BA ĐỜI ĂN CHÁO và giấc mơ về CON NGỰA SẮT
Tôi – một anh chàng thư sinh, áo sờn cổ, từng ngồi “chầu rìa” trong cuộc chơi. Nay đã phải biết tính toán lá bài số phận của mình.Như vậy, thời thế đã thay đổi kể từ buổi trưa ngày ba mươi tháng tư năm một chín bảy lăm. Bức tranh “pốp ác” khu ổ chuột của xóm tôi bỗng trở thành vũ khúc “híp hóp” nhộn nhịp đường phố. Tiếng hô hào, tiếng tưng bừng bỗng trổi lên vang dội. Hòa trộn vào đó tiếng thì thầm lo âu trơ trọi của vài căn nhà lầu. Trò chơi lớn đã đánh “con bài lật ngửa” cuối cùng.
May mắn lạ! Một người tưởng chừng không ra gì cả trước đó, nay đã thành người của chính quyền cách mạng địa phương, đã dòm ngó đến tôi. Không bao lâu sau, người phân công cho tôi một chức vụ để chọn lựa một trong hai: “nhào nặn than quả bàng” hay “bổ củi” khi địa phương thành lập hợp tác xã chăm lo chất đốt. Nhưng mẹ tôi, người đàn bà vất vả qua hai cuộc chiến dài vừa qua đã lật lại “lá số tử vi” của tôi để xem cung mệnh “chiếu sao thầy giáo” – một chức sắc của anh “phó thường dân đen Nam Bộ”.
Làm thầy giáo không khó lắm vì trước đó tôi đã có thân phận của một “ông thầy giáo” ăn cơm tháng tại gia để dạy kèm cho con em một số gia đình tư sản.
Vậy tôi lục lại mấy tờ giấy tùy thân để ra đi tìm đường định nghiệp. May mà gặp thầy “Trần Ch…”- người cao cao ròm ròm. Lúc bấy giờ ông là Phó Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng Hợp trông như một vị thân nào trong Hội đồng Kỳ mục, mà tôi đã có lần nói đến.
Nhìn phớt qua hồ sơ lý lịch, ông gật gù cái đầu, cục “a dam” nhảy nhót.
– Để mình gửi gắm ! Không thôi họ cho đi làm “bảo vệ”. Mà này – chức bảo vệ là để dành cho “con nhà nòi cách mạng” đấy!. Cậu chưa ra vẻ gì! Dù cha có hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Nhưng cũ quá ! Phải mới toanh mới ăn tiền!.
Tôi im lặng vì cha tôi chết đâu chọn được ngày, hơn nữa không chọn được “thời thế” để chết cho đúng lúc – hầu con ông có được tờ giấy xác nhận. Hít thêm một hơi thuốc Hoa Mai thật sâu, rồi phun ra một đám khói to mù mịt cả cái quán cóc bên đường.
– Tuy nhiên vóc dáng cậu trông như cái anh “tạch tạch xè” (tiểu tư sản), mang mắt kính cận cũng được đấy!. Bây giờ, còn phải điều tra xem dòng họ cậu có 3 đời ăn cháo hay không?
– Ăn cháo là ăn cháo gì?
– Cậu ở trong Nam không hiểu cái đếch gì cả – nghĩa là gia đình có làm bần cố nông truyền thống hay không?
Như nắm bắt được tình thế! Tôi bèn “báo cáo”:
– Thưa “anh”, ông nội gia đình “em” là bần cố nông đồng chiêm trũng, cày ruộng thuê. Cha em chăn trâu, mót lúa.
Ông ta vội la lên như vớ được bằng khen “chiến sĩ thi đua”.
– Cơ bản đấy! Vậy là 2 đời ăn cháo! tôi đã phát hiện ra cậu!. Còn đời cậu thế nào? Có ăn cháo như đời ông đời cha không?
Tôi im lặng vì món cháo không phải lúc nào cũng có mà ăn. Ai nấu cho? Củi lửa rườm rà! Chỉ khi nào bị đau ốm và được chăm sóc!. Riêng chỉ có món cháo đêm là dành cho các anh “kép hát”, các “cô đào” cải lương, hồ quảng hay các anh chị nghệ sĩ “nhạc tiền chiến”. Họ phải chờ vãn tuồng, vãn hát! kéo nhau ra chợ cũ Sài Gòn hay chợ Tân Định hoặc đến các chợ trong quận 5, quận 10, quận 11…
Họ ăn cháo theo mơ nuya: cháo thịt, cháo cá, cháo bào ngư, cháo lòng heo, cháo huyết… Ăn cháo không phải món ăn dành riêng cho giai cấp bần cùng!!!. Vậy tôi phải kê khai món ăn gì cho đủ “ba đời bần cố nông”. Tôi bâng khuâng mãi và không bao lâu sau gặp lại thầy, tôi bèn kể món ăn cơ bản của tôi trong những ngày còn là cái anh học trò nghèo ở mảnh đất Sài Gòn tráng lệ này để bổ sung vào cái lý lịch. Viết lý lịch là phương pháp rèn luyện trí nhớ và rèn dũa ngòi bút “vô sản” mà bây giờ tôi mới nhận ra. Có lẽ tôi đã viết về lý lịch đời mình đến nay cả trăm lần – nghe cũng “rách nát” lắm.
Bây giờ để tôi lo báo cáo các món ăn của tôi trong đó có “món ăn Năm Vố” là món cơ bản nhất. Nhưng tôi chỉ kể cái “món Năm Vố cuối cùng” cho có bản sắc giai cấp đủ “Ba đời ăn cháo” cho trọn vẹn truyền thống.
Vì thầy Trần Ch… là nhà “ngôn ngữ học đường phố” – theo cách đánh giá của tôi nên bảng kê khai “mơ nuya” phải được xác định ngữ nghĩa, ngữ âm và có điều tra xã hội học.
Thầy hỏi tôi, cậu ăn nhà hàng Năm Vố à!
– Dạ! Không. Năm Vố là tên món ăn. Đó là món ăn dư thừa của khách được cho vào cái nồi nấu “cám heo”. Thay vì cho heo thì cho bọn ăn xin, ăn mày,
bọn xích lô, xe ôm, bọn “chị em ta” ở Cầu Hang, Ngã Năm Chuồng Chó, kể cả bọn ăn cắp vặt và bọn học trò rách nát như tôi. Tôi ăn món Năm Vố một thời gian dài cho đến chiều cuối cùng. Bà bếp dành riêng cho tôi 1 dĩa bíp-tết. Sau khi ăn xong bà kể công “Hôm nay có ông khách Tây lai, kêu món này. Ông nhai và nhả ra rồi nhỏ bãi nước bọt vào dĩa rồi la to: “mẹt xà lù” – “dai như dẻ rách“”. Xong! Ông kêu “bồi” đến trả tiền. Bà thấy ngon quá! Ngàn năm một thuở! Bồi đem xuống giao lại cho bà. Bà làm lại và để dành cho tôi ăn riêng! Ngay sau đó tôi cảm thấy như bị trúng gió độc! Ói mửa ra! Mọi người xoa dầu liên hồi!.
Bây giờ kể lại cái món ăn Năm Vố cuối cùng ấy để xin được xem có giá trị tương đương như một món cháo của giai cấp bần cố nông hay không? Để được ghi vào sổ vàng“ba đời ăn cháo” mà cho được làm nghề dạy học suốt đời!. Xin đội ơn trời Phật, đội ơn chính phủ, ông bà cô bác, anh, chị, em, cậu, mợ, chú, thiếm, cô, dì…. để được quan tâm xem xét. Cuối cùng, tôi được thầy phê vào lý lịch với lời lẽ “chiếu cố”.
x
x x
Giải quyết xong “khâu lý lịch” tôi được nhận ngay vào vị trí “phụ trách bộ phận tiếng Việt cho sinh viên Kampuchia”. Vào lúc ấy! Đó là chức danh hèn mọn nhất trong Khoa Ngữ Văn. Nhưng đối với tôi đó là niềm vinh dự lớn để bước dần vào vị trí trong bộ máy “xã hội chủ nghĩa”. Mẹ tôi thật sự hài lòng! Bà bèn cúng tổ 1 con gà trống thiến. Mời hàng xóm đến ngưỡng mộ “thằng con của bà” sắp sửa trở thành một nhà “Cách Mạng”!
Từ đó, điều quan trọng với tôi là mở rộng mối quan hệ, trong đó có mối quan hệ với thầy Lê Ngọc Tr… – lúc ấy, thầy là cán bộ tầm cỡ của Đại học Sư Phạm và là Giáo sư nghiêm túc đáng kính nể. Thầy nhìn tôi, nhìn cái xe đạp của tôi. Bỗng! Ông có tư tưởng khép kín qua thoáng nhìn lớp vỏ não còn đang gợn sóng suy tư. Ông tự hứa là sẽ mua cho tôi một cái xe đạp làm quà để mong sau này tôi sẽ là người giúp việc trung thành cho ông. Ông không nói ra nhưng tôi vẫn yên chí rằng ông đang mắc nợ tôi từ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”.
Nhưng đến nay ông vẫn chưa thực hiện. Cho đến bây giờ tôi đã đi “xế hộp” nên sợ rằng dễ coi thường món quà sơ khai tưởng tượng ấy. Không! Tôi sẽ nhớ lại những ngày rong ruỗi từ kho 4 Khánh Hội đến “làng chị em ta” ở Cầu Hang, từ Ngã Năm Chuồng Chó đến Ngã Ba Ông Tạ, từ Lò heo cũ Gia Định đến lò heo Chánh Hưng hay từ chùa Ấn Quang đến Viện Hóa đạo. Nhưng đó chỉ là những cuộc rong chơi vô nghĩa lý. Vậy thế nào mới là nghĩa lý. Đó là những lúc cưỡi đạp xe đến vườn cây trước “Dinh Độc Lập” (Dinh Thống Nhất) ngắm nhìn chân dung thầy Thích Trí Quang, ngồi trầm tư tuyệt thực. Ai dám đến ngồi kế bên Thầy để chia sẻ đường đi lối về!. Nhưng càng “nghĩa lý” hơn là khi anh em rủ rê tôi đạp xe tà tà đến chùa Thích Quảng Đức ở Phú Nhuận để gặp thầy Thích Thông Bửu – do đã nghe tiếng thầy từ lâu. Thầy cho ăn bữa cơm chay xong thì anh em phật tử ở đó phát cho vài quả chuối rồi rủ ở lại ngủ một đêm nghe kinh kệ cho tưởng nhớ cõi “Niết Bàn” cũng hay vì nếu trở về Ký túc xá Minh Mạng thì sáng ra có khi đã thấy nằm “nhà pha”. Khi trời quá nửa đêm, đệ tử của thầy kêu thức dậy rồi ra lệnh viết biểu ngữ hàng trăm tấm đòi thay đổi chế độ. Như tiếng kèn thúc quân, anh em nhổm dậy tỉnh giấc tuân theo mệnh lệnh. Sáng ra mạnh ai nấy được lệnh tập trung tại chợ Bến Thành chờ mật lệnh xuất quân. Cả đoàn người “quyết chiến” từ trong chợ chạy ra trương biểu ngữ xuống đường, hô hào như điên. Khiến cho “anh em công an” chìm nổi phải vất vả. Lựu đạn cay chuẩn bị! Xe cây bao vây hốt ráo trọi. Các thầy được bảo lãnh vì có nhãn hiệu của chùa Ấn Quang hay Viện Hóa Đạo, chế độ Sài Gòn “hãy để yên đấy”!. Còn bọn này lần lượt chờ được “ hỏi thăm sức khoẻ”. Riêng các cô gái được khám trước .
– Này bọn gái tụi bay từ đâu tới.
– Dạ! Thưa, từ Trường Lê Văn Duyệt– bên hông Lăng Ông Bà Chiểu – Gia Định.
– Từ đó mà lên tới đây xuống đường hả!
– Dạ, đi chơi.
– Còn dám trả lời đeo đẻo nữa hả!
– Dạ, chúng con thấy vui nhào vô!.
May nhờ có cô con gái rượu của một ông tướng. Dù được bố can thiệp cho ra nhưng cô từ chối và buộc phải tha hết. Hú hồn! Riêng tôi chỉ ăn một quả đấm gọi là vào be sườn làm bằng cứt sắt (rĩ sắt) – vất đống ở vườn rau quận Tân Bình. Nghe nói riêng be sườn các anh Huỳnh Tấn M…, Lê Văn N… làm “băng thép đã tôi thế đấy” nên chịu đựng cơm tù dài dài. Bức tranh tiềm ẩn phía sau hai vị thủ lĩnh cao cả của phong trào sinh viên học sinh
Sài Gòn của những năm 45 là Trần Văn Ơn và Quách Thị Trang của những năm 60.
Ngày nay, nằm ngó lên “Con ngựa sắt” đó mà bao nỗi hạnh phúc trầm tư. Các thầy, các anh biểu diễn “vũ điệu hip hop đường phố” với bộ thời trang “áo nâu, áo vàng, áo trắng”. Còn tôi lại thích “vũ điệu tango trong bóng mờ”. Nên xin chia tay các thầy,các anh, điệu ai nấy nhảy. Vậy GS.TS Lê Ngọc Tr… nghĩ sao? Ông còn tiếc cái ý định cao cả của Giáo sư nữa không? Hãy cho tôi một cơ hội để triển lãm bức tranh “pop-art hiện sinh trên dàn bếp!!!
Nguyễn Mạnh Hùng
Ảnh minh họa: Trúc Sơn