Chân dung vua Thiệu Trị

Tác giả bài viết: LÊ NGUYỄN LƯU
(Hội KHLS Thừa Thiên – Huế)

     Trong bốn ông vua đầu triều Nguyễn, người ít “tiếng tăm” nhất là vua Thiệu Trị. Thời gian tại vị của ông quá ngắn ngủi (1842-1847), nên sự nghiệp chính trị chẳng có gì đáng kể, nhưng bù lại, ông ghi dấu ấn khá đậm nét bằng thơ văn trên các di tích, danh thắng xứ Huế, còn lại đến nay. Thơ văn ông so với vua cha (Minh Mạng) và vua con (Tự Đức), tuy số lượng không bằng, nhưng chất lượng nổi trội hơn hẳn. Ngôn ngữ trau chuốt, nội dung sâu sắc, vừa giàu tính cảm xúc, vừa giàu tính trí tuệ, chỉ có điều tất cả đều bằng chữ Hán nên không được lưu truyền phổ biến rộng rãi. Để tìm hiểu vị hoàng đế triều Nguyễn này, trước hết xin đề cập sơ lược đến tiểu sử của ông.

     Có lẽ Nguyễn Phúc Miên Tông không phải sinh ra để làm vua, như các ông hoàng em Miên Thẩm, Miên Trinh, Miên Bửu. Nếu không “bị” đưa lên ngai vàng, chắc ông cũng sẽ nổi tiếng về thơ văn không kém gì họ. Bởi vì sau bảy năm cầm quyền, tuy chẳng để lại dấu ấn nào về chính trị, nhưng ông đã để lại khá nhiều tác phẩm. Vua Tự Đức đã liệt kê và tán tụng trong bài văn bia Thánh Đức thần công: “若 乃 天 縱 多 能 幾 餘 翰 墨 敷 言 為 訓 資 道 開 人 聖 製 文 二 集 詩 四 集 又 有 御 提 圖 繪 史 論 皇 訓 北 巡 武 功 古 今 體 格 裁 成 輔 相 歷 代 帝 王 諸 集 不 出 六 七 寒 暑 書 成 一 + 四 部 而 止 善 堂 詩 文 會 集 成 於 潛 邸 者 又 + 六 卷 帝 王 傳 授 之 原 朝 廷 政 治 之 跡 寓 於 語 言 文 字 間 乾 苞 坤 符 炳 煥 日 星 發 六 經 之 閫 奧 開 百 代 之 津 梁 鼓 之 舞 之 以 盡 神 為 治 教 休 明 之 一 大 運 會 自 丁 李 陳 黎 以 前 未 之 有 也 – Nhược nãi thiên túng đa năng, kỉ dư hàn mặc, phu ngôn vi huấn, tư đạo khai nhân. Thánh chê văn nhị tập, thi tứ tập, hựu hữu Ngự đề đồ hội, Sử luận, Hoàng huấn, Bắc tuần, Võ công, Cổ kim thể cách, Tài thành phụ tướng, Lịch đại đế vương chư tập, bất xuất lục thất hàn thử, thư thành nhất thập tứ bộ, chi Chỉ Thiện đường thi văn hội tập thành – tiềm để giả hựu thập lục quyển, đế vương truyền thụ chi nguyên, triều đình chính trị chi tích, ngụ – ngữ ngôn văn tự gian. Càn bao khôn phú, bính hoán nhật tinh, phát lục kinh chi khổn áo, khai bách đại chi tân lương, cổ chi vũ chi dĩ tận thần vi trị giáo, hựu minh chi nhất đại vận hội, tự Đinh, Lí, Trần, Lê dĩ tiền vị chi hữu dã” (Lại còn tài năng trời phú, kho rỗi làm văn, nói ra thành lời dạy, chỉ bảo cho mọi người. Ngự chế hai tập văn, bốn tập thơ, lại có những tập Ngự đề đồ hội, Sử luận, Hoàng huấn, Bắc tuần, Võ công, Cổ kim thể cách, Tài thành phụ tướng, Lịch đại đế vương, không hơn sáu bảy năm mà xong mười bốn bộ sách, chưa kể Chỉ Thiện đường thi văn hội tập làm từ khi còn ở tiền để cũng mười sáu quyển nữa. Nguồn gốc truyền thụ của đế vương, dấu vết chính trị của triều đại đều ngụ trong ngữ ngôn văn tự cả. Văn chương bao la như trời đất, rực rỡ như trăng sao, tỏ rõ thâm ý của sáu sách, mở ra bờ bến cho trăm đời, cổ vũ hết lòng, làm nên một vận hội lớn lao của nền chính trị và văn hóa tốt đẹp tươi sáng, từ Đinh, Lí, Trần, Lê trở về trước chưa từng có bao giờ!).

     Chúng ta chú ý nhất mảng thi ca trong sự nghiệp trước tác của vua Thiệu Trị. Ông thường dùng thơ chủ yếu là để ca ngợi cái đẹp của đất nước, của các di tích, các công trình điểm xuyết thêm cho sông núi trên đất Thần kinh. Đâu có dấu chân ông tới là ở đó có thơ ông, gần gũi như chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế, núi Ngự Bình, sông Hương; xa xôi như cửa Thuận An, nguồn Tả Trạch, ngọn Thúy Vân, đầm Hải Nhi… Các công trình kiến trúc dù nay đã tiêu trầm, nhưng nhờ thơ ông mà cái danh thành bất hủ. Đọc thơ ông, chúng ta thấy rõ lòng tự hào của một người đối với đất nước, quê hương, nhất là của một ông vua trước những gì do chính mình và cha ông, tổ tiên mình đã tạo ra, đã vun đắp, đã tô bồi càng ngày càng đẹp đẽ. Đó là tài sản quý báu, hình thành bằng cả mồ hôi, nước mắt lẫn xương máu của muôn dân trải qua hàng thế kỉ, chứ đâu phải chỉ một sớm một chiều. Cho nên, ông ngâm vịnh với tất cả tình cảm trân trọng, yêu mến sâu sắc. Chỉ một điều đáng tiếc là thơ ông đều bằng chữ Hãn, không được phổ biến trong nhân dân.

     Ngày nay, khối lượng tác phẩm lớn lao của vua Thiệu Trị còn nằm yên trong các thư viện, chưa có học giả nào bõ công s-u tầm, nghiên cứu, phiên dịch để giới thiệu rộng rãi cho công chúng biết. Duy tại Huế, một hình thức đặc biệt đã góp phần bảo lưu thơ văn ông và trình hiện trước mắt khách tham quan hàng ngày, đó là văn khắc, hoặc trên các tấm bia đá, hoặc trên các mảng liên ba gỗ. Nhờ phương tiện này, một số tác phẩm của vua Thiệu Trị vẫn sống âm thầm rải rác khắp nơi, tuy không nhiều, nhưng cũng đủ để chúng ta tìm hiểu tâm hồn, trí tuệ của người sản sinh ra chúng: Văn bia và những câu đối, bài thơ trên các ô hộc ở Hiếu lăng (lăng vua Minh Mạng), bia tháp Phước Duyên và bia những bài thơ ở chùa Thiên Mụ, bia những bài thơ ở chùa Diệu Đế, bia sông Phổ Lợi, bia bãi Thát Bái, bộ bia và biển Thần kinh nhị thập cảnh. Những thơ văn ấy chứa đựng khá đầy đủ tư tưởng, tình cảm của nhà vua, hoặc mang tinh thần Nho học, hoặc mang tinh thần Phật học, nhưng luôn luôn chan hòa tinh thần dân tộc.

     Tinh thần Nho học thì như trong bài văn bia Thánh Đức thần công ở Hiếu lăng1, ông nhiệt tính tán dương công lao của vua cha một cách hào hứng, ngôn từ hoành tráng, tuy không tránh khỏi sự thái quá nhưng cũng nêu bật được sự nghiệp toàn diện của vua Thiệu Trị, tư tưởng chủ yếu vẫn là thay trời hành đạo lấy hiếu trị thiên hạ: – Tại ngự nhị thập nhất niên chi gian, kính thiên pháp tổ, cần chính ái dân, thường như nhất nhật. Nhược kì chế trị bảo bang, lập kinh trần kỉ, quy mô quảng đại, phẩm tiết chu trường, sự sự giai hữu thành pháp. Tự thiên địa vu Nam Giao nhi chiêu sự chi lễ minh, phụng nhị tổ dĩ phối thiên nhi mĩ báo chi nghĩa trứ. Biên đậu khuông phỉ, cổn miện phủ phất, long kì đại lộ, ngọc thích châu can, sức dĩ vũ mao, tùng dĩ tiêu quản; hội Ngu Hạ Thương Chu chi điển, cụ Hàm Anh Thiều Hộ chi âm; lễ bị nhạc hòa ư tư vi thịnh. Triệu kiến Thế Tổ miếu dĩ minh chính thống, thủy chú cửu đỉnh dĩ tượng thành công, khai Sử quán, tu bảo lục, cần di sự, bổ khuyết văn, nhi đại thánh nhân choi đức phong liệt chi thịnh; chiêu yết nhật tinh, trường thùy thế pháp” (Suốt hai mươi năm, ngài kính trời noi tổ, chăm việc yêu dân, ngày nào cũng như ngày nào. Về xếp đặt hành chánh và giữ gìn đất nước, ngài lập diềng dựng mối, quy mô rộng rãi to tát, phẩm tiết đầy đủ rõ ràng, việc gì cũng có phép tắc đã định. Tế trời đất ở đàn Nam Giao, làm sáng tỏ nghĩa tôn kính; thờ hai tổ phối hợp với trời, làm sáng tỏ nghĩa báo đáp. Đồ tế lễ có đủ biển đậu khuông phỉ, áo mũ phủ phất, đồ nghi vệ có đủ cờ rồng, xư ngự, búa ngọc, mộc son; đồ trang sức có đủ cờ vũ mao, kèm theo tiêu sáo, hợp điển lễ của các đời Ngu Hạ Thương Chu, đủ âm nhạc như các khúc Hàm Anh Thiều Hộ. Lễ trọn vẹn, nhạc hài hòa, thịnh biết chừng nào! Dựng Thế miếu để tỏ rõ chính thống, đúc cửu đỉnh để tượng hình thành công. Mở Sử quán, soạn Thực lục, tìm kiếm sách sưa, bổ sung văn thiếu, làm cho đạo đức của các bậc thánh thân càng rộng lớn, nền giáo hóa và công nghiệp sáng tỏ như mặt trời, như ngôi sao, để mãi mãi cho đời sau noi theo).

     Trên cơ sở đó, vua Thiệu Trị tổng thuật công nghệp lớn lao của hoàng khảo, điểm qua những thành tựu về hành chính, giáo dục, quân sự, pháp luật, để rồi không tiếc lới tán dương: Huệ tâm mĩ chính, hoằng ích vô phương, bồi sinh linh chi mệnh mạch, thọ quốc gia chi nguyên khí. Cửu đạo hóa thành, hòa phong tường hợp, mĩ lợi bàng hồng, vạn tường tất chí. Hà an hải tĩnh, thì hòa niên phong. Ngụch tụng chỉ tức, thiết đạo bất tác. Hồn hồn ngạc ngạc thành dĩ trăn vu cực trị hĩ. Y dư thịnh tai! Cái kì kiêm văn võ thánh thần chi quảng vận, đại hoàng vương đế bá chi phô thư. Thể cụ dụng chu, khai vật thành vụ. Thành tức dĩ thông vạn hóa, nhi chí đức vô nghi hạnh. Cần thị dĩ sắc vạn cơ nhi thiên hạ vô lưu sự. ức thiên vạn thế nhi hạ cảnh ngưỡng. Tiểu bình toàn tập bị thuật ưu cần, Chính yếu nhất thư thùy thị điển tắc, túc kiến công dữ thiên tề, đức dữ địa tịnh, thánh nhân thịnh đức đại nghiệp chí hĩ, mĩ hĩ, nhi kì tiền đại đế vương vưu bất khả cập dã” (Tấm lòng tốt, việc chính hay, bao trùm khắp, không hại ai, đã bồi bổ mệnh mạch cho nhân dân, lại giữ gìn nguyên khí cho nhà nước. Đạo hóa nhuần lâu, thói hay dồn chứa, an vui lợi lạc chan hòa, muôn điềm lành ắt đến. Biển lặng sông trong, tiết hòa mùa trúng, kiện cáo dẹp được hết, trộm cướp không xảy ra. Nơi nơi chất phác thuần hòa, đạt đến mức trị bình cùng cực. Ôi! Thịnh vượng thay! ấy cũng nhờ hoàng khảo có đức rộng xa, có tài gồm thần văn thánh võ, làm việc to lớn hơn cả hoàng vương đế ba, bản thể đã vẹn toàn, công dụng càng chu đáo, khai thông mọi vật, giúp nên việc đời. Lòng thánh đủ thông suốt vạn hóa mà bậc thượng trí không còn điều gì phải ngờ, siêng năng đủ chỉnh lí vạn cơ mà trong thiên hạ không còn việc gì để sót. Muôn đời sau còn ngưỡng vọng. Toàn tập Tiễu bình đã kể đủ ưu cần, một bộ Chính yếu đủ để lại khuôn phép, đủ thấy công đức của ngài ngang với trời đất. Đức thịnh và nghiệp lớn của thánh nhân đến thế là cùng cực tốt đẹp). Nhưng lời tán dương ấy tuy cũng có cơ sở, nhưng rất khoa trương. Làm sao so sánh công lao, tài lược của vua Minh Mạng với vị anh quân Lê Thánh Tông ngày trước được! Nhưng tất cả đều xuất phát từ tấm lòng chí hiếu, và ai nỡ trách cứ người con khi tán tụng cha mình!…

     Tinh thần nho học còn biểu hiện ở những bài thơ vịnh vườn Thiệu Phương (Vĩnh Thiệu Phương văn) hay vịnh Quốc Tử giám (Huỳnh tự thư thanh). Qua những bài thơ này, vua Thiệu Trị hoằng dương đạo thánh, tôn sùng Khổng Mạnh và cái học truyền thống. Dù ở thời nào, cái quan niệm nhân tài là nguyên khí của quốc gia cũng được đề cao, mà muốn tạo nguyên khí, không gì bằng giáo dục. Đối với ngày xưa, giáo dục thì phải thông qua thánh kinh hiển truyện, và tất nhiên, đối với chúng ta ngày nay, đó là một hạn chế rất lớn. Tuy nhiên, không có con đường nào khác để các anh hàn sĩ xếp cung kiếm cầm thư vào một gánh, làm cho nổi tiếng trượng phu kềnh (Nguyễn Công Trứ). Huỳnh tự thư thanh (Tiếng đọc sách ở nhà học) là bài thơ thứ mười tám trong bộ Thần kinh nhị thập cảnh đã nói lêm quan điểm ấy của tác giả.

Tạm dịch:

Trường học dùi mài tiếc bóng câu,
Ê a tựa ghế nửa đêm thâu.
Chín kinh vang vọng lời hay đẹp,
Sáu sách hòa đưa tiếng nhiệm mầu.
Đàn hát Vũ thành âm diệu vợi,
Hương thơm Xỉ trụ ý cao sâu.
Mở mang giáo dục ta lo lắng,
Dùng kẻ tài năng giữ nghiệp lâu.

     Nho giáo với cái học cái thi theo ngũ kinh tứ thư đến cuối thế kỉ XIX đã dần dần bộc lộ nhiều nhược điểm trong xu thế văn minh tiến bộ của toàn cầu, và sau khi vua Thiệu Trị qua đời hơn bảy mươi năm, tất cả sẽ cáo chung, chấm dứt nhiệm vụ đào tạo nguyên khí của quốc gia của một thời đại sau một giai đoạn bị chính các nhà nho lên án, đả kích: 萬 家 奴 隸 強 權 下 / 八 股 文 章 睡 夢 中 Vạn gia nô lệ cường quyền hạ / Bát cổ văn chương thụy mộng trung” (Muôn dân nô lệ phường quyền mạnh/Tám vế văn chương giấc nhủ mơ).

     Nho nhập thế, Phật xuất thế, hai con đường (đạo) hầu như trái ngược nhau, nhưng đối với nhân dân Việt Nam, đặc biệt đối với các vua chúa nhà Nguyễn, thì chúng lại tương dung một cách hoàn hảo. Chính trong bài văn bia chùa Thiên Mụ viết năm 1714, chúa Nguyễn Phúc Chu đã nói: Cư nho mộ Thích, nghĩa là sống bằng Nho học, lấy những nguyên tắc của Nho học để đối nhân xử thế, nhưng lòng vẫn mến chuộng Phật học, bởi vì ông thấy trong Phật học có nhiều điều giúp vào việc trị nước, bổ sung hay tăng cường cho Nho học. Những gì Phật học trái ngược với Nho học thì chỉ biết và nói cho vui, chứ không vận dụng, như quan niệm sắc không mà vua Thiệu Trị nói trong bài Thiên Mụ tự Phước duyên bảo tháp bi Kì đạo hư huyền, cố dĩ diệu tuyệt thường cảnh; tâm bất khả dĩ trí tri, hình bất khả dĩ tượng trắc; đồng vạn vật chi vi nhi cư bất vi chi vực, xử ngôn số chi nội nhi chỉ vô ngôn chi hương. Phi hữu nhi bất khả vi vô, phi vi nhi bất khả vi hữu. Tịch mịch hư khoáng, vật mạc năng trắc. Khởi vô duyên chi từ, ứng hữu cơ chi danh” (Đạo ấy trống rỗng nhiệm mầu, kì diệu vượt hẳn đời thường. Cái tâm thì không thể nhận biết bằng trí não, cái hình thì không thể đo lường bằng thước cân. Cùng làm với muôn vật mà lại ở cái chỗ không làm, cứ phất lời nói nằng mà lại đứng ở nơi không nói. Chẳng phải có mà không thể là không, chẳng phải không mà không thể là có. Vắng lặng, trống rỗng, sự vật không thể đo lường được. Nổi lên lòng từ không nguyên do, đáp lại cái tên có then chốt). Ông giải thích sắc khôngcủa Phật giống như “vô vi – hữu vi của Lão, mà thật ra, hai quan niệm ấy khác nhau xa.

     Rốt cuộc, ông chỉ lấy cái tư tưởng rất uyên bác ấy của Phật (mà chắc ông không giác ngộ sâu sắc lắm) để xiển phát cái tư tưởng chính trị rất cần thiết của nhà nho phong kiến:– Cố xuất kì ngôn thiện tắc thiên lí chi ngoại ứng chi, đức vô thường sư, dĩ thiện vi sư. Khử phiền, hựu thiện, mạc bất cạnh khuyến dân chi bỉnh di, hảo thị ý đức, chương thiện, đàn ác dĩ thị dân hậu. Dân nhật thiên thiện nhi bất tri vi chi dã. Thị dĩ thiên hạ giai tri mĩ chi vi mĩ, tư ác dĩ; giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ. Đại học bát điều diệc tại chỉ – chí thiện. Tuy Pháp bất nhị môn nhi đạo hàm nhất lí(Cho nên Nói những lời về điều lành thì mọi người ở ngoài nghìn dặm cũng đáp ứng, Đức không có thầy thường, cốt lấy điều lành làm thầy. Trút bỏ phiền toái, thêm vào điều lành, không gì bằng khuyên dân nắm giữ phép tắc luân thường, yêu lẽ phải, quý đức tốt, khen điều lành, lánh việc dữ. Lấy những cái đó để dạy dân cho dày dặn thì dân càng ngày càng nghiêng về điều lành mà không tự biết mình đã làm điều lành. Ấy là Ai nấy đều biết cái đẹp là đẹp thì cái xấu kia sẽ mất đi; đều biết cái lành là lành, thì cái chẳng lành kia sẽ mất đi. Tám điều của sách Đại học rốt cuộc cũng ở chỗ Đạt đến nơi tốt lành tột cùng. Tuy Pháp chẳng hai dòng nhưng đạo gồm một lẽ vậy)..

     Không thể ép một ông vua phải hiểu đạo Phật đúng như bản chất của đạo Phật. Nếu hiểu được, thì ông đã giác ngộ, làm một thiền sư chứ đâu còn là hoàng đế. Tất cả những thơ ca quan hệ đến nhà chùa của vua Thiệu Trị đều như thế cả. Thậm chí có lúc ông sa vào mê tín dị đoan, như năm 1844, trời đại hạn, ông cho xây ngôi tháp bảy tầng trước chùa Thiên Mụ để cầu mưa (lúc đầu lấy tên Từ Nhân, để kỉ niệm lễ thánh thọ của thái hoàng thái hậu Trần Thị Đương, năm sau đổi tên Phước Duyên). Xây xong, làm lễ khánh thành an vị Phật, ông tình cờ đề vào bìa quyển kinh một câu: – Hiện kim chính trị thu dương, biến xứ tình ân vọng trạch; nguyện bố từ đàm tảo ứng, thứ dĩ chiêu linh; kì thi pháp vũ phổ triêm, túc vi chứng nghiệm” (Đến nay gặp tiết thu dương, khắp chốn cầu mong ơn nước; xin phủ mây lành sớm ứng, trước nữa chiêu linh; ban cho mưa pháp gội nhuần, sau thêm ứng nghiệm). Quả nhiên chiều về đến cung thì trời mưa to, nước mênh mông nhưng không gây tai hại gì. Ông làm bài thơ “vô đề” sai khắc vào bia.

Tạm dịch:
Tháp bảy tầng cao đạo mở nguồn.
Xây xong cầu đảo ứng lời luôn.
Mây lành cao thấp dăng dăng phủ,
Mưa pháp xa dần phới phới tuôn.
Sức phật ngẫm hay qua buổi hạn.
Ơn trời kính tạ giúp dân thôn.
Vạn cầu vạn ứng đều như nguyện,
Một niệm nam vô đức Thế Tôn.

     Nếu bỏ qua nhà chính trị, nhà tư tưởng không mấy thành công trên đây, chúng ta sẽ bắt gặp một nhà nghệ sĩ giàu tinh thần dân tộc. Ông trải rộng tấm lòng với thiên nhiên, nâng niu từng nụ hoa, từng chiếc lá. Hình ảnh trời mây, cây cỏ, gương nước, màu non hiển hiện trong các bài thơ rất tươi tắn, rất sinh động, không chút giả tạo. Đôi khi chỉ là những mảng nhỏ xinh xinh như hàng chục bài khắc trên các ô hộc kiến trúc của lăng Minh Mạng1, thất ngôn có, tứ tuyệt có. Hãy tạm thưởng thức hai bài (thơ không đề).

Tạm dịch:
Mùa thu bày sáng rạng,
Nắng đẹp rõ trời trong.
Liễu bến tơ thêm biếc,
Sen ao nụ ánh hồng.

Tạm dịch:
Trời tạnh đầu non trông thẳm thẳm
Nắng mai ngoài núi thấy xa xa.
Rời hang mây trắng tan man mác
Đầy đất cây xanh trải mượt mà.

     Trong bài Trung nguyên tiết phiếm nguyệt (Rằm tháng Bảy, dong chơi dưới trăng) khắc trên bia chùa Diệu Đế, nhà thơ thoát khỏi những bó buộc của tư duy triết lí Phật học, để tâm hồn vươn lên tầm cao của tình cảm lãng mạn trước cảnh trăng nước bao la, ngôn ngữ phóng khoáng, tự nhiên:

月 明 如 畫 正 今 宵
何 處 于 蘭 設 席 邀
雲 裏 樓 臺 浮 玉 鏡
波 中 星 宿 護 金 橈
人 煙 物 態 生 瑤 境
秋 色 花 陰 繞 畫 綃
欸 乃 聲 傳 蕕 未 歇
名 藍 早 泊 路 非 遙
Nguyệt minh như họa chính kim tiêu
Hà xứ Vu Lan thiết tịch yêu
Vân lí lâu đài phù ngọc kính
Ba trung tinh tú hộ kim nhiêu
Nhân yên vật thái sinh dao cảnh
Thu sắc hoa âm nhiễu họa tiêu
Ái nãi thanh truyền do vị yết
Danh lam tảo bạc lộ phi diêu

     Tạm dịch:

Đêm nay như vẽ ánh trăng ngời,
Đâu đó Vu Lan thết tiệc mời.
Mây phủ lâu đài gương ngọc nổi,
Sóng xao tinh tú mái chèo lơi.
Phô bày người vật nơi tiên ở,
Xen lẫn cây hoa dải lụa phơi.
Văng vẳng tiếng hò còn chửa dứt,
Danh lam sớm ghé chẳng xa vời.

     Đặc biệt, trên các ô hộc của điện Long An có hai bài thơ thất ngôn bát cú của vua Thiệu Trị được trình bày một cách khác thường trong vòng tròn, các vế bố trí từ ngoài vào trong (hướng về trung tâm), nhan đề Vũ trung sơn thủy (Sông núi trong mưa) và Phúc viên văn hội Lương dạ mạn ngâm (Làm thơ trong đêm mát mẻ ở hội văn Phước Viên). Mỗi bài đều đọc theo phép hồi văn kiêm liên hoàn, nghĩa là đọc xuôi rồi đọc ngược, rồi đọc cách câu, lần lượt nó sản sinh ra thêm 127 bài nữa (cả thất ngôn lẫn ngũ ngôn). Như vậy, có tất cả 256 bài trong chỉ hai bài thơ! Đó là ngón tuyệt kĩ của ông vua triều Nguyễn. Một nhà nghiên cứu khi phát hiện ra điều này, đã rất mực tán tụng: “Nhà vua không những có tài bố cục mà còn có đầu óc minh nhuệ khi chọn lựa trong kho từ vựng Hán một số lượng từ ngữ ít ỏi để làm ra một bài thơ mẹ chứa hàng chục bài thơ con. Dù ham thích, mấy ai tìm được từ ngữ để làm lối thơ theo yêu cầu khắt khe như thế. Cái chỗ chọc ghẹo, thử thách trí tuệ người đọc của hai bài thơ ấy chính là hai nét đặc sắc trong tài bố cục ý tứ của nhà vua1.

      Làm được lối thơ như thế, đúng là người có một trí tuệ linh mẫn, một xảo tứ siêu việt, và với một dụng công chu đáo. Nhưng thật ra, cái khéo của hai bài thơ chỉ ở chỗ đọc xuôi, đọc ngược, đọc liên hoàn, chứ nội dung chẳng có gì đáng nói ngoài chuyện tả cảnh gió trăng, mây nước… Xét lại thì cũng chỉ là một cách chơi thơ, dù thuộc loại xảo diệu nhất trong các cách chơi thơ của thể Đường luật, không liên quan gì đến vận mệnh đất nước. Vua Thiệu Trị, cũng như con ông (vua Tự Đức) chỉ mải mê về chữ nghĩa mà lãng quên nhiệm vụ thực tế, không quan tâm nhiều hơn đến các ngành quân sự, kinh tế… để cho xã hội ngày càng trì trệ, lụn bại, đến nỗi không đủ sức chống lại cuộc xâm lược của thực dân phương Tây, thì cách chơi thơ ấy dù tinh vi, độc đáo đến đâu cũng thật là vô ích. Nếu như đem tài năng, trí tuệ ấy dốc vào việc quốc gia đại sự, tìm những biện pháp thiết thực để chấn hưng đất nước, đủ sức chống họa ngoại xâm, thì đâu đến nỗi nhân dân ta phải chịu khống khổ gần trăm năm đô hộ giặc Tây. Lối chơi phù phiếm như thế chỉ dành cho thường dân, chứ không phải dành cho những vị lãnh đạo đất nước!

__________
1 Tại vị được bảy năm, vua Minh Mạng sai các đại thần đi tìm vạn niên cát địa. Lê Văn Đức chọn cuộc đất dưới núi Cẩm Kê (còn cóp tên Thương Sơn), gần ngã ba Tuần (ấp An Bằng, nay thuộc xã Bằng Lãng, huyện Hương Trà). Xem xét cân nhắc mãi, mười bốn năm sau nhà vua mới quyết định, phê chuẩn đồ án do Bùi Cồn Hiên, Trương Đăng Quế và vệ Giám Thành thiết kế, cho lấy từ Hiếu làm tên lăng. Công cuộc xây dựng bắt đầu từ tháng 4-1840, đến khi vua băng vẫn chưa xong, tiếp tục làm sau lễ ninh lăng (20/8/1841) và hoàn rất năm 1843. Tổng thể khu sơn lăng phản ánh khá sinh động phẩm chất của vua Minh Mạng, vừa uy nghi, vừa tráng lệ, vừa nên thơ, vừa sâu sắc.

1 Trang trí bằng ô hộc kiểu nhất thi nhất họa là đặt thù trong nghệ thuật tạo hình Huế. Nếu là thơ, mỗi ô hộc có hai vế, lắp ráp hai ô hộc sẽ thành một bài tuyệt cú, hay bốn ô học sẽ thành một bài bát cú. Khi lắp ráp phải chú ý đến niêm luật, vần. Người xưa khi xây dựng, hẳn đã trình bày theo một quy luật nhất định để dễ đọc, nhưng không để lại cách giải mã, nên người đời nay phải mày mò đi tìm. Nhà nghiên cứu Mai Khắc ứng đã làm việc đó và thể hiện trong tác phẩm Lăng của hoàng đế Minh Mạng (Hội Sử học Việt Nam, Hội Sử học Thừa Thiên Huế, 1993), và ông cho đó là thơ của vua Minh Mạng. Nhưng lăng đến bốn năm sau khi nhà vua mất mới hoàn thành, nên chúng tôi nghĩ đó là thơ của vua Thiệu Trị làm để tôn vinh cha, cũng như bài văn bia vậy.

1 Nguyễn Tân Phong, Vè hai bài thơ hồi văn kiêm liên hoàn của vua Thiệu Trị, Thuận Hóa, Huế, 1994, tr.170 (Lời bạt của Tri Lễ).

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX,
Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Chân dung vua Thiệu Trị (Tác giả: Lê Nguyễn Lưu)