ẨM THỰC người Việt TÂY NAM BỘ từ góc nhìn địa văn hoá

1. Ẩm thực đối với con người từ xưa đến nay là nhu cầu thiết yếu, là một phần quan trọng trong cuộc sống. Đặc biệt đối với Việt Nam, một nền văn hoá gốc nông nghiệp thì ẩm thực càng có vai trò quan trọng, như ông bà ta từng nói “có thực mới vực được đạo”.

     Ẩm thực không chỉ đơn thuần là cung cấp dinh dưỡng để duy trì cuộc sống mà còn đáp ứng nhu cầu về tinh thần, về giao tiếp và ứng xử. Nhà văn Nguyễn Tuân đã nhận xét “Món ăn là một nội dung quan trọng góp phần tạo nên phong vị dân tộc, phong vị quê hương và có tác động không nhỏ vào tâm tư tình cảm vào cách ứng xử của mỗi tập đoàn người…” [4]. Ẩm thực của người Việt Tây Nam Bộ mang những đặc trưng riêng, độc đáo của những người một thời đi mở cõi – đó là bản sắc của khẩn hoang, phóng khoáng, không cầu kì, câu nệ. Ẩm thực của người Việt miền Tây Nam Bộ đã trở thành nét văn hoá, lối sống của cư dân vùng đất này, góp phần làm nên bản sắc văn hoá ẩm thực Việt Nam.

     Báo cáo của chúng tôi đặt vấn đề nghiên cứu về ẩm thực của người Việt Tây Nam Bộ theo hướng tiếp cận địa văn hoá. Báo cáo này chỉ tập trung vào sự tác động của điều kiện sinh thái tự nhiên, đặc biệt là môi trường sông nước đối với văn hoá ẩm thực của con người, cư dân vùng đất này.

2. Nghiên cứu ẩm thực tiếp cận từ địa văn hoá

     2.1. Ẩm thực

     Theo Từ điển Hán Việt thông dụng [14] thì ẩm thực chính là ăn uống, ẩm thực là danh từ ghép, gốc Hán, với nghĩa ẩm: là uống; thực: là ăn. Theo Từ điển bách khoa toàn thư Wikipedia, ăn cũng là từ dùng để chỉ hành vi nạp năng lượng nhằm duy trì sự sống và tăng trưởng của động vật nói chung trong đó có con người 1.

     Ăn uống là nhu cầu tự nhiên hằng ngày của con người. Ngay từ thời kì sơ khai, con người đã biết tìm thức ăn cung cấp năng lượng cho cơ thể từ môi trường tự nhiên bằng hình thức săn bắt hái lượm. Vào thời điểm này, ăn uống chỉ là một hoạt động sinh học, ăn sống, uống sống, ăn theo bản năng để duy trì sự sống và bảo tồn nòi giống.

     Cùng với sự tiến hoá của loài người, việc tìm ra lửa và sự chuyển đổi từ thức ăn sống sang thức ăn chín đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong đời sống con người. Sự chuyển đổi này đã làm con người tiến hoá với nhịp điệu cao hơn trước, làm con người thay đổi về tâm sinh lí, nhận thức, hành động có ý thức hơn.

     Ẩm thực ngoài việc đáp ứng nhu cầu sinh học của con người, còn là tiêu chí để đánh giá chất lượng cuộc sống, thể hiện chức năng xã hội quan trọng – phương tiện giao tiếp xã hội giữa con người với nhau (trong cả hiện tại và đời sống tâm linh), có ảnh hưởng đến tình cảm, thái độ ứng xử của con người.

     Đời sống con người càng được nâng cao, thì nhu cầu ăn uống cũng đòi hỏi phải đạt mức độ cao hơn nữa. Ăn uống không chỉ để no mà còn để thưởng thức cái ngon, cái đẹp và còn những tác dụng khác như chữa bệnh, làm đẹp. Để đáp ứng được những tiêu chí đó, việc nấu ăn đã được nâng tầm lên thành một bộ môn nghệ thuật với tính thẩm mĩ cao và đã tạo nên đặc trưng riêng, bản sắc riêng của một nền văn hoá, như Nguyễn Tuân đã nhận xét “ẩm thực là đỉnh cao của một dạng văn hoá dân tộc”.

     Nghệ thuật ẩm thực còn là bức tranh phản ánh thiên nhiên, đất nước, cũng như tâm hồn dân tộc, tâm tính, tình cảm con người. Sự thể hiện của văn hoá trong ăn uống cũng chính là sự thể hiện bản chất của con người, bản sắc dân tộc của mỗi quốc gia. Qua ẩm thực có thể phản ánh điều kiện địa lí, hoàn cảnh lịch sử, trình độ nhận thức, đặc trưng văn hoá của một dân tộc, một quốc gia. Sự hình thành phong cách, thói quen ăn uống của một vùng miền, một dân tộc là kết quả từ một nền văn hoá ra đời trong bối cảnh và lối sống riêng của những cư dân sinh sống tại vùng đất đó.

__________
1. http://vi.wikipedia.org (19/7/2014).

     2.2. Hướng tiếp cận địa văn hoá

     Nghiên cứu mối quan hệ giữa địa lí và văn hoá đã manh nha từ thời kì cổ đại. Các nhà nghiên cứu như Hippocrates (5 TCN) và Herodotus (490 TCN) đã nhận định “sự khác nhau về vùng đất tạo ra sự khác nhau về con người” [15]. Tiếp cận từ góc độ địa lí, các nhà khoa học này đã giải thích chính sự khác biệt của vùng khí hậu nóng và lạnh đã làm cho xã hội Hi Lạp phát triển sớm hơn so với các xã hội khác tại cùng một thời điểm. Aristotle cũng đã đưa ra hệ thống phân loại khí hậu của mình để giải thích lí do tại sao con người gặp khó khăn khi giải quyết một số vấn đề trong xã hội ở những khu vực trên thế giới. Các nhà nghiên cứu thời kì này cho rằng “miền đất bao gồm: thời tiết, khí hậu, các hình thái đất và thực vật… chi phối con người phát triển trong một thời gian dài” [15]. Quan điểm này được gọi chung là quyết định luận địa lí (Geographical Determinism) hay quyết định luận môi trường (Enviromental Determinism).

     Quan điểm của các nhà quyết định luận môi trường ở thời kì cổ đại cho đến thế kỉ XIX đều cho rằng yếu tố tự nhiên là nhân tố quan trọng, chi phối tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống con người. Đến thế kỉ XX, với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu văn hoá, thuyết “Địa – văn hoá mới” ra đời thay thế cho thuyết “Quyết định luận môi trường”, nhấn mạnh đến sự tương tác giữa các cảnh quan tự nhiên và con người; và chính sự tương tác đó đã tạo ra những cảnh quan văn hoá. Quan điểm mới đề cao vai trò của con người; tự nhiên không còn được coi là yếu tố duy nhất có tính quyết định và chi phối một chiều; con người có khả năng tác động trở lại môi trường hoặc lựa chọn môi trường thích nghi.

     Ở Việt Nam, nghiên cứu về mối quan hệ giữa môi trường và văn hoá, nhà nghiên cứu Đào Duy Anh nhận định “cách sinh hoạt của con người, tức là văn hoá có quan hệ rất mật thiết với điều kiện tự nhiên, cho nên nghiên cứu văn hoá của một dân tộc, ta phải nghiên cứu hoàn cảnh tự nhiên của dân tộc ấy trước” [1]. Theo tác giả Trần Ngọc Thêm “văn hoá là hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội” [8]. Trần Quốc Vượng cho rằng “thiên nhiên Việt Nam là điểm xuất phát của văn hoá Việt Nam. Văn hoá là sự thích nghi và biến đổi tự nhiên. Thiên nhiên đặt ra trước con người những thử thách, những thách đố. Văn hoá là sản phẩm của con người, là sự phản ứng, là sự trả lời của con người trước những thách đố của tự nhiên” [13]. Chính sự tác động của tự nhiên làm cho con người tìm cách thích nghi và ứng phó với nó, đặc biệt là trong lĩnh vực ẩm thực.

     Như vậy theo hướng tiếp cận địa văn hoá chúng tôi hướng đến mục đích: (1) nghiên cứu ẩm thực của vùng văn hoá Tây Nam Bộ trong quan hệ với môi trường tự nhiên; (2) xem điều kiện tự nhiên là một trong những nhân tố hình thành nên những đặc điểm cơ bản của văn hoá ẩm thực Tây Nam Bộ.

3. Đặc điểm môi trường tự nhiên vùng Tây Nam Bộ

     Tây Nam Bộ là phần lãnh thổ ở phía cực Nam của Việt Nam gồm 13 tỉnh thành: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, với diện tích 40.518,5km2 chiếm 12% diện tích cả nước [9].

     Về mặt địa hình, Tây Nam Bộ là vùng phù sa mới, có độ cao trung bình thấp nhất nước, có nơi độ cao chỉ gần 2m so với mặt nước biển, hàng năm có tới 1 triệu ha bị ngập nước mặn trong thời gian từ 2 đến 4 tháng.

     Tây Nam Bộ có khí hậu nhiệt đới ẩm, với tính chất gió mùa cận xích đạo tạo ra hai mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Có thể nói các yếu tố khí hậu của Tây Nam Bộ thích hợp cho các sinh vật sinh trưởng phát triển đa dạng, đặc biệt là phát triển trồng cây ăn trái, trồng lúa nước và cây lương thực.

     Tây Nam Bộ là một trong những đồng bằng châu thổ rộng và phì nhiêu với hệ sinh thái vô cùng phong phú được sự bồi đắp của phù sa sông Cửu Long. Sông Cửu Long đóng vai trò rất quan trọng trong suốt quá trình hình thành vùng châu thổ này. Sông Cửu Long là một phần của sông Mekong bắt nguồn từ Tây Tạng (Trung Quốc) chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia rồi vào Việt Nam chia thành hai nhánh: Tiền Giang và Hậu Giang. Các dòng chảy trên sông Cửu Long đều đổ ra biển nên tính chất thuỷ văn đồng bằng sông Cửu Long mang tính chất vùng cửa sông chịu ảnh hưởng của thuỷ triều. Vì vậy, Tây Nam Bộ không có lũ lớn như ở Bắc và Trung Bộ, nhưng mỗi năm có một mùa nước nổi, nước tràn ngập trên tất cả các cánh đồng tạo môi trường thích hợp cho các loài cá nước ngọt đẻ trứng sinh sôi nảy nở, giúp cho người dân được mùa thu hoạch các loại thuỷ sản.

     Do nhu cầu dẫn nước ngọt phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt và nhu cầu giao thông đường thuỷ, cư dân vùng Tây Nam Bộ đã tiến hành đào vét thêm rất nhiều kênh rạch nhân tạo, đến nay tổng chiều dài hệ thống sông rạch ở Tây Nam Bộ đã lên đến hơn 54.000km. Với hệ thống kênh rạch chi chít và dày đặc như vậy, cư dân của vùng đất này được gọi là cư dân của “văn minh kênh rạch”.

     Với đặc điểm về địa hình, chế độ thuỷ văn như trên, từ góc nhìn địa – văn hoá, đặc biệt là sự tác động của sông nước, Đinh Thị Dung đã chia Tây Nam Bộ ra làm 5 tiểu vùng [9]: (1) Tiểu vùng Phù sa ngọt: có địa hình bằng phẳng, tạo nên văn minh miệt vườn, mang đậm dấu ấn của văn minh sông nước với chợ nổi, nhà sàn ven sông, cầu khỉ; (2) Tiểu vùng Giồng duyên hải: là vùng chịu ảnh hưởng nhật triều với hiện tượng độc đáo là lúc con nước chưa xuống hết thì lại bắt đầu lên lại, người dân gọi là con nước lửng; (3) Tiểu vùng Ngập hở (Tứ giác Long Xuyên): có địa hình thấp trũng, khi xổ lũ lại đem triều mặn vào, thích hợp cho dừa nước và bạch đàn phát triển; (4) Tiểu vùng Ngập kín (Đồng Tháp Mười): có địa hình đồng trũng, thường ngập nước; (5) Tiểu vùng ngập mặn (Bán đảo Cà Mau): vùng đất thấp, địa hình cao ở phía biển thấp dần về phía nội địa, vùng đất phèn mặn, nổi bật với đặc trưng sinh thái hồ – rừng độc đáo. Có thể nói, chính các vùng phù sa, giồng tự nhiên, sông rạch, với các khu rừng ngập nước đã tạo môi trường sống thuận lợi cho sự sinh trưởng, phát triển của nhiều loại động – thực vật, các loài lưỡng cư, các loài bò sát, thuỷ hải sản vô cùng phong phú ở vùng đất này.

     Về chủ thể văn hoá, tại vùng đất Tây Nam Bộ có bốn tộc người chính đến định cư và khai phá vùng đất này là Khơ-me (thế kỉ XIV), Việt, Hoa (thế kỉ XVII) và Chăm (thế kỉ XVIII) [9]. Trong những buổi đầu của thời kì khai khẩn, làng xóm được hình thành một cách tự phát, dựa vào tinh thần tương thân tương trợ lẫn nhau. Tây Nam Bộ không có cảnh làng quê quen thuộc của người Việt với lũy tre xanh, giếng nước, cây đa, mái đình; làng ấp ở đây nhà cửa tản mát dọc theo bờ kênh, các con sông. Khuôn viên quen thuộc về nhà ở của cư dân Bắc Bộ là “nhà ngói cây mít”, thì khuôn viên của cư dân Tây Nam Bộ là “tiền viên hậu điền” – trước còn vườn sau có ruộng. Đặc trưng không gian sinh thái của người Việt Bắc Bộ là hệ thống ao hồ, thì ở Tây Nam Bộ là mạng lưới dày đặc các kênh rạch. Hình thức cư trú ven sông rạch này đem lại nhiều lợi ích, có thể khai thác nguồn tài nguyên ngay trên kênh mương, sông rạch, ven bìa rừng,…

     Tính chất sông nước là đặc trưng nổi trội của vùng đất này. Chính đặc trưng sông nước này đã có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sinh hoạt của con người vùng Tây Nam Bộ. “Có thể nói, Tây Nam Bộ là xứ sở của văn minh kênh rạch, bởi kênh rạch nơi đây tạo thành hệ thống chằng chịt bám chặt vào mọi nẻo của cả vùng; nó quy định nhịp điệu làm ăn, đi lại; thậm chí cả trong việc thờ cúng, vui chơi. Người dân vùng sông nước Tây Nam Bộ làm gì, đi đâu cũng tuỳ thuộc vào con nước lớn ròng” [10]. Chính những khác biệt về đặc điểm tự nhiên đã tạo những khác biệt về văn hoá nói chung và văn hoá ẩm thực nói riêng của người Việt ở vùng Tây Nam Bộ.

4. Đặc trưng văn hoá ẩm thực vùng Tây Nam Bộ

     4.1. Nguyên liệu chế biến từ nguồn sản vật sông nước

    Với những điều kiện thuận lợi từ thiên nhiên mang lại, cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã biết tận dụng môi trường sông nước với nguồn sản vật dồi dào để làm bữa ăn thêm phong phú. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc đã cung cấp cho cư dân vùng Tây Nam Bộ nhiều loại thuỷ hải sản, trong đó cá là thực phẩm chủ yếu với hơn 200 loại khác nhau “cá nhiều, dưới sông, trên đồng, khỏi cần tốn thực phẩm để nuôi hoặc bỏ công phu săn sóc” [5]. Ngoài ra, còn các loại thuỷ hải sản khác như: tôm, cua, mực, ếch, lươn, sò, nghêu, ốc,… Về loài bò sát thích nghi với môi trường sông nước thì cũng đa dạng không kém như: rắn, rùa, ba ba, kì nhông, kì đà, rắn mối, cá sấu, chuột đồng,… các loài động vật sống dưới nước như: cá voi, cá heo, trâu rừng, bò biển, rái cá,… Tây Nam Bộ còn nhiều đất hoang chưa bị khai phá hết, các loài chim, thú hoang dã có điều kiện sinh trưởng, phát triển với số lượng lớn và đa dạng về chủng loại.

     Lúa và trái cây là hai sản vật quan trọng của môi trường sông nước ở đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng lúa chiếm 50%, sản lượng trái cây chiếm 70% sản lượng lúa và trái cây của cả nước.

     Điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, với hai mùa mưa, khô rõ rệt đã giúp cho thiên nhiên ở Tây Nam Bộ phát triển phong phú, đa dạng. Các loại rau, hoa, quả nhiệt đới có quanh năm, trong đó có rất nhiều loài đặc trưng của sông nước, mọc um tùm như: rau muống, rau nhút, rau dừa nước, rau ngổ, môn, bồn bồn, sen, súng, ấu, khoai nước, kèo nèo. Người Việt vốn thích ăn rau, người Việt ở Tây Nam Bộ lại ăn rau nhiều hơn hết vì đây là loại thức ăn có sẵn ở ao hồ, vườn ruộng, rất dễ tìm. Từ các loại rau quen thuộc thường ngày như: rau đắng, rau dền, bồ ngót, mồng tơi, rau tập tàng, cải xanh, cải trời,… đến các loại lá cây: sầu đâu, lá xoài, lá cách, đinh lăng,…; đọt cây: đọt vừng, đọt bần, đọt chùm ruột, đọt xoài, đọt ổi, đọt cơm nguội, đọt chiết ổi chua,…; các loại bông, trái như: bần, xoài non, cóc non, me non, bông súng, bông điên điển, lục bình,…

     Với nguồn sản vật sông nước đa dạng và phong phú như vậy, cư dân người Việt Tây Nam Bộ đã tận dụng nguồn nguyên liệu động thực vật tại chỗ được thiên nhiên hào phóng ban tặng để tạo thành một phong cách ẩm thực riêng của mình, mang đậm dấu ấn của môi trường sinh thái tự nhiên nơi đây.

     4.2. Khẩu vị

     Tính chất của môi trường sống hoang sơ, nắng nóng đã ảnh hưởng đến khẩu vị ăn của người Việt ở vùng Tây Nam Bộ. Cư dân Tây Nam Bộ thích ba vị chủ đạo mặn, đắng, cay. Mặn thì phải thật mặn, mặn đến quéo lưỡi như: kho quẹt, mắm cá, khô cá, tép rang, cá kho tộ,…; cay phải cay xé họng: ớt chỉ thiên, tiêu sọ, gừng già,…; ăn đắng, ăn chát: sầu đâu, khổ qua, đinh lăng, rau đắng đất,…; ăn rau sống: bông súng, càng cua, lá lốt, lá nghệ non, kèo nèo, ngó sen,… Khẩu vị của người Việt Tây Nam Bộ “quyết liệt” như vậy chính là do dấu ấn sắc nét thời khai khẩn, cư dân thời kì đó phải đối phó với môi trường thiên nhiên nắng nóng, vừa ưu đãi nhưng cũng vừa hoang dã, đầy đe doạ; khẩu vị ăn như vậy sẽ giúp cư dân Tây Nam Bộ khắc phục được tình trạng mất nước do khí hậu nắng nóng. Cơ cấu bữa ăn nhiều thuỷ hải sản, nên phải chế biến mặn và cay để khử chất tanh. Sự kết hợp giữa các vị mặn, đắng, chua, cay như vậy, mới có thể tận dụng triệt để nguồn sản vật dồi dào từ môi trường sông nước, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho con người trong nỗ lực lao động nặng nhọc hàng ngày.

     4.3. Phong cách

     Phong cách ăn uống của người Việt Tây Nam Bộ không đi vào thưởng thức cái tinh tế về lối sống, cách ăn như phong cách ăn ở Huế và Hà Nội. Người Việt Tây Nam Bộ xem ăn uống là môi trường để con người bộc lộ, giãi bày những tâm tư tình cảm. Tính cách con người ở đây phóng khoáng, thích ăn uống thoải mái, theo kiểu ăn to nói lớn, không cầu kì, nên ăn uống thiên về dân dã, dư dật, dồi dào sản vật kiểu Nam Bộ “đầy tôm đầy cá”, ít chú ý đến tinh vi, cách chế biến, cách bày biện món ăn. Đây cũng chính là sự thể hiện chân tình theo phong cách rất Nam Bộ, một đặc tính chung và cũng là “tính nết” điển hình của người Việt Tây Nam Bộ.

     Với tập quán thưởng thức “mùa nào thức nấy” và cách suy nghĩ “ăn để mà sống” nhằm có đủ dưỡng chất tái tạo sức lao động, cư dân Tây Nam Bộ đã phối hợp các nguyên liệu theo phong cách ẩm thực riêng của mình với các tiêu chí: thơm, ngon, bổ, khoẻ. Người Việt Tây Nam Bộ rất quan tâm đến việc ăn uống bồi bổ sức khoẻ, luôn coi trọng yếu tố dược tính cũng như sự kết hợp hài hoà giữa các nguyên liệu làm nên món ăn, thức uống, để có thể đem lại cho con người không chỉ là miếng ăn ngon mà còn có một sức khoẻ tốt cho cơ thể.

     Thành phần cư dân tứ xứ, phải nương tựa vào nhau để cùng sống, cùng tồn tại trong những năm tháng đầu tiên lập nghiệp, nên tính cộng đồng, tính tương thân, tương ái thể hiện khá rõ trong văn hoá của cư dân nơi đây, đặc biệt trong văn hoá uống rượu. Cư dân Tây Nam Bộ không uống rượu theo kiểu Bắc Bộ và Trung Bộ mỗi người một ly riêng biệt, mà họ dùng một cái bát ăn cơm chuyền tay nhau cùng uống. “Cách uống này chứa đựng một triết lí thâm thuý về tính cộng đồng sống chết có nhau, như nhắc nhở và củng cố thêm tinh thần đồng cam cộng khổ của con người trên miền đất mới” [12].

     Phong cách ăn uống của người Việt Tây Nam Bộ là kết quả của sự giao tiếp hoà trộn của nhiều tộc người trên một vùng đất mới. Cách ăn uống đó đã tạo nên một nền văn hoá ẩm thực của cư dân nơi đây trên cơ sở xử lí các quan hệ với thiên nhiên, với con người. Tính cộng cư của nhiều tộc người trên vùng đồng bằng rộng lớn này đã mang đến cho nơi đây sự đa dạng và phong phú trong văn hoá ẩm thực.

5. Tóm lại, sự tác động của môi trường tự nhiên đã có ảnh hưởng rất lớn đến văn hoá ẩm thực của người Việt Tây Nam Bộ. Trong phạm vi báo cáo này, từ hướng tiếp cận địa văn hoá, chúng tôi đã chứng minh giả thuyết điều kiện tự nhiên là một trong những nhân tố hình thành nên những đặc điểm cơ bản của văn hoá ẩm thực Tây Nam Bộ.

     Văn hoá ẩm thực người Việt miền Tây Nam Bộ luôn phản ánh mối quan hệ chặt chẽ giữa con người Tây Nam Bộ với môi trường tự nhiên. Trong quá trình tiến về phía Nam mở mang bờ cõi, qua quá trình chinh phục thiên nhiên, ẩm thực của người Việt Tây Nam Bộ đã thể hiện rõ thái độ ứng xử của con người đối với tự nhiên để đảm bảo duy trì cuộc sống. Con người đã biết tận dụng những nguồn sản vật dồi dào từ thiên nhiên sông nước ban tặng, chọn lọc, sáng tạo nhiều món ăn phù hợp với điều kiện sống của vùng đất mới. Sự thích ứng với môi trường tự nhiên của người Việt tại vùng đất này cũng đã thể hiện được tính sáng tạo và linh hoạt của con người, tạo nên những đặc trưng riêng, độc đáo trong văn hoá ẩm thực Tây Nam Bộ – một vùng đất mới đầy ưu đãi nhưng cũng đầy thách thức.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000.

2. Ẩm thực khẩn hoang Nam Bộ, http://www.binhquoiresort.com.vn/index.php?mod=10&grand_id=2&parent_id=33.

3. Nguyễn Chí Bền, Những hằng số của văn hoá dân gian người Việt Nam Bộ. In trong kỉ yếu Hội thảo Tìm hiểu di sản văn hoá văn nghệ dân gian Nam Bộ, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức, NXB Khoa học Xã hội, 2003.

4. Xuân Huy (sưu tầm và giới thiệu), Văn hoá ẩm thực và món ăn Việt Nam (bản thứ hai), NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2004.

5. Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2007.

6. Nguyễn Nhã, Bản sắc ẩm thực Việt Nam, NXB Thông tấn xã, Hà Nội, 2009.

7. Vũ Thống Nhất, Ẩm thực Nam Bộ đau đáu hương vị cội nguồn, http://metinfo.blogspot. com/2008/01/m-thc-nam-b-au-u-hng-v-ci-ngun.html.

8. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc Văn hoá Việt Nam: Cái nhìn hệ thống – loại hình, NXB TP Hồ Chí Minh, 2006.

9. Trần Ngọc Thêm, Văn hoá người Việt vùng Tây Nam Bộ, NXB Văn hoá – Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2014.

10. Ngô Đức Thịnh, Khám phá ẩm thực truyền thống Việt Nam, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2010.

11. Ngô Đức Thịnh, Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá ở Việt Nam, NXB Trẻ TP Hồ Chí Minh, 2004.

12. Nguyễn Đoàn Bảo Tuyền, Văn hoá ứng xử với môi trường sông nước của người Việt miền Tây Nam Bộ, Luận văn Thạc sĩ, Trường ĐH KHXH&NV, TP Hồ Chí Minh, 2006.

13. Trần Quốc Vượng, Môi trường con người và văn hoá, NXB Văn hoá Thông tin và Viện Văn hoá, Hà Nội, 2005.

14. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Hán Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1989.

15. Caarter G. F., Man and the Land, Culture Geographi, Mc Graw Hill, New York, 1982.

LÊ THỊ NGỌC ĐIỆP 1

__________
1. ThS, Trường Đại học KHXH&NV.