nguyên tắc của người Mnông ở huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước. Còn người Bù Đeh lại mở rộng hơn, con trai cô được lấy con gái cậu và con trai cậu được lấy con gái cô (Vương Xuân Tình, 2017). Sự khác biệt này biểu hiện bởi nguyên tắc tính trong dòng họ. Đối với nhóm Bù Đeh, do con mang họ mẹ, nên con trai và con gái của con cô và con cậu không cùng họ; do đó có thể kết hôn với nhau. Nhưng với nhóm Bù Lơ, do không có họ cụ thể, nên dựa vào nguyên tắc hôn nhân của người Mnông để áp dụng cho nhóm người của mình(6).

     Bên cạnh nguyên tắc hôn nhân, những người được xác định cùng họ thường có tư tưởng sẽ giúp đỡ lẫn nhau. Khi gia đình nào đó gặp khó khăn, hay hữu sự như ma chay, cưới hỏi… những người trong họ sẽ cùng nhau giúp đỡ, như trai tráng họ cùng nhau vào rừng chọn cây tốt đốn xuống, khoét rỗng ruột, giúp gia đình làm quan tài cho người chết, giúp thực hiện các nghi thức trong đám tang…; hoặc người trong họ phụ giúp gia đình tổ chức tiệc cưới cho đôi trai gái… Đa phần được xem là bổn phận của những người cùng họ với nhau, mặc dù họ sống cách xa nhau, nhưng khi cần họ cũng sẽ đến giúp đỡ(7).

     Việc giúp đỡ này hiện nay vẫn diễn ra trong cộng đồng Xtiêng, những không phải dưới hình thức “giúp công” như trước, do xã hội có nhiều thay đổi. Người dân không thể vào rừng đốn cây để làm quan tài cho người chết, vì chính sách cấm rừng của nhà nước; hoặc cũng không thể bỏ thời gian bốn đến năm ngày để phụ đám cưới, vì đã có dịch vụ tiệc cưới; nên họ giúp bằng cách đến chia buồn và góp tiền trong đám tang, đi tiền mừng trong đám cưới. Thời gian tham dự trong các buổi lễ này cũng không kéo dài, mà chỉ diễn ra trong khoảng một ngày; số người tham dự đại diện của mỗi gia đình trong họ cũng chỉ còn một đến hai người, thay vì trước đây là cả gia đình(7). Đây là những thay đổi quan trọng mà chúng tôi ghi nhận được ở người Xtiêng hiện nay.

     Do sự thay đổi này, mà người Xtiêng Bù Đeh cho rằng, quan hệ giữa các thành viên dòng họ hiện nay không còn thân thiết như trước đây nữa, vì ít có sự qua lại, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, họ vẫn luôn nhận nhau là bà con, và nguyên tắc hôn nhân vẫn luôn được xác định, là không được lấy nhau trong phạm vi ba đời tính theo dòng họ mẹ (theo họ truyền thống)(7).

     3.3. Biến đổi trong quản lý xã hội

     Xã hội truyền thống của người Xtiêng ở Bình Phước được gói gọn trong ngôi làng, gọi là bon, hay wang (UBND tỉnh Bình Phước, 2015). Làng truyền thồng của người Xtiêng thường được dựng ở những nơi hiểm trở, đi lại khó khăn, gồm vài ngôi nhà sàn dài hợp thành. Quyền sở hữu của ngôi làng bao gồm nơi đất bằng phẳng để dựng làng, vùng đất rừng để săn bắn, hái lượm, vùng đất đồi để phát rẫy và đất bưng để làm ruộng, khu rừng thiêng. Phạm vi xác định quyền sở hữu dựa trên những đặc điểm địa lý tự nhiên như vùng đất nằm giữa hai con suối, thác nước, đám ruộng, vùng đất xung rừng thiêng (Vương Xuân Tình, 2017).

     Tổ chức xã hội trong ngôi làng truyền thống là tập hợp nhiều thành phần, gồm: Tom yau (chủ nhà dài), Bù kuông (người có vai vế, có uy tín, giàu có), Tom bon (chủ làng), Kon (người dân), Kon dek (tôi tớ), Prăk/hùm (thầy cúng). Trong tổ chức xã hội này, Tom bon là người đứng đầu, là chủ làng. Chủ làng giữ vai trò ghi nhớ và quản lý đất đai thuộc địa phận của làng mình, cùng bàn bạc với các Bù kuông hoặc Tom yau về việc phân phối đất cho từng gia đình, từng dòng họ, chọn hướng đất phát rẫy theo định kỳ canh tác (Vương Xuân Tình, 2017), và cùng tổ chức xét xử các tội phạm của làng, như loạn luân(8), lừa đảo, trộm cắp, xâm phạm sự cấm kỵ (9), ngoại tình… cũng như tập hợp dân làng bảo vệ và chống lại sự xâm lấn của các thế lực bên ngoài (Vương Xuân Tình, 2017). Ông được người dân bầu chọn từ trong số các Bù kuông có trong làng. Bù kuông là người có vai vế trong làng, thực hiện các nghi lễ theo phong tục tập quán của làng, am hiểu sản xuất và có nhiệm vụ duy trì mọi quan hệ tinh thần mà các vị chủ nhà thực hiện ở các những ngôi nhà sàn. Bù kuông biết cách làm ăn để trở nên giàu có và ngày càng có uy thế trong xã hội của người Xtiêng (UBND tỉnh Bình Phước, 2015). Và, Bù kuông nào có uy tín cao nhất sẽ được bầu làm Chủ làng.

     Bên cạnh đó, trong làng còn có vai trò của thầy cúng (prăk), người có khả năng giao tiếp với thần linh. Ở nhóm Xtiêng Bu Đeh, prăk là phụ nữ, khi hành lễ, bà mặc đồ giống các bà bống của người Chăm. Còn ở nhóm Xtiêng Bù Lơ, prăk là đàn ông. Thầy cúng là những người rất được kính trọng trong cộng đồng, nhưng cũng là người mà cộng đồng sợ, vì những quyền phép của họ (Vương Xuân Tình, 2017).

     Tầng lớp thấp nhất trong làng là Kon dek (tôi tớ). Họ là những người thiếu nợ, không đủ khả năng trả nợ nên phải đi làm tôi tớ để làm việc trả nợ cho chủ; hoặc bị bắt trong các cuộc xung đột giữa làng này với làng khác (UBND tỉnh Bình Phước, 2015).

     Tuy nhiên, xã hội của người Xtiêng hiện nay đã khác xưa, nên quản lý xã hội của tộc người này cũng không còn giống như trước. Sự thay đổi này bắt đầu diễn ra từ giữa thế kỷ XX, khi thực dân Pháp thiết lập bộ máy hành chính ở hầu hết các khu vực cư trú của các tộc người thiểu số vùng Trường Sơn – Tây Nguyên và Nam Bộ, đặc biệt là thiết lập Tòa án làng theo Sắc lệnh số 1396 ngày 7/5/1943 và Nghị định ngày 15/7/1943 của Chính quyền thuộc địa. Từ đó, thực dân Pháp đã thay đổi tổ chức xã hội của các tộc người thiểu số. Chế độ Chủ làng, Trưởng bản được thay bằng Xã trưởng, Tổng trưởng…(UBND tỉnh Bình Phước, 2015). Vẫn những con người trong làng quản lý với nhau, nhưng tính dân chủ không còn, mà phải chịu sự can thiệp của chính quyền thuộc địa. Khi chính quyền Ngô Đình Diệm ra đời, các ấp chiến lược được dựng lên; những ngôi làng truyền thống của người Xtiêng không còn nữa. Người dân bị dồn vào ấp chiến lược. Vai trò của Chủ làng, Bù Kuông,… cũng không còn mà thay vào đó là Ấp trưởng, Ấp phó và lực lượng an ninh thường xuyên canh gác nghiêm ngặt.

     Sau giải phóng, tộc người Xtiêng trở về với cuộc sống làng bản của mình, nhưng do sự tác động của chính sách phát triển về kinh tế, văn hóa – xã hội của Nhà nước ban hành và thực thi, cùng với đó là sự sống đan xen của nhiều tộc người như Kinh, Khmer, Tày, Nùng… di cư vào cùng cư trú, và sự chuyển đổi từ tín ngưỡng truyền thống sang Công giáo và Tin Lành trong cộng đồng… đã tác động không nhỏ đến việc thay đổi tổ chức và quản lý xã hội của tộc người này.

     Làng của người Xtiêng ở Bình Phước hiện nay không còn khép kín và ở những nơi hẻo lánh như trước đây, mà đã định cư gần các đường giao thông lớn, thuận tiện cho việc đi lại. Trong làng của người Xtiêng hiện nay đã có điện, đường bê tông, có tiệm tạp hóa, gần trường học, trạm y tế, nhà thờ, thánh đường…

     Quản lý xã hội trong làng vẫn là chủ làng, mà người dân thường gọi là già làng. Già làng được người dân tín nhiệm bầu lên, với tiêu chí là “có gia đình gương mẫu, con cháu trong nhà phải đàng hoàng, không chơi bời, lo làm ăn chung sống cho những người khác để mình làm gương theo đó” (Ngô Văn Lệ và cs., 2016); và có những yêu cầu cụ thể như: từ 60 tuổi trở lên; một vợ, một chồng, gia đình văn hóa; hiền lành, tốt bụng, luôn giúp đỡ người khác; tạo được uy tín, niềm tin trong cộng đồng; phải là người có nguồn gốc tổ tiên trong làng…(Ngô Văn Lệ và cs., 2016). Tuy nhiên, vai trò của già làng không còn như trước. Ông giữ vai trò cố vấn trong cộng đồng, là người đại diện cho cộng đồng tiếp xúc, trao đổi với chính quyền địa phương; hoặc giữ vai trò tư vấn cho chính quyền địa phương để việc giải quyết những sự vụ trong cộng đồng làng.

     Bên cạnh Già làng, vai trò của Cha xứ, Mục sư – những người có vai trò trong tổ chức tôn giáo của cộng đồng – cũng có tiếng nói nhất định với cộng đồng. Mặc dù họ chỉ lãnh nhiệm vụ hướng dẫn về mặt tinh thần tôn giáo, nhưng những lời khuyên của họ rất có giá trị với cộng đồng tín đồ, đặc biệt là những giáo điều trong tôn giáo. Chính vì thế mà các nghi lễ truyền thống của người Xtiêng đã giảm đi; tín ngưỡng đa thần cũng không còn chi phối đến cộng đồng Xtiêng – những người đang theo hai tôn giáo này. Cũng chính vì thế mà nhân vật prăk (thầy cúng) – trước đây là người rất có quyền uy trong cộng đồng Xtiêng – giờ đây đã không còn nữa, mà được thay vào đó là vai trò của những vị có chức phận tôn giáo. Nhưng theo cộng đồng, những vị hoạt động tôn giáo không làm cho cộng đồng sợ như các thầy cúng, mà làm cho cộng đồng nể, vì sự đức độ và sự hy sinh phục vụ của họ cho cộng đồng(10).

     Ngoài những nhân vật kể trên, quản lý xã hội trực tiếp trong cộng đồng Xtiêng hiện nay còn có những người thuộc các cấp của chính quyền như trưởng thôn, công an thôn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ… Tùy theo từng người, từng bộ phận mà có nhiệm vụ quản lý khác nhau, nhưng nhìn chung điều hướng đến mục tiêu là đảm bảo an ninh – trật tự và an toàn xã hội trong cộng đồng, để cộng đồng phát triển trên mọi phương diện, từ kinh tế đến văn hóa – xã hội.

     Đó chính là những thay đổi trong quản lý xã hội của tộc người Xtiêng ở Bình Phước hiện nay. Những thay đổi này hoàn toàn mang tính tất yếu của sự phát triển chung trong xã hội ở Bình Phước. Nói đúng hơn, sự thay đổi này mang tính hội nhập của tộc người Xtiêng tại Bình Phước hiện nay.

4. Kết luận

    Xã hội của tộc người Xtiêng hiện nay ở Bình Phước đã biến đổi rất nhiều so với truyền thống. Đây là sự biến đổi tất yếu trong bối cảnh phát triển của tỉnh Bình Phước. Sự phát triển này diễn ra trong không gian mở như sự tác động của kinh tế thị trường, sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, sự cư trú xen kẻ của nhiều tộc người, sự tác động của các tôn giáo “mới”, sự phát triển của cơ sở hạ tầng, và kể cả yếu tố chính trị…

     Sự phát triển này đã tác động không nhỏ, làm biến đổi dần cơ cấu xã hội truyền thống của tộc người Xtiêng trên các phương diện từ gia đình đến dòng họ và quản lý xã hội. Mỗi
phương diện đều có những thay đổi nhất định để phù hợp với hoàn cảnh thực tại, và sự thay đổi đó được xem là tất yếu, giúp cho cộng đồng Xtiêng hòa nhập vào dòng chảy chung của sự phát triển kinh tế – xã hội ở tỉnh Bình Phước trong những thập niên qua.

     Chú thích:

     (1) Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổng dân số của người X tiêng ở Việt Nam là 100.752 người.

     (2) Tư liệu phỏng vấn hồi cố tại huyện Bù Đăng năm 2018.

     (3) Tư liệu phỏng vấn hồi cố tại huyện Lộc Ninh năm 2019.

     (4) Tư liệu phỏng vấn hồi cố tại huyện Lộc Ninh năm 2017.

     (5) Tư liệu phỏng vấn hồi cố tại huyện Bù Đăng năm 2018.

     (6) Tư liệu điền dã tại huyện Bù Đăng năm 2018.

     (7) Tư liệu phỏng vấn hồi cố tại huyện Lộc Ninh năm 2019.

     (8) Loạn luân: trong quan hệ hôn nhân, người Xtiêng không cho phép những người cùng dòng họ (trong phạm vi 3 đời) kết hôn với nhau, hoặc quan hệ tính giao với nhau. Nếu xảy ra việc như trên, bị xe là loạn luân; và đây là nguồn gốc sinh ra các tai ươn trong cộng đồng như dịch bệnh, thiên tai. Những người loạn luân sẽ bị xử phạt nặng, như phải nộp heo, gà để cúng thần linh, phải ăn cơm trộn thức ăn trong máng dành cho heo ăn trước sự chứng kiến của dân làng và bị dân làng nhỏ nước bọt vào người (tư liệu điền đã ở Lộc Ninh năm 2019).

     (9) Người Xtiêng có nhiều cấm kỵ như trong làng có người sinh, có người đau ốm sẽ cấm người lạ vào nhà, vào làng. Dấu hiệu cấm là cành gai, cành lá xương rồng treo ở cổng làng, cầu thang nhà. Nếu người lạ bất chấm dấu hiệu mà bước vào sẽ bị phạt bằng các lễ cúng gà, heo, hoặc trâu cho chủ làng hay chủ nhà. (10)Tư liệu điền dã tại huyện Bù Đăng vào năm 2016.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1] Cục thống kế (2020). Kết quả toàn bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. NXB Thống kê.

     [2] Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM (2016). Nhân học đại cương. NXB Đại học Quốc gia TP.HCM.

     [3] Ngô Văn Lệ, Huỳnh Ngọc Thu, Ngô Thị Phương Lan (2016). Tri thức bản địa của các tộc người thiểu số ở Đông Nam Bộ trong tiến trình phát triển xã hội tộc người. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.

     [4] Tỉnh ủy – Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước (2015). Địa chí Bình Phước – tập 1: Tự nhiên – dân cư – lịch sử – sự kiện, nhân vật – các huyện, thị. NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

     [5] Tỉnh ủy – Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước (2015). Địa chí Bình Phước – tập 2: kinh tế, văn hóa – xã hội. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.

     [6] Vương Xuân Tình (cb) (2017). Các dân tộc ở Việt Nam – tập 3: nhóm ngôn ngữ MônKhmer. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.

Nguồn: Tạp chí khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 6(55), năm 2021

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Xã hội của người Xtiêng ở Bình Phước hiện nay (Tác giả: Lê Thị Mỹ Hà)