BÀN THÊM về DU LỊCH TÂM LINH ở VIỆT NAM (Phần 1)

A FURTHER DISCUSSION ABOUT SPIRITUAL TOURISM IN VIETNAM

PHAN HUY XU1, 2VÕ VĂN THÀNH
(1PGS.TS. Trường Đại học Văn Lang,
2ThS. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT

      Trong thời gian gần đây, du lịch tâm linh là một trong những loại hình du lịch văn hóa đang gia tăng, con người ngày càng tìm đến các giá trị tâm linh và khám phá ra những điều bí ẩn trong nội tâm. Theo đánh giá của Tổ chức du lịch Thế giới năm 2007, du lịch tâm linh là phân khúc thị trường phát triển nhanh nhất mặc dù nó không thể định danh được rõ ràng. Du lịch tâm linh sẽ là một trong những xu hướng chính của du lịch thế giới vì nhu cầu liên quan đến cá nhân như khỏe khoắn về thể chất, lành mạnh về tinh thần cùng với những trải nghiệm tâm linh ngày càng cao. Theo báo cáo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tại Hội nghị Quốc tế Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững ở Ninh Bình (2013), Việt Nam đang hướng đến phát triển du lịch tâm linh và đạt được những thành tựu nhất định trong thời gian vừa qua. Bài viết này, chúng tôi bàn thêm về tiềm năng và thực trạng du lịch tâm linh, những giải pháp cần thiết để du lịch tâm linh nước ta phát triển bền vững.

Từ khóa: Tâm linh, du lịch tâm linh, di sản văn hóa, tiềm năng du lịch, phát triển bền vững,…

ABSTRACT

     In recent times, spiritual tourism is one of the growing types of cultural tourism, as people are increasingly seeking to develop their spirituality and discover other things in their minds. According to the United Nations World Tourism Organization in the year 2007, spiritual tourism is the fastest growing segment of the tourism market, although it cannot be identified clearly. Spiritual tourism will be one of the major trends in global tourism for personal needs such as physical well-being, mental well-being and increased spiritual experiences. According to a report of the Ministry of Culture, Sports and Tourism of Vietnam at the International Conference on Spiritual Tourism for Sustainable tourism in Ninh Binh (2013), Vietnam is focusing on developing spiritual tourism and has achieved certain achievements. In this article, the author discusses further about the potential and status of spiritual tourism in our country as well as proposes the necessary solutions for developing spiritual tourism sustainably.

Key words: Spirituality, Spiritual tourism, cultural heritage, tourism potential, sustainable development, etc…

x
x x

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

     Mùa xuân đang về trên đất nước ta, mùa của trẩy hội và du lịch tâm linh. Có thể nói, nhu cầu du lịch tâm linh của du khách trong nước càng phát triển. Du lịch tâm linh ở Việt Nam không phải là loại hình du lịch mới lạ và có nhiều bài viết đề cập đến du lịch tâm linh. Tuy nhiên, trong bài này chúng tôi thấy cần làm rõ một số luận điểm như khái niệm về du lịch tâm linh, tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch tâm linh của nước ta cũng như những giải pháp cần thiết để du lịch tâm linh nước ta phát triển bền vững.

2. NỘI DUNG

     2.1. Một số khái niệm liên quan đến loại hình du lịch tâm linh

     Khái niệm đúng (Right conception) sẽ dẫn đến nhận thức đúng (Right awareness) và hành động đúng (Right action). Đây là luận điểm mà chúng tôi quan tâm đến du lịch tâm linh trong bài viết này. Du lịch tâm linh là gì? Trước hết, chúng tôi thấy cần đề cập đến tâm linh là gì khi đi vào loại hình du lịch tâm linh.

     Đến nay, có nhiều định nghĩa khác nhau về tâm linh, nhưng chúng tôi nhận thấy ý kiến của giáo sư Daniel H. Olsen, Trường Đại học Brandon, Canada là khá đầy đủ. Ông đã tóm tắt một số khía cạnh khác nhau của tâm linh như sau: 1) “Tìm kiếm các điều vượt ra ngoài khuôn khổ bản thân; 2) Tìm kiếm cảm giác về sự tồn tại và ý nghĩa của sự tồn tại; 3) Con đường đạo lý giúp con người hướng đến sự hoàn thiện cá nhân; 4) Việc trải nghiệm một sự vật, hiện tượng gắn với cái tự nhiên, thực chất và cái đẹp; 5) Cảm nhận về sự gắn kết với bản thân, những người khác và các quyền lực, năng lượng mạnh mẽ hơn hoặc các thực thể rộng lớn hơn; 6) Quan tâm và gắn bó với các thực thể và giá trị vượt ra ngoài bản ngã cá nhân; 7) Mang tính siêu việt, siêu hình gắn với ký ức riêng của từng người; (8) Làm phong phú thêm kiến thức và tình yêu; (9) Vượt lên sự ích kỷ cá nhân thiếu lành mạnh, sự đối lập, chuyên quyền, hướng tới suy nghĩ tích cực, lành mạnh, bao dung và đoàn kết” [2, tr.33-34]. Như vậy, cách hiểu về tâm linh của Daniel H. Olsen rất rộng, chúng ta có thể dựa vào để bàn đến đặc điểm của loại hình du lịch tâm linh. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn những khoảng mở trong lý luận và nhận thức về tâm linh.

     Du lịch tâm linh là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần. Daniel H. Olsen cũng cho rằng, du lịch tâm linh có thể bao gồm các yếu tố của du lịch tôn giáo, du lịch hành hương. Khách du lịch tâm linh có thể hoặc không liên hệ rõ ràng với truyền thống tôn giáo quen thuộc [2, tr.36]. Du lịch tâm linh cũng khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với lịch sử hình thành nhận thức của con người về thế giới, những giá trị về đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh thần đặc biệt khác [14]. Dưới góc nhìn văn hóa, du lịch tâm linh (Spiritual tourism) là hình thức đặc biệt của du lịch văn hóa, dựa vào các yếu tố tâm linh để tạo nên những cảm xúc và trải nghiệm về sự linh thiêng, từ đó củng cố đức tin, cân bằng trí tuệ, tinh thần, hình thành những suy nghĩ tích cực của con người [1, tr.268]. Theo tác giả Norman A, du lịch tâm linh thường gắn với cá nhân và mang tính cá nhân sâu sắc [8]. Một trong những đặc tính của du lịch tâm linh là nhằm tìm kiếm những giá trị tâm linh tốt đẹp và tìm kiếm chính mình thông qua con đường nội tâm riêng của chính mình thay cho việc tập trung với cộng đồng tôn giáo [2, tr.35].

     Du lịch tâm linh cũng gắn với niềm tin, nâng cao đức tin, nâng cấp đời sống tâm linh của mỗi cá nhân theo hướng chân, thiện, mỹ tức con người luôn hướng tới chân lý (đúng đắn), cái đẹp về đạo đức (tức thiện) và cái đẹp (cả về mặt thể chất và tinh thần/tâm hồn). “Xét về nội dung và tính chất hoạt động, du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh vừa làm cơ sở, vừa làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần” [6, tr.64]. Du lịch tâm linh đến các thắng tích sẽ giúp con người tháo gỡ được các cảm xúc khổ đau, tài bồi tâm trí và tinh thần minh triết. Du lịch tâm linh rất cần thiết cho con người trong xã hội hiện đại với nhiều bức xúc, ưu tư, trầm cảm, mất niềm tin, cảm thấy lạc lõng trong cuộc sống, bao gồm cả hành trình tìm kiếm các giá trị văn hóa truyền thống lẫn tìm lại chính mình. Du lịch tâm linh ở một góc độ khác chính là việc quy ngưỡng các bậc khai sáng tôn giáo, các bậc hiền triết, trí tuệ siêu việt trong lịch sử nhân loại. P. J. Abdul Kalam (1931-2015) cố Tổng thống Ấn Độ cho rằng, “Du lịch tâm linh hoàn toàn khác với việc tham quan các địa danh. Du lịch tâm linh có nghĩa là thăm viếng trái tim và tâm trí của những bậc hiền triết” [6]. Du lịch tâm linh nhấn mạnh sự tự nhận thức, chăm sóc sức khỏe và đổi mới (về mặt tinh thần). Du lịch tâm linh tham quan nơi ở, làm việc của những người đặc biệt nổi tiếng ở phương diện cá nhân trong lịch sử. Tham quan những địa điểm có ý nghĩa tôn giáo, nơi chiêm nghiệm, thiền định,…

     Du lịch tâm linh là sản phẩm của sự kết hợp giữa cơ sở tín ngưỡng, văn hóa, di sản, doanh nghiệp và cộng đồng. Tuy nhiên, để mang lại sự trải nghiệm du lịch tâm linh thực sự có ý nghĩa cho du khách, cần có sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng địa phương vào hoạt động nhằm cung cấp các dịch vụ thiết yếu và bổ sung như vận chuyển, ăn uống, mua sắm, tham gia của chính quyền địa phương trong kiến tạo và duy trì cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách [3, tr.19].

     Tác giả Nguyễn Văn Tuấn nêu Một số đặc điểm của du lịch tâm linh ở Việt Nam mà chúng tôi thấy phù hợp với tình hình du lịch tâm linh ở Việt Nam: (1) Du lịch tâm linh gắn với tôn giáo và đức tin; (2) Du lịch tâm linh ở Việt Nam gắn với tín ngưỡng thờ cúng, tri ân những vị anh hùng dân tộc, những vị tiền bối có công với nước, dân tộc; (3) Du lịch tâm linh ở Việt Nam gắn tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, dòng tộc, tri ân báo hiếu đối với bậc sinh thành; (4) Du lịch tâm linh gắn với những hoạt động thể thao tinh thần như thiền, yoga hướng tới sự cân bằng, thanh tao, siêu việt trong đời sống tinh thần, đặc trưng và tiêu biểu; (5) Du lịch tâm linh còn có những hoạt động gắn với yếu tố linh thiêng và những điều huyền bí [6, tr.65-66].

     Không hoàn toàn giống như khách du lịch tôn giáo, khách du lịch tâm linh có thể đến các địa điểm thông thường như nghĩa trang, đài tưởng niệm chiến tranh, nơi sinh sống của những người nổi tiếng, các sự kiện thể thao có ý nghĩa tâm linh và là trải nghiệm tâm linh với nhiều người, họ cũng có thể đến các danh lam thắng cảnh tự nhiên, nơi cũng có thể đem lại các trải nghiệm tâm linh. Khách du lịch tâm linh cũng có thể thử theo những niềm tin, triết lý tôn giáo khác ngoài phạm vi văn hóa của họ nhằm khám phá chính mình,… khi họ muốn tăng cường sức khỏe thể chất, cảm xúc và tinh thần [2, tr.35]. Du lịch tâm linh là cốt lõi của du lịch sức khỏe (Wellness tourism), giúp cân bằng thể chất, trí tuệtinh thần. Các tác giả Timothy và Conover (2006) cho rằng, giống như khách du lịch tâm linh, khách du lịch thời kỳ mới tập trung vào sự bồi dưỡng bản thân và khai sáng về tinh thần thông qua thể nghiệm các niềm tin và triết lý tôn giáo khác, nhấn mạnh “sức mạnh/sự thiêng liêng của tự nhiên,… và sự bồi dưỡng bản thân về tinh thần, trí tuệ và thể chất” [2, tr.35]. Khách du lịch tâm linh ở Việt Nam thường hội tụ về các điểm du lịch tâm linh như: đền, chùa, đình, đài, lăng tẩm, tòa thánh, khu thờ tự, tưởng niệm và những vùng đất linh thiêng gắn với phong cảnh đặc sắc gắn kết với văn hóa truyền thống, lối sống địa phương. Tại đây, du khách tiến hành các hoạt động tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử, triết giáo, cầu nguyện, cúng tế, chiêm bái, tri ân, báo hiếu, tham thiền, tham gia lễ hội,… Thông qua đó, hoạt động du lịch mang lại những cảm nhận, giá trị trải nghiệm và giải thoát trong tâm hồn của con người, cân bằng và củng cố đức tin, hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống [6, tr.65]. Chính những trải nghiệm tâm linh tại những nơi có ý nghĩa vừa nêu trên giúp con người thư giãn, đạt tới sự cân bằng trong tâm hồn, hòa mình vào không khí thân thiện, cởi mở của lễ hội cổ truyền cũng giúp con người dễ hòa hợp với nhau hơn. Mỗi người đều được sống với bản sắc văn hóa dân tộc mình, vừa được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác. Vì vậy, chúng ta phải làm quen và học cách sống với sự khác biệt, để có khả năng thích nghi với mọi sự biến động của cuộc sống. Khoan dung (Tolerance) là “chấp nhận cái khác mình nơi người khác, để người khác chấp nhận cái khác họ nơi mình” [9, tr.186]. Dưới một góc độ khác, du lịch tâm linh giúp phát triển hành vi hướng thiện, nâng cao tinh thần đoàn kết, hướng về cội nguồn, xây dựng xã hội hài hòa, tốt đẹp [11].

     Chúng tôi nhận thấy, du lịch tâm linh không phải hoàn toàn là du lịch tôn giáo, du lịch tâm linh là một hiện tượng của thế kỷ XXI. Trong nhiều năm nay, nhiều địa điểm thiêng liêng đã được các nhóm người thuộc các tầng lớp xã hội và nghề nghiệp khác nhau đến trải nghiệm. Đây là một thị trường tiềm năng để khai sáng, đề cao tâm hồn, tâm trí, cố gắng tái khám phá sức mạnh tái sinh của thiên nhiên, tìm kiếm ý thức văn hóa, môi trường và sinh thái. Với tình hình thực tế về du lịch tâm linh ở Việt Nam, chúng ta cần hiểu du lịch tâm linh theo nghĩa rộng chứ không phải nghĩa hẹp. Du lịch tâm linh không chỉ liên quan đến các thắng tích tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn là những địa điểm hành hương thiêng liêng gắn với cá nhân mỗi con người. Đối với người Việt Nam, những điểm thờ cúng các vị anh hùng dân tộc có công với đất nước về mặt lập công, lập đức, lập ngôn (tam bất hủ), đặc biệt trong lịch sử Việt Nam luôn phải chống xâm lăng, do đó, các bậc anh hùng xả thân vì nước, lập những chiến công cứu nước, cứu dân luôn được toàn dân đề cao và đời đời ghi nhớ, đó là những địa điểm tâm linh thiêng liêng/linh thiêng của cả dân tộc. Ở nước ta, nhiều người dân đã tổ chức thăm chiến trường xưa, đó cũng là loại hình du lịch tâm linh, du lịch lịch sử, văn hóa.

     Như vậy, cần mở rộng nội hàm du lịch tâm linh vì loại hình du lịch này ngày càng đa dạng không chỉ giới hạn trong khuôn khổ hoạt động gắn kết với tôn giáo mà ngày càng lan tỏa tới các hoạt động, sinh hoạt tinh thần, tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc và những yếu tố linh thiêng khác. Du lịch tâm linh ngày càng chủ động, có chiều sâu và trở thành một phần nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tinh thần của người dân Việt Nam.

     Liên quan đến du lịch tâm linh là khách du lịch tâm linh. Không phải tín ngưỡng, cũng không phải tôn giáo nhưng ngày nay nhiều người tìm đến những địa điểm tâm linh để tìm sự bình an, thư thái, cần xin tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ, may mắn, sức khỏe, hạnh phúc,… Đó là những mục đích rất đời thường nhưng đầy chất nhân bản của con người.

     2.2. Tiềm năng du lịch tâm linh ở Việt Nam

     Du lịch tâm linh ở Việt Nam nở rộ khi các dịp lễ hội quan trọng trong năm diễn ra như Tết Nguyên Đán (ngày xuân đi lễ hội đền, chùa miếu, thăm nơi thờ tổ họ…), Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu), Giỗ Tổ Hùng Vương, Hội Dóng/Gióng ở Đồng bằng Bắc Bộ,… Các lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng như Hội Phủ Dày (Nam Định), Lễ hội Bà Chúa Xứ – Núi Sam (Châu Đốc), Lễ hội Chùa Bà – Tây Ninh (Linh Sơn Thánh Mẫu), Lễ hội Bà – Điện Hòn Chén (Huế),… Các lễ hội tri ân các bận anh hùng dân tộc, người có công với nước, với dân tộc như Lễ hội Hai Bà Trưng, Lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lễ Hội Lam Kinh, Lễ hội Đống Đa, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa,… Những nơi chốn thiêng liêng như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nghĩa trang Trường Sơn, Nhà tù Côn Đảo, về thăm chiến trường xưa,… Các lễ hội nông nghiệp tiêu biểu của các tộc người cư trú trên dải đất Việt Nam như lễ cày Tịch Điền, Lễ hội Lồng Tồng (người Tày), Lễ hội Mbăng Katê (người Chăm), Lễ hội Lễ hội Kỳ yên (đình thần Nam Bộ), Lễ hội Ok om Bok và tục đua ghe ngo của người Khmer, Lễ hội Nghinh Ông của cư dân biển dọc theo chiều dài đất nước,… Nước ta có rất nhiều đền, chùa, miếu, phủ trải dài từ bắc xuống nam, từ tây sang đông, từ đồng bằng đến miền biển, hải đảo. Ngoài những di sản văn hóa vật chất và tinh thần trên, Việt Nam có đến 26 Di sản thế giới được UNESCO công nhận dưới nhiều danh hiệu, trong đó có một số Di sản Thế giới có liên quan đến du lịch tâm linh và phát triển loại hình du lịch tâm linh như: Khu đền tháp Mỹ Sơn (1999); Hội Dóng (Gióng) ở đền Phù Đổng và đền Sóc (2010); Hát Xoan ở Phú Thọ (2011); Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (2012); Quần thể danh thắng Tràng An (2014)Thực hành tín ngưỡng thờ Tam phủ của người Việt (2016). Đây là những cơ sở quan trọng cho việc phát triển loại hình du lịch tâm linh đầy hứa hẹn ở nước ta.

     Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng cũng như sự đa dạng và phong phú của các thắng tích tôn giáo và với số lượng lớn các tín ngưỡng, lễ hội dân gian được tổ chức quanh năm trên phạm vi cả nước. Một số điểm du lịch tâm linh tiêu biểu ở cấp quốc gia thu hút đông đảo khách du lịch trong nước trong những dịp “đến hẹn lại lên” như: Đền Hùng (Phú Thọ); Yên Tử (Quảng Ninh); Chùa Hương (Hà Nội); nhà thờ Phát Diệm, chùa Bái Đính (Ninh Bình); Núi Bà Đen, Thánh thất Cao Đài (Tây Ninh); Đại Nam Văn Hiến (Bình Dương); Miếu Bà Chúa Xứ (An Giang); Công Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương); Tây Thiên (Vĩnh Phúc); Đền Trần – Phủ Dầy (Nam Định),… Đại diện Chính phủ nước ta tại Hội nghị Quốc tế Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững phát biểu rằng: “Du lịch tâm linh vốn không chỉ là hoạt động, hành hương, tôn giáo, tín ngưỡng thuần túy mà còn là động lực thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế xã hội. Đó là cách thức để thế hệ hôm nay bày tỏ sự tưởng nhớ và ngưỡng mộ đối với công lao các bậc tiền bối” [4, tr.21]. “Chúng tôi coi du lịch tâm linh là loại hình du lịch văn hóa chuyên đề, nhân tố quan trọng không chỉ mang lại sự tăng trưởng của nền kinh tế mà còn phát huy giá trị tinh thần, lòng yêu nước, niềm tin, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước” [4, tr.23]. Hội nghị Quốc tế này cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của các chuyên gia tầm cỡ quốc tế tới các lĩnh vực như: hiểu biết và bảo vệ các giá trị và tài sản tâm linh, tôn giáo và văn hóa trong bối cảnh du lịch; phát triển, quản lý, quảng bá và giải thích các sản phẩm du lịch tinh thần, và bao gồm và trao quyền cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương [13].

     Mời xem tiếp:

BÀN THÊM về DU LỊCH TÂM LINH ở VIỆT NAM (Phần 2)

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại Học Văn Lang, Số 07/2018.  ISSN: 2525-2429

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)