Chế độ thưởng phạt quan lại thời Nguyễn (1802-1884)
Tác giả bài viết: PHẠM THỊ THU HIỀN
(Trường Đại học Luật Hà Nội)
Thời phong kiến nói chung và thời Nguyễn nói riêng, quan lại được coi là “rường cột” giúp vua hoạch định chính sách và chuyển chính sách tới người dân. Các vị vua phong kiến dựa trên tư tưởng Nho gia và Pháp gia xây dựng các quy định và biện pháp đảm bảo thực thi chính sách thưởng phạt đối với quan lại. Các quy định đó được thể chế hóa trong các nghị chuẩn của triều đình và bộ Hoàng Việt luật lệ. Chế độ thưởng phạt cùng thực tiễn áp dụng đã góp phần khuyến khích sự công tâm cũng như nghiêm trị những hành vi sai trái của quan lại trong quá trình làm việc; đồng thời củng cố vương quyền triều Nguyễn giai đoạn 1802- 1884.
Từ khóa: chế độ, thưởng phạt quan lại, chính sách, nhà Nguyễn.
x
x x
1. Dẫn nhập
Hưng Đạo Vương từng nói: “Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi” (Ngô Sĩ Liên, 1993: 190). Ý nói người làm vua nếu không có muôn dân thì không có nhà nước vương triều. Vì vậy, các vị vua phong kiến nói chung và triều Nguyễn nói riêng sau khi thiết lập nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền đã bắt tay vào củng cố, xây dựng đội ngũ quan lại để cùng vua quản lý chính sự và “chăm nuôi” dân chúng. Các vị vua triều Nguyễn đều lấy “đức trị” trong Nho giáo và “pháp trị” trong Pháp gia làm kim chỉ nam cho việc hoạch định các chính sách đối với quan lại. Trải qua 4 đời vua từ Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị đến Tự Đức, đều tạo dựng được một đội ngũ quan lại có tôn ti, trung thành, có kỹ năng làm việc, tận tụy, công tâm và có trách nhiệm. Để làm được điều đó, các vua triều Nguyễn luôn chú ý đến tài, đức và căn cứ vào kết quả công việc để xây dựng và hoàn thiện chính sách đãi ngộ, khen thưởng và xử phạt đối với đội ngũ quan lại.
2. Cơ sở xây dựng chế độ thưởng phạt
– Tư tưởng và quan điểm của các vị vua triều Nguyễn: Nho giáo và pháp trị là hai trường phái tư tưởng lớn ở Trung Quốc có ảnh hưởng đến văn hóa và đời sống chính trị, pháp lý của các vương triều quân chủ Việt Nam nói chung và triều Nguyễn nói riêng. Những quan điểm về đạo đức, chính trị, xã hội của Nho giáo và pháp trị đã tạo cơ sở cho việc xây dựng nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, tuyển chọn và sử dụng quan lại Nho giáo và pháp trị khẳng định mỗi quan lại cần phải “chính danh” hay “chính danh hình”, tức là người làm quan ở cương vị nào thì để tâm lo toan làm tròn trách nhiệm trên cương vị ấy, không suy nghĩ vượt quá phạm vi chức vụ của mình. Khổng Tử cho rằng “Không ở chức vụ nào thì đừng mưu tính việc của chức vị đó (Bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chính)” (dẫn theo Nguyễn Hiến Lê, 2006: 136-138). Đồng thời, theo quan điểm của Nho giáo: “Người có chức quan mà không có cách gì để làm tròn chức vụ của mình thì nên từ chức; người có trách nhiệm phải can gián nhà vua nhưng không được tiếp thu cũng nên từ chức” (dẫn theo Dương Hồng và nhiều người, 2003: 612). Bên cạnh đó, trong quá trình thực thi công vụ, căn cứ vào nghĩa vụ, nhiệm vụ, tính chất công việc, kết quả công việc, quan lại sẽ nhận được những quyền lợi nhất định tương xứng. Hàn Phi Tử cho rằng “Bầy tôi trình bày lời nói của mình, nhà vua căn cứ vào lời nói mà giao công việc, rồi căn cứ vào công việc mà xét kết quả. Nếu kết quả phù hợp với việc làm, việc làm phù hợp với lời nói thì thưởng” (Hàn Phi, 2005: 65). Theo đó, người tài giỏi sẽ được bổng lộc hậu và làm quan to, người có công lớn được nhà vua giao chức cao và được trọng thưởng.
– Thể chế nhà nước triều Nguyễn: Năm 1802, vương triều Nguyễn được thiết lập. Ngay từ buổi đầu, triều đình đã hướng mọi cố gắng và trí lực vào việc thiết lập cơ sở vững chắc cho triều đại mới, đồng thời khắc phục những hậu quả sau chiến tranh. Trải qua nhiều thế kỷ loạn lạc, chia cắt lãnh thổ, Nam, Bắc không chỉ nảy sinh những dị biệt về kinh tế, xã hội mà còn xuất hiện sự “ly tán” trong lòng người. Để đối phó và khắc phục, vua Gia Long đã chấp nhận một sự phân quyền tạm thời ở hai trấn Bắc thành và Gia Định thành kéo dài đến năm 1831-1832. Trước tình trạng phân tán về chính trị, sự nổi lên của giặc cướp và những thế lực chống đối, vua Minh Mệnh với tinh thần học hỏi từ các triều đại trước và nhận thấy Lê Thánh Tông là minh quân không phải đời nào cũng có, đã thực hiện công cuộc cải cách hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương. Kết quả của cuộc cải cách hành chính đó đã xóa bỏ tình trạng phân quyền và xây dựng nhà nước tập quyền mạnh, quyền lực tối thượng tập trung trong tay vua. Đồng thời với quá trình thiết lập bộ máy nhà nước, các vị vua triều Nguyễn rất quan tâm đến việc xây dựng pháp luật làm công cụ điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội và quản lý đội ngũ quan lại. Trên cơ sở tham khảo có chọn lọc bộ Đại Thanh luật lệ (nhà Thanh) và bộ Quốc triều hình luật thời Lê, từ năm 1811 đến năm 1812, vua Gia Long giao cho Nguyễn Văn Thành làm Tổng tài soạn Hoàng Việt luật lệ và năm 1815 cho ban hành, áp dụng, về sau thời Pháp thuộc, bộ luật này được sửa đổi thành bộ Hoàng Việt luật lệ tân định. Trong tổng số 398 điều, bộ luật có 10 điều quy định về quyền lợi của quan lại; 180 điều điều chỉnh về nghĩa vụ, đạo đức của quan lại (trong đó có 115 điều đề cập đến đạo đức, trách nhiệm của quan lại với vua và công việc; 26 điều đề cập nghĩa vụ đạo đức với dân; 37 điều đề cập đến mối quan hệ với đồng liêu và 2 điều là đạo đức bản thân); 105 điều về hình phạt ngũ hình; 14 điều liên quan đến hình phạt tiền và 17 điều đề cập đến hình phạt khác. Các điều khoản trong bộ luật cùng với các văn bản đơn hành do các vị vua triều Nguyễn ban hành là cơ sở để tuyển chọn, sử dụng quan lại trong bộ máy nhà nước. Bên cạnh đó, theo thống kê trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ và Đại Nam thực lục, có 514 văn bản liên quan đến quá trình sắp đặt quan chức (Gia Long: 84, Minh Mệnh: 336, Thiệu Trị: 54, Tự Đức: 40); có 577 văn bản đề cập đến việc khảo hạch, xét thành tích, đãi ngộ, răn dạy… bề tôi (Gia Long: 30, Minh Mệnh: 463, Thiệu Trị: 123, Tự Đức: 71). Các văn bản đó là cơ sở cho việc quản lý, giám sát cũng như cân nhắc thưởng, phạt, quy định quyền và nghĩa vụ trong từng trường hợp nhất định của đội ngũ quan lại từ trung ương đến địa phương của các vị vua nhà Nguyễn.
– Vị trí, vai trò, nhiệm vụ và quá trình làm việc của quan lại: Với bổn phận là tôi trung, quan lại có vị trí, vai trò quan trọng trong nền hành chính quốc gia thời phong kiến. Quan lại không chỉ là đội ngũ tư vấn, giúp nhà vua lập chính sách cai trị và quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội mà còn giải quyết công việc khi được giao như làm Kinh lược đại sứ, Khâm sai đại thần… đến kiểm tra giám sát và xét xử tại các địa phương. Đồng thời, quan lại là người trực tiếp cho dân thực hiện theo sắc lệnh nhà vua, là cầu nối giữa nhà vua với muôn dân. Với vai trò đó, quan lại luôn nhận được sự đãi ngộ “hậu hĩnh” của vua. Tuy nhiên, quan lại trong quá trình thực thi chức trách, bên cạnh những đóng góp được thưởng công, một bộ phận không nhỏ quan lại đã có những sai sót nhất định như tự ý tuyển chọn quan lại, bê trễ công việc… hay có hành vi lợi dụng chức quyền để tham ô tài sản, hạch sách dân… đã bị nghiêm trị để làm gương.
– Chính sách thưởng phạt của các triều đại phong kiến trước nhà Nguyễn: Với đường lối “đức trị” kết hợp “pháp trị”, các vua nhà Nguyễn luôn đề cao chính sách thưởng phạt. Chính sách ấy được căn cứ dựa trên kết quả khảo khóa quan lại. Theo quy định phép khảo khóa các quan năm Vĩnh Thịnh 3 (1707): “Nếu cứ ba lần khảo quan ở bậc thượng thì được thăng chức 2 bậc, 2 lần ở bậc thượng, 1 lần ở bậc trung thì thăng chức 1 bậc; đều được thưởng thêm 50 quan tiền; năm đầu bậc thượng, năm thứ hai bậc trung, năm sau bậc hạ thì đổi đi nơi ít việc; hai năm bậc trung, 1 năm bậc hạ thì giáng chức 1 bậc; trong 3 năm xét công đủ cả bậc lương, bậc trung, bậc hạ thì cho tương đương như cũ” (Phan Huy Chú, 1992: 699). Đối với khen thưởng, đặt ra một số định lệ nhằm khuyến khích người có thành tích, công trạng, như: dạy con cháu thi đỗ thì được thăng chức; văn võ lập được quân công khi làm nhiệm vụ đi sứ, giảng dạy, đánh dẹp loạn hoặc đủ tài đức, nếu có công to thì phong cho thức ấp, nếu công nhỏ thì thưởng vàng lụa. Đối với xử phạt, nếu có vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị áp dụng những mức hình phạt khác nhau, cao nhất là tử hình. Ở thời Lê, hình phạt biếm chức là hình phạt đánh vào tư cách đạo đức của con người, được quy định rõ trong Quốc triều hình luật. Chính sách thưởng phạt của các triều đại trước ở những mức độ khác nhau đã làm cho con đường hoạn lộ của quan chức trải qua nhiều bước thăng trầm, lúc thăng, lúc giáng, lúc lưu.
3. Các quy định về khen thưởng, xử phạt quan lại của triều Nguyễn
3.1. Mục đích khen thưởng và xử phạt
Vua Minh Mệnh nêu rõ: “chính thể lớn của nhà nước là thưởng và phạt, thưởng đáng công, phạt đáng tội, thì người có công phấn khởi, mà người có tội biết răn chừa” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2013, tập 5: 53). Do vậy, khen thưởng nhằm mục đích khích lệ sự tận tâm, tận lực của quan lại trong quá trình hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời, xử phạt kịp thời, nghiêm khắc đối với những quan lại có hành vi sai phạm để đạt hiệu quả cai trị tốt nhất. Mặt khác, việc duy trì chế độ thưởng, phạt còn hướng đến mục đích khuyên răn, nhắc nhở sự tự tu thân đối với quan lại và đảm bảo được sự tin tưởng, yêu mến từ phía người dân. Vua Thiệu Trị nêu rõ trong một đạo dụ năm 1844: “Triều đình ta lập ra pháp luật cốt để ngăn ngừa sự uẩn khuất… ai là hoàng thân quốc thích nên giữ theo pháp độ để nhân sự yêu mến lâu dài, ai là quan chức nên theo phép công, đi đường thẳng để giữ thân danh mãi mãi, ai làm chức võ chớ nên nhân việc công mưu việc tư, chớ nên xu phụ quyền thế, tự chuốc lấy tội lỗi” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2013, tập 6: 772).
3.2. Căn cứ ra quyết định chính sách khen thưởng và xử phạt
– Dựa vào nghĩa vụ và kết quả thực thi nhiệm vụ của triều đình: Quan lại cần có bổn phận, nghĩa vụ: đối với vua phải trung thành; đối với đồng liêu không được kéo bè kết đảng, phải có sự phối hợp làm việc, không được xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của nhau; đối với dân thì cần đảm bảo đời sống kinh tế – xã hội của người dân để xứng là “phụ mẫu chi dân”; và đối với bản thân cần tu thân, tận tụy với công việc, liêm chính. Nếu quan lại phạm phải những nghĩa vụ đó thì sẽ bị xử phạt. Nếu chăm chỉ, lập công và tuân thủ các nghĩa vụ trên thì được ban thưởng.
– Dựa trên kết quả khảo khóa: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có chép: “phàm xét thành tích các quan cứ 3 năm làm một khóa, lấy các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi làm hạn” (Nội các triều Nguyễn, 1993, tập 3: 97); sơ khảo, thông khảo là 6 năm một lần. Bên cạnh khảo khóa quan lại theo định kỳ, các vua triều Nguyễn còn tiến hành việc khảo khóa bất thường trong một số trường hợp nhất định khi có chỉ định của nhà vua, người chính sự giỏi đặc biệt. Theo quy định, các quan trong các cơ quan ở trung ương và những viên quan đứng đầu các cấp hành chính địa phương đều có trách nhiệm làm bản trình bày về thành tích cũng như lỗi lầm trong quá trình thực thi công vụ; đồng thời quan chức cấp trên trực tiếp sẽ khảo xét. Tiêu chí tiến hành khảo khóa sẽ dựa trên tài đức và có sự phân định rõ ràng đối với từng vị trí làm việc của quan lại trong bộ máy nhà nước. Sau khi khảo khóa chia quan lại làm 4 hạng là ưu, bình, thứ, liệt để triều đình quyết định (thăng, giáng, lưu). Nếu hạng ưu bình thì được thăng chuyển, quan trong thì bổ ra ngoài, quan ngoài thì bổ vào trong, hạng thứ thì vẫn giữ chức cũ và hạng liệt phải giáng truất (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2013, tập 2: 789).
– Dựa vào kết quả thanh tra, giám sát quan lại: để hạn chế sự lạm quyền, lộng quyền và phát hiện ra những sai phạm trong quá trình thực thi công vụ của quan lại, triều Nguyễn cũng như các vương triều phong kiến trước đã thiết lập cơ quan giám sát chung có tên gọi là Đô sát viện. Cơ quan này thực hiện việc giám sát bách quan từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên và giám sát theo chiều ngang theo phương châm “dùng quyền lực để hạn chế quyền lực”. Ngoài cơ quan giám sát chung, triều Nguyễn còn thiết lập một số hình thức giám sát khác như Chế độ Kinh lược đại sứ (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2013, tập 4: 1017), thể thức Thỉnh an của quan chức cấp tỉnh (Nội các triều Nguyễn, 1993, tập 2: 169; Quốc sử quán triều Nguyễn, 2013, tập 3: 278-279), thể thức Phiếu nghĩ (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2013, tập 3: 179-180; tập 5: 249- 250)… Bằng nhiều cách thức giám sát nhằm kịp thời phát hiện sai phạm của quan lại trong thời gian thực thi nhiệm vụ và cũng để xác định mức hình phạt phù hợp nhất.
Chính sách thưởng phạt quan lại thời Nguyễn không quy định thời gian cụ thể, lệ thăng thưởng hay giáng phạt thường là 3 năm hoặc 6 năm tùy theo kết quả thực hiện công việc, thanh tra hay hặc tội của các quan và dân thì có thể áp dụng ngay lập tức.
3.3. Hình thức khen thưởng
Một là, ban thưởng chức vụ và tước vị: Tiếp nối chính sách của các triều đại phong kiến trước, triều Nguyễn thực hiện việc thăng chức cho những người có công trên cơ sở kết quả công việc được giao. Theo đó, quan chức thấp thì được thăng lên chức cao hơn hoặc quan ngoài được bổ vào quan trong,… Mặt khác, thời phong kiến, hệ thống tước vị gồm “lục tước”: vương, công, hầu, bá, tử và nam. Tuy nhiên, thời Nguyễn, tước vương không được ban cho những người ngoài hoàng tộc và chỉ truy phong tước vương cho những người đã mất theo lệ “Tứ bất”(1). Việc phong tước được quy định rõ ràng theo từng đời vua. Thời vua Minh Mệnh, quan “tứ phẩm trở lên thì tước hầu, chánh tòng ngũ phẩm thì tước bá, chánh tòng lục thất phẩm thì tước tử, chánh bát phẩm trở xuống đến vị nhập lưu đều tước nam” (Nội các triều Nguyễn, 1993, tập 3: 199). Năm 1847, vua Thiệu Trị cho rằng triều đình định ra 5 tước cần lấy tên địa danh nêu lên để cho có thứ bậc, phân định. Nhà vua đặt lệ “quốc công, quận công, lấy tên phủ, tước hầu lấy tên huyện, tước bá lấy tên tổng, tước tử lấy tên xã, tước nam lấy tên thôn để cho có thứ bậc, lại sau khi đã được phong rồi có viên nào được phong lên, chuẩn vẫn dùng địa danh khi mới phong, không được viện lẽ gì mà xin cải phong” (Nội các triều Nguyễn, 1993, tập 3: 213). Năm 1863, vua Tự Đức ban Nghị chuẩn “người được phong tước công được thế tập 5 đời, người được tích phong tước hầu được thế tập 4 đời, người được phong tước bá được thế tập 3 đời, người được tích phong tước tử được thế tập 2 đời kế tiếp, người được tích phong tước nam cho thế tập 1 đời” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, tập 2: 150-151). Tuy nhiên, theo Hoàng Việt luật lệ, quan văn dù công lao lớn đến đâu cũng không được phong tước công và hầu, chỉ được truy phong tước hầu bởi “công hầu là tước trọng ở đời, cho các võ thần có công khai quốc. Còn như quan văn không có được điều kiện dốc hết sức để lập được công lớn yên định quốc gia, không có huân tích lớn kiến dựng giúp đỡ nên vương nghiệp vốn không được lạm đứng vào hàng được thưởng tước đó… Còn tuy là quan văn, nhưng sinh thời từng kiêm cả văn võ gánh trọng trách trừ diệt đại hoạn cho tông xã, đốc kết tiết tháo trung thành để báo quốc, như thế là người có công huân lớn cho nên được coi ngang như Khai quốc công thần, được phong tước Hầu, thụy tước Công” (Viện sử học, 2009: 363).
Trong chính sử triều Nguyễn chép: năm 1833 có 3 viên công thần là Tiền quân Đô thống phủ Chưởng phụ sự Trần Văn Năng, Trung quân Thống phủ Chưởng phủ sự Tông Phúc Lương, Thự Hậu quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự Phan Văn Thúy được đánh giá là “đều đi đánh giặc, lập nên quân công, có nhiều công to rõ rệt” (Nội các triều Nguyễn, tập 3, 1993: 200) nên được phong tước hầu.
Hai là, ban thưởng vật chất: Việc ban thưởng bằng vật chất được các vua Nguyễn khá lưu tâm khi quan lại lập được công trạng hay hoàn thành nhiệm vụ, thông thường đó là lương, tiền bạc, quần áo… Vua Minh Mệnh quy định, các nha trong ngoài hoàn thành công việc như doanh tạo, tu bổ khơi đắp, hộ giải, tra khám, kiểm soạn, biên chép, nghĩ bàn, bắt giặc, phát việc gian, yên dân, cấm thuộc lại đều nêu khen thưởng để “được công bằng và chính thể được rõ ràng” (Nội các triều Nguyễn, 1993, tập 5: 51). Đặc biệt, việc cấp thưởng tiền nếu thời kỳ trước năm 1835, căn cứ vào lệ thưởng mà phát thưởng thì sau năm 1835 việc thưởng tiền gắn với phẩm hàm, kết quả công việc. Ví dụ, đối với viên phủ huyện, là những viên quan gần dân, nhiệm vụ khuyến nông, do vậy, triều đình Minh Mệnh quy định: nếu ruộng đất trong huyện tăng đến 200 mẫu trở lên, thì thưởng tiền lương 3 tháng; từ 400 mẫu trở lên, thưởng tiền lương 6 tháng; từ 600 mẫu trở lên, thưởng kỷ lục 1 thứ và thưởng thêm tiền lương 3 tháng (Nội các triều Nguyễn, 1993, tập 4: 986). Mặt khác, trong quá trình thực thi công vụ, căn cứ vào chức vụ phẩm hàm, tính chất công việc, thời gian thực hiện, các vua Nguyễn cũng chuẩn định việc ban thưởng tiền và vật chất khác nhau. Các quan đi sứ luôn nhận được sự đãi ngộ về vật chất là quần áo hoặc kèm theo tiền, tùy thuộc vào quyết định của từng vị vua. Cụ thể, thời vua Minh Mệnh: chánh sứ chánh tam phẩm 1 bộ áo mũ đại triều, 1 bộ bổ phục chiếu theo phẩm hàm sẵn có, 1 cặp 2 chiếc áo khách dài mặc thường bằng hàng sa dày thủy ba viên hạc, quần nhiễu, quần lĩnh mỗi thứ 1 chiếc, võng, lọng xanh đều 1 chiếc. Giáp, ất phó sứ, mỗi người 1 bộ mũ áo đại triều tòng tam phẩm, các thức khác như chánh sứ. Tiền lệ thưởng: chánh sứ 300 quan, giáp, ất, phó sứ mỗi viên 200 quan. Thời vua Thiệu Trị, chánh sứ và phó sứ mỗi viên 2 chiếc áo ngắn rộng tay hàng trừu trơn tuyền, sợi màu bảo lam, 1 chiếc áo ngắn, tay hàng đoạn bát tư hoa trong màu thanh thiên, 1 chiếc áo chẽn hẹp tay hàng tơ sợi len màu lục già, 1 chiếc quần hàn nhiễu nam trơn màu ngọc lam, ất phó sứ thì giảm 1 chiếc áo tay rộng. Sang thời vua Tự Đức, mỗi sứ thần được thưởng 1 bộ áo bào đen và 1 đài sừng (Nội các triều Nguyễn, 1993, tập 8: 314).
Ba là, cấp kỷ, quân công và trác dị: Ngay từ thời vua Gia Long, chế độ cấp kỷ – tính thành tích quan viên bằng kỷ lục đã được ban hành để khuyến khích quan lại. Theo thống kê trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên quy định ân thưởng: quân công và nghị tự được quy định rõ ràng nhất vào thời vua Minh Mệnh với 25 nghị chuẩn (thời Thiệu Trị là 7 nghị chuẩn và Tự Đức là 19 nghị chuẩn) (Nội các triều Nguyễn, 1993, tập 3: 79-92; Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, tập 2: 126-133). Vua Minh Mệnh chuẩn định cấp bậc kỷ lục các quan với 3 điều: một là, quân công (có công đánh giặc); hai là nghị tự (bàn định công trạng); ba là ân thưởng (ra ân thưởng cho cấp bậc); đồng thời nhà vua cũng quy định: “kỷ lục nghị tự là nếu làm những việc chính trị về quân sự và dân sự và tất cả về việc công trường, mà trong ở kỳ khảo xét thành tích được là loại giỏi, như loại thượng ưu nên được gia mấy cấp, loại ưu loại thứ nên được kỷ lục mấy thứ, theo lệ gia cấp kỷ lục” và “gia 1 cấp kỷ lục bằng 4 thứ… quân công gia 1 cấp chuẩn ngang với 8 thứ ân thưởng, nghị tự kỷ lục có ân thưởng nghị tự gia 1 cấp chuẩn ngang với quân công kỷ lục 2 thứ (mỗi quân công kỷ lục 1 thứ chuẩn bằng ân thưởng nghị tự kỷ lục 2 thứ; mỗi quân công 1 cấp chuẩn làm ân thưởng nghị tự 2 cấp)” (Nội các triều Nguyễn, 1993, tập 3: 80). Theo quy định của các vua Nguyễn, khi được ân thưởng gia cấp kỷ lục, những quan viên được gia cấp kỷ lục ngành văn do bộ Lại, ngành võ do bộ Binh làm tờ tâu lên vua, các thuộc viên ở nha môn nào do nha môn đó làm danh sách nêu rõ công trạng làm tờ tâu lên vua. Đối với quan viên được ân dụ ban cấp kỷ, khai phục lại quan hàm bị giáng, cùng hạng được cho miễn phạt trừ bổng, viên nào ân ban không khấu trừ hết thực phạt thì giao bộ Hộ tuân hành làm danh sách tâu lên. Riêng đối với thân phiên, hoàng thân có gặp ân chiếu, ân dụ thưởng gia cấp kỷ, theo Nghị chuẩn của vua Tự Đức năm 1848 là do phủ Tôn nhân làm danh sách, sau khi được chỉ, bộ Lại ghi vào văn bản và sao ra 1 bản gửi cho phủ Tôn nhân. Những người có tài năng đặc biệt thì được cấp trác dị. Vua Minh Mệnh năm 1827 có dụ “Gia cấp kỷ lục để khuyến khích thưởng người có công… trác dị là có chính tích,… làm cho chính sự được công bằng, việc kiện tụng được xong xuôi, trộm cướp hết, dân được yên ổn, có tiếng hay rõ rệt… các viên trấn, đạo, phủ, huyện, viên nào giữ chức đủ 3 năm mà có các chính tích như thế, thực có sự trạng đáng nêu ra, trừ từ tỉnh Bình Thuận trở ra Bắc, tỉnh Ninh Bình trở vào Nam, các trấn đạo phụ thuộc vào Kinh, các viên trấn đạo ấy do đặc ân chọn ra, còn các viên phủ, huyện, do các viên trấn đạo ấy sát thực, phủ huyện viên ở các trấn Gia Định, Bắc thành do đại viên chuyên trấn hai thành ấy hạch thực, đem những việc các viên ấy làm… viết rõ vào trong sớ, chỉ tên mà tiến cử, ngành văn do bộ Lại, ngành võ do bộ Binh, đề đạt lên, đợi chỉ” (Nội các triều Nguyễn, 1993, tập 3: 93).
Đồng thời, với việc quy định về việc cấp kỷ, quân công và trác dị, các vua triều Nguyễn còn cho phép sử dụng các bằng đó để khấu trừ khi quan viên vi phạm. Vua Minh Mệnh nghị chuẩn: “Nhân viên được trác dị gia cấp kỷ lục, gặp có án giáng cấp phạt bổng, trừ tư tội không được khấu trừ, còn ai nhân việc công nhầm lỗi bị giáng phạt, nếu trong chức vụ của người ấy có các kỷ lục thuộc ân thưởng tầm thường hay nghị tự, tùy đới, tiền lương, quân công, lần lượt khấu trừ, nếu hết thì mới đem kỷ lục trác dị ra bàn để khấu trừ, nếu gặp án giáng cấp thì đem 1 cấp trác dị cải làm 4 cấp kỷ tầm thường, chuẩn khấu trừ thì đem 1 cấp trác dị cải làm 4 cấp tầm thường, nhưng đem 1 cấp chiết làm 4 thứ, mỗi thứ kỷ lục trác dị cải làm 4 thứ kỷ lục tầm thường, chuẩn khấu trừ với việc phạt bổng 6 tháng, còn cấp kỷ thừa chiểu theo lệ cấp trả lại” (Nội các triều Nguyễn, 1993, tập 3: 93, 94). Vua Tự Đức năm 1848 chủ trương: “Quân công được tăng 1 cấp thì cho bù giáng 2 cấp, kỷ lục quân công 2 lần thì bù trừ giáng 1 cấp, kỷ lục quân công 1 lần thì bù trừ với phạt bổng 1 năm. Lên cấp do ân thưởng với lên cấp bình thường tính như nhau, lên mỗi cấp bù trừ giáng mỗi cấp, kỷ lục 4 lần bù trừ giáng 1 cấp, kỷ lục 2 lần bù trừ phạt bổng 1 năm, kỷ lục 1 lần bù trừ phạt bổng 6 tháng” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, tập 2: 126-133).
3.4. Hình thức xử phạt
Dựa trên chức trách, bổn phận, nghĩa vụ của quan lại trong quá trình làm việc, Hoàng Việt luật lệ triều Nguyễn đã có sự quy định rõ về những hình phạt tương ứng với những vi phạm về bổn phận của quan lại với vua, công việc, đồng liêu và bản thân. Trong ghi chép của chính sử, các hình phạt sẽ được áp dụng cụ thể đối với từng trường hợp nhất định.
– Phạt tiền: Trong Hoàng Việt luật lệ thời Nguyễn có 14 điều khoản (2) ghi phạt tiền dựa trên lương bổng của quan lại. Số tiền phạt này sẽ được đem sung công. Dựa trên căn cứ các điều luật liên quan đến phạt tiền, có thể thấy mức phạt được ghi ở bộ luật triều Nguyễn cao hơn thời Lê. Ở Quốc triều hình luật, mức phạt tối thiểu là dưới 1 tháng lương, mức phạt tối đa là 8 tháng lương. Theo Hoàng Việt luật lệ, mức phạt tối thiểu là 1 tháng lương và mức phạt tối đa là 1 năm lương.
Đối với nhân viên bị phạt bổng, với từng đối tượng, triều Nguyễn có quy định khác nhau: Một là, quan lại chết, già ốm được về hưu, bị bắt về hưu hay bị tham hặc về tội công thì không truy thu; Hai là, quan lại bị cách chức vì tham tang, vặn sai pháp luật thì phải đền đủ; vì việc công mà lầm lẫn thì đợi khi nào phục chức thì chiết trừ; nếu bị cách lưu thì ghi vào sổ trừ sau khi được phục chức; Ba là, trường hợp quan lại cáo tang, cáo nghỉ, cáo bệnh đợi đến ngày cung chức thì trừ đi. Đối với các tôn nhân bị phạt bổng cùng nhân viên bị trú bổng(3), đình bổng, đình lẫm (4) có việc tương tự cũng được áp dụng theo lệ trên (Nội các triều Nguyễn,1993, tập 2: 590); Bốn là, các nhân viên sai phái việc quân mà bị phạt trừ bổng thì đợi khi việc quân xong xuôi thì chiếu theo bản án mà khấu trừ (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, tập 3: 160). Có thể nói, hình thức phạt tiền là chế tài đánh vào kinh tế của đối tượng thực thi công vụ. Điều này cho thấy, các vua Nguyễn đã xử phạt quan lại vi phạm công vụ theo đúng nguyên tắc “quyền lợi tương xứng với nghĩa vụ”.
– Hình phạt Ngũ hình: Đây là hệ thống hình phạt kinh điển tiếp thu từ Trung Quốc và được quy định tại Điều 1 của Hoàng Việt luật lệ, bao gồm: xuy hình, trượng hình, đồ hình, lưu hình và tử hình. Theo thống kê trong bộ luật có 105 điều (5). Các vua triều Nguyễn đã căn cứ vào lỗi, mức độ lỗi để xác định hình phạt Ngũ hình đối với quan lại có hành vi vi phạm chế độ công vụ. Các hình phạt này mang tính chất cảnh cáo, răn đe. Theo quy định của nhà Nguyễn, hình phạt Ngũ hình vừa là hình phạt độc lập vừa đi kèm với các hình phạt khác. Bên cạnh đó, tại lệ Điều 1 quyển II Luật Danh lệ (Thục hình), quy định trong 5 hình phạt đều có khoản cho chuộc: “Phàm các vị tiến sĩ, cử nhân và các quan có mũ và đai khi phạm phải tội nhẹ bị xử đánh roi, đánh trượng thì chiếu theo luật được nộp tiền chuộc” trừ quan lại tham lam của cải thì không cho nộp tiền chuộc. Điều này cho thấy, các vua triều Nguyễn đều thể hiện thái độ kiên quyết trừng trị thật nặng đối với quan lại tham nhũng. Mặt khác, cho phép quan lại vi phạm công vụ chuộc tiền khi mắc phải Ngũ hình vừa thể hiện tính giai cấp và nhân đạo vừa làm giàu quốc khố.
– Các hình phạt khác: Trong Hoàng Việt luật lệ có 17 điều 6) đề cập đến nhiều hình phạt khác. Trong đó cách chức (7) là biện pháp buộc người đang giữ một chức vụ nhất định phải thôi đảm nhiệm công việc. Bãi hoặc miễn chức là biện pháp cắt chức, không cho tiếp tục đảm nhiệm chức vụ đang làm (có thể đảm nhiệm công việc khác). Hình phạt bãi chức chỉ được đặt ra đối với quan lại khi vi phạm chế độ công vụ và có phẩm chất kém. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, quan lại sau khi bị cách chức có thể phục chức theo quyết định của nhà vua nếu lấy công chuộc tội hoặc tu dưỡng đạo đức tốt. Đối với các trường hợp bị cách chức, giáng chức đều bị thu lại sắc bằng(8). Thời vua Gia Long và Minh Mệnh, việc thu sắc bằng của quan viên văn võ được giao cho quan bộ Hình, nếu viên nào án xử giáng cấp lưu dụng, hoặc đổi dùng thì tư sang bộ Lại chiếu theo định lệ tra bàn; thời vua Tự Đức, võ quan bị cách chức, bãi chức, giáng chức, điều bổ, việc truy thu bằng sắc đều giao cho ty Phong Cao làm. Trong trường hợp không đem trả thì triều đình cho hạn 1 tháng hoặc nếu trốn tránh không lý do thì triều đình cho hạn 3 tháng, nếu ra đầu thú thì đánh 50 roi, trốn 4 đến 6 tháng nếu tự ra đầu thú phạt 60 trượng; nếu ngoài 6 tháng không kể ra đầu thú hay bắt được chiếu theo luật xử tội đích đáng (Nội các triều Nguyễn, tập 3, 1993: 415).
Bên cạnh đó, tịch thu tài sản và bồi thường tang vật là biện pháp khắc phục hậu quả bằng vật chất của quan lại vì hành vi tham nhũng. Hình phạt này có thể đi kèm với các hình phạt Ngũ hình hay cách chức. Có thể thấy hình phạt vừa có tác dụng răn đe quan lại vi phạm vừa làm giàu quốc khố cho nhà nước, đồng thời nêu cao trách nhiệm của quan lại đối với nhà nước và dân.
Bảng 1. Thống kê lĩnh vực quan lại được khen thưởng và xử phạt thời Nguyễn
Lĩnh vực |
Thưởng |
Phạt |
||||||
Gia Long |
Minh Mệnh |
Thiệu Trị |
Tự Đức |
Gia Long |
Minh Mệnh |
Thiệu Trị |
Tự Đức |
|
Quân sự |
48 |
519 |
250 |
325 |
25 |
326 |
99 |
349 |
Quy tắc làm việc (giờ, liêm chính, đúng phận sự…) |
6 |
323 |
115 |
261 |
54 |
536 |
298 |
176 |
Quan hệ đồng liêu |
1 |
|
|
|
12 |
19 |
14 |
15 |
Quản dân và đời sống kinh tế |
2 |
47 |
10 |
23 |
5 |
60 |
23 |
17 |
Tham nhũng |
|
|
|
|
29 |
95 |
45 |
38 |
Nguồn: Quốc sử quán triều Nguyễn, 2013. Đại Nam thực lục – tập 1 đến tập 9.
4. Thực tiễn áp dụng hình thức khen thưởng và xử phạt
Việc thực hiện chính sách thưởng phạt đối với quan lại dưới triều Nguyễn luôn dựa trên kết quả thực thi công vụ và các quy định pháp luật đề cập đến bổn phận của quan lại với vua, công việc, đồng liêu, dân và bản thân.
Theo Bảng 1, số lượng quan lại nhận được ban thưởng nhiều nhất là trong lĩnh vực quân sự với 1.142 trường hợp (chiếm 59,17% tổng số trường hợp được ban thưởng trong các lĩnh vực), tiếp đó là quy tắc làm việc với 705 trường hợp (chiếm 36,53% tổng số trường hợp được ban thưởng trong các lĩnh vực). Trong khi đó số lượng vi phạm và bị xử phạt về quy tắc làm việc lại chiếm nhiều nhất, 1.064 trường hợp, chiếm 52,47% tổng số trường hợp vi phạm trong các lĩnh vực, tiếp đó là vi phạm về quân sự chiếm 799 trường hợp, 39,40% tổng số trường hợp vi phạm trong các lĩnh vực. Điều này có thể nhận thấy, việc dẹp giặc, bảo vệ lãnh thổ là một yêu cầu cấp bách và việc ban thưởng nhiều, kịp thời sẽ khích lệ tinh thần võ quan và quân đội; đồng thời nghiêm minh với các trường hợp vi phạm quân sự như chậm trễ việc quân hay sợ giặc… đều bị xử phạt nhanh chóng để làm gương cho võ quan. Việc ban thưởng hay xử phạt những hành vi vi phạm về quy tắc làm việc chiếm số lượng nhiều bởi do cách thức tổ chức bộ máy nhà nước, khối lượng công việc nhiều. Mặt khác, do quyền lực nhà nước không có sự phân tách nên một viên quan đảm nhận nhiều công việc khiến họ mắc sai phạm trong quá trình thực thi công việc.
Theo Bảng 2, số lượng quan lại nhận được khen thưởng bằng hình thức thăng chức, vật chất (tiền, quần áo,…) chiếm số lượng nhiều nhất, 1.106 trường hợp (chiếm 55,58%), đặc biệt là dưới thời vua Tự Đức (chiếm 39,42%). Việc thưởng bằng hình thức vật chất hay thăng chức được thực hiện ngay, đem lại sự phấn khích tinh thần ngay tức khắc đối với quan lại thực thi công vụ. Hình thức thưởng quân công, kỷ lục, 873 trường hợp, chiếm 43,87%, nhiều nhất là thời vua Minh Mệnh, chiếm 61,97%. Hình thức ban thưởng này được phân hóa dựa trên kết quả thực thi công vụ để xác định quân công kỷ lục 1 cấp hay 2 cấp. Việc quan lại nhận được quân công hay kỷ lục được xem như một “tấm thẻ ưu đãi” khi xét khảo khóa hay khi có sự vi phạm để có thể được miễn hình phạt. Đối với hình thức khen thưởng là cấp trác dị thì số lượng quan lại nhận được khá khiêm tốn (với 11 trường hợp, chiếm 0,55%). Bởi vì, theo quy định, việc khen thưởng trác dị chỉ được đặt ra đối với những người tài năng vượt bậc. Trong xử phạt, hình thức cách chức và cách lưu chiếm số lượng nhiều nhất với 751 trường hợp (chiếm 32,94%), tiếp đó là các hình phạt khác là 708 trường hợp (chiếm 31,68%); hình phạt Ngũ hình chiếm số lượng lớn, chủ yếu áp dụng đối với các trường hợp tham nhũng. Qua thống kê, trong Đại Nam thực lục số lượng hình phạt Ngũ hình áp dụng đối với tham nhũng thời vua Gia Long là 25, Minh Mệnh là 64, Thiệu Trị là 37 và Tự Đức là 94, trong Ngũ hình hình phạt tử được áp dụng nhiều nhất, 110 trường hợp tội tham nhũng (chiếm 50%).
Bảng 2. Thống kê hình thức khen thưởng và xử phạt quan lại thời Nguyễn
Hình thức khen thưởng |
Số lượng người nhận thưởng |
Tổng |
|||
Gia Long |
Minh Mệnh |
Thiệu Trị |
Tự Đức |
||
Quân công, kỷ lục |
18 |
541 |
142 |
172 |
873 |
Trác dị |
1 |
4 |
5 |
1 |
11 |
Thăng chức, vật chất |
38 |
344 |
228 |
436 |
1.106 |
Hình thức xử phạt |
Số lượng người bị xử phạt |
Tổng |
|||
Gia Long |
Minh Mệnh |
Thiệu Trị |
Tự Đức |
||
Cách chức, cách lưu |
45 |
328 |
146 |
232 |
751 |
Giáng cấp, giáng chức |
20 |
353 |
92 |
89 |
554 |
Phạt bổng |
1 |
92 |
85 |
44 |
222 |
Hình phạt khác (ngũ hình, phát vãng, tịch thu tài sản, quở trách…) |
59 |
263 |
156 |
230 |
7 |
Trong quá trình thực hiện việc khen thưởng hay giáng phạt, đối với một số trường hợp nhất định, các vua nhà Nguyễn có sự cân nhắc nên giáng phạt nặng hay nhẹ, thưởng như thế nào cho xứng. Chính sử chép Hồ Hữu Thẩm vì ngu muội, mắc nhiều tội lỗi, song tính hiền lành mộc mạc, tuổi già không kham được chỗ nhiều việc và cũng là bề tôi cũ nên thay vì cách chức thì vua Minh Mệnh đã ban cho chức Hàn lâm viện Biên tu (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2013, tập 3: 226). Trong trường hợp Tư vụ Nội vụ Nguyễn Đức Tuyên phủ ăn bớt nhựa thơm đã xử chặt 1 bàn tay đem treo, xóa tên trong sổ quan để “hối hận suốt đời và nhờ đó để làm cho mọi người đều biết tỉnh ngộ răn chừa” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2013, tập 3: 290) hay Trần Công Trung làm việc ở kho kinh đã gây khó dễ lạm thu gần 10 lạng đã bị đem chém ở chợ Đông (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2013, tập 2: 526) để cho lòng người sợ không dám khinh nhờn pháp luật. Hoặc Hữu Thị lang bộ Lễ sung làm việc ở Nội các là Hoàng Quýnh, Đãi chiếu Nguyễn Chính Tiết bị tội giảo giam hậu do gian dối thông đồng che giấu tội dùng ấn bảo ngự đóng lại công văn… Mặt khác, các vị vua triều Nguyễn luôn tạo cơ hội cho quan lại phạm tội có cơ hội lập công để sửa chữa sai lầm chuộc tội. Nhà sử học Phan Huy Chú từng bị cách chức, cho đi công cán ở Indonesia, sau lại được bổ nhiệm, hay Cử nhân Lý Văn Phức từng bị giáng chức sau được phục chức hoặc Nguyễn Công Trứ có lần bị cắt hết chức tước sau lại được khôi phục và thăng chức… Sự cân nhắc đó thể hiện tư tưởng cai trị “đức, pháp kết hợp” của các vua triều Nguyễn.
Khi tiến hành khảo xét quan chức, vua Minh Mệnh chuẩn định trường hợp các trưởng quan ở địa phương không để ý kiểm soát khảo hạch thì mỗi một quý hoặc vài tháng, hoặc không định kỳ, phái quan ở Kinh đi xét để trách phạt với tinh thần nếu tỉnh nào có Tổng đốc, Tuần phủ thì trách cứ Tổng đốc, Tuần phủ, Lãnh binh và quản quan, tỉnh nào không có Tổng đốc, Tuần phủ thì trách cứ Bố chính, Án sát, Lãnh binh và quản quan (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2013, tập 4: 218) hoặc nếu sát hạch viên dịch sai lầm sẽ bị phạt bổng.
Vua Thiệu Trị dụ rằng: “Ta là chủ thiên hạ, chỉ giữ một lòng rất công rất chính, giữ tin thực về việc thưởng người có công, phải quả quyết về việc phạt kẻ có tội; không bè đảng, không thiên lệch”, “không vì người thân mà bỏ phép nước” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2013, tập 6: 494, 617). Điều này được ghi chép rất rõ trong chính sử về một số trường hợp công hầu phạt nặng như Điện bàn Phổ tùy ý bắt lính làm việc riêng phạt 5 năm lương, làm mất ấn, tâu đối không thực chiết can 20 năm lương nhưng thuộc bát nghị nên phạt 8 năm lương; Miên Công để cho phủ thuộc đánh nhau phạt bổng 1 năm; Hàm Thuận quận công Miên Thủ nuôi chứa phường chèo trong nhà phạt bổng 1 năm…
Các quy định về chính sách khen thưởng tạo động lực phấn đấu cho quan lại trong thời gian thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, với cách thức tổ chức quyền lực nhà nước là “tôn quân quyền”, quyền lực tập trung vào tay vua, quyền lực không có sự phân chia và một viên quan kiêm nhiệm nhiều công việc đã dẫn tới hệ quả, họ phải nỗ lực giải quyết tất cả các công việc để có thể được nhận sự khen thưởng của nhà nước. Bên cạnh đó, có một số đại thần xuất thân khoa mục, dù làm quan đến chức Tam công, Tam thiếu hoặc Thượng thư như Hà Duy Phiên, Ngụy Khắc Tuần, Phan Thanh Giản… đều không được phong hay truy phong tước (Nguyễn Minh Tường, 2015: 735). Bởi vì theo nhà vua họ xuất thân văn quan, vốn không có công tích gì lớn đối với quốc gia nên chỉ cần cho giữ chức vụ cao, bổng lộc hậu là đủ. Bên cạnh đó, chính sách xử phạt quá nghiêm khắc, đặc biệt là hình phạt ngũ hình làm đau đớn thân thể của quan lại phạm tội, cũng như để lại vết nhơ trong cuộc đời làm quan cho đến khi chết, như vụ án Lê văn Duyệt.
5. Kết luận
Có thể thấy, sự đa dạng trong hình thức xử phạt cũng như khen thưởng của triều đình nhà Nguyễn gắn liền với vị trí công việc, kết quả thực thi công việc, và kết quả khảo khóa đã giúp thực hiện đúng, kịp thời để cất nhắc người có công và trừng phạt người có tội. Chính sách xử phạt cùng với những đãi ngộ của các vua triều Nguyễn đã tạo nên sự công tâm trong đội ngũ quan lại giúp việc và phần nào đã tạo nên hiệu quả cai trị. Do vậy, bên cạnh việc học tập những chính sách tiến bộ của các nước trên thế giới cần lưu tâm, “ôn cố tri tân”, tham khảo phương sách của cha ông trong lịch sử để rút ra những giá trị và vận dụng trong tổ chức và quản lý xã hội hiện nay.
Chú thích:
(1) Tứ bất: không lập hậu, không lập thái tử, không phong vương cho người ngoài hoàng tộc, không lấy trạng nguyên.
(2) Luật Danh lệ: Điều 8,18 Q.II; Lệ Điều 3 Q.III; Lại luật: Điều 1, 3, 8 quyển V chương 2; Hộ luật: Điều 10 Q.VI chương 2; Điều 4, 17, 18 Q.VIII chương 4; Lễ luật: điều 5, 6, 7 Q.IX chương 2; Hình luật: Điều 8 Q.XVIII chương 13.
(3) Gửi bổng lại đó đợi xét xong án.
(4) Bị đình chỉ không cấp lương ăn.
(5) Lại luật: Điều 2,3,4,5,6,7,8,9,10,11,12,13 Q.IV, chương 1; điều 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 Q.V chương 2; Hộ luật: Điều 1, 6, 9 Q.VI chương 1; Điều 2, 5, 10 Q.VI chương 2; Điều 1, 2, 3, 4, 6, 8, 9, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20 Q. VIII chương 4; Điều 2 Q.VIII chương 5; Lễ luật: Điều 1 Q.IX chương 1; Điều 1, 2, 4, 5, 8, 9, 10, 11, 12, 14, 16 Q.IX chương 2; Hình luật: Điều 1,2,10,11 Q.XII chương 1; Điều 3 Q.XIII chương 3; Điều 12 Q.XIV chương 4; Điều 5, 6, 8 Q.XV chương 5; Điều 2, 3 Q.XV, chương 7; Điều 3, 4, 5 Q. XV, chương 8; Điều 1, 2, 3, 4, 6, 8, 9 Q. XVII chương 9; Điều 3, 4, 6, 7, 8, 9 Q.XVII chương 10; Điều 9 Q.XVIII chương 11; Điều 3, 5, 7 Q.XVIII chương 12; Điều 8 Q.XVIII chương 13; Điều 1, 2, 4, 5, 6, 7, 10, 13 Q.XIX chương 14; Điều 1, 3, 4, 5, 7 Q.XX chương 15.
(6) Luật Danh lệ: Lệ điều 10 Q.III; Lại luật: Điều 2, 6, 7 Q.IV, chương 1; Lệ điều 5, 14 Q.V chương 2; Hộ luật: Điều 2, 5 Q.VI chương 2; Lệ Điều 7, 13 Q.VIII chương 4; Lễ luật: Điều 4, 5, 12, 16 Q.IX chương 2; Hình luật: Điều 1, 6 Q.XVII chương 9; Điều 6 Q.XVIII chương 11.
(7) Có hai hình thức: cách lưu và cách nhiệm. Cách lưu là bị mất chức quan nhưng cho ở lại làm việc để thử thách. Cách nhiệm là bị cách chức và phải rời nơi làm quan đến một nơi khác để làm việc.
(8) Sắc bằng bao gồm cáo sắc, chiếu văn, sắc thư, lục chỉ, phó bằng được cấp cho quan viên lớn nhỏ văn võ trong Kinh và ngoài các trấn, được thăng thụ, bổ thu, gia hàm, thụ hàm, đổi bổ, kiêm lĩnh, sung biện, giáng điệu, giáng bổ, giáng lưu, cách lưu, khởi phục và tất cả những người được sai phái.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Phan Huy Chú. 1996. Lịch triều hiến chương loại chí – tập 1. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
2. Ngô Sĩ Liên. 1993. Đại Việt sử ký toàn thư. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội,
https://sites.google.com/site, truy cập ngày 7/7/2021.
3. Dương Hồng, Vương Thành Trung, Nhiệm Đại Viện, Lưu Phong. 2003. Tứ thư. Hà Nội: Nxb. Quân đội Nhân dân.
4. Nguyễn Hiến Lê. 2006. Khổng Tử. Hà Nội: Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
5. Nội các triều Nguyễn. 1993. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ – tập 2, 3, 4: Huế: Nxb: Thuận Hóa.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn. 1994. Minh Mệnh chính yếu. Huế: Nxb: Thuận Hóa.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn. 2013. Đại Nam thực lục – tập 2, 3, 4, 5, 6. Hà Nội: Nxb. Giáo dục, Hà Nội, https://sites.google.com/site/, truy cập ngày 7/7/2021.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn. 2004. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên – tập 2. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.
9. Hàn Phi. 2005. Hàn Phi Tử. Hà Nội: Nxb. Văn học.
10. Nguyễn Minh Tường. 2015. Tổ chức bộ máy nhà nước quân chủ Việt Nam (từ năm 938 đến năm 1884). Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội, số 1 (281), 2022
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Chế độ thưởng phạt quan lại thời Nguyễn (1802-1884) – Tác giả: Phạm Thị Thu Hiền |