Khảo sát cách đặt tiêu đề trên báo mạng điện tử tiếng Việt và tiếng Anh (Phần 2)

A STUDY INTO THE WAYS OF CREATING TITLES IN
VIETNAMESE AND ENGLISH ONLINE NEWSPAPER

Tác giả bài viết: NGÔ THỊ KHAI NGUYÊN
(Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế)

5. Thảo luận và kiến nghị

     5.1. Thảo luận

     Đầu tiên, tiếng Anh hãy xét các dạng cấu trúc tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt và tiếng Anh được phân loại dựa vào đặc điểm cấu trúc ngữ pháp.

     Kết quả khảo sát tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt và tiếng Anh cho thấy việc sử dụng cụm từ không phổ biến lắm trong cả tiếng Việt và tiếng Anh. Nếu như trong 100 mẩu tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt có 21 mẩu là cụm từ, chiếm tỷ lệ 21% thì chỉ có 12 tiêu đề dạng này trong tiếng Anh, chiếm tỷ lệ 12%. Việc sử dụng cụm từ và lược bỏ một số thành phần trong câu giúp cho tiêu đề trở nên ngắn gọn và dễ nắm bắt được nội dung hơn.

     Có thể nhận thấy, trong cả báo mạng điện tử tiếng Việt và tiếng Anh đều sử dụng cụm danh từ (chiếm tỷ lệ 11% trong tiếng Việt và 12% trong tiếng Anh). Điểm tương đồng về cấu trúc của cụm danh từ làm tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt và tiếng Anh là đều có phần phụ trước (premodifier) và phần phụ sau (postmodifier). Ví dụ:

     Phần phụ trước: Những cách chống dịch nCoV ‘cười ra nước mắt’ (tiếng Việt). // How to live longer: The surprising drink which could be the secret to long life expectancy (tiếng Anh).

     Phần phụ sau: Đêm hội ngộ nóng bỏng của những vũ công bellydance (tiếng Việt). // Eastleigh train derailment ‘due to shocking inept maintenance’ (tiếng Anh).

     Một điểm tương đồng dễ nhận thấy là số lượng tiêu đề có cấu trúc câu đơn chiếm tỷ lệ cao trong cả báo mạng điện tử tiếng Việt (chiếm tỷ lệ 62%) lẫn báo mạng điện tử tiếng Anh (chiếm tỷ lệ 50%). Tần số xuất hiện cao như vậy chứng tỏ câu đơn là dạng câu thường được sử dụng phổ biến trong tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt cũng như báo mạng điện tử tiếng Anh.

     Thông tin trên báo chí thường là những thông tin ngắn gọn, chính xác, cho nên trong tiêu đề báo chí thường gặp nhất là thể loại câu đơn (câu do một cụm chủ ngữ – vị ngữ (gọi tắt là cụm chủ vị) tạo thành). Câu đơn thường được sử dụng để tăng cường độ tập trung thông tin, gây ấn tượng đối với độc giả, và đây chính là xu hướng hiện nay trong các tiêu đề báo mạng điện tử.

     Kiểu câu này đáp ứng được yêu cầu ngắn gọn mà hàm súc, chuyển tải được nhiều nội dung tin tức. Ví dụ: Hà Nội: Ngày thứ hai đi học, cháu bé 6 tuổi bị bỏ quên trên xe và tử vong (tiếng Việt). // Brexit: Border delays ‘could cause fresh food problems’ (tiếng Anh).

     Trái lại, dạng câu ghép và câu phức có tần số xuất hiện ít hơn so với câu đơn. Do cấu tạo của câu ghép và câu phức thường rườm rà và phức tạp hơn nhiều so với câu đơn nên tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt và tiếng Anh ít khi sử dụng chúng. Trong tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt, tỷ lệ câu ghép và câu phức chiếm 17% và tỷ lệ ấy trong tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Anh là 25%.

     Việc lựa chọn các kiểu loại câu để phản ánh thông tin tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Có thể do yêu cầu thể loại quy định (tin tức là những gì khách quan, đúng với sự thật thì chọn kiểu câu trần thuật là phù hợp), có thể do nội dung đề tài chi phối, và có thể do nhân tố giao tiếp trong việc lựa chọn kiểu câu nào thích hợp để có giá trị thông tin cao nhất.

     Kết quả khảo sát các dạng cấu trúc tiêu đề các bài Báo mạng điện tử tiếng Việt và tiếng Anh được phân loại dựa trên mục đích và chức năng của hành động nói cho thấy không có tiêu đề nào ở cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh được viết dưới dạng câu cảm thán (chiếm tỷ lệ 0%). Tần số xuất hiện là 0% cho thấy dạng câu cảm thán không phù hợp để viết tiêu đề báo mạng điện tử trong cả tiếng Việt và tiếng Anh.

     Nếu như tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Anh không có câu cầu khiến nào (chiếm tỷ lệ 0%) thì tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt có 4 câu cầu khiến (chiếm tỷ lệ 4%), ví dụ: Phó thủ tướng: ‘Không khoan nhượng với đầu tư chui, núp bóng’ (Đây là chỉ thị của phó thủ tướng nên sử dụng câu cầu khiến là phù hợp.)

     Trái lại, câu trần thuật chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số các tiêu đề báo mạng điện tử
tiếng Việt (chiếm tỷ lệ 58%) và cả trong tiếng Anh (chiếm tỷ lệ 53%). Theo số liệu khảo sát, có đến 58 tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt và 53 tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Anh được viết dưới dạng này. Điều này là hoàn toàn phù hợp với chức năng của báo mạng điện tử, đó là cung cấp thông tin cần thiết cho độc giả ngay từ dòng tiêu đề. Đối với phát ngôn trần thuật, người viết thể hiện thông báo như một lời xác nhận, một điều xác tín đối với người đọc, người tiếp nhận thông tin, về một sự tình được xem là hiện thực. Ví dụ:

     – Quốc gia châu Phi “dở khóc dở cười” vì dự án đường sắt của Trung Quốc (câu trần thuật).

     – Nigeria police rescue more than 300 boys and men held in ‘dehumanizing conditions’ (câu trần thuật).

     Một điểm tương đồng nữa là tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt và tiếng Anh đều có dạng câu nghi vấn. Nếu như trong 100 tiêu đề ở mỗi thứ tiếng được khảo sát có 17 câu nghi vấn trong tiếng Việt (chiếm tỷ lệ 17%) thì lại có 22 câu nghi vấn trong tiếng Anh (chiếm tỷ lệ 22%).

     Cách đặt tiêu đề dưới dạng câu nghi vấn có tác dụng thu hút sự chú ý hoặc gợi lên sự tò mò của độc giả thông qua việc đặt câu hỏi, từ đó khiến người đọc phải tư duy, suy đoán, nhận định trước khi đọc tiếp để tìm ra câu trả lời. Ví dụ:

Có hay không trái cây Trung Quốc “mượn mác” Mỹ, New Zealand?

What makes soda so addictive?

     Tiêu đề câu hỏi quả thật là có khả năng tạo ra cảm giác đối thoại giữa nhà báo và độc giả. Chúng là những thông tin định hướng cho phản ứng hồi đáp. Dùng câu hỏi vừa gợi ra sự suy tưởng và cuốn hút được độc giả, kích thích độc giả tìm ra được câu trả lời ở phía dưới văn bản. Do vậy, khi viết tiêu đề cho một mẩu tin, các tác giả nên cân nhắc nhiều hơn đến việc đặt câu hỏi để tạo ra được sự hấp dẫn, lôi cuốn.

     Một điều đáng chú ý là trong tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Anh có sử dụng mệnh đề WH (WH-clause), chiếm tỷ lệ 13% và điều này không hề tồn tại trong tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt, vì đơn giản là WH-clause chỉ có trong tiếng Anh. Trong ngữ pháp tiếng Anh, một mệnh đề WH là một mệnh đề phụ bắt đầu bằng các từ để hỏi (what, who, which, when, where, why, how, whom, whose). Cách đặt tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Anh dưới dạng WH-clause có tác dụng khơi gợi sự tò mò, hứng thú và quan tâm của người đọc muốn tìm hiểu rõ về tin tức đó. Ví dụ:

     How FedEx Cut Its Tax Bill to $0 (Cách FedEx cắt giảm hoá đơn thuế còn $0). Với tiêu đề này, độc giả cảm thấy kích thích và hứng thú, muốn đọc tin tức ngay bên dưới để có thể hiểu được “chiêu thức” này.

     Why you should find time to be alone with yourself (Tại sao bạn nên tìm ra thời gian để ở một mình). Tiêu đề này khiến người đọc muốn hiểu được lý do tại sao mỗi người nên có những lúc xa rời thế giới để được ở một mình.

     Tiếp theo, có thể rút ra một số nhận xét về cách sử dụng từ ngữ trên tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt và tiếng Anh như sau:

     Trước hết, tiêu đề báo mạng điện tử cần có sự hấp dẫn, cuốn hút, cho nên, trong tiếng Việt, những người viết báo thường xuyên sử dụng những từ ngữ mang tính chất biểu cảm và nhấn mạnh. Trong số 100 mẩu tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt thì có đến 49 tiêu đề (chiếm tỷ lệ 49%) có chứa những từ ngữ biểu cảm, sinh động, thể hiện qua ví dụ như: Ô tô “phơi bụng” trên cầu vượt, 4 người mắc kẹt trong xe (Từ “phơi bụng” tạo ra một ấn tượng mạnh trong tâm trí độc giả. Nếu dùng những từ khác, như là “nằm ngửa” hay “bị tai nạn” thì sức mạnh ngôn từ bị giảm đi hẳn.)

     Bên cạnh việc sử dụng những từ ngữ mang tính chất biểu cảm và nhấn mạnh thì tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt cũng thường xuyên sử dụng những từ mượn (từ có gốc là tiếng Anh), trong số 100 tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt thì có 36 tiêu đề kiểu này, chiếm tỷ lệ 36%. Việc sử dụng từ mượn thể hiện hai điều: thứ nhất là sự sùng bái ngoại ngữ của người viết báo, và thứ hai là sự thể hiện tính hiện đại và hợp thời của tin tức. Nhờ những từ mượn này, tiêu đề bài báo có thêm tính lôi cuốn vì những từ này tạo ra tính mới mẻ, trẻ trung, hiện đại và thời thượng cho mẩu tin. Có khá nhiều những tiêu đề báo mạng điện tử sử dụng từ mượn xuất xứ là tiếng Anh, thể hiện qua ví dụ sau: Hồng Vân lần đầu diễn vedette trong show áo dài. Có thể thấy rằng các từ tiếng Anh như vedette, show đều có những từ tiếng Việt tương ứng cùng nghĩa (ngôi sao sân khấu, buổi diễn). Tuy nhiên, người viết báo vẫn quyết định sử dụng từ tiếng Anh để đặt tên cho tiêu đề. Điều đó chứng tỏ tác giả tiêu đề và bài báo mạng điện tử muốn nhắm đến người đọc trẻ tuổi, với mục tiêu rõ ràng là đánh vào thị hiếu “sính ngoại”, thích những điều mới lạ, thời thượng, tân tiến của giới trẻ bây giờ. Đó cũng chính là một trong những nghệ thuật đặt tiêu đề của người viết báo mạng điện tử tiếng Việt.

     Ngoài ra, người viết báo còn sử dụng những từ có cùng trường nghĩa để đặt tiêu đề (chiếm tỷ lệ 15%) và sử dụng những thành ngữ, tục ngữ hoặc cụm từ cố định để đặt tiêu đề (chiếm tỷ lệ 13%). Dưới đây là các ví dụ về 2 cách sử dụng từ ngữ này:

      Sử dụng những từ có cùng trường nghĩa: Ông bố trở thành ‘ngân hàng máu sống’ của con trai (Ông bố và con trai là những từ có cùng trường nghĩa chỉ những người thân trong gia đình.)

     Sử dụng những thành ngữ, tục ngữ hoặc cụm từ cố định: Bạn thích cô bé lọ lem hành động hay “há miệng chờ sung” (thành ngữ “há miệng chờ sung”).

     Tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt còn sử dụng từ trái nghĩa nữa, trong 100 tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt thì có 7 tiêu đề có chứa từ trái nghĩa, chiếm tỷ lệ 7%. Ví dụ: Tuyển giáo viên ngoại tỉnh: Dễ tuyển, khó giữ chân (dễ trái nghĩa với khó).

     Cuối cùng, tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt có sử dụng phép điệp âm, nhưng rất hiếm, trong số 100 tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt được khảo sát thì chỉ có 1 tiêu đề loại này, chiếm tỷ lệ 1%. Ví du: Xét tuyển đại học 2019: Không giới hạn nguyện vọng nhưng thí sinh cần cẩn trọng (từ vọng điệp vần với từ trọng).

     Khác với báo mạng điện tử tiếng Việt, báo mạng điện tử tiếng Anh rất thường xuyên sử dụng biện pháp điệp âm nhằm tạo ấn tượng dễ nhớ và thu hút đối với độc giả (chiếm tỷ lệ 52%). Ví dụ dưới đây cho thấy rõ việc sử dụng biện pháp điệp âm cụ thể như thế nào trên tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Anh.

     Singapore ‘fake news’ law comes into force, offenders face fines and prison time. (Trong tiêu đề này, người viết đã sử dụng biện pháp điệp âm rất dày đặc: phụ âm /f/ được lặp lại nhiều lần trong các từ fake, force, offenders, face, fines; nguyên âm /o/ được lặp lại trong các từ Singapore, law, force; nguyên âm đôi /ai/ được lặp trong các từ fines và time.)

     Một điểm khác biệt nữa đó là không giống như tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt không hề có điều này, tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Anh sử dụng từ in hoa (chiếm tỷ lệ 15%) và sử dụng từ viết hoa trong toàn câu (chiếm tỷ lệ 28%) nhằm để lôi kéo sự chú ý của độc giả. Nhờ những từ in hoa và viết hoa này mà tiêu đề bài báo tiếng Anh trở nên nổi bật hơn và lôi cuốn hơn. Ví dụ:

     Coronavirus: Chilling 40-year-old book PREDICTED ‘Wuhan biological weapon’ outbreak (Từ PREDICTED – ĐÃ TIÊN ĐOÁN được in hoa, tạo ra sự nổi bật cho tít báo).
Parasite’ Won, but Asian-Americans Are Still Losing (Các chữ cái P, W, A, A, S, L đứng
đầu mỗi từ đều được in hoa để tạo ra điểm nhấn cho tít báo).

     Điểm dị biệt tiếp theo là nếu như trong báo mạng điện tử tiếng Việt, số tiêu đề có sử dụng từ mượn (nguồn gốc là tiếng Anh) là khá nhiều, chiếm tỷ lệ 36% thì tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Anh không hề có việc sử dụng từ mượn, chiếm tỷ lệ 0%. Ngược lại, nếu tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt không có việc sử dụng từ đồng nghĩa thì trong số 100 tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Anh được khảo sát, có 6 tiêu đề có sử dụng từ đồng nghĩa, chiếm tỷ lệ 6%. Ví dụ:

     Netflix FORCED to remove nine movies after ‘government objections’ – including boozy Jesus party film (Từ movies đồng nghĩa với từ film, đều có nghĩa là phim ảnh).

     Ngoài ra, khác với tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt không hề có việc sử dụng những
từ có ý nghĩa so sánh, trong số 100 tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Anh được khảo sát, có 11 tiêu đề có sử dụng các từ mang ý nghĩa so sánh, chiếm tỷ lệ 11%. Ví dụ:

     – UK coronavirus will ‘get worse before it gets better’ as government calls it ‘marathon not a sprint’ (Các từ worse – tồi tệ hơnbetter – tốt hơn mang ý nghĩa so sánh hơn).

     – UK snow forecast: Shock map shows huge impact of widespread storms TONIGHT – latest charts (Từ latest – mới nhất mang ý nghĩa so sánh nhất).

     Xét về sự tương đồng, tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Anh có những điểm giống như tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt trong cách sử dụng từ ngữ như sau:

     Thứ nhất, tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Anh cũng có sử dụng những từ trái nghĩa, chiếm tỷ lệ 8%. Ví dụ: Peloton’s Cringe-y Ad Got Everyone Talking. Its C.E.O Is Silent (Từ Talking trái nghĩa với từ Silent.)

     Thứ hai, tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Anh cũng có sử dụng thành ngữ, tục ngữ và cụm từ cố định, chiếm tỷ lệ 9%. Ví dụ: UK flood warnings MAPPED: Which areas are STILL at risk of flooding? (at risk of – có nguy cơ, là một cụm từ cố định).

     Thứ ba, tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Anh cũng có sử dụng những từ có cùng trường nghĩa, chiếm tỷ lệ 21%. Ví dụ: Lucky easyJet passengers get front row seats to the Northen Lights after flying over Iceland (Các từ passengers, front row seats, flying có cùng trường nghĩa chỉ chuyến bay).

     Điểm tương đồng cuối cùng, đó là, giống như tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt, tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Anh cũng sử dụng những từ ngữ có tính chất biểu cảm và nhấn mạnh khá nhiều, chiếm tỷ lệ 37%. Ví dụ: UK weather forecast – Brits braced for ‘White Thursday’ as two inches of SNOW hit south-east tonight (Cụm từ biểu cảm là ‘White Thursday’ – ‘Thứ năm Trắng’, ý nói là tuyết rơi xuống dày quá ở vùng đông nam làm cho cả ngày thứ năm của người Anh chỉ toàn là màu trắng của tuyết thôi).

     5.2. Kiến nghị

      5.2.1. Nghiên cứu hai ngôn ngữ Anh – Việt và Việt – Anh

     Nghiên cứu hai ngôn ngữ Anh – Việt và Việt – Anh là một hình thức học ngoại ngữ đòi hỏi người nghiên cứu phải thật sự hiểu biết và có nhiều kiến thức về hai loại ngôn ngữ này. Qua quá trình nghiên cứu, đề tài có thể giúp ích cho những người quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu hai ngôn ngữ này hiểu rõ hơn về cách đặt tiêu đề trên báo mạng điện tử tiếng Việt và tiếng Anh xét trên 2 bình diện: cấu trúc ngữ pháp và cách sử dụng từ ngữ.

     5.2.2. Học ngoại ngữ

     Trong việc dạy tiếng Anh cho người Việt và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài nói tiếng Anh, cần chú ý về sự giống nhau và khác nhau giữa cách đặt tiêu đề trên báo mạng điện tử tiếng Việt và tiếng Anh. Đề tài cũng góp phần tạo ra sự hứng thú trong việc học ngoại ngữ cho sinh viên.

     5.2.3. Dạy ngoại ngữ

     Đối với việc giảng dạy ngoại ngữ, giảng viên có thể tiến hành một số hoạt động trong lớp như:

– Khai thác tiêu đề trên báo mạng điện tử tiếng Việt và tiếng Anh theo các dạng bài tập từ vựng để dạy từ mới, đoán nghĩa theo ngữ cảnh, định nghĩa các thuật ngữ, đối chiếu nghĩa sử dụng với từ điển.

– Sử dụng các tiêu đề bài báo để sinh viên suy luận nội dung được đề cập.

     Việc khai thác chủ đề bài báo có thể linh động tuỳ theo chủ đề bài học trong giáo trình. Chẳng hạn, với các mẫu tin tức về vi-rút Corona, tuỳ tình huống sử dụng cho các chủ đề như Health, Hospital, Medicine…

     Đặc biệt, đề tài có khả năng ứng dụng vào việc dạy và học các học phần Ngôn ngữ học đối chiếu, Dẫn luận ngôn ngữ học, Ngữ pháp tiếng Việt, Phong cách học… giúp cho sinh viên có thêm nguồn tài liệu tham khảo đối với những môn học này.

     5.2.4. Viết báo

     Ngoài ra, đề tài có thể đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong việc xây dựng tiêu đề trên báo mạng điện tử tiếng Việt và tiếng Anh, điều này rất hữu ích và thiết thực cho những người làm công tác báo chí ứng dụng vào nghiệp vụ của mình. Người viết báo có thể xem xét cách đặt tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt và tiếng Anh dựa trên kết quả nghiên cứu về cấu trúc ngữ pháp và cách sử dụng từ ngữ của bài nghiên cứu này.

     5.2.5. Dịch thuật
Một đóng góp đáng kể nữa của đề tài là ứng dụng vào việc dịch thuật. Ngày nay, cùng với
sự phát triển mạnh mẽ của báo mạng điện tử, tin tức được cập nhật từng phút đến với độc giả trong và ngoài nước, việc dịch tiêu đề báo mạng điện tử từ tiếng Anh sang tiếng Việt hoặc ngược lại là một xu thế tất yếu, giúp cho người Việt Nam nắm bắt được tình hình thế giới và giúp cho người nước ngoài hiểu hơn về những vấn đề thời sự “nóng hổi” nhất ở Việt Nam.

     Việc chuyển dịch tiêu đề những bài báo mạng điện tử từ tiếng Anh sang tiếng Việt hoặc
từ tiếng Việt sang tiếng Anh đòi hỏi biên dịch viên phải thông thạo cả hai ngôn ngữ Anh và Việt cũng như hiểu rõ cách đặt tiêu đề trên báo mạng điện tử tiếng Việt và tiếng Anh. Đặc biệt, những am hiểu về sự tương đồng và khác biệt trên hai bình diện quan trọng nhất là cấu trúc ngữ pháp và cách sử dụng từ ngữ sẽ giúp cho biên dịch viên có thể biên dịch một cách hiệu quả nhất, giúp cho người đọc báo tiếng Việt và tiếng Anh tiếp nhận thông tin được dễ dàng và thuận lợi.

6. Kết luận

      Nghiên cứu tiêu đề văn bản là một đề tài nhận khá nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, từ trước đến nay, chưa có nhà nghiên cứu nào đi sâu và việc khảo sát cách đặt tiêu đề trên báo mạng điện tử tiếng Việt và tiếng Anh nên bài viết này là đóng góp mới của tác giả. Có thể khẳng định rằng khảo sát cách đặt tiêu đề trên báo mạng điện tử tiếng Việt và tiếng Anh là một công việc cần thiết và bổ ích nhằm để hiểu rõ thêm về cấu trúc ngữ pháp và cách sử dụng từ ngữ trong các tiêu đề bài báo thuộc hai ngôn ngữ đã nêu.

     Bài nghiên cứu đã mô tả và phân tích 100 mẩu tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt và 100 mẩu tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Anh được sưu tầm ngẫu nhiên từ các trang báo điện tử. Nắm được những đặc điểm cấu trúc ngữ pháp và cách sử dụng từ ngữ là cần thiết cho người viết tiêu đề trong việc trình bày và giúp cho người đọc hiểu được dụng ý của người viết. Từ đó, sẽ giúp ích cho việc đặt tiêu đề báo mạng điện tử tiếng Việt và tiếng Anh theo hướng tối ưu nhất.

     Dù đã cố gắng sưu tầm tất cả là 200 tiêu đề báo mạng điện tử trong cả tiếng Việt và tiếng Anh nhưng chúng tôi nhận thức được rằng tỉ lệ này có thể chưa khái quát hết được tần suất xuất hiện của chúng trong phong cách báo chí và sự phân loại của chúng cũng chỉ mang tính chất tương đối. Song, hy vọng rằng kết quả nghiên cứu của bài viết này sẽ góp phần giúp cho sinh viên học ngoại ngữ tiếng Anh học tập và làm việc hiệu quả trong lĩnh vực dịch thuật báo mạng điện tử cũng như người Anh học tiếng Việt có thêm những hiểu biết sâu sắc về cách đặt tiêu đề của báo mạng điện tử trong hai ngôn ngữ này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Dương Văn Quang (2014). Vận dụng phép tu từ trong tít báo thể thao. Tạp chí Khoa học ĐHSP TPHCM, 55, 155-162.

     Hornby, A.S., Wehmeier, S., McIntosh, C., Turnbull, J., & Ashby, M. (2010). Oxford Advanced Learner’s Dictionary (7th edition). Oxford University Press.

     Lê Thanh Hà (2016). Cách thức tạo từ khóa (Keyword) trên báo điện tử Việt Nam. Luận văn Thạc sĩ Báo chí và truyền thông. Trường Đại học KHXH&NV.

     Nguyễn Thị Thanh Hương (2017). Mối liên hệ giữa tiêu đề và lời dẫn trong báo điện tử tiếng Anh. Tạp chí nghiên cứu nước ngoài, 33(5), 47-65.

    Nguyễn Thị Vân Đông (2015). Những đặc trưng ngôn ngữ của tiêu đề báo chí tiếng Anh và tiếng Việt trên bình diện nghĩa học. Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, 7(237), 7-11.

      Tạ Tuấn Anh (2016). Đặc điểm ngôn ngữ tin trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay (Khảo sát các báo điện tử Vietnam Plus (Bản tiếng Việt), VnExpress, Dantri. Luận văn Thạc sĩ Báo chí học. Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

     Trần Minh Hùng (2018). Từ ngữ tiếng Anh trên các phương tiện truyền thông tiếng Việt (từ tư liệu của một số báo mạng tiếng Việt). Luận án Tiến sĩ, Viện Hàn Lâm KHXHVN – Học viện KHXH.

     Trịnh Hồng Nam (2018). Các tiêu đề bản tin của thời báo the New York Times về cuộc xung đột ở dải Gaza năm 2014 (The 2014 Gaza conflict in the New York Times news headlines). Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, 34(3), 89-105.

      Vũ Lý Thiên Trường (2017). Đặc điểm tiêu đề trên báo điện tử Đồng Nai. Luận văn Thạc sĩ. Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.

ABSTRACT

     The research investigates 100 titles of Vietnamese online newspaper and 100 titles of English ones on 2 aspects: grammatical structure and word usage. The main objective of this research is to study and compare the ways of creating titles on Vietnamese and English online newspaper in order to find out the similarities and differences in this issue. Accordingly, the research has found out the similarities and differences in the ways of naming titles for online newspaper’s articles in Vietnamese and English language in terms of grammatical structure and word usage. Ultimately, the language of Vietnamese and English online newspaper is further understood and applied into the teaching of linguistics, stylistics and translation.

Keywords: Title, online newspaper, English, Vietnamese.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Ngôn ngữ và Văn hóa, ISSN 2525-2674, Tập 4, Số 3, 2020

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Khảo sát cách đặt tiêu đề trên báo mạng điện tử tiếng Việt và tiếng Anh (Phần 1+2) (Tác giả: Ngô Thị Khai Nguyên)