Tìm hiểu các bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh

RESEACH IN “TRUYỆN KIỀU”ENGLISH VERSIONS

Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ TRẦN LÊ HOA TRANH*
(Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh)

     Truyện Kiều là tác phẩm vĩ đại nhất của văn học cổ điển Việt Nam, vậy thì việc giới thiệu Truyện Kiều sang các ngôn ngữ khác, đặc biệt là tiếng Anh như thế nào? Đã có một số bài viết bàn về vấn đề này, ví dụ như bài viết của GS. Nguyễn Văn Hoàn “Những bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh”, và đặc biệt là bài viết của dịch giả Thúy Toàn ““Dịch Văn học Việt Nam: Những người dịch Truyện Kiều (Nguyễn Du) và những người dịch Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh)”,… Bài viết này tập trung vào việc giới thiệu những bản dịch Kiều sang tiếng Anh mà chúng tôi sưu tập được nhằm bổ khuyết vào hai bài viết trên. Như vậy, chúng tôi chưa bàn đến việc so sánh các bản dịch tiếng Anh với nhau và với nguyên tác Truyện Kiều, chưa đi sâu tìm hiểu việc nghiên cứu, giảng dạy Truyện Kiều tại các nước nói tiếng Anh như thế nào. Thiết nghĩ những vấn đề trên cũng rất thú vị và sẽ được chúng tôi đặt ra trong những nghiên cứu sau này.

1. Những bản dịch truyện Kiều

     Không ai phủ nhận rằng Truyện Kiều là tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam được dịch sang nhiều thứ tiếng nhất. Theo GS. Nguyễn Văn Hoàn, “nếu chỉ kể những bản dịch toàn bộ và đã được xuất bản thì đến nay Truyện Kiều đã được dịch sang gần 20 tiếng nước ngoài, kể cả tiếng Trung Quốc. Bản đầu tiên dịch sang tiếng Pháp, do Giáo sư Abel des Michels (Trường Sinh ngữ Đông phương Pháp) in ở Paris năm 1884. Bản sau cùng mới xuất bản năm 2009 ở Ulan Bato, dịch sang tiếng Mông Cổ, do Giáo sư S.Dashtsevel (Viện Nghiên cứu quốc tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Mông Cổ) thực hiện. Về số lượng, mỗi ngoại ngữ thường có một hoặc hai bản dịch, riêng tiếng Nhật có 4 bản, tiếng Anh 7 bản, tiếng Pháp trên 10 bản”[1].

     Theo thống kê của chúng tôi, Truyện Kiều đã được dịch sang các thứ tiếng sau:

Sớm nhất là tiếng Pháp, có 13 bản dịch[2];

Sau đó là tiếng Nhật (5 bản dịch, bản đầu tiên do Komatsu Kiyoshi dịch năm 1942)[3];

Tiếng Đức (do dịch giả Franz Faber xuất bản 1964);

Tiếng Nga (do nhóm dịch giả Việt -Nga, phụ trách dự án là Nguyễn Huy Hoàng, vừa tổ chức công bố bản dịch nhân Hội thảo kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du tại Hà Tĩnh[4]);

Tiếng Trung Quốc (Theo Cao Việt Dũng, có 3 bản dịch, bản dịch đầu tiên năm 1959 do Hoàng Dật Cầu dịch, tuy nhiên bản này bị đánh giá là không chính xác và không hay, sau đó có thêm bản dịch của La Trường Sơn và Triệu Ngọc Lan)[5], tuy vậy, theo bài “Dịch Văn học Việt Nam: Những người dịch Truyện Kiều (Nguyễn Du) và những người dịch Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh)” của Hoàng Thúy Toàn thì có đến 6 bản dịch sang tiếng Trung Quốc, sớm nhất xuất bản năm 1915[6];

Tiếng Tiệp (Do Jan Komárak dịch);

Tiếng Hàn (do Kyong Hwan Ahn năm 2004)

Tiếng Hungari (do Trương Đăng Dung và Tandore Dodue xuất bản năm 1984);  

Tiếng Mông Cổ; tiếng Rumani; tiếng Ý;, tiếng Cuba, tiếng Tây Ban Nha;… thậm chí Truyện Kiều còn được dịch ra Quốc tế ngữ, và có đến 2 bản dịch, một của Đặng Đình Đàm, một của Lê Cao Phan[7].

     Tổng cộng, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng với khoảng trên 60 bản dịch khác nhau. Con số này hiện nay chưa phải là con số cuối cùng.

2. Những bản dịch truyện kiều sang tiếng Anh

    Đi tìm những bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh, chúng tôi tìm thấy những bản dịch sau:

     1/ Bản dịch của Lê Xuân Thủy, dịch đầu tiên năm 1963, đến năm 2010, được chính ông hiệu đính lại, in tại Mỹ, lấy tựa là “The Soul of Poetry inside Kim Van Kieu”. Rất ít tư liệu về giáo sư Lê Xuân Thủy, chỉ biết ông làm việc tại Bộ giáo dục miền Nam Việt Nam trước 1975.

     2/ Bản dịch của Huỳnh Sanh Thông, nhà xuất bản Random House in lần đầu tiên năm 1973, với tên “The Tale of Kieu”. 10 năm sau, ông hiệu đính, in lại, từ đó về sau, các bản tái bản đều có tên “The Tale of Kiều”, chỉ 1 thay đổi nhỏ tên Kiều, nhưng như chính dịch giả nói, là 1 bước tiến trong việc nghiên cứu của người Mỹ về Việt Nam học. Huỳnh Sanh Thông (1926- 2008) là giáo sư giảng dạy tại Đại học Yale, Hoa Kỳ. Bản dịch truyện Kiều năm 1973 của ông được trao giải MacArthur Fellowship danh tiếng vào năm 1987. Ông từng được giải thưởng the AAS Benda Prize. Ngoài ra, ông  còn xuất bản các ấn bản dịch hai tác phẩm lớn khác của văn học cổ điển Việt Nam là Lục Súc Tranh Công và Chinh Phụ Ngâm. Tiếp theo giải MacArthur, ông tham gia sáng lập Council’s Vietnam Forum, là tạp chí nghiên cứu dành cho các nhà nghiên cứu Việt Nam, do Yale Council xuất bản trong các tài liệu nghiên cứu mang tên Southeast Asian. Bên cạnh đó, ông cũng từng là giám đốc dự án Yale Southeast Asian Refugee Project.

     3/ Bản dịch của Michael Counsell, lần đầu tiên xuất bản năm 1994, tái bản 2011 bởi NXB Thế Giới (Hà Nội, Việt Nam). Bản dịch của Michael Counsell có tên: “Kieu, The Tale of a Beautiful and Talented Girl”(Kiều, Câu chuyện về một người con gái xinh đẹp và tài năng). Michael Counsell đã từng sống tại Sài Gòn khoảng 4 năm từ 1968 đến 1972, rất hứng thú với văn học Việt Nam, đặc biệt là truyện Kiều. Ông bắt đầu học tiếng Việt, và sau đó dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh dựa vào các bản tiếng Pháp của Rene Crayssac (1026), bản tiếng Anh của Lê Xuân Thủy (1968) và bản tiếng Anh của Huỳnh Sanh Thông (1973). Mất 25 năm cho bản dịch này, năm 1994, ông quay lại Việt Nam và bản dịch được NXB Thế giới nhận in. Ông cũng là tác giả của nhiều đầu sách khác về tôn giáo như All Through the Night, A Basic Bible Dictionary, A Basic Christian Dictionary,

     4/ Bản dịch của Vladislav V. Zhukov, xuất bản lần đầu tiên năm 2004 với tên gọi “The Kim Van Kieu of Nguyen Du”. Zhukov là một nhà dân tộc học người Úc sinh năm 1941, đã từng ở Việt Nam hai năm rưỡi. Cũng được gợi cảm hứng từ hai bản dịch của Lê Xuân Thủy và Huỳnh Sanh Thông, Zhukov đã dịch Truyện Kiều và xuất bản năm 2004. Bản dịch của ông được đánh giá rất cao. Ngoài ra, Zhukov còn là 1 nhà nghiên cứu và viết nhiều sách về người Java như các cuốn: Gentry: Social Change in Java: The Tale of a Family, Javenese Gentry,…

     Trong tay chúng tôi có 4 bản dịch trên, là 4 bản dịch được đánh giá cao nhất. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi tìm thấy thêm dấu vết một số bản dịch sau:

     5/ Bản dịch của nhóm Mary Cowan, Carolyn Swetland, Đặng Thế Bính, Paddy Farrington, Elizabeth Hodgkin và Hữu Ngọc, NXB Ngoại văn, Hà Nội, dày 1043 trang với tên “The Tale of Kiều (Truyện Kiều)”[8].

     6/ Bản dịch của Bạch Vân Bùi Trọng Hợp, dịch giả tự xuất bản tại San Diego, Hoa Kỳ với tên gọi “The Story of Kim-Van-Kieu”. Bùi Trọng Hợp là một nhà thơ, dịch giả tại Hoa Kỳ, hay dịch thơ tiếng Pháp, tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại, sang Mỹ từ năm 1975, từng là giáo sư ĐH Waco, Texas.

     7/ Bản dịch của Phan Huy Mạc Phi Hoàng, đăng trên web riêng của dịch giả: https://truyenkieuinenglish.wordpress.com/ với tên gọi “The Tale of Kiều”.

      8/ Một bản dịch chúng tôi nghĩ là tóm tắt vì chỉ có 148 trang, có tên “Kieu: An English Version Adapted from Nguyen Khac Vien’s French Translation” do Arno Abbey dịch và tự xuất bản năm 2008. Arno Abbey là 1 dịch giả không nổi tiếng mấy, chỉ xuất bản 2 cuốn, 1 là dịch Kiều từ bản tiếng Pháp của Nguyễn Khắc Viện, 1 là 1 cuốn sách về văn phạm tiếng Anh (“ABC to Abacus, an Introduction to Graphemics”)

      9/ Bản dịch của Ngô Đình Chương, có tên “My version of Kieu”, dịch giả tự xuất bản tại San Jose, Hoa Kỳ năm 1993, 165 trang, có đăng trên web: http://www.hdvietnam.net/hdvn-files/vanhoa/vanhoc/kieu-eng.html. Ngô Đình Chương là 1 nhà thơ, dịch giả, từng dịch một số tác phẩm thơ Việt Nam sang tiếng Anh.

     10/ Bản dịch của Timothy Allen có tên “Kieu, The New Lament for a Broken Heart” (Tiếng kêu mới của một trái tim tan vỡ). Timothy Allen là 1 dịch giả người Anh sinh năm 1960 tại Liverpool, từng sống qua Liberia, Mozambique, Peru và đã từng đến Việt Nam. Hiện ông đang dạy tiếng Anh tại trường Đại học Livepool, đã từng xuất bản 1 số cuốn sách bằng tiếng Tây Ban Nha và Việt Nam.  Những năm 1990, Đài BBC đã cho đọc 1 đoạn trong 1 bài trường ca của Tim, có tên “Bài hát thành phố” miêu tả 24 giờ trong nhịp sống thành phố Liverpool. Năm 2008, ông đạt giải thưởng Stephen Spender khi dịch Truyện Kiều dưới tên gọi: “Kiều: A New Lament for a Broken Heart” (dịch thoát nghĩa của tựa “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du), sau đó tiếp tục nhận được học bổng Hawthornden giúp ông trở thành một nhà thơ. Timothy Allen đánh giá Truyện Kiều rất cao: “Mọi người Việt Nam đều biết bài thơ. Bạn có thể tìm thấy nông dân ở các ruộng lúa cũng có thể đọc thuộc lòng toàn bộ Kiều bằng cả trái tim. Đó là một câu chuyện tình yêu và một bộ phim kinh dị, đầy ma, nhà thổ, đàn ông và phong cách Robin Hood ngoài vòng pháp luật. Kiều, người phụ nữ xinh đẹp đã đi qua một loạt các tai ương và biến chúng thành thứ âm nhạc đẹp đẽ, đã trở thành một biểu tượng cho chính Việt Nam. Nhiều quốc gia hùng mạnh đã cố xâm lược Việt Nam, nhưng bản thân người dân đã tự sống sót, dù bị đánh đập nhưng không bị trói buộc, và với những bài hát của Kiều trên môi và trong trái tim của họ.”[9] Bản dịch này cũng được đánh giá cao. Rất tiếc chúng tôi chưa tìm thấy bản dịch này. Độc giả có thể xem một đoạn dịch của Timothy Allen trên trang web này: http://www.mptmagazine.com/poem/the-story-of-kiu-on-trng-tn-thanh-366/

     Và như vậy, bản dịch Kiều của Allen có thể đến được các độc giả sống tại Anh.

     11/ Bản dịch của Thùy Dương, chưa công bố toàn bộ, với tên gọi “Kim Vân Kiều”[10]

     12/ Bản dịch của Thái Hùng Tâm, với tên gọi “The Story of Kieu, The New Cry of Painfulness” xuất bản năm 1996, song ngữ. Do Nhà xuất bản Viet Moon ấn hành[11]

     Như vậy, chúng tôi đã sưu tập được 12 bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh với các tên gọi khác nhau như trên.

     Việc so sánh 12 bản dịch xem bản dịch nào tốt, trung thành với nguyên tác cần đến một công trình lớn hơn. 

3. Một số bản dịch Kiều được đánh giá cao

     3.1. Bản dịch của Lê Xuân Thủy

      Trong lời tựa giới thiệu các bản dịch sau này, các dịch giả đều cho rằng sự gợi mở từ bản dịch của Lê Xuân Thủy là rất quan trọng. Như vậy, có thể thấy, mặc dù là bản dịch đầu tiên sang tiếng Anh, nhưng bản dịch này rất chăm chút, cẩn thận, chỉ là cách dịch gần như sang văn xuôi, mặc dù các câu thơ đều có xuống dòng, nhưng không phải 1 dòng thơ trong Truyện Kiều được dịch sang 1 câu thơ tiếng Anh. Giữa các câu thơ tiếng Anh cũng là thơ tự do, và thỉnh thoảng các câu thơ có vần với nhau. Bản dịch này khá công phu với 255 chú thích. Tất cả tên gọi của nhân vật đều được giữ đúng tiếng Việt có dấu. Lê Xuân Thủy dịch Truyện Kiều thành 26 chương, với tên gọi các chương như sau:

Chương 1: Gia đình họ Vương

Chương 2: Mộ Đạm Tiên

Chương 3: Kim-Kiều gặp gỡ

Chương 4: Linh cảm của Kiều

Chương 5: Bí mật đính ước

Chương 6: Kim Trọng về thọ tang chú

Chương 7: Sự hy sinh của Thúy Kiều

Chương 8: Tha hương

Chương 9: Sở Khanh

Chương 10: Sự suy sụp

Chương 11: Kiều và Thúc

Chương 12: Quan tòa tốt

Chương 13:Thúc về quê

Chương 14: Người vợ độc ác

Chương 15: Bắt cóc

Chương 16: Nô lệ

Chương 17: Mặt đối mặt

Chương 18: Kiều thành hoa nô

Chương 19: Giác Duyên

Chương 20: Sự bất hạnh

Chương 21: Kiều và Từ Hải

Chương 22: Kiều báo ân báo oán

Chương 23: Cái chết của Từ Hải

Chương 24: Tự sát

Chương 25: Được cứu sống

Chương 26: Kim Trọng trở về.

     Bản dịch của Lê Xuân Thủy số câu thơ tiếng Anh sẽ nhiều hơn số lượng câu thơ của Nguyễn Du. Ví dụ, hai câu tiếng Việt:

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

được Lê Xuân Thủy dịch thành 4 câu thơ:

Within a span of one hundred years (Trong 100 năm)

Of human life and tragedy (của bi kịch đời người)

What a bitter struggle it wagged (Thật là một cuộc đấu tranh cay đắng)

Between talent and destiny (Giữa tài và mệnh)

     Giữa 4 câu thơ này, Lê Xuân Thủy đã tạo hiệp vần “y” cho 2 từ “tragedy” và “destiny”. Tương tự, các câu thơ được dịch đều có cách hiệp vần chân như trên. Ví dụ 4 câu:

Cảo thơm lần giở trước đèn

“Phong tình cổ lục”còn truyền sử xanh

Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh

Bốn phương phẳng lặng, hai Kinh vững vàng

     Được dịch thành 6 câu:

Fragrant manuscripts, turned open before a lamp

And tablets of gallant old anthologies

Relate: In the period of Kia-Tsing,

Inside one of the two capitals cities,

Under the dynasty of the Ming,

When peace reigned throughout the nation,

     Trong đó, “anthologies” và “cities”, “Tsing” và “Ming” hiệp vần.

     Bản dịch này có lời giới thiệu của tác giả chỉ 4 trang, trong đó, Lê Xuân Thủy đánh giá rất cao Truyện Kiều, cho rằng việc dùng 1 câu chuyện của Trung Quốc chuyển thể thành thơ giống như trường hợp Corneille lấy Le Cid từ Guihem de Castro nhưng chất lượng hơn hẳn so với “văn bản gốc”, ông viết “ông (Nguyễn Du) đã thành công trong việc chuyển thể một tác phẩm lấy nhân vật chính là những kẻ bất lương lưu lạc và những âm mưu phức tạp, rườm rà, thành một tác phẩm thơ dài và sinh động xứng đáng là tác phẩm thơ cổ điển hay nhất Việt Nam”, “Kim-Vân-Kiều có 1 giá trị bí ẩn bộc lộ cho chúng ta thấy nền tảng tinh thần của tác giả, cả về mặt khoa học lẫn tiên tri”. Đặc biệt, Lê Xuân Thủy rất xem trọng giá trị tâm lý học của Truyện Kiều, ông cho rằng “có thể nhìn thấy cá tính của tác giả, mỗi đoạn, đều được viết và bộc lộ sự cao nhã tận cùng của cá nhân.  Ngay cả những đoạn thô thiển nhất, việc diễn đạt thông tục cũng không bao giờ xảy ra”.  Việc dùng ẩn dụ, chú giải cũng tránh vượt quá nghi thức, khuôn phép. Cuối cùng, ông kết luận rằng, “không có người Việt Nam nào không ảnh hưởng bởi Truyện Kiều”[12].

      3.2. Bản dịch của Huỳnh Sanh Thông

      Bản dịch của Huỳnh Sanh Thông có lẽ được đánh giá cao nhất trong các bản dịch Kiều. Hầu hết các bài giảng Truyện Kiều tại Mỹ đều lấy bản dịch của ông cho sinh viên học. Một lý do nữa là vì Huỳnh Sanh Thông cũng là một giáo sư tại Đại học Yale, do đó, việc bản dịch của ông được nhiều người biết đến là điều dễ hiểu. Qua nhiều lần tái bản, bản dịch chúng tôi có trong tay là bản dịch năm 1983 sau 10 năm lần xuất bản đầu tiên với tên gọi “The Tale of Kiều”, phần lời tựa, lời giới thiệu công phu do chính ông viết và phần lịch sử vấn đề do Alexander B. Woodside, giáo sư chuyên về lịch sử Đông Nam Á, lịch sử Trung Quốc của Đại học British Columbia viết. Bản dịch của Huỳnh Sanh Thông cực kỳ công phu với việc dịch đúng số câu trong Truyện Kiều ra 3254 câu trong tiếng Anh, đồng thời, phụ lục của ông dài đến 40 trang chú thích theo thứ tự câu trong bản dịch và tổng cộng có đến 309 chú thích. Trong phần thư mục, chúng tôi thấy ông có tham khảo các bản dịch truyện Kiều tiếng Pháp của Nguyễn Khắc Viện, của Rene Crayssac, của Nguyễn Văn Vĩnh, của Xuân Phúc&Xuân Việt, của Abel des Michels, bản tiếng Anh của Lê Xuân Thủy. Chúng tôi có ý kiếm tìm ông dùng bản Kiều nào để dịch thì tìm không ra, chỉ thấy ông dùng các bản Kiều tiếng Việt của Nguyễn Văn Hoàn năm 1965, Nguyễn Thạch Giang năm 1972.

     Huỳnh Sanh Thông chia bản dịch của mình thành 6 chương, không có tên chương, chỉ đánh dấu số La Mã.

Chương I từ đầu đến câu 528, đoạn Kim Kiều đính ước.

Chương II từ câu 529 đến câu 910, đoạn Kiều bán mình được Mã Giám Sinh đưa đi.

Chương III từ câu 911 đến câu 1274, đoạn Kiều ở lầu xanh.

Chương IV từ câu 1275 đến câu 2029, đoạn Kiều trốn khỏi nhà Hoạn Thư. Chương V từ câu 2030 đến câu 2649, đoạn nàng trầm mình tự vẫn sau khi Từ Hải chết.

Chương cuối từ câu 2650 đến hết, nàng được cứu và sau đó đoàn viên với Kim Trọng.

     Như vậy, cách chia của Huỳnh Sanh Thông khá cân đối về số lượng, gộp nhiều nội dung vào 1 chương chứ không chia nhỏ như Lê Xuân Thủy. Sau 10 năm, lần tái bản năm 1983 của Huỳnh Sanh Thông giữ nguyên tên gọi các nhân vật có dấu, trừ các địa danh thì theo phiên âm Trung Quốc. Phần Lịch sử vấn đề 8 trang của GS Alexander B. Woodside có thể xem như 1 bài nghiên cứu công phu của ông về thời điểm ra đời của Truyện Kiều, lịch sử thời đại Nguyễn Du, đặc biệt, ông nhấn mạnh đến những sáng tạo của Nguyễn Du khi chuyển thể một tác phẩm văn xuôi Trung Quốc, trong đó bao gồm cả những tư tưởng thời đại mà Nguyễn Du đang sống, thậm chí cả những ảnh hưởng nước ngoài như phương Tây, Thiên chúa giáo được tiếp nhận vào thời Nguyễn. Là một nhà sử học, ông rất chú ý đến phương diện lịch sử và bối cảnh thời đại mà Nguyễn Du viết Truyện Kiều. Lời giới thiệu của chính dịch giả Huỳnh Sanh Thông 22 trang lại càng chi tiết hơn. Ông đi từ việc giới thiệu “truyện nôm”(viết nguyên văn, sau đó dịch “the tale in the Southern script”: truyện viết bằng thứ chữ nước Nam) rồi đến Truyện Kiều. Ông chỉ ra những thay đổi từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài nhân đến Truyện Kiều của Nguyễn Du. Sau đó, ông phân tích qua một số nhân vật chính như Thúy Kiều, Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải,.. Một phần cũng khá công phu trong bài giới thiệu này là ông đưa ra những đánh giá về Truyện Kiều, từ đầu thế kỷ 20 như của Tôn Thọ Tường, Phạm Quỳnh, Huỳnh Thúc Kháng,…

     Bản dịch của Huỳnh Sanh Thông dịch đúng số câu tiếng Việt sang đúng số câu tiếng Anh. Hai trang gồm bên trái là tiếng Việt, bên phải là tiếng Anh để tiện so sánh. Tuy vậy, cách dịch của Huỳnh Sanh Thông không được đánh giá cao vì các câu thơ tiếng Anh không được “thơ” và hợp vần cho lắm. Có đoạn có vần, đoạn không, đọc lên nghe như văn xuôi. Cùng là cách dịch sang đúng số câu, thì bản dịch của Zhukov cho thấy chất thơ hơn hẳn.

     3.3. Bản dịch của Michael Counsell

     Là một dịch giả vừa biết tiếng Việt, vừa biết tiếng Trung Quốc, Michael Counsell đã bắt tay vào dịch Truyện Kiều và mất khá nhiều thời gian cho bản dịch này. Bản dịch của ông có tên: “Kieu The Tale of a Beautiful and Talented Girl” (Kiều, Câu chuyện về một cô gái xinh đẹp và tài năng). Trong bản dịch, tên các nhân vật được để nguyên dạng nhưng không có dấu (Kiều- Kieu, Thúy Vân- Thuy-Van, Từ Hải- Tu-Hai,…). Bản dịch có 16 chương:

Chương 1: Gia đình họ Vương

Chương 2: Đính ước với Kim

Chương 3: Bán mình và cưới Mã Giám Sinh

Chương 4: Lầu xanh

Chương 5: Kiều nghĩ Sở Khanh sẽ cứu mình

Chương 6: Vợ lẽ của Thúc Kỳ Tâm

Chương 7: Hoạn Thư, người vợ ghen tuông

Chương 8: Kiều trở thành hoa nô

Chương 9: Trở thành ni cô sau khi chạy trốn

Chương 10: Cưới Từ Hải, tướng lĩnh sau đó là triều đình riêng

Chương 11: Thất bại và dự định tự sát

Chương 12: Giác Duyên cứu

Chương 13: Kim nghĩ Kiều đã chết

Chương 14: Đoàn viên

Chương 15: Kết thúc có hậu

Chương 16: Vĩ thanh

     Như chính dịch giả đã lưu ý trong lời giới thiệu, cách dịch của Michael là dịch theo từng vế, phối hợp giai điệu giống như nguyên tác lục bát của Nguyễn Du. Tuy nhiên, cách dịch như vậy sẽ làm cho số câu trong bản dịch tăng lên rất nhiều, đồng thời các câu không cân đối. Ví dụ với 4 câu trong nguyên tác “Trăm năm trong cõi người ta….Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Michael sẽ phải dịch ra đến thành 12 câu, thêm rất nhiều từ không có trong nguyên tác như “they say, I know, I swear,…”:

It’s always been the same:

good fortune seldom came the way

of those endowed, they say,

with genius and a dainty face

What tragedies take place

within each circling space of years!

“Rich in good look” appears

to mean poor luck and tears of woe

which may sound strange, I know

but is not really so, I swear

since Heaven everywhere

seems jealous of the fair of face

     Công phu của Michael, là ông giữ được cách hiệp vần của thơ lục bát. Những câu được cho là câu lục sẽ chỉ có 1 vần, những câu được cho là câu bát sẽ có 2 vần, và luôn hiệp vần nhau. Ví dụ ở đoạn trên, chúng ta sẽ có các vần: same-came, way-say-face- place-space, years-appears-tears, woe-know-so, swear-where-fare, và chắc chắn câu sau sẽ có 1 từ hiệp với vần face…Dịch thơ, theo thiển ý tôi, ngoài việc dịch sát nghĩa, thì việc dịch sao cho có nhịp điệu, có vần cũng rất khó và góp phần thành công vào bản dịch.

     Một nhược điểm của bản dịch này, ngoài việc quá dài như trên đã nói, còn là không có chú thích và đánh số câu. Trong khi hai bản dịch của Lê Xuân Thủy và Huỳnh Sanh Thông chú thích rất chi tiết.

     3.4. Bản dịch của Vladislav Zhukov

     Bản dịch “The Kim Van Kieu of Nguyen Du” của Zhukov xuất hiện năm 2004 do dự án Cornell Southeast Asia Program Publication xuất bản, đây là 1 dự án xuất bản sách của trường Đại học Cornell, nơi có thư viện sách Đông Nam Á lớn nhất nước Mỹ. Lời giới thiệu 8 trang của GS Keith Wellor Taylor, thuộc Khoa Nghiên cứu châu Á, chuyên gia về Việt Nam học, đặc biệt là về chiến tranh Việt Nam tại trường Đại học Cornell. Nói như vậy để thấy đây cũng là 1 bản dịch được đánh giá cao, được xuất bản từ một NXB uy tín (vì việc in ấn ở Mỹ là tự do, cá nhân cũng có quyền in sách, nên cuốn sách nào được những nhà xuất bản uy tín xuất bản thì mới có thể đánh giá được sự chuyên nghiệp của cuốn sách đó). Ông đánh giá Truyện Kiều là tác phẩm viết về người phụ nữ xuất sắc nhất trong văn học cổ điển Việt Nam, sau khi điểm qua tác phẩm của Nguyễn Kinh Phi, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều. Ông tóm tắt lại Truyện Kiều, giới thiệu sơ qua về cuộc đời Nguyễn Du, và giới thiệu về dịch giả Zhukov. Đặc biệt, việc so sánh các bản dịch tốt cho chúng ta căn cứ để khảo sát: “bản dịch năm 1963 của Lê Xuân Thủy đã bỏ qua tính thơ ca và chỉ đơn giản là dịch thành văn xuôi. Hai mươi năm sau, Huỳnh Sanh Thông dùng đến thể thơ iambic (thể thơ cổ Hy Lạp) 5 âm tiết không có nhịp điệu để chuyên chở ý tưởng đấy là 1 tác phẩm thơ ca.  Gần đây, bản dịch của Michael Counsell năm 1994 được xuất bản ở Hà Nội. Mục đích của bản dịch này là tái hiện thể thơ lục bát, nhưng, ngoại trừ đoạn mở đầu và lời bạt, còn đoạn giữa không quan sát mẫu nhịp điệu nội tại nên đem lại một phong cách diễn đạt hoàn toàn không tự nhiên thông qua nỗ lực siết chặt một ngôn ngữ nhiều âm tiết sang ngữ điệu của một ngôn ngữ đơn âm tiết. Thơ lục bát Việt Nam có câu sáu và câu tám. Từ cuối cùng của câu tám giới thiệu một vần sẽ được dội lại qua hai câu sáu và tám tiếp theo.  Bản dịch tiếng Anh lục bát của Zhukov đã thành công trong việc tạo ra nhịp điệu và hiệu ứng thơ ca. Cách sử dụng thể thơ iambic để tạo ra sự đều đặn cần có thay thế cho sự nhấn mạnh và không nhấn mạnh những âm tiết cần thiết của thể lục bát, cho phép dịch giả giảm nhẹ sức mạnh nên thơ của tiếng Anh dưới khuôn khổ thông thường của thể thơ Việt Nam.”[13]. Taylor còn cho rằng, bản dịch này có thể đọc to lên với sự sảng khoái giống như cách mà người Việt Nam ngâm thơ. Điều này phản ánh sự yêu thơ, yêu ngôn ngữ của 1 nhà thơ. Có thể thấy vẻ đẹp của bản dịch này qua 1 đoạn dịch sau:

Dập dìu lá gió cành chim,

Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh

Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,

Giật mình mình lại thương mình xót xa

Khi sao phong gấm rủ là,

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường

Mặt sao dày gió dạn sương

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?

     Được dịch:

A windnlown leaf…a branch on which each bird alights…

Sighs Kieu, as morning speeds and nighty meets bew flights of libertines,

Or as she sums the sight (when wine and laughter leans

In vestige-hours) of stark and soul-profaning scenes that tell the state

Of one who from silk ranks and garlanded of late

Now lies a cast-off boutonniere, dilapidated, petal-marred

Has her face yet to night-gales acquiesced, grown hard?

Her body, common fare of ribard, myriad ardour, tired? Turned dull?

     Ngay cả chính Zhukov cũng thừa nhận, ông không hoàn toàn hài lòng với bản dịch của Huỳnh Sanh Thông và Lê Xuân Thủy khi giới thiệu với bạn bè về 1 bản dịch Kiều tiếng Anh, vì thế, ông đã tự mình dịch, với “hy vọng ban đầu là thực hiện 1 bản dịch nghiêm ngặt hơn”, tuy vậy, lại là “một bản dịch mở rộng”, mức độ hàn lâm ở tính trung bình, những người không giỏi tiếng Anh lắm vẫn có thể hiểu được vì dịch giả muốn chia sẻ sự hứng thú về một tác phẩm hay, thu hút nhiều người đọc tiếng Anh biết đến bản dịch này. Bản dịch của Zhukov khá nhiều từ cổ tiếng Anh, và điều này mang lại cho bản dịch một phong vị cổ xưa thời đại Truyện Kiều mà khó có dịch giả nào làm được nếu như không dùng tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ. Bản dịch của Zhukov, tuy vậy, giống như bản của Michael Counsell, không có chú thích.

     Năm 2010, Eric Henry, một giảng viên của trường Đại học North Carolina đã có 1 buổi nói chuyện, trong đó so sánh 3 bản dịch Kiều của Huỳnh Sanh Thông, Zhukov và Timothy Allen. Rất tiếc là không có văn bản ghi lại buổi nói chuyện đó của Eric Henry.

4. Một số nghiên cứu về truyện Kiều

     Bài viết đã giới thiệu sơ bộ các bản dịch truyện Kiều sang tiếng Anh từ trước đến nay. Theo nghiên cứu của chúng tôi, hiện có 12 bản dịch Kiều sang tiếng Anh khác nhau của 12 dịch giả. Chúng tôi cũng đã thử phân tích và đưa ra những nhận định xoay quanh 4 bản dịch Kiều được đánh giá cao là bản dịch của Lê Xuân Thủy (sớm nhất), của Huỳnh Sanh Thông (kỹ nhất), của Michael Counsell và của Zhukov (dịch hay nhất). Qua đó, chúng tôi nhận thấy vẫn còn 1 số vấn đề đặt ra mà chúng tôi cũng chưa giải quyết được cặn kẽ, cần nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm: Truyện Kiều đã được dịch ra bao nhiêu thứ tiếng, những dịch giả nào, còn rất khác nhau và chưa thống nhất, cần có những nghiên cứu và sưu tầm đầy đủ hơn. Việc tìm hiểu những bản dịch đó có trung thành với nguyên tác hay không, hay dở thế nào cũng chưa được bàn đến. Cần có những nghiên cứu việc dịch Kiều ở môt số ngôn ngữ lớn như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật,… nhất là những ngôn ngữ nào có nhiều bản dịch Kiều. Chúng ta cũng chưa đẩy mạnh tìm hiểu việc nghiên cứu về Kiều ở các nước như thế nào, trên các hướng nghiên cứu nào.

[1] Nguyễn Văn Hoàn, “Những bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh”, TC Hồn Việt

[2] Cúc Đường, “Truyện Kiều đã đến với thế giới như thế nào?”, Báo Thể thao văn hóa ngày 29/7/2015, xin xem thêm bài của Alain Guillemin do Nguyễn Duy Bình dịch “Các bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp”: http://www.tannamtu.com/?p=599

[5] Xin xem Cao Việt Dũng: Một mình Kiều http://nhilinhblog.blogspot.com/2015/08/mot-minh-kieu.html)

[7] Bài viết “Lê Cao Phan, người đã dịch Truyện Kiều sang ba thứ tiếng Pháp, Anh và Esperanto”, trang web của Quốc tế ngữ, ra ngày 21/12/2012: http://vea.vn/view/1606_–le-cao-phan-nguoi-da-dich-truyen-kieu-sang-3-thu-tieng-phap-anh-va-esperanto.htm).

[10] Xem bài: “Dịch Kiều ra thơ tiếng Anh”: http://ioe.go.vn/tap-chi-tieng-anh/dich-kieu-ra-tho-tieng-anh/5_653.html)

[12] Tất cả những đoạn trong ngoặc kép đều từ lời giới thiệu của Lê Xuân Thủy.

[13] tr.14, lời giới thiệu của Taylor trong bản dịch.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Lê Xuân Thủy, The Soul of Poetry inside Kim Van Kieu, Author House 2010.

2. Huỳnh Sanh Thông, The Tale of Kiều, Yale University Press 1983.

3. Michael Counsell, Kieu by Nguyen DuThe Gioi Publisher 2011.

4. Vladislav Zhukov, The Kim Van Kieu of Nguyen Du (1765-1820), Cornell Southeast Asia Program Publications 2013.

5. Nguyễn Văn Hoàn, “Những bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh”, TC Hồn Việt.

6. Cúc Đường, “Truyện Kiều đã đến với thế giới như thế nào?”, Báo Thể thao văn hóa ngày 29/7/2015,

7.  Alain Guillemin (Nguyễn Duy Bình dịch) “Các bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp”: http://www.tannamtu.com/?p=599

8. Lê Giang, “Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản”: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=277:truyn-kiu-va-kim-van-kiu-truyn-nht-bn-&catid=64:vn-hc-nc-ngoai-va-vn-hc-so-sanh&Itemid=108)

9. Cao Việt Dũng, “Một mình Kiều”: http://nhilinhblog.blogspot.com/2015/08/mot-minh-kieu.html)

10. Hoàng Thúy Toàn, “Dịch Văn học Việt Nam: Những người dịch Truyện Kiều (Nguyễn Du) và những người dịch Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh)”: http://repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/6422/1/14.pdf

11. “Lê Cao Phan, người đã dịch Truyện Kiều sang ba thứ tiếng Pháp, Anh và Esperanto”, trang web của Quốc tế ngữ, ra ngày 21/12/2012: http://vea.vn/view/1606_–le-cao-phan-nguoi-da-dich-truyen-kieu-sang-3-thu-tieng-phap-anh-va-esperanto.htm).

12. Phan Huy Mạc Phi Hoàng,“The Tale of Kiều”: https://truyenkieuinenglish.wordpress.com/

13. Ngô Đình Chương, “My version of Kieu”, San Jose, Hoa Kỳ 1993, đăng trên web: http://www.hdvietnam.net/hdvn-files/vanhoa/vanhoc/kieu-eng.html.

14. “Dịch Kiều ra thơ tiếng Anh”: http://ioe.go.vn/tap-chi-tieng-anh/dich-kieu-ra-tho-tieng-anh/5_653.html)

15. Thái Hùng Tâm, “The Story of Kieu, The New Cry of Painfulness”, Nhà xuất bản Viet Moon 1996. Xem bản không đầy đủ trên: http://www.amazon.com/STORY-KIEU-Painfulness-important-Vietnamese/dp/1508726957/ref=sr_1_1?ie=UTF8&qid=1439815423&sr=8-1&keywords=Kieu+Story

TÓM TẮT

     Bài viết đi tìm các bản dịch Kiều sang tiếng Anh. Theo nghiên cứu của chúng tôi, có tất cả 12 bản dịch Kiều ra tiếng Anh, trong đó có 5 bản dịch của người nước ngoài, 7 bản dịch của người Việt. Chúng tôi nhận thấy có 1 số bản dịch được đánh giá tốt là bản dịch của Lê Xuân Thủy, Huỳnh Sanh Thông, Michael Counsell, Zhukov và Timothy Allen. Trong bài viết, chúng tôi cũng có 1 số nhận xét về 4 bản dịch đầu, còn bản dịch của Timothy Allen vì chưa tìm được nên không đưa vào khảo sát.

      Qua đó, cũng có thể thấy rằng, việc nghiên cứu các bản dịch Kiều ra tiếng nước ngoài cần đẩy mạnh hơn nữa, nhất là những thứ tiếng có nhiều bản dịch như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tập hợp sưu tầm những nghiên cứu về Truyện Kiều bằng các thứ tiếng khác nhau.

ABSTRACT

     This article was written with the target to look for the English versions of “Truyện Kiều”. According to our research, there are 12 English versions of Truyện Kiều, including 5 versions of foreign translators, and 7 of Vietnamese translators. We found that some of them are highly recommendation such as: Le Xuan Thuy, Huynh Sanh Thong, Michael Counsell, Vladislav Zhukov and Timothy Allen. This article also concerntrates on the first 4 versions (except the Timothy Allen translation).

     We can recognize that, our research about the translation of “Truyện Kiều” to foreign languages need to be pushed stronger, especially with those languages has many translations like French, English, Chinese, Japanese. Moreover, we need to collect the researches about “Truyện Kiều” in many languages.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 1.2016
File PDF: https://elearning.tdmu.edu.vn/

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Tìm hiểu các bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh (Tác giả: PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh)