Chế độ giáo dục tại Việt Nam từ nhà Nguyễn đến nhà trường Pháp[1] (Phần 2)
Tác giả bài viết: TRỊNH VĂN THẢO[2]
– Du học sinh đại học ở Pháp: trốn chạy về phía trước hay lao sâu vào ngõ cụt ? Giới chính trị thuộc địa càng lo lắng sâu sắc hơn vì từ những năm 1925-1926 việc du học sinh đại học sang Pháp không ngừng gây phiền hà cho nhà chức trách ở Pháp cũng như ở Đông Dương. Tổ chức theo sáng kiến của luật sư Trịnh Đình Thảo, Đại hội toàn quốc sinh viên Việt Nam tại Pháp lần đầu tiên họp ở Aix-en – Provence ngày 10-9-1927. Tờ An nam học đường, cơ quan (ngôn luận) song ngữ hàng tháng của Thanh niên Việt Nam trưng trên trang nhất bức ảnh những người tham dự trong sân danh dự của toà thị chính Aix với sự có mặt của các quan chức thành phố. Những số khác của tờ L’Annam de demain (nước Việt Nam ngày mai) (Toulouse) đưa ra một danh sách dài những người Việt Nam đỗ tại các khoa và các trường cao đẳng của Pháp. Công luận Pháp chăm chú phát hiện sự có mặt của cộng đồng người Việt tích cực, có tổ chức và đáng chú ý bởi sự tỏ rõ lập trường phê phán đối với giáo dục thuộc địa trước khi công khai ủng hộ những anh hùng của cuộc khởi nghĩa Yên Bái [43].
Việc chuyển từ hoạt động nửa bí mật sang công khai thật đáng ngạc nhiên nhất là vì không một nhóm người nhập cư nào bị giám sát, thanh lọc và đàn áp như sinh viên Việt Nam tại Pháp.
Cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương” (1925) nổi tiếng của Nguyễn Ái Quốc (bí danh của Hồ Chí Minh) chẳng đã tố cáo những hạn chế quyền tự do di cư ngược lại với điều sinh viên Đông Dương mong muốn có được, theo lời mời chào khẩn thiết của những người đàn anh, những hiểu biết mới nhằm đưa đất nước thóat khỏi dốt nát và lạc hậu so với phương Tây đấy sao. Về phần mình, theo đúng phương châm của Toàn quyền cũ nay là Bộ trưởng Bộ thuộc địa A. Sarraut – phương châm: “con đường của nước Pháp dẫn đến chỗ chống lại nước Pháp”. Toàn quyền Merlin cấm sinh viên Việt Nam vào các trường đại học của chính quốc lấy cớ rằng tú tài bản xứ không được coi là ngang bằng với tú tài Pháp, vậy là vi phạm tinh thần và lời văn của bản Quy chế tổng thể của ngành học chính” nổi tiếng ! Khi mà tất cả những lý sự vụn vặt này không đè bẹp được tính kiên trì của người Việt Nam, cần phải quy chế hóa việc nhập cư đại học và hệ thống phân phối học bổng (Nghị định ngày 1-12-1924) để cuối cùng làm chủ luồng du học[44].
Tất cả những biện pháp này biến Sở Mật thám Đông Dương và các chi nhánh của nó ở chính quốc trở thành trung tâm thật sự để điều chỉnh và chỉ đạo: Cơ quan kiểm soát và trợ giúp người Đông Dương (CAI) thành lập tháng 12-1923 và ít lâu sau được gắn liền với Ban chỉ đạo chính trị của Bộ Thuộc địa (tháng 8-1924). Nó có nhiệm vụ giám sát sinh viên và kiểm tra nơi ở của người Đông Dương (Foyer Vauquelin) và Hội sinh viên Viễn Đông có trụ sở tại đó. Đến năm 1927, nó được thay thế bằng Cơ quan hỗ trợ tinh thần và tri thức người Đông Dương (SAMI) lo việc kiểm soát nơi ở của sinh viên Đông Dương (1929) và Nhà sinh viên Đông Dương (1930) [45].
Còn phải nhận biết những tác động của những người du học trong đời sống trường học và văn hóa Đông Dương. Hình ảnh mà báo chí công luận địa phương dành cho họ chí ít cũng có hai mặt, một mặt là những kẻ được “đặc ân” và mặt kia là những “người giơ đầu chịu báng” của xã hội thuộc địa. Một bài báo đăng tải năm 1936 trên tờ báo chống đối bằng tiếng Pháp, tờ Tranh đấu (La Lutte), dưới ngòi bút của một trí thức “trở về từ nước Pháp” (Nguyễn An Ninh) đã tố cáo nhiều điều hạch sách và đàn áp mà ông phải chịu đựng từ phía nhà chức trách (“người ta muốn những trí óc tự do phải chết đói”): cấm hành nghề luật sư, đóng cửa và đập phá tờ báo nổi tiếng của ông, Tiếng chuông rè (La Cloche fêlée), bỏ tù nhiều lần… Từ khi ra tù, buộc phải bán thuốc do ông điều chế để sống, ông tiếp tục phải chịu đựng cảnh sát quấy nhiễu hàng ngày.
“… tôi là cha của 4 đứa trẻ. Ngoài ra mỗi năm tôi phải trả 50 đồng tiền thuế. Với sự hiện diện của những việc kể trên, liệu người ta có thể rút ra kết luận nào khác kết luận này: ở đất nước này, chỗ ở của những trí óc tự do là trong nhà tù. Và nếu những trí óc này ở ngoài tù, người ta cần làm chúng chết đói”.
Bên cạnh con người đã hy sinh vì nghĩa lớn của dân tộc (Nguyễn An Ninh mất năm 1943, khi bị giam giữ lần thứ năm), cũng tờ báo đó đã châm biếm không thương tiếc những người khác. Theo một sinh viên đại học xuất sắc “từ Pháp về” và là bạn của Tạ Thu Thâu (Trần Văn Thạch), những trí thức mới được đào tạo ở Pháp, dù họ vẫn được thừa hưởng hình ảnh yêu mến trong nhân dân “từ bao đời nay luôn tôn vinh việc học”, đã làm thất vọng bởi sự ứng xử của học đối với chế độ thực dân: “Trở về từ Pháp, trở về từ Hà Nội, cận kề tuổi già (…). Từ cuộc chinh phục, nhà trường Pháp đã đào tạo một lượng đáng kể trí thức bản xứ. Trừ một vài ngoại lệ, nếu người ta xét hoạt động của những người này trong đời sống chính trị Đông Dương trong hai mươi năm vừa qua, người ta nhận thấy dòng tiếp nối liên tục của những sự phản bội đối với nhân dân đã quá tin tưởng họ vì ít được giác ngộ (…) Người ta có thói quen phàn nàn sự không có khả năng, thậm chí sự vô ý thức của những trưởng giả Việt Nam đội khăn xếp và để râu, trong túi đầy tiền hơn là sự trung thực và những ý kiến đúng đắn. Vậy người ta nghĩ gì vào năm 1936 về những trưởng giả mặc vét-tông, đeo ca-vát, trông bề ngoài không già bằng cha chú họ, tất nhiên là có học hơn nhiều, nhưng chắc chắn cũng chịu uốn lưng quỵ luỵ và ít xứng đáng được tôn trọng?”[46]. Bắt đầu từ năm 1930, cuộc khủng hoảng xã hội tăng tốc, kéo theo nó là cuộc khủng hoảng nhà trường. Được phái sang Đông Dương, ngay sau khi thành lập Mặt trận bình dân với nhiệm vụ thanh tra, J. Godart đòi hỏi những biện pháp cứng rắn để ngăn cản làn sóng sinh viên cả ở Việt Nam lẫn ở Pháp. Trí thức thất nghiệp trở thành một thực tế: từ năm 1937, hơn 300 sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm ở miền Nam [47]. Nắm lấy cơ hội, nhà chức trách ngành học chính lần này ra tay mạnh: Trường Cao đẳng Sư phạm từ lâu đã bị ghi vào sổ theo dõi nay bị “treo” hẳn, trong khi Trường Nông – Lâm, Trường Thú y “tạm thời” đóng cửa. Tóm lại, theo hình ảnh tổng thể xã hội, tình hình nhà trường chưa bao giờ đen tối như những năm này.
Những yêu sách của Việt nam về giáo dục như được ghi trong những đơn thỉnh nguyện soạn thảo cho “Đại hội Đông Dương” phản ánh rõ bước ngoặt lịch sử của nhà trường Pháp-Việt. Chúng thể hiện ý chí của một phần đội ngũ trí thức bản địa không phủ nhận những giá trị của nhà trường Pháp-Việt mà muốn biến đổi nhà trường này theo chiều hướng tiến bộ hơn và dân chủ hơn: giáo dục sơ học bắt buộc, mở rộng giáo dục trung học, cải cách giáo dục đại học[48]. Sự sôi động này không đi đến đâu, Đại hội Đông Dương bị cấm và phần lớn những người khởi xướng nó bị vô hiệu hóa. Với hình ảnh giấc mơ về một sự thanh bình xã hội nảy sinh từ những lời hứa hẹn của Mặt trận bình dân Pháp, nền Cộng hoà của những trí thức Việt Nam được đào tạo tại các trường đại học của chính quốc sống quãng thời gian của một bông hồng, giữa những ngày ngây ngất sau khi thành lập Mặt trận bình dân với ngày Đại hội Đông Dương bị cấm !
Trong lời biện hộ của mình cuốn sách “A la barre de l’Indochine” (“khi cầm lái Đông Dương”) đô đốc Decoux, vị Toàn quyền cuối cùng ở Đông Dương, đã phác ra một bức tranh có phần lý tưởng hóa sự nghiệp nhà trường của ông từ năm 1940 đến 1945. Thực vậy, ông ta tự khoe khoang là đã khôi phục lại giá trị tiền lương của người giảng dạy và đặc biệt là lương cán bộ Việt Nam trong chính quyền, áp dụng nguyên tắc “bằng cấp bình đẳng, vị trí bình đẳng, lương bình đẳng” với toàn bộ nhân viên hành chính, xây dựng ở Hà Nội một khu cư xá có khả năng tiếp nhận 800 sinh viên và xây dựng (hoặc cải cách) những khoa mới (khoa học, giáo dục thể chất, luật, hành chính, kiến trúc, trường sĩ quan ở Thông (Sơn Tây)…).
Không phủ nhận cả khối, quan điểm của người Việt Nam có sắc thái tinh tế hơn. Theo các tác giả Việt Nam [49] việc trông cậy vào đội ngũ nhân sự Việt Nam là một sự cần thiết xuất phát từ bối cảnh quốc tế. Sự cắt đứt của thuộc địa với chính quốc ngay sau khi bùng nổ Chiến tranh thế giới lần thứ hai và sự phong toả của hạm đội Đồng minh đã ngăn cản việc đổi mới đội ngũ viên chức Pháp, làm cho họ phải gọi tới những người tốt nghiệp bản xứ để tiếp tục điều hành chính quyền. Còn về cái gọi là bình đẳng lương bổng, đó chỉ là một điều hư cấu thuần tuý dù chỉ vì duy trì lương bổng ở thuộc địa có lợi cho nhân viên châu Âu [50]. Về dự án xây dựng một cư xá lớn cho sinh viên đại học, chỉ một phần của kế hoạch ban đầu được hoàn thành. Trường đại học còn thiếu về khung cán bộ và thiết bị chỉ là chỗ theo học của những sinh viên xuất thân từ tầng lớp thị dân phong lưu. Tình hình của những người làm nghề tự do cũng chẳng có gì sáng sủa hơn. Cũng theo nguồn này, khoảng một ngàn người sống bằng nghề viết văn và ba ngàn người dạy học tư năm 1944. Mọi bằng chứng của giai đoạn đó (báo chí, tiểu thuyết, tự truyện…) đều thống nhất thể hiện sự sa sút về điều kiện sống của trí thức cũng như toàn bộ nhân dân. Khi lập bản tổng kết về giai đoạn này, Nha bình dân học vụ chống mù chữ, tập hợp một số nhân vật trí thức đáp lời kêu gọi của chính phủ Hồ Chí Minh, năm 1951, đã có một ý kiến tổng quan chí ít là thận trọng:
“Nhà chức trách thuộc địa quên rằng trên 700.000 học sinh tiểu học, có hơn 100.000 phải học trường tư, và không được học ở trường công vì hiển nhiên là thiếu trường. Trong cùng thời gian đó trên 100 người Việt Nam, chỉ có ba trẻ em từ 8 đến 16 tuổi được đến trường và hai người lớn có học, số còn lại bị nhà trường gạt ra rìa (và) nếu người ta đi vào những vùng xa các trung tâm đô thị, đặc biệt là ở vùng cao nguyên, người ta sẽ gặp những làng hoàn toàn mù chữ”[51].
Từ bức tranh này, chỉ một con số duy nhất cho phép hình dung tương lai với niềm tin và lạc quan. Con số ấy bắt nguồn từ nhà sử học Jean Chesneaux mà theo đó thì người ta khó có thể hoài nghi về sự hài lòng đối với hệ thống thuộc địa:
“Những kết quả bước đầu của cuộc đấu tranh chống mù chữ đã làm tăng trách nhiệm và sự quan tâm của họ (những trí thức): từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946, 2.720.678 người đã học đọc với sự giúp đỡ của 95.665 thầy giáo [52].
Một đất nước mới độc lập có “đội quân trí thức” gồm 100.000 (?) cán bộ giảng dạy có thể làm chúng ta hy vọng mọi điều. Chốt lại đó cũng là cái giá của mục tiêu đề ra cho nửa thế kỉ trường học Pháp-Việt. Trường học mà Albert Sarraut mơ ước chắc chắn còn xa mới đạt được những mục tiêu đã định: xây dựng ở Đông Dương thuộc Pháp một nền giáo dục phổ cập (không mất tiền), phi tôn giáo và có chất lượng. Bị trói buộc giữa những mục tiêu mâu thuẫn và hay thay đổi, lệ thuộc vào những sự kiện rủi ro của chính sách từ chính quốc và phải chịu đựng những hậu quả gián tiếp của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1930, bộ máy giáo dục thuộc địa tự bằng lòng với việc chèo chống đối với các khủng hoảng và đó cũng đã là một thành tích lớn của những người có trách nhiệm đã giữ cho nó không bị chìm trước mọi sóng gió. Tuy nhiên, chỉ mình sự hiện diện của nó tại một đất nước có truyền thống hiếu học lâu đời, bộ máy giáo dục đã khêu gợi thường là miễn cưỡng sự ham muốn hiểu biết, ham thích học tập dẫu rằng việc học tập này cuối cùng hầu như chẳng đi đến đâu.
Những được mất về chính trị của nhà trường Pháp-Việt.
Để nắm vững những được mất của chính sách nhà trường thuộc địa, cần nghiên cứu sự ứng xử của những người quyết định, những người, bằng quy chế và chức năng của mình, được cử đảm nhận vai trò quyết định trong lĩnh vực này. Chính phủ nước Cộng hoà và các bộ trưởng chỉ thực hiện chức năng kiểm soát và quản lý hậu nghiệm phần lớn thời gian. Không phủ nhận nhân cách của những viên chức cao cấp của Bộ Thuộc địa như Crouzet, tình thế buộc phải thừa nhận rằng về mặt giáo dục, chính sách được hình thành và thực hiện trên thực địa và thuộc về quyền lực tuỳ ý của các toàn quyền và những đại diện của họ.
– Những viên chức cao cấp của ngành học chính
Trên 22 viên chức giáo dục Đông Dương (Niên giám hành chính năm 1937) thì 15 người ở Hà Nội và miền Bắc, 3 người ở Căm-pu-chia, 2 người ở Huế, 2 người cuối cùng một ở Sài Gòn, một ở Viên Chăn. Quyền bá chủ của Hà Nội được giải thích một mặt là do trụ sở của chính phủ đóng ở đó, mặt khác là do vị thế văn hóa của thành phố này trong lịch sử Việt Nam.
Những trách nhiệm hành chính và cả chính trị của nhóm này trong việc chỉ đạo và thực hiện chính sách nhà trường được giải thích bằng vị trí của họ trong hệ thống tôn ti thuộc địa. Đó là những người sinh vào khoảng những năm 1876-1895, giữ những vị trí trách nhiệm cao trước cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, và số đông là vào lúc bại trận năm 1940. Rất nhiều người đã qua những thử thách dưới ách chiếm đóng của người Nhật, những khắc nghiệt của chính quyền Vichy (do Đô đốc Decoux làm đại diện) và nếm trải “sự giằng xé” giữa các thành viên tham gia cuộc cách mạng quốc gia của Thống chế (Grandjean, Lafferanderie, Taboulet, Corbet…) và những người có cảm tình với cuộc kháng chiến của De Gaulle (Charton, Brachet, Bernard, Courtoux, Manipoud…). Bằng học vị của họ, những viên chức này đã chứng tỏ những phẩm chất nghề nghiệp không thể phủ nhận: thạc sĩ sư phạm và đại học như Barthélémy, Brachet, Charton, Joubin hay “có chứng chỉ” như là Gourdon, Lafferanderie; thạc sĩ và đại học như Bernard, Blanguernon, Taboulet, Thalamas; cử nhân hay “có chứng chỉ” giảng dạy trung học như Berit – Debot, Delétie, Humbert – Hesse, Sainte – Luce Banchelin, Pujarniscle; tốt nghiệp các trường lớn như Joyeux (Mĩ thuật), Dumoutier (Ngôn ngữ phương Đông, Trường thực hành cao học). Một số người như giám đốc học chính Joubin Lyon Blanguernon (thanh tra học viện), Thalamas (giám đốc học chính Dijon) Gourdon (Giám hiệu trường Trung học Chaptal), Courtoux (thanh tra giáo dục tiểu học) đã có kinh nghiệm lâu năm về quản lý ở chính quốc trước khi được biệt phái sang Đông Dương. Sự tuyển mộ những “viên chức tin cẩn này”, ở đây hơn chỗ khác, tuân thủ cái lô-gích của những mạng lưới mà ít người thóat được vì những quy tắc về hoà hợp và về loại trừ[53] tỏ ra quyết định. Chính vì vậy xung quanh ngài toàn quyền, sau một thời gian nào đấy, hình thành nhóm cộng sự chuyên môn hóa và đặt dưới trách nhiệm của tổng giám đốc học chính (hoặc giám đốc khu vực tạm quyền), người thân tín của toàn quyền về giáo dục (theo các giai đoạn, nhân vật thứ 3 hay thứ 4 của cấp bậc hành chính). Người này đến lượt mình lại cố gắng đưa những người tin cẩn ở cấp thống sứ của “các xứ” và cứ tiếp tục như vậy. Việc tái diễn này không bao giờ hoàn hảo do thiếu thời gian hoặc ý chí vì chính quyền thuộc địa luôn là kết quả thoả hiệp giữa những thế lực có ảnh hưởng.
Trong thời gian nửa thế kỉ lịch sử trường học, nhiều mạng lưới viên chức cao cấp tiếp nối nhau: Dumoutier – Muselier chung quanh Paul Bert và Lanessan, Gourdon – Nordemann và Delétie dưới sự chỉ đạo của Paul Beau… Nhưng chính ê kíp xây dựng quanh Sarraut những năm 1917-1919 (Cognacq, Joubin, Blanguernon) và quanh Pierre Pasquier trong những năm 30 với Thalamas, Brachet, Barthélémy đã ghi dấu ấn một cách lâu dài vào sự nghiệp trường học Pháp ở Đông Dương. Công lao những người của giám đốc Thalamas càng lớn lao vì họ đã phải đương đầu với bối cảnh lịch sử khó khăn, đen tối do khủng hoảng năm 1930[54].
Ở đây cũng như ở nơi khác, nhà trường là bãi chiến đấu biểu tượng quyết liệt không thể ngờ tới với nhiều được mất: giữa những nhóm có quyền lợi ở thuộc địa, giữa quân đội và chính quyền dân sự, giữa những người theo Hội tam điểm và những người Công giáo truyền thống. Nếu một vài lý do chỉ là tình huống, thì những lý do khác sâu sắc và bền vững hơn làm nguy hại đến sự thống nhất hành động và sự kết dính những chính sách nhà trường. Tình hình cũng như vậy đối với thái độ của thuộc địa giáp mặt với hệ thống giáo dục Việt Nam. Được bảo vệ bởi những nhà Hán học của thế hệ đầu tiên như: Dumoutier, Muselier – và những người “tiếp nối” họ như Gourdon, Delétie, Dufresne, Nordemann…, chính sách đổi mới và bảo tồn nhà trường Khổng học bị phản đối mạnh mẽ bởi những người theo chủ trương Pháp hóa, đặc biệt là những người có trách nhiệm của địa phương ở miền Nam. Cũng như vậy, tất cả mọi ý đồ của Delétie, người đứng đầu Giáo dục miền Trung, nhằm hiện đại hóa bộ máy đại học truyền thống mà Trường cao học của chính phủ Việt Nam là một nhánh hoa nhỏ tan vỡ trước ý chí bá chủ của phủ Toàn quyền. Đến lượt mình, chính sách duy ý chí của Sarraut và Cognacq, hiện thân qua cặp Joubin – Blanguernon, bị xem xét lại theo chiều hạ thấp ngay sau khi Alexandre Varenne đến, bất chấp mọi quy tắc về thứ bậc, A. Varenne áp đặt một nhà quản lý không thuộc giới đại học (Blanchard de la Brosse) đứng đầu Ban giám đốc học chính. Cần phải có toàn bộ nghị lực thực thi quyền hành của giám đốc Thalamas để tiếp tục sự nghiệp chưa hoàn thành của Joubin. Chỉ có cái chết bất ngờ của Pierre Pasquier kéo theo sự thất sủng của ông sau bảy năm ngự trị (1928-1935), mở ra một giai đoạn dài quá độ liên tục bởi những chuyến ghé qua kín đáo của các giám đốc Bertrand và Charton.
Ngoài việc bổ nhiệm giám đốc thuộc về chính phủ chính quốc, con đường của các nhân viên cao cấp của chính quyền dường như là bắt buộc: (hàm) giáo sư, lãnh đạo một trường rồi quản lý một sở giáo dục địa phương ở một trong năm lãnh thổ (xứ), và cuối cùng là bước vào vòng hạn hẹp của “những người quyết định” tập hợp quanh trục quay – Tổng giám đốc học chính hay cấp “tương đương”. Trong sự kế tục những thế hệ viên chức từng in dấu ấn của mình lên lịch sử trường học Đông Dương, theo dòng năm tháng, chúng ta hãy nhớ một vài nhân vật hàng đầu.
Trong số những nhân vật này, nhà Hán học và dân tộc học Dumoutier là nổi bật nhất. Được Thống sứ Paul Bert bổ nhiệm chức giám đốc giáo dục Bắc Kỳ, nhờ vào sự hiểu biết hoàn hảo ngôn ngữ và văn hóa cổ điển Hán – Việt, ông đã tránh được những thất vọng của những người tiền nhiệm ở miền Nam (đặc biệt là Le Myre de Vilers) trong lĩnh vực trường học. Khâm phục chân thành hệ thống giáo dục truyền thống (tới mức lý tưởng hóa nó một chút), ông đã cảnh báo Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Jules Ferry về mọi sự đồng hóa vội vàng, đi đến việc tạo ra một nhà trường tầm thường, không được thích ứng, mất giá trị theo gương miền Nam. Là người chủ trương với niềm tin vững chắc, giữ nguyên trạng (nhà trường), mà theo ông nó có hai cái lợi, ít tốn kém nhất về tài chính và chính đáng về mặt lịch sử dưới con mắt người dân, ông là cội nguồn của “thoả hiệp văn hóa” Pháp-Việt năm 1905.
Henri Gourdon, Tổng giám đốc đầu tiên của ngành học chính Đông Dương có thể được coi như người kế tục sự nghiệp của Dumoutier. Học sinh cũ trường Cao đẳng Sư phạm Saint – Cloud, người dân thành Paris này đang là giáo sư lịch sử Trường Trung học Chaptal khi ông được Paul Bert thăm dò giữ chức giám đốc học chính. Việc bổ nhiệm ông vào một vị trí không có cấp “tương đương” trong thang bậc hành chính ở Pháp đã tạo ra những sự dè dặt của Bộ Giáo dục lúc đó [55]. Khi mà Dumoutier, nhà Hán học tài năng là một nhà văn hóa, thì Gourdon tự khẳng định ngay là một thủ lãnh chính trị. Được báo động bởi những tiến bộ của Khổng giáo duy tân ở miền Bắc và cú sốc tâm lý ở châu Á do thắng lợi của người Nhật năm 1905 gây nên, ông đã tỏ ra cơ hội khi xây dựng “Trường Đại học Hà Nội” nhằm mục đích ngăn chặn phong trào Đông Du đã bắt đầu lan đến giới nhà nho Việt Nam bị kinh nghiệm Minh Trị mê hoặc. Nhưng thủ đoạn tuyên truyền này (vì chẳng có gì được làm để đề xuất một trường đại học thực sự vào lúc đó) không được dư luận thực dân hiểu và các thế lực bảo thủ có ảnh hưởng lợi dụng nó để tố cáo ông là mơ tưởng chuyện lớn và buộc ông thu mình lại. Nhưng ông sẽ nắm lấy cơ hội thuận lợi để trả thù những thành viên chủ trương đồng hóa nhân dịp khủng hoảng thành thị và nhà trường năm 1925-1926. Là người bảo vệ không mệt mỏi chính sách thoả hiệp với các nhà nho (nhất là với những người tập hợp đằng sau uy quyền quân chủ như Phạm Quỳnh), ông có một cái nhìn phê phán[56] đối với hình mẫu do A. Sarraut áp đặt vào năm 1918. Được giao nhiều nhiệm vụ ở châu Á và là nhà tuyên truyền sự nghiệp của nước Pháp ở Đông Dương, người cựu chiến binh và thương binh nặng trong cuộc chiến 1914-1918 sẽ thấy những cố gắng của mình thành công. Khi ông kế vị Grouzet trở thành người lãnh đạo Trường thuộc địa vào năm 1932, rồi lãnh đạo Agindo (Cơ quan kinh tế Đông Dương) vào năm 1937 trước khi kết thúc sự nghiệp của mình với tư cách cố vấn của Gcorges Mandel ở Bộ Thuộc địa (1939). Những dự định của ông về nhà trường tiếp tục được hai cộng sự cũ của ông theo đuổi, cả hai đều là những nhà Hán học tuyệt vời: Nordemann, chuyên gia văn học và ngôn ngữ và là người đứng đầu (cơ quan) giáo dục ở Lào và người đồng nhiệm của ông ở miền Trung, Delétie, hiệu trưởng Trường Quốc học (Huế). Nhờ sự uyên bác của mình, Delétie đã chinh phục được đội ngũ trí thức ưu tú của cố đô bằng cách tham gia vào việc truyền bá tạp chí địa phương, Tạp chí Đông Dương và Tập san Huế xưa. Sự trớ trêu của số phận đã biến ông, một người khâm phục truyền thống nhà nho thành người thanh toán hệ thống thi Hương xưa cũ khi áp dụng Quy chế năm 1918.
Là người kế tục thống đốc Cognacq, giám đốc Jean Paul Joubin đại diện cho một thế hệ mới những viên chức cao cấp mà nhiệm vụ chính không phải là xây dựng một hệ thống mới, mà là mang đến sự hào nhóang cần thiết. Được bổ nhiệm tổng giám đốc giáo dục với hàm thống sứ hạng nhất (điều này làm ông trở thành nhân vật thứ hai trong cấp bậc hành chính), thực tế Joubin có tất cả tầm vóc của một lãnh chúa cộng hoà: học trường sư phạm, thạc sĩ, dạy đại học, giám đốc khu học chính Lyon khi A. Sarraut thăm dò ông để kế nhiệm Cognacq. Đó là một “cú đòn truyền thông” thành công vì sự có mặt của ông đã bắt đầu lôi kéo tầng lớp ưu tú của đội ngũ giảng dạy về thuộc địa. Đó là giai đoạn mà các thạc sĩ có mặt nhiều ở các trường trung học như: A. Sarraut (Hà Nội), Chasseloup – Laubat (Sài Gòn)… hay Trường Đại học Đông Dương. Nhưng chuyến qua Đông Dương của ông là ngắn ngủi. Bực tức bởi những chi tiêu xa xỉ của người giám đốc và rõ ràng là đố kỵ với những đặc quyền của ông, cơ quan tài chính lập lại trật tự đối với sự xa hoa của ngành học chính (danh sách người phục vụ nhà ở của ông gồm 12 người!) đến mức mà, quá mệt mỏi với những phiền nhiễu quan liêu, Joubin đã xin trở về Pháp vì “lý do sức khoẻ”.
Sau một sự chuyển tiếp lâu dài được một nhà cai trị thuộc địa đảm nhận (Blanchard de la Brosse), ban tổng giám đốc gặp lại người đứng đầu là một giám đốc cổ điển trong con người Thalamas; ông này cùng với toàn quyền Pierre Pasquier hình thành một cặp vững chắc và ổn định. Nhờ vào quyền lực của ông – một số người nói là sự “chuyên quyền” huyền thoại của ông, nhà trường Đông Dương cuối cùng đã đạt đến độ chín chắn bất chấp hoàn cảnh xáo động và khó khăn. Lo lắng về tính hợp pháp của nền cộng hoà (điều đã đưa ông đến chỗ kết án những biện pháp kỷ luật độc đoán đối với học sinh bị trừng phạt trong những sự kiện năm 1930), nhưng trước hết tự coi mình là người bảo đảm tính chính đáng của nước Pháp ở Đông Dương, Thalamas không ngần ngại nghiêm trị đồng thời những đối thủ của chính sách của Sarraut – đặc biệt là đương đầu với chính sách Man-tuýt được thống sứ Tholance bảo vệ, và những tên “nổi loạn” Việt Nam chống lại trật tự thuộc địa. Ngược lại, nhân danh đạo đức công vụ, ông dấn bước đến cùng, bảo vệ một ứng cử viên nữ Việt Nam (Hoàng Thị Nga) vào chức vị giáo sư vật lý ở Đại học Hà Nội (Y khoa) trước sự cạnh tranh với một người châu Âu [57]. Cuối cùng, công lao lớn nhất của giám đốc là ở việc đã lập một ê – kíp gắn bó những cộng sự có giá trị: Barthélémy, chánh thanh tra “Văn học” và Brachet, người đồng nhiệm về “khoa học”. Sự kế tục con người không khoan nhượng và đáng kính này là khó khăn. Sau giai đoạn tạm quyền của giáo sư Bernard các giám đốc Bertrand và Charton tự giới hạn trong giải quyết nhanh mọi việc trong một bầu không khí rối ren do Mặt trận bình dân và ách chiếm đóng của Nhật gây ra. Kết cục, Ban Tổng giám đốc sẽ chứng kiến đội ngũ bị xé lẻ thành những nhóm đối địch, việc chính quyền Vichy loại trừ những người giảng dạy bị đóng dấu chín (Do Thái, Hội Tam điểm, Cộng sản) và cuộc thanh trừng những năm 1945 – 1946.
– Những vị toàn quyền của nhà trường Đông Dương
Phần lớn họ đều đến từ miền Nam nước Pháp, trừ mấy người vùng Breton: Blanchard de la Brosse, Yves Chatel và Emile Grandjean và Van Vollenhoven người Hà Lan, các thống đốc các xứ và liên bang có quá trình học tập cao; học luật: (Klobukowski), A. Sarraut), học Trường Thuộc địa (Chatel, Blanchard de la Brosse, Graffeuil, Tholance, Van Vollehoven), học các trường quân sự lớn (de Lanessan và Le Myre de Viliers ở Hải quân, Destenay và Rheinart ở Saint – Cyr, Armand Rousseau ở Bách khoa). Chỉ có Paul Doumer, con trai một người phục vụ đua ngựa (trong khi phần lớn những người đồng hạng như ông xuất thân từ tầng lớp tư sản tỉnh lẻ hay từ các cơ quan cấp cao của Nhà nước), đã bắt đầu sự nghiệp chính trị rực rỡ trong nghề làm báo sau khi đã dạy toán ở một trường trung học vùng Aisne.
Cũng như phần lớn những chính sách của Đệ tam Cộng hoà, họ luân phiên làm quan cai trị “Đông Dương” và làm chính khách (thành viên hội đồng quận, nghị sĩ, thượng nghị sĩ, bộ trưởng, tổng thống nước cộng hoà). Tên tuổi có được trên mảnh đất chính trị (chính quốc) dùng làm cầu nhảy tới sự nghiệp ở thuộc địa [58] và ngược lại [59].
Mặt khác, sự thâm nhập lẫn nhau của hai sự nghiệp lý giải việc xuất hiện một thiên hướng thật sự: chuyên môn hóa trong các vấn đề về Đông Dương. Kinh nghiệm về thực địa, hiểu biết một sinh ngữ Viễn Đông[60] hay một nền văn minh mở ra cho những nhân vật này những khả năng hoạt động rộng rãi hơn và đổi mới hơn: những tìm tòi của Lanessan và sau này là của Pierre Huard trong lĩnh vực dân tộc học, Hán học, việc P. Doumer xây dựng Viện hàn lâm Khoa học hải ngoại, vai trò của Le Myre de Vilers mở rộng Alliance Française (Hội Liên minh Pháp) sang châu Á và vai trò của A. Sarraut đối với Hội nghị Liên hiệp Pháp[61].
Ba thế hệ[62] khá có tính cách đã in dấu vào lịch sử trường học Đông Dương. Thế hệ đầu tiên là những toàn quyền lo tổ chức chuyển đổi tế nhị từ nhà trường truyền thống sang nhà trường thuộc địa, nhiệm vụ càng khó khăn vì nó đến vào lúc bối cảnh chính trị và quân sự biến động và không chắc chắn. Lần lượt, Le Myre de Viliers và de Lanessan thử nghiệm hai quan niệm hoàn toàn trái ngược về nhà trường thuộc địa. Người thứ hai đã tỏ ra tôn trọng bao nhiêu nhà trường Khổng giáo mà ông hiểu rõ (vì đã dịch trực tiếp sang tiếng Pháp những tác giả cổ điển của nó) [63], thì người thứ nhất áp dụng một cách tàn bạo bấy nhiêu công cuộc Pháp hóa: xoá bỏ việc dùng chữ Hán làm ngôn ngữ giao tiếp, đưa ra ngoài lề nhà trường Khổng giáo, thiết lập ồ ạt nhà trường Pháp-Việt dạy học bằng tiếng Pháp và Quốc ngữ. Những tác động tai hại của chiến dịch “diệt chủng văn hóa” này làm mất uy tín lâu dài trường học “Pháp” ở thuộc địa.
Thế hệ tiếp theo, thế hệ của Doumer, Beau, Klobukowski, … là thế hệ xây dựng Đế quốc Pháp trong những biên giới dứt khóat của nó. Trong cái công trình đã biến Đông Dương thành một thuộc địa khai thác chứ không phải di dân này, giáo dục không là một sự ưu tiên tự thân ngoại trừ sự lạc đề ngắn ngủi của chính phủ P. Beau và sự lãnh đạo của Gourdon.
Gương mặt có sức hấp dẫn thần kỳ của A.Saraut đã thống lĩnh từ trên cao thế hệ thứ ba, thế hệ chủ trì giữa hai cuộc chiến tranh thế giới số phận của một Đông Dương được ổn định trong các thiết chế và đường biên giới của nó, con người đã nuôi tham vọng đạt được bằng giáo dục hai mục đích do Jules Ferry định ra: trang bị cho thuộc địa những cán bộ ngang tầm với sự phát triển kinh tế và văn hóa của nó, và biến Đông Dương thành một thứ tủ kính phô bày sự nghiệp khai hóa của Pháp ở châu Á. Bất chấp những cuộc nội chiến và những sự tranh chấp học đường, bất chấp cuộc khủng hoảng năm 1930 mà những tác động của nó lên đời sống kinh tế và xã hội ngày một cảm thấy rõ nét, A. Sarraut và những người kế tục ông, với một sự kiên trì đáng khen, đã xây dựng những cơ cấu của một nhà trường phát triển mạnh mẽ. Cái chết của ông năm 1966, đồng thời với sự kết thúc của Đế quốc Pháp mà ông muốn cứu vớt bằng mọi giá (từ các cuộc đàm phán ở Fontainebleau đến những cuộc thương thuyết ở Genève, 1946-1954) đánh dấu chấm hết của một “tư tưởng và hành động thực dân” nhất quán hiếm thấy ở thời kỳ này.
_________
[43] Sự đấu tranh của học sinh trung học và sinh viên tự giới hạn trong chủ nghĩa nghiệp đoàn thận trọng, từ 1930 trở đi, nó có bước ngoặt rõ rệt chính trị hơn nhất là sau những cuộc biểu tình đoàn kết với những chiến sĩ khởi nghĩa Yên Bái.
[44] Theo Nguyễn Văn Kỳ, dẫn công trình của D. Hémery, họ có khoảng 1.500 người trên tổng số 3.000 người Việt Nam. Rõ ràng rằng con số này gồm một nửa học sinh trung học, rằng cuộc khủng hoảng năm 1930 sẽ xói mòn rất mạnh.
[45] Xem chương 8 về những người Đông Dương được học bổng ở Pháp.
[46] Nếu một số trưởng giả Sài Gòn có thể cảm thấy bị nhằm đến ở đây, thì một số khác như các bác sĩ Trần Văn Đôn, Nguyễn Văn Thinh hay các luật sư Lê Văn Kim, Trịnh Đình Thảo… không liên quan gì đến sự phán xét này !
[47] Trần Huy Liệu, Văn Tạo, Nguyễn Lương Bích, Thời kỳ Mặt trận Bình dân (bằng tiếng Việt), Hà Nội, 1956.
[48] 12 yêu sách của nhóm Tranh đấu.
[49] Trần Huy Liệu, Nguyễn Khắc Đàm, Xã hội Việt Nam trong giai đoạn Pháp-Nhật (1940-1945, Hà Nội, 2 tập, 1957)
[50] Một cuộc điều tra về mức sống của trí thức do tạp chí Thanh Nghị Việt Nam tiến hành cho phép đánh giá lương tháng của thầy giáo trường xã là 20 đồng tương đương với 40kg gạo của năm 1942-1943 so với 400 đến 500 của “đồng nghiệp” Pháp trường A. Sarraut (gấp 20 lần); trưởng phòng bản địa có mức lương khoảng từ 100 đến 300 đô la. Tính đến tỷ lệ lạm phát khoảng những năm 1940-1945 (1760!), việc tăng lương gấp đôi mà đô đốc khoe khoang tỏ ra thật khôi hài.
[51] Ta hãy nhớ lại, với E.Weber, rằng vào năm 1876 gần 800.000 trẻ em Pháp trên tổng số 4 triệu rưỡi em ở độ tuổi đi học không đến trường, rằng trong thực tế, sự thất học quan trọng hơn nhiều những gì các con số này cho thấy (kết thúc các lãnh thổ, trang 446).
[52] “Đóng góp vào lịch sử Dân tộc Việt Nam” Paris, 1955, trang 248.
[53] Giữa các nhân tố khác, còn có sự thuộc về các gia đình tôn giáo hay Hội tam điểm, thuộc về các nghiệp đoàn do các học sinh cũ của các trường lớn lập nên.
[54] Những cuộc khủng hoảng này (thực tế, là sự kết hợp các khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội) đã có tác động tạo ra một đường đứt gãy bên trong giữa thế lực bảo thủ có ảnh hưởng do René Robin, Tholance, Lafferanderie làm đại diện và Ban Tổng giám đốc học chính nắm chắc trong tay Thalamas.
[55] Người kế tục Beau, Klobukowski không thích ông, đã lợi dụng dịp này để đưa ông trở lại một sứ mệnh đơn giản: thanh tra – hội đồng vào năm 1908.
[56] Báo cáo năm 1927 (xem phần dưới).
[57] Trước hết theo học vị đại học của bà, và theo sự “trung thành” của gia đình bà (cha Hoàng Thị Nga là Tổng đốc Hà Đông). Thư gửi phó Quốc vụ khanh – Bộ Giáo dục chính quyền Vichy ngày 31-01-1940.
[58] Giống như trường hợp của Paul Bert, chiến hữu và địch thủ cũ của J. Ferry, de Lanessar Paul Doumer, Klobukowski, Le Myre de Vilers.
[59] Doumer, de Lanessan, A. Sarraut.
[60] Đó là thời kỳ vinh quang của Trường Sinh ngữ phương Đông.
[61] Không phải tất cả đều gặp một số phận hạnh phúc: Tổng thống Doumer bị ám sát chết ở Marseilles, A. Rousseau chết vì kiệt sức ở Đông Dương, Graffeuil ốm chết ở Hà Nội (một con trai bị quân Nhật bắn chết), Chatel (thống đốc ở Algéri) chết ở Lisbonne, Grandjean nạn nhân cuộc thanh trừng 1945.
[62] Đó là kết quả việc kiểm kê một bộ hồ sơ của 14 toàn quyền và công sứ giữ vai trò quan trọng trong đời sống trường học Đông Dương.
[63] Người kế tục Paul Bert, có cố vấn là các nhà Hán học thận trọng và đáng kính theo hình mẫu Trung Quốc như: Dumoutier, Muselier, Lanne… nương nhẹ hệ thống giáo dục truyền thống. Tuy nhiên, do phải lo bình định phong trào Cần Vương, de Lanessan không thể xây dựng một chính sách nhất quán và bền vững.
Nguồn: Hội thảo Quốc tế Giáo dục Pháp-Việt cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX, Huế 2021
Conférence internationale L’Education Franco-Vietnamienne Fin Du XIXè – Début Du XXè Siècle
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Xem lại bài viết:
Chế độ giáo dục tại Việt Nam từ nhà Nguyễn đến nhà trường Pháp (Phần 1)
Download file (PDF): Chế độ giáo dục tại Việt Nam từ nhà Nguyễn đến nhà trường Pháp (Tác giả: GS. Trịnh Văn Thảo) |