Phiên dịch học văn hóa – Trường hợp cải biên văn học phương Tây ở Nam Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX (Phần 2)
Tác giả: Thạc sĩ PHẠM THỊ TỐ THY1
(1Khoa Ngôn ngữ-Văn hóa-Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, Trường Đại học Trà Vinh)
2.2. Hoạt động cải biên văn học phương Tây ở Nam Bộ giai đoạn cuối thế kỉ XIX đến năm 1945
Các công trình dịch văn học phương Tây sang chữ Quốc ngữ ở Nam Bộ được thực hiện khá sớm xét trong bối cảnh văn học dân tộc cũng như bối cảnh Đông Á, chính thức bắt đầu với những dịch phẩm từ bộ truyện ngụ ngôn La Fontain của Trương Minh Ký đăng trên Gia Định báo từ năm 1881. Trong khoảng thời gian 20 năm cuối thế kỉ XIX, hầu hết công trình dịch văn học phương Tây ở Nam Bộ, chủ yếu văn học Pháp, đều do Trương Minh Ký thực hiện, với tổng cộng khoảng 07 công trình gồm hàng trăm tác phẩm khác nhau. Sang đầu thế kỉ XX, phong trào dịch văn học phương Tây ở Nam Bộ nở rộ với nhiều dịch giả, nhiều dịch phẩm gồm đủ thể loại (thơ, tiểu thuyết, kịch) được công bố trên báo, tạp chí và xuất bản, đáp ứng rộng rãi nhu cầu đọc của công chúng. Giai đoạn này bắt đầu xuất hiện những tác phẩm phóng tác văn học phương Tây, tiêu biểu với những tên tuổi Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt,… Khi thực hiện hệ thống hóa hoạt động cải biên văn học phương Tây ở Nam Bộ, chúng tôi nhận thấy các công trình tập trung vào Hồ Biểu Chánh, xoay quanh tìm hiểu đặc điểm, nhân vật, thể loại và đối chiếu giữa công trình phóng tác của ông và bản gốc tiếng Pháp hoặc có một số nhà nghiên cứu tìm cách so sánh, đánh giá tác phẩm của Hồ Biểu Chánh trong tương quan với các tác giả miền Bắc và miền Trung. Thế nhưng, lịch sử cải biên văn học phương Tây cũng xuất phát từ chính Trương Minh Ký, với hầu hết công trình dịch thuật được thực hiện theo hình thức cải biên tác phẩm văn học phương Tây.
2.2.1. Trương Minh Ký – người mở đầu phong trào cải biên văn học phương Tây ở Nam Bộ
Có thể nói, so với các học giả cùng thời, công việc biên dịch các tác phẩm văn học Pháp sang chữ quốc ngữ của Trương Minh Ký có nhiều thuận lợi hơn. Bởi lẽ, thứ nhất tiên sinh được tiếp xúc với tiếng Pháp từ rất sớm, sau đó lại trở thành thầy dạy Pháp ngữ; thứ đến tiên sinh lại có cơ hội sang tận nước Pháp dự Hội đấu xảo, tại đây ông được tiếp xúc trực tiếp với những học giả nổi tiếng ở Pháp, được tạo cơ hội tìm hiểu nền văn hóa của Pháp quốc – vốn được xem là nền văn hóa tiêu biểu cho phương Tây giai đoạn đó5. Ngoài ra, một thuận lợi khác không thể không nhắc đến là nghề thông dịch của tiên sinh, chính kinh nghiệm phiên dịch nhiều năm đã giúp ông rất nhiều trong việc chuyển ngữ các tác phẩm văn học Pháp. Như vậy, với Thế Tải tiên sinh, việc biên dịch từ văn học Pháp sang chữ quốc ngữ rõ ràng không phải là một thách thức lớn, thế nên ở phương diện nào đó có thể xem bộ phận này là một thành công không nhỏ trong sự nghiệp văn học của tiên sinh. Các công trình dịch thuật văn học Pháp – Việt của Trương Minh Ký đã được xuất bản gồm: Chuyện Phansa diễn ra quấc ngữ (1882 – bản in lần 2 năm 1884), Truyện Phansa diễn ra quấc ngữ (1884), Phú bần truyện diễn ca (1885 – bản in lần 2 năm 1896), Truyện Phansa diễn ra quấc ngữ (1886), Télémaque (1887); bên cạnh đó, hai công trình đã được tiên sinh dịch sang chữ quốc ngữ nhưng chỉ mới cho đăng trên Gia định báo, chưa in thành sách: Francinet (khởi đăng trên Gia định báo từ số 36, năm thứ 21, ngày 5/9/1885), Phansa quấc sử diễn ca (khởi đăng Gia định báo từ số 14, năm thứ 27, ngày 7/4/1891). Sơ lược nội dung của các công trình ấy như sau:
1. Chuyện Phansa diễn ra quấc ngữ đã được khởi đăng trên Gia Định báo từ năm 1881, gồm 16 truyện ngụ ngôn của La Fontaine được dịch dưới hình thức văn vần, đặc điểm chung của các bản dịch này là trước khi kết thúc, dịch giả thường dành vài câu thơ để nêu lên đạo lí rút ra từ câu chuyện.
2. Truyện Phansa diễn ra quấc ngữ bao gồm các dịch phẩm được thể hiện dưới hình thức văn xuôi, chuyển dịch từ các truyện ngụ ngôn của nhiều tác giả khác nhau như J. Wirth, P. Larousse, R. Dodsley,…, không có truyện ngụ ngôn của La Fontaine.
3. Truyện Phansa diễn ra quốc ngữ được dịch giả cho đăng lần hồi trên Gia Định báo từ năm 1881 đến năm 1886, gồm 150 truyện, có cả văn vần lẫn văn xuôi. Bằng Giang, trong quyển Văn học Quốc ngữ Nam kỳ 1865 – 1930, cho rằng đây là tác phẩm in lại toàn bộ các bản dịch truyện ngụ ngôn La Fontaine ra chữ quốc ngữ của Trương Minh Ký. Sau khi so sánh đối chiếu giữa tư liệu của Bằng Giang, tư liệu trên Gia Định báo và các tác phẩm dịch truyện ngụ ngôn đã được xuất bản của Trương Minh Ký, người viết nhận thấy đây có thể là quyển sách tổng hợp toàn bộ bản dịch truyện ngụ ngôn nước ngoài ra chữ quốc ngữ của Thế Tải tiên sinh, không hẳn chỉ gồm truyện ngụ ngôn La Fontaine như ý kiến của Bằng Giang. Ngoài nội dung tác phẩm được chuyển sang chữ quốc ngữ, ở mỗi mẩu chuyện tiên sinh thêm vào một vài câu thơ giảng nghĩa hoặc một câu ca dao, tục ngữ quen thuộc để độc giả hiểu rõ hơn ý nghĩa của tác phẩm.
4. Phú bần truyện diễn ca được xuất bản lần đầu vào năm 1885 tại nhà hàng C.Guilland et Martinon, tái bản lần hai vào năm 1896 tại nhà in C.Rey, Curiol et Cie, Rue Catinat et d’Ormay, Sài Gòn. Trước đó đã được khởi đăng trên Gia định báo từ số 47 ngày 22/11/1884 dưới tên Phú bần truyện, tuy nhiên đăng không liên tục, kéo dài trong hai năm 1884 và 1885. Hiện người viết đã sưu tầm được bản in của Phú bần truyện diễn ca tái bản vào năm 1896. Cuối truyện, có in dòng chữ ghi rõ thời gian Trương tiên sinh hoàn thành tác phẩm: “Chợ Lớn, giáp thân niên cửu ngoại sơ nhựt nhựt (19 Octobre 1884)”. Đây cũng chính là bản in được các học giả sử dụng trong các công trình nghiên cứu hoặc các bài báo về Trương Minh Ký hay liên quan đến tác phẩm Phú bần truyện diễn ca. Riêng về bản in lần đầu năm 1885, Bằng Giang có giới thiệu và trích dẫn hai câu đầu trong quyển Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 – 1930, tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa từng nhìn thấy toàn vẹn văn bản và còn đang tiếp tục sưu tầm. Ngoài ra, chúng tôi cũng sưu tầm được một số trích đoạn Phú bần truyện đã đăng trên Gia định báo ở các năm 1884 và 1885.
5. Francinet là truyện dịch dưới hình thức văn xuôi dành cho thiếu nhi, được khởi đăng trên Gia Định báo từ số 36, ngày 5.9.1885, chưa in thành sách. Theo tư liệu chúng tôi đang có, tức phần đăng trên năm báo thứ 21 (1885), truyện gồm 7 phần, mỗi phần đăng trên một số báo nhưng không liên tục, dừng lại ở số 50, ngày 12.12.1885.
6. Télémaque xuất bản năm 1887 tại S.: Imp.Commerciale Rey, Curiol & Cie, Rue Catinat et d’Ormay, 1887. Trước đó cũng đã được đăng trên Gia Định báo bắt đầu từ số 25 ngày 20.6.1885. Nguyên bản có tên là Les aventures de Télémaque (Tê – lê – mác phiêu lưu ký), một sáng tác của Fénelon được Trương tiên sinh dịch sang chữ quốc ngữ dưới hình thức thơ lục bát. Tác phẩm được xuất bản năm 1887, nhưng khởi đăng trên Gia Định báo từ số báo năm thứ 21, 1885.
7. Phansa quốc ngữ diễn ca mới đăng trên Gia Định báo (bắt đầu từ số 14, năm 27, ngày 7.4.1891), chưa in thành sách. Trong bài thơ 8 câu mở đầu có đoạn như sau: Pháp quốc sử lựa lời ta dịch, Nam bang tường sự tích này hay. Những ai phải quấy gian nguy, Truyện xưa tạc để, gương rày bày soi.
Xét về các công trình dịch thơ ngụ ngôn của La Fontaine và các tác giả khác, có thể thấy Trương Minh Ký đã tiên phong chuyển ngữ khoảng 150 tác phẩm ngụ ngôn phương Tây ra chữ quốc ngữ dưới các hình thức văn xuôi và văn vần, trong đó dịch giả có dụng ý diễn giải thêm trong bản dịch những câu hát dân gian. Trong bài viết Thi pháp dịch thuật (Qua một số bản dịch thơ Pháp – Việt), khi bàn về hoạt động dịch của Trương Minh Ký với ý nghĩa ông là người đầu tiên dịch thơ Pháp sang tiếng Việt, Nguyễn Duy Bình đã nhận xét như sau: “Đọc các bản dịch của ông, chúng ta thấy ông cắt xén, thêm bớt rất nhiều và thậm chí chỗ này chỗ khác ông còn thêm cả ca dao, tục ngữ của người Việt vào để bản dịch trở nên dễ tiếp cận hơn đối với công chúng độc giả Việt Nam» (Nguyễn Duy Bình 2014, tr. 60). Trên cơ sở khảo sát chi tiết các dịch phẩm truyện ngụ ngôn La Fontaine, có sự đối sánh với nguyên bản, nhà nghiên cứu tiếp tục khẳng định: «Dịch giả không bám sát từng câu từng chữ mà chỉ lấy một số ý trong nguyên bản để tái tạo thành một tác phẩm thi ca mới» (Nguyễn Duy Bình 2014, tr. 60)6. Chúng tôi cho rằng những nhận xét trên hoàn toàn xác đáng, ở đây xin nói rõ thêm, việc chú giải thêm các câu tục ngữ, ca dao dân tộc, những đoạn thơ đúc kết bài học luân lí trong bản dịch truyện ngụ ngôn phương Tây được dịch giả Trương Minh Ký thể hiện trên cả bản dịch văn vần lẫn văn xuôi. Chẳng hạn, kết thúc bản dịch bằng văn vần truyện Con ve với con kiến đăng trên Gia Định báo (số 17, ngày 16/6/1883) là một đoạn thơ gồm 6 câu đúc kết bài học đạo lý :
Đây khuyên tích cốc phòng cơ,
Ở đời liệu trước chớ chờ ăn năn.
Người giàu có, kẻ khó khăn,
Lấy dư cho thiếu lòng hằng nghĩa nhơn.
Mang ơn thì phải biết ơn,
Làm ơn ai đợi đền ơn bao giờ.7
Còn trong bản dịch có tiêu đề Sỏi sạn dưới hình thức văn xuôi đăng trên Gia Định báo số 40 ngày 04/10/1884, Trương tiên sinh đã đúc kết bằng câu tục ngữ «Trên đời chi khó, gắng vó thì nên».
Xét riêng dịch phẩm Phú bần truyện diễn ca, người viết cho rằng cần đi sâu tìm hiểu công trình này, bởi đây có thể xem là công trình phóng tác tiểu thuyết phương Tây đầu tiên của nền văn học Quốc ngữ Nam Bộ. Ngay dòng đầu của truyện, tác giả đã viết rõ “Việc đời nhơn lúc thảnh thơi. Phansa ngoại truyện diễn lời quấc âm” (Bản in năm 1885, dẫn theo Bằng Giang) hoặc “Phú bần truyện thiệt tiếng tây. Diễn ra quấc ngữ cho bầy trẻ coi” (Bản in lần 2 năm 1896).
Để có câu trả lời chính xác hơn Phú bần truyện diễn ca là tác phẩm dịch thuật hay dịch và phóng tác, thiết nghĩ việc truy tìm nguồn gốc nguyên bản tiếng Pháp của tác phẩm này đóng vai trò rất quan trọng. Trong khi hầu hết các tác phẩm dịch của Trương Minh Ký đều có ghi rõ tên nguyên bản, tên tác giả, và cả năm xuất bản, nơi xuất bản; nhưng với Phú bần truyện diễn ca, chúng tôi chỉ tìm thấy dòng chữ ghi như sau trên trang bìa của bản in lần 2: “PHÚ BẦN TRUYỆN DIỄN CA = RICHE ET PAUVRE par Thế Tải, Trương Minh Ký”. Như vậy, có thể hiểu nguyên bản tiếng Pháp của Phú bần truyện diễn ca có tên là Riche et pauvre, dịch nôm na có nghĩa là Chuyện giàu nghèo, còn tác giả là ai, xuất bản năm nào, ở đâu thì không có thông tin cụ thể. Như đã nói trên, thông tin về Phú bần truyện diễn ca được dịch thuật và phóng tác từ một tác phẩm văn xuôi bằng tiếng Pháp xuất phát từ học giả người Pháp H.Cordier và Phạm Việt Tuyền. Thế nhưng, hiện giờ chúng ta vẫn chưa tìm thấy những văn bản hay bút tích nào của hai học giả này liên quan đến Phú bần truyện diễn ca của Trương Minh Ký. Thực tế, đây là những thông tin lấy từ bài viết về Trương Minh Ký và Phú bần truyện diễn ca của Bằng Giang. Như vậy, việc tìm hiểu tác phẩm Riche et pauvre – nguyên bản của Phú bần truyện diễn ca và những thông tin về tác giả, thể loại,… là thực sự cần thiết. Thông qua Internet, hiện chúng tôi đã tìm được một tác phẩm văn xuôi viết bằng tiếng Pháp của tác giả Émile Souvestre (1806 – 1854) có tên là Riche et pauvre3. Liệu đây có phải là tác phẩm văn xuôi mà học giả H.Cordier và Phạm Việt Tuyền đã nói đến? Riche et pauvre của E. Souvestre là một tác phẩm văn xuôi, dài 301 trang (không kể trang bìa). Bản in chúng tôi đang giữ do nhà xuất bản Michel Lévy thực hiện vào năm 1858 tại Paris. Trên cơ sở lược dịch Riche et pauvre của E.Souvestre, chúng tôi nhận thấy về cơ bản cốt truyện của tác phẩm này có nét gần gũi với Phú bần truyện diễn ca của Trương Minh Ký, mặc dù tên các nhân vật chính và bối cảnh của hai truyện không hoàn toàn giống nhau. Câu chuyện xoay quanh chủ yếu nhân vật chính Antoine Larry – con nhà nghèo, mồ côi cha, đang theo đuổi việc học để trở thành luật sư; với sự hỗ trợ, chia sẻ của chàng Georges Randel – con nhà giàu, phấn đấu học hành để trở thành bác sĩ. Với đặc trưng thể loại văn xuôi, câu truyện được xây dựng với nhiều kịch tính và rất nhiều đoạn đối thoại hấp dẫn, trong đó tác giả dành nhiều trang viết về mối tình của chàng Antoine cũng như thể hiện diễn biến tâm lí của nhân vật chính này sau cái chết của người yêu. Theo chúng tôi, Riche et pauvre của E.Souvestre chính là nguyên bản tiếng Pháp của Phú bần truyện diễn ca. Và như vậy, rõ ràng Trương Minh Ký không chỉ đơn thuần làm công việc chuyển ngữ Riche et pauvre, mà ông đã gia công rất nhiều trong việc phóng tác một tác phẩm văn xuôi nước ngoài trở thành câu truyện viết bằng thơ lục bát mang đậm tính dân tộc. Chúng tôi xin trích lược giới thiệu một số nhân vật chính của hai tác phẩm:
Phú bần truyện diễn ca | Riche et pauvre | |||
1 | Georges (Do) | – Nhà nghèo, cha bệnh nặng rồi mất, mẹ già yếu.
– Về sau trở thành văn thừa tướng |
Antoine Larry | – Nhà nghèo, mồ côi cha, mẹ có cửa hàng văn phòng phẩm ở ngoại ô Autrin.
– Luật sư |
2 | Alfred (An Pháp) | – Nhà giàu, cha là tổng trấn
– Sau trở thành võ thừa tướng |
Georges
Randel |
– Nhà giàu, cha là người chế tạo đồng hồ
– Bác sĩ |
3 | Louis (Luy) | – Cậu học trò khoảng mươi tuổi, rất kính mến thầy Georges. | Louise | – Người con gái Antoine yêu |
Riche et Pauvre là một trong hai quyển tiểu thuyết đầu tay của E.Souvestre – tiểu thuyết gia người Pháp. Người đọc dễ dàng tìm thấy ở nhân vật Antoine Larry hình ảnh của chàng trai Souvestre thời thanh thiếu niên – sớm mất cha, học ngành Luật tại Rennes. E. Souvestre sinh ngày 15/04/1806 tại Morlaix – Finistère, từng là nhà báo, giáo viên và giáo sư, nhưng nghề nghiệp chính là sáng tác văn chương.
Ngoài phần lung và kết, Phú bần truyện diễn ca gồm 12 thứ, 700 câu lục bát. Nội dung kể về hai người bạn, một là An Pháp (Alfred) con nhà giàu có, danh giá; còn người kia có tên là Do (Georges), gia cảnh hết sức khó khăn, nhà túng thiếu, cha già lại lâm trọng bệnh. Cả hai người đều là những bậc tài năng nhất nhì của trấn Tây Thành. An Pháp tuy giàu có nhưng tấm lòng luôn rộng mở. Trước tình cảnh túng thiếu, lao đao của Do, chàng động lòng thương tình nên tìm mọi cách giúp đỡ bạn, lúc thì mua tranh ủng hộ, khi thì chu cấp cả tiền ăn học và phụng dưỡng mẹ già của bạn để anh ấy toàn tâm học hành. Còn Do, tuy nghèo khó nhưng vẫn tìm mọi cách vươn lên. Chính lòng kiên trì, vượt khó của chàng cộng với sự giúp đỡ của những người tốt bụng (nhà sư, bà vú, vợ chồng thợ tiện,…) nên cuối cùng công danh đều hiển đạt. Truyện kết thúc trong sự hiển vinh của cả hai nhân vật chính. Như đã nói, Phú bần truyện diễn ca không đơn thuần là tác phẩm dịch toàn văn từ nguyên tác tiếng Pháp mà còn có một phần lớn công sức sáng tạo của Thế Tải tiên sinh. Những nhân vật trong tác phẩm đã được tiên sinh biến hóa thành những con người Việt Nam thực sự, mang những phẩm chất, tính cách của dân tộc Việt Nam; mặt khác cách sinh hoạt, cách suy nghĩ và cả lối học hành, thi cử trong đó cũng được thay đổi theo truyền thống văn hóa Việt Nam. Nhân vật chính – chàng Do xuất hiện không mang chút dáng dấp của kẻ học sĩ phương Tây mà ngược lại chỉ thấy hình ảnh của chàng nho sĩ Hán học rất đặc trưng phương Đông:
Do nầy trí cả tài cao,
Dõi theo đạo chánh, xen vào thánh môn
Rồi những địa danh như: kinh thành, chùa chiền,…; những nhân vật cụ thể khác như: viên ngoại, nhà sư,.. đều là những khung cảnh, những con người rất tiêu biểu của nền văn hóa phương Đông.
Ở đây, hầu như nhân vật đã được dịch giả Trương Minh Ký Việt Nam hóa hoàn toàn, chúng ta không chỉ thấy ở trong đấy hình ảnh của con người Việt Nam mà còn nhận ra những bộc bạch của một nhà nho về thế cuộc, về số phận của con người lồng trong những lời phát biểu của nhân vật.
Từ câu chuyện có nguồn gốc tận nước Pháp xa xôi, dưới ngòi bút phóng tác của Trương Minh Ký, Phú bần truyện diễn ca đã trở nên gần gũi với người Việt hơn. Cái hay của bản dịch là ở chỗ Thế Tải tiên sinh đã dân tộc hóa, địa phương hóa tác phẩm nhưng vẫn không làm mất đi nội dung cốt lõi, thể hiện một ý thức tự chủ trong việc tiếp nhận văn học nước ngoài – kết hợp hài hòa cái hay của văn học nước ngoài với bản sắc văn hóa của dân tộc.
2.2.2. Hồ Biểu Chánh – Người cải biên nhiều tác phẩm văn học phương Tây ở Nam Bộ
Hồ Biểu Chánh là nhà văn tiêu biểu nhất trong hoạt động nghệ thuật phóng tác. Trong số 64 cuốn tiểu thuyết, Hồ Biểu Chánh đã có 14 cuốn dựa theo tiểu thuyết phương Tây, gồm 13 tác giả Pháp và 1 tác giả Nga, gồm: Vậy mới phải phỏng theo Le Cid của P. Corneille, Ai làm được phỏng theo André Cornélis của Paul Bourget, Chúa tàu Kim Quy phỏng theo Le comte de Monte Cristo của A. Dumas, Cay đắng mùi đời phỏng theo Sans Famille và Chút phận linh đinh phỏng theo En Famille của Hector Malot, Thầy Thông ngôn phỏng theo Les Amours d’Estèves của Theuriet, Ngọn cỏ gió đùa phỏng theo Les Misérables của V.Hugo; 3 cuốn Kẻ làm người chịu phỏng theo Les deux Gosses, Vì nghĩa vì tình phỏng theo FanfanetClaudinet, Cha con nghĩa nặng phỏng theo Le Calvaire của P.Décourselle, Ở theo thời phỏng theo Topaze của Marcel Pagnol, Ông Cử phỏng theo L’artisto, Đóa hoa tàn phỏng theo Le Rosaire, Người thất chí phỏng theo Crime et Châtiment của F. Dostoievski.
Qua so sánh các tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh phóng tác từ tiểu thuyết Pháp, chúng ta nhận thấy khả năng tiếp biến văn học phương Tây của Hồ Biểu Chánh đã có những bước phát triển mới. Nếu ở tác phẩm cải biên đầu tay Vậy mới phải, Hồ Biểu Chánh viết dưới dạng truyện thơ, theo bố cục của một truyện thơ Nôm: lung – câu chuyện – kết, thì sang Ai làm được – tiểu thuyết hiện thực đầu tiên của Việt Nam, tác giả đã có sự thay đổi hoàn toàn trong thể loại. Huỳnh Thị Lành đã nhận xét khá sâu sắc những bước phát triển của Hồ Biểu Chánh trong hoạt động phóng tác – cải biên văn học phương Tây như sau: “Nếu ở Cay đắng mùi đời, Hồ Biểu Chánh theo sát từng nhân vật, từng diễn biến trong tác phẩm Sans Famille thì đến Ngọn cỏ gió đùa chỉ còn phảng phất bóng dáng của Les Misérable” (Huỳnh Thị Lành 2007, tr. 53). Tiếp nối những công trình cải biên của những dịch giả – nhà văn thế hệ trước, Hồ Biểu Chánh đặt trọng tâm thể hiện tính dân tộc, tính địa phương với một ý thức dân tộc hoá mạnh mẽ trong quá trình phóng tác, tránh “không làm tổn thương đến thuần phong mỹ tục Việt Nam như trường hợp Ánh Nguyệt (Fantine) trong Ngọn cỏ gió đùa” hay “Từ cảm hứng “báo thù rửa hận” trong Le comte de Monte Cristo, Hồ Biểu Chánh thiên về ý tưởng nhân quả và luân lý trong Chúa tàu Kim Quy” (Huỳnh Thị Lành 2007, tr. 53). Độc giả dễ dàng nhận thấy sự hiện diện đậm nét những phản ánh, những cảm hứng về các vấn đề tình người, đạo lý, nhân nghĩa… trong một phạm vi cuộc sống rộng lớn.
Khi nhận định về vai trò, khả năng của Hồ Biểu Chánh trong nghệ thuật phóng tác, Trần Hữu Tá đã đánh giá cao sự cảm thụ tinh tế và khả năng phóng tác tài hoa của ông. Ở đây, chúng tôi cho rằng chính sự dung dị trong cách sử dụng ngôn ngữ, sự sâu sắc trong nội dung đạo lí và khả năng thuần thục với kĩ thuật viết tiểu thuyết phương Tây đã giúp cho những tác phẩm của Hồ Biểu Chánh đến với người đọc một cách tự nhiên, khiến cho họ “cứ ngỡ là gặp ở đây những vùng đất Nam bộ, sống lại không khí một thời của vùng đất này với những con người chất phác trung thực, hiền lương đã đổ mồ hôi và máu trên các miệt đồng, các kênh rạch đồng bằng sông Cửu Long” (Huỳnh Thị Lành 2007, tr. 53).
2.4. Đặc điểm của hoạt động cải biên văn học trong quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc
Susan Bassnett đã nhận định tiến trình hiện đại hóa của một nền văn học như sau: “Một nền văn học đang phát triển sẽ có xu hướng được dịch lớn hơn là một nền văn học tự nhận thức là đã phát triển ở trình độ cao”8. Trong quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc, dịch và cải biên văn học ở Nam Bộ cuối thế kỉ XIX đến năm 1945 đi theo một tiến trình gần như đồng bộ với các nền văn học lớn trên thế giới, như Itamar Even-Zohar đã từng chỉ ra những điều kiện cho một nền dịch thuật nở rộ khi bàn về vị trí của văn học dịch trong đa hệ thống văn chương như sau: “ a) Khi một đa hệ thống chưa được kết tinh, nghĩa là khi một nền văn học còn “trẻ”, đang trong quá trình được hình thành; b) khi một nền văn học hoặc ở “bên lề” (bên trong một nhóm lớn các nền văn học có liên quan), hoặc “yếu” và có thể cả hai, và c) khi có những điểm ngoặt, những khủng hoảng hoặc khoảng chân không trong một nền văn học” (Itamar Even – Zohar 2014, tr. 151). Xuất phát từ góc nhìn lý thuyết phức hệ, Nguyễn Duy Bình cũng cho rằng sự nở rộ của hoạt động dịch văn học Pháp giai đoạn này tương ứng với trường hợp (a) của Even-Zohar : “Sự lên ngôi của văn học dịch nói chung và dịch văn học Pháp nói riêng giai đoạn này có thể giải thích bằng sự tương tác của nhiều hệ thống: hệ thống văn học dân tộc, hệ thống thể chế, hệ thống văn hóa – giáo dục, hệ thống báo chí” (Nguyễn Duy Bình 2014, tr. 23). Hoạt động cải biên văn học giai đoạn này đã phản ánh quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc: đi từ truyện giải trí (ngụ ngôn) đến truyện tâm lí – xã hội; từ chuyển dịch sang văn vần đến hình thức văn xuôi, từ truyện cực ngắn đến truyện tương đối dài, tiểu thuyết; từ việc dịch trực tiếp đến thích ứng, vận dụng và cải biên phù hợp bối cảnh, nhu cầu,…
Đặc điểm dễ thấy, cũng là một hạn chế của hoạt động dịch và cải biên văn học phương Tây ở Nam Bộ giai đoạn này là hầu hết nguyên tác thuộc nền văn học Pháp ngữ. Những dịch giả/ tác giả thực hiện dịch/cải biên hầu hết đều do những trí thức đã từng du học ở phương Tây hoặc được đào tạo trong nền giáo dục chịu ảnh hưởng Tây học
Tính chất tiên phong, mở đường của hoạt động cải biên văn học. Thật ra, chúng tôi cho rằng hoạt động dịch thuật này của lớp nhà văn Nam Bộ buổi đầu không chỉ mang tính chất tiên phong, mà đó là sự dấn thân, khởi phát có phần bị động theo chủ trương của chính quyền Pháp nhưng dần trở thành lực lượng chủ động đi tìm những thể nghiệm mới, bộc bạch những quan niệm mới. Có ý kiến nhận xét thế này: “Trong chặng đường mở đầu này, ý nghĩa của sự hội nhập thế giới trước hết là sáng tác theo mẫu hình thể loại văn học phương Tây hiện đại. Nhưng đó là một thử thách quá lớn với nhà văn Việt Nam khi đã có gan từ bỏ nền cựu học nhưng vẫn “còn vương tơ lòng”, lại là lúc nền Tây học chưa thật sự cắm sâu trong nền tảng tri thức của họ. Họ vượt qua thử thách đó bằng cách ban đầu mô phỏng (bắt chước) một tác phẩm văn học Pháp để viết tác phẩm của mình.” (Lê Văn Tùng 2014). Hoàn toàn thống nhất rằng, trong buổi sơ khai của nền văn học Quốc ngữ, các nhà văn Nam Bộ đã đi từ chuyển ngữ trực tiếp các tác phẩm văn chương từ Pháp văn sang chữ Quốc ngữ, sau đến sáng tác theo mẫu hình thể loại văn học phương Tây hiện đại. Nhưng, không hẳn đó lại là thử thách đối với họ, mà có khi đó là sự chủ động, chủ động lựa chọn cách tiếp cận luồng văn hóa ngoại lai, chủ động đáp ứng nhu cầu thưởng thức của đối tượng tiếp nhận, hay nói cách khác là nắm bắt tầm đón nhận của công chúng Nam Bộ.
Cảm hứng đạo lý truyền thống là cảm hứng chủ đạo của các tác phẩm cải biên văn học phương Tây ở Nam Bộ. Trước sự du nhập ồ ạt của văn hóa phương Tây, xã hội Việt Nam có những chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là vùng đất Nam Bộ chịu sự cai trị trực tiếp của thực dân Pháp. Các giềng mối xã hội Việt Nam dưới chế độ phong kiến ngày càng rạn nứt để thay vào đó bằng một thể chế mới. Sự đổi thay này diễn ra liên tục và lan tỏa sâu rộng từ thành thị đến nông thôn. Phần lớn các tác phẩm tiểu thuyết của các nhà văn ở Nam bộ thời kỳ này thường hay đề cập đến vấn đề luân thường đạo lý. Do vậy, cảm hứng chủ đạo của các nhà văn Nam bộ là cảm hứng “vì nghĩa”, “xả thân thủ nghĩa”. Một sự tiếp nối truyền thống văn học Nam Bộ đã từng thành công rực rỡ trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu. trong đó đạo đức đã thành đạo lý, cách sống, cách cư xử ở đời – một hình thức đạo lý nhân dân, đạo đức bình dân.
3. Kết luận
Trong giai đoạn nền văn học Quốc ngữ phôi thai, những công trình cải biên đầu tiên của Trương Minh Ký đã mang đến cho nền văn học dân tộc những luồng gió mới, những thể loại mới, những thể nghiệm mới và cả những quan niệm rất mới. Đến Hồ Biểu Chánh – một hiện tượng cải biên văn học tiêu biểu, thể loại tiểu thuyết đã trở thành một thể loại văn học quen thuộc đối với độc giả Nam Bộ, đặc biệt góp phần quan trọng đặt nền móng cho giai đoạn phát triển của văn xuôi quốc ngữ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.
Những tác phẩm cải biên văn học đã giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn một quy luật vận động của văn học trong buổi giao thời, một quy luật tiếp nhận ảnh hưởng của văn hoá-văn học ngoại lai. Đó là con đường đi từ “văn học dịch”, đến “phóng tác” và cuối cùng là “sáng tác”. Thiết nghĩ hiện tượng này không phải là hiện tượng cá biệt chỉ có ở Việt Nam, mà có lẽ nó cũng đã xuất hiện trong các nền văn học Đông Á trong tiến trình tiếp xúc, tiếp nhận văn hóa phương Tây (Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc…). Rõ ràng sự nảy sinh nhu cầu phóng tác là một hiện tượng có quy luật đối với những dân tộc muốn bứt phá khỏi truyền thống để xây dựng một mô hình văn học hoàn toàn mới lạ, thể hiện bản lĩnh “đồng hoá” và “sáng tạo” đặc biệt của con người Việt Nam, từ đó giúp nhận diện rõ ràng hơn vị trí quan trọng của những nhà văn đi tiên phong trong thời kỳ đầu của nền văn học hiện đại.
__________
5 Sau chuyến đi này, Trương Minh Ký đã xuất bản tác phẩm “Chư quấc thại hội” (1891) – một trong những công trình du kí đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ.
6 Nguyễn, Duy Bình. 2014. Lưng chừng Babel. NXB Đại học Vinh, Nghệ An. 59-70.
7 Tuy nhiên, trong bản in Chuyện Phansa diễn ra quốc ngữ năm 1884, dịch giả rút gọn chỉ 2 câu đầu của đoạn thơ để kết dịch phẩm Con ve với con kiến.
8 Trích từ Chương II – “Genre in Adaptation and Translation” trong Garin Dowd, Lesley Stevenson và Jeremy Strong (biên tập). 2006. Genre Matters – Essays in Theory and Criticism. The University of Chicago Press. 178 trang.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bassnett, S. và Lefevere, A. 1990, Translation, History and Culture. Printer, London.
Cao, Tự Thanh. Những tiền đề xã hội của văn học Quốc ngữ Nam Kỳ đầu thế kỉ XX, xem ngày 12/01/2016, <https://trucnhatphi.wordpress.com/2009/01/30/>.
Đỗ, Văn Hiểu. Mĩ học tiếp nhận với dịch thuật và giảng dạy văn học dịch, xem ngày 12/01/2016,
<https://tapchinguvan.wordpress.com/2012/07/03/mi-hoc-tiep-nhan-voi-dich-thuat-va-giang-day-vanhoc-dich/>.
Francois, Ost. 2011. Dịch – Sự bảo vệ và minh giải đa ngôn ngữ. NXB Lao động. 638 trang.
Garin, Dowd, Lesley, Stevenson and Jeremy, Strong (biên tập). 2006. Genre Matters – Essays in Theory and Criticism. The University of Chicago Press, 178 trang.
Henry, Whittlesey. The Transpositon of form, xem ngày 12/01/2016,
<http://www.translationdirectory.com/articles/article2411.php>.
Henry, Whittlesey. A Typology of Derivatives: Translation, Transposition, Adaptation, xem ngày 12/01/2016, <http://translationjournal.net/journal/60adaptation.htm>.
Hoàng, Cẩm Giang. Một góc nhìn về quan hệ Đông Tây qua hiện tượng phóng tác trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, xem ngày 12/01/2016,
<http://hcgiang.blogspot.com/2013/12/mot-goc-nhinve-quan-he-ong-tay-qua.html>.
Hoàng ,Phê (Chủ biên). 2012. Từ điển Tiếng Việt. NXB Từ điển Bách Khoa. 1522 trang.
Huỳnh ,Thị Lành. 2007. Vị trí của Hồ Biểu Chánh trong văn xuôi Quốc ngữ Việt Nam đầu thế kỉ XX (1900-1932). Luận án tiến sĩ Ngữ văn. Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Itamar, Even – Zohar (Trần Hải Yến, Nguyễn Đào Nguyên dịch). 2014. Lý thuyết đa hệ thống trong nghiên cứu văn hóa, văn chương. NXB Thế Giới. 485 trang.
Lại, Nguyên Ân. 1996. Truyện Nôm – Vài khía cạnh văn học sử, xem ngày 12/01/2016,
<http://lainguyenan.free.fr/DLNX/TruyenNom.html>.
Lê, Giang. 2011. Khảo sát, đánh giá và bảo tồn văn học Quốc ngữ Nam Bộ 1930 – 1945, Báo cáo tổng kết đề tài KHCN cấp ĐHQG trọng điểm.
Lê, Văn Tùng, Ba chặng đường hội nhập thế giới của văn học Việt Nam hiện đại, Xem ngày 08/10/2015,
<http://www.ngheandost.gov.vn/JournalDetail/ar1866_Ba_chang_duong_hoi_nhap_the_
gioi_cua_van_hoc_Viet_Nam_hien_dai.aspx>.
Nguyễn, Duy Bình. 2014. Lưng chừng Babel – Tiểu luận văn chương và dịch thuật. NXB Đại học Vinh. 382 trang.
N. Konrat. 1997. Phương Đông và Phương Tây, NXB Giáo dục. 354 trang.
Nguyễn, Nam. 2002. Phiên dịch học lịch sử, văn hóa – Trường hợp Truyền kỳ mạn lục. NXB Đại học Quốc gia. 474 trang.
Nguyễn, Như Ý (Chủ biên). 2013. Đại từ điển tiếng Việt. NXB ĐHQG TP. HCM. 1903 trang.
Phạm, Xuân Thạch. Sự thẩm thấu của một số mô hình tiểu thuyết phương Tây vào thực tế văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, xem ngày 12/01/2016,
<http://phebinhvanhoc.com.vn/tag/mo-hinh-tieuthuyet-phuong-tay/>.
Phạm, Xuân Thạch. Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh – nhìn từ sự phát triển của văn học và văn hóa Nam Bộ đầu thế kỷ XX, xem ngày 12/01/2016,
<https://sites.google.com/site/thachpx/v%C4%83nxu%C3%B4ih%E1%BB%93bi%E1%BB%83uch%C3%A1nh>.
Phạm, Thị Tố Thy. 2011. Về Phú bần truyện diễn ca của Trương Minh Ký – tác phẩm “gây nhiễu” nhất nhì trong lịch sử văn học Quốc ngữ Nam Bộ. Tạp chí Đại học Sài Gòn – Bình luận văn học niên giám 2011.
Trần, Nghĩa .1999. “Lược đồ quan hệ tiểu thuyết Hán Nôm Việt Nam và tiểu thuyết cổ các nước trong khu vực” in trong Tạp chí Hán Nôm số tháng 2/1999, xem ngày 12/01/2016,
<http://hannom.org.vn/web/tchn/data/9802v.htm>.
Võ, Văn Nhơn. 2011. Ảnh hưởng của tiểu thuyết nước ngoài đối với sự hình thành và phát triển nền tiểu thuyết quốc ngữ ở Nam Kỳ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Southeast Asia Journal. Vol. 21. No.1. Tr.209-227.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội & Nhân văn, Số 20, tháng 12/2015
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Mời xem lại: