BIẾN ĐỔI về VĂN HÓA ỨNG XỬ trong XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI (Trường hợp ở tỉnh Long An) – Phần 2

TRƯƠNG ĐỨC THUẬN
(Tạp chí Cộng sản)

     3.3. Biến đổi văn hóa ứng xử với xóm giềng và cộng đồng xã hội

     Mối quan hệ xóm giềng, cộng đồng trong cùng làng xã là mối quan hệ của những người sống trong cùng một khu vực cư trú, có những mối quan tâm và chia sẻ lợi ích chung. Những giá trị này về cơ bản vẫn được gìn giữ trong cộng đồng cư dân xã Tân Lân, Mỹ Hạnh Nam và Đức Hòa. Và, mẫu số chung được ghi nhận khi chúng tôi tiến hành phỏng vấn cư dân nơi đây là: những người dân trong ấp hoặc khác ấp với nhau, thậm chí là người dân xã này và xã khác vẫn giao thiệp thân tình với nhau bằng nhiều cách. Còn đối với hàng xóm trong ấp, họ vẫn xem là nơi có thể tâm sự, giúp đỡ trong lúc khó khăn, là nơi để chia vui, sẻ buồn, là nơi có thể đứng ra hòa giải những mối xích mích trong gia đình. Quả thật, tại những vùng mà cư dân được sống trong một không gian nông thôn rộng rãi, không bị ngăn cách bởi những bức tường rào kiên cố, cùng một nghề nghiệp giống nhau… thì tính cố kết cộng đồng, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong cuộc sống, nghề nghiệp về cơ bản vẫn còn bền chặt. Tuy nhiên, họ vẫn cho rằng so với trước đây, sự tương trợ “tối lửa tắt đèn có nhau” này có phần mờ nhạt hơn.

     Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, cùng với sự phát triển kinh tế, kỹ năng và nhu cầu giao tiếp của người dân cũng có nhiều biến đổi. Các hành động tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau đã chuyển sang tính “phòng ngự” khi họ cảm thấy lợi ích của bản thân bị xâm phạm. Tình đoàn kết, sự thương yêu gắn bó đã có từ xưa nay đang bị thách thức, có nguy cơ bị mờ nhạt. Sự giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau, tình làng nghĩa xóm không còn như trước, phần nào thiếu tính chất tự nguyện mà phải có sự tác động của chính quyền, của các tổ chức xã hội.

     Tại xã Tân Lân và Hòa Phú chúng tôi nhận thấy mối quan hệ xóm giềng về cơ bản có biến đổi, nhưng không rõ rệt như ở xã Mỹ Hạnh Nam. Bởi xung quanh cư dân nông thôn xã Mỹ Hạnh Nam có rất nhiều người nhập cư (mới đến), làm những công việc khác nhau, ít tiếp xúc nên thiếu tình cảm xóm giềng. Nguyên nhân bước đầu chúng tôi xác định là do những người mới đến vẫn còn xa lạ với những người cũ, chưa hòa nhập với cộng đồng sở tại; ngoài ra còn do giá đất tăng và người dân coi trọng mảnh đất của mình nên xây hàng rào, cổng rào kiên cố hơn để giữ đất. Trước đây, người này sang nhà người kia có thể băng ngang qua hàng rào đơn sơ để mượn con dao, cái cuốc, hoặc ngồi nhà bên này có thể nói chuyện với người ở nhà bên kia… Những năm gần đây kinh tế phát triển, hàng rào xây kiên cố, muốn sang nhà người khác phải đi đúng đường, phải gọi mở cổng… Từ sự “phiền hà” ấy mà người dân dần trở nên xa cách, khách sáo với nhau hơn. Đối với những người sinh sống ở nông thôn nhưng không làm nông nghiệp mà tham gia vào các công việc phi nông nghiệp như làm công nhân, làm dịch vụ, làm thuê… thì công việc hàng ngày hối hả, tất bật và chiếm hầu hết thời gian trong ngày. Vì vậy, việc mưu sinh hàng ngày, việc nhà, con cái, nhu cầu nghỉ ngơi… khiến họ không còn nhiều thời gian để quan tâm đến việc giao tiếp với hàng xóm láng giềng xung quanh.

4. NHỮNG YẾU TỐ VĂN HÓA MỚI NẢY SINH TRONG VĂN HÓA ỨNG XỬ

     Có thể nhận thấy ở 3 địa bàn khảo sát của chúng tôi, sự biến đổi văn hóa đó là một quá trình chuyển động phong phú, phức tạp và có những va chạm từ vùng quê truyền thống chuyển sang vùng quê xây dựng nông thôn mới song song với công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với những biến đổi đã nêu và phân tích, chúng tôi còn thấy ở  đây một số yếu tố văn hóa mới nảy sinh, sự đan xen, giằng co, đấu tranh lẫn nhau giữa những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc biệt về đạo lý, phép ứng xử truyền thống với lối sống thực dụng, ích kỷ.

     4.1. Sự phát triển kinh tế – xã hội và những bất ổn tiềm ẩn về an toàn xã hội

     Theo khảo sát của chúng tôi, khi điều kiện kinh tế ở vùng nông thôn trở nên khá giả hơn, điều kiện kinh tế gia đình nâng cao, đồng thời phát sinh bộ phận thanh niên học ít nhưng lại ham ăn chơi, đua đòi, dễ sa vào các tệ nạn xã hội, “gặm nhấm” sự yên bình vốn có ở vùng quê.

     Thông tin từ người dân qua phỏng vấn sâu và phương tiện truyền thông gần đây cho thấy, hiện tượng mại dâm, cờ bạc, ma túy và các tệ nạn khác không hiếm thấy ở vùng thôn quê vốn được xem là thanh bình trước đây. Năm 2012 khu vực này xuất hiện vụ án nghiêm trọng liên quan đến giết người và hiếp dâm. Là một xã điển hình làm tốt công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhưng năm 2017 cơ quan chức năng đã triệt xóa 1 điểm đá gà ăn tiền tại ấp Xóm Mới. Còn xã Hòa Phú là địa bàn giáp ranh, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự với một số loại tội phạm lén lút hoạt động. Trong giai đoạn 2008 – 2012, xã Hòa Phú là điểm nóng về tệ nạn xã hội, như đá gà và gần 20 quán cà phê thiếu lành mạnh, có 1 tụ điểm ma túy. Chỉ tính riêng năm 2017, người dân phối hợp lực lượng công an xã bắt giữ 1 đối tượng phạm tội “cố ý gây thương tích” đang lẩn trốn tại ấp 4; bắt quả tang 2 vụ đá gà, 2 vụ đánh bài với hơn 20 đối tượng tham gia. Các tổ chức hội, đoàn thể cảm hóa 1 đối tượng vi phạm hành chính bị đưa ra dân cảnh cáo, 1 đối tượng thi hành án tù treo, 7 đối tượng nghiện ma túy và 2 đối tượng thi hành xong án tù trở về địa phương.

     Qua khảo sát, cũng cho thấy tình trạng mại dâm núp bóng các điểm dịch vụ gội đầu, mát-xa ở các khu vực nông thôn (thuộc các xã Tân Lân, Hòa Phú và Mỹ Hạnh Nam) nằm liền kề thị trấn, thị tứ đã làm xáo trộn, ảnh hưởng đến cuộc sống cư dân. Theo cư dân ở đây, tệ nạn mại dâm núp bóng dịch vụ gội đầu – mát xa hay ở quán cà phê rất tinh vi, nên cơ quan chức năng khó bắt quả tang, do đó nó vẫn tồn tại lén lút.

     Nhìn vào sự phát triển chung của địa phương, tệ nạn xã hội đang đặt ra những nguy cơ về văn hóa đạo đức, quản lý xã hội phức tạp, hậu quả và nhiều khó khăn. Nghiêm trọng hơn, những tệ nạn này đang làm cho cuộc sống mất cân bằng về tâm lý tình cảm, trong đó tác động xấu đến hạnh phúc gia đình, làm phức tạp thêm quá trình thực thi pháp luật.

     4.2. Nhu cầu tiếp cận thông tin và loại hình giải trí mới

     Trước đây để tiếp cận thông tin và hưởng thụ văn hóa, người dân ba xã Tân Lân, Hòa Phú và Mỹ Hạnh Nam chủ yếu dùng các phương tiện nghe nhìn (đài cát-sét, tivi), nên họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin cần thiết cho mình. Tuy nhiên, khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, cũng là lúc thông tin và truyền thông phát triển mạnh ở vùng nông thôn nơi đây.

     Về nhu cầu tiếp cận thông tin: Nhờ những chiếc máy tính, điện thoại thông minh, người dân đã tiết kiệm được thời gian cho công việc thường ngày. Tại các ấp, xóm, nhà nhà có tivi xem chương trình bằng cáp quang, đâu đâu cũng có mạng kết nối internet. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người bán hàng ở các chợ hay nông dân vùng quê hiện nay hầu hết đều có điện thoại thông minh. Lúc rảnh rỗi họ vào trang mạng facebook, zalo để trao đổi thông tin với người thân; đọc thông tin trên các trang thông tin điện tử, qua đó mở mang tri thức, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị. Ngoài những thông tin về tình hình thế giới, đất nước và ở địa phương, người dân còn chú trọng đến những thông tin trong kinh doanh, sản xuất, nhằm học hỏi cách làm ăn, tìm nơi tiêu thụ sản phẩm, nâng cao kinh tế gia đình. Nhờ internet mà nhiều người nông dân đã giàu lên từ những mô hình sản xuất mà họ học được từ trên mạng, có cái nhìn nhạy bén hơn và mạnh dạn hơn trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương; nắm bắt được những kỹ thuật mới, giá cả thị trường, các mô hình sản xuất giỏi đạt hiệu quả cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Nhiều người dân cho biết, khoảng 5 – 6 năm trở lại đây, đời sống của cư dân ở ba xã đã có sự thay đổi rõ rệt, nhờ họ đã tiếp cận kiến thức, thông tin về lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, và các vấn đề khác của phát triển nông thôn như giáo dục, đào tạo, dịch vụ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

     Về nhu cầu giải trí: Hầu hết người dân ba xã cho rằng, gần đây cuộc sống vật chất, tinh thần được nâng lên; cuộc sống người dân không còn bó hẹp trong gia đình, làng xóm, mà đã mở rộng theo nhu cầu văn hóa dưới nhiều hình thức mới. Họ tham gia vào các câu lạc bộ thể dục thể thao, câu lạc bộ võ thuật, câu lạc bộ hoa kiểng, câu lạc bộ văn nghệ (có đờn ca tài tử). Theo các báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội của ba xã (Tân Lân, Mỹ Hạnh Nam và Hòa Phú): khoảng từ năm 2011 đến nay, do kinh tế hộ gia đình phát triển đáng kể, nên nhu cầu giải trí của người dân ngày càng cao. Bên cạnh việc một số hộ gia đình mua sắm bộ máy karaoke phục vụ cho gia đình, thì nhiều ấp đã thành lập đội, tổ văn nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Cụ thể, tại ấp Ao Gòn, xã Tân ân có đội văn nghệ do người dân tự thành lập vào tháng 1/2014, đến tháng 3/2014 được xã công nhận chính thức, với hơn 20 người tự nguyện tham gia và kinh phí cũng tự nguyện đóng góp khi có hoạt động; ở ấp Xóm Chùa, xã Tân Lân hoạt động văn hóa, văn nghệ rất mạnh, lý do chính là ông B.A.T, nguyên là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Lân, khi nghỉ hưu đã dành thời gian phát triển các hoạt động về văn hóa, văn nghệ. Chính vì sự phát triển sôi nổi của phòng trào văn hóa ở các ấp, nên xã có nhiều thuận lợi khi tổ chức các chương trình văn nghệ quần chúng.

     Xã Mỹ Hạnh Nam có những điểm sinh hoạt văn nghệ tự phát (được hình thành từ năm 2016 tại ấp Mới 1) phục vụ cho những người có nhu cầu đàn hát. Cũng như các xã khác, nhưng xã Hòa Phú có điểm đặc biệt là hiện nay các gia đình thường tự sắm cho mình 1 chiếc loa di động (thường gọi là loa “kẹo kéo”) để mỗi khi rảnh rỗi, họ tụ tập anh em, bạn bè cùng ăn uống và hát hò.

     Nhìn chung, hoạt động của câu lạc bộ hay đội, tổ văn nghệ ở các ấp đều mang tính tự nguyện và thường xuyên diễn ra ở nhà văn hóa ấp hoặc điểm sinh hoạt văn hóa (đình, đền). Nội dung các bài hát từ cổ nhạc đến tân nhạc là ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, công ơn sinh thành và tình yêu lứa đôi. Như vậy, dù cư dân ba xã hầu hết sống bằng nghề nông, nhưng với họ giải trí là nhu cầu thiết yếu của con người nhằm thư giãn đầu óc, phục hồi sức khỏe sau khoảng thời gian làm việc, học tập căng thẳng. Tuy nhiên, những hoạt động giải trí không lành mạnh hay trường hợp lạm dụng sự tự do cá nhân làm ảnh hưởng đến người xung quanh và cộng đồng thôn xóm như: cá độ bóng đá, bài bạc, nhậu nhẹt, vừa nhậu vừa hát karaoke bằng loa “kẹo kéo”),… ngày càng hiện diện phổ biến ở vùng quê nông thôn.

     4.3. Hiện tượng thay đổi giá trị, quan điểm sống của cá nhân

     Trong bối cảnh phải cạnh tranh vì sản xuất, kinh doanh và vì mưu sinh đôi khi những người xung quanh ít quan tâm đến nhau. Sự gắn kết giữa các thế hệ trong gia đình ở nông thôn vốn bền chặt nhưng đang dần trở nên lỏng lẻo, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân người ta phải ly hương đến các đô thị để kiếm sống.

     Hiện nay có một bộ phận nhỏ những bạn trẻ vị thành niên ở ba xã, vì muốn khẳng định cái tôi của mình nên có xu hướng muốn thoát ly gia đình, sống độc lập. Đây là một quan niệm mới, nếu xuất phát từ mục đích tích cực như muốn khẳng định cái tôi cá nhân, bản lĩnh của tuổi trẻ, muốn hướng đến cuộc sống tương lai độc lập, không phụ thuộc… thì rất có ý nghĩa và cần khích lệ. Nhưng thực tế cho thấy, dù không nhiều nhưng đã xuất hiện những cá nhân muốn sống riêng vì những ham muốn ích kỷ, bồng bột của tuổi trẻ, thậm chí là vì muốn được tự do ngoài vòng kiểm soát của cha mẹ hay vì đua đòi bạn bè xấu… Đây là một điều rất nguy hại cho gia đình và xã hội, nhất là khi bản thân người trẻ chưa đủ bản lĩnh để có thể “miễn dịch” trước những cái xấu, tiêu cực, để giữ phần thiên lương trong sáng của mình.

5. KẾT LUẬN

     Quá trình biến đổi một số hệ giá trị văn hóa tại địa bàn nghiên cứu được mô tả, phân tích trên đây đã, đang diễn ra, đôi khi chỉ là sự manh nha, hay dấu hiệu ban đầu bởi có lúc, có nơi nó chưa thật sự định hình cụ thể.

     Trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Long An nói chung và tại ba xã Tân Lân, Hòa Phú và Mỹ Hạnh Nam nói riêng, thì việc xây dựng và bảo tồn văn hóa luôn giữ vai trò quan trọng, bởi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể cho thấy, văn hóa nông thôn ở cả ba xã hiện nay đang đứng trước những thuận lợi cơ bản cũng như những thách thức không nhỏ, đặc biệt có những xu hướng biến đổi đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Nhưng dù có biến đổi thế nào, thì với những gì đã, đang được thể hiện, văn hóa nông thôn nơi đây vẫn đang lưu giữ cho mình những hằng số văn hóa mang đậm phong vị văn hóa văn minh nông nghiệp.

     Xuất phát từ thực trạng trên, chúng tôi cho rằng người làm công tác văn hóa ở nông thôn trong thời kỳ hiện nay phải có sự nhận thức thấu đáo, chủ động nắm bắt được những diễn biến trong sự “giằng co” phức tạp trên, để kịp thời định hướng cho sự phát triển của đời sống văn hóa nông thôn.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. Đảng Cộng sản Việt Nam. 2006. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam. 2011. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.

3. Đảng ủy xã Tân Lân, Mỹ Hạnh Nam và Hòa Phú. Báo cáo kinh tế – xã hội (các năm 2011, 2015 và năm 2018).

4. Đỗ Huy. 2013. “Mấy vấn đề xây dựng văn hóa nông thôn trong thể chế kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Triết học, số 7 (266), tháng 7/2013, tr. 45, 48.

5. Lê Thị Bích Hồng. 2015. “Văn hóa ứng xử trong gia đình truyền thống và hiện đại”.
https://hlhpn.bacgiang.gov.vn/ban-can-biet/van-hoa-ung-xu-trong-gia-dinh-truyen-thongva-hien-dai.htm, truy cập ngày 15/5/2019.

6. Nguyễn Thị Phương Châm. 2009. Biến đổi văn hóa ở các làng quê hiện nay (trường hợp lành Đồng Kỵ, Trang Liệt và Đình Bảng thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Hà Nội: Nxb. Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa.

7. Trần Thị Hồng Yến. 2013. Biến đổi về xã hội và văn hóa ở các làng quê trong quá trình đô thị hóa tại Hà Nội. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội, số 11 (255) 2019

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)