Các hình thái của tín ngưỡng thờ Mẫu – Không gian thờ cúng
Tác giả: Tiến sĩ VŨ HỒNG VẬN, Tiến sĩ PHẠM DUY HOÀNG
Thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian có tính ổn định và bền vững về niềm tin nên đã hình thành một hệ thống về không gian thờ phụng ở từng miền, từng địa phương. Ở miền Bắc tiêu biểu là những địa điểm thờ Mẫu Thượng Ngàn (phủ Tây Hồ – Hà Nội), thờ Mẫu Liễu Hạnh (phủ Dầy – Nam Định). Ở miền Trung là trung tâm thờ Thiên Yana (điện Hòn Chén – Huế). Ở miền Nam thờ Bà Chúa Xứ (Núi Sam – An Giang), Bà Đen (núi Bà Đen – Tây Ninh). Tại những nơi này, hình thức tổ chức thờ cúng về đại thể có nhiều điểm tương đồng, nhưng bên cạnh đó còn có những điểm dị biệt do tính lịch sử và địa lý quy định.
I. KHÔNG GIAN THỜ CÚNG
Không gian thờ cúng của tín ngưỡng thờ Mẫu được hiểu là những địa điểm, những cơ sở kiến trúc và nhiều hạng mục, công trình liên quan. Tính đến thời điểm hiện tại, những địa điểm thờ cúng của Mẫu đã được sửa chữa, thay đổi đi nhiều so với thời điểm ra đời của nó. Đa phần những địa điểm thờ cúng của tín ngưỡng thờ Mẫu đã được xây dựng từ khá lâu, trải qua thời gian, qua nhiều biến cố và thăng trầm của thời cuộc, nhiều cơ sở thờ tự của Mẫu đã được tu sửa, tuy vậy nó vẫn giữ được sự uy nghiêm vốn có. Trong các không gian của Mẫu, mới nhất là miếu Bà Chúa Xứ cũng đã xây dựng vào những năm 60 của thế kỷ trước. Những nơi thờ tự của Mẫu thường được gọi là: phủ, điện, đền, am, miếu.
1. Phủ
Phủ thường chỉ một quần thể kiến trúc rộng lớn, có nhiều ngôi đền lớn nhỏ, miếu, am liên kết lại với nhau. Trong phủ ngoài đền, miếu, am còn có: tam quan, hòn giả sơn, cây cổ thụ, tường bao. Trong quá trình tồn tại và phát triển, nhiều phủ đã được xây dựng. Có thể kể đến những phủ thờ Mẫu lớn như: phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định; phủ Tây Hồ, quận Tây Hồ, Hà Nội; phủ Sòng ở Sòng Sơn, Thanh Hóa.
Phủ Tây Hồ: Phủ Tây Hồ thuộc thôn Tây Hồ, trước đây là đất một làng cổ của kinh thành Thăng Long, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Phủ Tây Hồ nằm trên bán đảo lớn của làng Nghi Tàm, nhô ra giữa Hồ Tây, cách trung tâm thủ đô khoảng 4km về phía Tây. Các công trình kiến trúc của phủ Tây Hồ bao gồm cổng làm kiểu tam quan, kiến trúc chính 3 nếp (Tam tòa Thánh Mẫu); phủ chính có quy mô lớn nhất. Mặt trước có cửa tam quan 2 tầng, mái giữa có ghi “Tây Hồ hiển tích”, được trang trí tỉ mỉ, công phu. Phần trên bốn cánh cửa giữa chạm tứ quý, phần dưới chạm tứ linh, ở giữa chạm đào thọ. Qua tam quan là phương đình 2 tầng, 8 mái. Nhà tiền tế, hậu cung xây sát sau phương đình; kế đến là điện Sơn Trang 3 tầng, 8 mái cong, lòng nhà có 2 tầng, tầng trên thờ Quan Âm, tầng dưới là 3 động Sơn Trang chiếm 3 gian; khu nhà khách, lầu Cô, lầu Cậu… Di tích phủ Tây Hồ hiện còn lưu giữ được khối di vật khá phong phú mang giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật thuộc thế kỷ XIX, XX như bộ tượng tròn gần 300 pho, hoành phi, câu đối… Đặc sắc nhất là bức đại tự ghi: “Thiên tiên trắc giáng” (tiên trời xuất hiện) và bức hoành phi ở cửa cung đề: “Mẫu nghi thiên hạ” (làm mẹ của cả thiên hạ).
Đáng chú ý nhất trong các điện thờ Mẫu thường có ba pho tượng nữ thần đặt song hành: Mẫu Thượng Ngàn là vị mặc áo xanh lá cây tượng trưng cho rừng, nơi con người xưa sinh sống bằng các loại củ; Mẫu Thoải (thủy) là vị mặc áo trắng, tượng trưng cho nước; Mẫu Địa là vị mặc áo vàng, tượng trưng cho đất. Ba vị mẫu này hợp thành Tam phủ, giải thích quá trình tiến hóa của cư dân Việt, từ rừng núi, sông suối xuống đồng bằng định cư trồng lúa nước. Cũng theo quan niệm Tam phủ thì cai quản Thiên phủ có Thiên quan ban phúc lộc cho con người, cai quản Địa phủ có Địa quan xá bỏ tội lỗi cho con người, cai quản Thủy phủ có Thủy quan cởi bỏ mọi chướng ngại, khó khăn cho con người. Với sức mạnh huyền bí ban phúc, xá tội và giải ách, tín ngưỡng Tam phủ rất hấp dẫn mọi người.
Phủ Dầy: Quần thể di tích phủ Dầy gồm hơn 20 đền, phủ, chùa, lăng,… nằm trải đều trong một không gian đẹp với cảnh quan thiên nhiên phong phú, có núi, có sông xen giữa ruộng đồng màu mỡ thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Kiến trúc ở phủ Dầy hội tụ những nét đặc sắc, độc đáo của kiến trúc dân tộc cùng nhiều cổ vật quý như đồ thờ tự, văn bia, sắc phong,… Phủ Dầy được bắt đầu xây dựng từ thời Lê Cảnh Trị (1663 -1671), sau nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, bổ sung, mở rộng, nâng cấp, đến nay phủ Dầy đã trở thành một quần thể điện đài hoàn chỉnh, tương xứng với vị thế của tín ngưỡng thờ Mẫu, với lòng ngưỡng vọng Mẫu Liễu Hạnh của du khách thập phương trong mỗi chuyến du lịch tâm linh về với phủ Dầy.
Khu di tích thờ Bà Chúa Liễu Hạnh, một trong “Tứ bất tử” của điện thần Việt Nam (Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Bà Chúa Liễu Hạnh). Phủ Dầy là một quần thể di tích gồm ba di tích chính: phủ Tiên Hương (phủ chính), phủ Vân Cát và lăng Bà Chúa Liễu. Phủ Tiên Hương có 19 tòa với 81 gian lớn, nhỏ, mặt phủ quay về phía Tây nam nhìn về dãy núi Tiên Hương. Trước phủ có hồ và một sân rộng, có 3 tòa nhà dàn hàng ngang hai tầng, tách mái, đó là phượng du, nơi đón khách tới hành hương. Một hồ bán nguyệt có lan can thấp bao quanh, có bình phong và hai cầu vượt đều bằng đá chạm khắc hình con rồng với móng vuốt sinh động, tinh xảo. Phủ có 4 lớp thờ (4 cung): đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ.
Các cung đều được tập trung các nghệ thuật chạm khắc tinh vi, thể hiện đủ các mảng đề tài: rồng, phượng, hổ… Chính cung (cung đệ nhất) có một khám thờ khảm trai bề thế và tinh xảo. Đây chính là nơi đặt 5 pho tượng có giá trị mỹ thuật cao của thế kỷ thứ XIX. Phủ Vân Cát là một di tích quan trọng thuộc quần thể di tích phủ Dầy. Phủ nằm trên vùng đất cao rộng trên hai mẫu đứng biệt lập phía Tây bắc làng, không bị thổ cư che khuất, cảnh quan rất đẹp. Ba phía Đông, Bắc, Nam là ruộng, phía Tây có con đường cái nên không gian thoáng đãng và bề thế.
Phủ Vân Cát được xây dựng trên khu đất rộng gần một hécta, mặt quay về hướng Tây Bắc. Phủ Vân Cát hiện nay có 7 tòa với 30 gian lớn, nhỏ. Phía trước có hệ thống cửa ngọ môn với 5 gác lầu, phía ngoài ngọ môn có hồ bán nguyệt, giữa hồ là nhà thủy lâu, 3 gian, mái cong. Phủ Vân Cát cũng có 4 cung như ở phủ Tiên Hương. Trung tâm là nơi thờ Chúa Liễu, bên trái là chùa thờ Phật, bên phải là đền thờ Lý Nam Đế. Trước phủ Vân Cát là một
phương du được làm giữa hồ nước mà nền được bó đá cẩn quy đẹp mắt, xung quanh có hành lang với nhiều mảng họa tiết như hoa chanh, voi chầu, các mảng chạm đá trúc mai… rất công phu. Hai phía Bắc – Nam có cầu đá mà dầm cầu có họa tiết chạm bầu rượu túi thơ, mặt cầu là những phiến đá xanh viền kép, theo dáng cong cong, càng làm cho phương du thêm hoa lệ. Tòa đệ tứ gồm 5 gian lớn làm theo kiểu chồng diêm hai tầng, 8 mái cong cong như bông sen vươn lên thật đẹp. Những hàng bẩy vừa có dáng cong cong, chạm trổ các đề tài thông, mai, cúc, trúc hóa long sống động. Hệ thống văn bia ở phủ Vân Cát rất có giá trị về lịch sử đặt dưới ngũ vân lâu ba tầng ở mặt tiền. Cùng với hệ thống đồng trụ tường hoa khiến tổng công trình nội trùng thiềm, ngoại chữ quốc ở đây bố cục chặt chẽ.
Trong phủ Vân Cát có lăng Bà Chúa Liễu, được xây dựng vào năm 1938. Lăng được xây dựng bằng đá xanh, chạm trổ đẹp, với diện tích 625m², gồm có cửa vào lăng theo hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Các cửa đều có trụ cổng trên đắp hình bông sen. Giữa lăng là ngôi mộ khối bát giác, mỗi cạnh chừng một mét. Toàn lăng có 60 búp sen hồng, trông xa như một hồ sen cạn. Lăng xây theo kiểu hình vuông mỗi cạnh 24m, từ ngoài vào trong tạo năm lớp tường hoa theo cấp độ khác nhau, tường trong cao hơn tường ngoài, tuy chiều cao tường hoa đều 1m mà vẫn thấy rõ sự vươn dần lên phần mộ, và bốn mặt tường hoa đều có cửa lên mộ, mỗi cửa lại có một bình phong làm kiểu cuốn thư, đục trạm hoa lá cách điệu nghệ thuật.
Phủ Sòng (đền Sòng): Trước đây gọi là đền Sùng Trân thuộc địa giới làng Cổ Đam, xã Hà Dương, huyện Hà Trung, phủ Tống Sơn. Nay đền Sòng Sơn thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa.
Phủ Sòng được xây dựng thời Cảnh Hưng triều vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786). Tương truyền rằng, có một ông lão cầm chiếc gậy tre khô cắm xuống đất làng Cổ Đam mà khấn rằng: “Nếu gậy tre này tươi tốt thì xây đền thờ Liễu Hạnh công chúa”. Quả nhiên lời huyền phán ấy trở nên màu nhiệm. Gậy tre trở nên xanh tươi, bén rễ, đâm chồi tỏa lá tốt tươi lạ thường. Người đời cho là điều lạ linh ứng, mới bảo nhau lập nên đền Sòng trên mảnh đất ấy. Người dân địa phương lấy ngày 26/2 (âm lịch) hàng năm là ngày lễ chính diễn ra lễ hội, đây chính là ngày hiển linh, hiển thánh của Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Phủ Sòng ban đầu khi mới xây dựng còn đơn sơ, bé nhỏ. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, gắn với nhu cầu về sinh hoạt tín ngưỡng của người dân, phủ Sòng được tu sửa ngày càng khang trang hơn, đẹp hơn. Tháng 6/1998, được sự quan tâm của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban nhân dân thị xã Bỉm Sơn, Phòng Văn hóa thông tin thị xã và sự ủng hộ nhiệt tình của quần chúng nhân dân, phủ Sòng được trùng tu, tôn tạo khôi phục lại gần như hoàn toàn vẻ đẹp uy trang, đường bệ và linh thiêng ban đầu của nó. Trải qua thời gian, cùng với sự phong phú về huyền thoại Liễu Hạnh công chúa, phủ Sòng trở thành nơi linh thiêng, nơi sinh hoạt tín ngưỡng không thể thiếu của nhân dân Bỉm Sơn nói riêng, của người dân Việt nói chung.
Về kiến trúc phủ Sòng: Mặt hướng về phía Tây Bắc, trước Phủ có một hồ nước tự nhiên hình bán nguyệt quanh năm xanh trong đó là Hồ Cá Thần, tương truyền rằng trước đây, hàng năm cứ đến tầm tháng giêng, tháng hai có một đàn cá toàn thân màu đỏ lũ lượt kéo về bơi lội trong hồ, nhưng khi hết lễ hội phủ Sòng (hết ngày 26 tháng 2 âm lịch) thì đàn cá tự nhiên không thấy nữa. Nhân dân quanh vùng cho rằng đàn cá đó chính là các nàng tiên trên thượng giới hóa phép về hầu Thánh Mẫu Liễu Hạnh…
Phía trước phủ có chiếc cầu bằng đá do bà Hoàng thái hậu nhà Lê phát tâm công quả xây dựng từ năm thứ 33 triều Cảnh Hưng (1772). Cầu được bắc qua con suối trong veo chảy quanh đền làm tăng thêm vẻ ngoạn mục của ngôi đền. Suối nước lượn quanh co, uốn khúc về phía Đông, hợp lưu cùng chín dòng nước phun lên từ lòng đất, tạo thành chín giếng nước tự nhiên không bao giờ vơi cạn. Nhân dân dựng lên ngôi đền cạnh chín cái giếng tự nhiên đó và quen gọi là đền Chín Giếng để thờ Cô Chín (cũng là một tiên nữ được Ngọc Hoàng cho theo hầu Thánh Mẫu Liễu Hạnh). Ở phía sau phủ là đường Thiên Lý (đường quốc lộ 1A), trục giao thông xuyên Việt, tạo thuận lợi cho du khách tới thăm quan và sinh hoạt tín ngưỡng.
Phủ Sòng được xây dựng với nhiều nét kiến trúc độc đáo đến nay vẫn còn được lưu truyền. Đền xây dựng theo kiểu chữ “Tam” có ba cung liên tiếp: cung hậu (chính tẩm, nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh), cung đệ nhị, cung đệ tam và ngoài cùng là cửa tam quan. Trang trí bàn thờ Mẫu có đầy đủ các lọng vàng, lư hương, hoa quả, bánh trái và nhiều đồ lễ mà du khách tới dâng. Không gian chính của đền được trải thảm đỏ, các cột trong điện thờ đều được treo các bức hoành phi, câu đối bằng chữ Hán. Nền được trải thảm đỏ, cùng với gam màu vàng của các bức hoành phi câu đối xen lẫn với hương khói nghi ngút tạo nên sự ấm áp, thành kính, tôn nghiêm, thiêng liêng trong lòng du khách đến dâng hương, du ngoạn. Cung đệ nhị có năm gian thờ Ngọc Hoàng. Hầu như các điện thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh đều thờ theo kiểu gia tộc có vua cha Thánh Mẫu, cô cậu Thánh mẫu. Cung đệ tam (tiền đường) cũng xây năm gian. Nơi đây thờ các quan, các ông hoàng và các cô đệ tử, đồng thời còn phối thờ cả Đức Thánh Trần. Gian này có bài trí ở trung tâm là bàn thờ Công Đồng, bên phải thờ Bà Chúa Chín, bên trái là bàn thờ Đức Thánh Trần. Ở phía ngoài cùng là cửa tam quan, cửa giữa có đặt tượng Phật Bà Quan Âm với dáng điệu từ bi bác ái, trước cửa tam quan là sân đền, nơi đây đặt một ban thờ và cả sập thờ để tiến hành hầu đồng.
2. Điện và Đền
Điện và đền, hai tên gọi này trong dân gian thường hay nhầm lẫn và thường dùng lẫn lộn nhau. Điện và đền chỉ quần thể kiến trúc có quy mô nhỏ hơn phủ. Tuy vậy, cũng có những quần thể kiến trúc lớn liên kết lại với nhau để phân cấp thờ phụng hệ thống thần tiên trong “thiên đình” của Mẫu, hoặc để làm nơi sinh hoạt của “con nhang đệ tử”. Chẳng hạn như điện Hòn Chén (tên thường gọi), cũng có khi còn gọi là điện Huệ Nam, hay đền Ngọc Trản ở núi Ngọc Trản, làng Hải Cát, huyện Hương Trà, Thừa Thiên – Huế; điện Bà (Bà Đen) ở núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Bà Đen còn được thờ ở chùa Hang (Long Châu tự).
Điện Hòn Chén (Huệ Nam điện) thuộc quần thể di tích cố đô Huế, nằm trên núi Ngọc Trản, xưa có tên là Hương Uyển Sơn, sau mới đổi tên là Ngọc Trản (có nghĩa là chén ngọc) thuộc địa bàn làng Hải Cát, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà. Dân gian vẫn quen gọi là Hòn Chén vì nó ngay ngắn tròn trĩnh như hình chén úp. Cũng vì vậy, người ta quen gọi ngôi điện thờ Thánh Mẫu tọa lạc giữa lưng chừng núi là điện Hòn Chén.
Điện Hòn Chén nguyên là ngôi đền thờ nữ thần Pô Inư Nagar của người Chăm. Theo truyền thuyết dân gian Chămpa, nữ thần Pô Inư Nagar là con của Ngọc Hoàng Thượng Đế được sai xuống trần gian, bà có công lao tạo ra trái đất và các loại gỗ trầm, lúa gạo. Hương mộc và kỳ nam là thứ gỗ tượng trưng cho sự linh hiển của nữ thần. Bà còn làm tỏa hương gạo ngọt ngào, cổ vũ dân trồng cây bồ đề.
Trong quần thể di tích cố đô Huế, có lẽ điện Hòn Chén gắn với nhiều giai thoại nhất. Dân gian còn lưu truyền rằng điện Hòn Chén xưa có tên là Hoàn Chén với ý nghĩa “trả lại chén ngọc”. Câu chuyện này liên quan đến vua Minh Mạng: Trong một lần vua lên núi vãn cảnh đã đánh rơi một chén ngọc xuống dòng sông Hương, tưởng không cách gì lấy lại được thì bỗng nhiên một con rùa to bằng chiếc chiếu nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua. Tuy nhiên, trong các văn chiếu sắc phong chính thức của các vua Nguyễn, thì ngôi điện vẫn xuất hiện với tên chính thức “Ngọc Trản Sơn Từ” (đền thờ ở núi Ngọc Trản). Đến thời Đồng Khánh (1885-1889), ngôi điện mới được đổi tên là Huệ Nam điện (ý là mang lại ân huệ cho vua nước Nam) và cũng gắn với nhiều giai thoại khác nữa.
Điện Hòn Chén là một cụm di tích gồm khoảng 10 công trình kiến trúc, to nhỏ khác nhau, đều nằm lưng chừng sườn núi Ngọc Trản, hướng mặt ra sông Hương, ẩn mình dưới những tàng cây cao bóng cả. Mặt bằng của toàn bộ cụm di tích này không lớn lắm, công trình kiến trúc chính là Minh Kính đài tọa lạc ở giữa; bên phải là nhà Quan Cư, Trinh Cát viện, chùa Thánh; bên trái là dinh Ngũ Hành, bàn thờ các quan, động thờ ông Hổ, am Ngoại Cảnh. Sát mép bờ sông còn có am Thủy phủ. Ngoài ra, trong phạm vi ấy còn có nhiều bệ thờ, nhiều am nhỏ nằm rải rác.
Minh Kính đài chính là nơi tổ chức tế lễ ở điện Hòn Chén, dưới triều Nguyễn được quy định mỗi năm tổ chức hai lần vào thượng tuần tháng 3 và tháng 7 (âm lịch), có cả quan chức được cử về làm chủ tế. Minh Kính đài chia làm 3 cung, theo thứ tự từ cao xuống thấp là: đệ nhất cung (còn gọi là thượng cung), nơi thờ nữ thần Thiên Yana, Thánh mẫu Vân Hương, ảnh vua Đồng Khánh và một số vị thần khác; đệ nhị cung thờ hàng chục tượng thần thánh khác nhau, là nơi bày biện các đồ thờ cúng để rước sắc trong những dịp lễ lớn; đệ tam cung thiết hương án, hai bên đặt trống, chuông, là chỗ cử hành lễ, cũng là nơi khách thập phương dâng hương cúng bái.
Minh Kính Đài là một công trình kiến trúc tiêu biểu lấy hình ảnh con phụng để trang trí. Trên các nóc nhà, hình phụng được thể hiện bằng nghệ thuật khảm sành sứ tinh xảo, khiến du khách có cảm tưởng những con chim phụng từ núi rừng tụ hội về đây, báo hiệu những điềm lành cho mảnh đất thiêng liêng này.
Nhưng có một điểm cần lưu ý, riêng phủ là nơi chỉ dành để thờ Mẫu. Đền, điện không chỉ là nơi để thờ Mẫu mà còn là nơi để thờ những người có công với đất nước, và phần lớn người ta hay dùng chữ điện để chỉ nơi thờ Mẫu. Còn am và miếu ngoài thờ Mẫu còn là nơi để thờ những con dạ, người chết không gia cư mà linh ứng, “quấy quả”, hay “phù hộ” cuộc sống của người dân một thôn, xóm.
3. Miếu và Am
Trong hệ thống không gian thờ phụng của Mẫu, miếu và am là những cơ sở thờ tự có quy mô nhỏ. Miếu là kiến trúc nhỏ, cao chừng trên 2m, chiều rộng mỗi cạnh khoảng 3m, thường đặt ở nơi công cộng của thôn, xã hay phường. Quy mô của am khoảng chừng bằng một nửa quy mô của miếu, phần nhiều thuộc về tư gia, đặt ở ngay trong góc vườn, trong nhà, đối diện với nhà, đôi khi cũng đặt ở những nơi công cộng. Riêng đối với trường hợp
miếu Bà Chúa Xứ, ở Núi Sam, Châu Đốc, tỉnh An Giang, thì quy mô kiến trúc hiện tại rất đồ sộ và nguy nga, có thể ngang ngửa với phủ, điện hay đền. Nhưng do một phần từ lịch sử hình thành, hơn nữa do người dân địa phương quen gọi là miếu, cho nên người ta vẫn gọi là miếu.
Di tích miếu Bà Chúa Xứ: Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc dưới chân núi Sam thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Lịch sử miếu Bà có từ khi nào đến nay vẫn là điều bí ẩn và có nhiều giả thuyết xung quanh. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng từ khoảng đầu thế kỷ XVIII, khi ông Thoại Ngọc Hầu(1) đến trấn giữ vùng đất Tây Nam. Ông được triều đình giao trọng trách đào kênh Vĩnh Tế(2), con kênh này dài 100km, rộng 50m, nối Châu Đốc với Hà Tiên. Đây là công trình vĩ đại nhằm mục đích thoát lũ, xả phèn cho đồng bằng sông Cửu Long, rút ngắn con đường giao thương đường thủy vùng phía Tây. Tuy nhiên, khi tiến hành thì liên tục gặp trục trặc, nhiều người chết do tai nạn, bệnh tật hay bị thú dữ tấn công.
Trước tình hình đó, vợ ông là bà Châu Thị Vĩnh Tế đã nghe lời dân làng đến cúng bái tượng Bà, quả nhiên ngay sau đó việc xây dựng diễn ra rất suôn sẻ. Không những thế, bà còn khấn vái cầu cho ông Thoại Ngọc Hầu đánh thắng giặc, bảo vệ yên bình cho nhân dân. Về sau, để tạ ơn, bà cho xây dựng lại ngôi miếu to và khang trang hơn.
Nếu đúng như vậy thì rất có thể miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng dưới thời Minh Mạng.
Sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa, đến nay kiến trúc miếu có dạng chữ “quốc”, hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Chánh điện gồm hai lớp. Lớp trong cùng là nơi thờ Bà Chúa Xứ với tượng Bà bằng đá đặt trên bệ cao, sát hai bên là hai con hạc trắng biểu tượng cốt cách tiên thánh của Bà.
Bên phải tượng Bà là một linga bằng đá đặt trên một hương án thờ, gọi là bàn thờ Cậu. Bên trái tượng Bà là hương án thờ một tượng gỗ chạm hình yoni, gọi là bàn thờ Cô. Lớp thứ hai là bàn thờ Hội đồng, sát liền hai tượng chim phượng. Hai bên trái, phải của bàn thờ Hội đồng là bàn thờ Tiền hiền khai khẩn (ở bên trái) và bàn thờ Hậu hiền khai cơ (ở bên phải).
Trước đây, tượng Bà ngự trên đỉnh núi Sam, gần Pháo Đài. Cũng theo dân gian kể lại, khi nhìn thấy sự linh ứng, người dân quyết định khiêng tượng Bà về thờ cúng nhưng lạ thay mấy chục thanh niên cường tráng không thể lay chuyển được tượng Bà. Trong lúc đó, có một cô gái “lên đồng” bảo rằng Bà chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng, quả nhiên tượng Bà được khiêng xuống một cách dễ dàng. Nhưng khi khiêng đến chân núi thì tượng Bà bất ngờ nặng trịch, không thể khiêng một bước nào nữa. Lúc đó các bậc cao niên nghĩ rằng Bà chọn nơi đây để an vị và lập miếu thờ cúng ngay chỗ đó.
Với vị trí địa lý thuận lợi cùng nhiều di tích nổi tiếng chứa đựng những giá trị văn hóa đặc trưng, giá trị về lịch sử, kiến trúc, hội họa, tâm linh, tín ngưỡng đã giúp miếu Bà Chúa Xứ, Châu Đốc trở thành địa điểm du lịch tâm linh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
4. Tháp
Tháp là kiến trúc có nhiều tầng, bậc. Ta thường thấy tháp ở trong chùa là nơi để chôn xá lị trụ trì của chùa. Tuy nhiên, chúng ta cũng bắt gặp trường hợp tháp là nơi để thờ Mẫu, đó là tháp Bà Pô Inư Nagar.
Tháp Bà Pô Inư Nagar: Tháp Bà Pô Inư Nagar Nha Trang được coi là danh thắng bậc nhất của Nha Trang – Khánh Hòa. Đây là một quần thể đền thờ tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân tộc Chăm. Tháp nằm trên một ngọn đồi nhỏ, còn gọi là núi tháp Bà nơi cửa sông Cái, bên quốc lộ 1A, thuộc phường Vĩnh Phước, phía Bắc thành phố Nha Trang. Do nằm ngay trong trung tâm thành phố biển Nha Trang xinh đẹp nên hầu hết du khách đều đến thăm quan và chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo này…
Tổng thể kiến trúc của tháp Bà Pô Inư Nagar gồm có 3 tầng. Tầng thấp cùng ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ tầng thấp cùng có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa, nơi hiện chỉ còn hai dãy cột chính bằng gạch hình bát giác, mỗi bên 5 cột có đường kính hơn 1m và cao hơn 3m. Ở hai bên các dãy cột lớn có 12 cột nhỏ và thấp hơn, tất cả lại nằm trên một nền bằng gạch cao hơn 1m. Tầng trên cùng là nơi các tháp được xây dựng, ngay trước mặt ngôi tháp chính. Tên tháp Bà Pô Inư Nagar dùng để chỉ chung quần thể đền tháp này nhưng thực ra nó chỉ là tên gọi của ngọn tháp lớn nhất, cao khoảng 23m.
Cụm đền thờ do vua Chămpa là Harivacman xây dựng vào những năm 813 – 817. Trải qua mưa nắng của thời gian, tháp bị hư hại nhiều. Thời Pháp thuộc, trường Viễn Đông Bác Cổ đã tổ chức dùng gạch xây lại nhiều phần và đắp một số tượng lên thân tháp. Mặt bằng thứ nhất của tháp được lát gạch, có 14 trụ và các bậc liên tiếp. Mặt bằng thứ hai là một cụm gồm bốn tháp bố trí theo hình thước thợ. Cả bốn tháp đều được xây dựng theo kiểu tháp của người Chăm: gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Lòng tháp rỗng tới đỉnh, cửa tháp quay về hướng đông. Mặt ngoài thân tháp có nhiều gờ, trụ và đấu. Trên đỉnh các trụ thường đặt gạch trang trí hoa văn hình vòm tháp, trông như chiếc tháp nhỏ đặt trên một tháp lớn. Trên thân tháp còn có nhiều tượng và phù điêu bằng đất nung, trong đó có hình thần Pô Inư Nagar, thần Tenexa, các tiên nữ, các loài thú như nai, ngỗng, sư tử…
Tháp chính thờ thần Pô Inư Nagar, tượng trưng cho sắc đẹp, nghệ thuật và sự sáng tạo. Tháp Bà được xây bốn tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá. Bên trong tháp là tượng nữ thần cao 2,6m tạc bằng đá hoa cương màu đen ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa vào phiến đá lớn hình lá đề. Đó là kiệt tác về điêu khắc Chămpa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi. Các tháp khác thờ thần Siva, thần Sanhaka và thần Ganesha.
Như vậy, tháp Bà vốn là một kiến trúc thờ thần thánh của dân tộc Chăm nhưng đã được Việt hóa để thờ Mẫu. Vì vậy, trong hệ thống không gian thờ Mẫu chỉ có tháp Bà, còn lại hầu hết là phủ, điện, miếu, am. Ngoài ra, ở Huế còn có một quần thể kiến trúc rộng lớn do Tổng hội Tiên thiên Thánh giáo xây dựng năm 1965. Kiến trúc này có nhiều chức năng, ngoài việc thờ phụng chư vị thánh thần, lên đồng còn là nơi sinh hoạt của các con nhang đệ tử, đạo hữu. Không gian thờ tự này được gọi là thánh thất hay thánh đường thay vì gọi là điện.
5. Chùa
Hầu hết các ngôi chùa ở miền Bắc đều có gian thờ Mẫu. Thờ Mẫu là một tín ngưỡng bản địa lâu đời. Đối tượng thờ phụng của tín ngưỡng này ban đầu gồm Mẫu Thủy/ Thoải cai quản Thủy/ Thoải phủ (nước), Mẫu Thiên cai quản Thiên phủ (trời), Mẫu Địa cai quản Địa phủ (đất), Mẫu Thượng Ngàn cai quản Nhạc phủ (rừng). Đến thế kỷ XVII, đối tượng thờ của đạo Mẫu xuất hiện thêm một vị Thánh Mẫu có vị trí rất quan trọng trong tín ngưỡng Việt, Mẫu Liễu Hạnh, tức Công chúa Liễu Hạnh, người được coi là một trong “Tứ bất tử” ở Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt có cơ sở thờ tự riêng biệt nhưng để tồn tại và phát triển, từ thế kỷ XVII, Mẫu đã bước vào chùa nương bóng Phật. Đây là sự kết hợp hai chiều giữa đạo Phật và đạo Mẫu. Chùa là nơi lý tưởng cho Mẫu dừng chân, ngược lại, nhờ Mẫu mà số lượng phật tử và nhân dân đến chùa đông vui nhộn nhịp hẳn lên.
Như vậy, phủ, điện, đền là những không gian thờ Mẫu của một miền, một vùng rộng lớn, trái lại với miếu (trừ miếu Bà Chúa Xứ như đã trình bày), am thường là nơi thờ Mẫu của hệ thống làng, xã, thôn hay của tư gia được phổ biến ở khá nhiều địa phương trong cả nước. Tháp và thánh đường tương đối hiếm gặp. Dân gian thường phân biệt những nơi thờ Mẫu nêu trên nhưng chỉ tương đối, giúp chúng ta hình dung ra được hệ thống không gian thờ Mẫu ở Việt Nam.
__________
(1) Thoại Ngọc Hầu tên Nguyễn Văn Thoại (còn đọc là Thụy). Ông sinh ngày 26 tháng 11 năm Tân Tỵ (1761), tại làng An Hải, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Ông lập được công lớn, được phong tước Hầu. Nhà Nguyễn thường lấy tên các công thần ghép vào tước, nên người ta quen gọi theo tên tước “Thoại Ngọc Hầu”. Hai lần ông mang ấn bảo hộ Cao Miên nên cũng được gọi là Bảo hộ Thoại.
(2) Kênh Vĩnh Tế bắt đầu đào vào tháng Chạp năm 1819, xuất phát từ bờ tây sông Châu Đốc, chạy song song với đường biên giới Việt Nam – Campuchia và kết thúc tại điểm nối tiếp với sông Giang Thành (thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Kênh được đào dưới sự chỉ huy của Thoại Ngọc Hầu cùng với 2 ông Nguyễn Văn Tuyên và Nguyễn Văn Tồn. Sau có thêm Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt, cùng 2 Phó Tổng trấn Trương Tấn Bửu, Trần Văn Năng và Thống chế Trần Công Lại cùng góp sức chỉ huy đến năm 1824 thì hoàn thành. Tên gọi Vĩnh Tế được đặt theo tên vợ cả của Thoại Ngọc Hầu là bà Châu Thị Vĩnh Tế (1766-1826) hay còn có tên khác là Châu Thị Tế. Bà là người cù lao Dài, nay thuộc xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long và là trưởng nữ của ông Châu Huy (có sách chép là Châu Vĩnh Huy) và bà Đỗ Thị Toán. Bà Vĩnh Tế nổi tiếng là người vợ hiền đức, tận tụy, đảm đang, đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp lừng lẫy của chồng. Bà còn là người có công xây dựng miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, Châu Đốc. Khi Thoại Ngọc Hầu được vua giao trọng trách đào con kênh nối liền từ Châu Đốc đến Hà Tiên, bà đã tận tụy giúp chồng chăm lo công việc đại sự. Những lúc chồng bận việc công cán, bà đã thay chồng lãnh phần đôn đốc, coi ngó việc đào kênh, tiếng nhân đức của bà được nhân dân truyền tụng. Để tuyên dương công trạng của vợ chồng Thoại Ngọc Hầu và thể theo lòng dân mến mộ, vua Minh Mạng cho lấy tên chồng bà là Nguyễn Văn Thoại đặt cho con kênh “Thoại Hà”, núi “Thoại Sơn”, đặt tên kênh Châu Đốc – Hà Tiên là “Vĩnh Tế Hà”, núi Sam gần đấy là “Vĩnh Tế Sơn” và làng cạnh núi là “Vĩnh Tế Thôn”. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vua cho chạm hình tượng kênh Vĩnh Tế vào Cao đỉnh, đỉnh đồng lớn nhất trong Cửu đỉnh đặt tại Thế miếu, Huế.
Nguồn: Tín ngưỡng thờ Mẫu trong sinh hoạt tinh thần của người Việt Nam,
Nhà xuất bản: Công an Nhân dân
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Các hình thái của tín ngưỡng thờ Mẫu – Không gian thờ cúng (Tác giả: Tiến sĩ Vũ Hồng Vận, Tiến sĩ Phạm Duy Hoàng) |
BÀI VIẾT CÓ LIÊN QUAN |
1. Nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu 2. Các hình thái của tín ngưỡng thờ Mẫu – Phần 1: Không gian thờ cúng 3. Các hình thái của tín ngưỡng thờ Mẫu – Phần 2: Hệ thống thánh thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu 4. Các hình thái của tín ngưỡng thờ Mẫu – Phần 3: Điểm tương đồng và dị biệt trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ 5. Tín ngưỡng thờ Mẫu trong sinh hoạt tinh thần của người Việt Nam —— đang được cập nhật —— |