Ý NGHĨA BIỂU TRƯNG của các TỪ NGỮ thuộc TRƯỜNG TỪ VỰNG _ NGỮ NGHĨA LÚA và CÁC SẢN PHẨM của LÚA trong KHO TÀNG CA DAO NGƯỜI VIỆT (Phần 1)

HÀ QUANG NĂNG 1
NGUYỄN THỊ DINH
(1. PGS TS, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)

1.

     Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn được xem là một trong những cái nôi đầu tiên và là quê hương của cây lúa ở Đông Nam Á. Người Việt thuộc nhóm cư dân trồng lúa nước điển hình ở Đông Nam Á và cũng là chủ nhân quan trọng của nền văn minh lúa nước ở khu vực này. Chính điều này đã để lại dấu ấn một nền văn minh lúa nước đậm nét trong ngôn ngữ Việt, mà rõ nét nhất là hai từ lúa nước, hai từ này có sự gắn kết với hàng loạt các từ khác với nhiều tầng nghĩa khác nhau, đã làm nên cái phong phú và đặc sắc của chúng mà trong các ngôn ngữ khác không thể tìm thấy được.

2.

     Tiến hành khảo sát trên tư liệu “Kho tàng ca dao người Việt” (KTCDNV) trong số 11.825 lời ca thì có 973 lời ca thuộc về trường nghĩa chỉ lúa và các sản phẩm làm từ lúa, chiếm 8,23%.

     Chúng tôi thống kê được 1035 từ chỉ cây lúa và sản phẩm làm từ lúa xuất hiện trong 973 câu ca dao trên tổng số 11.825 câu ca dao được khảo sát.

     Tên gọi cây lúa xuất hiện ở 161 câu ca trong tổng số 973 câu ca dao chỉ cây lúa và sản phẩm làm từ lúa (chiếm 16,5%). Có 170 từ ngữ chỉ cây lúa trong tổng số 1.035 từ ngữ chỉ cây lúa và sản phẩm làm từ lúa (chiếm 16%), trong đó từ lúa xuất hiện 125 lần (chiếm 12%), từ chỉ mạ xuất hiện 45 lần (chiếm 4,3%).

     Có 22 từ ngữ chỉ các bộ phận của cây lúa xuất hiện ở 21 lời ca trong tổng số 973 lời ca chỉ cây lúa và sản phẩm làm từ lúa (chiếm 2,2%), trong đó từ bông xuất hiện 12 lần (chiếm 1,2%), từ đòng xuất hiện 7 lần (chiếm 0,7%), gié xuất hiện 3 lần (chiếm 0,3%).

     Có 40 từ ngữ gọi tên các giống lúa xuất hiện ở 38 lời ca trong tổng số 973 lời ca chỉ cây lúa và sản phẩm làm từ lúa (chiếm 3,9%, trong đó từ nếp xuất hiện 33 lần (chiếm 3,2%), tẻ xuất hiện 7 lần (chiếm 0,7%).

     Có 258 từ ngữ là tên gọi các sản phẩm từ cây lúa xuất hiện ở 247 lời ca trong tổng số 973 lời ca chỉ cây lúa và sản phẩm làm từ lúa (chiếm 25,4%), trong đó từ dùng để chỉ sản phẩm từ lúa nhiều nhất là gạo xuất hiện 160 lần (chiếm 15,4%).

     Các từ dùng để chỉ sản phẩm từ cây lúa còn là thóc xuất hiện 41 lần (chiếm 4%), rơm xuất hiện 24 lần (chiếm 2,3%), cám xuất hiện 13 lần (chiếm 1,3%), trấu xuất hiện 9 lần (chiếm 0,9%), tấm xuất hiện 4 lần (chiếm 0,4%), rạ xuất hiện 7 lần (chiếm 0,7%).

     Có 545 từ ngữ chỉ các sản phẩm, các món ăn từ cây lúa trong tổng số 1.035 từ ngữ chỉ cây lúa và sản phẩm làm từ lúa xuất hiện ở 506 lời ca trong tổng số 973 lời ca chỉ cây lúa và sản phẩm làm từ lúa (chiếm 52%). Trong đó, từ dùng để chỉ món ăn cơ bản từ lúa nhiều nhất là cơm xuất hiện 362 lần (chiếm 35%), xôi xuất hiện 74 lần (chiếm 7,1%), bánh xuất hiện 53 lần (chiếm 5,1%), cháo xuất hiện 45 lần (chiếm 4,3%), cốm xuất hiện 10 lần (chiếm 1%).

     Như vậy, số lượng các từ ngữ chỉ lúa và sản phẩm làm từ lúa xuất hiện trong ca dao là khá phong phú, đa dạng. Từ những tên gọi cây lúa cho đến bộ phận của cây lúa, giống lúa, sản phẩm được làm từ lúa và món ăn cơ bản từ lúa của cư dân nông nghiệp lúa nước như lúa, mạ, thóc, gạo, cơm, cháo, xôi, bánh,… xuất hiện nhiều lần trong ca dao.

3.

     Đối với người Việt, cây lúa là một loại thực vật hết sức gần gũi và đóng một vai trò cực kì quan trọng trong dinh dưỡng. Qua hàng ngàn năm lịch sử, cây lúa đã là cây lương thực chủ yếu nuôi sống các thế hệ người Việt cho đến nay. Cây lúa gần gũi với người nông dân cũng như bờ tre, khóm chuối. Lúa gắn liền với sự sung túc, sự sinh sản dồi dào. Cây lúa với những biến thể của nó như: mạ, đòng đòng, rạ, rơm, thóc, gạo,… được nói đến nhiều trong ca dao. Cây lúa có nhiều giai đoạn phát triển khác nhau như khi còn non thì gọi là cây mạ, rồi nhảy bụi, trỗ đòng đòng, ra bông kết hạt. Ví dụ:

Anh đi lúa chửa chia vè

Anh về lúa đã đỏ hoe đầy đồng.

                                   (KTCDNV, tr. 1.538)

     Cụm từ ngữ lúa chửa chia vè lúa đã đỏ hoe ở câu ca dao trên đều biểu trưng cho sự biến đổi của thời gian.

     Cây lúa còn biểu trưng cho vẻ đẹp của người thiếu nữ: Cây lúa đẹp nhất ở thì con gái, tơ non mượt mà. Cô gái nọ trong ca dao đã ví thân mình như “lúa nếp tơ”, a nếp cau” thật đẹp và quý giá:

Thân em như lúa nếp tơ

Xanh cây tốt rễ, phởn phơ phơi màu.

     Cây lúa cũng gắn bó thân thiết với đời sống tinh thần của người Việt. Có lúc cây lúa biểu trưng cho tình yêu đôi lứa. Đó là một tình yêu đẹp, một hạnh phúc đang trong tầm tay. Tình cảm cao đẹp ấy đã được thể hiện qua cách nói so sánh đầy ý nhị: tình yêu có lúc e ấp, tươi non như mạ mới gieo, như lúa còn non đòng đòng, như lúa phơi mầu,... Ví dụ:

Đôi ta như mạ mới gieo

Như lúa mới cấy còn non đòng đòng.

(KTCDNV, tr. 865)

Đôi ta như cái đòng đòng

Đẹp duyên nhưng chẳng đẹp lòng mẹ cha.

(KTCDNV, tr. 865)

     Không chỉ đẹp ở cái tươi non mà vẻ đẹp của “đôi ta” còn được cảm nhận trong màu vàng óng ả, no ấm của “lúa phơi màu”:

Đôi ta như lúa phơi màu

Đẹp duyên thì lấy tham giàu làm chi.

(KTCDNV, tr. 865)

     Cánh đồng lúa không chỉ là nơi chứng kiến bao vất vả nhọc nhằn của người nông dân “một nắng hai sương” mà còn là nơi chứng kiến bao mối tình đẹp:

Qua đồng ghé nón thăm đồng

Đồng bao nhiêu lúa, thương chồng bấy nhiêu.

(KTCDNV, tr. 1.740)

     Cụm từ đồng bao nhiêu lúa trong câu ca dao có nghĩa biểu trưng cho tình cảm của người vợ đối với người chồng. Đó là thứ tình cảm vô cùng chân thành, dạt dào, đằm thắm và tha thiết.

     Cây lúa đã đồng hành với lịch sử của đất nước từ hàng ngàn năm trước. Cây lúa đã đi vào sự tích bánh dày, bánh chưng từ thời Hùng Vương. Cây lúa đã nuôi sống dân tộc. Chính những đồng lúa bát ngát xanh mới là hồn của dân tộc Việt.

     Có thể nói thêm rằng, hoa lúa không khoe sắc như nhiều loài hoa khác. Nó là một loại hoa có thể tự thụ phấn được nên không cần phải có những cánh hoa có màu sắc sặc sỡ để thu hút côn trùng. Hoa lúa không đứng tách biệt mà ở dạng bông hoa lúa và đồng nhất với bông lúa.

Em đứng bên tê đồng

Em ngó bên ni đồng

Em thấy lúa vàng bát ngát mênh mông

Thân em như cây lúa trĩu bông

Ngả nghiêng dưới ngọn nắng hồng buổi mai.

(KTCDNV, tr. 910)

     Sự độc canh cây lúa tạo ra tâm lí lấy hạt thóc làm hệ quy chiếu, hệ chuẩn mực trong nhìn nhận, đánh giá mọi quan hệ khác. Vì vậy, hạt thóc được coi là thước đo nhiều giá trị khác nhau trong xã hội. Ta bắt gặp một số lượng các câu ca dao phản ánh giá trị này.

     Trước hết, hạt thóc được xem là thước đo mối quan hệ thân sơ giữa người với người trong cộng đồng: Ông tiền ông thóc, ông cóc gì ai; Bà tiên bà thóc, bà cóc gì ai; Ngồi đống thóc, móc đống tiền. Ví dụ:

… Bao giờ bạc đổ ra nong

Tiền quây, thóc cót, lấy xong quân này…

(KTCDNV, tr. 1.345)

     Tiền quây, thóc cót ở câu ca dao trên có nghĩa biểu trưng cho cuộc sống no đủ, sung túc. Trong xã hội Việt Nam xưa, tiền quây, thóc cót được xem là một chuẩn mực xã hội, có vai trò quyết định cho mọi việc, mọi mối quan hệ của con người.

     Thứ hai, hạt thóc được xem là thước đo sự giàu nghèo: Làm ruộng không trâu, làm giàu không thóc; Khen nhà giàu lắm thóc; Chứa tiền chứa thóc thì giầu; Con học, thóc vay: Con không học, thóc chẳng vay. Ví dụ:

… Chẳng thà lấy chú lực điền

Gạo bồ thóc đống còn phiền nỗi chi!

(KTCDNV, tr. 1.400)

     Gạo bồ thóc đống ở đây biểu thị sự no đủ, giàu có dưới con mắt người nông dân.

     Thứ ba, hạt thóc là thước đo giá trị và sức nặng của lời nói: Lời nói quan tiền thúng thóc. Thứ tư, hạt thóc là thước đo sự vất vả trong lao động:

Muốn no thì phải chăm làm

Một hạt thóc vàng, chín giọt mồ hôi.

(KTCDNV, tr. 1.441)

     Thóc vàng là cách nói biểu trưng cho giá trị của lao động. Trong sản xuất nông nghiệp lúa nước, mỗi hạt thóc, hạt gạo được làm ra đều chứa đựng nỗi vất vả, một nắng hai sương của người nông dân.

     Cuối cùng, hạt thóc là thước đo sự khôn dại: Khôn như tiền không tiên cũng dại, dại như chó có ló cũng khôn.

     Gạo là một loại lương thực hết sức gần gũi và đóng vai trò cực kì quan trọng trong dinh dưỡng. Ngay từ khi trong lòng mẹ, ta đã làm quen với cơm gạo, lớn lên theo hạt lúa cùng hạt gạo.

     Với bản sắc văn hoá nông nghiệp, gạo là biểu tượng của cuộc sống. Ca dao có câu: Người sống về gạo, cá bạo về nước.

     Sự độc canh cây lúa còn tạo ra tâm lí lấy hạt gạo làm hệ quy chiếu, hệ chuẩn mực trong nhìn nhận, đánh giá mọi quan hệ khác. Vì vậy, hạt gạo được coi là thước đo nhiều giá trị khác nhau trong xã hội. Ta bắt gặp một số lượng các câu ca dao phản ánh giá trị này.

     Trước hết, hạt gạo được xem là thước đo mối quan hệ thân sơ giữa người với người trong cộng đồng: Không tiền không gạo mạnh bạo gì thầy; Không tiền không gạo mạnh bạo xó bếp.

     Thứ hai, hạt gạo được xem là thước đo sự giàu nghèo: Nhà giàu mua vải tháng ba, bán gạo tháng tám mới ra nhà giàu.

     Thứ ba, hạt gạo là thước đo, là cơ sở của sự tự tin, mạnh mẽ: Mạnh vì gạo bạo vì tiền.

     Không chỉ vậy, từ gạo còn được dùng để nói về số phận bấp bênh may rủi, nhiều khi éo le của người đàn bà trong xã hội cũ.

Tiếc thay hạt gạo tám xoan

Nấu nồi đồng điếu lại chan nước cà.

(KTCDNV, tr. 1.441)

     Có khi người ta mượn ngay một hình ảnh trong công việc làm ăn của người mình yêu để giãi bày một tình yêu đắm say lay lắt như là hạt gạo bị quay hết vòng này đến vòng khác quanh bàn tay người đẹp:

Vì sàng gạo lọt xuống nia,

Vì em, anh phải đi khuya về thầm.

(KTCDNV, tr. 1.065)

     Hạt lúa sau khi xát bỏ lớp vỏ ngoài thu được sản phẩm chính là gạo và các phụ phẩm là tấm, cám và trấu. Những phụ phẩm này thông thường được dành làm thức ăn cho lợn (tấm, cám), dùng để ủ phân (trấu).

     Tuy nhiên, trong ca dao, tấm, cám và trấu lại mang nét nghĩa biểu trưng cho con người, cụ thể là để chỉ thân phận thấp kém, hèn mọn.

Giàu mà ăn ở bất nhơn sau rồi con cháu cũng bốc tro mò trấu

Nghèo ở hiền hậu, sau vợ chồng cũng đủ nấu ngày ba

Bậu đừng than thở chi mà, bậu hãy nghe anh.

(KTCDNV, tr. 1.554)

     Bốc tro mò trấu biểu trưng cho sự cực khổ, đói rách. Đó là cái giá đắt phải trả cho những kẻ sống đời sống giàu sang mà ăn ở bất nhân, không có tình người.

     Hoặc ở câu ca dao sau:

Ngán thay cái kiếp lợn sề

Ăn bèo với cám nằm lê trong chuồng.

(KTCDNV, tr. 1.537)

     Ăn bèo với cám biểu trưng cho thân phận thấp kém của một số con người trong xã hội với tâm trạng chán ngán, không có ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

    Tấm, cám và trấu còn biểu trưng cho giá trị của hàng hoá. Nếu như cơm gạo chỉ những thứ có giá trị cao thì tấm, cám, trấu lại chỉ những thứ ít giá trị, không ra gì:

Trộm vàng trộm bạc cho cam

Trộm một nắm cám cũng mang tiếng đồn.

(KTCDNV, tr. 2.235)

     Cám được đặt trong sự đối lập với vàng, bạc càng làm rõ nét hơn sự thấp hèn, ít giá trị của cám.

     Rạ là phần thân dưới của cây lúa. Sau khi thu hoạch, người ta cắt về và phơi khô để dùng trong những công việc khác nhau.

Trong ca dao, từ rạ còn được dùng với nghĩa bóng để chỉ các quan hệ xã hội. Ví dụ:

Gặt rồi đống rạ chơ vơ

Xẹo xiên trơ gốc lơ thơ như chợ chiều

(KTCDNV, tr. 1.014)

     Đống rạ chơ vơ biểu trưng cho sự lẻ loi, chênh vênh, cô đơn của thân phận.

     Rơm là phần thân trên của cây lúa. Sau khi thu hoạch, người ta cắt về và phơi khô để dùng trong những công việc khác nhau, như làm gối, nằm cho ấm, đun nấu thay củi: gối rơm theo phận gối rơm; no cơm tấm ấm ổ rơm; lúa giỗ ngã mạ vàng rạ mạ xuống.

     Trong ca dao, từ rơm còn được dùng với nghĩa bóng để chỉ các quan hệ xã hội: Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén; ôm rơm dặm bụng;… Ví dụ:

Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén

Thiếp gần chàng đôi đàng oanh én

Anh thương sao cho trọn, cho vẹn anh thương…

(KTCDNV, tr. 220)

     Từ rơm còn được dùng để chỉ tính cách hèn nhát, không có thực lực của một người nào đó nhằm doạ dẫm người khác:

Anh hùng gì mà anh hùng rơm

Ta cho mồi lửa hết cơn anh hùng.

(KTCDNV, tr. 123)

     Cũng có khi từ rơm còn được dùng để chỉ thân phận nghèo hèn trong xã hội xưa:

Đã liều muối mặn dưa xanh

Gối rơm nằm đất theo anh phận này.

(KTCDNV, tr. 717)

     Còn tiếp:

Mời xem: Ý NGHĨA BIỂU TRƯNG của các TỪ NGỮ thuộc TRƯỜNG TỪ VỰNG _ NGỮ NGHĨA LÚA và CÁC SẢN PHẨM của LÚA trong KHO TÀNG CA DAO NGƯỜI VIỆT (Phần 2)