Biểu tượng con Nghê trong văn hóa Việt Nam** (Phần 2)

THE SYMBOL OF “CON NGHÊ” IN VIETNAMESE CULTURE

Tác giả bài viết: Tiến sĩ  ĐINH HỒNG HẢI
(Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

4. Giá trị của biểu tượng con nghê trong văn hóa Việt Nam

     Năm 2003, khi Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 (SEA games 22) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, các quan chức cao cấp ngành thể thao nước ta đã phải mất ăn mất ngủ nhiều tháng vì không tìm được linh thú biểu tượng của Việt Nam cho sự kiện này. Cuối cùng, ban tổ chức đã chọn con trâu vàng làm linh thú biểu tượng cho SEA games 22. Sự kiện đó qua đi, nhưng nhiều người vẫn không hài lòng với việc chọn đầu trâu làm logo in trên các sản phẩm đại diện cho quốc gia, vì trong văn hóa Việt Nam, thành ngữ “đầu trâu, mặt ngựa” chỉ những kẻ đầu trộm, đuôi cướp. Thiết nghĩ, nếu ban tổ chức lập một hội đồng tư vấn có các chuyên gia nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, xã hội và nghệ thuật thì việc chọn lựa linh thú biểu tượng sẽ dễ dàng hơn và không xảy ra vấn đề đáng tiếc. Theo chúng tôi, nếu một sự kiện tương tự trong tương lai được tổ chức ở Việt Nam và chúng ta cần chọn một linh thú biểu tượng của Việt Nam thì con nghê hoàn toàn có thể là một ứng viên phù hợp với các tiêu chí đặt ra, tương tự như các biểu tượng con gà trống Gaulois của Pháp, con sư tử của Anh hay con tê tê Fuelco của Brazil, v.v… Các tiêu chí quan trọng nhất cần đặt ra như lịch sử, văn hóa, nghệ thuật gắn với giá trị đặc sắc nhất của linh thú đều có thể tìm thấy qua biểu tượng con nghê trong văn hóa Việt Nam.

     – Về giá trị lịch sử: Chúng ta thường nghe nói tới giao long, thuồng luồng, chim lạc12, hay một linh thú có sừng (như di vết ở hang Đồng Nội) là những linh thú truyền thống của người Việt từ thời Đông Sơn, thậm chí là vật tổ của người Việt từ thời tiền sử. Những linh thú này được nhiều nhà nghiên cứu coi như những biểu tượng đặc trưng của nền văn minh Việt trước giai đoạn thuộc Hán vẫn tồn tại đến ngày hôm nay mà chưa bị người Hán đồng hóa. Những di vật nói trên, mặc dù vô cùng quý giá (được bảo quản cẩn thận trong bảo tàng, được công nhận là bảo vật quốc gia), nhưng chúng là những hiện vật chết. Trên thực tế, chúng chỉ là các hiện vật khảo cổ được phát hiện trong không gian cư trú của người Việt Nam hiện nay. Còn chúng đóng vai trò gì và được sử dụng như thế nào trong đời sống văn hóa của người Việt cổ là vấn đề đang được tìm hiểu. Trong cuộc sống hiện nay, chúng đã không còn tồn tại13.

     Trong khi đó, một linh thú tồn tại liên tục trong suốt dòng chảy văn hóa Việt hàng nghìn năm qua là con nghê lại hầu như không được nghiên cứu tới. Con nghê hiện hữu trên các kiến trúc cung đình thời Lý và thời Trần, trên đình chùa thời Lê, trên ban thờ tư gia của nhiều gia đình người Việt trong giai đoạn hiện nay. Điều đó cho thấy, con nghê là một hiện vật sống trong đời sống tinh thần của người Việt. Tìm hiểu sự tồn tại và phát triển của biểu tượng con nghê qua mỗi thời kỳ lịch sử sẽ cho chúng ta một góc nhìn mới đối với kinh tế, xã hội, văn hóa và nghệ thuật các giai đoạn lịch sử đó. Công việc này được các nhà nghiên cứu thực hiện khá thành công đối với biểu tượng con rồng trong văn hóa Việt Nam từ thời Lý đến thời Nguyễn14. Không hiểu sao cách làm này không được áp dụng đối với con nghê? Phải chăng con nghê không phải là một linh thú cung đình nên không được triều đình quan tâm? Phải chăng con nghê là con vật thấp kém nên không đáng để tìm hiểu? Với các câu hỏi này, chúng ta cần hướng sự chú ý tới các giá trị văn hóa của biểu tượng con nghê.

     – Về giá trị văn hóa: Con nghê được coi như một linh thú tiêu biểu cho tính thuần Việt và mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Nhưng tài liệu thành văn của Đại Việt – Việt Nam hầu như không đề cập đến linh thú này. Trong khi đó, biểu tượng xi vẫn, một linh thú thuộc chín con của rồng có nguồn gốc Trung Hoa, lại được đưa vào những áng thơ văn kinh điển, chẳng hạn: “鴟吻倒眠方鏡冷/ 塔光雙峙玉尖寒” (Xi vẫn đảo miên phương kính lãnh/ Tháp quang song trĩ ngọc tiêm hàn: Hình xi vẫn ngủ ngược trên gương nước lạnh/ Đôi bóng tháp thon vút như ngón tay ngọc giá băng)15.

     Điều đó cho thấy, quan điểm “nhất bên trọng, nhất bên khinh” của quan lại và các trí giả Nho học xưa đối với các biểu tượng cung đình và bình dân. Nhưng dường như sự thiếu quan tâm đó lại giúp cho biểu tượng con nghê của Đại Việt phát triển một cách tự do trong vô vàn sự ràng buộc khắt khe của thể chế phong kiến suốt hàng nghìn năm qua với các biểu tượng văn hóa. Biểu tượng con nghê có mặt hầu khắp mọi nơi, mọi đối tượng, từ thành thị đến nông thôn, từ người sang đến kẻ hèn, từ bậc thức giả đến người không biết chữ,… Con nghê với vai trò người hầu kẻ hạ đi vào đời sống một cách hết sức tự nhiên như chính tâm hồn của người Việt và văn hóa người Việt.

     Sự thấm nhuần đặc tính dân gian khiến cho con nghê trở nên một con vật gần gũi, thân thương hơn là một linh thú đáng sợ hãi, nể trọng và tôn thờ. Đặc tính này đi thẳng vào lòng mọi tầng lớp người trong xã hội Việt Nam như tình cảm đối với mái đình, cây đa, bến nước hay “canh rau muống, cà dầm tương”. Có lẽ đặc tính văn hóa này của người Việt đã ngấm vào trong dòng suy nghĩ của các nghệ nhân dân gian, những người nghệ sĩ sáng tạo nên biểu tượng con nghê, để rồi chúng lại được tái hiện ở mọi lúc, mọi nơi thông qua đôi bàn tay tài hoa của họ bằng những kiệt tác của nghệ thuật tạo hình dân gian trong suốt hàng nghìn năm qua.

     – Về giá trị nghệ thuật: Khi nói đến nghệ thuật thì tự do là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Điều này không chỉ đúng với nghệ thuật ngày nay, mà còn đúng với nghệ thuật dân gian ngày xưa. Đơn cử con rồng, ở thời Lý, ngay sau nghìn năm Bắc thuộc, người dân Đại Việt được hưởng tự do, độc lập. Trong bối cảnh đó, con rồng thời Lý ra đời và khẳng định được giá trị nghệ thuật vượt lên mọi đồ án con rồng khác, trở thành kiệt tác nghệ thuật Đại Việt. Nhưng đến giai đoạn cuối nhà Nguyễn bị áp chế mọi bề của triều đình nhà Thanh, con rồng thời kỳ này trở nên gò ép, gai góc và lệ thuộc.

    Vì vậy, có thể nói, yếu tố tự do thể hiện qua nghệ thuật tạo hình con nghê trong các triều đại phong kiến Việt Nam là sự tự do về nghệ thuật gần như tuyệt đối. Ngoài sự tự do về ý tưởng, các nghệ nhân dân gian còn được tự do sáng tạo. Với sự tự do tuyệt đối, các nghệ nhân dân gian có thể tùy ý tạo nên những con nghê với hình thức và màu sắc theo ý tưởng của riêng mình. Sự tùy ý này đã đưa con nghê đến đỉnh cao của sự sáng tạo trong nền nghệ thuật dân gian Việt Nam.

     Là một linh thú hư cấu, con nghê tích hợp các yếu tố từ nghệ thuật dân gian đến nghệ thuật cung đình, từ nghệ thuật bản địa đến nghệ thuật ngoại nhập. Các yếu tố văn hóa từ Trung Hoa, Ấn Độ, Chiêm Thành, Xiêm La, Chân Lạp, Ai Lao thông qua các linh thú khác được các nghệ nhân tích hợp lại qua trí tưởng tượng của họ để biến thành những linh thú mới mang dấu ấn nghệ thuật của riêng họ. Đáng tiếc là, người Việt không có thói quen ghi tên mình hoặc các thông tin có liên quan lên tác phẩm, nên những kiệt tác mà chúng ta được chiêm ngưỡng ngày nay đều không có một thông tin nào về tác phẩm và tác giả của chúng16.

     Với vô số tác phẩm, tác giả và cách thức biểu hiện, nhưng biểu tượng con nghê vẫn có những đặc tính riêng khiến chúng ta không thể nhầm với một số linh thú khác như con chó và con sư tử. Vậy điều gì khiến cho con nghê có được đặc tính như vậy? Câu trả lời là tính biểu tượng trong nghệ thuật17. Có thể nói, nếu tính tự do trong nghệ thuật giúp cho biểu tượng con nghê đạt đến đỉnh cao của sự sáng tạo, thì tính biểu tượng trong nghệ thuật lại là yếu tố giúp cho linh thú này xác định được đặc tính là tính bản địa. Chính đặc tính này là cơ sở để các nhà chuyên môn cũng các cơ quan quản lý khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam qua biểu tượng con nghê trong cuộc chiến con nghê – con sư tử đang diễn ra hiện nay.

     Vừa qua, Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triễn lãm, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản 2662/BVHTTDL-MTNATL cảnh báo về sự xâm lăng của các yếu tố văn hóa ngoại lai không phù hợp vơi thuần phong mỹ tục Việt Nam. Trên VOV online ngày 9/12/2013, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiến hành kiểm kê di tích trên toàn bộ địa bàn. Đặc biệt, Sở sẽ kiên quyết loại bỏ những hiện vật như đèn lồng, sư tử đá kiểu Trung Quốc… ra khỏi các di tích18. Điều này cho thấy, vấn đề nhầm lẫn giữa con nghê và con sư tử hiện nay không phải là một sự vô tình, một vấn đề đơn giản, mà thực sự là một cuộc chiến. Đây là cuộc chiến giữa sự hiểu biết và thiếu hiểu biết, giữa bản sắc văn hóa và chủ nghĩa lai căng, v.v…

     Mặc dù con nghê của người Việt nắm trong tay phần chính nghĩa, nhưng cuộc chiến này không hề dễ dàng kết thúc. Bởi vì, con sư tử Trung Quốc được các nhà tài trợ với sức mạnh vô hình, với những khoản đầu tư vô tận, nên có sức mạnh kinh tế vô địch. Trong khi đó, những con nghê mang trong mình giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật vô giá, nhưng dường như lại nhận được một sự ứng xử vô ý của người dân. Rõ ràng, cuộc chiến không cân sức giữa con nghê và con sư tử đòi hỏi các nhà quản lý phải có tầm nhìn đủ xa cũng như sự hiểu biết đủ rộng để có định hướng đúng đắn. Văn bản của Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm mới đây cho thấy quyết tâm của cơ quan quản lý với cuộc chiến dài hơi này19.

     Có thể thấy, tồn tại qua hàng nghìn năm với bao thăng trầm của lịch sử, nhưng con nghê vẫn phát triển, trở nên một linh thú biểu tượng đặc trưng trong văn hóa Việt Nam. Điều này do những giá trị tự thân của con nghê. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, trong quá khứ, người Hán chưa đếm xỉa đến một con vật hạ đẳng như con nghê trong suốt quá trình Hán hóa hàng nghìn năm của họ. Dường như họ chỉ đặt nặng sự đối phó quân sự với người Việt. Giờ đây, dường như họ đã nhận ra sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam, nên đã và đang bắt đầu một quá trình hủy diệt văn hóa mới từ những linh thú bình thường như con nghê. Nếu điều này là có thật thì nguy cơ người Việt bị diệt chủng như người Mãn là có thể xảy ra, vì những thành tố văn hóa của người Việt lại bị hủy hoại bằng chính bàn tay người Việt. Điều này còn nguy hiểm hơn cả mật lệnh của Minh Thành Tổ gửi Tổng binh Chu Năng: “Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy; ngoài ra hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến cả những loại ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ, như loại sách có câu “Thượng đại nhân, khưu ất dĩ” một mảnh một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá sạch hết thảy, một mảnh một chữ chớ để còn”20.

5. Kết luận

     Nghiên cứu biểu tượng con nghê trong văn hóa Việt Nam, chúng tôi tạm đi đến một số kết luận bước đầu như sau: Con nghê là một linh thú thuần Việt, nhưng có sự tiếp thu một số thành tố văn hóa từ Trung Hoa và Ấn Độ; là một linh thú hư cấu được kết hợp bởi con chó, con kỳ lân, con sư tử cùng nhiều linh thú khác hiện có hoặc từng có trong văn hóa Việt Nam. Biểu tượng con nghê không chỉ là một tập hợp các giá trị lịch sử và văn hóa, mà còn là nơi bảo lưu các giá trị nghệ thuật trong truyền thống của người Việt. Để phân biệt biểu tượng con nghê trong văn hóa Việt Nam chúng ta có thể sử dụng các biện pháp phân loại như: hình thức biểu hiện, vị trí đặt, chức năng sử dụng, giai đoạn lịch sử, khu vực địa lý.

     Mặc dù là một linh thú mang trong mình những giá trị đặc sắc của văn hóa truyền thống, nhưng việc nhìn nhận về con con nghê ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa được chú ý đúng mức. Sự thiếu quan tâm này đã khiến cho biểu tượng con nghê đang bị thất thế trước một biểu tượng ngoại nhập là con sư tử Trung Hoa. Vì vậy, sự tăng cường hiểu biết đối với các giá trị, đặc biệt là giá trị nghệ thuật, của con nghê là hết sức cần thiết. Mong rằng, các cơ quan, ban ngành chức năng, các bậc thức giả, các nhà quản lý đặt mối quan tâm đặc biệt đối với biểu tượng linh thú này, coi đó như là một cách giải Hán hay thoát Trung đang được bàn luận sôi nổi trong thời gian gần đây./.

    Chú thích:

     1 Chúng tôi đang tìm hiểu xem “ly” có phải là tên gọi tắt của “ly vẫn”/ “xi vẫn” (một trong số chín con của rồng du nhập vào Việt Nam từ văn hóa Trung Hoa) hay không. Cho tới nay, chúng tôi chưa tìm thấy một nghiên cứu hoặc tư liệu có liên quan nào ở Việt Nam đề cập đến vấn đề này. Trong văn hóa Phương Tây có một linh thú dạng này gọi là unicorn, thường dịch là kỳ lân.

     2 Nếu coi là một dạng biến đổi từ con lân, thì việc con nghê xuất hiện từ thời Lý là có thể chấp nhận. Nhưng chúng ta chưa thể khẳng định một cách chắc chắn rằng các linh thú đó chính là con nghê.

     3 Theo thuyết long sinh cửu tử trong văn hóa Trung Hoa, toan nghê là linh thú có mình sư tử, đầu rồng, thích sự tĩnh lặng và ngắm cảnh hương khói. Vì vậy, toan nghê được đúc làm vật trang trí trên các lò đốt trầm hương.

     4 Hình thức Việt hóa ngôn ngữ ngoại nhập bằng những từ ngắn gọn hơn là một đặc tính khá phổ biến trong văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn, vải chế từ sợi nilon được gọi là vải lon; từ kios/ cửa hàng biến thành ốt trong tiếng Việt; ngành học về phân tích tâm lý biến thành phân tâm trong tiếng Việt, v.v… Điều này có thể xảy ra giống như trường hợp rahu/ la hầu biến thành hổ phù.

     5 Trần Hậu Yên Thế (2011), “Nhận thức tính phổ quát liên văn hóa trong mỹ thuật cổ truyền qua ví dụ hình tượng con nghê ở đền miếu”, Nghiên cứu Mỹ thuật, số 4: 8.

     6 Loại cột kinh này cũng được tìm thấy trong văn hóa Việt Nam từ giai đoạn Đinh – Tiền Lê.

     7 Bùi Ngọc Tuấn (2013), “Con nghê: một biểu tượng tạo hình thuần Việt”,
http://hcmufa.edu.vn/tap-chi/thong-tin-my-thuat-so-15-16/con-nghe-mot-bieutuong-tao-hinh-thuan-viet/

     8 Trong tiếng Hán có hai chữ chỉ con chó, một là cẩu, hai là khuyển. Đại bộ phận thành ngữ Việt Nam có hai từ cẩu và khuyển có ý nghĩa tệ hại. Xem: Trần Hậu Yên Thế (2011), “Nhận thức tính phổ quát liên văn hóa trong mỹ thuật cổ truyền qua ví dụ hình tượng con nghê ở đền miếu”, bđd: 13.

     9 Hoàng Phê chủ biên (1998), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học: 140.

     10 Trần Hậu Yên Thế (2014), “Vị thế của hình tượng sư tử trong mỹ thuật Đại Việt”, Mỹ thuật Nhiếp ảnh, số 5.

     11 Mỹ Trà, “Kiên quyết loại bỏ yếu tố ngoại lai ra khỏi di tích Việt”, VOV online ngày 9/12/2013,
http://vov.vn/van-hoa/kien-quyet-loai-bo-yeu-to-ngoai-lai-rakhoi-di-tich-viet-296001.vov

     12 Tên gọi chim lạc cũng có nhiều vấn đề đang tranh cãi. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một chuyên khảo dành riêng cho con hạc trong văn hóa Việt Nam.

     13 Nhiều nhà nghiên cứu đã gán con giao long hay con thuồng luồng là thủy tổ của con rồng hiện tại và linh thú có sừng ở hang Đồng Nội là vật tổ của người Việt. Xem thêm: Đinh Hồng Hải, Bùi Huy Vọng (2014), “Biểu tượng người có sừng ở hang Đồng Nội qua tiếp cận khảo cổ học nhân văn”, Thông tin Khoa học, số 2, Trung tâm Nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long.

     14 Các cuốn sách viết về mỹ thuật từ thời Lý đến thời Nguyễn hầu như không đề cập đến con nghê, trong khi con rồng được phân tích, mô tả hết sức kỹ lưỡng.

     15 Trích trong Diên Hựu Tự (延 祐 寺) của Tam tổ Trúc Lâm – Thiền sư Huyền Quang (1254 – 1334), xem: Trần Trọng Dương, “Xi vẫn – Xi vỹ: những xu hướng biến đổi hình tượng trong văn hóa Việt Nam và Đông Á”, trong Biểu tượng rồng Việt Nam trên cơ tầng văn hóa Châu Á, Đề tài mã số VIII.1.3- 2012.01 do Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tài trợ năm 2014.

     16 Một trong những sản phẩm hiếm hoi là chiếc bình hoa lam của gốm Chu Đậu thế kỷ XVI được một nghệ nhân họ Bùi ghi lại, hiện đang trưng bày tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã nâng tầm giá trị của chiếc bình lên hàng triệu USD.

     17 Xem thêm: Đinh Hồng Hải (2014), “Tính biểu tượng trong nghệ thuật”, Mỹ thuật Ứng dụng, số 1.

     18 Mỹ Trà, “Kiên quyết loại bỏ yếu tố ngoại lai ra khỏi di tích Việt”, VOV online ngày 9/12/2013, bđd.

     19 Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL của Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm ra ngày 8/8/2014.

     20 Sắc chỉ bí mật, ban bố 10 điều cho quân lính tuân theo, đề ngày 8 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 4 (21/8/1406) theo bản lưu trữ tại Thư viện Viện Thông tin Khoa học xã hội: 1731/I. Trong bản Việt kiệu thư do Tề Lỗ thư xã xuất bản thì không đề ngày, nhưng xếp thứ tự ở giữa hai đạo sắc ban bố ngày 4/7/1406 và ngày 29/7/1406). Việt kiệu thư, quyển 2, tờ 26a – b. Nguyên văn: 兵 入。除 釋 道 經 板經 文 不 燬。外 一 切 書 板 文 字 以 至 俚 俗 童 蒙 所 習。如 上 大 人 丘 乙 已 之類。片 紙 隻 字 悉 皆 燬 之。其 境 內 中 國 所 立 碑 刻 則 存 之。但 是 安 南 所 立者 悉 壞 之。一 字 不 存 (Binh nhập, trừ Thích, Đạo kinh bản kinh văn bất hủy.

      Ngoại nhất thiết thư bản văn tự dĩ chí lý tụcđồng mông sở tập, như “Thượng đại nhân, Khưu ất dĩ” chi loại, phiến chỉ chích tự tất giai hủy chi. Kỳ cảnh nội Trung Quốc sở lập bi khắc tắc tồn chi. Đãn thị An Nam sở lập giả tất hoại chi, nhất tự bất tồn). Dẫn theo: Nguyễn Huệ Chi (2013), “Tiêu diệt tận gốc văn hóa Việt Nam: thủ đoạn của Minh Thành Tổ trong cuộc chiến tranh xâm lược 1406-1407”, Văn hóa Nghệ An,
http://www.vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-vanhoa3/nh%E1%BB%AFng-g%C3%B3c-nh%C3%ACn-v%C4%83nh%C3%B3a/tieu-diet-tan-goc-van-hoa-viet-nam-thu-doan-cua-minh-thanh-totrong-cuoc-chien-tranh-xam-luoc-1406-1407.

________
** Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong Đề tài mã số VIII1.3-2012.01.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Huệ Chi (2013), “Tiêu diệt tận gốc văn hóa Việt Nam: thủ đoạn của Minh Thành Tổ trong cuộc chiến xâm lược 1406-1407,” Văn hóa Nghệ An, số tháng 9.

     2. Trần Trọng Dương (2014), “Xi vẫn – Xi vỹ: những xu hướng biến đổi hình tượng trong văn hóa Việt Nam và Đông Á”, trong Biểu tượng rồng Việt Nam trên cơ tầng văn hóa Châu Á, Đề tài mã số VIII.1.3-2012.01.

    3. Đinh Hồng Hải (2012), Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, tập 1, Nxb. Tri thức.

     4. Đinh Hồng Hải (2014), “Tính biểu tượng trong nghệ thuật”, Mỹ thuật Ứng dụng, số 1.

     5. Đinh Hồng Hải, Bùi Huy Vọng (2014), “Biểu tượng người có sừng ở hang Đồng Nội qua tiếp cận khảo cổ học nhân văn”, Thông tin Khoa học, số 2, Trung tâm Nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long.

     6. Hoàng Phê chủ biên (1998), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học.

     7. Trần Hậu Yên Thế (2011), “Nhận thức tính phổ quát liên văn hóa trong mỹ thuật cổ truyền qua ví dụ hình tượng con nghê ở đền miếu”, Nghiên cứu Mỹ thuật, số 4.

     8. Trần Hậu Yên Thế (2014), “Vị thế của hình tượng sư tử trong mỹ thuật Đại Việt”, Mỹ thuật Nhiếp ảnh, số 5.

     9. Mỹ Trà (2013), “Kiên quyết loại bỏ yếu tố ngoại lai ra khỏi di tích Việt”, VOV online ngày 9/12/2013,
http://vov.vn/van-hoa/kien-quyet-loai-bo-yeu-to-ngoailai-ra-khoi-di-tich-viet-296001.vov.

     10. Bùi Ngọc Tuấn (2013), “Con nghê: một biểu tượng tạo hình thuần Việt”,
http://hcmufa.edu.vn/tap-chi/thong-tin-my-thuat-so-15-16/con-nghe-mot-bieutuong-tao-hinh-thuan-viet/

ABSTRACT

     According to the Vietnamese traditional culture, beside dragon, there was a holy animal that was “Con nghê” but the understanding of it is still ambiguous. The dragon was a symbol of the Court, “Con nghê” was a holy animal in folklore and in royal culture. Thus, “Con Nghê” was a sacred animal in folklore that affected the royal culture or in contrast? We have to research the sacred animal’s origin in order to answer this question. However, it is not a facile work because “con nghê” is not a real animal as a turtle or a tiger and is not the imported holy animal as tí-xiu (tỳ hưu) or lion, either. “Con nghê” is even equated with “con lân”, “con lân mã”, “con long mã”, “con ly”. These holy animals are relatively common in Vietnamese culture, but it is difficult to identify them because their creation is complex and confused. This complexity leads to a confusion of their names. This text mentions the homogeneity and the difference between these holy animals and “con nghê” in Vietnamese culture.

Keywords: “Con nghê”, holy animals, Vietnamese culture.

Nguồn: Nghiên cứu Tôn giáo, số 12 (138), 2014, 110-124
Trích dẫn tệp PDF từ: http://vanmieu.gov.vn

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Biểu tượng con Nghê trong văn hóa Việt Nam (Tác giả: TS. Đinh Hồng Hải)