CÂU ĐỐI ĐỎ – Một loại hình VĂN HỌC PHƯƠNG ĐÔNG

NGUYỄN MẠNH HÙNG
(Phó giáo sư, tiến sĩ sử học)

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.

     Ngoài việc dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa, sắm sửa các thứ trên bàn thờ, dù có nghèo túng lắm cũng không quên tìm mua một bức đại tự, một vài đôi câu đối in, viết tay hay khắc như loại câu đối tre nói trên.

     Có người mua giấy hồng điều về xin chữ các cụ đồ hay thầy khoá có hoa tay. Có người xin được câu đối của cả ông nghè, ông cống vào giấy hồng điều hay giấy xuyến để đem về treo. Song không phải chuyện dễ vì các ông không sẵn chữ mà vung với bất kỳ ai. Nhiều trọc phú chẳng thiếu gì vàng son để sơn thiếp hoành phi câu đối thờ, thế mà vẫn không mua được chữ của các ông nghè, ông cống ấy. Dù có mua được thì nó cũng chẳng khác nào “văn bã mía”, chẳng còn có ý nghĩa gì nữa, không ai coi ra gì!

     Câu đối được dán ở đâu? – Câu đối dán ở trên tường, hai bên bàn thờ, dán ngoài cổng, dán trên cột nhà như chúng ta trông thấy ký họa (h.63).

Hình 63: Dán câu đối

     “Hướng (dương) hao tháo dịch vi xuân

     Có nghĩa: “Có hoa hướng về mặt trời đổi theo xuân”.

     Câu đối không chỉ được dán ở các nơi mà còn được dán ở chuồng lợn, chuồng trâu. Henri Oger cho ta thấy câu đối còn xuất hiện ở bồn nước mà H. Oger gọi là: “citerne de l’atrium” (h.64).

Hình 64: Bồn nước

     Ở Đàng Trong, một ngôi nhà năm căn dán ba câu đối, còn câu thứ tư dành cho nhà bếp. Riêng có vài mươi từ giấy đỏ chói khác để dành cho các cây ăn trái ngoài vườn, kể cả xe bò, xe trâu cũng được trang điểm. Đã thế, cái giếng nước cũng được dán lên một tấm, cái chuồng heo cũng không chịu thiệt thòi! Đặc biệt những quả dưa hấu trên bàn thờ cũng được trang sức cho thêm mỹ miều. Song những chữ được viết trên loại giấy hồng điều này có khi chưa hẳn ra câu đối.

     Nhà giàu chơi câu đối đã đành, nhà nghèo cũng không vì cảnh túng bấn mà không biết thưởng thức. Nhưng còn nhà chùa thì sao? Nhà chùa lại càng trau chuốt hơn. Ở đây không rõ nhà chùa nào lại hé một cánh cửa cho thấy một vế đối (h.65) 

“Quy mô y cựu đồng lương tân”

(Cách thức thì như cũ mà rường cột thì mới).

Hình 65: Cánh cửa nhà chùa

     Câu đối viết bằng chữ Hán cũng có, bằng chữ Nôm cũng có. Câu đối nói lên cảm nghĩ của gia chủ đối với cuộc đời với ngày xuân, có khi nêu lên một lẽ biến dịch thông thường của vạn vật, có khi hàm súc một triết lý cao xa, mang giá trị phương châm.

     Có người bảo: “Câu đối vốn là một loại hình văn học phương Đông, một tác phẩm nghệ thuật trau chuốt, cô đọng, có khi rất thâm thuý”. Những câu đối quen thuộc nói lên phong vị đặc biệt của những ngày Tết Việt Nam. Nó đã trở thành một phong tục chơi câu đối và được các cụ gọi là “xuân liễn”.

     Khi nhắc đến Vũ Đình Liên – người đời nhắc ngay đến bài thơ “Ông Đồ”. Sau này, chính nội dung bài thơ đã gây cảm hứng sáng tác cho Bùi Xuân Phái để cho ra đời bức tranh “Ông Đồ” được ghép bằng giấy màu. Chính bức tranh này lại tiếp tục gây cảm xúc cho Vũ Đình Liên qua bài thơ hoài niệm có nội dung như sau (nhân lúc nhà thơ ngồi ngắm tranh vào năm 1974)

“Tranh ngắm lòng càng rộn ý thơ

Cả hồn quá khứ có “Ông Đồ”

Ba vần thơ đã khơi nguồn nhớ.

Mấy mảnh giấy còn chắp cánh mơ.

Thanh sắc chưa phai màu lệ cũ.

Ảnh hình thêm đậm mối thương xưa

Hỡi người nghiên bút nghìn năm trước

Mối hận đến giờ đã nhẹ chưa?

     Bài thơ nổi tiếng trên đây được sáng tác (khi tác giả mới 23 tuổi) trên cơ sở ghi chép lại hình ảnh cuối cùng của một cụ đồ Nho (đây là thân sinh của tác giả Vũ Đình Liên) – tác giả sinh ngày 12.11.1913 tại làng Châu Khê, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, sau ra Hà Nội cùng gia đình làm ăn sinh sống tại phố Hàng Bạc. Quyển Thi nhân Việt Nam “có nhận xét về bài thơ bất hủ này của tác giả” theo đuổi nghề văn mà làm được bài thơ như thế cũng đủ. Nghĩa là đủ để lưu danh, đua với người đời.

     Vũ Đình Liên đỗ cử nhân Luật khoa và tham gia Cách mạng trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ông dạy học và hoạt động trong Hội văn nghệ Liên Khu III. Năm 1953, ông về Hà Nội và tham gia vào Ban Tu thư Bộ Giáo dục, thành viên của Nhóm văn học Lê Quý Đôn, biên soạn “Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam”, góp phần phiên dịch bộ “Hoàng Việt thi văn tuyển”, chủ biên “Hợp tuyển văn thơ Việt Nam” tập 4, trong nhiều năm ông còn giảng dạy tại Đại học Sư phạm và làm chủ nhiệm khoa tiếng Pháp.

     Nhận xét về nhân cách và sự nghiệp của ông, Hoài Thanh, Hoài Châu – từ sáu thập kỷ trước – đã viết: “Từ khi có phong trào thơ mới ta đã thấy có thơ Vũ Đình Liên, trên các báo. Người cũng ca ngợi tình yêu như hầu hết các nhà thơ hồi bấy giờ. Nhưng nguồn thi cảm chính của người là lòng thương người và tính hoài cổ. Người thương những kẻ thân tàn ma dại, người nhớ những cảnh của người xưa”.

     Nỗi ưu tư về bản thân từ năm lên ba, cha bị mù lòa, mẹ sống trong cảnh nghèo khó phải nuôi chồng con cùng với nỗi đau buồn về thời cuộc và thế thái nhân tình đã luôn xâm chiếm tâm hồn nhà thơ. Người ta kể lại: một hôm vào năm 1973 khi từ Sơn Tây về Hà Nội, cụ dừng chân lại tại Cầu Trò để thăm hỏi sự tích cây cầu. Do cảm xúc cuộc đời của cô gái hát ả đào nghèo (người xứ Đoài gọi là hát nhà trò) đã chết tại cây cầu này (vì bị nhiễm lạnh khi đi hát về khuya) mà ông đã cảm tác bài thơ để lại nơi dân làng đã lập miếu Trò để thờ hồn thiêng của cô:

Đường về Hà Nội, cầu Trò qua

Nghe chuyện người xưa dạ xót xa

Đêm tiệc ai say làm phách đổ

Mai sương người thấm lớp mưa sa

Hai mảnh áo xiêm khôn ngàn giá

Một kiếp phong trần luống rụng hoa

Ví phỏng Nguyễn Du còn bút lệ

Đoạn trường thêm mấy khúc bi ca”

     Bạn bè thân thuộc đã kể lại hình ảnh – mỗi lúc giao thừa hàng năm – Vũ Đình Liên cứ khoác cái túi nhỏ lên vai đựng tiêu chuẩn Tết đã được phân chia thành nhiều phần để du xuân tại các bến tàu, bến xe – nơi có nhiều cụ già, cháu bé lang thang, cơ nhỡ đang cần đến những chút bánh trái để đón xuân.

     Nhà thơ đã mất vào ngày 18.1.1996, trước khi nhìn thấy tập “Thơ Vũ Đình Liên” mà Nhà xuất bản Văn hoá sẽ ấn hành (1).

__________
(1) Theo TRẦN VĂN MỸ – Bài VŨ ĐÌNH LIÊN – “Một hồn thơ một nhân cách lớn” – Hà Nội ngày nay – Phụ trang số 26 – 6 -1996 – trang 53~55.

x
x x

CÂU ĐỐI TẾT
THỜI KỲ PHÁP MỚI SANG NAM KỲ

     Một con người sống gần trọn thế kỷ 20 – đi nhiều, chơi nhiều, viết nhiều – đã tự nhận mình là “hơn nửa đời hư”. Đến khi chết, mới thấy “cái nửa đời hư ấy là ở phần xác, còn phần hồn đã cống hiến lại cho người dân Miền Nam một bộ sưu tập gồm các vật có giá trị khảo cổ, một số sách báo xưa… trị giá cả ngàn vàng (theo Ủy ban định giá cả triệu đô la Mỹ). Nhà “hơn nửa đời hư ấy”(1) đã để lại một số sách, một số bài viết khá thú vị có thể sử dụng như loại “sử liệu dân gian” ghi lại nhiều sự kiện của thế kỷ này của Nam Kỳ.

     Trong số bài viết, có bài liên quan đến câu đối Tết, nhan đề: Nhân vật Sài Gòn hồi Tây mới qua” (2).

     Bài viết của ông nhằm điểm danh, kiểm diện một số: “nhân vật sớm ra đầu hàng, cúc cung làm quan cho Pháp”. Theo ông đó là Tôn Thọ Tường. Cai tổng Du, Lãnh binh Huỳnh Công Tấn, Tri phủ Trần Bá Lộc, Tri phủ Nguyễn Trực, Tri huyện Đỗ Hữu Phương, Thông ngôn Joannès Liễu, Paul Lương và Loan.

     Ông viết thêm bên lề một số khác ngoài Bắc Hà như Hoàng Cao Khải, trong Miền Trung có Nguyễn Thân. Sau khi kể những hành động gọi là địch binh để lập công khiến toàn quyền Paul Doumer cũng phải lắc đầu. Sau khi kể hàng loạt tên tuổi như trên mà lịch sử ai cũng biết ít nhiều, ông đi sâu vào một vài giai thoại. Đến lúc này ông lại dấu tên để người đọc tự chọn theo cách nghĩ riêng.

     Muốn thưởng thức câu đối có ý châm biếm chính trị nhân cách con người chúng ta nên dừng lại một chút để lấy một số chất liệu lịch sử liên quan đến cá nhân. Theo nhà sưu tầm đồ cổ nói trên thì nhân vật ấy tương đối “hiền” so với nhân vật khi về hưu mang “hàm tổng đốc” chết có mộ táng ở Mỹ Tho. Ông “hiền” này: “người nẫm thấp, phốp pháp, râu bạc le the, râu mép để ngạnh tre vuốt sáp nhọn hoắc như cặp sừng trâu. Về già ưa đón đưa tân khách Pháp, đãi rượu sâm banh, cho ăn bánh Petit beurre = thứ De Nantes chính hiệu”.

     Về cách ăn ở được mô tả thêm như sau: “Nhà dọn nửa tây, nửa ta, năm căn đố lương thành vọng gỗ quý, chạm lọng khéo léo, trước nhà có sân rộng chưng toàn cây kiểng gốc (loại cây thế) ngó mặt ra con kinh nay đã lấp”.

     Cái hình tượng khá ngộ nghĩnh trên đây để bắt mắt viên toàn quyền thực dân lúc ấy là Paul Doumer với lời nhận xét: “người ông giống hệt như ông – người bày y phục phú lang sa, trong giữ phong tục bản xứ” “il ressemble à sa maison – ayant pris le costume franÇais pour ses relations extérieures et conservant les moeurs indigènes” (3).

__________
(1) VƯƠNG HỒNG SỂN – Nhân vật Sài Gòn hồi Tây mới qua – Sáng dội Miền Nam Tập san văn hoá xã hội xuất bản hàng tháng – số 6 (12) – 1960 – Saigon.

(2) PAUL DOUMER – L’Indochine – Souvenirs Vuibert et Nony – Paris – 1905 – trang 162.

(3) PAUL DOUMER – L’Indochine – Souvenirs sách đã dẫn – Tr. 67.

     Cái chết “hiền” theo ông nhận xét thật biện chứng: “đối với Thủ Khoa Huân, che chở cũng y, đem về nhà đảm bảo và cấp dưỡng cũng y mà rồi bắt nạp cho Tây hành hình, cũng y nốt”.

     Vào một dịp Tết nguyên đán, con người “hiền” nói trên đã ra câu đối có treo giải thưởng nhằm định thành quả của mình.

Đất Chợ Lớn có nhà họ Đỗ,

Đỗ một nhà :”ngũ phước Tam Đa”(*)

     Nghe nói, sau đó có một ẩn sĩ gửi đến câu đối để dự giải và kết quả không được công bố

“Cù lao Rồng có lũ thằng Phung

Phung một lũ: “Cửu trùng bát nhã”(**).

__________
* Đỗ một nhà có nghĩa là cả nhà đỗ đạt, hiển vinh, ngũ phước Tam Đa là có ý nói có 5 cậu con trai đỗ cao làm quan lớn và ba cô gái lấy chồng sang trọng.

(**) Cù lao Rồng nằm trong tỉnh Mỹ Tho là bệnh viện phong cùi. Trong Nam khi phát âm “phung” và “phun” đều như nhau.

x
x x

MỘT VÀI GIAI THOẠI

     a) Những giai thoại về câu đối xuất hiện trong dịp Tết khá nhiều, chúng ta có thể dẫn chứng một vài câu đặc sắc với sự kiện văn hoá, lịch sử … Nhiều nhà khảo cứu hay nêu lên trường hợp Lê Thánh Tông – một vị vua hay chữ và có cá tính. Vào một buổi chiều giáp Tết, nhà vua du hành qua một khu phố ở Kinh đô để thưởng thức các câu đối dán trên cửa nhà dân. Đến cửa nhà một bà bán nước chè nghèo khó không có câu đối nào, nhà vua tìm hiểu và được biết người chồng của bà là phu khiêng kiệu. Nhà vua tỏ ra hào phóng, đưa tiền cho bà chạy mua giấy đỏ, bút lông và mực để nhà vua viết tặng một câu đối.

Tam nhân đồng hành tất hữu ngã

Thiên lý nhi lai diệc lợi ngô

Câu đối có nghĩa:

“Ba người cùng đi tất có tôi

Người từ ngàn dặm tốt, tất có lợi cho tôi”

     Câu thứ nhất nhà vua mô tả sự có mặt của người khiêng kiệu cùng kẻ đồng hành và người ngồi kiệu. Câu thứ hai ám chỉ sự lợi ích của bà bán nước chè cho khách phương xa. Đi thêm một dạo nữa, nhà vua vào một nhà nghèo khổ khác. Lần này nhà vua tiếp xúc với gia chủ là người hốt phân và cho câu đối sau này trở thành nổi tiếng

Đội nhất nhung y đảm thế gian chi nan sự

Trị tam xích kiếm thu thiên hạ chi nhân tâm

(Mặc bộ chiến bào trông coi mọi việc khó khăn trên đời.

Cầm ba thước gươm thu tóm hết lòng người trong thiên hạ)

     Nhà vua đã mô tả cái nghề kinh tởm nhất trên đời mà người hốt phân phải làm để dọn hết phân trong bụng người đã vung vãi ra ngoài, bằng cái que nhặt phân ví như thanh  gươm dài ba thước.

Hình 66: Nhặt phân (thu phân)

“Người tốt về lụa, lúa tốt về phân”

     Người nông dân miền trung du và đồng bằng Bắc Bộ từ lâu đã biết dùng phân để chăm bón. Phổ biến nhất là phân chuồng (chuồng lợn, trâu, bò…) rồi đến phân bắc. Loài phân sau lấy từ các hố tiêu cố định với cái sọt xách tay. Ở nhiều nơi lại có người đi lấy phân rong – những loại phân do người hay súc vật phóng uế ngoài đồng – với một loại dụng cụ gọi là cái cào 2 răng.

     Bức ký họa trên đây do H.Oger ghi lại tại đồng bằng Bắc Bộ vào những năm 1908 – 1909 với lời chú giải Hán nôm “Thu phân” (h.66) (1).

__________
1) Theo NGUYỄN MẠNH HÙNG – Ký hoạ Việt Nam đầu thế kỷ 20 – Thu phân – Ký hoạ số 36 – Nhà xuất bản trẻ – Saigon 1989 – tr. 41.

     b) Vào khoảng cuối năm Nhâm Dần (1902) hay Quý Mão (1903), lúc ấy quan nghè Chu Mạnh Trinh đang làm Án sát Hưng Yên, một cụ đồ – học trò của quan Nghè – viết câu đối Tết ở bến Hưng Yên được một bà quả phụ quyền quý đến mua một câu đem về dán Tết. Cụ bèn dùng ngay câu cũ rồi theo cách thức của Yên Sơn ngoại sử thường cắt bớt đi chữ cuối cho câu văn được kêu và thêm già dặn.

Câu đối ấy nghe rất quen thuộc :

Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng…

Xuân mãn cài khôn phúc mãn…

Nào ngờ khi treo lên có kẻ độc mồm, độc miệng dịch nghĩa ra là:

Trời tăng năm tháng người tăng

Xuân khắp non sông ‘bụng phổng”.

     À! Như vậy! “bụng phổng” là bụng bầu, bụng chửa hoang. Nhà Nho đã xúc phạm đến tiết hạnh của bà quả phụ, khiến bà làm đơn đi kiện. May nhờ quan nghè Chu Mạnh Trinh quang minh mà cụ đồ nọ mới được minh oan. “Phúc mãn” là hạnh phúc tràn đầy chứ không phải “bụng đầy” – bụng chửa.

     c) Vào một buổi chiều 30 tết, có anh hàng thịt lợn trong xóm đem biếu Tết cụ Nguyễn Khuyến (quê làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, đỗ Tam Nguyên Hoàng Giáp, nổi tiếng hay văn thơ và giỏi câu đối), ông tức cảnh viết ngay:

Tứ thời, bát tiết canh chung thuỷ.

Lục liễu đôi bồ dục điểm trang

       Nghĩa là:

Bốn mùa, tám tiết trong năm cứ thay đổi mãi

Cây liễu xanh và cỏ bồ trên đồng đất đều tươi như muốn trang điểm.

     Câu đối không những nói được cảnh xuân mà còn khéo dùng chữ “bát tiết canh” để đối với “đôi bồ dục” là thức ăn mà anh hàng thịt vừa đem biếu. Người đời khen là tuyệt bút vì chưa có câu nào hay hơn thế!

     d) Đời Tự Đức có bá hộ Vọng, quê huyện Phong Doanh, tỉnh Nam Định, nhà giàu có, hào phóng nhưng ngang tàng. Gặp ngày Tết, nhà trên, nhà dưới, trong bếp, ngoài cổng, cho đến chuồng trâu, chuồng gà chỗ nào cũng xin được chữ ông nghè, ông cử cả, duy chỉ có chuồng lợn là chưa ai chịu cho. Cuối cùng, ông bá phải lặn lội tìm đến ông đầu xứ Viêm ở huyện Yên Lão, tỉnh Hà Nam, kể rõ sự tình. Ngài đã làm cho hai vế, mỗi vế bảy chữ “trường” và “trưởng”, rồi tính “nhuận bút” mỗi chữ 30 quan, vị chi ngót 42 quan

Trường trường trưởng trưởng trường trường trưởng.

Trưởng trưởng trường trường trưởng trưởng trường.


       Nghĩa là:

Dài dài lớn lớn dài dài lớn

Lớn lớn dài dài lớn lớn dài.

Hình 67: Cho lợn ỉ ăn

     Người nuôi lợn cốt chỉ mong cho lợn cái gì ? Có phải mau dài chóng lớn hay không? (h.67).

     G. Pisier – một người Pháp có để lại một giai thoại nổi tiếng trên tuần báo Đông Dương năm 1942 (1).

___________
(1) G.PISIER – L’esprit des Annamites et le Tết – Indochine hebdomadaire illustré – Jeudi 12 Février 1942 – P.15 – 16.

Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)