Du ký Việt Nam: Cổ & Kim
NGUYỄN HỮU SƠN
Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có một đoạn văn như thế này: “Đường về, vợ tôi bảo xe Tướng về hưu của đi chậm. Ông Bổng lần đầu mới được đi xa thích lắm. Ông bảo: Nước mình thật đẹp như tranh. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao phải yêu đất nước. Chứ ở quê ta, dù ngay Hà Nội có văn minh thật, tôi chẳng thấy yêu gì cả”. Vợ tôi bảo: Tại chú quen đấy. Ở nơi khác người ta cũng thế, họ lại thấy yêu Hà Nội. Ông Bổng bảo: “Thế là nơi này yêu nơi kia. Tất cả đều đất nước mình, nhân dân mình cả. Vậy thì đất nước muôn năm, nhân dân muôn năm! Hoan hô đèn cù!… (1). Như thế là nhu cầu hiểu biết, khám phá, xê dịch, đổi thay không khí, nhu cầu Đi và Xem chính là tâm trạng “nơi này yêu nơi kia” – cơ sở cội nguồn của những chuyến viễn du và hình thành nên những trang du ký.
Trên thực tế, thể tài du ký là một bộ phận văn học còn chưa được chú ý đúng mức. Khi nói đến “thể tài du ký” cần được hiểu nhấn mạnh hơn ở phía đề tài, phía nội dung và cảm hứng nghệ thuật của người viết, chứ không phải ở phía thể loại. Thu hút vào địa hạt du ký có các sáng tác bằng thơ, phú, tụng và các bài văn xuôi theo phong cách ký, ký sự, ghi chép, hồi ức về các chuyến đi, các điểm du lịch, các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, thậm chí có thể liên quan tới nhiều phương diện của xã hội học, dân tộc học khác nữa.
Một cách khái quát, các nhà lý luận xác định: “DU KÝ- Một thể loại văn học thuộc loại hình ký mà cơ sở là sự ghi chép của bản thân người đi du lịch, ngoạn cảnh về những điều mắt thấy tai nghe của chính mình tại những xứ sở xa lạ hay những nơi ít người có dịp đi đến. Hình thức của du ký rất đa dạng, có thể là ghi chép, ký sự, nhật ký, thư tín, hồi tưởng, miễn là mang lại những thông tin, tri thức và cảm xúc mới lạ về phong cảnh, phong tục, dân tình của xứ sở ít người biết đến […]. Dạng đặc biệt của du ký phát huy cái chất ghi chép về miền xa lạ của nó là du ký về các xứ sở tưởng tượng, có tính chất không tưởng hay viễn tưởng khoa học […]. Dạng du ký khác đậm đà phong vị phương Đông là ghi chép cảm tưởng, nhận xét về những nơi danh lam thắng cảnh đất nước […]. Thể loại du ký có vai trò quan trọng đối với văn học thế kỷ XVIII- XIX trong việc mở rộng tầm nhìn và tưởng tượng của nhà văn. Sang thế kỷ XX, du ký mang nhiều tính chất tư liệu khoa học do các nhà địa chất, nhà dân tộc học viết. Loại du ký khoa học cũng rất thịnh hành”…(2).
Định nghĩa trên đây đã khái quát được những đặc điểm cơ bản nhất của du ký – mà chúng tôi duy danh là thể tài du ký. Tuy nhiên, thể tài du ký là một bộ phận văn học còn chưa được chú ý đúng mức. Khi nói đến “thể tài du ký” cần được hiểu nhấn mạnh hơn ở phía đề tài, phía nội dung và cảm hứng nghệ thuật nơi người viết, chứ không phải ở phía thể loại. Thu hút vào địa hạt du ký có các sáng tác bằng thơ, phú, tụng và các bài văn xuôi theo phong cách ký, ký sự, phóng sự, ghi chép, khảo cứu, hồi ức về các chuyến đi, các điểm du lịch, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, sinh thái, kiến trúc, mỹ thuật; thậm chí có thể liên quan tới nhiều phương diện của xã hội học, văn hóa học, khảo cổ học, dân tộc học và văn hóa – văn nghệ dân gian khác nữa… Do đó đã xuất hiện thực tế có tác phẩm nằm ở trung tâm thể tài du ký và nhiều trang viết khác lại nằm ở đường biên hoặc hỗn hợp, pha tạp với những sắc độ đậm nhạt khác nhau, cả về đối tượng, phạm vi đề tài, nội dung hiện thực lẫn phong cách thể loại…(3).
Trong nền văn học trung đại Việt Nam đã có nhiều sáng tác thuộc thể tài du ký như thơ ca đề vịnh phong cảnh Thăng Long, núi Bài Thơ, Yên Tử, Hoa Lư, sông Hương núi Ngự, Quy Nhơn, Gia Định, Hà Tiên…
Qua mười thế kỷ đã xuất hiện nhiều tác gia, tác phẩm du ký nổi bật như Vịnh Vân Yên tự phú của Huyền Quang Lý Đạo Tái (1254-1334); Bài ký tháp Linh Tế núi Dục Thúy của Trương Hán Siêu (?-1354); Du sơn tự, Đề Yên Tử sơn Hoa Yên tự, Đề Bão Phúc nham của Nguyễn Trãi (1380-1442); Tây Đô hiểu quá, Đăng Phật Tích sơn của Phùng Khắc Khoan (1528-1613), Nam trình liên thi tập của Ngô Thì Ức (1709-1736); Phụng sứ Yên Đài tổng ca của Nguyễn Huy Oánh (1713- 1789); Thượng kinh kỷ sự của Lê Hữu Trác (1720-1791); Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du (1765-1820); Nhị Thanh động phú, Tây Hồ phong cảnh phú của Ngô Thì Sĩ (1726-1780); Tụng Tây Hồ phú, Ngự đạo hành cung nhật trình của Nguyễn Huy Lượng (1750- 1808); Bài ký chơi núi Phật Tích của Nguyễn Án (1770-1815); Tây hành nhật ký của Phạm Phú Thứ (1821-1882); Ghi về vương quốc Khơ-me, Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi (1876) của Trương Vĩnh Ký (1837-1898); Như Tây nhật trình, Chư quốc thạc hội của Trương Minh Ký (1855-1900); Hương Sơn hành trình của Chu Mạnh Trinh (1862-1905),…
Sang thế kỷ XX, thể tài du ký có bước phát triển mạnh mẽ. Khi thực hiện công trình Mục lục phân tích Tạp chí Nam Phong, 1917-1934, nhà thư mục Nguyễn Khắc Xuyên xác định du ký là một trong 14 bộ môn và nêu nhận xét về thể tài du ký – còn được ông gọi là du hành – trên Tạp chí Nam Phong: “Nhiều khi chúng ta tự cảm thấy, sống trong đất nước với giang sơn gấm vóc mà không được biết tới những cảnh gấm vóc giang sơn. Thì đây, theo tờ Nam Phong, chúng ta có thể một phần nào làm lại cuộc hành trình qua tất cả những phong cảnh hùng vĩ nhất, đẹp đẽ nhất của đất nước chúng ta từ Bắc chí Nam, từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến đảo Phú Quốc, từ núi Tiên Du đến cảnh Hà Tiên và Ngũ Hành Sơn, từ Cổ Loa, Hạ Long đến Huế thơ mộng… Với thời gian, hẳn những tài liệu này càng ngày càng trở nên quý hoá đối với chúng ta… Trong mục Du ký này, phải kể bài Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác, Lại tới Thần kinh của Nguyễn Tiến Lãng; Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam kỳ, và nhất là Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh”…(4).
Chính thông qua các chuyến đi, các cuộc giao lưu mà mỗi người vừa tăng thêm nhận thức và niềm tự hào dân tộc, vừa chiêm nghiệm và chứng nghiệm được đầy đủ tình nghĩa đồng bào. Trong một chuyến tới thăm Hà Nội, ông Nguyễn Tử Thức là chủ bút Nam Trung Nhựt báo ở Sài Gòn đã phát biểu: “Thiệt chúng tôi không ngờ giang sơn nước Nam ta cẩm tú như vầy. Là bởi xưa nay chưa đi khắp nên chưa biết, chưa biết bờ cõi nước ta to rộng, nhân dân nước ta đông đảo là dường nào. Tới nay mới biết, càng biết mà cái cảm tình đối với tổ quốc càng chan chứa biết bao!… Khi tới Tourane, khi tới Hải Phòng, quanh mình toàn những người bổn quốc, cùng ăn bận như mình, cùng nói năng như mình, nhận ra mới biết người với mình, mình với người, tuy ăn ở xa nhau mà cũng là người một nòi một giống, chớ đâu”…(5).
Lại nói như bài Cảnh vật Hà Tiên, do Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm sao lục, đã mở đầu bằng niềm tự hào: “Tỉnh Hà Tiên có nhiều cảnh đẹp, có bãi dài biển rộng, hồ trong núi biếc, mỗi cảnh đều có vẻ đẹp thiên nhiên của tạo hóa… Cảnh bãi biển thì kiêm cả màu trời sắc nước, bãi cát mênh mông, gió nam mát mẻ. Cảnh núi như Thạch Động có các kỳ quan quái thạch, núi Bình San, núi Tô thì có cỏ đẹp hoa thơm…”. Niềm tự hào trước vẻ đẹp quê hương xứ sở của tác giả cũng đồng điệu với tấm lòng người chủ báo qua mấy dòng đề tựa đầy ý nghĩa: “Muốn cho con trẻ yêu mến nước nhà thì phải cho con trẻ thông thuộc nước nhà, hiểu biết cả lịch sử, địa lý, lễ giáo, phong tục; nhỏ từ cách sinh hoạt trong dân gian; lớn đến các kỷ cương về đạo lý, ngõ hầu mới có lòng thiết tha đến nơi quê hương tổ quốc của mình. Lại trước khi biết đến cái tổ quốc lớn là toàn thể quốc gia, phải biết cái tổ quốc nhỏ là nơi địa phương mình sinh trưởng đã”…(6).
Rõ ràng là vượt qua những áp đặt tuyên truyền tư tưởng chính trị “Pháp – Việt đề huề” và hạn chế lịch sử không tránh khỏi, song phải ghi nhận các trang du ký trên Tạp chí Nam Phong đã tiếp nối được tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc từ cội nguồn văn học cha ông. Trong một chừng mực nhất định, nhiều trí thức cựu học và tân học đã biết lợi dụng diễn đàn công khai để khơi gợi và giáo dục tình cảm yêu nước, nhắc nhớ lại truyền thống đấu tranh anh dũng ngàn năm thông qua việc du ngoạn, thăm viếng, tưởng niệm các danh nhân đất nước (An Dương Vương, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung…) và các di tích lịch sử (Cổ Loa, đền Lý Bát Đế, hồ Hoàn Kiếm, Hoa Lư, lăng điện xứ Huế, danh thắng Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, Sài Gòn, Tây Đô, Phú Quốc, Thạch Động, Hà Tiên…).
Tìm lại các nguồn sách báo trước năm 1945 chúng ta thấy xuất hiện nhiều trang du ký của người bốn phương viết về Nam bộ như Một tháng ở Nam kỳ của Phạm Quỳnh, Thăm đảo Phú Quốc của Đông Hồ, Cảnh vật Hà Tiên của Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm, Tây Đô thắng tích của Nguyễn Văn Kiểm, Chơi Phú Quốc của Mộng Tuyết, Một ngày ở xứ Chàm của Tam Lang, Hai tháng ở gò Óc Eo hay là câu chuyện đi đào vàng của Biệt Lam Trần Huy Bá… Theo chiều hướng ngược lại, nhiều cây bút Nam bộ đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng, khơi mở nền văn học chữ Quốc ngữ cũng như với thể tài du ký nói riêng; trong đó có nhiều trang ghi chép của các tác gia Nam bộ về chính vùng quê Nam Bộ thân thuộc của mình và mở rộng tới nhiều miền đất, nhiều xứ sở, đất nước xa lạ khác nữa. Trong giới hạn cụ thể, chúng tôi tập trung giới thiệu mấy trang du ký ngắn gọn của Biến Ngũ Nhy bên cạnh bốn cây bút Nam bộ viết du ký tiêu biểu khác (Trương Vĩnh Ký – Trương Minh Ký – Trần Chánh Chiếu – Bửu Đình)…
Tác gia bác sĩ quê gốc xứ dừa Bến Tre Biến Ngũ Nhy (1886-1963?) vốn là cây bút viết truyện trinh thám nổi tiếng một thời(7) nhưng cũng đi ngang qua làng báo và để lại hai mục bài ngắn gọn, khá tiêu biểu cho thể tài du ký. Bài Thủ Dầu Một du ký nêu rõ nguyên nhân của sự ra đi và nơi đến du ngoạn chỉ cách Sài Gòn có hơn ba chục cây số. Toàn bộ nội dung bài du ký là những quan sát, ghi chép, miêu tả xen lẫn một vài lời phân tích, nhận xét, đánh giá và bày tỏ thái độ nhẹ nhàng:
“Ba ngày tết Tây, rảnh rang công việc, nghĩ mình lẩn quẩn trong chốn phồn hoa như Sài Gòn – Chợ Lớn cũng chẳng có thú vui chi, bất quá cũng dạo quanh các phố, khi ngồi rạp hát, khi nhập tiệc rượu, chẳng có chi là thích chí.
Bèn nhớ trực lại còn nhiều tỉnh thành trong xứ ta, mà mình là người bổn thổ mà chưa hề biết tới. Nghĩ các nước văn minh lấy sự giao du là đều thích ý nên thường hay trẩy sang xứ này qua xứ khác, trước là xem phong cảnh, sau là giúp cuộc thương trường, còn chúng ta cứ xẩn bẩn quanh năm trong một chỗ, chẳng chịu vân du các nơi, đến nỗi cuộc thế trong bổn xứ mà cũng chưa thông thuộc (…).
Mặt tiền châu thành mở ra ngoài sông, có cẩn bực thạch dài gần một ngàn thước. Sông ấy là sông Sài Gòn, song từ Gài Gòn lên đây đã hơn ba mươi mấy ngàn thước nên quang cảnh đã đổi. Xem ra thì cái cảnh trên nguồn, hai bên bờ sông cây mọc giăng giăng chỗ cao chỗ thấp, bi bít mịt dày, nhánh lá de xuống nước, xa xa có một vài khoảng trống, có nhà, có vườn, trồng cau, trồng chuối, dựa bờ sông có một vài chiếc ghe đậu im lìm (…).
Đi xem khắp mọi nơi, từ nhà thương, trường học cho đến nhà dây thép, các công môn rồi trở về nhà hàng dùng cơm. Đoạn đi viếng thăm các kim bằng là quan Phủ sở tại và quan lương y bổn quốc Nguyễn Văn Lư. Chiều lại dạo xem phố xá, đi viếng các trại mộc thấy bàn ghế đóng cũng có kiểu khéo, song xem kỹ thì thấy hỡi còn thua sự xảo khéo của chợ Lái Thiêu.
Dạo chơi cùng khắp, qua tới bốn giờ chiều, lên xe trở về Sài Gòn, lòng rất toại lòng, vì được một ngày nhàn du phỉ chí”…(8).
Tiếp theo đó, Biến Ngũ Nhy còn có tác phẩm “Tây Ninh – Vũng Tàu du ký” cũng in trên Công luận báo. Lại xin dẫn mấy đoạn văn để thấy được đời sống thường nhật, tình hình giao thông, quang cảnh phố xá và tâm tư con người một thuở một thời:
“Ngày nọ tôi đã hứa rằng hễ có dịp rảnh thì sẽ đi du lịch trong các tỉnh miền trên, trải xem phong cảnh. Mới nói vừa đặng ít lâu thời may gặp dịp tết Ngươn để phỉ lòng sở nguyện vô cùng.
Ngày 30 và mồng một, giữ theo nề nếp cũ ở nhà cúng rước ông bà mừng xuân nhựt làm gương cho gia quyến, vì xét mình chưa phải bực văn minh mà đã vượt khỏi lối xưa, lối cũ! (…).
Châu thành Tây Ninh hẹp nhỏ, phố xá ít, sự buôn bán bơ thờ, bề thế khó tấn phát. Có một đường đông đảo hơn hết là đường xe hơi dưới Sài Gòn chạy lên, chỗ ấy là Chợ Cũ, hai bên phố trệt, nhà cửa cũng tầm thường. Ra tới bờ sông thì đường đi dựa mé sông, đi trước dinh quan Chánh Bố. Vừa khỏi đó thì có cầu sắt qua Chợ Mới, có hai dãy nhà lồng bằng gạch, ngó mặt qua dinh Chánh Bố, hai bên có phố trệt dựa đường, quang cảnh trống trải mà bộ thế rất cheo leo, eo hẹp. Dưới sông thì ghe thương hồ rất ít, chỉ thấy chừng mươi chiếc ghe lồng, kỳ dư thì gỗ súc nằm đầy trên bãi. Hai bên bờ sông có được ít cái nhà ngói kiểu cách lịch sự. Dinh quan Chánh Bố cất trên gò nổng, day mặt ra bờ sông, còn các công môn thì ở ném về phía sau. Tại đây có đủ các sở: tòa án, thương chánh, kiểm lâm, trường học, nhà thương,… Có cả Thành Sơn đá, hai dãy nhà lầu, tường vôi, nóc ngói, cất ném về ngoài đồng, phía bên tả dinh quan Chánh Bố (…).
Ai có đi rồi về cũng trầm trồ làm cho tấm lòng ước vọng càng thêm nồng nã. Vậy nên tuy đi Tây Ninh về cũng còn mỏi mệt mà tôi nhất định chẳng chịu bỏ qua dịp tốt liền sắm sửa đồ hành lý đặng sáng bữa sau đi Vũng Tàu. Nghe nói cuộc hành trình rất dễ nên bèn dắt gia quyến đi chơi luôn thể đặng hưởng khí thanh gió mát (…).
Vũng Tàu là một cái quận thuộc về tỉnh Bà Rịa. Tuy vậy mà tỉnh thành Vũng Tàu xinh đẹp hơn các tỉnh lỵ miền Đông Bắc xứ Nam kỳ nhiều. Đã xinh đẹp lại lớn, chẳng kém gì thành thị Mỹ Tho. Tại đây đèn khí có, máy nước có, đường sá rộng lớn và rất sạch sẽ. Dựa theo cửa biển có nhiều đền đài, dinh dải xinh đẹp. Những tay phú hộ Langsa, Hồng Mao, Khách trú đều có cất nhà mát tại đó, để hòng lúc rảnh rang đi hóng gió biển. An Nam ta thì thấy ông Lê Phát An cũng có cất một cái nhà mát hai từng xinh tốt (…).
Đứng ngoài mũi núi O Cấp dòm vào thành thị thì thấy dài dài theo bãi trước (baie des cocotiers) nhà cửa nguy nga, ngựa xe đông đảo. Trên thì non cao chớn chở, dưới thì cửa biển rộng minh mông, quả là một cảnh sơn thủy đẹp vô cùng, vậy thì nước nhà ta cũng có nhiều nơi thắng cảnh thủy tú sơn kỳ, nào kém chi những cảnh của ngoại bang”(9).
Xét trên phương diện kiểu loại và nội dung hiện thực, có thể coi các thiên du ký trên là những phóng sự bằng ngôn từ nghệ thuật, trong đó tái hiện trung thành hình ảnh cuộc sống, danh lam thắng tích, cảnh vật và con người đã một đi không trở lại. Qua những trang du ký này, hậu thế có thể hiểu rõ hơn không khí lịch sử, hiện thực đời sống xã hội và phong tục tập quán một thuở một thời. Chúng tôi hy vọng rằng nếu sưu tập và xuất bản được một bộ sách chuyên về thể tài du ký bằng chữ Quốc ngữ giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1945 chắc chắn sẽ có ích cho đông đảo bạn đọc, giới nghiên cứu văn học và những người quan tâm đến lịch sử văn hóa dân tộc, cũng như cho con đường hòa nhập vào thế giới hiện đại nói chung.
4.
Do điều kiện lịch sử – xã hội quy định, vào giai đoạn 1945-1975, thể tài du ký gần như biến mất hoặc đổi thay, hoặc chuyển tải những tâm thế và nhiệm vụ khác biệt. Kể từ thời Đổi mới (1986) đến nay, do sự mở rộng giao lưu văn hóa, do nhu cầu du lịch, khám phá, thể tài du ký lại phục hưng và phát triển mạnh mẽ. Cần chú ý rằng du ký đương đại Việt Nam đang từng bước hội nhập trở lại với dòng chảy của du ký thế giới, góp phần phản ánh hình ảnh văn hóa những vùng đất mới và thể hiện như một phương thức tiếp thị, quảng bá cho ngành du lịch.
Du ký thời kỳ Đổi mới đã dần trở lại đúng nghĩa kể từ vị thế chủ thể tác giả đến cách đi, lối xem, lối viết và cả người đọc nữa. Người viết du ký thời nay không chỉ là những nhà báo quốc doanh, những quan chức, viên chức kết hợp những chuyến du ngoạn công vụ mà ngày càng chiếm số đông là những người yêu thích du lịch, ưa khám khá, tìm hiểu, mong được đổi mới chính mình và đưa đến nhận thức mới cho mọi người. Những tác phẩm thuộc thể loại du ký được xuất bản liên tục như: Trên dấu chim di thê (2002), Tây Tạng, giọt hoa trong nắng (2004) của Văn Cầm Hải; Du ký (2005) và ba tập Bên mộ vua Tần, Thơ thẩn Paris, Chia tay trên sông (2010) của Phan Quang; Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương (2006) của Ngô Thị Giáng Uyên; Du ký của Trần Bạch Đằng (2008), Bí mật ở Cannes (2009), Sydney yêu thương (2010) của Trung Nghĩa, Xách ba lô lên và đi (2012-2013) của Huyền Chíp, Nước Ý, câu chuyện tình của tôi (2012) và Phút 90++ (2013) của Trương Anh Ngọc; Tôi là một con lừa (2013) của Nguyễn Phương Mai; Một mình ở châu Âu (2013) của Phan Việt,… Đội ngũ sáng tác trẻ này còn có cả những Việt kiều trở về chia sẻ những trải nghiệm về con người và đất nước Việt Nam như John đi tìm Hùng (2013) của Trần Hùng John. Tập du ký ghi lại hành trình và những cảm nhận chân thật trong 80 ngày xuyên Việt của chàng trai trẻ. Sự thành công của những tập du ký không phải bởi những câu chuyện mới lạ hay văn phong tinh tế mà nó cuốn hút độc giả bởi những trải nghiệm chân thực và độc đáo. Du ký đương đại Việt Nam có sự đóng góp quan trọng của một số cây bút nữ. Mỗi người có những chuyến đi đến những nước khác nhau và sự trải nghiệm khác nhau nhưng giống nhau là để khẳng định bản lĩnh của mình, những cây bút nữ đã có những tác phẩm mang phong cách cá nhân. Ngô Thị Giáng Uyên (sinh 1981) với Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương (2006) thuật lại những kỷ niệm thời du học Anh với những cảm xúc của một người trẻ tuổi khi quan sát nơi mình từng đặt chân đến (Anh, Áo, Bỉ, Đức, Hà Lan, Hy Lạp, Liechtenstein, Pháp, Scotland, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, xứ Wales, Ý)… Dương Thụy (sinh 1975), là cây bút nữ khá nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam, sáng tác từ năm 1997, đến nay đã in hàng chục tác phẩm, trong đó có các tác phẩm du ký như Venise và những cuộc tình Gondola (2009) đã tái bản 6 lần, Nhắm mắt thấy Paris (2010) là tác phẩm du ký được viết theo kiểu nhật ký trong cuộc hành trình khám phá 11 nước châu Âu (Anh, Pháp, Mĩ, Đức, Úc, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thuỵ Sĩ, Bỉ, Áo, Luxembourg) nhưng nổi bật nhất là những tình cảm trìu mến của tác giả dành cho nước Pháp. Nhắm mắt thấy Paris là “một thiên tình ái” vừa lãng đãng mơ màng vừa mang hơi thở của cuộc sống đô thị hiện đại.
Nói riêng Trần Thị Khánh Huyền (1990) với bút danh Huyền Chíp đã từng gây xôn xao dư luận bằng tác phẩm Xách ba lô lên vai và đi (gồm 2 tập: Tập 1- Châu Á là nhà. Đừng khóc (2012), tập 2- Đừng chết ở châu Phi (2013))(10). Ở đây việc xác định thể tài, thể loại có vai trò rất quan trọng, vì cuốn sách này không phải sáng tác, mà là viết về người thật việc thật. Nếu sáng tác thì người ta còn có thể tưởng tượng xa đến mức như tiểu thuyết Cuộc chiến với hành tinh Fantom của cậu bé Nguyễn Bình(11). Cuốn sách này ngay từ các chi tiết ban đầu như “Đi 25 nước với xuất phát điểm là 700 USD” đã gây cảm giác khó tin, dễ khiến bạn đọc cảnh giác và đặt nghi vấn. Trong quá khứ, ở Việt Nam chưa từng có cuốn sách du ký nào gây tranh cãi như vậy. Tôi nghĩ trong chuyện này, ngoài việc đi sâu vào những tranh cãi chi tiết thì vấn đề cần xem xét hơn là ảnh hưởng của toàn bộ cuốn sách. Tôi không nghĩ tác phẩm này sẽ để lại dấu ấn trong lịch sử dòng sách du ký của Việt Nam… Tuy nhiên, những cuộc tranh luận này sẽ góp phần đưa các tác giả viết sách du ký trở lại quỹ đạo vốn đã có từ trước: phải tôn trọng sự thật, phải viết cho chuẩn. Đó là “con đường chính đạo”. Cá nhân tác giả đã đi chệch khỏi quỹ đạo thể tài du ký nhưng tất cả rồi sẽ phải trở lại. Tôi nghĩ viết theo lối nào thì việc “đi chệch” đó cũng không phải là sáng tạo, càng không phải mở ra một thể loại mới. Đi đúng quỹ đạo thì mới trở thành một tác phẩm nghệ thuật đích thực của hệ thống thể tài du ký(12)…
Nhìn chung, sự lên ngôi của các cây bút nữ đầy cá tính nói trên cho thấy sự vận động mạnh mẽ của du ký Việt Nam thời Đổi mới, đồng thời là sự phản ánh sự lên ngôi của những cây bút trẻ, mang bản lĩnh thời đại, biết lựa chọn hướng đi khi đến với văn chương bằng chính cuộc đời mình mà du ký các giai đoạn trước đó không thể có được. Trên cơ sở kế thừa và phát huy những tinh hoa du ký nửa đầu thế kỷ XX, du ký đương đại đã bắt gặp những điều kiện thuận lợi như sự mở rộng quan hệ giao lưu quốc tế trên nhiều phương diện, sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông và công nghệ, đặc biệt là sự thay đổi vị thế của chủ thể. Công dân của một nước Việt Nam độc lập có đủ bản lĩnh và khát vọng tự do, ham hiểu biết nên du ký hưng khởi trở lại là một điều tất yếu.
Lời kết mở
So với du ký dưới thời trung đại và nửa đầu thế kỷ XX, du ký Việt Nam đương đại hướng ngoại nhiều hơn hướng nội, hướng đến du lịch khám phá song hành với hành trình trở về cội nguồn văn hóa, lịch sử dân tộc, được sự tiếp sức của các nhà xuất bản và nhà sách nhiều hơn báo chí, hướng về tính hiện đại hơn là truyền thống và hoài cổ, tiếp cận với du ký của văn học nước ngoài nhanh và nhiều hơn so với kế thừa di sản quá khứ. Những sự khác biệt đã minh chứng cho sự vận động không ngừng của thể loại du ký nói chung, du ký Việt Nam đương đại nói riêng.
Chú thích:
1. Nguyễn Huy Thiệp, Tướng về hưu, Nxb. Trẻ- Tuần báo Văn Nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, 1988, tr.109.
2. Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi (Đồng chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb. Giáo Dục, H., 1992, tr.75-76.
3. Nguyen Huu Son, “The Thematic Forms of Travel Notes Prose Written in Old Chinese Script in the 18th – 19th Centuries and the Genre Amplitude Extreme Lines” (Thể tài văn xuôi du ký chữ Hán thế kỷ XVIII-XIX và những đường biên thể loại), Vietnam Social Sciences (Vietnam Academy of Social sciences), No 6 (152)- 2012, p.79-91).
– Hà Thị Thanh Nga, “Khái lược thể tài du ký văn xuôi chữ Hán thế kỷ XVIII-XIX”, Nghiên cứu Văn học, số 8-2014, tr.31-37.
– Trần Thị Tú Nhi, “Đóng góp của Trương Minh Ký với thể tài du ký Quốc ngữ giai đoạn giao thời”. Nghiên cứu Văn học, số 8-2014, tr.38- 51.
– Nguyễn Hữu Lễ, “Một số vấn đề thể loại của du ký”. Nghiên cứu Văn học, số 8-2014, tr.52-62.
4. Nguyễn Khắc Xuyên, Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong, 1917-1934. Trung tâm Học liệu ấn hành, Sài Gòn, 1968, tái bản. Nxb Thuận Hoá – Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Huế, 2002, tr.34.
5. Thượng Chi, “Cùng các phái viên Nam kỳ, Nam phong”, số 32, tháng 2-1920; tr.126. Xin xem Du ký Việt Nam – Tạp chí Nam Phong (1917- 1934) (Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, giới thiệu), ba tập. Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2007, 1918 trang.
6. Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm: “Cảnh vật Hà Tiên”, Nam Phong, số 150, tháng 5-1930, tr.145.
7. Hoài Anh: “Biến Ngũ Nhy – Cây bút viết truyện trinh thám đầu tiên ở Nam bộ”, trong sách Chân dung văn học. trong sách Chân dung văn học, Nxb. Hội Nhà văn, H., 2001, tr.152-161.
8. Biến Ngũ Nhi, “Thủ Dầu Một du ký”, Công luận báo, Sài Gòn, số 378, ra ngày 28-1-1921, tr.4.
9. Biến Ngũ Nhi “Tây Ninh – Vũng Tàu du ký”, Công luận báo, Sài Gòn, từ số 419, ra ngày 8-7-1921 đến số 433, ra ngày 6-9-1921…
10. Huyền Chíp, Xách ba lô lên và đi, Nxb. Văn Học, H., 2012.
11. Xin xem Nguyễn Bình, Cuộc chiến với Hành tinh Fantom, tập I. Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí
Minh, 2011, 176 trang.
– Cuộc chiến với Hành tinh Fantom, tập II, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2012, 282 trang.
– Cuộc chiến với Hành tinh Fantom, tập III, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2012, 216 trang.
12. Xin xem Nguyễn Hữu Sơn – Bùi Minh Quốc – Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, Viết tiếp về
“điểm nóng” Huyền Chip: Đã là du ký, cấm bịa!?
Nguồn: thethaovanhoa.vn
Trích dẫn: Tạp chí Xưa Nay, số 479, (1-2017), trang 48-53
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)