Âm nhạc dân gian “Cò ke Ôống kháo” trong đời sống cộng đồng làng Mường

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  TRẦN BẠCH DƯƠNG
(Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội)

TÓM TẮT

     Trong bối cảnh xã hội hiện đại, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đứng trước nguy cơ bị quên lãng và mất đi, nhưng “Cò ke ôống kháo” – một loại hình âm nhạc dân gian của người Mường vẫn tồn tại một cách bền bỉ trong đời sống cộng đồng làng Mường. Tìm hiểu những thực hành âm nhạc “Cò ke ôống kháo” cũng như vai trò, ý nghĩa của “Cò ke ôống kháo” trong sinh hoạt tín ngưỡng và sinh hoạt đời thường của người Mường, giúp chúng ta lý giải về sức sống bền bỉ và sự trường tồn của nó trong đời sống văn hóa của cộng đồng làng Mường.

Từ khóa: Cò ke ôống kháo, âm nhạc dân gian, nghệ nhân dân gian, văn hóa dân gian, làng Mường, người Mường, Hòa Bình.

ABSTRACT

     In the context of modern society, many traditional cultural factors are facing the danger of being forgotten and lost, but “Co ke oong khao” – a type of folk music of Muong people still exists persistently in the life of Muong village community. Understanding the musical practices of “Co ke oong khao” as well as the role and meaning of “Co ke oong khao” in the religious activities and daily life of the Muong people is also to explain the enduring vitality and its longevity in the cultural life of Muong village community.

Keywords: Co ke oong khao, folk music, folk artisan, folklore, Muong village, Muong people, Hoa Binh.

x
x x

     Âm nhạc – theo cách hiểu đơn giản nhất, đó là sự lựa chọn, tái tạo và sắp đặt âm thanh của con người. Âm nhạc phổ biến ở mọi tộc người trên thế giới, bởi vì con người ở mọi không gian và thời gian luôn có hứng thú với những âm thanh được sắp đặt ấy. Mỗi tộc người lại có những cách thức sáng tạo và sử dụng âm nhạc khác nhau, tùy vào cách họ hiểu thế nào là âm nhạc và nó có ý nghĩa gì đối với họ.

     Ở Việt Nam, nếu người Kinh có Nhã nhạc cung đình, phường Bát âm; người Thái sở hữu các loại Pí, Tính Tẩu, Khèn bè,… thì người Mường có “Cò ke ôống kháo”. Thông qua mô tả, phân tích việc sử dụng âm nhạc “Cò ke ôống kháo” của người Mường trong những bối cảnh cụ thể, có thể lý giải những thông điệp mà họ gửi gắm trong đó, đồng thời chỉ ra vai trò, ý nghĩa của “Cò ke ôống kháo” đối với đời sống cộng đồng làng Mường.

1. Cộng đồng làng Mường trong mối tương quan với “Cò ke ôống kháo”

     Người Mường thường dùng từ xóm hay quê1 để chỉ nơi cư trú của mình, những từ này tương đương với làng. Dân số của một làng Mường thường ở trong khoảng vài chục gia đình, mỗi gia đình có khoảng 4 – 6 người. Về mặt địa lý, làng Mường được phân định bằng ranh giới của đất ở, những cánh rừng và ruộng canh tác [5, tr.28-29].

     Jeanne Cuisinier, trong cuốn Người Mường – địa lý nhân văn và xã hội học, đã dành nhiều trang viết về làng Mường. Bà mô tả làng Mường thường ở gần nguồn nước (suối, sông nhỏ), đây là nơi diễn ra các sinh hoạt thiết yếu hàng ngày: lấy nước, tắm giặt, rửa rau, giết mổ gia súc, gia cầm,… và “nó rải ra trên một diện tích rộng hơn diện tích cần thiết cho số dân” [2, tr.129]. Bà cũng viết về “lãnh chúa”1 với tư cách là một đặc trưng xã hội của làng Mường, người Mường gọi vị “lãnh chúa” này là lang. Pierre Grossin, trong cuốn Tỉnh Mường Hòa Bình, cũng nhận định rằng, lang tức là các chúa đất, đứng đầu một làng, tại đây quyền lực của lang là tuyệt đối, đặc biệt đối với việc sở hữu và phân chia sở hữu ruộng đất [4, tr.72-82].

     Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chế độ lang đạo bị xóa bỏ, vai trò của lang đã lui vào quá khứ, nhưng ở làng Mường, một số vị trí xã hội và thiết chế văn hoá truyền thống như: thầy Mo, thầy Thường, ông T’lượng, bà Mỡi, miếu thờ (hoặc đình), ban nhạc “Cò ke ôống kháo” hay phường Xắc Bùa,… vẫn tồn tại đến bây giờ và đều thuộc về một làng Mường cụ thể.

     Hiện nay, theo phân chia địa giới và quản lý hành chính của Nhà nước, làng Mường tương đương với một xóm hoặc tổ dân phố. Nó được gắn với một cơ cấu tổ chức xã hội, gồm có: Trưởng xóm (hay tổ trưởng), Chi bộ Đảng, Mặt trận tổ quốc, Hội phụ nữ, Hội nông dân…

     Như vậy, kể cả thời kỳ trước và sau 1945, làng Mường vẫn là một cộng đồng xã hội có các mối liên hệ chặt chẽ và tương đối độc lập. Cộng đồng làng Mường được hiểu là một đơn vị dân cư (có tổ chức) nhỏ nhất của tộc người Mường, cùng cư trú trong một môi trường tự nhiên, chia sẻ bối cảnh kinh tế, xã hội chung, cùng thừa nhận những di sản văn hóa Mường là một phần trong bản sắc văn hóa của họ.

     Thông thường, mỗi làng Mường luôn có một nhóm nghệ nhân “Cò ke ôống kháo”, và họ tập hợp thành ban nhạc2 “Cò ke ôống kháo”3 của làng. Số lượng các nghệ nhân thường biến động (người mất do tuổi già, kẻ đi làm ăn xa…), nhưng dù số lượng ít hay nhiều thì họ chỉ tập hợp với nhau thành 01 ban nhạc ở mỗi làng. Theo khảo sát của tác giả bài viết, tại thời điểm năm 2019, có những làng Mường chỉ còn 1 – 2 nghệ nhân, không đủ để tạo thành một ban nhạc, mỗi khi cần đến âm nhạc “Cò ke ôống kháo”, họ phải “mượn” người hoặc ghép với ban nhạc của làng khác, thậm chí có làng hoàn toàn phải nhờ đến ban nhạc ở các làng lân cận. Song, đó chỉ là những trường hợp hãn hữu không phổ biến.

2. Các không gian trình diễn âm nhạc “Cò ke ôống kháo”

     2.1. Trình diễn âm nhạc “Cò ke ôống kháo” tại đám tang

     Theo mô tả của Cuisinier, ban nhạc đám ma Mường là “một ban nhạc nhỏ gồm từ năm đến mười bốn người chơi nhạc”, trong đó, người thợ kèn là quản đốc của ban nhạc, ông ta có quyền lựa chọn kết nạp hoặc khai trừ những người chơi nhạc khác. Cuisinier cũng ghi nhận chỉ có 04 bài nhạc và nhận xét rằng nội dung các bài nhạc này “rất nghèo nàn” [2, tr.678-680].

     Trong thực tế, thành viên của ban nhạc đám ma là các nghệ nhân “Cò ke ôống kháo”. Chỉ khác về tổ chức dàn nhạc, nó gồm các nhạc khí “Cò ke ôống kháo” (02 nhạc khí chủ chốt là đàn nhị, sáo trúc và các nhạc khí khác như trống con, chũm chọe, đàn tam, đàn bầu…) cộng với 03 nhạc khí dành riêng cho tang lễ (kèn, trống cái và chiêng đơn). Trong đó, chiếc kèn đám ma (kèn xona) là nhạc khí phải có tại đám tang. Người Mường coi âm sắc của kèn là thứ chuyên dùng cho các nghi lễ4, đặc biệt là trong tang ma5, nhưng vì không được dùng ở những không gian khác nên nó không thuộc về biên chế “Cò ke ôống kháo”. Người thổi kèn thường là trưởng nhóm nghệ nhân “Cò ke ôống kháo”, về điểm này Cuisinier quả thực đã có lý khi xem nhân vật này là quản đốc của ban nhạc. Mặc dù trống cái và chiêng cũng được sử dụng cùng lúc, nhưng không thể xem đó là sự hòa tấu vì chúng trình bày theo một âm hình tiết tấu độc lập, chẳng liên quan tới bài bản của chiếc kèn và “Cò ke ôống kháo”.

     Trình tự tham gia của ban nhạc “Cò ke ôống kháo” tại lễ tang như sau: Trước tiên, gia đình tang chủ phải đi mời ban nhạc “Cò ke ôống kháo”. Họ mang theo lễ vật, thường là vài lá trầu, một chai rượu và một ít tiền (20 – 50 ngàn VNĐ) đến gặp người trưởng nhóm “Cò ke ôống kháo”. Họ trình bày lý do rằng trong gia đình vừa có người chết, cần sự giúp đỡ của ban nhạc để việc tổ chức tang ma được chu đáo, đúng theo tục lệ. Người trưởng nhóm sau khi kiểm tra lịch làm việc của ban nhạc, sẽ nhận lễ và nhận lời rồi thông báo cho các thành viên khác.

     Tại đám tang, người ta sắp xếp một khu vực ngồi dành riêng cho ban nhạc, đó là một khoảng không gian đủ rải một chiếc chiếu đôi, một chiếc giường hay phản gỗ. Ở đó, họ được phục vụ nước trà, thuốc lá và những bữa cơm. Ban nhạc sẽ trình tấu âm nhạc từ lúc phát tang cho đến khi kết thúc tại nơi hạ huyệt. Âm nhạc trong đám tang Mường không có thể loại “hát khóc”6 như ở đám tang của người Kinh, chỉ đơn thuần là bài bản hòa tấu của các nhạc khí.

     Bài bản “Cò ke ôống kháo” trên thực tế có nhiều hơn 04 bài như ghi nhận của Cuisinier. Ngoài một số bản nhạc phổ biến chung nơi nào cũng có, ở mỗi làng Mường lại có những bài bản riêng. Các bản nhạc thường gắn với một thủ tục hay một nghi thức cụ thể và được gọi theo tên nghi thức ấy. Ví dụ: Bài Dâng cơm dùng trong nghi thức dâng cơm cho người chết; Hót loóng để mời cơm người sống (người trong gia đình và những người phục vụ); Đi đàng (đi đường) dùng trên đường đưa người chết đến nơi chôn cất; Mo trâu dùng khi cúng cơm có thịt trâu; Lưu thủy trung dành để đón những người đến phúng viếng.

     Vấn đề cần tìm hiểu là: Nếu xem chiếc kèn đám là nhạc khí chính ở đám tang, thì “Cò ke ôống kháo” được sử dụng tại đây để làm gì? Qua phỏng vấn các nghệ nhân “Cò ke ôống kháo”, chúng tôi được họ cho biết “Cò ke ôống kháo” vừa hòa tấu, vừa được dùng luân phiên với kèn đám. Bởi: Thứ nhất, chẳng ai có thể liên tục thổi kèn hết bài này sang bài khác mà không ngừng nghỉ. Thứ hai, kèn đám là một nhạc khí có âm sắc nỉ non giống như tiếng khóc của con người, hơn nữa âm lượng của nó rất lớn. Vì vậy, kể cả trong tang lễ thì người Mường cũng ngại phải thường xuyên sử dụng chiếc kèn này. Nó mang lại cảm giác ảo não, day dứt, bức bối đến nỗi chẳng ai có thể chịu đựng lâu. Và khi người ta đã quá mệt mỏi với tiếng kèn đám, thì đó là lúc “Cò ke ôống kháo” được sử dụng. Khác với tiếng kèn, “Cò ke ôống kháo” có âm lượng nhỏ, âm sắc mềm mại, cùng với các bài bản có nhịp độ vừa phải, giai điệu nhẹ nhàng khiến cho người ta có được những giây phút nghỉ ngơi, thư giãn trấn an tinh thần. Cũng bởi thế, “Cò ke ôống kháo” thường được dùng nhiều hơn vào lúc đêm khuya, khi mà cả làng Mường đi vào giấc ngủ, ban nhạc này sẽ phục vụ cho phần diễn xướng của thầy Mo từ đêm cho đến gần sáng. Có lẽ đó là lý do rất chính đáng để người Mường sử dụng “Cò ke ôống kháo” ở đám tang.

     2.2. Trình diễn âm nhạc “Cò ke ôống kháo” tại lễ hội

     Cũng trong cuốn sách của Cuisinier, chương XI – Nghi lễ mừng năm mới, phần mô tả về “thết làngcó đoạn nói về sự trình tấu của hai nhạc khí sáo và đàn: “Ở Quy Mỹ, trong phần hai của buổi lễ, nghĩa là sau khi thổ lang ở đình ra về, nổi lên một bản nhạc nhỏ gồm sáo và đàn làm át tiếng cầu cúng” [2, tr.756]. Giải thích về “đàn”, bà viết: “Đây là loại đàn, tiếng Annam gọi là “cai co ke”, tức là đàn nhị”. Như vậy, Cuisinier đã ghi nhận sự có mặt của “sáo và đàn” tại một lễ hội Mường. Theo những mô tả ít ỏi ấy, có thể tin rằng đây là hình ảnh của “Cò ke ôống kháo”. Trong các đợt nghiên cứu điền dã, chúng tôi đã được thấy ban nhạc “Cò ke ôống kháo” tại lễ hội Khai hạ diễn ra hàng năm ở đình Ngòi (xã Sủ Ngòi, thành phố Hoà Bình); ở Mường Bi (xã Phong Phú, huyện Tân Lạc); lễ rước Bụt ở Mường Vang (huyện Lạc Sơn) năm 2018 (lễ hội này tổ chức định kỳ 3 năm một lần). Và theo như người dân Mường chia sẻ, các lễ hội của người Mường ở Hòa Bình từ xưa đến nay đều có sự tham gia của ban nhạc “Cò ke ôống kháo”.

     Tham gia trong đoàn rước

     Trong các lễ hội truyền thống của người Mường trước đây, hình ảnh “Cò ke ôống kháo” tham gia vào các đám rước còn được thấy thấp thoáng trong bài Mo Đẻ Tá Cần:

“…Cun lang Tá Cần bước chân lên lưng ngựa

Người tinh mường bước theo sau

Chuyển theo những đàn hát, đàn chầu

Đàn đáy, đàn nhị, ống sáo, ống tiêu

Thanh la dóng hiệu, trống kiệu cầm quân…” [7, tr.127]

     Hay trong bài khấn Mỡi chuyển quân:

“… Cho Vua Cha đi mường xa thắng thế

Dọn lấy trống cái, dọn lấy trống đồng

Dọn trống bồng trống bạt

Dọn trống hát trống chầu

Đàu bầu, đàn đáy, cò ke

Trỉ bè ống gọi nói sơn đỏ võ vàng…” [6, tr.140].

     Diễn trình của các lễ hội thường bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu. Xuất phát từ nơi thờ tự (đình làng, miếu thờ, hang thờ), đoàn rước sẽ thực hiện một hành trình với những nội dung khác nhau8.

     Trong đoàn rước, ban nhạc “Cò ke ôống kháo” đi trong nhóm đầu, chỉ sau 2 hoặc 3 người đánh trống, chiêng. Một lần nữa, chúng tôi không xếp những người đánh trống chiêng vào biên chế ban nhạc “Cò ke ôống kháo”, vì hai phần trình tấu này tách biệt nhau, nhịp trống chiêng trình bày một tiết tấu riêng, đơn điệu9 và không ăn nhập với các bản nhạc của “Cò ke ôống kháo”. Ban nhạc “Cò ke ôống kháo” thì cứ tấu bài bản của họ mà chẳng mảy may quan tâm đến nhịp trống chiêng trì thục ấy.

     Cảm giác trải nghiệm thực tế cho thấy, tiếng chiêng trống với âm lượng lớn nên nghe thấy được từ rất xa, như một tín hiệu báo cho cả cộng đồng biết về hành trình của đoàn rước. Âm nhạc “Cò ke ôống kháo” có âm lượng nhỏ hơn nhiều, chỉ những người trong đoàn rước mới nghe thấy. Bài bản âm nhạc dùng trong lễ rước này gồm chỉ duy nhất một bài Đi đường nó được các nghệ nhân trình diễn lặp đi lặp lại trong suốt hành trình của đám rước. Chỉ khi dừng lại tại nơi hành lễ, ban nhạc “Cò ke ôống kháo” mới chuyển sang các bài bản khác10.

     Phục vụ tại nơi cúng tế

     Sau lễ rước là lễ tế, người ta thường chọn một khoảng không gian đủ rộng để hành lễ. Lễ hội Khai hạ Mường Bi chọn sân vận động xã Phong Phú; lễ hội rước Bụt ở xã Nhân Nghĩa chọn cánh đồng bên cạnh hang Bụt dưới chân núi Dúng (Khụ Dúng); lễ hội Khai hạ đình Ngòi được tổ chức ngay tại sân đình Ngòi.

     Trong thời gian tổ chức lễ tế, ban nhạc “Cò ke ôống kháo” được sắp xếp ở vị trí bên phải, sát cạnh ban thờ hành lễ. Họ trình diễn luân phiên các bài bản trong khi người ta thực hiện các nghi thức cúng tế và chỉ tạm dừng khi thầy Mo trình bày lời khấn.

     Cuộc thi “Bản âm”

     Gần đây, lễ hội Khai hạ Mường Bi có một cuộc thi dành riêng cho các ban nhạc “Cò ke ôống kháo”, gọi là cuộc thi “Bản âm”. Thuộc phạm vi giữa các xã trong huyện Tân Lạc, thành viên của mỗi ban nhạc tham gia cuộc thi là các nghệ nhân được lựa chọn trong cùng một xã. Cuộc thi năm 2016 có ban nhạc của 5 xã: Phú Cường, Tử Nê, Mãn Đức, Quý Hòa, Phong Phú.

     Ông Bùi Văn K., người từng làm việc ở Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tân Lạc cho chúng tôi biết: Nghĩa đen của từ “Bản âm” dùng để chỉ vị trí dành riêng cho ban nhạc “Cò ke ôống kháo” ở trong một không gian nào đó, nó cũng được hiểu là tên gọi khác của ban nhạc này. Cuộc thi Bản âm ở lễ hội Khai hạ Mường Bi là sáng kiến của Phòng Văn hóa – Thông tin, được tổ chức nhằm mục đích khuyến khích sự phát triển của loại hình âm nhạc dân gian này. Có một vài điểm chúng tôi ghi nhận được từ cuộc thi này như sau:

     Thứ nhất, không có sự tham gia của kèn đám, trống cái và chiêng, đúng theo quan niệm đây là các nhạc khí chỉ dành riêng cho nghi lễ, không dùng để giải trí.

     Thứ hai, thay vào đó người ta sẵn sàng bổ sung đủ các loại nhạc khí khác nhau, miễn sao họ có sẵn nhạc khí đó cùng người biết sử dụng nó (ở trình độ rất khác nhau). Chúng tôi đã thấy họ mang tới đây đàn bầu, đàn nguyệt, mandolin, violon, các loại chũm chọe to nhỏ, và cả những ống nứa để giữ nhịp,11… nhưng có lẽ người ta dùng các nhạc khí này để làm đẹp về hình ảnh là chính, mà ít quan tâm đến hiệu quả âm nhạc.

     Thứ ba, người xem rất đông, song không chú trọng đến việc thưởng thức âm nhạc, bởi họ liên tục nói chuyện, xô đẩy nhau, gây ồn ào, át cả phần trình diễn của ban nhạc.

     2.3. Sinh hoạt âm nhạc “Cò ke ôống sáo” tại nhà riêng của nghệ nhân

     Thời gian dành cho sinh hoạt âm nhạc thường là sau bữa cơm tối và kéo dài đến đêm khuya. Các nghệ nhân “Cò ke ôống kháo” sẽ tập hợp tại nhà của một thành viên trong nhóm theo lịch hẹn trước. Họ chuẩn bị một bàn uống nước trà (bàn trà nước lá), thêm vài chén rượu để nhấm nháp. Họ hòa tấu các bài bản với nhau, nhận xét góp ý cho nhau về ngón đàn, câu nhạc, xen lẫn các câu chuyện tâm tình. Họ cũng thường nhân dịp này để truyền dạy nghề cho học trò. Những buổi sinh hoạt âm nhạc như thế diễn ra thường xuyên, nhất vào dịp đầu năm mới. Sau chén rượu xuân ấm áp và những lời chúc tụng, việc chơi đàn và thưởng thức âm nhạc lúc này cho họ những cảm xúc thư giãn, thăng hoa tuyệt vời.

     Sinh hoạt “Cò ke ôống kháo” được coi là một thú vui tao nhã và không bị kiêng kỵ như luyện tập kèn đám, trống cái. Cả làng Mường đều biết đến sinh hoạt này, đôi khi họ còn tới thưởng thức âm nhạc và tham gia vào các cuộc trò chuyện.

3. Vai trò và ý nghĩa của “Cò ke ôống kháo” đối với cộng đồng làng Mường

     3.1. “Cò ke ôống kháo” đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ

     Ở hình thức sinh hoạt “Cò ke ôống kháo” tại nhà của các nghệ nhân, chúng ta dễ dàng nhận thấy lý do chính đáng là để thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ âm nhạc của họ. Không chỉ thế, tại các không gian khác thì tính thẩm mỹ của “Cò ke ôống kháo” cũng là yếu tố để người ta dùng đến nó.

     Chúng tôi hỏi thầy Mo Bùi Văn T ở xã Sủ Ngòi: “Có khi nào đám tang không sử dụng âm nhạc “Cò ke ôống kháo”?”. Ông cho biết, việc không có âm nhạc “Cò ke ôống kháo” tại tang lễ có lẽ chưa bao giờ xảy ra. Bản thân ông cho rằng “Cò ke ôống kháo” là một yếu tố để tăng thêm sự long trọng, uy nghi của các nghi lễ. Còn những người trong gia đình tang chủ thì tin rằng âm nhạc “Cò ke ôống kháo” là một sự chăm sóc dành cho linh hồn người chết, giúp cho linh hồn ấy được trấn an, xoa dịu, thanh thản để trải qua các nghi lễ tang ma và về an nghỉ ở nơi chôn cất. Bên cạnh đó, chính bản thân họ cũng cảm thấy được âm nhạc an ủi trước nỗi buồn tang gia (PVS, ngày 29/4/2019). Chi tiết các gia đình tang chủ đi mời ban nhạc, chăm sóc và cảm ơn họ cũng cho thấy sự tôn trọng của cộng đồng đối với ban nhạc “Cò ke ôống kháo”.

     Ở đám rước trong lễ hội, nếu âm thanh của trống và chiêng vang xa nhằm báo hiệu cho cả làng Mường biết về hành trình của đám rước, thì âm nhạc “Cò ke ôống kháo” với âm lượng nhỏ, nhẹ nhàng có lẽ là món ăn tinh thần mà người ta chủ ý dành cho các vị thần trong đám rước ấy.

     Chúng tôi muốn luận xa hơn rằng, nếu sáng tạo và thưởng thức âm nhạc nhằm mục đích thẩm mỹ là hiện tượng phổ biến ở các nền văn hóa, thì mặt khác, nghi lễ tín ngưỡng là những thực hành luôn được người ta dành cho những ưu tiên. Nó biểu hiện từ sự chu đáo trong chuẩn bị, bài trí các lễ vật, đồ trang trí, đến việc dùng lời hay ý đẹp trong các bài khấn… Trong bối cảnh đó, âm nhạc được sử dụng ở đây là một sự sắp xếp hợp lý. “Cò ke ôống kháo” đã mang lại một không gian khác thường, nó như một thứ trang sức làm cho nghi lễ của người Mường trở nên đẹp đẽ và linh thiêng hơn. Nói cách khác, giá trị thẩm mỹ trong âm nhạc “Cò ke ôống kháo” là một lý do để người Mường dùng nó trong các thực hành tín ngưỡng của mình.

     Như vậy, có thể khẳng định “Cò ke ôống kháo” đáp ứng nhu cầu về thẩm mỹ trong sinh hoạt đời thường và sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng làng Mường.

     3.2. “Cò ke ôống kháo” mang tính biểu tượng

     Khi tổ chức tang ma hay lễ hội, người ta đều dùng đến “Cò ke ôống kháo”, nó trở thành dấu hiệu để cộng đồng biết rằng đang có sự kiện gì diễn ra ở đây. Và bởi “Cò ke ôống kháo” là của người Mường nên nó trở thành một biểu tượng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng của họ.

     Mặt khác, cách sử dụng nhạc khí dường như còn phản ánh quan điểm vũ trụ luận của người Mường và cả những điều mà người Mường trông đợi. Đi sâu vào chiều cạnh này, chúng tôi nhận thấy các quan niệm về cõi trần gian và cõi thiêng được bộc lộ như sau:

     + Kèn, trống cái được gắn với thế giới thần và ma (cõi thiêng), chỉ dùng trong các nghi lễ, không sử dụng để giải trí hàng ngày.

    + Cò ke, ôống kháo và các nhạc khí khác gắn với thế giới người (cõi trần gian). Nó là một thành phần của cuộc sống con người, được các nghệ nhân dùng để giải trí hàng ngày.

     Điều thú vị ở chỗ, khi ban nhạc “Cò ke ôống kháo” trình diễn tại đám tang hay lễ hội, các nhạc khí của hai thế giới này sẽ cùng hòa tấu. Phải chăng đó là thông điệp mà người Mường muốn bày tỏ một cách kín đáo rằng đây là khoảng thời gian khác thường, là dịp để hai thế giới có thể giao tiếp, đồng hành với nhau.

     Qua đó, có thể thấy “Cò ke ôống kháo” mang tính biểu tượng khá rõ. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi chưa đề cập tới kết quả phân tích các bài bản âm nhạc của nó, bởi lẽ mỗi tác phẩm âm nhạc sẽ mang trong nó tính biểu tượng ít hay nhiều, điều đó xin được tiếp tục ở một bàn luận khác.

     3.3. “Cò ke ôống kháo” tạo sự đồng cảm và chia sẻ trong cộng đồng

     Từ sự đồng cảm giữa nghệ nhân “Cò ke ôống kháo” và gia đình tang chủ Gia đình tang chủ là những người phải chịu đựng cảm giác đau đớn, xót xa khi mất đi người thân. Họ phải trải qua các chi tiết trong tang lễ: sự khóc than, những người đến viếng, mùi hương đậm đặc, tiếng chiêng trống, kèn đám và những bài bản âm nhạc “Cò ke ôống kháo”. Sự chia sẻ từ âm nhạc khiến họ được an ủi, thấu hiểu, có lẽ đó là lúc mà họ cảm thấy âm nhạc “Cò ke ôống kháo” trở nên gần gũi nhất. Ví dụ, người ta sẽ trình tấu bài Hót loóng12 mỗi khi gia đình tang chủ dùng bữa. Lúc này, họ (những người chịu tang) ngồi lại bên nhau, an ủi và động viên nhau ăn uống, đảm bảo sức khỏe để tiếp tục trải qua các nghi thức của tang lễ. Âm nhạc của bài Hót loóng rất thong thả, nhẹ nhàng, khiến người nghe có được những giây phút thư giãn, nghỉ ngơi.

     Đến sự đồng cảm trong cộng đồng làng Mường

     Tang lễ là sự kiện mà hầu hết ai cũng phải trải qua trong cuộc đời của mình. Khi những người đã từng chịu tang đến thăm viếng các đám tang khác, tại đây họ lại được chứng kiến những chi tiết mà họ đã từng trải qua và ghi nhớ: sự khóc than, mùi hương đậm đặc, tiếng chiêng trống, kèn đám và những bài bản âm nhạc “Cò ke ôống kháo”. Lúc này, cảm giác khi mất mát người thân trong chốc lát được tái hiện. Điều đó khiến họ dễ đồng cảm với gia đình tang chủ hơn. Họ nhận ra một điều hiển nhiên rằng, nỗi đau bởi sự chia lìa sinh tử là chung đối với tất cả những người đang còn sống. Điều đó tạo nên một tâm lý đồng cảm, chia sẻ chung trong cộng đồng, mà “Cò ke ôống kháo” là một yếu tố đóng góp vào đó.

     3.4. “Cò ke ôống kháo” với vai trò giáo dục, truyền nghề

     Các thực hành nghề nghiệp cũng như các sinh hoạt và truyền dạy “Cò ke ôống kháo”, phần nào cho thấy vai trò giáo dục của “Cò ke ôống kháo”. Nghệ nhân “Cò ke ôống kháo” thường kết hợp việc luyện tập và sinh hoạt âm nhạc với truyền dạy nghề. Ngoài ra, học trò còn được đi cùng các nghệ nhân để thực tập trong các dịp trình diễn “Cò ke ôống kháo”. Việc học nghề có thể kéo dài hoặc rút ngắn tùy theo khả năng của học trò, những người học giỏi thường thành nghề sau 2 – 3 năm [1]. Hơn nữa, trong quá trình truyền dạy bài bản và kỹ thuật “Cò ke ôống kháo”, các nghệ nhân còn yêu cầu các học trò phải rèn luyện đạo đức, lối sống, cũng như phải am hiểu phong tục tập quán, chí ít là các thủ tục trong tang lễ để hành xử sao cho đúng tại các không gian này.

     Đạo đức và lối sống của các nghệ nhân cũng tạo nên uy tín của họ trong xã hội, qua đó họ trở thành tấm gương, hình mẫu văn hóa trong cộng đồng Mường. Sự kính trọng, yêu mến và gần gũi của người dân Mường với các nghệ nhân là những minh chứng cụ thể cho vai trò giáo dục truyền thống của “Cò ke ôống kháo”.

     Với người học, “Cò ke ôống kháo” là một môi trường để rèn luyện và bộc lộ tài năng. Có khá nhiều trường hợp nghệ nhân kèn và các ông Mo bắt đầu sự nghiệp từ việc học tập và rèn luyện “Cò ke ôống kháo”. Thầy Mo Đinh Công T. ở xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc cho biết, nhóm nghệ nhân “Cò ke ôống kháo” của ông hầu hết còn có thể thực hành diễn xướng Mo. Hay như thầy Mo Nguyễn Văn T. ở xã Sủ Ngòi, trước kia cũng là một nghệ nhân “Cò ke ôống kháo”.

     Có thể nói rằng, ban nhạc “Cò ke ôống kháo” như là một môi trường để các cá nhân được rèn luyện và phát triển tài năng, năng lực của mình. Điều đó thêm một sự khẳng định về vai trò giáo dục của “Cò ke ôống kháo”.

Kết luận

     “Cò ke ôống kháo” – một loại hình âm nhạc dân gian, được người Mường sử dụng ở không gian sinh hoạt tín ngưỡng và cả trong sinh hoạt đời thường.

     Người Mường xem âm nhạc “Cò ke ôống kháo” là sản phẩm văn hóa tinh thần giàu thẩm mỹ, vì thế họ dùng nó để trang sức cho các nghi lễ tín ngưỡng, đồng thời là sợi dây kết nối tạo sự đồng cảm, chia sẻ trong cộng đồng. “Cò ke ôống kháo” phần nào mang ý nghĩa biểu tượng, nó phản ánh quan niệm của người Mường về cõi trần gian, cõi thiêng và có thể có cả mong muốn của họ về mối quan hệ giữa hai thế giới. Trong đời sống, các nghệ nhân Mường sử dụng “Cò ke ôống kháo” vừa nhằm mục đích giải trí, vừa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống.

     Từ nửa sau thế kỷ XX đến nay, cộng đồng làng Mường trải qua nhiều biến động, bắt đầu từ việc xóa bỏ chế độ lang đạo, gần đây là sự biến đổi văn hóa dưới sự tác động ngày càng mạnh mẽ của xu hướng giao lưu hội nhập. Trong bối cảnh đó, không ít yếu tố văn hóa cổ truyền bị ảnh hưởng, thậm chí dần mai một. Nhưng “Cò ke ôống kháo” vẫn âm thầm tồn tại, như mạch nước ngầm nuôi sống các thực hành văn hóa cổ truyền gắn với nó. Điều đó càng khẳng định vai trò, ý nghĩa của “Cò ke ôống kháo” đối với cộng đồng làng Mường và văn hóa Mường.

_________
     Chú thích:

1. Người Mường gọi là Thổ Lang, người Thái gọi là Thổ Ty, người Việt gọi là Quan Lang [2, tr. 440].

2. Về phương diện âm nhạc học, “Cò ke ôống kháo” là một dàn nhạc. Song ở bài viết này, chúng tôi dùng từ “ban nhạc” để nhấn mạnh yếu tố con người trong dàn nhạc đó. Đây cũng là cách gọi thông thường của người Mường dành cho tổ chức dàn nhạc này.

3. “Cò ke ôống kháo” hiểu theo nghĩa đen là từ ghép của tên gọi hai nhạc khí: “Cò ke” và “ôống kháo” (đàn nhị; sáo trúc). Đây là hai nhạc khí chủ chốt vì chúng diễn tấu giai điệu chính. “Cò ke ôống kháo” theo nghĩa thường dùng là một tổ chức dàn nhạc gồm có “Cò ke”, “ôống kháo” và các nhạc khí khác như: trống con, chũm chọe, đàn tam, đàn bầu… [1].

4. Chiếc kèn này chỉ trình tấu một bài bản duy nhất tên là Lâm khốc, ban nhạc “Cò ke ôống kháo” thường sẽ cùng hòa tấu bài bản ấy, nhưng người ta chỉ coi đó là sự hỗ trợ mà thôi.

5. Có 02 người kể với tác giả bài viết câu chuyện về sự tích chiếc kèn đám ma như sau: Ngày xưa, có một anh chàng bị câm bẩm sinh, cũng vì thế nên anh chưa được cô gái nào ưng thuận lấy làm chồng dù đã đến tuổi lập gia đình. Do đó, anh vẫn ở với cha mẹ. Đến một ngày cha mẹ mất vì già yếu, anh rất đau buồn, muốn khóc lóc, than thở với linh hồn cha mẹ nhưng ngặt nỗi không thốt được lời nào. Thế rồi anh chế tạo ra chiếc kèn và dùng nó để cất lên những giai điệu đau buồn thay cho tiếng khóc của mình. Khi mọi người biết chuyện, ai cũng cảm động, và kể từ đó chiếc kèn được người dân Mường dùng để thay lời khóc trong đám tang (PVS, thầy Mo Đinh Công Tỉnh, xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc và ông Bùi Quang Hiên, Phó chủ tịch UBND xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, ngày 20-21/7/2019).

6. “Hát khóc” là trình bày giọng hát có sự phụ họa của các nhạc khí. Người hát là một thành viên của ban nhạc đám ma, họ “thay lời” gia đình tang chủ để thể hiện những bài ca than thở về nỗi buồn trước sự ra đi của người chết.

7. “Thết làng” nghĩa là “tết làng”.

8. Đó là nghi lễ rước nước, rước vía lúa trong lễ hội Khai hạ đình Ngòi; hay tới một cánh đồng đã chọn sẵn để chứng kiến người dân thực hiện đường cày đầu tiên trong năm mới ở lễ hội Khai hạ Mường Bi; hoặc đơn giản hơn là tại lễ hội rước Bụt, xã Nhân Nghĩa, đoàn rước chỉ thực hiện một hành trình vòng quanh làng xóm, rồi dừng chân ở cánh đồng trước nơi thờ tự để tiến hành lễ cúng tế.

9. Nhịp trống chiêng đánh trì thục: Tùng, tùng – cheng (ứng với trường độ âm nhạc phương Tây là: đen, đen – trắng).

10. Bản nhạc Đi đường được dùng ở lễ hội Khai hạ Mường Bi và lễ rước Bụt xã Nhân Nghĩa. Riêng ở lễ Khai hạ đình Ngòi, Ban tổ chức yêu cầu ban nhạc “Cò ke ôống kháo” tập luyện và chơi theo bản nhạc Lưu thủy của người Kinh được phát trên một chiếc loa di động kéo đi cùng với đoàn rước.

11. Người ta cắt các ống nứa to, dài khoảng 1m hoặc ngắn hơn, giao cho các thiếu nữ mỗi người cầm hai ống, họ dộng một đầu ống xuống đất theo nhịp, và thỉnh thoảng lại đập hai ống này vào nhau. Có lẽ là một sáng kiến ở thời gian gần đây.

12 Hót loóng có nghĩa đen là uống nước cây chuối. Ông Nguyễn Văn Tân ở Sủ Ngòi giải thích rằng, tại các đám tang họ đun một nồi nước để vừa luộc thịt, vừa ninh xương. Từ nồi nước này, họ nấu thành món canh với lõi cây chuối rừng thái nhỏ. Trong đám tang đông người, thường không thể tính toán được số lượng người ăn. Vì vậy, món canh chuối trở nên thuận tiện, mỗi khi gần hết họ chỉ cần cho thêm nước, gia vị và chuối (các nguyên liệu luôn có sẵn) để bổ sung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Bạch Dương (2019), “Nghệ nhân “Cò ke ôống kháo” trong đời sống cộng đồng Mường ở Hoà Bình”, Tạp chí Nghiên cứu Văn hoá, số 28.

2. Jeanne Cuisinier (1948), Người Mường – Địa lý nhân văn và xã hội học (Bản dịch của Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Hòa Bình, tái bản lần thứ nhất 2007), Nxb. Lao động, Hà Nội.

3. Bùi Văn Kín, Mai Văn Trí, Nguyễn Phụng (1972), Góp phần tìm hiểu tỉnh Hòa Bình, Ty Văn hóa – Thông tin tỉnh Hòa Bình, Hòa Bình.

4. Pierre Grossin (1926) (tái bản 1994), Tỉnh Mường Hòa Bình, Lê Gia Hội dịch, Sở Văn hoá – Thông tin tỉnh Hòa Bình, Nxb. Lao động, Hà Nội.

5. Nguyễn Ngọc Thanh, Trần Hồng Thu (chủ biên) (2009), Tri thức địa phương của người Mường trong sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

6. Bùi Thiện (sưu tầm, biên dịch, giới thiệu) (2015), Đẻ đất đẻ nước và phong tục đạo lý nhân văn Mường, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

7. Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình (2010), Mo mường Hòa Bình, Hòa Bình.

Nguồn: Nghiên cứu Văn hóa, Số 31 (Tháng 3 – 2020)

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Âm nhạc dân gian “Cò ke Ôống kháo” trong đời sống cộng đồng làng Mường (Tác giả: ThS. Trần Bạch Dương)