Bảo tồn một số làng nghề truyền thống ở miền Bắc của Vương quốc Thái Lan (Phần 1)
Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ KIM YẾN*, NGUYỄN THỊ MINH TRANG
(Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh)
TÓM TẮT
Trong những năm gần đây, quá trình đô thị hóa ở các quốc gia càng càng được nâng cao, kinh tế hàng hóa ngày càng mở rộng vì thế một số làng nghề thủ công truyền thống ngày càng thu hẹp. Thái Lan nói chung và miền Bắc của đất nước này cũng không phải là ngoại lệ. Nơi những người thợ làm nghề thủ công đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn để tạo ra một sản phẩm hài hòa về màu sắc và tinh tế về hoa văn trên sản phẩm thì nguy cơ mai một có thể xảy ra. Ngoài những tài liệu tiếng Việt, tài liệu bằng tiếng Thái đã giúp chúng tôi tìm hiểu về vải Morhom. Vải Morhom là một loại vải có chất liệu tốt, kết hợp với màu sắc được nhuộm, tạo nên những trang phục hài hòa, phù hợp với người dân sống trong khu vực nhiệt đới. Chúng tôi sẽ giới thiệu lần lượt từ cách tạo màu nhuộm, cách thức nhuộm đến kỹ thuật tạo hoa văn trên vải Morhom. Cần có những giải pháp giúp vải Morhom tiếp tục tồn tại, tiếp tục là sản phẩm đặc trưng của địa phương. Còn ô Bo Sang, ô được làm từ tre và giấy đều có nguồn gốc tại chỗ. Nguyên liệu làm ô, cấu tạo của ô, đến cách thức tạo đầu dù và trụ kéo, tạo nan ô cũng được chúng tôi lần lượt trình bày. Mặc dù Bo Sang là điểm dừng chân phổ biến để khách hàng du lịch tìm đến, nhưng số lượng các nghệ nhân làm ô đang giảm dần. Vì thế cần có những giải pháp giúp giữ gìn những sắc màu cho ô Bo Sang tiếp tục rực rỡ.
Từ khóa: Chiang Mai, Phrae, Vải Morhom, cây hom, ô Bo Sang, giấy Saa.
1. Dẫn nhập
Bên cạnh hoạt động nông nghiệp lúa nước mang tính thời vụ là đặc trung của khu vực Đông Nam Á thì những lúc nông nhàn, những tộc người ở các vùng miền đã biết tận dụng các điều kiện, các vật liệu có sẵn trong tự nhiên để chế tác ra những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của họ. Lâu dần, kỹ năng làm nghề của họ ngày một thành thạo, sản phẩm ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu sử dụng vượt qua khỏi làng. Cứ như thế, làng nghề hình thành và phát triển. Qua những tài liệu chúng tôi tìm hiểu, xin được giới thiệu về hai làng nghề đặc trưng ở miền Bắc của Vương quốc Thái Lan.
Nếu đi du lịch về miền Bắc Thái Lan, hầu hết du khách sẽ chọn các tỉnh nổi tiếng như Chiang Mai hay Chiang Rai. Khi đến Chiang Mai, nơi nổi tiếng với những rừng gỗ quý, những ngôi đền đẹp, thì cách thành phố khoảng 9 km về phía Đông là làng Bo Sang thuộc quận San Kamphaeng. Quận San Kamphaeng có nhiều ngôi làng nổi tiếng với lụa và đồ thủ công mỹ nghệ. Còn Bo Sang được biết đến là nơi sản xuất thủ công những chiếc ô che nắng, che mưa với nhiều màu sắc rực rỡ. Cách không xa những thành phố nổi tiếng ấy là vùng đất chứa đựng những yếu tố văn hóa truyền thống mang đậm nét cổ xưa – tỉnh Phrae. Tỉnh Phrae nằm trên bờ sông Yom, cách Chiang Mai khoảng 200km về phía Tây bắc. Ngoài việc nổi tiếng là khu vực đặc trưng của gỗ tếch và các khu vườn quốc gia, cách thành phố Phrae khoảng 4km về phía Bắc là làng Ban Thung Hong, một ngôi làng nhỏ nơi các nghệ nhân địa phương tạo ra những sản phẩm vải. Vải Morhom là một sản phẩm địa phương không kém phần quan trọng và cũng rất nổi tiếng khắp cả nước Thái Lan.
2. Làng nghề vải Morhom ở tỉnh Phrae
Thuật ngữ Morhom được ghép bởi hai từ “Mor” và “Hom”, Morhom là một từ lấy theo tiếng Lanna cổ, theo nghĩa đen “Mor” có nghĩa là chậu đựng vải để nhuộm và “Hom” là tên của cây tạo ra màu chàm ở địa phƣơng. Nhƣng theo một số giả thuyết khác thì “Morhom” có một ý nghĩa khác: “Mor” ở đây có nghĩa là màu xanh đen hoặc màu xanh hải quân, còn từ “Hom” có nghĩa là loại cây tạo ra màu xanh để nhuộm, thường người ta sẽ dùng lá và thân để nhuộm.
( http://www.sar.rmutt.ac.th/sar55/?wpfb_dl=8058) (25/4/2019)
Vải Morhom đặc biệt không phải về kết cấu dệt vải mà là về màu nhuộm của nó. Sau khi nhuộm thì vải có màu xanh đen hoặc màu chàm. Màu nhuộm được lấy từ loại cây Hom theo một kỹ thuật truyền thống của người dân ở làng Ban Thung Hong. Cách tạo màu nhuộm, cách thức nhuộm và kỹ thuật nhuộm của vải Morhom như sau:
Cách tạo màu nhuộm:
Hom là một loại thuốc nhuộm tự nhiên trong việc hình thành những chiếc áo Morhom của tỉnh Phrae. Các nguyên liệu không thể thiếu để tạo màu là lá Hom đối với cây nhỏ, cành và lá Hom đối với cây đã trưởng thành. Nên hái lá truớc 8 giờ đến 11 giờ bởi đây là khoảng thời gian lá còn tươi có thể cho ra màu đẹp nhất. Ngoài ra còn chuẩn vị vôi trắng; nước kiềm; vải cần nhuộm. Kế đến cần chuẩn bị các vật dụng để tạo ra màu nhuộm. (Pranom Chaiai (2015) Research and Development of Strobilanthes cusia Production Technologies for Adding Value of Community Products)
http://www.doa.go.th/research/attachment.php?aid=2184 (11/4/2020)
Đầu tiên, mang thân và lá của Hom buộc lại với nhau thành từng bó nhỏ rồi đặt vào một chậu nước lớn, chắc chắn lá bị chìm hoàn toàn trong nước. Để như vậy trong 2-3 ngày (khoảng 72 tiếng) cho đến khi thấy lá bắt đầu bị thối và phân hủy. Nước sẽ có màu hơi xanh xanh (xanh lá) nhưng bị đục, vớt những xác lá lên rồi lấy nước lọc qua tấm vải ở một chậu khác. Tiếp theo lấy vôi hòa lẫn với nước đã được lọc sau đó lấy cây khuấy lên làm tan vôi, sau đó để nước lắng qua một đêm. Khi nước đã lắng lại, ta loại bỏ nước phần trên, phần cô đọng lại phía dưới đáy là màu nhuộm. Màu này giữ lại và dùng được nhiều lần, có thể sử dụng đến một năm.
Để màu nhuộm được trên sản phẩm thì cần phải làm dung dịch kiềm. Cần có nước tro (tro từ trấu, củi hoặc than) cho vào khoảng ba phần tư chiếc thùng đã được đục nhiều lỗ phía dưới đáy kê trên cao, phía dưới đó nữa có một thùng khác để hứng nước. Ở giai đoạn này, người thợ cần phải nén chặt tro để tro không bị trôi xuống dưới. Đợi nước nhỏ xuống hết thùng bên dưới là có thể dùng được. Thường nước tro chỉ có thể sử dụng trong ngày, không dùng cho ngày hôm sau vì nồng độ của nước tro sẽ thay đổi, như vậy sẽ ảnh hưởng đến thuốc nhuộm. Sau khi hoàn tất, dùng nước tro hòa cùng với các nguyên liệu khác để tạo ra nước kiềm. Thành phần của dung dịch này bao gồm nước gạo hòa lẫn với nước me chua, nước tro và vôi. Cần phải sử dụng nước me chua hoặc dứa hòa cùng với nước tro vì điều này sẽ làm cân bằng enzyme và tăng độ axit trong nước kiềm. Sau đó đợi hỗn hợp này lắng xuống và lên men từ 7- 15 giờ (tùy theo thời tiết vì mùa nóng nước kiềm sẽ mau lên men hơn mùa mưa), và người thợ cũng phải thường xuyên kiểm tra nước kiềm để bảo đảm chất lượng. Đến khi nước kiềm đã lên men hoàn tất, ta chỉ lấy phần nước ở trên để làm dung dịch kiềm nhuộm màu, lúc này nước sẽ trơn như xà phòng. Công dụng của nước kiềm không chỉ là để làm tan thuốc màu mà còn giúp màu vải khi nhuộm sẽ bền màu hơn. (theo Pawinee Intawwiwat (2012), “Community Participation In Conservation Of Morhom Cloth: A Case Study Of Tambon Tunghong, City District, Phrae Province. Art Education. Srinakharinwiot University.
http://thesis.swu.ac.th/swuthesis/Art_Ed/Pawinee_I.pdf)(29/9/2019)
Quá trình tạo lá thuốc nhuộm
Thành phần tạo ra màu nhuộm gồm vôi, thuốc nhuộm từ lá Hom và dung dịch kiềm để làm tan thuốc nhuộm.
Nguồn: http://www.sar.rmutt.ac.th/sar55/?wpfb_dl=8058 (25/4/2019)
Thường người thợ sẽ dùng một chiếc chậu to được làm bằng gốm tráng men để chứa thuốc nhuộm vì chậu gốm không tạo ra các tạp chất gây ảnh hưởng đến nồng độ của vải và không bị ăn mòn bới các chất kiềm, bền hơn là khi đựng các chậu bằng kim loại. Sau khi làm dung dịch kiềm xong, thợ nhuộm đổ dung dịch kiềm sang một chậu khác cùng với vôi và thuốc nhuộm rồi khuấy đều lên với nhau. Lúc này màu nhuộm sẽ có xanh lá, vì vậy cần khuấy các hỗn hợp này lên mất khoảng từ 30 – 40 phút, cho đến khi thấy những bọt khí nổi lên bề mặt thuốc nhuộm có màu xanh đậm, hơi hơi tím. Phía bên dưới của thuốc nhuộm sẽ có màu xanh xanh hơi vàng vàng. Nếu khuấy lên không thấy bọt bóng xuất hiện thì cần thêm vôi một lần nữa cho đến khi nó tạo ra bong bóng để nước có màu xanh đậm, như vậy cũng để màu được bền hơn. Vậy là màu nhuộm đã được chuẩn bị hoàn tất. Nhưng phải lưu ý khi nhuộm vải cần phải khuấy màu nhuộm lên bằng cách là múc nước nhuộm rồi dâng cao rót lại vào chậu. Khi rót cao sẽ làm tăng lượng oxi vào thùng, màu sẽ bị oxi hóa cho nên lúc này màu nhuộm sẽ dần chuyển thành màu xanh đen.
Cách thức nhuộm vải Morhom:
Có thể nhuộm sợi hoặc nhuộm vải vì cả hai đều có chung một cách nhuộm. Nhuộm sợi, người thợ sẽ kết hợp với sợi được nhuộm với sợi chưa nhuộm rồi dệt với nhau tạo ra vải. Còn nếu nhuộm vải thì vải sau khi hoàn tất công đoạn nhuộm có thể sử dụng để may trang phục (với vải không hoa văn hoặc với vải đã có hoa văn, họa tiết trước khi nhuộm) hoặc vẽ thêm hoa văn, họa tiết để tạo điểm nhấn cho vải. Sau khi chuẩn bị màu nhuộm như trình bày phía trên, quá trình nhuộm được thực hiện dễ dàng như sau: Việc đầu tiên cần làm là để vải trong nước sôi khoảng 1 phút để có thể loại bỏ hoàn toàn các bụi bẩn dính vào vải, sau đó mang vải phơi khô. Việc này không chỉ giúp cho vải sạch mà còn làm đều màu khi nhuộm vải. Kế đến, mang vải nhúng vào thuốc nhuộm. Khi thấy vải đã thấm màu đều, lấy vải lên phơi ngoài nắng, cứ như vậy làm tiếp tục đến 5 hoặc 6 lần để màu thấm vào vải tạo ra màu xanh đen hay màu chàm. Bước cuối cùng là xả vải nhuộm lại với nước sạch, sau đó phơi nắng, như vậy là có thể sử dụng được. Tùy theo sở thích của khách hàng mà vải sẽ có độ sáng khác nhau do số lần nhuộm nhiều hay ít. Theo tự nhiên, các đặc tính của vải được nhuộm bằng lá Hom sẽ bị phai, vậy nên sẽ có một cách giúp màu vải ít bị phai hơn là ngâm miếng vải vào nước muối trong một đêm trước lần giặt đầu tiên, như vậy màu sẽ bám vào vải, giúp màu không bị phai. Hoặc có thể giữ màu cho vải theo nhiều cách khác nhau, tùy đặc trưng của vùng miền.
Kỹ thuật tạo hoa văn trên vải Morhom:
Kỹ thuật tạo hoa văn trên nền vải không quá phức tạp: người thợ có thể tạo hình hoa văn trước rồi nhuộm vải hoặc sau khi đã nhuộm sẽ tạo hoa văn. Với việc tạo hoa văn trước khi nhuộm thì có hai cách mà người thợ thường dùng: một là cản màu bằng sợi thun hoặc sợi chỉ, hai là cách in hoa văn theo kiểu batik.
Cách cản màu bằng sợi thun hoặc sợi chỉ, thường biết đến với tên gọi là nhuộm cản màu và kỹ thuật in hoa văn bằng sáp. Tùy vào sự sáng tạo của người thợ và yêu cầu của người mua mà kĩ thuật sẽ khác nhau.Từng phương pháp sẽ cần có những vật liệu khác nhau để tạo ra hoa văn. Nếu cản màu dùng thun, phải gấp nếp vải trước sau đó dùng các mảnh gỗ vừa đủ với nếp gấp để giữ vải rồi mới dùng thun buộc lại. Mỗi một hình dạng hoa văn sẽ có những nếp gấp khác nhau. Nếu cản màu hoa văn bằng chỉ có thể sử dụng bằng hai cách là gấp vải để tạo hoa văn rồi giữ hoa văn bằng cách cột chỉ, hoặc theo cách khác, người thợ có thể vẽ hoa văn lên trên vải rồi khâu chỉ theo những nét vẽ sau đó rút chỉ lại.
Ngoài cách cản màu như trên, để tạo hình hoa văn thì thường người thợ sẽ dùng cách thứ hai là cách in hoa văn theo kiểu batik. Theo đó, người thợ sẽ tạo ra những khuôn gỗ có điêu khắc những hoa văn trên đó, sau đó chuẩn bị sáp để in lên vải. Người thợ đun và làm tan sáp sau đó mới lấy các khuôn được in sẵn các hoa văn nhúng vào sáp rồi mới in lên vải, cứ như thế mà người thợ tạo được các hoa văn theo cách riêng của mình. Ngoài ra, để có thể sáng tạo hơn, những người thợ khéo tay sẽ vẽ lên vải bằng cách dùng một cây bút làm bằng kim loại ở phía đầu rồi nhúng bút vào sáp một lượng vừa đủ sau đó nhẹ nhẹ đưa bút vẽ lên vải. Cứ như thế sáp sẽ chảy theo đường mà người thợ vẽ. Nhìn qua có vẻ đơn giản nhưng cũng khá tỉ mỉ, nếu tay nghề không vững và bị rung sẽ tạo ra hoa văn không đẹp. Dù ở công đoạn nào người thợ cũng cần kiên nhẫn mới có thể tạo ra một sản phẩm hài hòa về màu sắc cùng với những hoa văn tinh tế trên đó.
Sau khi đã tạo ra được các nếp gấp hay in hoa văn trên vải, bước tiếp theo là đi nhuộm vải. Cũng giống như nhuộm không hoa văn, nhuộm màu sẽ chuyển từ xanh vàng sang màu xanh tím. Nhúng hoàn toàn vải vào chậu nhuộm khoảng 3-5 phút và nhuộm đi nhuộm nhiều lần để vải được đều màu. Nếu nhuộm càng nhiều lần màu nhuộm sẽ càng đậm và ngược lại. Khi nhuộm như thế, phần vải được in bằng sáp sẽ có màu nhạt nhạt hơn so với những chỗ vải trơn. Nhưng nếu muốn vải có màu sáng hơn và vải bền hơn, sau khi nhuộm người thợ sẽ thả vải vào một chảo nước đun sôi và khuấy vải trong chảo từ 3 – 6 phút. Đây là giai đoạn nhuộm nóng của vải, việc này sẽ giúp màu vải sẽ trông sáng hơn. Khi lấy vải ra, cho vải vào một chậu nước lạnh để ngâm vải rồi dùng tay xoa vải cho ra hết thuốc nhuộm còn bám bề mặt. Khi thấy nước không còn ra màu nhuộm nữa cũng là lúc lấy vải cắt những mấu nối cản màu trước đó. Cần phải cẩn thận cắt từng mối nối trước khi phơi nắng. Sau khi hoàn tất các công đoạn, bước cuối cùng là (ủi) vải cho phẳng.
Vải Morhom được sử dụng khá phổ biến bởi đây là một loại vải cotton bền và nhẹ, mặc thoải mái, không quá nóng và cách nhuộm màu vải tự nhiên, ít bị phai màu. Dựa vào các đặc tính như vậy có thể thấy loại vải này hoàn toàn phù hợp với khí hậu và người dân Thái Lan. Kết hợp với cách may trang phục đơn giản, mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể sử dụng chất vải này. Trước đây, mục đích dệt và nhuộm chỉ sử dụng cho gia đình hay trong thôn làng, rồi dần dần loại vải Morhom lan rộng sang nhiều vùng khác do tính chất vải phù hợp với nhu cầu của người dân.
Giữ gìn giá trị văn hóa làng nghề vải Morhom:
Việc sản xuất vải Morhom được thực hiện phổ biến với vải tự dệt đơn giản từ những phụ nữ ở làng Ban Thung Hong tỉnh Phrae. Do màu sắc kết hợp với kiểu dáng đơn giản, nên hiện nay vải chỉ phù hợp với trang phục đi làm của nông dân, của người lớn tuổi mặc trong những dịp quan trọng như lễ hội công đức, tết Songkran và các sự kiện quan trọng của địa phương. Như trình bày ở trên, để nhuộm được vải Morhom cần phải trải qua một quá trình phức tạp từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến cách thức tạo màu nhuộm cũng như việc nhuộm vải, vậy nên hiện nay chỉ có số ít người trẻ trong làng tiếp tục theo nghề. Nguyên nhân thứ nhất, do việc dệt vải thủ công, quá trình chuẩn bị nguyên liệu màu và nhuộm vải mất nhiều thời gian mới hoàn thành sản phẩm. Thứ hai là những nguyên liệu được làm từ thiên nhiên nên phụ thuộc vào thời tiết và điều kiện tự nhiên. Người thợ phải thận trọng trong việc tính toán kỹ lưỡng về lượng nguyên liệu có sẵn và nguyên liệu tươi đang trồng. Ngoài việc có kinh nghiệm dệt và nhuộm, người thợ phải có sự hiểu biết về vốn cây trồng để cây có thể được phát triển trong điều kiện tốt nhất, không bị sâu ăn hại mới có thể thu hoạch được nhiều lá Hom. Thứ ba, do các loại vải công nghiệp và các chất hóa học xuất hiện ngày càng nhiều, điều này dễ khiến cho những người không có đạo đức nghề nghiệp sẽ lợi dụng để nhuộm với khoảng thời gian ít hơn nhưng sản xuất ra một lượng lớn các sản phẩm, tiết kiệm được thời gian và sức lao động.
Do nền kinh tế hội nhập, ngành dệt vải của Thái Lan nói chung càng phát triển hơn, xuất hiện nhiều loại vải có tính năng đa dạng, nhiều kiểu dáng và hoa văn hiện đại, phù hợp với phong cách đương thời. Chính những tác động đó đã phần nào khiến vải Morhom rơi vào quên lãng. Dẫu biết rằng đây là một nét văn hóa đặc trưng của địa phương, cần phải bảo tồn và phát huy nhưng so với tình trạng hiện tại, vải Morhom dần rơi vào sự mai một.
Cần có những giải pháp giúp vải Morhom tiếp tục tồn tại, vì thế trong những năm gần đây, ngoài việc nhận được các gói hỗ trợ từ chính quyền địa phương thì sự cố gắng, nỗ lực cải tiến của người dân cũng giúp vải Morhom được nhiều người biết đến hơn. Vải Morhom được thay đổi về chất liệu và màu sắc để phù hợp với thị trường. Bên cạnh khuyến khích người dùng sử dụng các nguyên liệu tự nhiên, một số nhà đầu tư đã trang bị các thiết bị dệt vải bằng máy nhưng vẫn giữ nguyên tính chất tự nhiên của vải. Không chỉ vậy việc khuyến khích trồng cây Hom để có thể chắc rằng nguyên liệu thuốc nhuộm luôn sẵn sàng. Nhờ vậy việc trồng Hom dần được lan rộng sang các ngôi làng khác, đặc biệt là ở phía Đông và Đông Bắc tỉnh Phrae. Ngoài nâng cao quy trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm, với mục đích phát triển vải Morhom, người dân không chỉ nhuộm trên kiểu áo truyền thống có thiết kế áo sơ mi cổ tròn hay loại quần tiuki (quần mặc được gấp theo kiểu truyền thống Thái Lan) mà còn nhuộm trên nhiều kiểu quần áo khác nhau như quần, váy, đầm, đồ trẻ em,… theo nhiều kiểu dáng.
Và để tăng thêm sự thu hút đến với người tiêu dùng, người thợ đa dạng họa tiết như họa tiết trừu tượng, họa tiết động vật, họa tiết hoa lá,… chứ không còn bó hẹp trong họa tiết hình học truyền thống Thái Lan. Việc sáng tạo một số hoa văn phong phú cho vải Morhom là một trong những giải pháp giúp cho vải Morhom tiếp tục tồn tại. Ngoài ra, các tông màu khác nhau cũng mang đến vẻ đẹp của trang phục, ví dụ: cùng là màu xanh nhưng người thợ đã sử dụng bằng nhiều tông khác nhau và ghép chúng lại một cách hài hòa để tạo điểm nhấn cho trang phục. Nhuộm màu không chỉ dừng lại ở quần áo mà còn nhuộm trên các vật liệu nội thất khác như gối, chăn, rèm cửa…
Như vậy, để vải Morhom tồn tại và có nhiều cơ hội phát triển hơn, nhà đầu tư và người dân cần phối hợp với nhau: Nâng cao nhận thức bảo tồn vải; Sử dụng vải với nhiều công dụng khác nhau; Cải thiện kỹ năng trồng Hom; Nâng cao kỹ thuật loại bỏ tạp chất trong vải; Mở rộng thị trường tiêu thụ vải; Phát triển du lịch kết hợp với làng nghề vải Morhom; Vải Morhom trở thành biểu tượng chỉ dẫn địa lý; Đáp ứng thị hiếu khách hàng;… Mặc dù không phải là một sản phẩm mang tính di sản văn hóa quốc gia nhưng vải Morhom mang trong mình vẻ đẹp lạ và khó có thể tìm đâu được nét đẹp như vậy tại Thái Lan.
Nguồn: Kỷ yếu hội thảo Khoa học Xã hội 2020,
Văn hóa và Văn minh Đô thị ở các nước Đông Nam Á
trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Còn tiếp. Kính mời Quý độc giả đón xem: