Bảo tồn và phát huy các giá trị của làng nghề dệt chiếu Định Yên trong hoạt động du lịch

CONSERVATION AND DEVELOPMENT OF DINH YEN MATTRESS
WEAVING VILLAGES FOR TOURISM ACTIVITIES

Tác giả bài viết: LÊ THỊ THANH YẾN1, PHAN MẠNH NHÂN2
(1Khoa Văn hóa – Du lịch, Trường Đại học Đồng Tháp, 2Sinh viên, Khoa Văn hóa – Du lịch, Trường Đại học Đồng Tháp)

TÓM TẮT

     Làng nghề dệt chiếu Định Yên không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân mà còn mang lại giá trị về mặt văn hóa và hiệu quả về mặt kinh tế – xã hội cho địa phương. Nội dung bài viết tập trung nghiên cứu về các giá trị làng nghề, thực trạng hoạt động bảo tồn và khai thác các giá trị của làng nghề dệt chiếu Định Yên trong hoạt động du lịch địa phương. Từ đó đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị của làng nghề dệt chiếu Định Yên nhằm phục vụ cho hoạt động du lịch tại huyện Lấp Vò nói riêng và du lịch Đồng Tháp nói chung.

Từ khóa: Chợ ma, dệt chiếu, Định Yên, làng nghề dệt chiếu.

ABSTRACT

     Dinh Yen mattress weaving village not only plays a significant role in creating jobs and incomes for local people but also bears local cultural values and socio-economic efficiency. This paper mainly presents values of such craft villages, the current reality of conserving and developing Dinh Yen mattress weaving village for local tourism activities. Thereby, some solutions for the village improvement have been proposed to develop tourism activities in Lap Vo district in particular and Dong Thap Province in general.

Keywords: Dinh Yen, ghost market, mattress weaving, mattress weaving village.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Việt Nam có rất nhiều là ng nghề, nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa, văn nghệ dân gian được bồi đắp qua nhiều năm, sản sinh và lưu giữ những giá trị có hàm lượng văn hóa, lịch sử tinh thần đặc sắc củ a dân tộc Việt Nam. Bằng trí tuệ và đôi bàn tay tài hoa, các nghệ nhân người Việt đã bền bỉ gìn giữ và phát triển những làng nghề truyền thống, di sản văn hóa Việt Nam đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Mặc dù có những lúc trải qua những thăng trầm nhưng các làng nghề vẫn tồn tại cho đến ngày nay và vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thử thách. Việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống đang góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, huy động và khai thác các tiềm năng về lao động, nguyên vật liệu và nguồn vốn trong nhân dân để phát triển sản
xuất kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, phát triển các làng nghề truyền thống đúng hướng còn tác động đến việc phân công lại lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao thu nhập và đời sống người dân, hội nhập quốc tế.

     Trong những năm đổi mới vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện để các làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển. Nhiều địa phương trên cả nước đã phát triển cụm công nghiệp làng nghề, làng nghề truyền thống và làng nghề mới không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn vươn ra thị trường khu vực và thế giới trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.

     Làng nghề dệt chiếu Định Yên nằm ở cạnh sông Hậu, thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp với nghề dệt chiếu nổi tiếng cách đây gần một trăm năm. Các sản phẩm chiếu Định Yên rất phong phú, đa dạng, không chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước và rất được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.

     Đến nay, nghề dệt chiếu vẫn tồn tại trong các gia đình ở Định Yên bởi nó mang lại thu nhập ổn định cho người dân trong lúc nông nhàn, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đối với người dân Đồng Tháp nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, làng nghề dệt chiếu Định Yên là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của cộng đồng cần được trân trọng, gìn giữ và phát huy. Với những giá trị truyền thống vốn có, tháng 9 năm 2013, làng nghề dệt chiếu Định Yên đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

     Tuy nhiên, trước yêu cầu của hội nhập quốc tế hiện nay, thực tiễn phát triển của làng nghề dệt chiếu Định Yên vẫn còn nhiều bất cập, phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như: vấn đề về vốn, thu nhập, thị trường tiêu thụ, cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, lao động làm nghề, việc kết hợp với hoạt động du lịch để phát triển kinh tế, sự khác biệt về nhu cầu của con người… Chính vì thế, cùng với niềm tự hào về truyền thống làm nghề, với lòng yêu nghề sâu đậm thì vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề dệt chiếu Định Yên đang trở thành nhiệm vụ quan trọng của địa phương và khu vực trong việc khai thác các giá trị của làng nghề vào phục vụ hoạt động du lịch hiện nay.

2. Phương pháp nghiên cứu

     Phương pháp thu thập, xử lý, phân tích và tổng hợp tài liệu, số liệu: Thu thập các nguồn số liệu, tài liệu, thông tin từ các nguồn khác nhau như công trình nghiên cứu, sách, bài báo, tạp chí, website, tài liệu, báo cáo của các cơ quan quản lý du lịch địa phương và tỉnh Đồng Tháp. Phân tích và tổng hợp các số liệu, thông tin thu thập được, tiến hành đánh giá thực trạng hoạt động, công tác bảo tồn và các giá trị của làng nghề dệt chiếu Định Yên cũng như tạo cơ sở khoa học trong đề xuất các giải pháp bảo tồn và khai thác các giá trị của làng nghề dệt chiếu Định Yên trong phục vụ hoạt động du lịch.

    Phương pháp khảo sát thực địa và điều tra xã hội học:

     Khảo sát thực địa: Nghiên cứu khảo sát tại làng nghề dệt chiếu Định Yên, xã Định Yên, huyện Lấp Vò nhằm tìm hiểu hiện trạng hoạt động làng nghề và công tác bảo tồn, khai thác các giá trị của làng nghề phục vụ hoạt động du lịch. Lập kế hoạch khảo cứu thực tế kết hợp với việc thu thập tư liệu, số liệu bằng văn bản, chụp ảnh tư liệu, quan sát ghi chép các nguồn tri thức thực tiễn.

     Phương pháp điều tra xã hội học (phỏng vấn, điều tra bằng phiếu điều tra): Quan sát, phỏng vấn bằng cách đặt các câu hỏi phỏng vấn và sử dụng phiếu điều tra để có những nhận định khách quan của cộng đồng về phát triển du lịch tại làng nghề; đối tượng được phỏng vấn là người dân địa phương và khách du lịch.

3. Bước đầu kết quả nghiên cứu

     3.1. Một số quan điểm về bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa

     Có nhiều quan điểm khác nhau về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá và trên thế giới tựu trung 2 quan điểm: Bảo tồn nguyên vẹn và bảo tồn trên cơ sở kế thừa.

     Quan điểm bảo tồn nguyên vẹn, theo Gregory J. Ashworth, thì được phát triển đầu tiên từ những năm 50 của thế kỷ XIX. Những người theo quan điểm bảo tồn nguyên vẹn cho rằng, những sản phẩm của quá khứ, nên được bảo vệ một cách nguyên vẹn, như nó vốn có, cố gắng phục hồi nguyên gốc các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cũng như cố gắng cách ly di sản khỏi môi trường xã hội đương đại. Chúng ta nên giữ nguyên trạng những di sản văn hóa để khi có điều kiện, các thế hệ tiếp nối có thể xử lý, giải thích và tìm cách kế thừa, phát huy di sản một cách tốt hơn.

     Còn những nhà nghiên cứu theo quan điểm bảo tồn trên cơ sở kế thừa thì cho rằng mỗi di sản cần phải được thực hiện nhiệm vụ lịch sử của mình ở một thời gian và không gian cụ thể. Khi di sản văn hóa tồn tại ở thời gian và không gian hiện tại, di sản ấy cần phát huy giá trị văn hóa – xã hội phù hợp với xã hội hiện nay và phải loại bỏ đi những gì không phù hợp với xã hội ấy.

     Nhìn chung, cả hai quan điểm trên có thể hiểu một cách đầy đủ và đúng nghĩa khi đặt hoạt động bảo tồn trong mối quan hệ với phát huy. Bảo tồn di sản văn hóa không chỉ là cất giữ cho khỏi mất tài sản, để giữ gìn bản sắc dân tộc mà hơn thế, bảo tồn là để phát triển, khai thác các giá trị văn hoá truyền thống làm cho nó có thể sống lại, làm cho các giá trị đó tồn tại trong đời sống thực.

     Và ngược lại, phát huy các giá trị di sản là để đưa giá trị văn hóa đến với cộng đồng, giúp cộng đồng phát triển kinh tế và đáp ứng cho công tác bảo tồn di sản văn hóa hoàn thiện hơn. Phát huy các giá trị di sản văn hóa là phải biết kế thừa có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của đời trước để lại, làm cho các giá trị của di sản văn hóa thấm sâu, lan tỏa vào đời sống cộng đồng xã hội. Phát huy các giá trị di sản văn hóa là phải biết mở rộng giao lưu văn hóa để làm giàu thêm bản sắc văn hóa và làm thăng hoa giá trị văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Phát huy các giá trị di sản văn hóa phải nhằm mục tiêu phát triển du lịch bền vững, phục vụ tích cực cho công tác bảo tồn di sản văn hóa.

     Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể là tài sản vô giá của một địa phương, của một dân tộc. Chúng phản ánh sâu sắc nhất về đặc trưng văn hóa, về cội nguồn văn hóa của địa phương, dân tộc. Với những giá trị vô giá đó, di sản văn hóa trở thành một bộ phận đặc biệt trong cơ cấu tài nguyên du lịch. Việc phát huy các giá trị di sản văn hóa sẽ thu hút mạnh mẽ khách du lịch trong và ngoài nước đến với di sản, giúp cho ngành du lịch phát triển bền vững, giúp cho nền kinh tế của địa phương ổn định. Để du lịch phát triển bền vững thì những giá trị văn hóa phải được nuôi dưỡng, bồi đắp và mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy luôn được gắn kết với nhau. Bảo tồn phải giữ gìn giá trị của di sản và khai thác, phát huy phải đáp ứng lại việc bảo tồn theo một quy trình bảo tồn → phát huy → bảo tồn. Việc khai thác quá mức tài nguyên du lịch sẽ dẫn đến cạn kiệt và đánh mất giá trị di sản và dẫn đến sự phát triển không bền vững. Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy luôn đặt ra trong tiến trình này.

     Di sản văn hóa có vai trò to lớn đối với sự phát triển lành mạnh và bền vững của một nền kinh tế – xã hội. Vì vậy việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là nền tảng, là nguồn động lực cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển của địa phương, của đất nước, là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người và của cả cộng đồng.

     3.2. Những giá trị của làng nghề dệt chiếu Định Yên

     3.2.1. Giá trị lịch sử

     Làng chiếu Định Yên là làng nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời. Những người bản địa cũng không biết làng nghề có tự bao giờ. Theo các nhà nghiên cứu thì cư dân làng chiếu Định Yên có gốc gác từ đồng bằng ven biển Bắc Bộ (Thái Bình, Nam Định). Khi vào phương Nam, lưu dân đã mang theo nghề dệt chiếu truyền thống; các hoa văn, họa tiết và kỹ thuật dệt, in trên mặt chiếu đã chứng minh điều này.

     Nghề dệt chiếu ở Định Yên được truyền nghề trong các hộ gia đình, những người có kinh nghiệm hướng dẫn cho con cháu. Nghề dệt chiếu tuy thăng trầm vất vả nhưng người dân Định Yên với nghề cha truyền con nối vẫn một lòng cần mẫn để tiếp tục duy trì và phát triển làng nghề truyền thống. Từ những năm 1920, nghề dệt chiếu ở Định Yên phát triển, nguyên liệu tại chỗ không đủ, phải mua thêm lác chẻ sẵn, phơi khô từ phía Sa Đéc và các nơi chở đến. Cho đến trước 1954, chiếu Định Yên nhờ chất lượng cao, giá cả vừa phải nên được nhiều ghe thương hồ chở bán khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lên đến Nam Vang (Campuchia). Chính nhờ sự hưng thịnh củanghề dệt chiếu thời kỳ này mà chợ phiên mua bán chiếu xuất hiện và tồn tại đến ngày nay.

     Ở làng chiếu Định Yên, du khách sẽ thấy những sợi lát màu sắc sặc sỡ treo khắp đường
đi; tiếng khung dệt kêu lạch cạch, lách cách từ đầu thôn đến cuối xóm nghe rất vui tai, ấm áp… Từ người già cho đến người trẻ, kể cả những em mới chín, mười tuổi ở Định Yên cũng biết dệt chiếu. Công việc dệt chiếu đòi hỏi sự khéo léo, cần cù và nhất là lòng yêu nghề. Nghề dệt chiếu dù không cho thu nhập cao nhưng đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương nên ở Định Yên có tới hơn 70% hộ dân theo nghề làm chiếu. Dù khó khăn vất vả nhưng đối với người dân Định Yên, nghề làm chiếu không chỉ là nghề
mưu sinh mà đó còn là một cách để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống mà cha ông để lại cho con cháu.

     3.2.2. Giá trị văn hóa – xã hội

     Chiếc chiếu từ xa xưa đã gắn liền với đời sống người Việt, là vật dụng thân quen với cuộc sống của người dân Việt Nam. Gia đình khá giả thì sắm chiếu bông, chiếu vảy ốc, chiếu con cò, chiếu cổ… Gia đình bình dân thì chiếu trắng, chiếu thường. Chiếu dùng để nằm, làm chăn, để bày mâm cỗ và đôi khi đến phút cuối cuộc đời, người và chiếu vẫn gắn bó không rời. Tuy bây giờ chiếu ít còn được sử dụng ở chốn thị thành, nhưng ở những vùng nông thôn thì chiếu vẫn giữ vị trí độc tôn. Ngày trước, khi có lễ lạt, đình đám, người ta vẫn trải những chiếc chiếu đẹp nhất, tốt nhất để những người cao tuổi, có chức sắc ngồi trò chuyện. Trong lễ cưới của người Việt xưa, chiếu cũng được liệt vào hàng phẩm vật không thể thiếu: “Giúp em đôi chiếu em nằm/ Đôi chăn em đắp, đôi tằm em đeo”. Ông bà ngày xưa thường sắm sửa cho cặp vợ chồng mới cưới một cặp chiếu tốt có hình loan phượng hay chữ song hỷ, cầu mong cho đôi trẻ chung sống tâm đầu ý hợp, vui vẻ trọn đời. Hơn thế, chiếu đã trở thành biểu tượng cho tình cảm của bản thân, gia đình hay vị thế xã hội. Chiếc chiếu trở thành nhân chứng của bao mối duyên tình nồng thắm đến ngày răng long đầu bạc; nhưng cũng có lúc chiếc chiếu cùng ôm nỗi buồn tương tư cùng “Tình anh bán chiếu”: “Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm/Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu/Chiếu này tôi chẳng bán đâu/Tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm”.

     Đối với người dân Định Yên, chiếc chiếu không chỉ là một vật dụng thường ngày cho cuộc sống mà còn là một biểu tượng văn hóa cho đời sống tinh thần không thể thiếu. Có thể nói từ lúc sinh ra cho tới lúc trở về cùng đất mẹ, chiếc chiếu luôn đồng hành trên từng bước đường đời của người dân xã Định Yên (yêu nhau khi cùng dệt chiếu, cưới nhau cùng đôi chiếu hòa minh, chết đi thì manh chiếu bó thân). Cả đôi tay, trái tim và khối óc của người dân Định Yên đều thổi hồn vào từng chiếc chiếu. Chiếu Định Yên nổi tiếng đến độ mà dân gian xưa đã có câu: “Định Yên có vựa chiếu to/Lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm”.

     Ở làng nghề dệt chiếu Định Yên còn có chợ chiếu Định Yên. Thời điểm bắt đầu nhóm chợ không ổn định, đêm hôm sau sớm hơn hôm trước một giờ. Vì ban ngày người sản xuất bận dệt chiếu, thương lái cũng bận đi mua bán do đó việc họp chợ chỉ diễn ra vào ban đêm. Và theo một người lớn tuổi thì sở dĩ họp chợ vào ban đêm còn là để tránh sưu thuế. Hằng năm chợ chiếu Định Yên tiêu thụ hàng triệu sản phẩm các loại khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ. Chiếu thường bán chạy nhất vào khoảng tháng Chạp, tháng Giêng, tháng hai. Chợ chiếu Định Yên là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Định Yên, vì tuy là chợ nhưng chợ chiếu lại không giống với bất kì loại chợ nào khác trên cả nước. Chợ chiếu không cần có quầy, sạp kinh doanh mà vẫn tấp nập người mua kẻ bán. Một điểm đặc biệt khác là ở đây người bán thì đi, đứng, trong khi người mua lại ngồi. Người mua chiếu tìm một chỗ ngồi chờ còn người bán ôm hoặc vác chiếu trên vai lượn khắp khu chợ để chào hàng. Nơi đây nhộn nhịp những cô gái trẻ ngược xuôi mời chào sản phẩm chiếu đủ loại, đa dạng về màu sắc, hoa văn. Chiếu được bán sỉ và lẻ với giá cao thấp khác nhau tùy theo mẫu mã và độ dày mỏng, thưa khít…

     3.2.3. Giá trị du lịch

     Nhìn chung, làng nghề dệt chiếu Định Yên có các điều kiện và các tiềm năng để phát triển du lịch như: Có điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý thuận lợi; có các thế mạnh trong việc phát triển kinh tế và du lịch; có các tiềm năng về nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguồn lao động nhiệt huyết với nghề, truyền thống làm nghề, thị trường tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và điều quan trọng là được sự hỗ trợ, quan tâm của địa phương và tỉnh. Làng nghề có thể được xem là một trong những điểm đến của du khách trong và ngoài tỉnh khi đến tham quan, khám phá vẻ đẹp của tỉnh Đồng Tháp, vì làng nghề có những chiếc chiếu mang nét đẹp văn hóa đặc trưng và gần làng nghề có nhiều điểm tham quan khác như các di tích lịch sử – văn hóa nổi bật trong tỉnh giới thiệu với du khách. Với người dân Định Yên, dệt chiếu giờ đây không còn đơn thuần là miếng cơm manh áo, là kế sinh nhai của từng gia đình, mà đó là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn và kết nối.

     Ở làng chiếu Định Yên còn có một nét văn hóa đặc sắc có thể thu hút du khách nữa là “Chợ ma”. Nhìn từ phía xa, trong ánh sáng lập lòe của những ánh đuốc, bóng người qua lại trong màn đêm giống như những bóng ma. Nếu trên bờ có rừng chiếu đầy màu sắc rực rỡ chen nhau dưới ánh đuốc thì dưới bến, ghe, xuồng của cả trăm người buôn chiếu từ các tỉnh đến chọn hàng cũng kề nhau san sát. Thông thường, mỗi người buôn chiếu đậu ghe tại bến sông vài đêm, mua chừng 500-1000 chiếc là nhổ neo, đi bỏ mối hoặc bán lẻ khắp vùng sông nước Cửu Long, còn người bán chiếu bán xong chiếu thì trở về tiếp tục công việc hàng ngày. Ngoài là chợ đầu mối, Định Yên còn là nơi tập trung của tàu thuyền khắp mọi nơi như Sa Đéc, Vĩnh Long… về đây bán trân, bố, lát, phẩm màu, những nguyên liệu phục vụ cho sản xuất chiếu, khiến chợ đêm càng thêm nhộn nhịp, để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách gần xa.

     Theo nhu cầu của thị trường, việc dệt chiếu và hình thức mua bán đã có phần thay đổi theo thời gian. Giờ đây khi đến với làng chiếu Định Yên, chúng ta không còn thấy không khí nhộn nhịp của “chợ ma” ngày nào. Do hệ thống giao thông đã được đầu tư khá hoàn chỉnh, các phương tiện chuyên chở có thể đi sâu vào tận thôn, xóm để thu mua trực tiếp sản phẩm một cách nhanh chóng và tiện lợi. Tuy thế nét văn hóa của “chợ ma” ngày xưa vẫn còn sống mãi trong tâm thức của những người dân Định Yên cũng như những du khách đã được tham gia phiên “chợ ma” dù chỉ một lần trong cuộc đời.

     3.2.4. Giá trị kinh tế

     Từ xa xưa, chiếu Định Yên đã nổi tiếng khắp vùng sông nước Cửu Long với câu hát ví von: “Định Yên có vựa chiếu to/Lấy chồng xứ Định không lo chiếu nằm”. Chúng ta thật khó có thể nói hết, diễn tả hết những lợi ích mà làng nghề dệt chiếu Định Yên đem đến cho người dân huyện Lấp Vò nói riêng và Đồng Tháp nói chung. Làng nghề đã tạo ra được nhiều sản phẩm chiếu đa dạng phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân trong lúc nông nhàn, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người lao động ở hai xã Định An và Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

     Theo điều tra của nhóm tác giả, hiện nay làng chiếu Định Yên tập trung ở các ấp An Lợi A, An Lợi B, An Bình và An Khương của xã Định Yên. Hiện tại xã Định Yên còn khoảng 700-800 hộ tham gia các hoạt động liên quan đến nghề dệt chiếu, trong đó có 431 hộ chuyên làm nghề (hộ chuyên), còn lại là các hộ vừa tham gia hoạt động nghề vừa làm thêm những hoạt động khác n hư trồng trọt, chăn nuôi, mua bán… để kiếm thêm thu nhập cho gia đình (hộ kiêm)… Phần lớn các hộ tham gia nghề dệt chiếu vì làng nghề này mang tính chất truyền thống (95% số hộ được hỏi). Mỗi hộ có số lao động trung bình là 3 người, trình độ chủ yếu là tiểu học và trung học cơ sở. Một ngày làm chăm chỉ, thợ chiếu có thể dệt được từ 2 đến 3 đôi, mỗi tháng một người thu nhập dao động từ 2,5-3 triệu đồng. Nếu đi làm thuê thì thu nhập bình quân của lao động làm thuê hiện nay là 150 ngàn đồng/người/ngày. Hầu hết các hộ làng nghề đều cho rằng sản phẩm làm ra đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, mẫu mã và chủng loại.

     Nếu như trước đây, để dệt một chiếc chiếu thành phẩm thường cần có 2 người, thì ngày nay, với những loại máy dệt hiện đại, chỉ cần 1 người để xỏ lát là đủ. Năng suất từ đó cũng tăng từ 5-7 lần. Do đó, cả làng chiếu này giải quyết nhu cầu công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Mặc dù đã được sự hỗ trợ từ máy móc, nhưng để hoàn thành được một chiếc chiếu, một số công đoạn vẫn phải cần tỉ mỉ và sự khéo tay của những nghệ nhân, thứ mà không một loại máy móc nào có thể thay thế được. Điều đó làm
nên nét đặc biệt của sản phẩm truyền thống này.

     Hiện tại, mỗi ngày làng chiếu Định Yên cung ứng ra thị trường khoảng 1.500 chiếc với các mẫu mã và chủng loại khác nhau như: chiếu bông, chiếu trắng, chiếu hoa văn… Tùy theo độ dày mỏng, thưa khít, chất lượng và kiểu hoa văn, mỗi chiếc chiếu được bỏ mối cho thương lái với giá dao động từ 100.000đ-160.000đ. Chiếu Định Yên nổi tiếng với độ dày, mềm, thoáng mát, bền chặt nên được bà con trong khu vực và cả nước ưa chuộng. Hiện nay, ngoài cung ứng cho thị trường trong nước, chiếu Định Yên còn được xuất khẩu sang một số nước Đông Nam Á (Đinh Công Thành và cs., 2011).

     3.3. Thực trạng phát triển làng nghề dệt chiếu Định Yên hiện nay

     Trải qua nhiều biến động, có những lúc tưởng chừng làng nghề dệt chiếu đã hoàn toàn biến mất. Nhưng chính lòng yêu nghề và sự quyết tâm bám trụ với cái nghề cha ông truyền lại, những nghệ nhân nơi đây đã không ngừng lưu giữ, đổi mới và sáng tạo để lưu giữ lại nét đẹp văn hóa của làng nghề trăm năm tuổi. Nhờ vào sự yêu nghề đó mà việc sản xuất của làng nghề được cải thiện, cái nghề vẫn giữ, việc sản xuất chiếu cũng diễn ra như trước có khi năng suất tăng hơn trước do bây giờ những nhà dệt chiếu bằng tay không còn nhiều chủ yếu là sản xuất bằng máy móc hiện đại. Năng suất tăng lên gấp 3 gấp 4 lần, thu nhập của người dân cũng được cải thiện.

     Theo khảo sát của nhóm tác giả, hiện tại, ở làng chiếu Định Yên, cảnh người ngồi đan chiếu không còn nhiều, thay vào đó là máy móc, công nghệ tiên tiến. Số lượng chiếu làm ra ngày một nhiều, sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng so với dệt truyền thống không thua kém bao nhiêu. Nhờ cơ giới hóa nên thu nhập của người dệt chiếu tăng lên đáng kể. Trung bình một người làm được 10 chiếc chiếu/ngày, thu nhập từ 130.000-150.000 đồng/ngày. Trước đây làm bằng thủ công 2 người chỉ làm 5-6 chiếc chiếu/ngày.

     Khi được phỏng vấn, bà Trần Thị Cẩm, Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lấp Vò cho biết, hiện làng chiếu Định Yên có 620 máy dệt chiếu, 62 máy may bìa chiếu, 2 máy se chỉ, 2 máy lau bóng sản phẩm. Hằng năm, làng nghề sản xuất và cung cấp ra thị trường trên 1,3 triệu chiếc chiếu các loại, với tổng doanh thu khoảng 80 tỉ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 3.800 hộ dân sản xuất, buôn bán, dịch vụ. Ngoài những hộ dệt truyền thống bằng khung dệt, tại làng chiếu Định Yên đã thành lập được một hợp tác xã và ba tổ hợp sản xuất, tiêu thụ chiếu, thu hút gần chục nghìn lao động nhàn rỗi ở địa
phương và những vùng lân cận có việc làm cho thu nhập ổn định.

     Ông Phan Văn Bé Tư, Chủ nhiệm hợp tác xã chiếu Thanh Bình có quy mô lớn nhất Định Yên cho biết thêm: trước đây, chiếu Định Yên chủ yếu tiêu thụ tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, chiếu Định Yên còn có mặt tại thị trường Campuchia, Thái Lan, Đài Loan… Đây là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất của người dân trong làng nghề ngày càng phát triển. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn hỗ trợ các hộ sản xuất chi phí mua máy móc, khoảng 20 triệu đồng/ hộ và tìm kiếm nguồn tiêu thụ sản phẩm (thông qua các hợp tác xã) giúp cho người dân an tâm và hăng say tăng gia sản xuất vì nó vừa giúp họ có thêm thu nhập vừa giúp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

     Việc cần thiết là đưa làng chiếu Định Yên phát triển gắn với hoạt động du lịch để vừa quảng bá hình ảnh của làng chiếu Định Yên đến với tất cả mọi người vừa giúp hoạt động du lịch Đồng Tháp phát triển. Đối với chính quyền địa phương, điều này còn gặp nhiều khó khăn, vì Định Yên hiện tại chưa sẵn sàng gắn kết du lịch: chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng, các dịch vụ phục vụ du lịch chưa nhiều, các hoạt động lưu trú, ăn uống phục vụ khách du lịch vẫn còn hạn chế… Đặc biệt hơn là chưa tạo được nhiều các hoạt động vui chơi, giải trí để có thể lưu giữ khách du lịch lại lâu hơn.

     Từ thực tế trên phản ánh rằng làng nghề dệt chiếu Định Yên hiện nay đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển nhưng vẫn chưa phát huy được tiềm năng của mình. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải tìm ra những giải pháp và hành động phù hợp nhằm bảo tồn, khôi phục và phát triển làng nghề này một cách hiệu quả, đúng hướng, nhằm khẳng định nghề và làng nghề dệt chiếu Định Yên xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể quý báu được mọi người thừa nhận và tôn vinh.

     3.4. Đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị của làng nghề dệt chiếu Định Yên phục vụ hoạt động du lịch

     Ngày 25/6/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định việc xét  tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đây là một trong những chủ trương của Đảng và Nhà nước thể hiện sự quan tâm đến những người có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của cả nước, của địa phương.

     Chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều chính sách giúp người dân tiếp tục phát triển nghề và làng nghề: thành lập hợp tác xã chiếu và tổ hợp tác dệt chiếu; mạnh dạn đầu tư máy móc nguyên vật liệu và thuê công nhân làm việc như một doanh nghiệp; đầu tư xây dựng chợ đầu mối, nâng cấp đường sá khang trang; khuyến khích hộ dân không làm ăn nhỏ lẻ, phải tham gia các mô hình làm ăn tập thể để có đầu ra ổn định; tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư sản xuất; khuyến khích người dân thay đổi mẫu mã, đa dạng hoá sản phẩm cung ứng nhiều thị trường khác nhau. Những việc làm hiệu quả này đã giúp người dân có thu nhập ổn định gắn bó với nghề và vực dậy làng nghề tưởng chừng như mai một.

     3.4.1. Về công tác bảo tồn làng nghề dệt chiếu Định Yên

     – Theo quan điểm tích cực và tiến bộ về bảo tồn di sản văn hóa:

     + Bảo tồn di sản văn hóa là bảo tồn nguyên dạng giá trị gốc của di sản văn hóa: Việc bảo tồn các di sản này có nghĩa là chỉ cố gắng giữ lại những yếu tố gốc khi có thể và có thể thay thế nó bằng những yếu tố mới khi cần thiết nhưng không đánh mất đi giá trị của nó, hài hòa giữa cũ và mới và đáp ứng được nhu cầu sống của người dân đương đại.

     + Bảo tồn di sản văn hóa là phải gắn kết giữa bảo tồn văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.

     + Bảo tồn di sản văn hóa gắn với công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục cộng đồng.

     + Bảo tồn di sản văn hóa trước hết phải chú ý đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng.

     – Bên cạnh việc sử dụng phương pháp dệt chiếu truyền thống bằng khung dệt tay với những mẫu mã cũ, người dân có thể đầu tư máy dệt hiện đại, học hỏi phương pháp dệt chiếu mới để tăng năng suất và tạo ra các sản phẩm chiếu đa dạng, phong phú hơn.

     – Từng cơ sở sản xuất trong làng nghề phải biết tự mình gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề, không được phép thờ ơ, vô trách nhiệm hoặc ỷ lại, dựa dẫm vào nhà nước, tập thể thì công tác bảo vệ và gìn giữ những giá trị quý báu của cha ông để lại mới thành công.

     – Công tác bảo tồn giá trị văn hóa của làng nghề phải quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần cho cộng đồng địa phương. Những sinh hoạt văn hóa, phong tục, lễ nghi, tín ngưỡng liên quan đến làng nghề cũng phải được đầu tư, quan tâm và gắn kết thật sự với cộng đồng để cộng đồng cảm thụ được những giá trị văn hóa, sống cùng với những giá trị văn hóa đó. Từ đó họ thấy thêm yêu làng nghề của mình và ra sức chung tay bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề.

     – Có thể tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí liên quan đến làng nghề để níu giữ du khách lâu hơn như “trải nghiệm làm người thợ làm chiếu”, khôi phục lại phiên chợ “ma”, tổ chức lễ hội Tổ nghề, tổ chức thi làm chiếu giữa các hộ dân để du khách được tham gia, trải nghiệm.

     3.4.2. Về việc khai thác các giá trị của làng nghề dệt chiếu Định Yên phục vụ hoạt động du lịch

     – Gắn kết chương trình phát triển làng nghề dệt chiếu Định Yên với các dự án, các chương trình phát triển du lịch của địa phương, của tỉnh. Địa phương cần chủ động tăng cường tổ chức hoặc kết hợp với các công ty lữ hành tổ chức các tour du lịch làng quê, làng nghề để vừa phục vụ du lịch, vừa trình diễn nghề và bán sản phẩm làng nghề.

     – Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của việc phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch; đồng thời kết hợp nâng cấp cải tạo hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch hợp lý mặt bằng khuôn viên của cơ sở sản xuất trong làng nghề vừa phục vụ phát triển sản xuất, đảm bảo mỹ quan và thuận lợi cho khách du lịch khi đến tham quan và mua sắm tại làng nghề.

     – Trước mắt, làng nghề dệt chiếu Định Yên có điều kiện thuận lợi trong việc phát triển các hình thức du lịch, cần nghiên cứu thành lập Ban xúc tiến thương mại và Du lịch của làng nghề để nghiên cứu cơ chế, chính sách làm việc với các tổ chức, cơ quan du lịch nhằm sớm đưa được các tour du lịch đến với làng nghề. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề.

     – Xây dựng địa điểm trình diễn sản phẩm, giới thiệu và bán hàng lưu niệm cho du khách, đồng thời nghiên cứu bảo tồn các di tích lịch sử của làng nghề như Đền thờ Tổ nghề, các lễ hội văn hóa truyền thống của làng; xây dựng các điểm sản xuất thử nghiệm cho du khách tham gia,…

     – Thực hiện việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch cho làng nghề, có thể tổ chức các lớp tập huấn về cách thức làm du lịch cho người dân hoặc đưa người dân làm nghề đến tham quan tại các làng nghề du lịch khác để học tập kinh nghiệm làm du lịch. Cần có hướng dẫn viên du lịch trong làng nghề để hướng dẫn du khách tham quan.

     – Đầu tư xây dựng các điểm lưu trú (homestay) và ăn uống đảm bảo sạch sẽ, hợp vệ sinh để phục vụ cho khách du lịch đến tham quan làng nghề.

     Với quyết tâm gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống dệt chiếu Định Yên, UBND
tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị hai Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là “Nghề đóng xuồng, ghe” (xã Long Hậu, huyện Lai Vung) và “Nghề dệt chiếu” (xã Định An và Định Yên, huyện Lấp Vò) giai đoạn 2017 – 2020. Đây là một việc làm cần thiết, là
động lực khuyến khích người dân Định Yên duy trì và gắn bó với nghề và có niềm tin phát triển làng nghề tốt hơn trong thời gian tới.

     Vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đã khó nhưng còn khó khăn hơn vạn lần nếu đó là một “di sản sống”, bởi nó gắn liền với cuộc sống hàng ngày của cộng đồng dân cư, của làng xã và có mối quan hệ qua lại giữa một bên là người chủ di sản, và một bên là các di sản và cơ quan quản lý. Làng nghề dệt chiếu Định Yên là một “di sản sống” và thực sự “sống” được khi kết hợp hài hòa lợi ích của cộng đồng dân cư vào vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Sự tồn tại và phát triển của Định Yên hôm nay là thành quả của việc biết gắn liền giữa bảo tồn di sản và đáp ứng nhu cầu cho cộng đồng. Ở đâu có thể “sống” thực sự với danh hiệu di sản, ở đâu có sự đồng thuận cao giữa cộng đồng đối với các chính sách quản lý, bảo tồn di sản thì ở đó di sản mới tồn tại mãi với thời gian.

4. Kết luận

     Làng nghề dệt chiếu Định Yên đã tạo ra nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình, giải quyết việc làm, giúp ổn định về mặt kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của bà con nông thôn. Tuy thăng trầm, vất vả nhưng người dân Định Yên với nghề cha truyền con nối vẫn một lòng nuôi dưỡng, theo đuổi để nghề dệt chiếu nơi đây trở thành làng nghề truyền thống có hơn trăm năm tồn tại và phát triển này.

     Manh chiếu, chiếc chiếu, đôi chiếu từ xa xưa đã gắn liền với đời sống người Việt. Hơn thế, nó đã trở thành biểu tượng cho tình cảnh, tình cảm của bản thân, gia đình (manh chiếu bó thân, tình chăn chiếu) hay vị thế xã hội (chiếu trên, chiếu dưới v.v…). Chính những giá trị vật chất và tinh thần vô cùng đặc sắc này mà làng nghề dệt chiếu Định Yên đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được mọi người công nhận và tôn vinh. Tuy nhiên, làng nghề hiện nay lại chưa phát huy hết tiềm năng vốn có, việc gắn kết để phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh của làng nghề lại chưa được khai thác hiệu quả dẫn đến
việc làng nghề vẫn mãi chỉ là một điểm đến của riêng Đồng Tháp.

     Do vậy, để việc bảo tồn và phát triển làng nghề dệt chiếu Định Yên phục vụ hoạt động du lịch đạt được kết quả cao cần phải có nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cần những chính sách phát triển thiết thực của địa phương trong thời gian tới. Cần tăng cường và kêu gọi đầu tư vào công tác bồi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến về hình ảnh của làng nghề, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch. Đồng thời, cần đề ra các biện pháp nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của làng nghề. Phát triển làng nghề luôn coi trọng và gắn liền với bảo tồn gìn giữ tài nguyên nhiên nhiên và bảo vệ môi trường, đồng thời tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương./.

     Lời cám ơn: Nghiên cứu này được hỗ trợ bởi đề tài nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Đồng tháp, mã số SPD2019.02.02.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Dương Bá Phượng. (2001). Bảo tồn và phát triển các làng nghề trong quá trình công nghiệp hóa. hiện đại hóa. NXB Khoa học xã hội.

Đinh Công Thành, Phạm Lê Hồng Nhung, Huỳnh Thanh Hùng. (2011). Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề dệt chiếu Định Yên – Đồng Tháp. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Số 20, 210-219.

Đỗ Thị Ngọc Bích Tuyền Em. (2016). Làng nghề dệt chiếu Định Yên – di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Luận văn cao học chuyên ngành Việt Nam học. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Hoàng Thám. (21/4/2019). Về thăm làng chiếu Định Yên. Báo Đắk Lắk điện tử.
Truy cập từ http://www.baodaklak.vn/channel/9803/201904/ve-tham-lang-chieu-dinh-yen-5629749/.

Nguyễn Minh Triết, Trần Thị Huỳnh Nga, Mai Võ Ngọc Thanh. (2018). Tiềm năng và giải pháp phát triển du lịch làng nghề tỉnh Đồng Tháp. Tạp chí Khoa học Đại học Cửu Long, Số 12, tháng 12/2018, 66-72.

Nguyễn Chí Bền. (chủ biên, 2010). Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể ở Thăng Long – Hà Nội. Hà Nội: NXB Hà Nội.

Phạm Côn Sơn (2004). Làng nghề truyền thống Việt Nam. Hà Nội: NXB Văn hóa dân tộc.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Tháp, Tập 9, Số 4, 2020, 78-87

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Bảo tồn và phát huy các giá trị của làng nghề dệt chiếu Định Yên trong hoạt động du lịch (Tác giả: Lê Thị Thanh YếnPhan Mạnh Nhân)